Monday, 30 July 2018

Lm Vĩnh Sang DCCT : AN PHONG, NGỌN GIÓ LÀNH CHÂN THẬT



Đối với các tín hữu Công Giáo Việt Nam, nhất là đối với những ai thường lui tới các Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Bắc Trung Nam, đều biết vị Thánh sáng lập Nhà DCCT: Thánh An Phong.
 
Thánh An Phong xuất thân là một luật sư nổi tiếng của thành Napoli, con nhà giàu có. Từ một luật sư sẽ thừa kế gia tài to lớn của người cha là cả một đội thương thuyền, An Phong sẽ rũ bỏ tất cả khi trở thành một Linh Mục, và cuối cùng là một Linh Mục của những người nghèo khổ, những người bị gạt ra bên lề xã hộị, những người bị bỏ rơi hơn cả.

Khi trình đơn xin thiết lập nhà dòng, Tòa Thánh đã bác bỏ việc cấp phép với lý luận Nhà Dòng nào cũng đều có mục đích lo cho người nghèo, không cần phải lập thêm một Dòng mới làm chi nữa. Nhưng sau Tòa Thánh đã thuận lòng cấp phép vì Thánh An Phong chỉ ra DCCT không chỉ nhắm đến người nghèo chung chung, nhưng là những người nghèo bị bỏ rơi hơn cả. Đặc sủng rao giảng Tin Mừng cho những người bị bỏ rơi hơn cả, những người tất bạt, những người bị gạt ra bên lề xã hội, theo chân con cái của Thánh An Phong cho đến tận hôm nay, và vẫn còn theo chân và rọi sáng đường đi mãi cho những ai sống Ơn Gọi đặc biệt này.

Trên hành trình tìm kiếm ơn gọi, An Phong đã đặt những bước chân đầu tiên của mình trong pháp đình với ước mong bảo vệ chân lý, bênh vực sự thật. Châm ngôn của vị luật sư trẻ này là không bao giờ cãi trắng ra đen, và quyết định của ngài là luôn nhận lời bênh vực cho người nghèo khi phải chọn giữa hai thân chủ. Quyết tâm không cãi trắng ra đen là nền tảng để ngài chọn lựa thân chủ nghèo, có một cái gì đó lờ mờ cho ta thấy mối tương quan của sự thật và người nghèo mà sau này khi thiết lập Nhà Dòng Chúa Cứu Thế, Thánh An Phong sẽ làm thật rõ nét trong mục đích của Hội Dòng.

Trong Tông Huấn Niềm Vui của Tin Mừng, Hội Thánh cũng nói rõ điều đó ở số 48: “…Hôm nay và mãi mãi, “người nghèo là những người ưu tiên được đón nhận Tin Mừng”, và việc Tin Mừng được tự do rao giảng cho họ là dấu chỉ về vương quốc mà Chúa Giêsu đến để thiết lập. Chúng ta phải nói thẳng ra rằng “có một dây liên kết không thể phân ly giữa Đức Tin của chúng ta và người nghèo”. Chúng ta đừng bao giờ bỏ họ.” 

Khi thiết lập Nhà Dòng, Thánh An Phong mong muốn ơn gọi của Hội Dòng là rao truyền sự thật, rao truyền chân lý, quả thật không thể chia cắt chân lý sự thật với người nghèo, vì giữa hai thực thể này có một mối dây liên kết không thể phân ly. (Ảnh cha thừa sai DCCT Canada Lucien Olivier và các trẻ em bị bỏ rơi ở Việt Nam trước 75).
 
Người Tu Sĩ Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam hôm nay nghĩ sao về ơn gọi của chính mình? Bao nhiêu người nghèo, bao nhiêu người bị đọa đầy oan ức, bao nhiêu người chết tức tưởi đau thương… và cả một hệ thống dối trá, gian xảo và cướp bóc từ trên xuống dưới? Bài đọc một ngày thứ bảy tuần 17 trích trong sách Ngôn Sứ Giêrêmia 7, 1 – 11, tố cáo những kẻ đi theo ngoại bang, ức hiếp người nghèo, bóc lột kẻ cô thân cô thế, chạy theo những lời dối trá, vào hùa với bọn gian manh rồi lại nghênh ngang lên đền thờ cầu nguyện, Giêrêmia gọi đó là những kẻ biến đền thờ thành hang trộm cướp!

Rao giảng Tin Mừng là rao giảng sự thật, không thể làm tôi hai chủ khi muốn rao giảng Tin Mừng mà lại im lặng, hay tệ hơn nữa, vào hùa, chạy theo sự dối trá, thậm chí bản thân cũng làm điều dối trá mà lánh xa người nghèo.

Chuẩn bị nhìn ngắm Thánh An Phong trong ngày kính nhớ 1 tháng 8 sắp tới đây, là dịp chúng ta soi rọi tâm linh một cách dứt khoát và phân định lương tâm trước ơn gọi cuộc đời. Ở đâu, nơi nào có ngọn GIÓ LÀNH CHÂN THẬT?

Lm. VĨNH SANG, DCCT, 28.7.2018

Thursday, 26 July 2018

Lm Giuse Mai Văn Thịnh DCCT: HÃY TRAO RỒI CHÚA SẼ BAN.



Bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe hôm nay được trích dẫn từ Tin Mừng theo Thánh Gio-an. Và trong các Chúa Nhật của những tuần kế tiếp, chúng ta sẽ đuợc nghe Lời giải thích của Đức Giê-su về việc này, mà chúng ta hay gọi đó là diễn từ bánh hằng sống. Nói khác đi, trong phần phụng vụ Lời Chúa của thời gian này, chúng ta đuợc Thánh Gioan mời gọi, cùng với ngài, một lần nữa đào sâu phần suy niệm về Bí tích Thánh Thể và về cách thức đáp trả bằng đức tin về Mầu nhiệm do chính Đức Giêsu cử hành và diễn giải.

Truớc tiên, trình thuật phép lạ Bánh hóa nhiều dường như đã đuợc lưu truyền bằng cách kể truyện cho nhau nghe, trước khi các Thánh sử ghi lại trong sách Phúc âm. Trong khi các sách Tin Mừng nhất lãm (Mat-thêu, Mác-cô và Lu-ca) đều ghi lại việc Đức Giê-su lập bí tích Thánh Thể thì Thánh Gio-an lại không có trình thuật này; nhưng để bù lại, ngài đã dành nguyên một đoạn, đó là đoạn 6 để bàn về chủ đề: Đức Giê-su là sự sống đích thật cho những ai tin vào Người. 

Không giống như các sách Tin Mừng khác, Thánh Gio-an không dùng từ phép lạ, thay vào đó ngài dùng cụm từ ‘dấu lạ-sign’ để nói về biến cố này. Theo ngài, dấu lạ tuy quan trọng, nhưng diễn từ giải thích ý nghĩa của dấu lạ ‘bánh hoá nhiều’ thì quan trọng hơn. Người chính là Bánh Hằng sống duỡng nuôi chúng ta. 

Tấm bánh mà Người nhận được từ bàn tay của em bé, một chú trẻ con không có địa vị và tiếng nói trong xã hội thời đó, có thể là dịp để Chúa thể hiện quyền năng của Người. Tấm bánh đó không chỉ nhắc lại cho dân Do Thái nhớ lại tình yêu thương săn sóc của Thiên Chúa, Đấng đã ban Manna nuôi sống họ trong hoang địa qua sự dẫn dắt của Mai-sen. Tấm bánh đó còn là dấu chỉ hướng họ về Thân Thể của Đức Ki-tô, Đấng sẽ dùng chính thân xác mình làm của ăn nuôi toàn dân. 

Như vậy, dấu lạ hôm nay là một cơ hội để Đức Giê-su loan báo một sứ điệp quan trọng. Sứ điệp không chỉ đem lại sự sống cho thân xác; nhưng toàn diện, từ thân xác đến tâm linh, từ tư tưởng đến lối suy nghĩ, từ lời nói đến hành động của con người. 

Kính thưa anh chị em,
Ý nghĩa thần học về bí tích Thánh Thể rất sâu xa và không thể nào có thể hiểu thấu một cách trọn vẹn. Con người ở các thời đại khác nhau có cách diễn tả khác nhau về mầu nhiệm mà họ đã lĩnh nhận. Mỗi giai đoạn lịch sử và qua từng thế hệ, con người bầy tỏ và sống niềm tin của mình cách khác nhau. Nhưng nói chung, niềm tin đó đều phải được trao ban và xuất phát từ Hội Thánh. Vì thế, đứng trước mọi mầu nhiệm trong đạo, cho dù cao siêu đến đâu, hay là đã đuợc giải thích tường tận và rõ ràng đến độ nào, rồi sau cùng chúng ta cũng quay về để đón nhận và sống chung một niềm tin với gia đình Mẹ Hội Thánh.

Nói như thế để xin anh chị em tạm dừng bàn về các điều sâu thẳm của mầu nhiệm Thánh Thể. Chúng ta hãy tự đặt mình trong vị trí và phản ứng của đám đông đứng trước biến cố này, rồi suy nghĩ và tìm ra cho mình một bài học. Phản ứng của họ trước tiên là thán phục, muốn tôn Chúa lên làm vua; thế mà sau khi nghe Chúa giải thích, họ liền bỏ đi hết, nghĩa là sao?

Đối với người Do Thái, dấu lạ bánh hoá nhiều hôm nay làm cho họ nhớ lại bàn tay Chúa đã dẫn dắt họ vuợt qua biển đỏ duới sự lãnh đạo của Mai-sen trong thời xuất hành. Từ đó, cho dù chứng kiến các việc Chúa làm khiến họ nhận ra vai trò ngôn sứ của Đức Giê-su. Nhưng, với hoàn cảnh đất nuớc đang bị đô hộ, dân chúng trải qua muôn vàn đau khổ, mọi đắng cay đang dầy xéo thân xác và tâm can họ, thì làm sao họ có thể nhận ra và đánh giá đúng việc làm và chân tướng của Đức Giê-su được. Tầm nhìn của họ tuy thực tế, nhưng lại thiển cận, bị ước vọng chính trị che khuất. Họ chỉ nghĩ đến những gì có thể xẩy ra trước mắt. 

Trong tâm tình và lối suy nghĩ đó, họ có thể nghĩ rằng Đức Giê-su là vị lãnh đạo mà Thiên Chúa sai đến để cứu thoát và giải phóng họ như Thiên Chúa đã làm qua bàn tay của Mai-sen khi xưa. Vì thế, họ muốn ép Đức Giê-su lên làm vua để Người thực hiện ý muốn và yêu cầu của họ. Họ đã để cho ước muốn và các ý nghĩ sai lầm hướng dẫn cách nhìn của họ. Thay vì tìm ra ý nghĩa của dấu lạ để tìm ra chân tướng đích thật của Đức Giê-su như là Đấng được Thiên Chúa sai đến, thì mắt họ lại chỉ dán vào bánh, của ăn chóng qua nuôi sống nhất thời cho thân xác của họ mà thôi.

Đức Giê-su đã sinh ra, lớn lên và sống cùng thời với họ; cho nên Người hiểu lối suy nghĩ mang tính phù phiếm ấy. Hơn nữa, cũng vì lối suy nghĩ này cho nên đã phát sinh ra các nhóm bạo động nổi lên chống lại chính quyền, hậu quả là bị đế quốc Rô-ma tiêu diệt; cho nên Đức Giê-su không muốn bị dính líu vào các phong trào đấu tranh cực đoan và mang sắc thái chính trị như thế. Cho nên, Người tìm cách né tránh các lối hiểu lầm có thể làm sai đi ý nghĩa của sứ vụ mà Chúa Cha đã tín thác và trao vào tay Người.

Chúng ta nên thông cảm cho các nhận định sai lầm của họ. Rồi ra và suy cho cùng thì lối suy nghĩ và thái độ cư xử của chúng ta cũng như họ mà thôi! Nói như vậy, không có nghĩa là chúng ta hãy quên đi bổn phận xây dựng trời mới, nghĩa cử yêu thương và giúp đỡ những ai đói kém hay sao? Không phải thế, tất cả chúng ta đuợc mời gọi đi vào các cơ cấu của trần gian mà làm cho nó tươi đẹp hơn, công bằng hơn. Nhưng hãy nhớ rằng, vinh quang của chúng ta không dừng lại ở các công việc đó. Hướng về Thiên Chúa bằng con tim mở rộng để nhận biết rằng chỉ có Chúa thì chúng ta mới hoàn thành đuợc các dự án mục vụ, không phải theo ý mình mà là theo ý Chúa.

Xin hãy để cho Chúa làm việc của Người. Chỉ có Đức Giê-su mới đủ uy quyền giúp chúng ta thực hiện kế hoạch và các dự án của Người mà thôi. Chúng ta chỉ là những chú bé với vài chiếc bánh và mấy con cá để trao tặng lại cho Người. Phần làm cho mọi người khỏi đói, trong đó kể cả chúng ta, là việc của Người.

Khi xưa Người đã cầm trên tay tấm bánh cuộc đời mà chia sẻ cho mọi nguời được no nê mà còn dư thừa thế nào, thì ngày nay, Lời của Chúa vẫn còn đủ năng lực và uy quyền như thế; miễn là chúng ta, đừng ai làm thay Người, tự đưa ra một phương án chính trị rồi lôi Người vào. Hãy làm việc để Nước Cha trị đến, Vương Quyền Cha bao phủ trên mọi cách cư xử của chúng ta trước, rồi mọi sự sẽ được cho thêm và trở thành hoàn hảo hơn.

Tóm lại, cuộc sống và những gì chúng ta có không bao giờ thuộc về chúng ta. Trước hết, tất cả đều thuộc về tài sản của Thiên Chúa. Chúng ta là những món quà trân quí đến từ Thiên Chúa cho thế giới này. Và Đức Giê-su, qua dấu chỉ hôm nay, đã đến để mở tấm lòng và bàn tay của chúng ta cho những người xung quanh. Giống như Người, chúng ta hãy cố gắng sống để trở thành nguồn trợ lực và giúp nhau hoàn thành sứ mạng trở thành món quà như ‘tấm bánh của Thiên Chúa’ ban cho thế gian đầy bão tố này.

Lm Giuse Mai Văn Thịnh DCCT

Tuesday, 24 July 2018

Gm John Spong: Bài 4 Kinh thánh yêu cầu gom gộp nhiều sự kiện


Chương 2
Kinh thánh yêu cầu
gom gộp nhiều sự kiện
(Bài 4)

Hồi thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, nhiều người ở Giuđêa thấy mình cứ bị giam-hãm mãi ở Babylon. Phần đông trong họ, là những người bị đưa đi lưu-lạc cả một đời người sau lần bị đội binh của Nêbuchadnezzar đánh cho bại trận vào năm 586, trước Công nguyên (*1).

Các nhà chép sử vẫn coi thời-điểm này là giai-đoạn tồi-tệ nhất trong lịch-sử Do-thái-giáo từ đó đến nay. Có vị, lại bị vướng mắc vào một thứ như nguyên-lý hiểm-nghèo so với ý-thức-hệ khác trong đạo.

Lâu nay, dân con mọi người không chỉ quan-niệm theo cách lạ lùng như thế, nhưng họ còn tạo cớ sự để đưa ra lời chỉ-trích thậm-tệ về nhiều thứ. Đất nước bé nhỏ đầy phiền-toái nói đây, vẫn tự coi mình là “dân con được chọn” theo cung-cách đặc-biệt. Hầu như, mọi giải-thích lịch-sử đều dựa trên quan-niệm đặc-thù của một nhóm chủng-tộc được Chúa chọn. Phần lớn lối suy-tư về đạo của nhóm người này, chỉ cốt thừa-nhận định-nghĩa rất thực-tế về đất nước họ.

Khó khăn đầu, là do họ tin-tưởng rằng: ngoài họ ra, tất cả các dân tc ngoại-bang đều không là dân được chọn”. Bởi thế nên, họ luôn coi mình ở thế hơn hẳn dân nước khác. Một đất nước cứ luôn coi mình là dân được chọn, sẽ không tránh khỏi thái-độ ngạo mạn coi người khác/nước khác như ở dưới cơ hoặc thuộc hệ-cấp bên dưới. Thành thử ra, ta luôn thấy lằn ranh phân-cách giữa hai cụm-từ nói chung và bất lợi, đó là: “không được chọn” và “bị chối-bỏ”.

Thật ra thì, khó lòng tránh khỏi sự thể là cụm-từ “bị chối bỏ” theo quan-niệm ở đây, lại có nghĩa đặc-biệt khi nó trở thành một thứ giáo-điều bắt buộc mọi người phải tin theo. Sở dĩ có chuyện ấy, là vì Thiên-Chúa không chọn bất cứ ai theo cách đặc-biệt hết. Bởi thế nên, việc bị chối-bỏ, ganh-ghét, nặng thành-kiến được minh chứng nơi kẻ được chọn, do sự thể là họ theo gương bắt chước các hành-xử thánh thiêng theo kiểu họ hiểu.

Theo cách này, thế-giới chia ra làm hai loại, một là: người theo Do-thái-giáo đã “được chọn và loại kia là dân ngoại không được chọn. Ý-tưởng này, lâu nay vẫn lớn mạnh với người Do-thái-giáo từng lưu-lạc suốt nhiều thời. Ý-tưởng ấy, càng được củng-cố vào thời-điểm tướng/lãnh người Ba-Tư là Cyrus thoạt lúc chiếm đóng Babylon ông đã cho phép người mất nước được về quê cũ sau khi lưu lạc những ba thế hệ.        

Khi đội-quân Do-thái-giáo bị đánh bại và thành Giêrusalem thất thủ, thì việc -đày và lưu-lạc lại đã dấy lên nhiều vấn-đề thần-học khá rắc-rối đối với người bị giam-hãm. Họ luôn ngỡ-ngàng tự nhủ:

“Giả như ta thật sự là dân con được chọn, thì điều đó nào có nghĩa gì đối với ta khi bại trận? Phải chăng Thiên-Chúa của ta đã nên bất-lực? Có nghĩa gì không khi dân con được chọn lại trở-thành kẻ không nhà đằng-đẵng cả thế-kỷ? Quả cũng lạ, khi Thiên-Chúa Đấng thánh-thiêng lại đối-xử với dân được chọn cách đặc-biệt!”

Không khả-năng, lại cũng chẳng muốn hy-sinh tình-huống ưu-ái của “dân được chọn” và vẫn mong cứu Thiên-Chúa khỏi bị kết tội là Đấng bất-tài, vô-lực, tức: Ngài hoàn-toàn bại trận nên bị dồn vào chốn “tha phương cầu thực” nên họ mới giải-thích lý do tại sao Ngài phải như thế.

Và như thế, thất bại và thân-phận đày-đọa, là hình phạt Chúa gửi vẫn chất chồng lên vai kẻ chống-đối, hoặc bội phản. Rồi từ đó, các thần-học-gia nhà ta lại sẽ lý-luận và/hoặc đấu-tranh/cãi-vã đến không ngừng.

Thành thử, Giao-ước là hiệp-ước hai chiều. Và, Thiên-Chúa chấp-nhận làm Chúa-tể xứ miền Giuđêa. Đổi lại, dân con Ngài đồng ý tuân-giữ các giới luật do Ngài lập và chấp-nhận yêu-cầu Ngài đòi hỏi. Và khi dân thất-bại, họ bèn lý-luận: do bởi ta không giữ luật Torah hoặc không tôn-thờ Chúa như luật buộc, nên mới như thế.

Vì thế nên, các lãnh-tụ phải ra tay thúc-bách mọi người, khi việc lưu-vong đọa-đày đã ổn-định bèn quay về Giuđêa tái-thiết thành Giêrusalem, quyết giữ luật thật nghiêm-túc thể theo đòi hỏi cứng-ngắc về phụng-tự. Bằng không, e rằng sẽ phải để Thiên-Chúa trừng-trị theo cách giận-dữ, và do bởi Ngài thất-vọng về kẻ được chọn, nên sẽ trừng-phạt “dân được chọn” lần nữa bằng cách đẩy họ đi lưu-đày, như khi trước.

Lý-luận lạ lùng này, đã tạo niềm tự-hào dân-tộc và lòng sốt-sắng đối với đạo một cách có hiệu-quả. Và, công-tác rao giảng đầy lòng nhiệt huyết đã giúp những người theo Do-thái-giáo thay đổi mà quay về với xứ sở đầy hứng thú, nhiều nghị-lực. Khi ấy, các lãnh-tụ tôn-giáo/chính-trị bèn phối-kết nhau với hậu-thuẫn từ ông Ezra và Nêhêmiah là hai ngôn-sứ trổi trang nhiều thời. Hai ông này, phải hướng-dẫn mọi người trở về quê cha đất tổ hầu tái-thiết đất nước giàu đẹp của mình. (*2)

Tuy nhiên, nhiều điều phức-tạp về sự quân-bình về siêu-nhiên vẫn được đưa ra ngõ hầu bảo-tồn sức mạnh của Thiên-Chúa và lai-lịch của dân được chọn. Tất cả đặt nặng trên vai bậc tiên-tổ người Do-thái-giáo. Phải chăng tiền-nhân của họ trở nên yếu kém, đầy lầm lỡ những bất toàn? Thật khó đổ lên đầu tiên-tổ dân được chọn mọi trọng- trách mỗi khi xảy ra thiên-tai/thất-bại, cả khi họ chứng-minh được rằng: mọi việc đều do ý Chúa định-đoạt!  

Kể từ đó, các vấn-nạn đầy ý-nghĩa đặt ra qua câu hỏi, rằng: vì sao các bậc tiên-tổ lại nổi đóa bất tuân-phục lệnh-truyền? Sao các ngài chẳng lý gì đến lề-luật? Lý-do nào khiến các ngài không phụng thờ cho đúng cách? Và, đâu là lỗi/tội mà các ngài xưa nay hay vướng mắc? Phải chăng mọi người chúng ta cũng suy-đồi như thế?

Thoạt khi các vấn-nạn này nảy sinh trong đầu mọi người, thì câu trả lời cùng các biện-bạch rẽ chia đã xuất đầu lộ diện ngay khi đó. Và, dân con lưu-lạc trở về đều đã xác-nhận rằng: điều đó không thể đổ lỗi cho bậc tiên-tổ yếu kém hoặc suy-nhược chút nào hết.

Có vị lại cứ biện-bạch cho rằng: bậc tiên-tổ lập gia-đình với người không theo Do-thái-giáo, đã khiến các vị nhiễm phải thói-lệ từ ngoại bang và mang về cho mình các giá-trị ngoại-tại khiến gây hại cho việc phụng thờ nay không đúng cách. Và, yếu tố ngoại-tại đã làm nguy-hại cho truyền-thống xưa nay ta luôn giữ; và từ đó, khiến mọi người chúng ta phải trọn-vẹn nhượng bộ lập nghi-thức phụng thờ theo cách khác. Và từ đó, các ngài đành nhận trách-nhiệm về các thất-bại và cả đến sự việc ra khỏi nước đầy thách-thức.

Phán xét của Chúa đổ lên đất nước ta, khi ta tha-thứ hết mọi sự, rồi cho phép cử-hành nghi-thức tế-tự theo kiểu vọng-ngoại nhiều sai trái, nữa.

Dê tế thần, nay đã định-hình. Ngoại-bang mới là tội-phạm. Thế nên, trong tương-lai, dân con của Chúa sẽ tỉnh-táo hơn biết rút lui khỏi chốn đó, không chường mặt ra với bất kỳ và tất cả mọi yếu-tố xuất tự ngoại-bang.

Người Do-thái-giáo vốn trở về từ dân ngoại, nay thề-nguyền rằng: khi họ đoạt lại đất đai đã mất và lấy lại được thành Giêrusalem của mình rồi, họ quyết tái-lập tại nơi mình sinh sống, mọi truyền-thống thiết-lập từ thời trước, và nắm chắc rằng các yếu-tố ngoại-lai sẽ không còn được xuất-hiện nữa. Và, dân được chọn” cũng không được để cho người không được chọn xuất-hiện làm phai-mờ lai-lịch của mình. Mọi người buộc phải giữ luật, phải cử-hành nghi-thức tế-tự từng chi-tiết cho đúng cách, không được sửa đổi. Có  như thế, ta mới bảo-đảm rằng: thiên-tai/đại-họa sẽ không đ lên đầu lên cổ con người chúng ta, theo kiểu mới.          

Vấn-đề thần-học, nay được giải-quyết theo cách mới mẻ, đầy lý-thú. Mọi người không được phép buông thả ý-nghĩa của dân được chọn, cũng không được ấp-ủ tầm nhìn về một Đức Chúa bất-tài, vô-lực.

Đành rằng, luận-cứ nói đây quả cũng sắc-xảo, súc-tích và chặt-chẽ. Chuyện đó, lại cũng cho phép người theo Do-thái-giáo không phải giáp mặt thế-giới thù-nghịch và không cần chứng-tỏ Thiên-Chúa có thể được vời đến khi gặp chuyện cấp-bách trong mai ngày. Ý-nghĩ về sự hãi sợ, tính-cách tưởng-tượng, về thành-kiến cũng như ma-lực lạ-kỳ, nhất nhất đều phải qui về tính yêu nước có từ lúc đó.

Bằng vào uy-lực của lệnh-truyền này, ông Ezra và Nêhêmia đưa người dân vừa đến cùng thực-hiện Giao-ước với Thiên-Chúa qua động-tác tái định-vị pháp-luật. Với quyết-tâm tối-đa, các lãnh-tụ nay đề-xuất qui-chế đã thiết-lập hầu bảo-đảm tính thanh-khiết của sắc dân, chủng-tộc và tôn-giáo hầu xây-dựng lại một Giuđêa hoàn toàn mới.

Qui-chế mới, đòi hỏi người theo Do-thái-giáo nam/nữ từng phối-kết với người ngoài đạo, phải ly-thân tách rời và tống-xuất những người phối-ngẫu không theo Do-thái-giáo ra khỏi xứ sở.

Thêm vào đó, họ còn đòi lớp con trẻ hai giòng từ các hôn-nhân này phải brời nếu không theo Do-thái-giáo. Người phối-ngẫu miễn cưỡng theo Do-thái-giáo đành phải ra đi vào chn lưu-đày cùng với bạn đời bị xua đuổi của mình và các đứa con hai giòng nói trên, chắc-chắn phải đi vào cõi chết, bởi lẽ người ngoài đạo không được phép gia-nhập bộ-tộc như thế, và việc sống sót ngoài bộ tộc vẫn là chuyện khó có thể xảy ra.

Động-lực thúc ép mọi người phải giữ luật đã đưa Giuđêa đi vào giai-đoạn xấu nhất trong lịch-sử đất nước. Các vị chủ-trương luật-lệ đanh thép về sắc-tộc đã tổ-chức nhiều đội kiểm-tra gắt-gao theo dõi họ. Kiểm soát rất kỹ giòng máu/huyết-thống; vì thế nên, đã tạo căng-thẳng khủng-khiếp và việc điều-tra kiểm-soát quá kỹ-càng, đã khiến nhiều gia-đình chu cảnh nhà tan cửa nát. Cá-nhân người dân phải chịu đau khổ đến cùng-cực. Đây, còn là cơ-hội tốt để tru-diệt mọi địch-thủ chính-trị.

Việc cấm-đoán/theo-dõi đã trở-thành tự-động nếu giới thẩm-quyền không thuyết-phục được mọi người giữ thanh-sạch nòi-giống. Sách Dân-số đã ra qui-chế đòi mọi người phải bị sưu-tra ngược về trước đến mười thế-hệ (Ds 23: 3).

từ đó, Giuđêa thuộc về người theo Do-thái-giáo mà thôi. Dân được chọn phải thanh-sạch, không một tì-vết. Các yếu-tố ngoại-lai phải bị tẩy rửa. Nghi-thức phụng-thờ Thiên-Chúa không thể bị bóp mép/vặn vẹo vì thói-lệ lạ kỳ, không mang tính chính-thống. Và khi ấy, chẳng thấy ai nổi lên chống đối thói bài-ngoại này, bởi sự cuồng-loạn về sắc-tộc đã đè bẹp mọi chống-đối. Và, lòng sốt-sắng tuân thủ đạo-giáo cộng với quyền-uy chính-trị đã nổi lên trở-thành hành-động chuyên-chế. Mọi đặc-thù tư riêng, cá-thể và bất cứ giá-trị nào không phù hợp với luật lệ kể trên, đều không được bảo-vệ hoặc phổ-biến.

Tuy nhiên, khi ấy, chợt thấy xuất-hiện một nhân-vật ở Giêrusalem, một người tự mặc lấy cho mình trọng-trách vượt lên trên thành-kiến cố-định, và giáp mặt với nó để rồi chiếm ưu-thế. Nhân-vật này, chỉ đưa ra duy-nhất một vấn-nạn, hỏi rằng: làm sao lại như thế? Nên chăng sử-dụng chiến-thuật khả dĩ đạt thành-công? Các công-kích chính-trị xuất t người dân đều nếm mùi thất-bại. Và, ngồi im không tỏ thái-độ cũng là thái-độ hèn-nhát, thôi.  

Thế nên, cuối cùng, nhân vật này bèn nảy ra ý-tưởng viết lên một truyện kể, theo thể-loại văn-chương chống-đối. Và, văn-bản kể truyện nói ở đây đã ngấm-ngầm xuất-hiện trên đường phố Giêrusalem. Và rồi, nhờ tính chất hấp-dẫn của nó, tức: truyện kể nói đây hợp với lòng dân nên đã lôi cuốn chúng dân nghe theo và đi o đề-tài để bàn cãi. Thế rồi, trọng-tâm vấn-đề đặt ra là hỏi rằng: giới quan-quyền bỏ qua quyết-định nào không đây?

Thật ra thì, sức mạnh ở truyện kể này có thể là sự việc dân chúng tạo nhiều phê-phán về hệ-thống giá-trị do nhân-vật nói trên từng hoạch-định. Bởi thế nên, mọi người thấy rằng mình cũng có thể tạo phán-đoán về chính mình nữa.

Khi truyện kể đã đi đến hồi kết-thúc, tác giả bèn sắp xếp để mõ làng đọc nó lên tại quảng-trường đô-thị, là nơi mọi người tụ-tập hằng ngày. Tác-giả nắm chắc một điều là chúng dân sẽ thẩm-định và cười rộ khi nghe truyện. Và, điểm chính của câu truyện lại sẽ đánh thẳng vào tâm can họ khiến họ nhận ra được chính mình và từ đó mọi thành kiến mà họ mang trong mình, sẽ bị đưa phê-phán ra giữa thanh thiên bạch nhật.

Chuyện tiếp theo, là việc kể lại câu truyện kể do người viết là người do-thái-giáo ẩn danh viết tặng đồng bào mình cách nay khoảng 2,500 năm, thôi.   
   

                                                                                                     (còn tiếp)



Gm John Shelby Spong biên-soạn
Mai Tá lược dịch.