Thursday, 12 July 2018

Lm Giuse Mai Văn Thịnh DCCT: CẢNH NGHÈO LÀ HẠNH PHÚC CHO NHỮNG AI LÀ MÔN ĐỆ!

 
Trong những ngày qua, không chỉ chúng ta mà còn có rất nhiều người trên thế giới để mắt theo dõi các diễn biến trong cuộc giải cứu các thành viên thuộc đổi tuyển bóng đá bên Thái Lan. Thoạt tiên đội tuyển này đã bị mất liên lạc từ ngày 23 tháng 6; sau này, đoàn cứu hộ đã tìm thấy các cháu đang bị kẹt trong một hang động, bị ngập lụt vì mưa lũ, tại Chiang Rai. 

Công cuộc giải cứu thật khó khăn và đầy hiểm nguy. Đã có một người hy sinh tính mạng khi thi hành nhiệm vụ. Nói chung, chúng ta nhận ra bao cố gắng, công sức và hy sinh của mọi người trong toán cứu hộ. Họ là những nhà chuyên môn, tự nguyện tham gia. Số khác là đại diện của một cơ quan hay đoàn thể nào đó, còn một số khác nữa đuợc sai đến từ Mỹ, Anh, Úc và các nuớc khác trên thế giới. Muôn người như một, tất cả đều được sai đến vì một mục đích chung là giải cứu các cháu. Tính đến nay, cuộc giải cứu đã thành công, sức khỏe các cháu đang đuợc theo dõi, chờ ngày đoàn tụ với gia đình. 

Qua biến cố này, chúng ta học được gì?
Thứ nhất, rất nhiều người trong chúng ta bi quan, than phiền về hiện trạng của xã hội mà chúng ta đang sống. Cuộc sống của con người càng ngày càng bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa đề cao ‘cái tôi’, tôn sùng chủ nghĩa cá nhân. Thậm chí, con người ngày nay không chỉ đồng ý mà còn cổ suý cho một nền văn hoá ‘vô cảm’. Nó càng ngày càng ảnh hưởng trên lối cư xử của chúng ta: chỉ biết lo cho mình mà quên quan tâm cho nhau. 

Nhưng qua sự cố này, chúng ta cảm phục những nhà chuyên môn. Ngoài các nhà chuyên môn đã tình nguyện nói trên, chúng ta phải kể đến các phái đoàn y tế, nhân viên bác ái, các đội thiện nguyện. Họ đến từ các quốc gia khác nhau trên thế giới, san sẻ một tấm lòng, cùng chung một chí hướng. 

Mỗi người một công việc. Họ đồng tâm nhất trí để hoàn thành công tác giải thoát các cháu. Lòng dũng cảm, hy sinh, đại lượng nói lên lòng nhân đạo của họ đã như một luồng sáng chiếu soi vào cõi âm u của thế giới này.

Tất cả có chung một sức mạnh. Đó chính là tình yêu.
Và, nói theo ngôn ngữ nhà đạo, họ đã được ‘sai đi’. 

Trong tinh thần đó, có một điều giống như vậy đã xẩy ra trong bài Tin Mừng hôm nay. Đó là việc Đức Giê-su ‘bắt đầu’ sai các Tông đồ ra đi rao giảng. Đã có bắt đầu thì phải có sau này. Điều này có nghĩa là các Tông đồ được sai nhằm tiếp nối sứ vụ của Chúa, chứ không hẳn là của các ông. 

Thật vậy, Chúa là Đấng được Chúa Cha sai đến; và chúng ta, giống như các Tông đồ khi xưa, là những người được sai. Người đuợc sai không thể cao trọng hơn kẻ sai phái, và những ai được sai đi cũng không thể tiếm quyền kẻ sai mình. 

Hãy nhìn lại lịch sử cứu độ, trong những ngày đầu tiên và trải dài theo dòng chảy của ân sủng, Thiên Chúa đã không ngừng sai các sứ giả của Ngài đến với chúng ta; và qua Mầu Nhiệm Nhập Thể, Thiên Chúa đã mặc lấy thân phận con người mà lưu ngụ giữa chúng ta. Vì thế, chúng ta có thể xác tín rằng Thiên Chúa không hề bỏ rơi con người, dù hành vi và cách ứng xử của chúng ta có như thế nào vẫn không làm lay chuyển lòng thương xót của Ngài. Và, giống như Đức Giê-su, Đấng đã được Chúa Cha sai đến như thế nào, thì hôm nay Người trao ban cho các Tông đồ như vậy. Vì thế, hiệu quả sứ vụ của các Tông Đồ nói riêng và chúng ta nói chung hoàn toàn tuỳ thuộc vào sự gắn bó vào Chúa. 

Có Chúa trên hành trang là có tất cả, và đó cũng là điều mà Đức Giê-su căn dặn các Tông đồ hôm nay. Để nhẹ nhàng mà lo việc Chúa, các Tông đồ tuy sống vào lòng hiếu khách và rộng rãi của tha nhân, nhưng không được dính bén với bất kỳ môt ai. Các ông cũng không để cho bất kỳ một quyền lực nào ảnh hưởng trên hành trang của người môn đệ. Ngay cả cơm ăn, áo mặc và nơi cư trú là những điều cần thiết cho cuộc sống, nhưng các ông cũng không nên lo lắng thái quá. Mọi sự đó Chúa sẽ ban tặng. Phần các ông, hãy trao hết mọi sự cho Ngài và chỉ cần ra đi với một lòng tín thác vào Ngài là đủ. 

Ở đây cho chúng ta nhận thấy yêu cầu mà Chúa mời gọi các môn đệ là biết chấp nhận thân phận nghèo của mình. Nghèo ở đây không chỉ thu tóm vào đời sống vật chất hay tinh thần cho bằng nhấn mạnh đến việc chúng ta phải lệ thuộc vào Chúa như thế nào! Điều này có nghĩa là người được Chúa sai đi luôn luôn ở trong tư thế sẵn sàng, bằng lòng từ bỏ dần dần và trọn vẹn để cho sự giầu có và phong phú của Thiên Chúa được biểu lộ.

Như vậy, sống nghèo là sống dựa vào Chúa chứ không dưạ vào bất cứ một thứ quyền lực nào, cho dù đó là thứ thần quyền của một tổ chức, ngay cả tổ chức đó là giáo hội. Sống nghèo là mệnh lệnh mà Chúa dành cho ai muốn trở thành môn đệ đích thực của Người. Với lối sống như thế thì lời rao giảng của người môn đệ sẽ trở thành Tin Vui cho mọi người. Đó đích thực là lối rao giảng của Chúa.

 Muốn được như vậy, người môn đệ cần sống điều mình sẽ công bố. Đức Ki-tô phải là tin vui cho người môn đệ trước khi họ giới thiệu và chia sẻ cho người khác. Triều đại Thiên Chúa mà Đức Giê-su đã rao giảng phải là vương quốc của người môn đệ trước khi họ ra đi loan báo cho người khác. 

Trái với các điều ấy có thể là sự giàu có của giáo hội; lòng tham lam thích vơ vét của hàng giáo sĩ; sự bủn xỉn, thiếu đại lượng, không đủ bao dung của những ai làm môn đệ… tất cả đều làm cho lời rao giảng trở nên cằn cỗi, nghèo nàn, thiếu sức thuyết phục và không đủ sức để chữa lành các vết hằn hoặc không đủ hấp lực để thu hút tâm hồn người nghe. 

Hơn thế nữa, có một sự thật mà chúng ta không thể chối cãi đó là thân phận mỏng dòn với muôn ngàn yếu đuối đã là nguyên nhân khiến các môn đệ của Chúa muốn tháo lui. Ngoài ra, giống như Đức Giê-su, thân phận và ơn gọi của chúng ta cũng bị từ khước. Trong hoàn cảnh đó, lời mời gọi ăn năn và sám hối để đón nhận tin vui của Đức Chúa phải là lời cảnh tỉnh đánh thức các môn đệ trước tiên. Môn đệ cần được đổi mới và chính tâm tình đổi mới này sẽ là nguồn động lực giúp họ tiếp tục tiến bước để thi hành sứ vụ. 

Đây cũng chẳng phải là điều gì mới lạ, vì chính Đức Giê-su, khi bắt đầu sứ vụ đã mời gọi chúng ta: “Hãy hối cải và tin vào Tin Mừng.” Và, Tin Mừng mà chúng ta tin, nó đang hiện diện, được biểu lộ bằng hành động, có thể đuợc minh hoạ trong câu chuyện sau đây. 

Số là, trong cuộc chiến tại Hàn Quốc, có một ngôi làng nhỏ nằm ngay trên làn mưa đạn của các trận pháo kích. Trong làng, có một ngôi nhà thờ. Bên ngoài nhà thờ, có một bức tượng Chúa Giê-su Kitô đuợc đặt trên một cái bệ. Và, sau cuộc chiến, người ta chỉ thấy cảnh tang hoang và đổ nát. Bức tượng cũng không ngoại lệ. Nó nằm chung số phận, bị đổ xuống và vỡ thành từng mảnh vụn tung tóe trên nền nhà thờ.

Xẩy ra là có một nhóm lính Mỹ đến thu dọn. Thấy cảnh tượng như thế, một cách thận trọng, họ đã thu thập các mảnh vụn rồi ráp lại thành gần như một pho tượng, chỉ thiếu đôi tay. Họ đề nghị với cha sở của họ đạo đó cho phép họ đem pho tượng về Mỹ để gắn thêm đôi tay vào cho hoàn chỉnh. Nhưng vị linh mục đó đã từ chối. Ngài nói: “Tôi có một ý tưởng hay khác”, đó là “chúng ta cứ để nguyên pho tượng thiếu hai tay như thế” rồi ghi dưới bệ của bức tượng hàng chữ “bạn ơi, làm ơn cho tôi mượn đôi tay của bạn”. 

Với cách thức đó, pho tượng thiếu đôi tay của Chúa sẽ nhắc nhở những ai đi qua nơi này nhớ lại rằng giờ đây Chúa đang cần đôi tay của bạn để nâng dậy những ai bị vấp ngã, những ai đang cần bạn ôm ấp để bớt cô đơn và vơi đi nỗi phiền sầu. Không chỉ có thế, Chúa còn cần đôi chân bạn để đi tìm những ai bị lạc lối. Chúa lại cần bờ vai của ban để cho những ai lao đao vất vả có chỗ dựa. Chúa cần con tim của bạn để nhìn ra sự hiện diện của Thiên Chúa nơi những con người bé mọn và bị coi thuờng. Sau cùng, Chúa rất cần mọi chi thể của bạn để nối kết những nguời mà bạn đã gặp và cùng nhau xây dựng trời mới đất mới, nơi đó chỉ có bình an, hoan lạc, niềm vui và tất cả những gì Chúa muốn dựng xây trong Nước Thiên Chúa. 

Quả thật, đó là niềm vinh dự dành cho những ai đuợc tham gia vào việc kiến tạo trời mới đất mới! Và, hạnh phúc thay cho ai đã được Thiên Chúa trao ban cho nhiệm vụ cao quí như thế!
Trong tâm tình đó, hãy dâng lời ngợi khen với tâm tình cảm tạ vì lòng tín thác của Thiên Chúa dành cho, dù chúng ta bất xứng. 

Amen!
Lm Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT

No comments: