Monday, 22 October 2018

NỖI XÓT XA CỦA KIẾP ĐỌA ĐẦY



"Thương dân nghèo ruộng hoang cỏ cháy. 
Thấy nỗi xót xa của kiếp đoạ đầy…"

(Trích lời nhạc phẩm “Anh đi chiến dịch” của Phạm Đình Chương)

Ở Việt Nam lại mới có thêm một lãnh đạo cấp cao qua đời, ông được lịch sử ghi lại với những lời nói và những quyết định sắt máu về số phận của Miền Nam Việt Nam và hệ lụy đến cả đất nước chưa biết đến bao giờ mới hết! Chiến Dịch X.3 của ông đúng là một chiến dịch long trời lở đất, toàn bộ nền kinh tế tự do của Miền Nam sụp đổ, hàng ngàn doanh nghiệp lớn nhỏ làm nền tảng một thị trường kinh tế nhanh nhậy, tiến bộ, chỉ trong vòng vài ngày bị phá tan tành, hàng trăm ngàn người trong tích tắc như một cơn mơ, tỉnh lại chơ vơ giữa rừng núi bạt ngàn, là nguyên nhân cho hàng ngàn cánh rừng từ đó đã trở thành nương rẫy.


Ngày ấy là sinh viên, nhưng tôi không bị buộc tham gia Chiến Dịch X.3, thật ra lúc đó chỉ biết có lệnh kêu gọi tập trung chứ không biết chuyện gì, không buồn tập trung vì trong lòng ngán ngẩm chỉ muốn bỏ học. Bạn tôi về kể lại cái đêm tập trung ở sân vận động Cộng Hòa (không lâu sau đó bị đổi tên là Thống Nhất), hàng hàng lớp lớp sinh viên được bơm vào đầu tư tưởng căm thù bọn tư sản, được rèn ý chí quyết tâm quét sạch, bắt sạch, không khoan nhượng. 


Bạn tôi bị tổn thương tâm lý nặng vì những hình ảnh dã man tàn bạo mà đội quân Chiến Dịch X.3 đối xử với các gia đinh doanh nghiệp, những cuộc tự vẫn ngay trước mắt bạn, những tiếng thét gào đau xót của những người bỗng dưng bị tước đoạt sạch của cải, những ánh mắt đờ đẫn vô hồn nhìn tài sản bị cướp đi, những thân xác rã rời bị quăng lên xe tải đi về một miền vô định… Vài năm sau, hàng ngàn ngôi mộ đã mọc lên nơi vùng hoang dã, hàng trăm ngàn người quặt quẹo về sống lây lất ở thành phố, căng lều ở ngay trước ngôi nhà của mình, thân mang theo bệnh tật... 


Sau này người bạn ấy không thể tiếp tục đến trường, mất phương hướng, hoảng loạn kéo dài… Một buổi sáng không lâu sau chiến Dịch X.3, tôi đang làm việc trong một công ty có trụ sở ở khu cư xá Thanh Đa, người bảo vệ báo cho tôi biết có khách đến tìm, tôi và bạn ấy chỉ gặp nhau mấy phút, hai đứa đứng ở lề đường trước chợ Thanh Đa, tôi đã không quên những lời sau cùng của bạn nói với tôi: “Tao không thể ở được nữa, tao đi, cầu nguyện cho tao." Rồi bạn ấy gầy gò cúi mình trên chiếc xe đạp khung ngang màu mỡ gà đạp đi. Từ đó không có một tin nào về bạn nữa kể từ khi bạn xuống tàu ra khơi! Bạn đã làm mồi cho biển cả. Gần 40 năm rồi tôi mất người bạn thân nhất đời, thân như anh em ruột thịt.


Trong những chuyến công tác ngược xuôi qua nhiều miền, tôi chứng kiến hàng trăm ngàn cảnh đau khổ của người dân nghèo Miền Nam trên các chuyến xe công cộng. Người ta kiểm soát chặt chẽ không để một hạt gạo từ địa phương này lọt sang địa phương kia. Miền Nam ngày ấy trù phú nhưng do bị cô lập từng địa phương một nên nạn đói khổ lan tràn khắp nước, đặc biệt vùng thành thị. 


Có thời gian tôi làm việc ở tỉnh Trà Vinh, huyện Cầu Ngang, lúa đó Sàigòn đói kinh khủng, trong khi Trà Vinh thịt heo, tôm cá,  gạo thóc dư thừa. Thế là trên đường về Sàigòn tôi mang theo một bình 2 lít mỡ heo, người nhân viên kiểm soát trạm Phú Lâm tay đeo băng đỏ phát hiện ra số mỡ được kín đáo đựng trong chiếc bình dầu nhớt cũ của tôi, anh ta lạnh lùng tịch thu một cách dứt khoát, gương mặt ấy tôi không thể quên được vì hắn chính là người ngồi chung lớp với tôi năm cũ. Những lần sau tôi đi trót lọt vì tôi xin quá giang các chuyến xe tải của công ty, nằm trong thùng xe lủng củng máy trộn bê tông, dàn giáo, cuốc xẻng, vỏ bao xi măng, lẫn trong đó có cả những bình mỡ heo của anh em chúng tôi. 


Giới trí thức Miền Nam chúng tôi gạt nước mắt sống hèn kém vì cái bụng của mình và của người thân mình như thế đó.


Những chuyến xe từ Đà Lạt theo quốc lộ 20 về thành phố, trạm dừng là Bảo Lộc, bao giờ cũng phải có một đêm nằm ở bến xe Bảo Lộc xếp hàng từ khuya chờ mua vé chính thức với cái thẻ ưu tiên “cán bộ kỹ thuật”, xe ra khỏi khúc cua vào quốc lộ chạy ngang mặt trường “Nông Lâm Súc” cũ, sẽ là một trận mưa các bao trà khô được quăng ào ào lên trên người hành khách, và tiếp theo là đội quân buôn trà y như du kích sẽ vội vã nhảy lên theo. Để có thể thoát được đội kiểm soát và được nhà xe chấp nhận chở, họ đã phải tính toán mặc cả rất chi ly sát xao, những cô gái trẻ, có cả những bà vợ của sĩ quan đi tù đã phải “hối lộ thân xác” với cánh tài xế hoặc lơ xe để mưu sinh qua buổi ngặt nghèo.


Hàng trăm điều đau đớn khốn khổ đã đổ ập xuống đất nước này, không những phải trả giá bằng bao nhiêu sinh mạng, nhưng điều tệ hại là phá tan nền kinh tế và khiến cà đất nước kiệt quệ cho đến ngày nay, đẩy một quốc gia thịnh vượng vào bậc nhất Đông Nam Á xuống hàng chót, hủy hoại nền đạo đức truyền thống của dân tộc, sản sinh ra một lối sống vô cảm, giành giật, hưởng thụ và tàn ác. 


Người ta tổ chức quốc táng và buộc mọi người phải tiếc thương người cái con gây ra đại họa ấy! Giải khăn tang vắt ngang trên “…dân nghèo ruộng hoang cỏ cháy. Thấy nỗi xót xa của kiếp đoạ đầy…" đau thương !


Lm. VĨNH SANG, DCCT tháng 10.2018

No comments: