Bác thân mến,
Được gợi ý từ bài suy niệm “Em có nghe chăng một dặn dò” (Mùa Chay 2007) đề cập đến thái độ lắng nghe, xin gửi Bác một vài ý tưởng suy niệm, liên hệ từ những sự kiện cụ thể trong cuộc sống mà bản thân con được tiếp cận.
Nhưng trong bài này, con xin chỉ giới hạn vấn đề ở dưới đất – Biết nghe nhau - chứ không liên quan đến trời – lắng nghe Chúa.
Lắng nghe, dĩ nhiên, là một điều đơn giản dễ hiểu, dễ thực hiện.
Trong bài suy niệm “Em có nghe …”, Bác trích dẫn nhiều từ Tin Mừng cho thấy lắng nghe là điều cần thiết.
Kinh nghiệm của ông cha để lại cũng vậy: “phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, “lãnh đạo giỏi là lãnh đạo biết lắng nghe cấp dưới”, “dường như Ông Trời tạo cho con người hai cái tai, hai mắt … nhưng chỉ có một cái miệng là để người ta nghe và nhìn nhiều hơn là nói” …
Nhưng BIẾT lắng nghe lại là một điều cực kỳ khó. Lắng nghe chỉ đơn giản là lắng tai để nghe và hiểu nội dung điều người khác nói, nhưng khi dùng cụm từ biết LẮNG nghe thì lại muốn nói đến việc nghe, hiểu và đón nhận điều người khác nói, có khi đó là sự khác biệt. Thì như Bác nói:
“Bất cứ trường hợp nào, khi lắng tai để nghe, cũng nên để lòng mình chùng xuống. Bỏ hết ý kiến riêng lẻ, bỏ mọi tâm tình đơn độc hoặc cá biệt đi, để nghe và đón nhận ý kiến người khác. Khác phe, khác phái. Dù, ý kiến ấy rất khác, rất nghịch với ý kiến của riêng mình. Và, thường thì các ý kiến của người khác chẳng thua chẳng kém ý kiến của mình bao giờ.”
“Bỏ hết …” được không? Có lẽ chúng ta phải thừa nhận đây là điều không đơn giản.
Thực tế, khi quan sát vào các cộng đồng có đời sống chung, hay có gắn bó trong tương quan công việc, sứ vụ … luôn luôn có đó sự xung đột, có khi nảy lửa, có lúc dai dẳng, có nhiều trường hợp không thể hoà hợp. Chung quy có lẽ vì người ta không BIẾT LẮNG NGHE. Hay là người ta không chịu, không thể, không thèm, không muốn … nghe nhau đấy thôi. Và vì không nghe, người ta không chấp nhận nhau.
Lý do chính và quan trọng nhất khiến người ta ít chịu nghe nhau là chẳng ai chịu để người khác hơn mình.
Tại môi trường con đang sống trong thời gian vừa qua, có những chuyện dở khóc dở cười, có chuyện thì thương tâm, có chuyện thì nghe xong phát … tức! Mà chung quy đều do người ta “không biết để lòng mình chùng xuống để bỏ hết ý kiến riêng lẻ, bỏ mọi tâm tình đơn độc hoặc cá biệt đi, để nghe và đón nhận ý kiến người khác.
Con kể ra đây những mẫu chuyện có thật này như những phản đề, đáp án sống động cho vấn nạn: “Nếu không biết lắng nghe thì kết quả là gì?”
Cách đây 1 tuần, ngay trong địa hạt giáo họ vùng kinh tế mới thuộc địa bàn của con, có một cậu bé 11 tuổi, thuộc gia đình ngoài Công Giáo, đã uống nguyên chai thuốc sâu tự tử, để lại một lá thư tuyệt mệnh, đọc xong ai cũng rơi nước mắt. Nội dung bức thứ có vài ý chính: “Con ra đi vì người lớn không ai tin con, không ai nghe con nói, con bị oan ức chịu không được, chết quách cho xong; đôi khi con cũng ghét ba mẹ bởi nhiều lúc la mắng con một cách vô cớ, có lúc con lại thương ba mẹ, vì thấy ba mẹ tội nghiệp, vất vả, nghèo…; xin lỗi chị ruột vì em làm mất danh dự gia đình, làm mất danh dự chị, dù chị và mẹ sỉ vả em quá trời vì hành vi lầm lỗi của em, nhưng em rất thương chị, chào chị … em đi. Và cậu bé đi thật.
Cậu bé phạm tội gì? Một phút xa ngã lỡ lầm, ra quán tạp hoá mua hàng cho mẹ, quán vắng chủ mà rổ tiền lẻ thì lồ lộ, thuận tay bốc đại một nắm nhét vào túi áo. Xui có người thấy được, báo với chủ quán, thế là chuyện vỡ ra. Mẹ và chị thì đay nghiến, chì chiết. Công an xã thì tra hỏi. Bà chủ quán bồi cho một câu: “Mày mà không khai báo thành thật, tao nói với công an vụ tao mất 2 triệu rưỡi cách đây hai tuần để họ điều tra luôn một thế”. “Thưa Cô con chỉ lấy có 43 ngàn thôi, con không lấy 2 triệu”. “Mày già mồm đi con, đồ gian …”.
Cậu bé chết quách cho xong vì người lớn không chịu tin cậu, không nghe cậu giãi bày. Người lớn nghiệt ngã với định kiến và chính định kiến khiến người ta không còn khả năng lắng nghe. Hậu quả của không biết lắng nghe là một cái chết oan uổng, đau lòng.
Một gia đình kia cưới vợ cho con. Nhà cô dâu không công giáo. Gia đình cô dâu với một thái độ rất hòa nhã đến xin bố mẹ đàng trai hai chuyện:
Cho chọn ngày cưới theo phong tục gia đình, dòng họ.
Cho chú rể được vái hương trước bàn thờ ông bà tổ tiên.
Thế là dẫy nẩy lồng lộn lên: rằng tôi là người Công Giáo, không có coi ngày giờ, không có vái lạy gì hết! Nếu không thì dẹp, dẹp, dẹp!!! Chú rể, là một người con thảo trong gia đình, lại là một Kitô hữu đạo đức, cũng chung quan điểm với Bố. Nhưng bởi vì cũng yêu thương vợ chưa cưới nên đứng trước sự việc như thế, không biết làm thế nào. Vừa tức với ông bố vợ tương lai, vừa giận người yêu không biết xử sự cho phải phép với Đạo! Bèn tìm đến Cha để giải bày và mong có một sự hậu thuẫn để áp lực với người yêu.
Nhưng anh không ngờ lại gặp vị linh mục già vốn là người thích lắng nghe và BIẾT LẮNG NGHE.
Vị linh mục già lập luận: nếu là vái trước bàn thờ ông bà tổ tiên để bày tỏ sự kính nhớ biết ơn Ông Bà Tổ Tiên, thì anh đừng vái ba cái mà cứ vái ba chục cái. Bởi người có Đạo thì càng phải sống tròn đầy hơn đạo nghĩa làm con làm cháu, phải biết ơn Ông Bà Tổ Tiên cách sâu xa hơn. “Mọi sự ở trong Chúa và thuộc về Chúa phải trở nên tròn đầy”.
Còn việc chọn ngày cưới, nếu đó là đòi hỏi của một ông bố đã khổ nhọc lo cho con hai mươi mấy năm, thì cũng nên tôn trọng người ta. Miễn là mình đứng tin vơ thờ quấy là được. Tại sao lại cứ phải nhất nhất theo ý mình bằng được mới thôi!
Cái cách nhìn vấn đề như vậy hay quá. Đó là thái độ biết lắng nghe người và tôn trọng người.
Đôi khi người Công Giáo cứ nhân danh đạo và tính cách Kitô hữu của mình để xử sự một cách độc đoán và thiếu lễ độ với người khác. Nhân danh cái xem ra là “hữu lý” của mình để ép người ta quá đáng. Hậu quả việc không biết lắng nghe là gây ra sự đổ vỡ là dễ làm tổn thương người khác.
Tại một vùng sâu vùng xa có khoảng trên dưới 300 người Công Giáo, mỗi lần muốn tham dự thánh lễ thì cứ phải lội 12 Km đường rừng để đến nhà thờ. Vì là người sắc tộc, hơn nữa trình độ học vấn thấp, thuộc diện “thấp cổ bé miệng” nên lâu nay cứ phải cam chịu cảnh đường xá xa xôi, cảnh nghèo …. Có một nhà hảo tâm giúp cho được miếng đất làm nhà nguyện. Linh mục phụ trách cứ phải bươn chải mong cho bà con bớt khổ. Nếu làm “chui” thì không xong, thôi thì cũng phải đến Chính Quyền để xin cho phải phép. Mong trình bày để người thi hành công quyền (như cha như mẹ) hiểu, thương mà cho phép.
Thì đến với Chính Quyền.
Nội dung cuộc trao đổi giữa vị linh mục già và vị Ban Tôn Giáo và anh công an PA. 38 (phụ trách vấn đề an ninh dân tộc ít người và tôn giáo):
… tôi trình bày tất cả những điều liên quan đến bà con. Xin anh cứu xét chấp thuận để bà con bớt khổ. Thực sự thì chúng tôi đã có miếng đất để làm nhà nguyện.
… Linh mục tưởng đơn giản thế sao? Chúng ta phải sống theo pháp luật. Cứ phải đủ số người mới được phép làm nơi thờ tự. Bây giờ bà con tạm … đi bộ đi.
Nhưng luật để phục vụ con người. Luật chung là phải được công nhận, trước khi có nhà nguyện. Nhưng riêng trường hợp này xin cứu xét nố cá biệt để giải quyết. Xin hiểu nhu cầu của người dân. Xin thương họ quá cực mỗi lần đi dự lễ.
Nếu thương dân thì ai thương chúng tôi!!! (có lẽ sẽ bị cấp trên khõ đầu chăng!?).
Vậy các ông cho tôi vào tận nơi dâng lễ cho bà con tại một nhà giáo dân nào đó. Cho bà con khỏi phải đi xa.
Linh mục biết luật pháp rồi, phải dâng lễ tại nơi được công nhận là đất thờ tự. Nhà dân không phải là nơi thờ tự.
Nếu Quý vị không cho dâng lễ, bà con tụ họp lại đọc kinh cầu nguyện tại một gia đình nào đó được không?
Tụ họp là bất hợp pháp, sẽ bị phạt về tội tụ họp không xin phép. Linh mục cho đọc kinh riêng đi. Tôi nói luôn để Linh mục rõ: không phải đủ số người, có đất là làm được nhà nguyện đâu. Nói riêng về khoản đất đai. Ngay cả khi đã được chấp thuận, các anh phải làm giấy hiến đất cho Nhà Nước, rồi sau đó Nhà Nước mới cấp giấy phát lại cho dân để làm nơi thờ tự.
Ủa sao kỳ vậy !!! Làm như vậy là đẩy người ta đến đường cùng rồi.
Linh mục cẩn thận khi phát ngôn. Chính quyền không đẩy dân vào đường cùng. Nhà nước ta có luật lệ, rất tôn trọng tự do tôn giáo, rất thương dân. ..???
Rất nhiều khi người ta dùng quyền bính, luật lệ để không thèm lắng nghe người khác hầu hiểu nhu cầu và nỗi khổ của họ. Sự khác biệt ý thức hệ, quan điểm sống và cả cái tâm dẫn đến thái độ loại ý kiến của người khác từ trong trứng nước. Cái cách không biết nghe này sẽ làm khổ anh em mọi bề, không những thế nó còn hủy hoại tương quan sống và làm cho cuộc sống chìm trong nỗi lo sợ.
Thật đáng sợ khi người ta không biẾt lẮng nghe nhau phải không Bác.
Ước mong cho mọi người luôn biết lắng nghe nhau, để cuộc đời … đẹp hơn.
Xin chào Bác
J.B. Hồ Quang Lâm, CSsR
(Xem thêm các bài cùng một dạng, xin mời vào:
www.suyniemloingai.blogspot.com
www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com )
No comments:
Post a Comment