Nếu như tinh tú, hàng tỷ tỷ ngôi sao, hàng tỷ tỷ thái dương hệ cũng chạy … « loạn xạ » như tôi, như người ta, thì vũ trụ vô bờ này đã nổ tung từ khuya! Tại sao chưa xảy ra như vậy? Tại vì Trời Phật chính là tình thương , tại vì Chúa của tôi yếu quá, dở quá, mềm lòng quá ! Tại vì vũ trụ vô biên giới, không ngừng biến hoá này, chính là kích thước của bụng dạ Ngài, là gia cư của Thượng Đế và loài người.
Hồi tôi còn bé, tôi chỉ biết quanh quẩn ra vào quanh nhà, giỏi lắm là đi đến đầu làng cuối làng ; sau này lớn lên, tôi càng đi đây đi đó . Bây giờ, sau những năm chung đụng với cái gọi là thế giới « văn miêng » , tôi chẳng hề thèm được đi du lịch các nước tân tiến, xây cất đồ sộ ; những dinh thự nguy nga, đường phố khang trang không còn làm tôi cảm thấy bị lôi cuốn, tôi biết chúng không chắc gì là một biểu hiệu cho một nền dân chủ hay một bầu khí sống nhân bản. Bây giờ, coi như bước vào giai đoạn thứ ba của cuộc đời, tôi lại thèm được đi đến những nơi hoang sơ, thanh bình, tinh trắng như thuở xưa ở làng quê. Chắc chắn là những nơi như thế giúp ta gần với vũ trụ hơn, gần với bình diện vô biên của chính ta, gần với gia cư của chính ta. Tôi cầm chắc là ngày tôi được tạo dựng lại với một thân xác thần thiêng như thân xác của Đấng Cứu Thế sau khi sống dậy từ cõi chết, một thân xác không hề chết nữa, tôi sẽ mặc sức chu du khắp vũ trụ nguy nga. Ngày lịch sử loài người được trọn vẹn đưa vào vĩnh cửu, trong một sự hòa hợp hoan ca bây giờ khó mường tượng, tôi sẽ cùng bao bạn bè nghịch ngợm trên tinh tú, chúng sẽ là như trò chơi của chúng ta. Dù bây giờ…
Đoàn người Phi Châu bỏ làng mạc, bồng bế nhau lết đi đến một thị trấn gần nhất, những bà mẹ, những người cha, cõng sau lưng, ôm trước ngực, nhửng bộ xương nhỏ, với đôi mắt sáng như vầng trăng, nhưng bất động , ngần như đã chết. Sinh mệnh của họ nằm trong tay mấy ONG (organisations non gouvernementales). Nhưng mấy ONG tùy thuộc sự giúp đỡ của người dân các xứ giầu. Đói với những người ngồi yên ổn như tôi trong nhà mà coi truyền hình thì có thể họ là những người xấu số, những người không biết tháo vát, những người bị trời phạt... Nhưng riêng tôi kính phục họ nêu cao ngọn cờ của sự sống. Tôi kính phục sự trầm lặng, bình an nơi họ. Họ đã yêu sống đến giây phút cuối cùng. Những ai dửng dưng với số phận, cái chết vì thiếu lương thực của họ, mới là những người từ khước cuộc đời.
Cuộc sống chạy đua, tranh chấp, tranh đoạt của cải, quyền lợi, vật chất, đưa con người đến chỗ ngây ngô, bám víu vào một hai thành trì cuối cùng của cuộc đời tạm gửi này. Đã già, nhưng quá giầu tiền bạc, họ hè nhau xây thành trì, tích trữ kho lẩm, nhất định bảo vệ hạnh phúc của riêng họ. Họ hè nhau xây một khu làng riêng, có hàng rào chạy điện phòng kẻ gian, có lính gác, có hệ thống bảo toàn an ninh, họ chỉ sống giữa họ với nhau, biệt lập với các thế hệ khác, biệt lập với xã hội… nhưng được bao lâu ! Giữa họ và đoàn người nói trên ai sống hơn ai ?
Khi tôi viết những hàng này, thì người bạn trẻ xứ Népal, mà báo chí gọi là « little Bouddha », có thể (cần kiểm lại) vẫn ngồi yên từ tám, chín tháng nay, không ăn uống, không ngủ nghỉ, dưới gốc cây cao, trong rừng xanh. Ngồi thiền, tĩnh nguyện. Điều làm tôi lấy làm thích thú là chàng chỉ sống bằng khí trời, không cần ăn uống mà vẫn lớn lên. Nhưng điều tôi lãnh nhận số một là điều này : con người, nhân loại không thể sống tách biệt với đất, với cỏ cây, với thiên nhiên, với vũ trụ, với vô biên. Bằng cách nào ?
John Main, công giáo, sau khi tốt nghiệp đại học, đi làm cho ( một thứ ) bộ ngoại giao Anh, được gửi đi Mã. Trong một dịp đi khen tặng vị sư quản trị một cô nhi viện, ông hỏi thăm điều gì đã khiến vị swami làm việc phước đức và được trả lời thẳng : tĩnh nguyện (thiền). Sau dịp gặp gỡ đó, tuần nào J. M. cũng đến «luyện» thiền với vị swami.
Về sau J.M. vào đan viện Biển Đức, đem «thuật» thiền đã học được ra áp dụng, bề trên không cho , buộc phải theo một kiểu khác, phức tạp hơn, làm từng « việc» ( actes): ăn năn,ngợi khen, cảm tạ, tin, cậy, mến, xin ơn… Về sau nữa , khi làm giám đốc một học viện, J.M. có giờ đọc sách, tra khảo, mới «khám phá » ra rằng từ những thế kỷ thứ tư , thứ năm các nhà tu (sa mạc) tĩnh nguyện y trang cách ông đã học được cùng với vị swami.
John Main, sau ông thì Laurence Freeman, và bao nhiêu người khác, tu hay đời, đã và đang sống và quảng bá « thuật » tĩnh nguyện cho người công giáo ( hay không ). Điều thật đáng vui mừng khôn tả là tĩnh nguyện không phân biệt tôn giáo. Tôi có cảm tưởng là trong các đạo khác (Phật giáo), cầu nguyện trong thinh lặng thịnh hành còn hơn. Bà con ta ở hải ngoại (trong nước?), phật giáo và công giáo một vài nơi đã cùng nhau ngồi thiền. Ngày mà tín hữu các tôn giáo hẹn nhau cùng ngồi thiền cùng một nơi, chắc không xa.
Bạn có thể bẻ lại là cầu nguyện không chỉ cốt ngồi thiền. Đúng thế! Nhưng nói một cách trần tục thì ngồi thiền «đã» hơn, đem lại bình an, sức khỏe, tính bình tĩnh ….liên can đến toàn diện bản thể người. Lấy một ví dụ. Đọc kinh xem ra là một kiểu cầu nguyện bình dân, nhưng cũng có thể chỉ là một sự bôi bác cầu nguyện nếu như cứ thế qua năm này tháng nọ mà không trở nên an bình hơn, hiền dịu hơn, vui tươi hơn, trẻ trung hơn (về mặt tâm linh, tâm lý). Còn nếu như mỗi ngày bạn để ra một tiếng đồng hồ, chia làm hai lần sáng chiều, tĩnh nguyện, ngồi thiền, thì chắc chắn chẳng bao lâu bạn sẽ tiến mãi về mặt tâm linh, tâm lý, trở nên hiền dịu, từ bi … Nói ngồi thiền rồi sẽ trở nên hiền dịu, an bình, từ bi, tâm hồn trẻ thơ… sợ chẳng lôi cuốn được mấy ai vì phần đông những ai cầu nguyện, cầu trời khấn đất hay xin Chúa thì nghĩ rằng «phải» cầu nguyện để được thêm của cải, thành công, hạnh phúc trần đời, chứ ít ai hiểu được cầu nguyện là để thay đổi lòng mình nên trẻ trung hơn, để gắn liền với đất trời, với tha nhân, với vũ trụ.
Matthieu Ricard, vị thiền sư người Pháp có nhắc đến trường hợp Fleet Maul trong tù, ngồi thiền mỗi ngày bốn, năm tiếng đồng hồ, trong một không khí hỏa ngục, giữa những tiếng cãi cọ, chửi bới, gầm thét, 4, 5 cái máy truyền hình vặn cùng lúc, 24 trên 24, trong một phòng giam chật chội, nóng như hoả lò, toàn thân ướt đẫm mồ hồi. Chẳng những F.M. tìm được an bình trong địa ngục mà còn dạt dào tình đồng loại.
Ngày mà phần đông nhân loại nhìn nhận tâm linh nơi mình phải được nuôi cho đầy đủ (bằng tĩnh nguyện) , ngày đó tình người chân chính, điều thiếu nhất của thế giới hiện nay so với sự phí phạm tài nguyên và sinh mạng, sẽ như luồng gió mát ngọt dịu thổi khắp nơi.
Kinh nghiệm bản thân tôi về tĩnh nguyện ra sao ? Mỏng manh. Nhưng tôi đã khám phá ra một điều là Tai Chi Chuan, điều trị tâm lý (psychothérapies) và ngồi thiền rất gần nhau. Kinh Thánh Công giáo , hoặc tôn giáo nói chung ,dạy rằng hãy trở nên như con trẻ, hãy cầu nguyện liên lỉ, hãy ở lại trong Tình Yêu, trong vô biên như nhánh nho dính liền với gốc nho... Để được như vậy, thân xác cần ở trong trạng thái «thư giãn», relaxed (Tai Chi Chuan …), không có vết tích của sợ hải, lo âu, căng thẳng... Khi tôi mới tập ngồi thiền (trong nhà thờ) thì ngồi yên là một khổ sở. Bây giờ tôi hiểu nên tập ngồi yên trong trạng thái thong giãn trước đã.
Một trong những điều "lãng xẹc" của văn minh hiện nay, là càng làm việc nhiều, nhằm đạt mãi lực cao, con người càng căng thẳng, càng lo âu và mắc đủ các chứng bệnh, nhất là bệnh thần kinh. «Chạy đua» mà thôi về kinh tế, tài chánh quả là một việc phi lý, vì những thành công vật chất, nếu chỉ có chúng mà thôi, thì đóng khung con người vào một cuộc sống buồn bã vô vị. Cuộc sống giả tạo duy chỉ tranh đua vật chất cắt đứt con người khỏi đất trời, cây cỏ, muôn thú, vũ trụ vả dĩ nhiên khỏi đồng loại, khỏi vô biên, khỏi thực tại, khỏi hiện tại.
Michel Legault thuật lại mẫu chuyện sau đây. Hai đệ tử khoe nhau thầy mình. Thứ nhất nói: «Thầy tôi thần lực cao, ngài đứng một bên sông, tôi một bên với cái thúng. Xa nhau như thế, mà ngài viết hàng chữ lên thúng tôi.» Người kia bái phục khả năng ngoạn mục đó rồi tiếp : «Thầy tôi mạnh hơn, khi ăn thì ăn, khi đọc thì đọc, khi ngủ thì ngủ». Thứ nhất ngẫm nghĩ và thực lòng bái phục khả năng như vậy, nhìn nhận được như vậy phải là thảnh quả của bao năm thực hành tâm linh.
Cái khổ của con người là suy tính, nghĩ ngợi, lo toan. Toàn là những sự chỉ làm cho cuộc sống thêm phức tạp, tâm thần rối reng, thân xác mỏi mệt. Trong một ngày bao nhiêu lần chúng ta phê phán chê trách...khiến thân xác không nặng chĩu xuống đất xanh , tách khõi sức sống của trời đất, vũ trụ. Làm sao để hoá giải những ý nghĩ lung tung đó? Hãy trở về với trạng thái thiền, trạng thái của trẻ thơ... Vì xét cho cùng những điều cần thiết trên đời này có là bao!
Tôi đọc được Elisabeth LUKAS kể mẩu chuyện sau đây hình như trong một tác phầm của Tolstoï. Người nông dân nọ muốn làm giầu đi kiếm đất rẻ, đến bộ lạc kia mua cho thật rẽ. Được rao hẹn là sau khi trả tiền rồi thì tuỳ sức mà chạy vòng quanh miếng đất tương lai của mình, càng rộng thì đất càng nhiều, ông mừng khấp khởi như vớ được của trời cho. Vậy một sáng sớm, ông trao tiền rồi cấp tốc chạy thật xa và căn bọc trở về cho kịp trước giờ tối để được thật nhiều đất
.
Nhưng khi gần về tới đích, ông đuối sức, chẳng những không được đất nào mà còn lăn đùng ra chết . Người đầy tớ trung thành đi xin một tí đất vừa đủ chôn cất chủ mình. À quên tác giả câu chuyện đặt tên câu chuyện là «Người ta cần bao nhiêu đất?».
Nhưng cuối cùng ra , người ta vẫn có thể vặn hỏi tại sao không hung dữ, tại sao không tranh đua, tại sao không hưởng thụ tối đa đời này? Riêng tôi lý do khiến tôi khát khao sẽ có ngày tôi sẽ có rộng thời giờ tĩnh nguyện đó là niềm tin định mệnh của con người, của tôi, của những người thân, của chúng ta tất cả là vô biên, và ý nghĩa của đời này là dọn đường đón vô biên.
Mễ Duy - Nguyễn Quí Bân
(xem thêm các bài cùng một dạng, xin mời vào
www.suyniemloingai.blogspot.com
www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com )
No comments:
Post a Comment