Tuesday, 15 October 2019

Lm Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT : GƯƠNG SÁNG CỦA BÀ GÓA


­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­
Dụ ngôn trong phần phụng vụ Lời Chúa của Chúa nhật tuần này và tuần sau liên kết với nhau trong một chủ đề, đó là cầu nguyện. Cầu nguyện là đề tài quan trọng trong Tin Mừng theo Thánh Luca. Thánh sử đã cố gắng đặt tất cả các biến cố quan trọng xẩy ra trong sứ vụ của Đức Giê-su trong bối cảnh của việc cầu nguyện.

Nhìn vào cách thức và lời giảng dậy về cầu nguyện của Đức Giê-su, chúng ta nhận ra rằng cầu nguyện là hành động được bộc lộ của lòng tin, đó không chỉ là việc phát sinh từ lòng đạo đức hay cơ hội để chúng ta trình bầy các nhu cầu của con người lên Chúa. Thật vậy, lòng tin của chúng ta cần được biểu lộ bằng việc làm và các việc làm đó phải được phát sinh từ mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa. Và mối quan hệ này phải có tính bền vững như điều Đức Giê-su nói với các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay. Nếu những ai theo Chúa mà không ngày đêm kêu cứu Chúa, thì thực tế họ không có lòng tin nơi Người. Nói khác đi, cầu nguyện là hành động quan trọng mà các kẻ tin phải thường xuyên thực hiện.

Vì thế, trong câu mở đầu của bài Tin Mừng chúng ta đã nhận ra bài học và ý muốn của Đức Giê-su. Người dậy chúng ta phải siêng năng cầu nguyện. Cầu nguyện với lòng tha thiết và liên tục, không được nản chí. Sau đó, Người đã minh họa lời giảng dậy bằng dụ ngôn ông quan tòa bất lương gặp bà góa quấy rầy.

Trước tiên là việc xuất hiện của ông quan tòa. Các chi tiết mô tả về tính nết của ông quan tòa như: bất lương, không sợ trời, chẳng nể đất và cũng chẳng sợ ai được nhấn mạnh nhằm chuẩn bị cho chúng ta nhìn thấy trước khó khăn mà bà góa sẽ phải đối diện. Một ông quan tòa với cá tính như thế thì còn quan tâm và để ý đến lời van xin của ai nữa. Số phận của bà góa thật không may khi việc kiện tụng của bà lại được ông quan tòa ‘không có lòng thương xót’ định đoạt. Việc trình bầy ông quan tòa như thế chuẩn bị cho chúng ta nhìn ra số phận hẩm hiu của bà góa.

Sau đó, một bà góa như tất cả mọi bà góa trong xã hội Do Thái được trình làng. Hoàn cảnh của các bà góa thời Đức Giê-su không được bảo vệ và không có nhiều quyền lợi như các bà góa trong xã hội hiện đại. Họ là những người cô thân cô thế, bị thiệt thòi mọi sự, không ai binh vực. Nhưng lòng kiên tâm của bà được đề cao. Đó là điểm chính yếu của dụ ngôn. Bà cứ kiên trì kêu cầu mãi. Hết ngày này đến hôm khác, bà cứ chờ chực ở cửa quan để đòi công đạo, đòi được minh xét vì bà nghĩ rằng phần lỗi về đối phương, họ đã làm hại đến bà. 

Cuối cùng, vị quan tòa vô tâm và chẳng hề biết sợ ai của chúng ta cũng phải đứng ra xét xử bịnh vực quyền lợi cho bà. Thật lý thú khi chúng ta nghe được lối suy nghỉ của ông khi xét xử, ông ta chẳng vì công lý hay bị lương tâm thúc đẩy mà binh vực cho quyền lợi của bà mà chỉ vì sợ bị bà quấy rầy khiến cho ông bị nhức đầu long óc mà xử cho xong. Từ trong lối suy nghĩ của ông, chúng ta thấy ông quan tòa trước sau vẫn là ông quan tòa, không có một chút thay đổi. Ông ta vẫn vì tính ích kỷ và vì quyền lợi của bản thân mà xử quách cho xong để khỏi bị bà góa vô danh tiểu tốt làm cho ông bị nhức đầu nhức óc nữa.

Sau khi kể xong câu chuyện, Đức Giê-su mới kết luận: “Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao?” Như vậy, câu đầu tiên và câu cuối cùng của bài Tin Mừng cho chúng ta thấy ý tưởng chính là cần phải cầu nguyện luôn, đừng nản chí.

Vẫn biết là như thế; nhưng sự hiểu biết của chúng ta về cầu nguyện có đem lại lợi ích gì hay không? Có nhiều người nói rất hay mà không thực tâm cầu nguyện thì cho dù bài nói có sâu sắc đến đâu cũng không có sức mạnh để truyền lửa cho người nghe. Các Tông Đồ, sau khi chứng kiến giây phút cầu nguyện giữa Đức Giê-su và Cha Ngài nên họ đã xin Người dậy cho ho phương thức để cầu nguyện; và Đức Giê-su bèn chia sẻ ngay những tâm tình mà Người vừa tâm sự với Cha của Người cho các Tông đồ; từ đó chúng ta có  Kinh Lậy Cha.

Cầu nguyện là việc phải thực hành, không chỉ một lần mà làm liên tục. Trong niềm tin và phó thác chúng ta dâng lên Chúa tất cả, không phải cứ mỗi lần chạy đến với và bên Chúa lại là xin ơn.
Ý tưởng nêu trên được minh họa qua truyện kể sau.

Có một gia đình kia không giống như các gia đình khác. Ông chồng của căn nhà này là người cầm lõi, tay hòm chìa khóa thay vì nằm trong tay bà vợ như mọi gia đình khác thì lại nằm trong tay ông. Được một điều là ông rất đại lượng, không chi ly và ít khi chất vấn vợ con về việc này.

Thế mà, đã có một lần ông cảm thấy nhức đầu long óc khi những người con của ông, hết cô này đến chú kia, lần lượt đến xin ông điều này, đứa khác lại xin ông cho tiền mua điều nọ. Đứa nào cũng cần. Cái gì các cháu đưa ra cũng đều đúng… Thế mới làm ông khổ. Từ trong nỗi khổ đó ông mới nghiệm ra một điều là con cái của ông dù lớn về phần xác, nhưng chưa một cháu nào trưởng thành và biết suy tính cho cuộc sống của chúng cả. Lúc nào hết xin lại đến cầu, cứ như vậy thì làm thế nào!

Từ hoàn cảnh thực tế mà nhiều gia đình vướng phải anh chị em thử hình dung ra cảnh Chúa phải nghe chúng ta, bao nhiêu tỷ người, lải nhải. Hơn nữa nhiều lúc chúng ta xin điều mà chúng ta không biết mình xin gì nữa. 

            Vẫn biết khi đau thì xin khỏi bịnh… Nhưng, tại sao không xin phó thác và can đảm để đối diện với căn bịnh. Đó là chưa kể đến việc nếu bịnh nào Chúa cũng chữa khỏi thì cần gì mấy ông bác sĩ và cũng chẳng cần ngân sách để xây thêm nhà thương và các viện nghiên cứu nữa.

            Rồi trong cảnh nghèo, túng thiếu thì xin no đủ… Nhưng, tại sao không xin chấp nhận và cầu nguyện cho mấy ông nhà giầu biết noi gương Chúa mà sống đại lượng. 

Làm thế nào để lời cầu xin của chúng ta được Chúa ban trong khi chúng ta lại sống ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến nhu cầu, dù thiết yếu, nhưng vẫn là xin cho mình.

Nói chung, dù xin ơn là điều chính đáng và cần thiết. Nhưng chúng ta dễ rơi vào vị trí của những người chỉ biết ỷ lại, chờ đợi sự bố thì của kẻ khác; chưa kể đến các ơn mà chúng ta xin dường như chỉ vì nhu cầu của bản thân…. Tại sao không xin ý Chúa….

Chúa dậy chúng ta phải lo và quan tâm đến cuộc sống của nhau. 

Lo bằng tâm (có nghĩa là cầu nguyện), quan tâm bằng hành động (viêc làm).

Để kết thúc, xin anh chị em cùng nghe phần chia sẻ của cố Đức Hồng Y Sin, Tổng giám mục Ma-ni-la, Phi Luật Tân. Ngài có thói quen kết thúc các bài giảng bằng việc trích dẫn một vài ý trong bài thơ của một tác giả vô danh như sau: 

·         Tôi đã xin Chúa cất đi tính kiêu căng và Chúa trả lời: “Không”. Ngài nói rằng không phải Ngài sẽ cất đi tính xấu đó, mà chính tôi mới là người cố gắng chiến đấu để vượt thắng nó.

·         Tôi đã xin Chúa ban cho tôi lòng kiên nhẫn và Chúa đã trả lời: “Không”. Ngài nói rằng kiên nhẫn là hoa trái của thử thách. Ngài không ban cho tôi trái ấy mà để tôi tự tìm lấy.

·         Tôi đã xin Chúa ban cho tôi được hạnh phúc và Chúa đã trả lời: “Không”. Ngài nói rằng Ngài ban ân phúc cho tôi, còn hạnh phúc hay không là tùy vào cách thức tôi đón nhận và hành động.

·         Tôi đã xin Chúa gia tăng tinh thần cho tôi và Chúa đã trả lời: “Không”. Ngài nói rằng tôi phải học để trưởng thành và lớn lên, nhưng Ngài sẽ mài dũa và cắt tỉa để tôi sinh thêm nhiều hoa trái.

·         Tôi đã xin Chúa đừng để tôi đau khổ và Ngài đã trả lời: “Không”. Ngài nói rằng đau khổ là một phần của đời sống và giúp tôi đến gần Ngài.

·         Tôi đã hỏi: “Liệu Ngài có yêu tôi không” và Ngài đã trả lời: “Có”. Ngài nói rằng Tình Yêu là bản chất và lẽ sống của Ngài. Chính Đức Giê-su, người Con mà Ngài yêu nhất đã chết để bộc lộ Tình Yêu đó cho tôi.

·         Sau cùng, tôi đã xin Chúa giúp tôi yêu mến tha nhân như Ngài yêu thương tôi và Chúa nói: “Cuối cùng con đã xin đúng điều Chúa mong đợi”.

Hy vọng, tâm sự nguyện xin nói trên cũng là tâm tư của chúng ta. 

Nguyện xin Chúa ban thêm lòng tin để chúng ta luôn kiên tâm cầu nguyện để đến khi Người đến vẫn còn thấy lòng tin trên trái đất này.

Lm Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT
14/10/2019

No comments: