Sau khi nghe xong dụ ngôn mười trinh nữ; dù ai dễ tính đến đâu cũng sẽ thắc mắc là tại sao đám cưới lại đươc cử hành ban đêm, và một khi đám cưới đã được chuẩn bị thì việc chàng rể đến chậm là việc khó chấp nhận. Nhiều khi chỉ trễ một lần hẹn cũng khiến cho tình duyên bị trắc trở; phương chi là đến trễ trong ngày trọng đại như chú rể trong dụ ngôn chắc chắn sẽ để lại những ấn tương không mấy tốt đẹp sau này. Hẳn anh chị em còn nhớ câu: “Cưới vợ thì cưới liền tay, chớ để lâu ngày lắm kẻ dèm pha.”
Sau đây là một trong những giải thích về 2 vấn nạn nói trên: Dụ ngôn nhấn mạnh chuyện chàng rể đến chậm, nên phải luôn sẵn sàng. Điều này có thể dựa theo thói tục địa phương thời xưa: việc cưới xin không do chú rể và cô dâu chủ động; nhưng nhờ sự mai mối và được chấp thuận bởi hai gia đình. Sau đó cả hai gia đình cần thời gian để thương lượng. việc thuơng luợng này có thể kéo dài hàng tháng. Nhưng trong dụ ngôn hình như việc dàn xếp xẩy ra trong ngày cưới; và gặp khó khăn nên nhà gái phải chờ đợi, có khi tới khuya hoặc nửa đêm cũng không chừng.
Dựa trên quan niệm ‘lady first’ và theo thói quen cưới xin của chúng ta hôm nay, chỉ nội chi tiết bắt nhà gái phải chờ đợi cũng khó được chấp nhận. Nhưng anh chị em đừng quên là Thánh Matthew viết Tin Mừng khỏang thập niên 80-90; và độc giả của ngài là các tín hữu gốc Do Thái. Vì thế ngài cố gắng sắp xếp để sau khi nghe xong, họ sẽ nhận ra sứ điệp của Chúa ngay. Và đó cũng là điều mà chúng ta cần tìm hiểu.
Ngay trong phần giới thiệu của dụ ngôn, Đức Giê-su nói rõ là trong mười cô đã có 5 cô dại và 5 cô khôn rồi. Tại sao? Bởi vì, việc nhận xét hay xét đóan không thể dựa vào hình dáng bên ngòai của họ: 10 cô đều đến tham dự tiệc cưới và dĩ nhiên có chung một kỳ vọng là sẽ được mời vào để dự tiệc; cả 10 cô đều cầm đèn; hơn nữa cả 10 cô dường như đều mặc trang phục để tham dự đám cưới.
Như vậy, việc phân biệt khôn ngoan hay khờ dại không dựa vào hình dáng; cũng không bởi những cái đèn dầu các cô cầm trong tay hoặc những bộ trang phục lộng lẫy mà họ khóac trên nguời. Sự khác biệt của họ là 5 cô mang đèn mà không mang theo dầu; còn 5 cô kia vừa mang theo đèn vừa mang chai dầu theo (và không chỉ mang theo dầu mà thôi; nhưng có lẽ các cô còn mang theo cả ‘điện nước’ nữa.) [1]
Như vậy việc chuẩn bị hay sẵn sàng chờ đón chú rể là sứ điệp của Chúa qua dụ ngôn này.
Chìa khóa để mở dụ ngôn này là ‘dầu’. Có một số người giải thích dầu ở đây nghĩa là đức tin, cầu nguyện, việc tham dự các thánh lễ hay những việc thờ phương khác, và tất cả những việc khác giống như vậy. Nhưng hình như đó không phải là ý của Thánh sử.
Lại phải đặt dụ ngôn này trong tòan bộ Tin Mừng do thánh Matthew biên sọan để biết chúng ta cần sống để chuẩn bị ngày Chúa đến như thế nào?
Mục đích của Tin mừng theo thánh Matthew là trình bầy về con người và công việc của Đức Giê-su> Ngài là một tin vui trọng đại. Ngài đến trần gian để rao giảng và thiết lập Nước Trời. Nước Trời không được quan niệm như là lãnh địa của những kẻ tin. Nhưng được căn cứ vào lối sống của chúng ta. Và lối sống này đã được diễn tả trong ‘bài giảng trên núi’. (Mt 5:1-12). Và một khi chúng ta đã bằng lòng chấp nhận lối sống này thì nghèo khó, hèn mọn, đau khổ không hẳn là những điều bất hạnh. Trái lại, giầu có, danh vọng, uy quyền lại có thể trở thành những chuớng ngại cản đường tiến lên hạnh phúc đích thật của chúng ta. Có nhiều người chỉ áp dụng những tiêu chuẩn trong bài giảng trên núi này một thời gian ngắn; nhưng chờ mãi chẳng thấy Chúa đến khiến họ đâm ra chểnh mảng và xao nhãng.
Thí dụ việc xây dựng hòa bình dù chỉ trong một ngày đã là điều khó thưc hiện; nhưng vẫn còn dễ hơn là sống để trở thành khí cụ bình an của Chúa trong cả hành trình đầy những trở ngại và đối nghịch với Tin Mừng. Còn nữa, như việc thuơng yêu kẻ khác. Thật là dễ dàng khi chúng ta thuơng xót và tha thứ cho người khác một vài lần trong cuộc đời. Nhưng quả là khó khăn khi chúng ta phải thực hiện lòng thuơng xót và tha thứ này trong cả cuộc đời. Hơn nữa, chúng ta chẳng hề hay biết ngày nào, giờ nào chú rể sẽ đến. Vì thế phải sẵn sàng bằng cách trang bị cuộc sống cho đủ số luợng dầu để khi chàng rể đến, chúng ta có thể thắp đèn đón tiếp lang quân.
Ngòai lượng dầu cần mang theo chúng ta còn phải tạo điều kiện để Chúa biết ta. Nghe thật lạ đời phải không, thưa các bạn. Bởi vì chúng ta thường được dậy bảo là hãy ra đi tìm kiếm để biết Chúa; đâu phải việc Chúa biết ta mới là chìa khóa để tham dự tiệc cưới. Chúa mà không biết ta thì còn ai biết ta nữa.
Quả thế, khi cánh cửa phòng của tiệc cưới khép lại, chúng ta không nghe thấy tiếng của chàng rể vọng ra: “Tôi bảo thật các cô, tôi không hề biết các cô!” (Mt 25:12) hay sao?
Có nhiều kiểu ta biết Chúa. Nhưng kiểu ‘biết Chúa’ của chúng ta cũng lạ đời lắm. Có ai ngờ cả nhóm, cả gia đình, cả xứ đạo đều biết Chúa; thế mà Chúa của ông này chống Chúa bà kia. Chúa của chồng thì khác Chúa của vợ. Vì thế, dù ta có biết Chúa đến độ nào, thì việc biết ấy vẫn là sự biết có ngần có hạn. Còn Chúa biết, là biết hết, biết rõ những gì sâu thẳm nhất trong đời sống của từng người. Như vậy, Chúa biết ta vẫn hơn việc ta biết Chúa.
Muốn được Chúa biết, ta cần làm những việc giống như Chúa làm; sống tiêu chuẩn giống như Chúa sống; biết thông cảm và luôn tha thứ như Chúa thuờng thứ tha. Trên hết mọi sự là mời Chúa hiện diện trong mọi cách hành xử của chúng ta. Nếu chúng ta làm đúng như thế thì Chúa sẽ vui mừng; giả như chúng ta hành động chưa tốt lắm, thì cũng không nên lo lắng quá. Bởi vì Chúa biết và còn biết rất rõ về những viêc làm chưa tốt của chúng ta. Nó phát sinh từ sự yếu đuối và chính bởi sự yếu đuối đó mà sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa được biểu lộ trọn vẹn trong đời sống của chúng ta.
Tóm lại, niềm tin chưa hẳn là chìa khóa mở cửa phòng của tiêc cưới. Muốn tham dự tiệc cưới, người tín hữu cần có lối sống phù hợp với những điều Chúa dậy trong bài giảng trên núi. Nói cách khác, qua cách suy nghĩ, nói năng và hành động của chúng ta đều phải là họa ảnh lối sống của Chúa. Đó là cách chuẩn bị tốt nhất mà chúng ta cần thực hiện. Và khi nào Chúa đến không phải là việc của mình. Vì bất cứ lúc nào Chúa đến chúng ta cũng sẵn sàng dùng bữa với Chúa. Amen
[1] Câu này tôi mới học trong lần về Việt