Wednesday, 10 February 2010

Lm Vũ Khởi Phụng, CSsR: VÀI MẨU CHUYỆN NHỎ NHÂN KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO


Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Hà Nội

Cha T. đang ngồi Giải Tội. Những bóng người lần lượt vào Toà. Đến một lúc không có bóng người nào mà không nghe một tiếng nói nào. Sau vài giây cha T. nhìn phía ngoài Tòa thấy một cô gái không quỳ gối như những người bình thường, cô đang ngồi trên hai ống chân quỵ xuống trước Toà Giải Tội. Cha T. nói: "Con xưng tội đi". Cô gái ngập ngừng một giây, rồi thì thào: "Con không phải người bên Đạo".


Cha T. hỏi: "Thế tại sao con đến đây ?" Cô gái đáp: "Hôm vừa rồi xảy ra một chuyện, con cảm thấy áy náy mãi. Con nghe nói bên Nhà Thờ có phép xưng tội và tha tội...” Cha T. mời cô sinh viên vào phòng khác chia sẻ nỗi băn khoăn... trao đổi xong cha mời cô dự Thánh Lễ Chúa Nhật hôm ấy. Đến chiều, cô sinh viên rủ thêm mấy người bạn đi dự Lễ, nghe giảng. Cả nhóm mới đến Nhà Thờ lần đầu. Sáng hôm sau cô điện thoại tới Tu Viện cám ơn, bảy tỏ sự vui mừng bỡ ngỡ. Cô đã tìm được một cộng đồng, gợi lên cho cô nhưng ý nghĩ bao dung, cảm thông, hy vọng...

Lớp Giáo Lý hôm ấy, thầy N. Ph.; nói say sưa về cộng đoàn, về Thánh Thể. Thầy chia sẻ một ước mơ, phải chi Chúa Nhật ở Nhà Thờ người ta đứng ở cạnh nhau như những người xa lạ, tại sao không hỏi thăm nhau, tìm hiểu nhu cầu của nhau và cầu nguyện cho nhau. T. là một cô gái Dự Tòng đầy thiện chí như khá nhiều Dự Tòng khác, cô lấy làm tâm đắc. Đến Chúa Nhật, cô áp dụng ngay. Cô ghé tai một người ở bên cạnh cô: "Bác ơi, bác có điều gì muốn cầu xin với Chúa không, con cầu nguyện cho bác..." Hôm sau cô T. báo với thầy Ph.: "Giời ôi, bà ấy nhìn con như thể con là người ngoài hành tinh, như thể con xâm phạm đời tư, can thiệp vào việc gia đình của bà ấy. Con lúng túng không biết làm thế nào nữa, thẹn quá".

Thầy N. Ph. đang thích thú nghiền ngẫm tác phẩm nối tiếng của Samuel Huntington: "Sự va chạm của các nền văn minh". Không biết thầy có nghĩ rằng không chỉ có các nền văn minh phương Đông, phương Tây, ngày xưa ngày nay, đạo Chú đạo Hồi "va chạm". Đôi khi trong cùng một Nhà Thờ, những nếp sống, nếp nghĩ cũng va chạm bởi cũng là những "nền văn minh nho nhỏ".

May sao trước mặt Chúa, sự thể không gay cấn như trên trường quốc tế. Hai "nền văn minh" chỉ "va chạm" có mấy phút rồi cũng giống như câu hát của ông nhạc sĩ già sau mấy chục năm tha hương vừa trở về nước: "Vào ngồi, vào ngồi chung, đôi mắt đôi mi lạnh lùng; vào ngồi, vào ngồi chung, đôi má đôi môi làm quen", bà ấy có vẻ lắng nghe được một giai điệu chung với cô Dự Tòng.

Sự "va chạm" biến thành tâm sự. Một vài lời nói thì thầm qua lại, cuối Lễ hai người đã có thể thêm một lúc hú hí với nhau. Tưởng là khác hành tinh, hoá ra chỉ cách nhau một bức màn mỏng. Nnưng bên kia bức màn, mỗi người đều thấy, hai người đều thấy, một trời mới, một đất mới. Âu là đúng như Chúa dạy: cầu thì được, gõ thì mở.

Chẳng biết câu chuyện đến đây chấm dứt, hay là lại có một Dự Tòng, hay Tân Tòng, Cựu Tòng nào nói cho nhau những lời nguyện...

Trở lại Lạng Sơn, tháng 10 năm 2005

Có những Lạng Sơn khác nhau hoà vào một không gian Lạng Sơn duy nhất. Lạng Sơn của tôi là Lạng Sơn nào ? Lạng Sơn của những bà con dân tộc "sắc chàm pha mầu gió" đi giữa núi rừng trùng điệp ? hay chợ Đông Kinh với muôn vàn sắc mầu hàng hoá Trung Quốc ? hay những đoàn quân cửu vạn và những nẻo đường thầm kín của dân buôn lậu ? Hay là những chứng tích cổ kính của nàng Tô Thị, động Tam Thanh, thành Nhà Mạc ? Lạng Sơn vừa có núi rừng hoang sơ, vừa có sức sống dữ dội khi ẩn khi hiện của con người.

Lạng Sơn tôi tìm đến là ngôi Nhà Thờ bên cửa Nam thành cổ. Năm ngoái tới đây, Nhà Thờ còn chưa khánh thành. Nay thì đã hoàn tất, có bia kỷ niệm đàng hoàng. Nhà Thờ có kiểu dáng Đông Phương nhưng cấu trúc hiện đại nằm giữa một vòng đai núi non địa thế rất đẹp. Công trình mới xây dựng nhưng lại khơi gợi cả một quá trình dài gian khó, cả những chặng đường lịch sử. Ngay bên cạnh Nhà Thờ, di tích thành cổ Lạng Sơn với những ao hồ còn sót lại và từng đoạn tường thành cây leo hoa dại phủ đầy vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt". Cũng trơ gan tuế nguyệt không kém là ngôi Mộ mới của Đức Cha già Phạm Văn Dụ giữa khuôn viên lặng lẽ. Ngôi mộ nhắc đến một con người, và một đoàn chiên nhỏ bé.

Lại nhớ hôm đám tang đức Hồng Y Trịnh Văn Căn, tình cờ tôi đứng gần một vị Giám Mục già. Không biết ngài đang mải nghĩ ngợi những chuyện gì mà lơ đễnh vò nát chiếc mũ chỏm mầu tím trong lòng bàn tay. Tôi tự hỏi: Đức Cha nào đây, trông lạ thế ? Phải một lúc lâu mới giật mình hiểu ra khuôn mặt lạ lùng này chỉ có thể là Đức Cha Lạng Sơn, vị Giám Mục đã sống cô quạnh gần ba chục năm trên "mạn ngược", mãi đến giờ mới đoàn tụ với các Giám Mục khác. Đường đột đến chào và vấn an. Đức Cha già nói chuyện thủng thẳng: "Trên tôi khó khăn lắm, nghèo và thiếu thốn mọi bề. Nhưng hôm nào ông lên mà chơi, phong cảnh tuyệt đẹp, với lại hồng, đào, mận ngon lắm”. Sau đó, khi Đức Hồng Y Etchegaray đến Hà Nội chủ sự tang lễ, trong các bài nói ngài liên tục nhắc đến Đức Cha Lạng Sơn, như một chứng tích gì quý báu lắm của Giáo Hội.

Từ đó tới nay, Lạng Sơn đã thay đổi nhiều, nhưng vẫn cứ là một vùng gai góc. Với đàn chiên bé nhỏ của Chúa cũng vậy. Đức Cha già đã nằm xuống, một Giám Mục trẻ đã đến; vừa đủ thời gian để xây dựng ngôi Nhà Thờ Chính Toà sáng sủa đẹp đẽ này rồi Giám Mục trẻ được đưa về Hà Nội làm Tổng Giám Mục.

Hôm tôi đến, vị Linh Mục coi xứ cũng bận công tác ở nơi khác. Đứng lại nói chuyện với hai chị em trẻ đang phục vụ việc Tông Đồ ở đây. Tôi nhắc lại năm ngoái nghe cha xứ than phiền về tệ nạn ma tuý trầm trọng. Các chị nói tệ nạn vẫn còn, thanh niên chết vì AIDS nhiều quá. Các chị còn than thanh niên Công Giáo còn ít quá, các cô gái con nhà có Đạo rải rác trong nương rẫy núi rừng, thời buổi khó khăn ít có cơ hội tiếp xúc với mục vụ của Hội Thánh, nay lại lấy chồng không theo Đạo, Đức Tin cũng phôi pha theo. Vài câu chuyện qua đường đã gợi lên những khó khăn Dân Chúa phải chống chọi. Giữa một thế gian nhiều hoang vu, nhiều tệ nạn, ngôi Nhà Thờ này và không gian tươi đẹp của nó vẫn thầm lặng cao rao một điều gì khác, một chiều kích khác, một cõi khác. Ngôi nhà và cộng đoàn những người phục vụ ở đấy.

Trở lại hỏi thăm những người chị em trẻ đang phục vụ ở đây. Tôi đã từng gặp họ trước đây ở dưới xuôi, họ đông hơn chứ không phải chỉ có hai người. Hai chị cho biết nhóm Tông Đồ thanh nữ ấy bây giờ chia nhau sống rải rác tại nhiều địa điểm trong Giáo Phận, người ở thị xã Lạng Sơn, người ở Thất Khê, người ở Mỹ Thạch, có người lên tận Cao Bằng. Nghĩ cũng hay, hồi bé được học ca dao, học lời hát ru về những người lính thú ngày xưa:

“Nàng về nuôi cái cùng con
Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng”.

Ngày nay có những cô gái không phải là lính thú. những cũng "đi trẩy nước non Cao Bằng", xin được làm công binh cho Chúa. Công binh thì chuyên mở đường, bắc cầu. Cao Bằng bây giờ không phải là nơi nước độc heo hút như xưa, nhưng về mặt tinh thần và tâm linh vẫn không kém phần hiểm trở. Chúa thường giao cho những con người mong manh yếu đuối nhiệm vu gieo mầm hy vọng, duy trì ngọn lửa Đức Tin cho thế gian. Có những cô đã bắt đầu học tiếng Dao, tiếng H'Mông, tiếng Thái để nói Lời Chúa.

Giữa buổi trưa, khuôn viên Nhà Thờ vắng lặng, hai đứa bé tan buổi học rủ nhau vào chơi. Ông khách du lịch từ Hà Nội lên dừng lại hỏi thăm. Đó là hai chị em nhà ở hơi xa đi học ở ngôi trường gần đó. Thằng em xông xáo đã thăm thú khu vực Nhà Thờ nhiều lần, hôm nay nó kéo cả cô chị cùng vào. Cô chị không xông xáo bằng đứa em, nhưng khá tò mò. Được ông khách hỏi thăm, nó cũng bắt chuyện với khách: "Ông ơi, thế tượng đứng giữa hang đá kia là ai thế ? Phía bên kia sân cũng có một tượng nữa ông ạ”. Khách hỏi thăm: "Thế nhà cháu theo đạo gì ?" – "Nhà cháu không theo đạo gì cả, cháu đi học rồi vào đây xem 'chùa' thôi”. – "Nào, cháu đưa ông lại chỗ tượng, ông nói cho mà nghe”. Con bé phấn khởi: "Thế ông cháu mình đi xem nhé. Cháu chưa bao giờ vào trong chùa". – "Không phải chùa đâu, Nhà Thờ đấy !" – "Nhà Thờ hả ông ? chắc bên trong đẹp, ông nhỉ ?"

Từ trên tháp buông xuống những tiếng chuông Truyền Tin. Mấy bà mặc áo dài từ bên ngoài đi vào, hình như sắp có kinh nguyện gì đấy. Thầy xứ mở cửa bước ra. "Đấy, Nhà Thờ mở cửa rồi. Cháu muốn vào xem không ?" – "Vào được không ông ?" Ông khách đứng dưới gọi với lên: "Thầy ơi, cháu bé này người bên lương chưa vào Nhà Thờ bao giờ, cháu muốn vào xem, được không thầy ?" Thầy xứ gật đầu, giơ tay vẫy vẫy. "Thầy cho đấy, cháu vào đi". Con bé lanh lẹ nhẩy lưng tưng qua mấy bậc cấp. Giữa Nhà Thờ với người đời, vừa nối được một sợi giây mỏng, rất mỏng...

An Thới Đông, Duyên Hải...

Từ bến phà Bình Khánh đi lên chỉ mấy trăm mét sẽ đến vùng dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Duyên Hải. Con đường đất bên tay mặt đi qua những khoảng rừng đước và những đầm nuôi tôm đến An Thới Đông. Một thửa đất trống là nơi dự tính dựng lên một Nhà Thờ, nhưng lúc này chưa thấy Nhà Thờ đâu cả. Thẳng góc với một xóm nghèo bên rạch nước chỉ có hai dãy nhà tôn, với Lớp Dạy Nghề và Lớp Học Tình Thương. Ngày Chúa Nhật cái sân giữa hai dẫy nhà biến thành Nhà Nguyện, vài trăm tín hữu dự lễ, toàn là Tân Tòng thôi. Khoảng mười mấy năm trước, ở đây không có một người nào biết Chúa.

Người tín hữu đầu tiên ở đây, anh hai Bạc, nhớ lại những bước đầu gian nan. Ngày ấy, phương tiện đi lại khó khăn, Nhà Thờ thì xa. Gia đình anh thức dậy từ hai ba giờ sáng dắt díu nhau lên thành phố học Đạo, ( tại sao biết Đạo mà tìm học cũng là cả một câu chuyện... ). Câu chuyện gia đình anh đến tai một nhóm bạn trẻ bên Vũng Tầu, các bạn đi lượm ve chai kiếm tiền mua mấy cái xe đạp gửi ca-nô xuất phát từ Bến Đình vượt sóng sang Cần Giờ, một chút quà của ít lòng nhiều gửi những bạn đồng tâm không quen biết.

Sau đó có một ông Linh Mục già hay lui tới. Ông Linh Mục này ở thành phố chả biết ăn nói bạt mạng thế nào được Nhà Nước cho ra Duyên Hải quản chế ba năm. Ngày đó Duyên Hải là vùng sâu vùng xa, khỉ ho cò gáy. Nhìn rừng ngập mặn ngút ngàn, Linh Mục cảm thấy thèm trồng người cho Chúa. Ba năm mãn hạn, ông Linh Mục được giải quản trở về thành phố, nhưng trái tim ở lại với rừng ngập mặn. Trong ba năm đó, ông đã gặp bà con nghèo An Thới Đông. Gia đình duy nhất đi theo Chúa Ki-tô lúc ban đầu đã "di căn" sang nhiều gia đình khác. Hoá ra, Duyên Hải, và cách riêng An Thới Đông, đối với ai muốn làm Tông Đồ là chỗ đi dễ khó về. Dần dần ở đây có Linh Mục trẻ tiếp nối công việc cha già, có Nữ Tu, có cộng đoàn... Đến lúc cộng đoàn đã hao hao giống như Họ Đạo nghèo, thì chủ chăn là Đức Tổng Giám Mục đến thăm. Giữa những người vừa nghèo, vừa mộc mạc, vừa mới tinh ấy, Đức Hồng Y Mẫn nói đùa với cha già một câu: "Cha xem còn chỗ nào như chỗ này thì ráng đi quản chế thêm vài lần nữa".

Hôm nay, cộng đoàn nghèo đón các bạn ở xa tới thăm. Các bạn đây là những anh chị em có tinh thần phục vụ từ nhiều miền đất nước có thói quen mỗi năm lặn lội đi tìm thăm nhau một lần. Trong số đó, có cả những người mười mấy năm trước đã gửi xe đạp cho An Thới Đông, nay mới có dịp đặt chân đến tận nơi. Chiếc xe ca dừng lại đầu xóm, những giây phút đầu chào hỏi, giới thiệu nhau, nghe có lời thì thào: "Trên xe tụi này có một chị từ Cà Mau đến, hát hay quá".

Chị ca sĩ từ Cà Mau đến là một người khiếm thị, tên là Diệp. Đặc biệt Diệp chưa được chịu Phép Rửa Tội. Mặc dù chị rất khao khát, các cha ở Cà Mau vẫn còn chần chừ đã mấy năm nay. Người làm việc Tông Đồ rất ngại bị mang tiếng là lợi dụng hoàn cảnh bất hạnh của người ta để dụ vào Đạo. Hơn nữa, gia đình của Diệp lại vô thần. Thế là Diệp có nhiều thời gian để suy nghĩ về điều mình ao ước; thời gian không làm Diệp nhụt chí, trái lại, tấm lòng của cô như nước đun lâu càng sôi. Bao nhiêu tâm tưởng của Diệp về Chúa đều biến thành lời ca tiếng hát.

Đối với đa số dân Cà Mau, ca có nghĩa là ca Vọng Cổ. Lâu nay, có những nhà sáng tác đã đưa nhiều làn điệu dân ca vào Thánh Nhạc, nhưng chưa thấy ai dùng sáu câu Vọng cổ. Với Diệp thì khác, mọi mầu nhiệm Đạo Chúa Diệp nghe được, học được, từ mầu nhiệm Giáng Sinh, Khổ Nạn, Phục Sinh, Thánh Thần Hiện Xuống... đều biến thành những câu Vọng cổ Diệp tự biên tự diễn. Chúa ban cho Diệp sự nhạy cảm tinh tế khiến cho cô đón nhận Lời Chúa bằng cả tâm hồn chân chất của mình.

Nói cho ngay, về sự diêu luyện thì Diệp không thể sánh được với các bậc danh ca tài tử. Nhưng Diệp dài hơi lại có giọng tự nhiên truyền cảm, và con người toả ra sự chân thành, lời ca tiếng hát cứ như nước trong nguồn dồn dập chảy ra. Trong vòng chị em ngồi nghe, có những cặp mắt đã mọng nước mắt, thậm chí có một bà sau đó phát biểu: "Nghe nó hát tôi nổi da gà".

Chiều hôm đó, mọi người nhất trí trong giờ Chầu Thánh Thể, sẽ chọn một thời điểm lắng đọng để nhờ Diệp đại diện cho cả Đoàn, dâng lên Chúa lời cầu nguyện và cảm tạ. Thế là cô gái mù chưa được Thanh Tẩy quỳ xuống ngay trước Hào Quang mà cô chẳng hề nhìn thấy bằng mắt để hát lên những điều cô nhìn thấy bằng tấm lòng ánh sáng ẩn trú trong cõi tối đen.

Dù cô chưa được Thanh Tẩy, tôi cứ nghĩ có thể gọi cô là người tín hữu. Diệp hát với tất cả lòng xác tín trong bóng tối, chợt nhớ Lời của Chúa: "Khi cầu nguyện, con hãy vào phòng, đóng cửa lại và cầu nguyện cùng Cha con, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha con, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ đáp lời con". Lại nhìn cả đoàn anh chị em đang quỳ trầm ngâm chung quanh Diệp, nghe như Chúa đang nói một Lời khác: "Nào anh em chẳng nói còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt ư ? Nhưng này, Thầy bảo anh em, ngước mắt lên mà xem, đồng lúa đã chín vàng, đang chờ ngày gặt hái... cả người gieo lẫn kẻ gặt đều vui mừng" ( Ga 4, 35 – 36 ).

Lm Vũ Khởi Phụng, CSsR

tháng 10.2005

(Xem thêm các bài cùng một dạng, xin mời vào

www.suyniemloingai.blogspot.com

www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com )

No comments: