Thursday, 5 July 2018

Lm Giuse Mai Văn Thịnh DCCT: BỞI ĐÂU ĐỨC GIÊ-SU KHÔNG ĐƯỢC CHẤP NHẬN?



Để bắt đầu cho bài suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, xin mời anh chị em cùng nghe vài truyện ngắn.
Số là, tại một làng kia, vào những dịp hè, có một đoàn xiếc thường xuyên đến diễn cho bà con xem. Họ đóng lều và dựng sân khấu ngay trên mảnh đất không mấy xa chỗ ở của dân chúng.

Vào một buổi tối nọ, trước giờ trình diễn, người ta phát hiện một ngọn lửa bùng cháy lên trong một chiếc lều. Ông giám đốc đoàn xiếc muốn kêu cứu bà con ra giúp đỡ. Nhìn đi, quay lại ông chỉ thấy có người mặc trang phục đóng vai anh hề, đang đứng gần đó. Ông bèn sai anh ta chạy vào làng cầu cứu. Ông nghĩ rằng họ sẽ giúp ông. Bởi vì, nếu ngọn lửa cháy lan rộng ra, thì những căn nhà trong làng cũng bị thiệt hại.

Anh hề vội vã chạy vào cầu cứu bà con. Nhưng họ lại nghĩ là anh đang làm trò. Lại có một số người khác nghĩ anh đang quảng cáo cho đoàn xiếc. Và, chính vì cái nhìn đầy thiên kiến này đã khiến cho họ không nhận ra tâm tình khẩn khoản van xin và yêu cầu được giúp đỡ của anh. Anh càng cố gắng thì họ càng chế nhạo. Sau cùng lửa cháy lan ra và cả làng bị thiệt hại trong trận hỏa hoạn đó.

Lại có một câu chuyện khác.
Như anh chị em đã biết về đại thi hào Tagore. Khi còn trẻ, ông đã có biệt tài về thơ văn. Thỉnh thoảng, ông đã sáng tác vài bài thơ, ký tên đàng hoàng rồi gửi cho tờ báo do cha ông làm chủ. Chú bé Tagore nhà mình thầm nghĩ rằng bố cậu sẽ nâng đỡ nhân tài bằng cách cho đăng các bài thơ do cậu sáng tác. Nhưng, kết quả lại khác với ý nghĩ của cậu. Khi thấy những bài thơ gửi đến ký tên con mình, bố của Tagore chẳng thèm đọc mà quẳng ngay vào sọt rác vì cho rằng con của ông còn nhỏ dại thì biết gì về thi ca và thơ phú.

Khi hiểu rõ sự tình, Tagore tiếp tục gửi cho toà soạn những bài thơ mà cậu đã gửi trước đây. Nhưng trong những lần gửi sau này, cậu đã không ký tên thật mà dùng một bút hiệu khác. Khi nhận được những vần thơ đó, nhân viên xét duyệt đọc qua, thấy quá hay bèn đệ trình cho bố của cậu và cuối cùng mọi người trong ban biên tập đều nhận ra giá trị văn học của những bài thơ đó. Thế là thay vì bị đưa vào máy xén, lần này các bài thơ được đăng trên báo theo như ước nguyện của cậu.

Hai câu chuyện tiêu biểu nói trên giúp chúng ta đi đến một nhận định. Đó là, bởi thành kiến cho nên chúng ta thường nhận định sai về khả năng và giá trị của người khác. Hình ảnh mấy anh mù đi xem voi lại là một thí dụ tiêu biểu nữa. Mỗi người sờ một phần của con voi rồi đoán sai bét. Như họ, chúng ta chỉ biết nhận định về tha  nhân dựa trên các tiêu chuẩn và lối nhìn thiển cận ở một góc độ nào đó của chính mình. Cách nhìn này rất dễ sai lầm và làm trở ngại trong việc xây dựng cộng đoàn.

Kính thưa quí ông bà và anh chị em,
Có một điều tương tự đã xảy ra với Đức Giêsu khi Người trở về quê hương Na-da-rét. Dân trong làng, cho dù vẫn nhận ra sự khôn ngoan trong lời giảng dậy của Người. Nhưng khi nhớ lại gốc tích và các kinh nghiệm mà họ đã trải qua với Đức Giê-su trong thời thơ ấu thì không một ai trong họ còn có thiện cảm với Chúa. Đối với họ, Đức Giê-su vẫn chỉ là con của bà Maria, anh chị em của Người, họ đều biết rõ.

Ngoài ra, trong trình thuật hôm nay, Thánh Mác-cô lại không đề cập đến Thánh Giu-se, cha của Đức Giê-su. Chúng ta có thể cho rằng Thánh Giu-se đã chết. Giả như đó là sự thật rồi vịn vào đó để lãng quên vai trò của Thánh Giu-se thì cũng hơi lạ!

Tuy nhiên, có một chi tiết mà chúng ta nên để ý là Đức Giê-su không lớn lên trong một gia đình vọng tộc, có bề thế hay danh giá. Trái lại, duới cái nhìn của họ thì Người thuộc về tầng lớp không được trọng vọng, chẳng có địa vị gì. Và như vậy, dù Người có nổi tiếng và làm đuợc nhiều điều kỳ diệu tại các nơi khác, thì truớc mặt họ, Chúa của chúng ta với gốc tích bần cùng như thế thì có làm được gì để cho họ khâm phục. Thậm chí, có một số người thân của Đức Giê-su còn cho rằng Người bị mất trí nữa. (Mc 3:20)

Nói khác đi, Đức Giê-su không có quyền trở thành một người khác hơn là một con người do họ nghĩ và tạo nên. Có nghĩa là Đức Giê-su bị nhốt trong lối suy nghĩ và cách nhìn của họ. Người bị giam lỏng như một số người trong chúng ta vẫn thường xuyên nhốt Người trong các cơ sở vật chất, cho dù nguy nga và tráng lệ đến đâu; nhưng thiếu tình yêu, bác ái và lòng thương xót thì các đền đài đó còn có ý nghĩa gì hay không?
Với ngần ấy lý do, chúng ta có thể thông cảm với cách hành xử thiếu tin tưởng của dân làng Na-da rét. Họ từ chối đón nhận sứ điệp của Người. Vì với lối suy nghĩ rất giới hạn và đầy thành kiến như thế thì làm sao họ có thể nhận ra chân tướng đích thật của Đức Giê-su! Làm thế nào họ có thể đón nhận Người là Đấng mà Thiên Chúa sai đến để loan báo sứ điệp giải thoát và đem tin vui đến cho họ!

Truớc tình hình đó, Đức Giê-su còn biết nói gì hơn! Người chỉ biết trích một câu ngạn ngữ rất phổ thông để làm cho tình hình bớt căng thẳng hơn, và đây cũng là dịp nhắc lại cho họ biết về sứ mạng và thân phận của một ngôn sứ. Đó là: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.”

Như chúng ta đã biết, tuy Đức Giê-su được tán dương hay công nhận tại một số nơi, bởi  một số người theo chân Chúa trên hành trình rao giảng. Nhưng nói chung là Đức Chúa gặp nhiều chướng ngại, thử thách và chống đối trong khi thi hành sứ mạng. Hầu hết các mầm mống của sự đối kháng phát xuất từ phía những người lãnh đạo và bà con của Người. Tuy con đuờng và thân phận của một ngôn sứ không có nhiều hào quang như chúng ta lầm tưởng. Nhưng, không có người nào hay quyền lực nào, ngay cả sự chết có thể ngăn cản Đức Giê-su chu toàn sứ mạng. Thái độ thiếu lòng tin dẫn đến việc từ khước Đức Giê-su của dân làng Na-da-rét cũng không làm cho Người bị chùn bước hay thất vọng. Người chỉ ngạc nhiên và lấy làm lạ vì họ thiếu tin.

Thưa anh chị em,
Công việc mà Đức Giêsu cần làm trong hoàn cảnh này là đối diện với hiện tượng không tin của họ. Không thể để cho các hiện tượng tiêu cực đó làm Người bị gục ngã. Họ không tin. Nhưng các môn đệ cần nhìn vào gương sáng của Thầy, đó là tiếp tục tin tưởng và phó thác vào Cha của Người, Đấng hiện diện trong mọi tình huống, nhất là trong những lúc họ cần đến Ngài.

Hiện tượng thiếu niềm tin này có thể được cụ thể hoá qua lối sống của những người trẻ trong xã hội mà chúng ta đang sống hôm nay. Biết bao bậc làm cha làm mẹ đã và đang ngao ngán trước lối sống xa cách với niềm tin tôn giáo của con cái họ. Chính Đức Giêsu, dù là Đấng đuợc Cha sai đến cũng đã gặp những người không tin, nhất là những người đó lại là thân nhân của Người. Đứng trước thái độ không tin của những người đồng hương, Đức Giê-su dường như bị bất lực. Thật ra, không hẳn là như thế. Sự im lặng của Chúa có thể cho chúng ta biết rằng Người hoàn toàn tôn trọng quyền tự do mà Thiên Chúa đã ban cho họ.  Cho dù con người đã nhiều lần xử dụng sai cái thẩm quyền đó. Nhưng vì yêu thương, Ngài vẫn tôn trọng và tìm cách khác để lôi kéo họ về nẻo chính đuờng ngay.

Có một sự thật vô cùng hiển nhiên mà chúng ta không thể chối bỏ được là Đức Tin tuy là điều cần thiết để nhận ra uy quyền của Thiên Chúa. Nhưng đức tin đó không phải là thành quả phát sinh từ sự cố gắng của con người, cho bằng đó chính là hồng ân cao quí của Thiên Chúa ban cho.

Và, với bản chất mỏng dòn và yếu đuối của con người như thế nào thì niềm tin của chúng ta cũng mỏng dòn và yếu đuối như thế. Chính vì thế, chúng ta cần có sự trợ lực. Sự hỗ trợ này không phát xuất bất cứ từ một sức mạnh nào, cho bằng nhìn nhận sự yếu đuối của bản thân, rồi để cho sức mạnh của Thiên Chúa được tỏ hiện. Đó chính là kinh nghiệm đã được san sẻ bởi Thánh Phao-lô trong bài đọc thứ hai mà chúng ta vừa nghe hôm nay.

Những gì mà Thiên Chúa đã nói với Thánh Phao-lô khi xưa, cũng là Lời mà Chúa muốn nói với chúng ta hôm nay. Đó là “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.” Và Thánh nhân đã rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của mình, để sức mạnh của Đức Ki-tô luôn toả sáng.

Đây, chính là bài học vô cùng quý giá cho những yếu đuối và thất bại của chúng ta.
Tóm lại, đứng trước sự từ khước của thân nhân và bà con lối xóm, Đức Giê-su đã không chấp nhận ngã gục hay thua cuộc, nhưng lại tiếp tục lên đuờng hoàn tất sứ mạng. Thánh Mác-cô nhận xét là Người ngạc nhiên vì họ thiếu lòng tin. Nhưng cũng chính vì ngạc nhiên mà Người tiếp tục tìm kiếm câu trả lời bằng cách thi hành sứ vụ. Câu trả lời đã đến qua việc Người đón nhận sự gục ngã toàn diện trên Thập Giá để củng cố niềm tin cho những ai đi theo Người.  Và, đó cũng là cách mà Đức Giê-su muốn tỏ bầy để biểu lộ trọn vẹn kế hoạch của Thiên Chúa thành toàn nơi bản thân Người.

Uớc mong chúng ta thành tín bước theo chân Chúa đến cùng trên con đuờng đó.
Amen!
Lm Giuse Mai Văn Thịnh DCCT

No comments: