PHÁT TRIỂN CÁC DÂN TỘC, đó là vấn đề sống còn của thế giới ngày nay, mà Đức Phaolô VI đã đề cập trong thông điệp Populorum Progressio ban hành vào dịp lễ Phục Sinh vừa qua. Một lần nữa, Đức Thánh Cha nói lên nỗi lo âu của ngài trước bao bất công xã hội và lớn tiếng kêu gọi mọi dân tộc cũng như mọi cá nhân hoạt động liên lỉ để giúp các dân tộc thăng tiến.
Từ ngày lên ngôi Giáo hoàng, Đức Phaolô VI đã nhiều lần kêu gọi lương tri và tình thương của nhân loại, trong công cuộc loại trừ chiến tranh và xây dựng hoà bình. Nhưng hoà bình không thể có được, nếu các dân tộc không thăng tiến đồng đều. Đó là một đòi hỏi của thế giới ngày nay đồng thời cũng là đòi hỏi của Phúc Âm. Hơn bao giờ hết, Giáo hội ý thức tầm quan trọng của vấn đề phát triển các dân tộc:
“Sự phát triển của các dân tộc, nhất là những dân tộc đang cố thoát khỏi cảnh ô nhục vì đói khát, cùng cực, bệnh tật, ngu dốt, đang tìm cách tham gia nhiều hơn vào thành quả của văn minh, đang đòi hỏi phải đánh giá đúng mức hơn những khả năng của con người họ trong mọi hoạt động đang quyết chí vươn mình tới một sự nẩy nở trọn vẹn: sự phát triển của các dân tộc đó được Giáo hội Công giáo hằng tha thiết lưu ý. Thực vậy, sau khi Công đồng Vatican II kết thúc, Giáo hội đã nhận thấy rõ ràng và sâu xa hơn đòi hỏi của Phúc Âm là phải dấn thân phục vụ con người, không những để giúp họ nhận thấy rõ tất cả mọi kích thước của vấn đề tối quan trọng này mà còn để thuyết phục họ phải cấp tốc hành động liên đới với mọi người trong khúc quanh quyết định này của lịch sử nhân loại.”
Cũng có những khát vọng chính đáng: khát vọng có cơm ăn áo mặc, được tiền của dư dật để lo cho tương lai, được thăng tiến trên phương diện hiểu biết và văn hoá, để sống xứng đáng đời sống con người. Thế nhưng, một số lớn phải sống trong những điều kiện vật chất và tinh thần rất tiếu thốn. Giữa những cường quốc và tiểu nhược, sự chênh lệch ngày càng quan trọng:
“Cứ bỏ mặc theo đà tự nhiên của nó thì guồng máy kinh tế hiện tại sẽ đem thế giới đến mức sống chênh lệch trầm trọng hơn, chứ đừng nói đến giảm bớt. Các nước giàu phát triển chóng, trong lúc các nước nghèo phát rtiển chậm. Sự chênh lệch cứ tăng thêm: có nước thì sản xuất thực phẩm thừa thãi, có nước lại thiếu thốn một cách tàn nhẫn.”
Trên phương diện cá nhân cũng thế:
“Thêm vào đó, có những chênh lệch bất xứng và nhục nhã không những trong công việc hưởng thụ của cải, mà cả trong sử dụng quyền hành. Ở nhiều miền, chỉ một thiểu số được ưu đãi sống trong nhung lụa, còn lại tất cả dân chúng, nghèo nàn và tản mác, không còn có thể có sáng kiến và trách nhiệm và lắm lúc phải ở trong hoàn cảnh sinh sống và làm việc bất xứng với phẩm giá con người.”
Trước những khát vọng chính đáng của con người cũng như trước những chênh lệch xã hội, Giáo hội đòi hỏi ở các nước giàu mạnh cố gắng phát triển toàn thể con người và tất cả mọi người: Sự phát triển không chỉ nhằm nguyên việc mở mang kinh tế. Bởi vì sự phát triển đích thực phải là sự phát triển toàn diện con người và thăng tiến tát cả mọi người. Một chuyên viên lỗi lạc đã nói rất đúng điều đó:
“Chúng tôi không chấp nhận việc tách rời vấn đề phát triển văn minh liên hệ. Điều đáng kể đối với chúng ta là con người, là mỗi người và mỗi đoàn người cho đến toàn thể nhân loại.”
Của cải trần gian này là của mọi ngưòi:
“Trái đất đã được tạo dựng nên để cung cấp phương tiện sinh sống và khí cụ tiến bộ cho mỗi ngườ, thì mỗi người có quyền tìm thấy ở đó những điều cần thiết cho mình.”
Công đồng cũng đã nhắc lại điều đó:
“Thiên Chúa đã tạo dựng trái đất và mọi vật trên đó là để cho mọi người và mọi dân tộc sử dụng. Vi thế của cải trần gian phải có tràn đầy đồng đều cho mọi người, theo luật công bằng, một luât đi liền với bác ái.”
Với nhãn giới đó, quyền tư hữu không thể là một quyền lợi tuyệt đối và vô điều kiện:
“Không ai có quyền dành riêng cho một mình của dư thừa, khi có những người khác đang thiếu những gì cần thiết để sống.”
Việc sử dụng lợi tức cũng không thể vô điều kiện, trái lại chính quyền có thể dùng đến những biện pháp mạnh:
“Vậy lắm lúc vì ích chung phải truất phế tư hữu. Chẳng hạn, khi sở hữu làm cản trở sự thịnh vượng chung vì rộng lớn quá, không khai thác đủ hoặc không khai thác được và gây khổ cực cho dân chúng hoặc làm thiệt hại lớn cho quốc gia. Công đồng Vatican II đã quả quyết rõ ràng điều đó và còn nhấn mạnh rằng: Không phải ai muốn sử dụng lợi tức của mình thế nào thì cứ sử dụng, và phải cấm đoán những vụ đầu cơ ích kỷ. Có những công dân có lợi tức dư thừa nhờ tài nguyên và sinh hoạt quốc gia, họ đem chuyển một phần lớn tài sản đó ra ngoại quốc để mình sử dụng riêng, mà không để ý tới thiệt hại tỏ tường của xứ sở.”
Đức Giáo hoàng tuyên bố rằng sự phát triển kỹ nghệ là một nhu cầu cho việc phát triển kinh tế. Nhưng ngài lên án chủ nghĩa tư bản quá khích lấy lợi làm động cơ căn bản, lấy tự do cạnh tranh làm định luật:
“Nhưng từ những điều kiện mới mẻ ấy của xã hội, không biết sao lại phát sinh ra một chủ trương lấy lợi làm động cơ căn bản để phát triển, lấy tự do làm định luật tối cao của kinh tế, lấy việc nắm giữ riêng những phương tiện sản xuất làm quyền tuyệt đối, bất chấp giới hạn và nghĩa vụ xã hội liên hệ. Thứ “tự do kinh tế” phóng túng này đã dẫn tới một lối độc tài mà Đức Piô XI đã tố cáo đúng lý, như cha đẻ của ‘đế quốc tiền bạc quốc tế’. Những thứ lạm dụng kinh tế như thế không bao giờ bài xích cho đủ, bởi vì, còn phải long trọng lặp lại một lần nữa, kinh tế là để phục vụ con người. Quả thực, có một hình thức tư bản nào đó đã phát sinh ra bấy nhiêu đau thương, bất công và tranh chấp giữa anh em, gây nên thiệt hại lâu dài.”
Trước tình trạng bất công của thế giới ngày nay, Đức Phaolô VI kêu gọi một cuộc cải cách sâu rộng:
“Chúng tôi muốn nói câu nói của chúng tôi được hiểu đúng như thế này là phải can đảm đối phó với hoàn cảnh hiện tại và phải diệt trừ cho được những bất công của nó. Sự phát triển đòi hỏi những thay đổi táo bạo, những đổi mới sâu xa. Phải khởi công ngay những cải cách mà không trì hoãn: mỗi người phải đại độ lãnh lấy phần của mình, nhất là những người nhờ giáo dục, nhờ địa vị, nhờ quyền hành, có nhiều khả năng hành động. Ước gì để làm gương, họ lấy chính tài sản của họ để thể hiện điều đó, như nhiều giám mục, anh em của chúng tôi, đã làm.”
Bao lâu bất công còn đầy dẫy trong nhân loại, bấy lâu chưa có hoà bình. Hoà bình không có nghĩa là không có chiến tranh hay là kết quả của sự thăng bằng tạm bợ của quân lực đôi bên. Hoà bình có nghĩa là phát triển. Vì thế Đức Thánh Cha đã vạch ra một chương trình rộng lớn về sự phát triển kinh tế hoạt động mau lẹ để đem lại sự thăng bằng giữa người nghèo và người giàu trên thế giới. Phải mau mau làm giảm bớt chênh lệch, loại bỏ kỳ thị giải thoát con người khỏi xiềng xích nô lệ làm cho con người có thể tự mình cải tiến đời sống vật chất của mình, phát huy đời sống tinh thần và làm nẩy nở đời sống siêu nhiên.”
Trong công cuộc cải cách này, Đức Thánh Cha kêu gọi đến bổn phận liên đới giữa người với người, giữa các dân tộc với các dân tộc:
“Bất cứ dân tộc nào cũng có quyền hưởng dụng ưu tiên tài nguyên thiên nhiên cũng như của cải do chính mình làm ra. Nhưng không một dân tộc nào được phép giữ lấy tài sản cho một mình mình huởng dụng. Mỗi dân tộc đều phải sản xuất nhiều hơn và tốt hơn để cho mọi người dân trong nước được một sức sống xứng với phẩm giá con người và đồng thời để giúp nhân loại cùng phát triển… Phần dư thừa của các nước giàu phải đem giúp các nước nghèo.”
Sau đó, Đức Phaolô VI đưa ra một ít đề nghị cụ thể, như lập ngân quỹ quốc tế để giúp đỡ những nước đói kém nhất:
“Một khia bao dân tộc còn đói khát, bao gia đình còn đau khổ vì túng quẫn, bao người còn chìm đắm trong dốt nát, bao trường học, bao bệnh xá, nhà ở hẳn hòi còn chưa xây cất, thì tất cả phí phạm công hay tư, tất cả những chi tiểu huênh hoang của nhà nước hay cá nhân, tất cả cuộc chạy đua võ trang đến kiệt quệ, tất cả đó trở thành một điều nhục nhã không tha thứ được.”
Và, Đức Thánh Cha kết luận bức thông điệp của ngài, bằng những lời mời gọi các dân tộc đối thoại với nhau trong tình yêu thương đại đồng. Ngài khẩn khoản kêu gọi mọi giới, mọi giai cấp, cách riêng người Công giáo, đem sáng kiến của mình để san bằng mọi bất công xã hội và góp phấn vào cuộc thăng tiến của các dân tộc.
Đóc qua bức thông điệp Phát triển các dân tộc, chúng ta có thể hiểu được vì sao báo chí quốc tế nói bức thông điệp này là bức thông điệp “quan trọng nhất của triều đại đương kim giáo hoàng”. Đây là bản nhận định sáng suốt về tình hình thế giới ngày nay và đồng thời cũng là chương trình rất thực tếtrong công cuộc cứu vãn nhân loại khỏi chiến tranh và thiết lập hoà bình trên trái đất, vì Hòa bình có nghĩa là Phát triển.
Lm Chân Tín, CSsR
1967
Thursday, 16 September 2010
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment