Ngày 14/9 này, Công đồng Vatican II sẽ nhóm khoá IV, tức là khoá cuối cùng. Nhìn lại quãng đưòng Giáo hội đã đi, từ ngày khai mạc Công đồng tới nay, chúng ta nhận thấy những bước tiến khả quan khiến chúng ta phấn khởi trước khoá IV sắp đến.
Đã hẳn, những bườc đầu tiên của Công đồng rất khó khăn và chậm rãi, đến đỗi sau khoá I, nhiều người đã tỏ ra hoài nghi về thành quả của Công Đồng. Không một hội nghị quốc tế nào trên thế giới có thể so sánh với Công đồng Vatican II, một thứ nghị viện khổng lồ với 2,000 đến 2,5000 nghị phụ, thuộc đủ mọi mầu da nước tóc, mọi văn hoá chủng tộc, cùng nhau bàn cãi những vấn đề quan trọng gai góc và tế nhị, mà lại phải dùng một cổ ngữ với những cách đọc mỗi nơi mỗi khác, khiến nhiều lúc không thể hiểu được. Mối hoài nghi càng tăng lên, lúc họ thấy sau khoá I, Công đồng chưa có một quyết định dứt khoát nào cả.
Thực ra, trong tinh thần của Đức Gioan XXIII, Vatican II không phải là một Công đồng của những tuyên ngôn long trọng về giáo lý như các Công đồng trước. Vatican II là một Công đồng hướng về mục vụ, biểu dương một ý chí tập thể muốn giải đáp một câu hỏi trọng đại của Giáo hội ngày nay; Giáo hội phải làm gì để đem ánh sáng và tình yêu của Chúa Kitô cho thế giới hiện đại? Làm thế nào để thích nghi Giáo hội với thế kỷ XX này, ngõ hầu đưa nhân loại về với Chúa Kitô? Vatican II không phải là một toà án khổng lồ với những bản cáo trạng và những bản kết án lịch sử giáng xuống trên thế giới. Diễn văn khai mạc khoá II quả quyết:
“Công đồng này muốn lấy tình thương làm đặc điểm, một tình thương mở rộng hơn, cấp bách hơn, một tình thương biết lo đến kẻ khác trước khi nghĩ tới mình, tình thương phổ biến của Chúa Kitô… Giờ đây, như ta đã nói, tâm hồn ta và tâm hồn của Giáo hội triệu tập thành Công đồng, chỉ biết dạt dào tình thương. Ta muốn nhìn thời đại ta và mọi biệt dị đối lập của nó, với con mắt thiện cảm sâu xa, với lòng tận tình mong ước được cống hiến cho loài ngườingày nay bản sứ điệp tình thương, ơn cứu độ và nguồn hy vọng mà Chúa Kitô đã đem cho thế gian, nhưng để thế gian được cứu vớt. Vậy thế giới nên biết: “Giáo hội nhìn họ với tâm tình thông cảm sâu xa, với một ý thán phục chân thành không phải để thống trị, nhưng để phụng sự họ, không phải để hạ giá, nhưng để đề cao họ, không phải để kết án, nhưng nâng đỡ và cứu vớt họ.” Tình thương ấy, Giáo hội muốn đem đến co tất cả mọi người trên trần thế, bất phân tôn giáo, chủng tộc, văn hoá.”
Đức Phaolô VI nói tiếp:
“Làm sao Giáo hội chịu đặt giới hạn cho tình thương của mình, một khi Giáo hội có bổn phận thương yêu bằng chính tình thương của mình, một khi Giáo hội có bổn phận thương yêu bằng chính tình thương của Thiên Chúa Ngôi Cha, Đấng đã cho mưa nguồn ơn sủng trên cả loài người và đã yêu thương thế gian đến đỗi ban cho thế gian chính Con của mình. Vậy nên Giáo hội đưa mắt nhìn mãi tận bên kia cương giới của mình, nhìn đến các tôn giáo khác nuôi ý thức và có một quan niệm về Thượng Đế duy nhất, tối cao và siêu phàm, là vị Tạo Hoá và Đấng quan phòng.”
Để hoàn thành sứ mạng tình thương ấy giữa thế kỷ XX này, Vatican II đã nhắm đến sư canh tân Giáo hội. Có canh tân, Giáo hội mới đủ sức sống để hợp nhất tất cả những anh em cách biệt và đàm thoại với trần gian, ngõ hầu đưa tất cả mọi người về với Chúa Kitô. tring tinh thần cởi mở và canh tân ấy, Công đồng đã chấp thuận và ban hành những văn kiện rất dồi dào về phụng vụ, về Giáo hội, về vấn đề đại kết, về các Giáo Hội Đông Phương, về những phương tiện giao tế xã hội. Những văn kiện ấy là kết quả của những cuộc trao đổi ý kiến rất sôi nổi, rất thành thật của ba khoá vừa qua. Nếu chỉ ban bố từng ấy văn kiện, Vatican II vẫn là một trong những Công đồng lớn nhất của Giáo hội. Hướng đi mới của Vatican II là một sự bảo đảm lớn cho đời sống Giáo hội của ngày mai.
Công đồng Vatican II đã bước một bước khá dài trên con đường canh tân Giáo hội, trên con đường hợp nhất Kitô giáo và trên con đường đối thoại với thế trần. Nhưng giáo hội không chỉ có hàng giáo phẩm. Giáo hội còn là giáo dân, vì thế canh tân Giáo hội còn là việc của chúng ta. Những mục tiêu của Công đồng có thành đạt được, một phần lớn là tùy ở ta. Những văn kiện của Công đồng có dồi dào đến đâu, nếu chính đời sống của chúng ta không được tốt đẹp, nếu chính chúng ta không cô gắng canh tân tâm hồn và hoạt động theo ý hướng mới của Công đồng, thì Giáo hội không thể nào hoàn thành sứ mạng cao cả giữa thế kỷ XX này được. Chúng ta cần phải đi cùng một nhịp bước với Đức Phaolô VI và toàn thể nghị phụ. Giai đoạn cuối của Công đồng sắp khai diễn và trong vài tháng nữa, Công đồng sẽ bế mạc. Đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng. Chúng ta hãy dâng lên Chúa Thánh Thần những lời cầu xin sốt sắng và cố gắng cải tân đời sống cá nhân cũng như đoàn thể, để Công đồng Vatican II trở thành một Lễ Hiện Xuống mới cho Giáo hội của thế kỷ nguyên tử này.
Lm Chân Tín, CSsR
1965
No comments:
Post a Comment