Thursday, 26 July 2018

Lm Giuse Mai Văn Thịnh DCCT: HÃY TRAO RỒI CHÚA SẼ BAN.



Bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe hôm nay được trích dẫn từ Tin Mừng theo Thánh Gio-an. Và trong các Chúa Nhật của những tuần kế tiếp, chúng ta sẽ đuợc nghe Lời giải thích của Đức Giê-su về việc này, mà chúng ta hay gọi đó là diễn từ bánh hằng sống. Nói khác đi, trong phần phụng vụ Lời Chúa của thời gian này, chúng ta đuợc Thánh Gioan mời gọi, cùng với ngài, một lần nữa đào sâu phần suy niệm về Bí tích Thánh Thể và về cách thức đáp trả bằng đức tin về Mầu nhiệm do chính Đức Giêsu cử hành và diễn giải.

Truớc tiên, trình thuật phép lạ Bánh hóa nhiều dường như đã đuợc lưu truyền bằng cách kể truyện cho nhau nghe, trước khi các Thánh sử ghi lại trong sách Phúc âm. Trong khi các sách Tin Mừng nhất lãm (Mat-thêu, Mác-cô và Lu-ca) đều ghi lại việc Đức Giê-su lập bí tích Thánh Thể thì Thánh Gio-an lại không có trình thuật này; nhưng để bù lại, ngài đã dành nguyên một đoạn, đó là đoạn 6 để bàn về chủ đề: Đức Giê-su là sự sống đích thật cho những ai tin vào Người. 

Không giống như các sách Tin Mừng khác, Thánh Gio-an không dùng từ phép lạ, thay vào đó ngài dùng cụm từ ‘dấu lạ-sign’ để nói về biến cố này. Theo ngài, dấu lạ tuy quan trọng, nhưng diễn từ giải thích ý nghĩa của dấu lạ ‘bánh hoá nhiều’ thì quan trọng hơn. Người chính là Bánh Hằng sống duỡng nuôi chúng ta. 

Tấm bánh mà Người nhận được từ bàn tay của em bé, một chú trẻ con không có địa vị và tiếng nói trong xã hội thời đó, có thể là dịp để Chúa thể hiện quyền năng của Người. Tấm bánh đó không chỉ nhắc lại cho dân Do Thái nhớ lại tình yêu thương săn sóc của Thiên Chúa, Đấng đã ban Manna nuôi sống họ trong hoang địa qua sự dẫn dắt của Mai-sen. Tấm bánh đó còn là dấu chỉ hướng họ về Thân Thể của Đức Ki-tô, Đấng sẽ dùng chính thân xác mình làm của ăn nuôi toàn dân. 

Như vậy, dấu lạ hôm nay là một cơ hội để Đức Giê-su loan báo một sứ điệp quan trọng. Sứ điệp không chỉ đem lại sự sống cho thân xác; nhưng toàn diện, từ thân xác đến tâm linh, từ tư tưởng đến lối suy nghĩ, từ lời nói đến hành động của con người. 

Kính thưa anh chị em,
Ý nghĩa thần học về bí tích Thánh Thể rất sâu xa và không thể nào có thể hiểu thấu một cách trọn vẹn. Con người ở các thời đại khác nhau có cách diễn tả khác nhau về mầu nhiệm mà họ đã lĩnh nhận. Mỗi giai đoạn lịch sử và qua từng thế hệ, con người bầy tỏ và sống niềm tin của mình cách khác nhau. Nhưng nói chung, niềm tin đó đều phải được trao ban và xuất phát từ Hội Thánh. Vì thế, đứng trước mọi mầu nhiệm trong đạo, cho dù cao siêu đến đâu, hay là đã đuợc giải thích tường tận và rõ ràng đến độ nào, rồi sau cùng chúng ta cũng quay về để đón nhận và sống chung một niềm tin với gia đình Mẹ Hội Thánh.

Nói như thế để xin anh chị em tạm dừng bàn về các điều sâu thẳm của mầu nhiệm Thánh Thể. Chúng ta hãy tự đặt mình trong vị trí và phản ứng của đám đông đứng trước biến cố này, rồi suy nghĩ và tìm ra cho mình một bài học. Phản ứng của họ trước tiên là thán phục, muốn tôn Chúa lên làm vua; thế mà sau khi nghe Chúa giải thích, họ liền bỏ đi hết, nghĩa là sao?

Đối với người Do Thái, dấu lạ bánh hoá nhiều hôm nay làm cho họ nhớ lại bàn tay Chúa đã dẫn dắt họ vuợt qua biển đỏ duới sự lãnh đạo của Mai-sen trong thời xuất hành. Từ đó, cho dù chứng kiến các việc Chúa làm khiến họ nhận ra vai trò ngôn sứ của Đức Giê-su. Nhưng, với hoàn cảnh đất nuớc đang bị đô hộ, dân chúng trải qua muôn vàn đau khổ, mọi đắng cay đang dầy xéo thân xác và tâm can họ, thì làm sao họ có thể nhận ra và đánh giá đúng việc làm và chân tướng của Đức Giê-su được. Tầm nhìn của họ tuy thực tế, nhưng lại thiển cận, bị ước vọng chính trị che khuất. Họ chỉ nghĩ đến những gì có thể xẩy ra trước mắt. 

Trong tâm tình và lối suy nghĩ đó, họ có thể nghĩ rằng Đức Giê-su là vị lãnh đạo mà Thiên Chúa sai đến để cứu thoát và giải phóng họ như Thiên Chúa đã làm qua bàn tay của Mai-sen khi xưa. Vì thế, họ muốn ép Đức Giê-su lên làm vua để Người thực hiện ý muốn và yêu cầu của họ. Họ đã để cho ước muốn và các ý nghĩ sai lầm hướng dẫn cách nhìn của họ. Thay vì tìm ra ý nghĩa của dấu lạ để tìm ra chân tướng đích thật của Đức Giê-su như là Đấng được Thiên Chúa sai đến, thì mắt họ lại chỉ dán vào bánh, của ăn chóng qua nuôi sống nhất thời cho thân xác của họ mà thôi.

Đức Giê-su đã sinh ra, lớn lên và sống cùng thời với họ; cho nên Người hiểu lối suy nghĩ mang tính phù phiếm ấy. Hơn nữa, cũng vì lối suy nghĩ này cho nên đã phát sinh ra các nhóm bạo động nổi lên chống lại chính quyền, hậu quả là bị đế quốc Rô-ma tiêu diệt; cho nên Đức Giê-su không muốn bị dính líu vào các phong trào đấu tranh cực đoan và mang sắc thái chính trị như thế. Cho nên, Người tìm cách né tránh các lối hiểu lầm có thể làm sai đi ý nghĩa của sứ vụ mà Chúa Cha đã tín thác và trao vào tay Người.

Chúng ta nên thông cảm cho các nhận định sai lầm của họ. Rồi ra và suy cho cùng thì lối suy nghĩ và thái độ cư xử của chúng ta cũng như họ mà thôi! Nói như vậy, không có nghĩa là chúng ta hãy quên đi bổn phận xây dựng trời mới, nghĩa cử yêu thương và giúp đỡ những ai đói kém hay sao? Không phải thế, tất cả chúng ta đuợc mời gọi đi vào các cơ cấu của trần gian mà làm cho nó tươi đẹp hơn, công bằng hơn. Nhưng hãy nhớ rằng, vinh quang của chúng ta không dừng lại ở các công việc đó. Hướng về Thiên Chúa bằng con tim mở rộng để nhận biết rằng chỉ có Chúa thì chúng ta mới hoàn thành đuợc các dự án mục vụ, không phải theo ý mình mà là theo ý Chúa.

Xin hãy để cho Chúa làm việc của Người. Chỉ có Đức Giê-su mới đủ uy quyền giúp chúng ta thực hiện kế hoạch và các dự án của Người mà thôi. Chúng ta chỉ là những chú bé với vài chiếc bánh và mấy con cá để trao tặng lại cho Người. Phần làm cho mọi người khỏi đói, trong đó kể cả chúng ta, là việc của Người.

Khi xưa Người đã cầm trên tay tấm bánh cuộc đời mà chia sẻ cho mọi nguời được no nê mà còn dư thừa thế nào, thì ngày nay, Lời của Chúa vẫn còn đủ năng lực và uy quyền như thế; miễn là chúng ta, đừng ai làm thay Người, tự đưa ra một phương án chính trị rồi lôi Người vào. Hãy làm việc để Nước Cha trị đến, Vương Quyền Cha bao phủ trên mọi cách cư xử của chúng ta trước, rồi mọi sự sẽ được cho thêm và trở thành hoàn hảo hơn.

Tóm lại, cuộc sống và những gì chúng ta có không bao giờ thuộc về chúng ta. Trước hết, tất cả đều thuộc về tài sản của Thiên Chúa. Chúng ta là những món quà trân quí đến từ Thiên Chúa cho thế giới này. Và Đức Giê-su, qua dấu chỉ hôm nay, đã đến để mở tấm lòng và bàn tay của chúng ta cho những người xung quanh. Giống như Người, chúng ta hãy cố gắng sống để trở thành nguồn trợ lực và giúp nhau hoàn thành sứ mạng trở thành món quà như ‘tấm bánh của Thiên Chúa’ ban cho thế gian đầy bão tố này.

Lm Giuse Mai Văn Thịnh DCCT

No comments: