Tuesday, 12 January 2010

Mễ Duy: Tsunami trên bãi biển tuổi thơ


Mễ Duy



Trong một thứ ánh nắng trong vắt như pha lê và một thứ không khí rung nhẹ, thoáng mát, ngọt thơm, những hàng dừa ven biển càng trở nên kỳ cục, vô duyên. Đã mất đi cái vẻ thơ mộng, cái nhịp nhàng ăn khớp với cảnh vật, của một lọai cây xanh tiêu biểu cho các bờ biển nắng ấm ... bây giờ xiên vẹo, trọc lóc, như không phải mọc từ đất lên mà đã được cắm vội xuống cát vàng cám. Còn đâu những thân hình người mẫu... giờ đây còn lại chỉ là những hình nộm khỏa thân, trơ trẽn! Còn đâu những mái tóc bao la, xanh mướt, căng buồm trong nắng, tưởng như đụng đất, đụng trời... giờ đây đã bị cắt xén như người tù, còn lại một chút để biết đâu là đầu thì lại cứng khô như giây thừng thô kệch! Còn đâu cái dịu dàng, ân cần, nâng chiều như của các bà mẹ đẫy tình sung sức, đối với đám du khách cần được hầu hạ như con nít! Còn đâu cái giọng xào xào ngâm nga, đều đặn, như ru ngủ con người nghỉ mát, như đệm nhịp cho làn nước xanh... giờ đây ngậm câm, không một tiếng thở! Làn nước xanh, thật lạ, đã trở lại hiền dịu quá mức, duyên dáng, nhấp nháy ánh mắt, nhoẻn môi nở nụ cười tươi như chưa từng thấy! Nhưng làn nước độc ca, độc diện! Hàng dừa vẫn làm thinh, không động tác, như chết đứng! Làn nước xanh ơi, có biết chăng hàng dừa đã chết thật rồi!


Đó là một trong hai hình ảnh tôi chấp nhận giữ lại của trận Tsunami tại Đông Nam Á.

Hồi còn bé tí ở làng, tôi đã biết sợ, như sợ ma quỷ. Nhưng không biết từ lúc nào, một cái sợ ghê gớm hơn, đã đến thăm tôi, sớm quá! Cái sợ khiến cậu bé trong tôi chết đứng! Sợ người!


Có những lần, tôi thấy thầy tôi nổi nóng lên, bu tôi và hai người chị trẻ từ trong nhà phóng ra sân, khóc lóc bù lu bù loa. Cậu bé chắc còn quá nhỏ nên được thóat nạn. Thời đó ở quê nội, một âm thanh thảm sầu khác tôi không thể quên, đó là tiếng đánh vợ hùynh hụych ở phòng bên, của ông anh cả và tiếng khóc như bị chận lại của người đàn bà. Cả chồng lẫn vợ đều xa lạ đối với cậu bé. Chẳng bao lâu.


Một dịp trả thù đích đáng đã lọt vào tay bà. Sau một đêm ngủ mê trong chiếc thuyền nan, tôi và hai người chị bé trốn thoát khỏi làng, đặt chân lên Phát Diệm, và được chở ra Hà Nội, xa quê, xa thầy bu, xa cảnh quê an bình. Lạ quá gia đình đón tiếp người chị bé và tôi lại là gia đình... ông anh cả. Bà chị dâu hết sức ân cần, đích thân tay tắm rửa kỳ cọ cho cái thân bé bỏng cậu bé tôi. Mãi thật lâu sau này, tôi mới hiểu đó là một nghi thức, rửa con mồi trước khi dìm xuống nước sôi bỏng hay đem sơi tái. Ngày hôm sau, ngay sau khi ông anh cả đi làm (cảnh binh), bà chị dâu bỏ mặt nạ, và trái với điệu hoan ca ngày hôm trước, bà bắt đầu nghi thức làm chết dần chết mòn con mồi, khởi sự là đem thầy bu chúng tôi ra chửi. Thầy bu tôi không được kính trọng thì mạng tôi sẽ được coi ra gì? Cô đơn ập đến trên tôi. Chỉ còn một chút an ủi mập mờ, đó là sự có mặt của bà chị bé bên cạnh, như vậy trong cái nhục nhằn, có sự ngầm cảm thông của một người khác. Nhưng một chút xíu ánh sáng mặt trời đó, trong cái đen ngòm của ngục tù cô đơn, chỉ lóe sáng được vài hôm. Bà chị bé, theo gót chân bà chị lớn, được một gia đình người dì rước về để “giúp việc”. Như thế, hai bà chị, dẫu chỉ là một hình thức “đi ở”, tốt số hơn tôi, được cứu thoát, còn tôi, cậu bé năm sáu tuổi, con út trong một gia đình nông dân đông con thời chiến tranh, tôi bị nộp làm con mồi vô tội, tuyệt đối cô đơn, trong nanh vuốt của hận thù thâm độ. Bề ngoài, tôi mang tiếng được gửi lên “anh chị nó” để “đi học”, sự thực giá được làm đầy tớ cho người dưng thì tốt hơn.


Ngòai giờ học quá chóng ngắn, thời gian đi trường cũng chỉ là tích tắc, vì từ căn bếp chung chạ cho ba bốn gia đình, nơi tôi thường xuyên “làm việc” chỉ bước qua một ống cống là đặt chân vào sân trường, cậu bé tôi chỉ còn là thứ bao bị cho bà đấm đá, khạc nhổ, trút hết mọi hận thù vào. Cuộc sống mỗi ngày của tôi tuần tự từ cực hình này đến cực hình kia, liên tiếp không ngừng. Như đứng làm cận vệ cho bà trong lúc bà làm bếp để sai bảo, chế riễu: “ông làm ơn cho con cái này, cái kia...”, để bà “cốc” lên đầu. Như nấu nước pha trà, có lần tôi sách cái ấm nước sôi từ dưới bếp lên trên gác bị té ngã, nước sôi bỏng chân, nhưng các bà dì bà mợ (vợ chồng ông anh cả thuê nhà của mấy người này) chả ai can thiệp, (tuy họ “có đạo”, tối nào cũng đọc kinh inh ỏi). Như bơm nước cả giờ. Như giặt tã đầy cứt vàng của hia đứa cháu gái thay phiên nhau chào đời (tội gì không sinh đẻ khi có đầy tớ miễn phí trong nhà). Như ẵm cháu bé đi chơi cho bà nghỉ ngơi, (việc này không phải chỉ thuần lao động mà “tế nhị” lắm, vì lúc con bé không chịu chơi nữa mà khóc lên thì bà chửi là “chú nó” “béo” (véo) nó. Như đánh (bóng) nồi niêu xoong chảo bằng cát, tro... Bà cũng có thể dùng tôi như một đồ chơi giải trí. Có lần bà bắt tôi làm “tội ác” bằng cách hứa cho tôi một sự an bình nào đó, bà dụ tôi leo lên cây nhãn của cậu mợ Tứ ăn cắp trái trong chiều tối, để tôi bị bắt quả tang và cười nhạo. Ăn nói gì đây khi bị bắt quả tang, mà nếu dám nói là bà chị dâu xúi bảo, thì hoạn nạn sẽ còn lớn hơn.


Bà chị dâu là một thứ phù thủy thâm độc. Bà trở nên ngọt dịu với ông chồng và để, cũng như tôi đã trở thành cái bao bị cho sự thâm độc của bà đấm đá thì dưới ảnh hưởng thâm sâu của bà tất cả sự hung dữ của ông anh cả cũng đã tìm được nơi tôi một võ đài, một đất dụng võ miễn phí. Khi đi làm trở về mái ấm gia đình, bà vợ đanh dá ngày nào, bây giờ hiền dịu duyên dáng, kể tội tôi mà giọng vẫn ngọt như mật. Chẳng cần ông cho đòn, chỉ cần ông lên cơn thịnh nộ là toàn thân tôi đủ run lên bần bật, như bị dìm xuống nước đá lạnh buốt. Và cái cảnh ông nhìn tôi hằn học mà nghiến răng đã trở thành cơm bữa. Và cứ thế gia đình họ trở nên đầm ấm, không tiếng đánh nhau như hồi ở quê, các cháu ngẫu nhiên cũng được hầu hạ chu đáo. Tôi vẫn còn nhớ câu nói phân trần của ông ta với bạn bè: “Tôi đâu thể nào thương em như thương con.”


Một hình ảnh nữa của trân Tsunami tôi không thể quên. Vợ chồng du khách với hai đứa con, thật đúng là may cho họ, trong một căn lầu kiên cố, xung quanh không còn nhà cửa nào nữa. Họ bị cả một vũ trụ nước đục đen bao bọc, mênh mông, nước quận lên như những bắp thịt cứng nhắc của toàn thể vũ trụ vây hãm họ. Nước vận chuyển như sắp nhận chìm toàn thể trái đất. Tôi nhìn cảnh này và thấy mình đang bị vùi dưới hàng mười thước nước đục đen, không tài nào nổi lên mặt nước được. Đó là cái cảm giác toàn thân và tâm thần bại liệt trước ánh mắt phóng hỏa và hàm răng xé mồi của ông anh cả và cái cảm giác bị nhốt trong ngục tù thâm độc của bà chị dâu. Hình ảnh những hàng dừa thân tàn ma dại ở đầu bài là để diễn tả cơn hấp hối của tuổi thơ tôi đã bị bóp chết bởi hung dữ và thâm độc.

Tsunami giết người phá của. Giai đọan sống trong nanh vuốt của bà chị dâu và dưới sự hung dữ của ông anh cả đã giết tôi về nhiều mặt. Cơ thể tôi gần như suốt đời dễ dàng ngã bệnh. Tôi sống miễn cưỡng, học đó, chơi đó, nhưng con người thực của tôi vẫn trong ngục tù, không có khả năng nếm hưởng tự do.


Tôi năm nay tròn sáu mươi “xuân xanh”. Theo “tiêu chuẩn quốc tế”, tức của hầu hết thiên hạ, cuộc đời tôi cho đến nay là một thất bại. Xuất ngọai từ mấy chục năm nay mà vẫn không giầu đủ để có nhà cao cửa rộng. Không xe bóng loáng. Không địa vị xã hội le lói. Không danh vọng. Không bằng cấp cao. Không đông con. Cơ thể tôi ngã bệnh, nhưng những gì là tâm tình cũng cháy khôn. Tôi không có chút tình cảm đối với anh chị em tôi, hay những gì gọi là “họ hàng”, ngược lại xa tất cả những thứ này, tôi cô độc, nhưng lại cảm thấy “tự do”.



Vậy làm sao tôi sống?


Tôi vẫn sống vui. Vẫn thấy là sung sướng được nghe tiếng chim hót, được hưởng ánh sáng của mặt trời, được hát hò, được ăn uống theo sở thích, và những niềm vui quan trọng hơn. Mặc cho thiên hạ, kể cả người trong nhà, không hiểu tôi, không đồng ý với tôi, vì họ như quá lo cho phương tiện vật chất (theo cái chủ quan của tôi), họ như chờ đợi một cơ hội thuận tiện hơn, một sự đầy đủ nào đó rồi mới dám vui, còn tôi, tôi học một điều: vui ngay bây giờ...


Mùa mừng lễ Thiên Chúa, Tình Yêu, sinh làm người, mặc cho thiên hạ nô nức bên ngoài, trong tôi, niềm an ủi đã trổ lá xanh tươi.


“(Mễ Duy) ơi! Ta đến tìm làm bạn với con, ta hiểu con hơn con hiểu con”.

Youpi! Tôi đã gặp được người bạn tâm giao, quý hơn cả tình thương của người đời!


Mễ Duy – Quý Bân


(Xem thêm các bài cùng một dạng, xin mời vào:

www.suyniemloingai.blogspot.com

www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com )

No comments: