Ta vừa thấy một linh hồn mỏng mảnh
Níu vai ta đòi trả lại yêu thương
Lòng chơ vơ rùng rợn nỗi kinh hoàng
Lời cay đắng tưởng vô cùng bất tuyệt
(thơ Vũ Hoàng Chương)
Chơ vơ - rùng rợn, nhà thơ chỉ muốn đòi lại yêu thương. Đòi yêu thương chứ không đòi niềm tin yêu, bất tuyệt. Tin yêu bất tuyệt, vẫn là ý nghĩa của lời kinh dụ ngôn hôm nay. Lời kinh mà với nhiều người, có thể là một nhận định không chuẩn. Nhận định một bên, là: về nhà phú hộ/doanh gia, thành đạt. Cón bên kia, là dân đen lao động, rất La-za-rô.
Ở thế giới đời thường, người dân hôm nay không chú trọng nhiều đến vấn nạn “người là ai?”; mà chỉ hỏi: “người làm gì?”, “đời sống thế nào? “kiếm khá không”?, thôi. Thế giới nhà Đạo, thì không thế. Dân con Đức Chúa, lâu nay luôn được dạy bảo: hãy sống tin yêu suốt đời. Dù đôi lúc, có người vẫn toan tính nhiều chuyện riêng tư, vị kỷ. Quả thế, điều mà con dân nhà Chúa lâu nay luôn được nhắc đến, là: cần quan tâm đến niềm an vui cứu độ. Trọng tâm của mọi tốt lành, thành đạt.
Tốt lành thành đạt, là cố tránh mọi lầm lỡ. Tránh cuộc sống mang sắc thái bạo hành, bất nhân. Lối sống chỉ chú tâm đến dâm đãng, tị nạnh, se sua. Sống tích tụ nhiều hờn căm, đố kỵ và bon chen! Chẳng lý gì đến người đồng loại, đang thiếu thốn.
Tốt lành thành đạt ở nhà Đạo, là lối sống mà trình thuật hôm nay đem đến cho con người một trạng thái biết quyết tâm xa lánh trạng huống cuốn hút vào với lỗi lầm đạo hạnh. Lỗi lầm ẩn nấp nơi lương tâm con người, trần tục. Tốt lành thành đạt, là: không phải chỉ chú tâm đến thú vui vật chất, xác phàm. Chỉ coi trọng giàu sang, hưởng thụ của lớp người chuyên ăn trên ngồi chốc, bất cần đến luật. Luôn coi thường cả những người đói khổ, tật bệnh.
Tốt lành thành đạt theo nghĩa nhà Đạo, là: chẳng lo toan gì cho riêng mình. Nhưng, biết đoái hoài đến người nghèo hèn, thiếu thốn. Những người như La-za-rô đang chầu chực từng miếng cơm, tấm bánh, rơi rớt từ bàn tiệc của đám thành thị no say, phung phí. Tốt lành thành đạt, chắc chắn không là thái độ của các phú hộ đã xa hoa, thừa mứa; nhưng vẫn tị nạnh khi bất chợt thấy “hành khất buồn” như La-za-rô chẳng lao động đến một ngày, mà vẫn được Áp-ra-ham mở rộng vòng tay đón nhận.
Tốt lành thành đạt hôm nay, còn thấy nơi một ít người đủ ăn đủ mặc, biết lưu tâm giúp đỡ đám cùng đinh đói khát, vẫn chực chờ. Là, biết giùm giúp thương yêu những người có nhu cầu bức thiết, hơn mình. Tốt lành ấy, chính là tinh thần của dụ ngôn/truyện kể về đám doanh gia/phú hộ vẫn thấy ở mọi nơi, mọi thời.
Ở thời tiến bộ hôm nay, người người chú trọng quá nhiều đến vật chất. Nơi đó, có những doanh gia/phú hộ vẫn than phiền cật vấn, cả Đức Chúa. Có người, cho rằng: “Tôi đây chẳng thấy Chúa đoái hoài ỏ ê điều gì. Phải chăng, tôi chỉ là giáo dân hạng thứ, bình thường bậc trung; dù rằng tôi vẫn giữ trọn 10 điều răn của Chúa. Vẫn chân chất giữ luật, cả phần Đạo lẫn việc đời. Đâu nào dám sai trái?”
Thật ra, doanh gia/phú hộ vẫn có thể là người tốt lành thành đạt, đúng ý nghĩa. Giàu sang/lương thiện thời nay, đâu có gì là sai quấy. Nhất thứ, những người này chẳng khai thác bóc lột kẻ nghèo hèn, bao giờ. Nhưng, với tinh thần của dụ ngôn, tốt lành như thế vẫn chưa thành đạt. Vẫn, “níu vai đòi trả lại yêu thương”, tựa như báo cáo ở cấp cao, trong năm qua.
Theo tường trình, hiện có đến 1 tỷ 200 triệu người đang sống sốt chỉ bằng đô rưỡi một ngày, hoặc ít hơn. Tính cho kỹ, có đến 80% số người trên thế giới hiện đang sống trong cảnh bần hàn thiếu thốn.
Điểm chính dụ ngôn hôm nay, Đức Chúa không nhắc ta đang có những người nghèo chực chờ sẵn, nơi hông cửa. Nhưng, dụ ngôn nài ta để tai nghe ngóng và học hỏi. Hiện thời, đang có nhiều dân con nhà Chúa chủ trương duy trì luật Đạo cả về tín lý, lẫn phụng vụ. Nhưng, lại làm ngơ không đếm xỉa gì đến lời dạy của Hội thánh, rằng: Tình yêu Đức Chúa đâu diễn tả bằng môi miếng hoặc bằng lối sống đạo hình thức, bên ngoài, nhưng bằng động yêu thương người nghèo.
Trình thuật/dụ ngôn hôm nay còn nói đến hình ảnh của “bàn tiệc” ngập đầy những thức ăn. Thức ăn đây phải là biểu tượng của Vương Quốc Nước Trời. Nơi đây, luôn có tiệc lòng Mến, rất thánh. Tiệc agapè dạy ta biết san sẻ tình thương yêu đồng loại, những người đang thiếu thốn nhu cầu căn bản, rất bức thiết.
Ở Tiệc Lòng Mến, không có chuyện phân biệt ai là phú hộ/đại gia, ai “La-za-rô buồn” chực chầu cơm bánh, nơi khung cửa. Người dự Tiệc Nước Trời vẫn chung vui sẻ san đồng đều cùng một thức ăn. Thức ăn, Ngài nuôi dưỡng tình thương yêu ngút ngàn, đầy cảm kích. Thức ăn của Vương Quốc Nước Trời san sẻ cho hết mọi người, không phân biệt ai hăng say lao động, giỏi dang, ai lười biếng, ù lỳ. Tất cả cùng lo lắng cho nhau. Tất cả đều đỡ đần giùm giúp, lẫn nhau.
Lạ thay. Nơi tiệc tùng của Lòng Mến, người túng thiếu nghèo hèn lại cảm thấy hài lòng hơn kẻ giàu sang. Chẳng thế mà, có người tự hỏi: ở Vương Quốc Nước Trời, ai đích thực đại gia/phú hộ? Ai giàu sang? Ai vừa giàu lòng, lại vừa sang?
Dự tiệc Tình Thương hôm nay, ta nhớ lời cảnh báo của Đức Chúa. Cảnh báo về những lãng quên trước lời kêu gào ới gọi, từ những “La-za-rô buồn thời đại” đang ngong ngóng từng miếng cơm, tấm bánh ở cửa hàng. Nơi phố chợ. Cảnh báo, để ta chớ làm ngơ cảnh người đồng loại đang chầu chực, ở đâu đó. Chớ làm ngơ, nhưng quyết ra tay giúp đỡ. Thêm vào đó, Ngài còn cảnh cáo về những xa hoa-phung phí của các đại gia/phú hộ, chuyên hưởng thụ.
Luôn đề cao cảnh giác trước mâu thuẫn giàu/nghèo, tích cực/tiêu cực, ta hân hoan giãi bày lòng mến với mọi người, để cùng nhau hát lên lời ca bừng sáng, như:
Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi
Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi
Người thương gia lợi tức
Người công nhân ấm no
Thoát ly đời gian lao nghèo khó:
á a a à,
nhắp chén đầy vơi,
chúc người người vui
á a a à,
muôn lòng xao xuyến duyên đời.
(Phạm Đình Chương – Ly rượu Mừng)
Rượu hân hoan, mừng mọi người. Từ người nghệ sĩ, đại gia. Đến cả anh công nhân, lẫn La-za-rô nghèo đang chầu chực, ở nơi cửa. Các La-za-rô nghèo buồn hôm nay, không đòi trả lại yêu thương, nữa. Vì đã có niềm tin - yêu từ người đồng loại. Tin - yêu rất muôn thưở. Rất “vô cùng bất tuyệt”.
Lm Richard Leonard sj
MaiTá diễn dịch
No comments:
Post a Comment