Hẳn anh chị em vẫn
còn nhớ, Tin Mừng không phải là một lý tưởng huyền thoại mà chất chứa một sứ điệp
chất vấn và đòi buộc chúng ta phải thay đổi. Nếu chưa được biến đổi thì Tin Mừng
vẫn chỉ là những bản văn chết và không có ảnh hưởng gì trên cuộc sống của chúng
ta.
Bài Tin Mừng hôm nay
thuật lại cuộc biến đổi của ông Da-kêu, trưởng ban thu thuế. Câu chuyện này nối
tiếp với bài Phúc âm tuần trước. Trong đó, thánh sử đã trình bầy về cử chỉ và
hành động của hai người, Pharisiêu và thu thuế, trong đền thờ; còn hôm nay là
cuộc gặp gỡ của Đức Giê-su và ông Da-kêu, trưởng ban thu thuế.
Trong xã hội Do Thái
dưới thời Đức Giêsu thì những người thu thuế được coi như là những nhận vật
nguy hiểm và bị dân chúng thù ghét. Họ là những người cộng tác với đế quốc Rôma,
một thể chế đang thống trị và đàn áp dân Do Thái lúc bấy giờ. Họ có một đội ngũ
tay sai, điềm chỉ viên, chuyên săn tin và báo cáo cho họ biết ai đã thu hoạch
được một vụ mùa bội thu hay ai đã kiếm được một khoản lợi nhuận qua việc trao đổi
và buôn bán trên thị trường. Sau đó, những người thu thuế sẽ xuất hiện để đòi
chia lợi nhuận dựa trên tỷ lệ phần trăm.
Thậm chí, chính quyền
Rô-ma còn cho phép họ đánh thuế bằng hiện vật từ những người nghèo, không có tiền
đóng thuế. Có nghĩa là, họ có quyền bắt giữ con cái của các gia đình thiếu thuế
làm nô lệ cho họ.
Với phương thức như
thế, những người thu thuế dù liêm khiết và thành thật đến mức độ nào cũng trở
nên giàu có và bị dân chúng thù ghét. Cụm từ địa chủ hay cường hào ác bá, sống
trên xương máu của nhân dân cũng chưa đủ nghĩa để nói lên công việc của những
người thu thuế.
Những người Do Thái
không chỉ thù ghét họ mà còn tránh né và không bao giờ tiếp xúc nói chi đến việc
đưa ra lời mời gợi ý giúp họ thay đổi. Và cũng chỉ vì bị cô lập và bị đối xử
tách biệt như thế cho nên những người thu thuế chỉ biết dùng đủ mọi cách thức để
tiếp tục làm giầu và vui thích với ý nghĩ của những kẻ có quyền lực bằng sự giầu
có mà họ đã tích lũy được.
Trong Tin Mừng theo
Thánh Lu-ca, chúng ta khám phá rằng không chỉ một lần mà rất nhiều lần các nhân
viên thu thuế đã xuất hiện để nghe Thánh Gioan tiền hô và Đức Giê-su rao giảng.
Và trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta nhận ra bản chất và sức mạnh của Đức
Giê-su mang đến. Người cảm nhận và kinh nghiệm rằng tình yêu của Thiên Chúa
không loại trừ một ai và được thể hiện tại bất cứ nơi nào.
Người lại một lần nữa
hoán đổi ngôi vị, từ khách ra chủ. Da-kêu có thể vì tò mò nên ông đã chủ động
trong việc tìm kiếm để xem Đức Giê-su mà người ta đang bàn tán là ai. Nhưng khi
nhìn thấy ông đang ngồi ở trên cây thì Đức Giê-su đã đi bước trước, không bộc lộ
một cử chỉ nào để đáp lại Da-kêu, mà Người đã chủ động tự mời mình đến lưu ngụ
tại nhà Da-kêu và Da- kêu đã được biến đổi sau khi nhận lời mời của Người.
Cuộc biến đổi trước
tiên đã được mô tả thật rõ ràng qua cử chỉ và việc làm của ông. Ông vội vàng tụt
xuống, vui mừng đón tiếp Chúa đến nhà ông. Trong khi đó, đám đông lại bị sốc vì
hành động của Đức Giêsu. Người không đứng về phía nhân dân nữa mà lại làm bạn
với bọn hút máu mủ của dân chúng. Nhưng điều mà Đức Giêsu quan tâm hôm nay là Dakêu,
một con người bị ruồng bỏ hơn là việc luật lệ hay truyền thống bị xúc phạm.
Công việc thu thuế của Da-kêu tuy xấu thật; nhưng con người của Da-kêu, cũng
như mọi người chưa hẳn là xấu. Sự thiện hảo và lòng tốt vẫn còn trong ông, nó chưa
hẳn bị tê liệt hoàn toàn, cần được hâm nóng và làm cho chỗi dậy.
Khi bước chân vào nhà
Dakêu, Đức Giêsu đã trả lại cho ông phẩm giá của một con người có thể bị đánh
mất vì chức nghiệp. Người phục hồi hình ảnh tốt trong ông, Người kéo ông ra khỏi
môi trường đã giam cầm ông. Nguyên tắc căn bản mà Đức Giêsu thường xuyên áp dụng,
đặc biệt cho hoàn cảnh của Dakêu hôm nay là giúp ông nhận ra sự quảng đại của
Thiên Chúa, Đấng hòa hợp với lòng tốt đang tiềm ẩn trong ông. Da-kêu sẽ không
thể thay đổi nếu ông không nhận ra bản tính lương thiện vẫn hiện diện trong
ông. Ông đã được hâm nóng và đốt cháy bởi ngọn lửa yêu thương, lòng nhiệt thành
và tâm hồn quảng đại của Đức Giêsu.
Có một điểm quan trọng
mà chúng ta cần lưu ý ở đây mà áp dụng, đó là phải chú ý đến cách mà Đức Giê-su
đã làm. Người không đưa ra yêu cầu hay một việc đền tội nào cho Da-kêu cả. Người
tạo cơ hội và không gian để Da-kêu tự do chọn lựa cách thức mà ông muốn chuyển
hướng cuộc sống của ông.
Thật không may, phản ứng
của chúng ta thì giống như đám đông cùng thời với Đức Giêsu. Chúng ta có thói
quen chôn và giam giữ người khác chung với những sai lầm trong quá khứ của họ.
Chúng ta lại thường xuyên học theo lối lên án và kết tội người khác hơn là tạo
cơ hội giúp cho họ khẳng định các mặt tích cực trong cuộc sống của họ. Tầm nhìn
của Đức Giêsu thì rộng và xa hơn những gì mà chúng ta có thể nhìn thấy. Người
không nhìn Dakêu là kẻ tội lỗi, mà luôn coi ông là con cháu tổ phụ Ápraham,
cũng được thừa hưởng một nguồn ơn cứu thoát.
Như vậy, qua cuộc gặp gỡ của Đức
Giê-su với ông Dakêu, Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta nhận ra một chân lý
lạ lùng này, đó là Người đến để mời gọi con người đặt lại đúng chỗ những gì đã bị mất hay đã hư đi. Da-kêu đã được gặp
Chúa và cuộc gặp gỡ này đã đổi mới cuộc đời ông. Trong hành trình đổi mới này, Da-kêu
trước tiên đã công khai sửa chữa những việc làm sai trái của ông. Thay vì chay
theo tiền bạc, danh vọng, chức vụ rồi chỉ lo đến mình… bây giờ ông theo Chúa và
lo cho người khác, nhất là người nghèo rồi đền bù các thiệt hại do ông gây ra.
Liệu chúng ta đã thực
sự gặp Chúa để được đổi mới hay chưa?Dù cuộc đời chúng ta vẫn
gắn liền với sự mỏng dòn, yếu đuối của thân phận làm người và thuờng xuyên phạm
tội; nhưng đó cũng chỉ là điều để chúng ta biết rằng chúng ta vẫn là con người,
vẫn đang đi trên đuờng, nhắm đích mà tiến buớc. Chúng ta chưa hoàn hảo. Nhưng đừng
vội thất vọng. Chúa vẫn đang ngước mắt tìm và nhìn thấu ta. Còn ta thì hãy buớc
ra khỏi chính mình (leo lên cây) để nhìn sự thiện hảo của Thiên Chúa nơi mình; hành
động với lòng yêu mến chân thành mà Chúa đã đặt trong mình; rồi mở rộng vòng
tay chào đón nhau trong Chúa.
Lm
Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT
28/10/2019
No comments:
Post a Comment