Saturday, 30 January 2010

Lm Richard leonard sj: “Trời đất thực ra nào có tội”

(thơ Du Tử Lê)

(Lc 4: 21-30)


Cả tội nuốt chết, hết anh hùng. Dù, anh hùng ấy đã làm đúng hay làm sai nơi xứ sở quê hương mình. Dù anh hùng ấy, có là tiên tri/ngôn sứ, hay Đấng Cứu Tinh của trời đất, rất nhân gian. Dù thế nào đi nữa, trời đất nhân gian vẫn thường nghe nhng lời tương tự: “Chẳng tiên tri nào được sủng mộ nơi quê nhà!”, như Lời Thầy đã phán.


Vâng, quả là như thế. Lời Thầy phán bảo trong Phúc Âm hôm nay, thật rõ ràng. Đọc kỹ, từ đầu bài đến cuối trình thuật, người đọc hẳn nhận ra rằng đám đông quần chúng trong trời đất, vẫn như điên như dại khi nghe Thầy phán bảo sự thật ấy. Và, quần chúng nhân gian như muốn ném Đấng Cứu Tinh trời đất xuống vực sâu. Ở triền đồi gần nơi Thầy đứng giảng.


Ngày nay, mọi việc trong trời đất đã dần dà đổi thay. Thay rất nhiều. Đổi không biết là bao nhiêu. Nhưng dù có đổi thay, trời đất thực ra nào đã nên tội. Nên tội chăng, chẳng phải do trời đất, đất đời nên cớ sự. Thời buổi này, đã thấy xuất hiện nhiều trò thao tác đổi thay, đến kinh hồn bạt vía. Nhiều người trẻ hôm nay, thích chơi trò nghịch ngợm đến rụng tim. Chỉ để thay đổi. Cả đến các anh hùng gan dạ, nơi đất trời lồng lộng cứ thích chơi trò nghịch ngợm, chẳng sợ ai. Phần đông người khác không thể hiểu sao giới trẻ ngày nay thích cột giây vào cổ chân, nơi mắt cá; để rồi, phóng mình như người rồ dại xuống chân đồi toàn vực thẳm. Tưởng chừng như họ chỉ muốn tìm đến nơi nguy hiểm, không ai dám.


Dường như người trẻ hôm nay, vẫn thích trò cá độ đầy thử thách. Thách thức mức bộc phá xuyên qua lớp sương mù dày đặc, những lo âu. Chừng như, người trẻ những muốn bứt phá các kỷ lục đã lỗi thời của người xưa: về thành tích gan dạ, ít khi thấy. Thứ thành tích, cận kề với thần chết chẳng hề nao núng hay lo sợ. Tuổi trẻ hôm nay là như thế. Ngược lại, những người như ta, dù trẻ hay không, vẫn chẳng muốn thử lòng gan dạ với anh hùng. Chẳng là đám ngu si bốc đồng dám thách thức với tử thần, để ra oai. Chọn lập trường nào đi nữa, vẫn phải thừa nhận rằng những người làm như thế đều muốn chứng tỏ rằng: mình là người anh hùng gan dạ cũng như ai.


Tuy nhiên, anh hùng gan dạ trong yêu thương, chính là trọng tâm của các bài đọc hôm nay. Vẫn biết rằng, phần đông quần chúng khắp nơi chẳng thích nghe, thích tìm về Lời Chúa. Nhưng, Đức Giê-su vẫn can trường dẫn giải mọi sự cho người anh em mình ngay tại quê hương xứ sở mình. Thời nào cũng thế, ngay thời ngôn sứ trong Cựu Ước cũng có những vị như tiên tri Giê-rê-mia dám can trường lặn lội khắp nơi –cả ở quê hương mình- chỉ để giảng rao lòng yêu thương trìu mến Thiên Chúa muốn có ở trần gian. Bất kể hiểm nguy hay bách hại xuất phát từ dân gian nơi thôn làng mình từng sống.


Và hôm nay, thánh Phaolô minh chứng lý do tại sao nhiều vị, bất chấp mọi hiểm nguy, dám hứng chịu muôn vàn khốn khó, thường thấy có ở nơi dân gian trong trời đất. Cả vào lúc bị coi là ngu si cuồng nhiệt hoặc có tội với đất trời, các vị vẫn làm vì lòng thương yêu trìu mến, hết dân gian. “Yêu”, là cụm từ được mọi người sử dụng rộng rãi, nơi đất trời ngàn năm mây bay này. Ngay đến chuyện vật chất – nhân gian như: cửa nhà cơ ngơi, vui chơi lễ hội, đua đò se sua hoặc thi đua sắm sửa, người người vẫn cứ bảo rằng mình yêu, mình thích. “Yêu”, là ngôn từ được sử dụng bừa bãi, không còn mang ý nghĩa sâu sắc của lòng thương yêu trìu mến, nơi tín hữu nhà Đạo.


Thánh Phaolô dẫn giải tỉ mỉ trong bài đọc hôm nay, để mọi người hiểu rằng: yêu thương trìu mến, trước nhất không là cảm xúc xuất thần rần rần như tiếng phèng la, kêu ra rả. Mà, thánh nhân thừa hiểu: lòng yêu thương trìu mến nơi tín hữu Đức Kitô là chuyện rất thực. Yêu thương đích thực phải là, và luôn là, trạng thái của tín hữu Đạo Chúa, dám bảo rằng mình rất yêu thương mọi người. Đồng thời, cũng chứng tỏ rằng mình yêu thương thực sự bằng hành động, chứ không bằng môi miếng, bề ngoài.


Thánh Gio-an tông đồ cũng ghi rõ trong Tân Ước một quả quyết rất xác thực: “Nếu anh em bảo mình yêu thương trìu mến Thiên Chúa, mà lại ghét bỏ người hàng xóm, cận lân, thì chắc chắn anh em chưa thật lòng”. Quả thật, chúng ta có thể tỏ ra chính thực về lòng thương mến Chúa và người anh em đồng loại, bất cứ khi nào chúng ta muốn. Nhưng, nếu không chứng minh được điều mình nói bằng cuộc sống riêng tư, thì có khác nào tiếng chũm choẹ chập choeng, thanh la phèng phèng.


Không thể nói chuyện lòng vòng quanh co, khi bàn về lòng yêu thương trìu mến nơi Đạo Chúa. Lòng thương yêu nơi tín hữu đi Đạo là: ở nơi nào cũng thế, tình yêu đích thực luôn bao gồm sự hy sinh, rất triệt để. Nhưng vấn đề, là: Làm sao có thể vừa yêu thương lại vừa hy sinh triệt để như thế được? Và, tại sao phải yêu như thế? Dễ hiểu thôi, yêu như thế là vì mọi người khác đã từng yêu ta. Mọi người yêu như tình yêu phải có của người tín hữu Đức Kitô. Tức, những người đã đối xử tử tế, nhân đạo và kiên nhẫn với ta. Yêu theo kiểu dị kỳ mới lạ, tức tự nguyện chứ không phải bất đắc dĩ, vì được dạy bảo mà thôi . Tình yêu được dạy bảo là phải yêu cả những người đã ngã quỵ trong đau thương sầu thảm. Yêu, như tình yêu của người tín hữu Đức Kitô là yêu thương rất mực. Yêu đến cùng. Yêu không chỉ một chiều, nhưng còn chỉ bảo, dẫn dắt nhau đi vào tình yêu của cộng đoàn, rất phổ cập. Đó mới là yêu thương đích thực. Yêu như Đức Kitô yêu Giáo hội. Yêu loài người.


Tình yêu đích thực là tình yêu cao cả, đầy thử thách được thể hiện khi người khác chứng tỏ đã yêu thương ta mạnh đủ để nói cho ta nghe những chuyện thật về con người của ta. Và đổi lại, ta cũng tỏ bày những chuyện thật về mình cho người khác biết. Đấy mới là yêu thương đích thực. Có yêu như thế, ta mới dám lao mình vào chốn không quen, rất tăm tối cận kề sự chết. Bởi, một khi đã đồng hành với những người anh em cùng tin vào Đức Kitô, ta duy trì được niềm hy vọng sâu xa, cả vào những giây phút khó khăn trong cuộc đời. Cả những lúc rất khó tỏ bày tình yêu thương của mình. Lòng yêu thương đích thực là yêu mến, có hy sinh. Ta vẫn thường gọi đó là thái độ yêu thương trìu mến của mọi kẻ tin Chúa, nơi nhà Đạo.


Đức Giê-su chẳng khi nào khẳng định rằng: yêu thương như thế là chuyện rất dễ làm. Nhưng luôn là việc cần làm. Còn cần hơn, nếu ta muốn đi cho hết đọan đường của hành trình sống rất tràn đầy. Đầy yêu thương. Đầy hạnh phúc. Và khi đã hạnh phúc trong yêu thương, ta sẽ thấy mình không còn đơn độc, lẻ bóng; nhưng có cả binh đoàn gồm những người anh em rất thân thương, đi bước trước.


Từ tiên tri Giê-rê-mia cho chí Đức Kitô, từ thánh Phaolô cho đến các thánh tử đạo, các thánh nam nữ và chính gia đình thân thương của ta, ai cũng biết, mình có thể trấn ngự được nỗi âu lo sợ sệt vẫn còn đó. Qua niềm tin vào những gì đã ghi chép về đường hướng yêu thương của người xưa đã thực hiện, hãy công khai tỏ bày lòng quả cảm của ta với hết mọi người. Cho dù, có cận kề vực thẳm âu sầu đang gần kề với cái chết. Hãy có những bước nhảy đi vào tương lai mai hậu bằng 3 sợi giây buộc chặt cổ chân, quanh mắt cá. Một sợi mang tên “Niềm tin”, sợi kia là sự “Hy vọng” và, sợi chính yếu được viết rõ là “Tình yêu” .


Tham dự tiệc lòng mến hôm nay, ta cầu mong có nhiều ân sủng để yêu thương hết mọi người như điên như dại, theo nhãn giới của người đời. Cầu và mong sao ta có được lòng gan dạ quả cảm của người anh hùng đưa ta đến với tình yêu thương kẻ khác trong hy sinh, và độ lượng. Cầu và mong sao mọi người biết thương yêu trìu mến, dù cho có cận kề với cõi chết, chỉ vì yêu. Yêu lẫn nhau. Yêu không ngại ngần. Bởi, như lời thơ xưa của tác giả Sông Cửu, vẫn quả quyết:


Nấu kinh sử, nghìn xưa nhìn lại

Qua mỗi lần vận nước nổi trôi

TÌNH YÊU thắng – OÁN THÙ thảm bại.

Việt nam ơi! Tình Mẹ muôn đời. (Sông Cửu – Việt Nam ơi, tình mẹ muôn đời)

Vâng. Mẹ Việt Nam hay Mẹ trời đất vẫn là thế. Mẹ luôn quảng bá tình yêu. Thứ tình yêu hy sinh, đầy tha thứ. Thứ tha nhiều, để có thể nói như nhà thơ trên: “trời đất thực ra nào có tội”

Lm Richard Leonard sj

Mai Tá diễn dịch

(Xem thêm các bài cùng một dạng, xin mời vào

www.suyniemloingai.blogspot.com

www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com.com )

Friday, 29 January 2010

Lm Chân Tín, CSsR: Công đồng Vatican II và vấn đề hợp nhất


Vừa qua, nhân dịp tuần hợp nhất, chúng tôi đã đề cập đến vấn đề thống nhất Giáo hội. Chúng tôi đã nhấn mạnh trên lý thuyết sự quan hệ của công cuộc ấy: quan hệ, vì chính Chúa Giêsu đã khao khát và cầu xin ơn hợp nhất; quan hệ, vì Giáo hội Chúa Kitô chỉ có một; quan hệ, vì những nhu cầu thiêng liêng của nhân loại trước làn sóng vô thần duy vật ngày nay đòi hỏi sự hợp nhất.


Trong tháng này, nghĩa là trong tháng cuối cùng của thời gian chuẩn bị Công đồng Vatican II, chúng tôi muốn trở lại vấn đề thống nhất trong thực tế, nghĩa là chúng tôi đặt lên câu hỏi: Công đồng Vatican II sắp khai mạc sẽ làm gì cho việc hợp nhất?


Trước hết, chúng ta hãy nói ngay rằng Công Đồng Vatican II không trực tiếp thực hiện hợp nhất: Mùa Xuân năm 1959, ngay khi vừa loan tin sẽ khai mạc Công đồng, Đức Thánh Cha Gioan XXIII đã đề cập tới vấn đề hợp nhất như là một trong các mục tiêu mà Ngài nhắm. Nghe vậy, các giới bàn tán xôn xao; sôi nổi nhất là dư luận các anh em cách biệt. Họ tự hỏi: phải chăng Đức Gioan XXIII có ý triệu tập một Công đồng để thực hiện hợp nhất giữa Giáo hội Rôma và các Giáo hội khác? Trước những thắc mắc ấy, Đức Thánh Cha đã tuyên bố rõ rằng Công đồng này tổ chức trong phạm vi nội bộ Công giáo, để bàn đến các vấn đề riêng biệt của Giáo hội Công giáo. Công đồng này chỉ muốn dọn đường cho việc hợp nhất. Sở dĩ Giáo hội Công giáo chưa muốn trực tiếp thực hiện ngay sự hợp nhất là vì đã kinh nghiệm một bài học lịch sử.


Trong quá khứ, đã hai lần Toà Thánh tìm cách thực hiện hợp nhất với anh em Chính thống bằng hai Công đồng trực chỉ: Công đồng Lyon hồi thế kỷ XIII và Florence hồi thế kỷ XV. Cả hai đều không gây được tiếng vang nào bền bỉ. Lý do là vì chỉ có những cuộc thoả hiệp trên cấp quyền bính tối cao, trong khi những tầng lớp giáo hữu không được chuẩn bị tinh thần gì hết. Vì thế, lần này không nên để xảy ra một lầm lỡ tai hại như thế nữa. Hấp tấp nóng lòng là thất bại. Phải có thì giờ chuẩn bị tâm trí các tín hữu đôi bên. Trước khi hợp nhất, hai bên phải thân ái trao đổi tư tưởng với nhau, tôn trọng lẫn nhau, tìm hiểu nhau, xích lại gần nhau hơn, rồi cùng nhau đi chung một đoạn đường lúc tâm trí đôi bên được chuẩn bị kỹ càng. Việc hợp nhất mời mong thành công mỹ mãn và một cách sâu xa. Đó là ý nghĩa lời Đức Gioan XXIII: “Trước tiên bước tới, rồi xích lại gần nhau, sau cùng hợp nhất trọn hảo.”


Tuy Công đồng sắp tới không trực tiếp thực hiện hợp nhất, nhưng không vì thế mà không tha thiết với hợp nhất. Trái lại vấn đề hợp nhất là một trong những vấn đề quan trọng sẽ được Công đồng cứu xét đến. Chính Đức Thánh Cha đã cho hay lòng ngài rất đỗi thiết tha với công cuộc hợp nhất và tất cả những gì ngài trông đợi Công đồng về vấn đề này. Theo ý ngài, Công đồng sẽ cống hiến cho anh em ngoài Công giáo một viễn tượng huy hoàng về hợp nhất và bác ái: “Ta hy vọng rằng các giáo hữu tách biệt khỏi Giáo hội Rôma, khi chứng kiến hiện tượng đó, như thể được kín đáo mời gọi đi tìm gặp lại sự hợp nhất, điều Chúa Kitô đã tha thiết cầu nguyện cùng Cha Người. “ (Thông điệp Ad Petri Cathedram) Bằng chứng cụ thể nhất của lòng khao khát hợp nhất này, là việc thiết lập một văn phòng đặc biệt lo việc hợp nhất, có giá trị như một ủy ban chuẩn bị Công đồng do một vị hồng y lỗi lạc bậc nhất điều khiển, ngõ hầu giúp anh em cách biệt có phương tiện theo dõi công cuộc Giáo hội đang theo đuổi. Cử chỉ ấy đã gây xúc động mãnh liệt trong các giới ngoài Công giáo. Đức giáo chủ Anh giáo Geoffroy Fisher có nói: “Nguyên sự kiện thiết lập văn phòng lo việc hợp nhất cũng đủ thôi thúc tôi lên đường (sang Rôma).


Để chuẩn bị hợp nhất, Công đồng sắp đến sẽ tận lực đả phá tất cả những sự hiểu lầm và thành kiến do tình trạng chia cách đã mấy thế kỷ làm cho hai bên Công giáo và anh em cách biệt, vốn lãnh nhận những khuynh hướng triết học khác nhau, những danh từ và chuyển ngữ khác nhau, không còn có thể hiểu nhau trong phạm vi tín lý và thần học. Trong công việc này, Công đồng sẽ tôn trọng hai nguyên tắc: sự thật và đức mến. Chân lý và bác ái phải gắn bó liên kết với nhau trong mọi trường hợp. Chân lý mà không có bác ái chỉ là cố chấp và từ khước; bác ái mà không có chân lý là bác ái mù quáng và sẽ không bề bỉ. Hai nguyên tắc ấy, chính Đức Hồng y Bea đã rút trong thư thánh Phaolô: “Tuyên xưng sự thật, chúng ta sẽ nhờ đức mến lớn lên trong Đấng làm Đầu là chính Chúa Kitô.”


Người Công giáo chúng ta phải nỗ lực để thực hiện hợp nhất giữa hết mọi tín hữu Chúa Kitô. Chúng ta hãy gạt bỏ các thành kiến và những hiềm khích bấy lâu nay hằng làm tổn thương đến đức bác ái giữa những người anh em cùng tin một Chúa. Những vết thương còn sót lại, những nghi kỵ, lãnh đạm, phải được hàn gắn và chấm dứt. Chúng ta mong rằng Công đồng Vatican II sẽ thành công tốt đẹp.


Lm Chân Tín, CSsR

8/1962


(Xem thêm các bài cùng một dạng, xin mời vào:

www.suyniemloingai.blogspot.com

www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com )

Wednesday, 27 January 2010

Mễ Duy - Nguyễn Quí Bân: Đời sau


mễ duy


Một ý nghĩ đen ngòm cản tôi:«Viết làm gì chuyện này, ai đọc? Sẽ bị chê là quê, cổ!» Thực thế, ngay trong Giáo Hội Công Giáo, mấy chục năm gần đây các cha sở trong các bài giảng đều tránh né đề cập đến vấn đề này. Hồi tôi còn nhỏ thì đã từng «bị» nghe về hỏa ngục, thiên đàng thì không. Hậu quả là lớn lên trong tiềm thức tôi, chỉ có những hình ảnh về hỏa ngục, như quỷ đen có đuôi, lửa thiêu đốt các linh hồn. Chẳng phải như vậy là sai, nhưng không có những hình ảnh tươi sáng, được gieo xuống tâm hồn thơ trẻ, thì lớn lên, nhất là khi cuộc sống trở nên đầy "bấn loạn" (stress) thì làm sao có khả năng «mơ» thiên đàng. Mà nếu mất đi khả năng mơ thiên đàng, thì cuộc sống này khó lòng mà hạnh phúc thật, dẫu có no nê trong những thỏa mãn do những thụ hường bất tận đem lại. Thật vậy khi người ta say mê "xây dựng cuộc đời", làm ăn, làm giầu, khuếch trương gia sản, hay mê ly bàn chuyện ăn, mặc, giải trí... thì vẫn có một câu hỏi trong thâm tâm, âm ỉ, mà người ta cố đè nén, bịt miệng: "cuộc đời này đi về đâu?" Câu trả lời dễ lắm, nhưng người ta vẫn chỉ áp dụng cho người khác, kiểu như là tuyệt nhiên không can dự đến bản thân mình.Câu trả lời đó là: "cuộc đời này trước sau gì cũng chấm dứt bằng cái chết".



Nếu như đã "giải quyết" được vấn đề cái chết, nghĩa là một mặt chấp nhận mình sẽ chết, không chút nghi nan,mặt khác không tin chết là hết, ngược lại được hiểu biết, cảm nghiệm, tin thiên đàng thì cuộc sống làm ăn, sáng tác, giải trí, thụ hưởng… trở nên đậm đà, có ý nghĩa, không còn là một cuộc chạy trốn cái chết. Dẫu như có ai, thực sự đứng đắn, thực sự chín mùi, nói với tôi: "chết là hết" mà người đó lại hăng say giúp đời thì tôi không tin người đó nói thật. Vì làm sao cho rằng cuộc đời mình có ý nghĩa, nếu chủ trương rằng những cố gắng xây dựng cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội rốt cuộc chỉ là như những bong bóng bể tan, biến mất trước làn gió nhẹ của cái chết.



Khi còn trẻ trung, khoẻ mạnh, đầy nhựa sống, con người tưởng mình sinh ra cõi đòi này để sống bất tận. Nhưng khi yếu đau nặng, khi đã trải qua một phen thập tử nhất sinh hay khi già cả , người ta khó lòng mà không nghĩ đến cái chết. Ở những xã hội quá đề cao phồn thịnh kinh tế theo kiểu mạnh ai nấy làm giầu, người ta có xu hướng khinh chê người già cả gần đất xa trời, cho rằng cuộc đời họ không còn ý nghĩa. Nhưng nếu cuộc đời những người già cà, tàng tật, xấu xí không có ý nghĩa thì chẳng có cuộc đời nào có ý nghĩa hết, kể cả của những người giầu sang, giỏi giang, khoẻ mạnh. Văn hào Léon Tolstoï, lúc đã đến được chóp đỉnh của " hạnh phúc đời này ", có vợ đẹp con khôn, có tài sản thẳng cánh cò bay, có danh vọng, có bạn bè, thì đã đặt vấn đề cách trung thực, ông viết:



"Câu hỏi tôi đặt ra thật giản dị, nó nằm trong tâm khảm của bất cứ ai thuộc loài người, từ đứa bé hết sức ngây thơ đến cụ già hết sức khôn ngoan, câu hỏi mà nếu không đặt ra thì không thể sống được... câu hỏi mà tôi đã nhìn ra nó trong tôi. Câu hỏi đó như thế này: những gì tôi đang làm ngày hôm nay, những gì tôi sẽ làm ngày mai, sẽ đem lại thành quả gì? Trọn vẹn cuộc đời tôi sẽ đem lại thành quả gì? Câu hỏi có thể được đặt ra một cách khác như sau: để làm gì, đời tôi? Để làm gì, nhng khát vọng của tôi? Để làm gì, những hoạt động của tôi? Một cách khác nữa để đặt câu hỏi: cuộc đời tôi

có còn ý nghĩa gì không trước cái chết trước sau gì cũng đến gặt hái tôi đi?"

Sau đó ông đi lục lọi trong các khoa học để tìm giải đáp, để rốt cuộc đi đến kết luận là khoa học cho thấy không thể có giải đáp nếu không nối kết hạn hữu với vô hạn hữu, tạm gửi với vĩnh cửu. Ông viết như sau:


"Tôi hiểu được rằng người ta không thể tìm tòi trong những kiến thức lý luận giải đáp cho câu hỏi của tôi, và rằng câu trả lời của kiến thức lý luận lại cho thấy rõ giải đáp thực sự chỉ có thể tìm thấy khi người ta chấp nhận đặt câu hỏi một cách khác, bằng cách đem vào những suy luận một vấn đề (mới) đó là liên hệ giữa hữu hạn và vô hạn. Tôi cũng hiểu được rằng những giải đáp của lòng tin, xem ra thì rất phi lý và lạ hoắc lại đem lại một cái lợi lộc là trong mọi vấn đề chúng đều đem vào liên hệ giữa hữu hạn và vô hạn, bởi vì nếu không chấp nhận liên hệ này thì chẳng bao giờ có giải đáp (cho bất cứ chuyện gì)".


Gần đây tôi đọc được một cuốn sách về đời sau đã giúp tôi được chữa lành khỏi cái bệnh mù tịt về thiên đường. Quả tình đó là một cái bệnh tâm linh, âm ỉ, không lộ ra, nên người ta coi là nhẹ, không quan trọng, nhưng trong thực tế nó khiến «giữ đạo» trong sợ hãi, chỉ nhắm sao «không bị xuống hỏa ngục», còn thiên đàng thì không dám nghĩ tới, vì không biết nó ra làm sao và coi bộ khó quá, khó quá mà được lên thiên đàng !


Cuốn sách* mà tôi vừa đề cập đến (có "nihil obstat" và "imprimatur" đàng hoàng), cho ta hiểu thiên đàng hay hoả ngục không phải là chuyện thưởng phạt theo kiểu người khác quyết định cho mình, nhưng là một sự lựa chọn của mỗi người, do chính người đó định đoạt, trước sự mòi mọc của Thiên Chúa. Bất cứ ai trong giờ hấp hối đều được Thiên Chúa Tình Yêu mời vào cuộc sống trong gia đình Ngài và cũng được ma quỷ mời vào thế giới của chúng. Ai có tâm hồn mở rộng, thích yêu thương thì không do dự gì mấy và lựa chọn thiên đàng, nơi họ tiếp tục và yêu mến hơn nữa vô cùng, ai quen ích kỷ, nghen nghét thì dĩ nhiên dễ bị ma quỷ thuyết phục mà đi theo chúng để có một định mệnh trong kiêu căng, vị kỷ.


Đó là một sự lựa chọn sáng suốt, theo nghĩa là sau khi sự lựa chọn đã trở thành dứt khoát thì mãi mãi không có ai hối tiếc sự lựa chọn đó. Ngay đến người đã lựa chọn hoả ngục cũng đời đời lập đi lập lại:" ta có lý từ khước Thiên Chúa!" và đó chính là "hoả ngục" của họ, một sự cô đơn khủng khiếp vì họ đã lựa chọn đóng khép con tim, con người mình lại như trong một cái hầm bằng bê-tông cốt sắt, thật xa mặt trời, cảnh đẹp... Ngược lại, những người đã chọn tình yêu thì không phải là đời đời quỳ chầu Thiên Chúa như một thứ lính hầu, họ hoàn toàn tự do, chu du khắp vũ trụ… vì họ ở trong Chúa và Chúa ở trong họ, cái tự do trong tình yêu của họ người trần không thể tưởng tượng được. Bao lâu người qua đời chưa dứt khoát lựa chọn thì họ vẫn trong cơn hấp hối (của linh hồn) có thể kéo dài trong ngày tháng năm.


Một điểm khác làm tôi vui là theo tác giả, sau khi chết rồi, người đã từ trần không phải là một thứ "hồn" nhẹ như không khí, ngược lại họ thấy được, nghe được, giữ lại mọi kỷ niệm của đời trần nay đã được đổi mới, được chiếu soi trong ánh sáng của vĩnh cửu.


Mễ Duy- Nguyễn Quí Bân

2007


(Xem thêm các bài cùng một dạng, xin mời vào:

www.suyniemloingai.blogspot.com

www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com )



Monday, 25 January 2010

Lm Chân Tín, CSsR: Vấn đề giáo dục học đường

Mùa khai trường đã về. Hàng chục vạn con em chúng ta lại lần lượt cắp sách đi học, bắt đầu một niên học mới. Nhân dịp này, chúng tôi muốn lưu ý bạn đọc cách riêng các nhà giáo, đến một vấn đề vừa khẩn cấp, vừa hợp thời: vấn đề giáo dục học đường.


Hợp thời vì đây là lúc phụ huynh ký thác trọn con em cho học đường, hy vọng chúng được nên người. Nhưng cũng là vấn đề khẩn cấp, vì giáo dục học đường còn nhiều thiếu sót cần phải sửa chữa.


Trong số này, chúng tôi không có tham vọng nghiên cứu mọi khía cạnh của vấn đề. Một nghiên cứu như thế ra khỏi khuôn khổ của Nguyệt San. Dù thế, vì sự quan trọng của vấn đề, chúng tôi muốn dành một phần lớn số này để nêu lên một vài điểm liên hệ đến việc giáo dục học đường. Chúng trôi cũng mong các nhà giáo cũng như bậc phụ huynh góp ý kiến trong số tới, ngõ hầu việc giáo dục học đường được kiện toàn hơn.


Ai ai cũng công nhận vấn đề giáo dục học đường là một vấn đề khẩn trương. Mặc dầu chính phủ đã cố gắng rất nhiều, song trường học vẫn thiếu. Những giáo chức lành nghề và có lương tâm càng thiếu hơn. Những ai lưu tâm đến thời đại và lo lắng tương lai đất nước đều phải băn khoăn. Học đường là nơi đào tạo lớp thanh niên tương lai của tổ quốc. Công việc ấy đòi nhiều thiên chí, nhiều hy sinh của các nhà giáo ở bậc trung học cũng như đại học. Nếu giáo chức không có lý tưởng, thì rồi đây lớp thanh niên lờn lên cũng không thể có lý tưởng.


Việt Nam là một quốc gia đang tiến triển. Một số lớn thanh niên không thể ngừng việc học, sau khi chấm dứt cấp giáo dục tiểu học. Họ sẽ vào trung học ở cái tuổi khủng hoảng. Vì thế, nền giáo dục trung học rất quan trọng và nhiệm vụ giáo chức rất nặng nề. Hường đi của thanh niên sẽ ra thế nào là tuỳ sự giáo dục của cấp trung học. Vì thế giáo chức phải gây tinh thần và hướng đi cho thanh niên. Phải gây cho thanh niên tinh thần hiếu học và tinh thần phục vụ. Tinh thần hiếu học, để tiến mãi trong sự hiểu biết về phương diện khoa học và kỹ thuật. Tinh thần phục vụ, để cố gắng đem tài mình ra phụng sự dân tộc. Một thế hệ thanh niên mà thiếu lòng nhiệt thành, thiếu nghị lực để hy sinh cho lý tưởng, thì tiền đồ của đất nước sẽ sụp đổ. Chúng ta phải tạo cho học đường một tinh thần mới, tinh thần trách nhiệm, tinh thần phục vụ. Ngày nay, một số đông chỉ học lấy mảnh bằng, để chiếm một địa vị. Mãn ban trung học, người ta chọn một ngành đại học, không theo khả năng mình hay theo nhu cầu của dân tộc, mà theo số lợi tức ước lượng. Tinh thần tư kỷ và vụ lợi cần phải đả phá ngay từ cấp trung học. Trách nhiệm của học đường ở bậc trung học rất lớn lao.


Sang cấp đại học, tinh thần trách nhiệm càng phải được phổ biến hơn nữa. Sinh viên sẽ là những cấp lãnh đạo của đất nước trong mọi ngành hoạt động. Nền đại học, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, còn phải nhắm đào luyện những thủ lãnh tài đức có tinh thần phục vụ. Giáo dục đại học phải huấn luyện sinh viên thành những cấp chỉ huy, đầy sáng kiến, đầy can đảm, đầy hy sinh để dìu dắt dân tộc chứ đừng còn nuôi cái óc học để lấy bằng cấp và tranh chấp một địa vị. Vì quá tin tưởng vào bằng cấp hơn là khả năng trong việc lựa chọn cấp lãnh đạo, nhiều quốc gia trên thế giới ngày nay đã biến trường đại học thành lò kiến tạo những địa vị béo bở ngày mai. Kết quả là thanh niên chuyên học vụ lợi. Mục tiêu của nền đại học bị thu hẹp vào mộng giàu sang. Thanh niên trí thức quên hẳn vai trò lãnh đạo của mình và chỉ nghĩ đến các quyền lợi vị kỷ. Mong các giáo sự đại học đem lại cho thanh niên ưu tú của đất nước một tinh thần trách nhiệm và phục vụ.


Trách nhiệm của giáo chức rất nặng nề. Trách nhiệm giáo chức Công giáo càng nặng nề hơn. Đề cập đến vấn đề giáo dục học đường, Đức Piô XII đã nêu cho giáo chức Công giáo một lý tưởng đào tạo. Ngài nói: “Lý tưởng ấy nhằm đào tạo nên những con người hoàn hảo về phương diện văn hoá, trên bình diện trí tuệ cũng như đạo đức, khoa học, xã hội nghệ thuật, tuỳ theo hoàn cảnh, địa vị và khuynh hướngchính đáng của mỗi người. Như thế, không một người nào bị lạc lõng hay bất lực. Hơn nữa, không một ai bị cản trở trên đường tiến tới tột đỉnh. Nhiệm vụ cao cả, thánh thiện, đòi hỏi nhà giáo dục phải tinh vi, tế nhị… có nghệ thuật điều hoà giáo huấn cho thích hợp với tri thức và khả năng của thiếu niên. Đặc biệt là phải tận tụy với nghề, phải có lòng bác aí, và tuỳ theo sức mình, phải có nhiệt tâm thánh thiện, khả dĩ gây hứng thú cho học sinh, kích thích các em hăng hái học hành.” (Piô XII, diễn văn đọc ngày 22.11.1948)


Và, chính Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII cách đây ít lâu cũng đã nhấn mạnh trách nhiệm của nhà giáo. Ngài nói: “Thiếu niên được phó thác cho nhà giáo và chính nhà giáo đào tạo con em trong những năm quyết định về tương lai của chúng. Thiếu niên đến với nhà giáo như những bông hoa hàm tiếu. Và dưới con mắt nhà giáo ân cần tế nhị theo dõi hằng ngày, thiếu niên biến đổi một cách kỳ diệu.” (Gioan XXIII, Huấn dụ cho các giáo sư).


Chúng tôi mong rằng các giáo chức, cách riêng giáo chức Công giáo, hiệp lực với phụ huynh, để đào tạo con em chúng ta trên con đường phụng sự tổ quốc và Giáo hội, bằng cách tạo cho học đường một tinh thần mới: tinh thần trách nhiệm và phục vụ.


Lm Chân Tín, CSsR

1962


(Xem thêm các bài cùng một dạng, xin mời vào:


www.suyniemloingai.blogspot.com

www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com )

Saturday, 23 January 2010

Lm Richard Leonard sj: Cây trái của Thượng Đế


“Ngoài đời thơm phức những trái cây của Thượng Đế”

(thơ Thanh Tâm Tuyền)

Vâng. Thế đó là Chân lý. Tri cy của Thượng Đế, thơm phức ngập tràn toàn Hồng ân. Vẫn ở với người, cả ngoài đời lẫn trong Đạo. Nhưng vấn đề, là: dân con trong Đạo/ngoài đời, có biết thụ hưởng những thơm phức Hồng ân Chúa không? Nhất thứ, khi Hồng ân – Chân lý, đã được tông đồ thánh sử sẻ san, với dân gian. Sẻ san cách đặc biệt như Lời Chúa, hôm nay. Nhưng trước hết, hãy bắt đầu bằng mẩu chuyện đối đáp giữa hai mẹ con nọ, như sau:


Chú bé 9 tuổi tên Nho được mẹ hiền gặn hỏi xem bé học được những gì ở nhà trường, môn giáo lý. Nghe cật vấn, bé tíu tít nĩi vội vàng: Mẹ, cô ở trường có kể cho tụi con nghe rất nhiều chuyện Chúa làm. Sao con thấy chuyện nào cũng đẹp như phim tập, đó mẹ. Cô bảo thế này: Chúa cứu dân Do Thái thoát khỏi ách nô lệ của lính Ai Cập chuyên hà hiếp dân lành Do Thái. Chúa cứu họ bằng cách cho ông Mô-Sê, xuất hiện ngay sau lưng địch, mà địch không hay. Kế đó, ông Mô-sê đem dân Do Thái tới Biển Đỏ an toàn xa lộ, không ai bị đói. Thế rồi, ông lại truyền cho các kỹ sư bắc một cây cầu thiệt to, cao ơi là cao, đặt ngay phía trên đỉnh đầu của mọi người. Và rồi, dân Do Thái ai cũng qua được cầu, mà không bị gì hết. Kế đến, ông dùng di-động gọi về cho tổng hành dinh, kêu máy bay yểm trợ.


Thế là, họ gửi máy bay đến um sùm trời đất, bắn phá tơi bời. Và, cầu bị sập ngay lập tức. Làm chết đám lính Ai Cập. Bọn lính chết sạch, không ai kịp trăn trối với vợ con. Trong khi đó, dân Do Thái cứ ung dung sống an nhàn, thảnh thơi. Mẹ thấy có khủng khiếp không! Bà mẹ ngắt lời: Này con, con kể có đúng như cô con dạy không đó? –Con nói thiệt đấy. Đúng rồi đó, mẹ. Con chỉ thêm có chút xíu cho nó giống phim Hàn Quốc, thôi. Chứ, kể dài như cô ở trường, mẹ nghe chỉ có nước ngủ gục, chứ ai mà tin những điều cô kể!…


Vâng. Đúng thế. Nhìn cảnh anh em đồng Đạo chia rẽ bất đồng vì cách dạy giáo lý, từ nhiều thế kỷ. Mới ngại. Làm sao có thể cảm nhận “những thơm phức hồng ân ơn cứu độ” Ngài ban cho, chứ? Quả là, nhiều thế hệ về trước,nhằm bảo vệ nguồn chân lý trong Kinh thánh, ta vẫn được dạy: mọi điều ghi trong Kinh thánh đều do Thần Linh Chúa đọc cho các thánh viết. Trên thực tế, lối viết của mỗi thánh sử như: Mátthêu, Mác-cô, Luca và Gio-an, vẫn là cách thức đơn lẻ mỗi vị biểu tỏ “những thơm phức của Hồng ân Cứu độ” theo cảm nhận riêng, của mỗi vi.


Hôm nay, Giáo hội khởi loan Tin Vui của Đức Chúa bằng trình thuật ban đầu do thánh Luca ghi. Qua giòng chảy, thánh sử Luca minh định rằng: ngài chỉ viết những điều được Thánh Thần Chúa mặc khải cho mình. Để từ đấy, ta nhận ra: trình thuật hơm nay là thư tâm tình gồm hai phần chủ yếu gửi đến một người, vừa là bạn thân vừa là đệ tử, ngài Thêôphilô đáng mến.


Theo truyền thống, phần đầu thư là Tin Mừng theo thánh Luca. Và kế đến, là sách Công vụ Tông đồ. Ở cả hai, thánh nhân tuyên dương chúc tụng công việc của Vĩ Nhân Số Một, thuộc mọi thời. Đồng thời, ngài cũng ghi lại các thành tựu Chúa làm trong quãng thời gian Ngài ở với dân con, nơi trần thế. Thành tựu đây, là: công trình rất thân quen xảy đến với La-Mã vào thời cổ, nơi chịu ảnh hưởng của nền văn minh Hy Lạp, thời buổi trước.


Thánh Luca nhận ra trách vụ phải viết sao để người đọc hiểu được “chương trình cứu độ” của Chúa. Và ngược lại, người đệ tử của thánh nhân là Thêophilô cũng biết rõ cách đọc ý định của Chúa, qua điển tích. Trình thuật thánh Luca ghi, nhất định không phải là nguồn nhu liệu thu thập lại chi tiết lịch sử rất thật về cuộc sống của Đức Giê-su, chốn gian trần. Không hẳn thế. Bởi nếu không, sẽ chẳng hài hoà như Tin Mừng nhất lãm do các thánh sử khác viết. Thật ra, về hình thức, mỗi thánh sử tích lũy nhu liệu theo cung cách riêng tư, của mỗi vị. Và, quan điểm mỗi người về các chi tiết hệ trọng, tuyệt nhiên không thuần nhất. Cố định.


Là tín hữu Đức Kitô, ta tin Thánh Thần Chúa dẫn dắt các thánh sử, khi các ngài ghi chép dấu tích nguồn sử liệu. Và, Thánh Thần Chúa cũng soi sáng để khi thuật ghi Tin Mừng, các ngài biết chọn nguồn sử liệu; ngõ hầu, chi tiết về “chương trình cứu độ” của Chúa, tuyệt nhiên không hề sai sót. Và, cuộc sống hài hoà của tín hữu Đạo Chúa ăn khớp với “chương trình cứu độ”, là mục đích của Tin Mừng. Coi đó như chứng tích niềm tin của Giáo hội.


Thế nên, đây không phải là giòng chảy chi tiết các sự kiện theo nghĩa đen lịch sử. Đây là sử sách ngàn năm về một Chân lý đích thực. Tức, những điều mà nhà thơ ở trên nhận xét: “thơm phức những trái cây Hồng ân của Thượng Đế”. Khi biên tập giòng chảy cứu độ, thánh Luca hiểu rằng ngài Thêơphilô, là bạn và là đệ tử của thánh nhân, được bảo cho biết về đường hướng cứu độ, nơi Đức Kitô. Và, thánh nhân cũng xác tín rằng: sự thật lịch sử về đường hướng cứu độ thực hiện nơi mỗi người, chính là kinh nghiệm mà thánh nhân đạt tới.


Tin Mừng hôm nay, vẽ lên bức chân dung rất thật, rất khởi sắc và thân tình về Đức Kitô. Qua đây, thánh sử trân trọng gửi đến với hết mọi người, ở mọi nơi, một thông điệp ngàn năm, không nhạt phai. Nếu phải dùng ngơn ng đới thường hôm nay, hẳn tác giả cũng sẽ chua thêm những cụm từ hỏi han, như: “Thế nào, s việc đến đâu rồi?”, hoặc: “Hãy nói thẳng và đưa ra quan điểm của mình”…


Chúng ta cũng thế. Là con Chúa, và là miêu duệ của những Luca, Thêôphilô cùng cộng đoàn kẻ tin thời tiên khởi, ta thừa hưởng một truyền thống, rất chân tình. Rất thân thương. Truyền thống thẳng thắn và chân tình ấy, đưa ra ngay về phía trước, những gì chúng ta được mời gọi đến thực hiện. Gọi đó là “Chương trình” đề ra cho ta, mỗi người. Rất thẳng thắn. Rất chân tình như thưở nào. Và, cũng dễ nhận biết. Đó là: ta được mời gọi cùng với Giáo hội đồng hành đến với đám dân nghèo/hèn. Được mời, để ra đi giải thoát những người còn bị cầm buộc. Được mời, để tiếp tay nhau trong tranh đấu chống trả mọi áp bức khổ đau, vẫn còn ở nhiều nơi.


Đồng thời, ta có trọng trách thực hiện điều khác nữa: quyết tâm thăng tiến hết mọi người. Cả người cận thân, cũng như người cận lân. Thăng tiến, để tất cả dám đối đầu trực diện với những gì mà mọi người cứ lánh mặt, làm ngơ. Những người lờ tảng, chẳng muốn nhúng tay vào chuyện gì, cho thêm phiền. Thăng tiến, là khích lệ mọi người dám ra đi công bố hồng ân của Thiên Chúa. Ra đi, còn để biểu lộ: chẳng ai xa vời tầm tay yêu thương cứu độ, của Đức Chúa.


Đòi hỏi của trọng trách, dù có cao xa vời vợi hay ít thực tiễn, vẫn không là chọn lựa có thêm. Thêm, như chuyện bên lề. Đòi hỏi của trọng trách đây là lựa chọn căn bản, thực tế. Dễ thành hiện thực. Trọng trách loan truyền “những thơm phức cây trái hồng ân của Thượng Đế”. Trọng trách này, vừa là quà tặng vừa là bổn phận gửi đến mỗi kẻ tin. Đó là ý nghĩa của cuộc sống. Đó là ý hướng của chương trình hành động, cho mọi người. Hãy ra đi chuyển đổi thế giới nhân trần, nơi ta sống. Như Đức Chúa vẫn mời gọi.


Thế đó là chân lý. Có ra đi loan truyền “chương trình cứu độ” của Đức Chúa, thế

gian mới biến thay cuộc đời. Theo gió ra đi loan truyền Tin Mừng Cứu Độ của Chúa, chắc chắn ta sẽ thấy tiếng chim hót vang tưng bừng. Sẽ thấy lòng người bay vút, tới ngàn mây. Ở nơi đây, luôn có Chúa ngự trị. Đích thị là Vương quốc Nước Trời. Muôn đời, ta cần nhớ.


Lm Richard Leonard sj

Mai Tá diễn dịch.


(Xem thêm các bài cùng một dạng, xin mời vào:

www.suyniemloingai.blogspot.com

www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com )

Thursday, 21 January 2010

Lm Chân Tín, CSsR: Chúa Kitô hay Mẹ Maria


Non sông đất Việt đã bao lần chứng kiến cảnh oai hùng và cảm động của những đoàn con cái của Mẹ Maria sát cánh chung lòng kéo nhau đến các ngôi đền dâng kính Mẹ, để thổ lộ niềm mến yêu sùng kính đối với Người. Đại hội Thánh Mẫu toàn quốc năm 1958, đại hội La Vang năm ngoái, những cuộc hành hương và những buổi kiệu lớn nhỏ khắp nơi, tất cả đều diễn tả lòng sùng kính đặc biệt của dân ta đối với Mẹ.


Trong tháng này, chúng ta mừng lễ Đức Mẹ hằng Cứu Giúp: trăm người như một hướng về Mẹ cao cả, trinh trong, quyền phép, nhân lành, luôn cứu giúp. Bàn thờ của Mẹ, ngày qua ngày đã tràn ngập hoa nến, nay càng thêm rực rỡ. Đền thờ của Mẹ, trong suốt năm vẫn không thôi thu hút người tứ phương, dịp lễ này, trở nên như nhỏ bé lại giữa biển người. Lời kinh cầu khẩn, cảm tạ vang lên sốt mến, hết sức tha thiết và chân thành.


Trước mối tình con thảo vừa kín ẩn vừa công khai của phần đông tín hữu Việt Nam đối với Mẹ Maria, cách riêng đối Mẹ Hằng Cứu Giúp, một số người thấy bận tâm. Họ tự hỏi: lòng sùng kính kia có quá bồng bột, mù quáng, nặng tình cảm, quá thực tiễn, vụ lợi, khai thác không? Tín hữu Việt Nam có quá đặt trọng tâm vào những lời khấn vái xin ơn vật chất hơn là vào sứ mạng cao cả của Mẹ Maria trong kế đồ cứu chuộc nhân loại không? Người ta hình như quên Chúa Kitô mà chỉ biết có Mẹ Maria? Họ chỉ biết cầu khẩn với Mẹ, họ không biết rằng Chúa Kitô là Đấng Trung Gian, Đấng Giải Phóng độc nhất của nhân loại. Có người tín hữu tha thiết với việc đi khấn đền Đức Mẹ hơn là đi dự một Thánh lễ.


Chúng ta phải có can đảm để nhìn nhận mối bận tâm trên là mối bận tâm chính đáng. Nghĩa là bận tâm chỉ vì muốn tôn sùng Đức Mẹ cho đúng với đường lối mặc khải, hoàn toàn theo thánh ý Thiên Chúa. Bận tâm như thế tỏ một đức tin sắc bén, luôn mãi tỉnh thức, mong nuôi dưỡng một lòng đạo không bao giờ thành vô ngã, vụ hình thức, nặng tình cảm, đảo lộn trật tự các giá trị trong tôn giáo.


Nhưng đàng khác, mối bận tâm kia có thể không đúng chỗ. Không đúng chỗ, khi vì muốn tập trung lòng đạo vào Chúa Kitô, người ta đã hạ bệ Đức Mẹ xuống, coi Đức Mẹ như một thụ tạo thường giữa trăm ngàn thụ tạo khác. Đưa Đức Mẹ xuống đồng hàng với ta không phải là phương sách độc nhất để đề cao Chúa Kitô. Giảm bớt lòng sùng kính của người tín hữu đối với Mẹ Thiên Chúa không có nghĩa là sẽ tăng lòng yêu mến đối với Chúa Kitô. Họ quên rằng Đức Mẹ đã giữ một vị trí độc nhất trong kế đồ cứu chuộc.


Trước mối bận tâm có thể chính đáng hay không đúng chỗ ấy, nhân ngày lễ Mẹ về hôm nay, chúng ta, những con yêu của Mẹ, chúng ta cần phải bình tĩnh sáng suốt nhận định địa vị Chúa Kitô và địa vị của Mẹ đúng với đường lối của đức tin.


Trước tiên, chúng ta phải xác tín địa vị tuyệt đối của Chúa Kitô: Người là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa, là Đấng Trung gian độc nhất, cầu bầu cho nhân loại tội lỗi. Chỉ một mình Người huỷ diệt tội lỗi để giải phóng chúng ta. Chính Mẹ Maria cũng đã nhờ ơn cứu độ của Chúa Giêsu mà được khỏi tội tổ tông. Chỉ một mình Chúa Giêsu đã nối kết lại mối tình nghĩa tử giữa Thiên Chúa và toàn thể nhân loại không trừ một ai. Là Thiên Chúa làm người, Chúa Kitô đã thu họp trong Người tất cả nhân loại, tất cả hoàn vũ và nhờ cuộc tử nạn và phục sinh, người đã biến hoá tất cả trong sự sống Thiên Chúa Ba Ngôi. Người là trung tâm điểm của đạo Công giáo. Tất cả vinh quang là của Người. Vì thế, lòng đạo của ta phải tập trung cả vào việc kết hợp với Chúa Kitô, để trở nên một với Người, nhận lấy ơn cứu độ toàn diện nơi Người và cùng Người phụng thờ Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần.


Nhưng lịch sử cứu độ còn ghi lại cách sống động trong Kinh thánh và trong đời sống của Giáo hội, địa vị độc nhất của Mẹ Maria bên cạnh Chúa Kitô. Mẹ là người “có phúc hơn mọi người nữ” là Đấng mà “tất cả mọi thế hệ sẽ ca ngợi”. Maria là Mẹ Chúa Kitô, Mẹ Thiên Chúa làm người. Con Thiên Chúa đã muốn nhờ Đức Mẹ để làm người. Nhân tính mà Mẹ maria ban cho Người đã trở nên cơ quan thông ơn cứu rỗi. Không những Maria là Mẹ của Chúa Cứu Thế, nhưng Mẹ còn là Đấng cộng tác với Chúa Giêsu trong công cuộc cứu thế. Dưới chân thánh giá, Mẹ đứng dâng của lễ. Trước giờ hấp hối, Chúa Giêsu còn ban Mẹ Maria làm Mẹ ta: “Này là Mẹ con”. Do đó, người tín hữu sẽ không e ngại trong việc tôn kính và khẩn cầu Mẹ Maria. Vả lại lòng tôn sùng của ta đối với Mẹ và lòng yêu mến tôn thờ Chúa Giêsu kkhông phải đối lập nhau. Lòng tôn sùng Mẹ Maria sẽ đưa chúng ta đi sâu vào tình yêu Chúa Giêsu.


Nhân dịp lễ Đức Mẹ hằng Cứu Giúp, chúng ta hãy gia tăng lòng yêu mến Mẹ, nhưng luôn xác tín rằng Mẹ chỉ là Đấng dẫn đưa ta đến với Chúa Giêsu. Chúa Kitô mới là trung tâm điểm của đạo Công giáo và tất cả vinh quang là của Chúa Kitô.


Lm Chân Tín, CSsR

1962

(Xem thêm các bài cùng một dạng, xin mời vào:

www.suyniemloingai.blogspot.com

www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com )

Tuesday, 19 January 2010

Mễ Duy-Nguyễn Quí Bân: Sống giây phút này

Giữa giờ ra chơi, đám trẻ được hỏi: “Nếu một giờ nữa con phải chết thì làm gì?” Đứa trả lời: “Đi tìm cha xưng tội.” Đứa khác: “Vào nhà thờ cầu nguyện”… Riêng Đôminicô Saviô thì: “Tiếp tục chơi!”.



Không biết Saviô làm cách nào mà đạt đuợc “chưởng lực” tâm linh thâm hậu như thế. Riêng tôi, năm nay đã sáu mươi mốt tuổi đầu mà chỉ mới tập tễnh trên bước đường này. Quả tình, sống giây phút này, theo cái khám phá non nớt của tôi, không phải là dễ!



Bởi vì tôi không còn là con trẻ nữa. Khi tôi còn bé tí ti, thì những gì bỏ vào miệng thật lạ, thật mới, vì là lần đâu: củ khoai ăn sống lần đầu, trái ổi ăn lần đầu, đồng bánh lần đầu. Rồi càng lớn lên, càng có kinh nghiệm, càng nhiều kỷ niệm, những nếm hưởng sau này, dù gọi là mới, cũng bớt đi tính chất lần đầu. Theo thời gian, chúng ta bầy đủ thứ trò để “nếm hưởng đời”.



Tôi còn nhớ thời đó, tuy lãnh lương “kiệm ước” , nhưng cũng cố “quản trị” sao cho đủ xìn để tham gia cùng nhóm bạn lâu lâu đi du ngọan hoặc thỉnh thỏang đi ăn chỗ này chỗ kia. Trong nhóm có nam có nữ nên ai cũng trở thành hào hoa, lịch lãm, “văn miêng”…! Những kỷ niệm vui đó, vui phần lớn là nhờ cái liên hệ bạn bè, chứ ngọai vật tự chúng không đủ sức lôi cuốn tôi. Không còn lôi cuốn tôi như hồi nhỏ. Bây giờ, tôi đã mất đi cái nhìn mớ mẻ, hồn nhiên của thời ấu thơ.



Khám phá những “cảm giác lạ” không thể thỏa mãn lòng người, phần vì chúng bao la, phần vì những cảm giác đã xảy ra trong quá khứ đã trở thành những tiêu chuẩn để so sánh cho những lần sau. Mỗi lần ăn thêm một tô phở, tưởng tượng hoặc “cảm” thấy ngon, nhưng thực ra không còn cảm cách trực tiếp, đơn thuần nữa, mà đã phê phán nó, so sánh nó với những tô phở lần trước. Trong bữa ăn, nếu có người không hài lòng về món này món kia, theo tôi nghĩ, cũng chỉ vì người đó không còn khả năng nếm hưởng trực tiếp mà đã để ký ức mình “họat động” quá độ, so sánh với những cảm giác đã qua, đã quen. Dĩ nhiên, văn miêng đã chế ra cái ý niệm “sành điệu”, nhưng cũng chỉ để thêm một thế “kẹt”, vì nếu chạy theo thì bao giờ mới tìm được cái ngon nhất…


Vậy, chỉ còn một thái độ là cảm giác ngây ngô. Thái độ ngây ngô là không tích trữ, không “nuôi” kỷ niệm, không “o bế” quá khứ. Không phủ nhận, không xóa bỏ chúng, nhưng không để chúng lấn át hiện tại. Kinh nghiệm sống, kiến thức đạt được, ký ức đều là cần thiết, nhưng khi mình không còn làm chủ chúng nữa thì chúng biến thành những bức tường vô hình ngăn chận con người sống trực tiếp với ngoại vật, người khác… Xin lấy một ví dụ: nghe nhau. Sở dĩ có cãi cọ trong nhà ngoài ngõ là vì tình trạng ông noi gà bà nói vịt, theo nghĩa là không hiểu ý của nhau. Mà không hiểu ý của nhau là bởi vì không nghe “cái đã”, mà muốn nói ý kiến mình ngay. Nghe thế nào? Nghe như con nít nghe. Con nít nghe “đã” rồi mới hiểu sau, nhưng hiểu lẹ và vâng lời dễ dàng. Nghe “đã” là để cho những âm thanh, như những âm thanh, lọt vào tai. Nếu như trong một tích tắc, người ta nghe người đối thọai như hấp thụ cách ngây ngô âm thanh “trước đã” thì hiểu nhau nhanh và nhiều hơn.


Nhìn cũng thế, con nít nhìn cách “ngây ngô”. Ví dụ, cho một đứa bé một lá cờ nó chưa từng biết thì thọat tiên, trong một tích tắc, nó chỉ nhìn đó như một… mảnh vải. Nhìn “cái đã”, sau đó mới đặt câu hỏi : “cái gì đây?” hoặc: “cờ nước nào vậy?” VITTOZ gọi nhìn, nghe, nếm, ngửi, sờ cách ngây ngô như vậy là những hành vi nhận thức –“actes concients”-, khả dĩ lôi con bệnh ra khỏi névrose hay psychose. Những cảm giác ngây ngô đó là bước đầu giải thóat người bệnh ra khỏi những ý nghĩ, hình ảnh quá mạnh đang vây hãm tâm thần họ.



Nhưng những cảm giác ngây ngô cũng là căn bản của một nghệ thuật sống. Cha JOMIN, thiết lập một phương pháp trị liệu tâm lý khác mà căn bản là sống giây phút hiện tại, tuy đã về già mà mỗi ngày ngoài việc tiếp 15 người bệnh còn đọc xong một cuốn sách, nhờ sống bằng cảm giác ngây ngô.



Cảm giác sự vật cách ngây ngô khiến phục hồi hay duy trì khả năng hấp thụ, lãnh hội (réceptivité), giúp con bệnh tiếp xúc lại với thực tại bên ngoài. Vì cái bệnh tâm thần là cái bệnh chỉ biết “nghĩ”: nghĩ lung tung hay chuyên môn nghĩ một chuyện, một chiều. Trong cuộc sống hàng ngày, bạn chắc cũng đã có dịp như tôi, “tiếp chuyện” với một con bệnh kiểu này, bạn chẳng phải nói năng gì cả, chỉ việc đứng ngoan ngoãn nghe “thuyết pháp” quanh một đề tài hay một “tâm sự đời tôi”. Bao lâu bạn còn nể tình hay vì chở đợi “tình hình thay đổi”, ngoan ngõan đứng nghe thì người nói càng thao thao bất tuyệt, càng thêm khỏe ra, hùng hồn hơn… Lần sau gặp lại, “con bệnh” sẽ rất ư vồn vã, nồng hậu đón tiếp bạn, và “dọn” cho bạn sơi cũng cùng một món ăn chơi như lần trước. Dĩ nhiên, đến lần thứ ba thì rút kinh nghiệm, từ còn xa, bạn đã nhỏen miệng cười chào và lễ phép thưa “xin phép bác, con phải về lo cho thằng cu…”



Trên đời ai mà không cảm thấy nguy cơ rơi vào tình trạng nghĩ lung tung. Điều này trở thành bệnh khi tự mình không biết tháo gỡ ra sao. Khi những ý nghĩ tâm tư như: chờ đợi, hy vọng, thất vọng, mơ ước, hối tiếc, vui quá, buồn quá, nóng giận, tức muốn chết… trở thành dồn dập, không tìm được lối thoát hay được “hóa giải” thì biến tâm não thành một trận địa hay một cuộc huyên náo dày vò tâm thần.



Điều làm cho tôi vui là khám phá điều này: võ thuật, tâm lý điều trị, triết lý sống, và các tôn giáo lớn đều giáo huấn con người biết sống trong hiện tại, sống giây phút này.



Mễ Duy

2006


(Xem thêm các bài cùng một loại, xin ời vào

www.suyniemloingai.blogspot.com

www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com )

Saturday, 16 January 2010

Lm HỒ Quang Lâm, CSsR: HÃy lẮng tai nghe!


Bác thân mến,

Được gợi ý từ bài suy niệm “Em có nghe chăng một dặn dò” (Mùa Chay 2007) đề cập đến thái độ lắng nghe, xin gửi Bác một vài ý tưởng suy niệm, liên hệ từ những sự kiện cụ thể trong cuộc sống mà bản thân con được tiếp cận.


Nhưng trong bài này, con xin chỉ giới hạn vấn đề ở dưới đất – Biết nghe nhau - chứ không liên quan đến trời – lắng nghe Chúa.


Lắng nghe, dĩ nhiên, là một điều đơn giản dễ hiểu, dễ thực hiện.


Trong bài suy niệm “Em có nghe …”, Bác trích dẫn nhiều từ Tin Mừng cho thấy lắng nghe là điều cần thiết.


Kinh nghiệm của ông cha để lại cũng vậy: “phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, “lãnh đạo giỏi là lãnh đạo biết lắng nghe cấp dưới”, “dường như Ông Trời tạo cho con người hai cái tai, hai mắt … nhưng chỉ có một cái miệng là để người ta nghe và nhìn nhiều hơn là nói” …


Nhưng BIẾT lắng nghe lại là một điều cực kỳ khó. Lắng nghe chỉ đơn giản là lắng tai để nghe và hiểu nội dung điều người khác nói, nhưng khi dùng cụm từ biết LẮNG nghe thì lại muốn nói đến việc nghe, hiểu và đón nhận điều người khác nói, có khi đó là sự khác biệt. Thì như Bác nói:


Bất cứ trường hợp nào, khi lắng tai để nghe, cũng nên để lòng mình chùng xuống. Bỏ hết ý kiến riêng lẻ, bỏ mọi tâm tình đơn độc hoặc cá biệt đi, để nghe và đón nhận ý kiến người khác. Khác phe, khác phái. Dù, ý kiến ấy rất khác, rất nghịch với ý kiến của riêng mình. Và, thường thì các ý kiến của người khác chẳng thua chẳng kém ý kiến của mình bao giờ.


Bỏ hết …” được không? Có lẽ chúng ta phải thừa nhận đây là điều không đơn giản.

Thực tế, khi quan sát vào các cộng đồng có đời sống chung, hay có gắn bó trong tương quan công việc, sứ vụ … luôn luôn có đó sự xung đột, có khi nảy lửa, có lúc dai dẳng, có nhiều trường hợp không thể hoà hợp. Chung quy có lẽ vì người ta không BIẾT LẮNG NGHE. Hay là người ta không chịu, không thể, không thèm, không muốn nghe nhau đấy thôi. Và vì không nghe, người ta không chấp nhận nhau.


Lý do chính và quan trọng nhất khiến người ta ít chịu nghe nhau là chẳng ai chịu để người khác hơn mình.

Tại môi trường con đang sống trong thời gian vừa qua, có những chuyện dở khóc dở cười, có chuyện thì thương tâm, có chuyện thì nghe xong phát … tức! Mà chung quy đều do người ta “không biết để lòng mình chùng xuống để bỏ hết ý kiến riêng lẻ, bỏ mọi tâm tình đơn độc hoặc cá biệt đi, để nghe và đón nhận ý kiến người khác.


Con kể ra đây những mẫu chuyện có thật này như những phản đề, đáp án sống động cho vấn nạn: “Nếu không biết lắng nghe thì kết quả là gì?”


Cách đây 1 tuần, ngay trong địa hạt giáo họ vùng kinh tế mới thuộc địa bàn của con, có một cậu bé 11 tuổi, thuộc gia đình ngoài Công Giáo, đã uống nguyên chai thuốc sâu tự tử, để lại một lá thư tuyệt mệnh, đọc xong ai cũng rơi nước mắt. Nội dung bức thứ có vài ý chính: Con ra đi vì người lớn không ai tin con, không ai nghe con nói, con bị oan ức chịu không được, chết quách cho xong; đôi khi con cũng ghét ba mẹ bởi nhiều lúc la mắng con một cách vô cớ, có lúc con lại thương ba mẹ, vì thấy ba mẹ tội nghiệp, vất vả, nghèo…; xin lỗi chị ruột vì em làm mất danh dự gia đình, làm mất danh dự chị, dù chị và mẹ sỉ vả em quá trời vì hành vi lầm lỗi của em, nhưng em rất thương chị, chào chị … em đi. Và cậu bé đi thật.


Cậu bé phạm tội gì? Một phút xa ngã lỡ lầm, ra quán tạp hoá mua hàng cho mẹ, quán vắng chủ mà rổ tiền lẻ thì lồ lộ, thuận tay bốc đại một nắm nhét vào túi áo. Xui có người thấy được, báo với chủ quán, thế là chuyện vỡ ra. Mẹ và chị thì đay nghiến, chì chiết. Công an xã thì tra hỏi. Bà chủ quán bồi cho một câu: “Mày mà không khai báo thành thật, tao nói với công an vụ tao mất 2 triệu rưỡi cách đây hai tuần để họ điều tra luôn một thế”. “Thưa Cô con chỉ lấy có 43 ngàn thôi, con không lấy 2 triệu”. “Mày già mồm đi con, đồ gian …”.


Cậu bé chết quách cho xong vì người lớn không chịu tin cậu, không nghe cậu giãi bày. Người lớn nghiệt ngã với định kiến và chính định kiến khiến người ta không còn khả năng lắng nghe. Hậu quả của không biết lắng nghe là một cái chết oan uổng, đau lòng.


Một gia đình kia cưới vợ cho con. Nhà cô dâu không công giáo. Gia đình cô dâu với một thái độ rất hòa nhã đến xin bố mẹ đàng trai hai chuyện:


Cho chọn ngày cưới theo phong tục gia đình, dòng họ.

Cho chú rể được vái hương trước bàn thờ ông bà tổ tiên.

Thế là dẫy nẩy lồng lộn lên: rằng tôi là người Công Giáo, không có coi ngày giờ, không có vái lạy gì hết! Nếu không thì dẹp, dẹp, dẹp!!! Chú rể, là một người con thảo trong gia đình, lại là một Kitô hữu đạo đức, cũng chung quan điểm với Bố. Nhưng bởi vì cũng yêu thương vợ chưa cưới nên đứng trước sự việc như thế, không biết làm thế nào. Vừa tức với ông bố vợ tương lai, vừa giận người yêu không biết xử sự cho phải phép với Đạo! Bèn tìm đến Cha để giải bày và mong có một sự hậu thuẫn để áp lực với người yêu.


Nhưng anh không ngờ lại gặp vị linh mục già vốn là người thích lắng nghe và BIẾT LẮNG NGHE.

Vị linh mục già lập luận: nếu là vái trước bàn thờ ông bà tổ tiên để bày tỏ sự kính nhớ biết ơn Ông Bà Tổ Tiên, thì anh đừng vái ba cái mà cứ vái ba chục cái. Bởi người có Đạo thì càng phải sống tròn đầy hơn đạo nghĩa làm con làm cháu, phải biết ơn Ông Bà Tổ Tiên cách sâu xa hơn. “Mọi sự ở trong Chúa và thuộc về Chúa phải trở nên tròn đầy”.


Còn việc chọn ngày cưới, nếu đó là đòi hỏi của một ông bố đã khổ nhọc lo cho con hai mươi mấy năm, thì cũng nên tôn trọng người ta. Miễn là mình đứng tin vơ thờ quấy là được. Tại sao lại cứ phải nhất nhất theo ý mình bằng được mới thôi!


Cái cách nhìn vấn đề như vậy hay quá. Đó là thái độ biết lắng nghe người và tôn trọng người.

Đôi khi người Công Giáo cứ nhân danh đạo và tính cách Kitô hữu của mình để xử sự một cách độc đoán và thiếu lễ độ với người khác. Nhân danh cái xem ra là “hữu lý” của mình để ép người ta quá đáng. Hậu quả việc không biết lắng nghe là gây ra sự đổ vỡ là dễ làm tổn thương người khác.


Tại một vùng sâu vùng xa có khoảng trên dưới 300 người Công Giáo, mỗi lần muốn tham dự thánh lễ thì cứ phải lội 12 Km đường rừng để đến nhà thờ. Vì là người sắc tộc, hơn nữa trình độ học vấn thấp, thuộc diện “thấp cổ bé miệng” nên lâu nay cứ phải cam chịu cảnh đường xá xa xôi, cảnh nghèo …. Có một nhà hảo tâm giúp cho được miếng đất làm nhà nguyện. Linh mục phụ trách cứ phải bươn chải mong cho bà con bớt khổ. Nếu làm “chui” thì không xong, thôi thì cũng phải đến Chính Quyền để xin cho phải phép. Mong trình bày để người thi hành công quyền (như cha như mẹ) hiểu, thương mà cho phép.


Thì đến với Chính Quyền.

Nội dung cuộc trao đổi giữa vị linh mục già và vị Ban Tôn Giáo và anh công an PA. 38 (phụ trách vấn đề an ninh dân tộc ít người và tôn giáo):

… tôi trình bày tất cả những điều liên quan đến bà con. Xin anh cứu xét chấp thuận để bà con bớt khổ. Thực sự thì chúng tôi đã có miếng đất để làm nhà nguyện.

… Linh mục tưởng đơn giản thế sao? Chúng ta phải sống theo pháp luật. Cứ phải đủ số người mới được phép làm nơi thờ tự. Bây giờ bà con tạm … đi bộ đi.


Nhưng luật để phục vụ con người. Luật chung là phải được công nhận, trước khi có nhà nguyện. Nhưng riêng trường hợp này xin cứu xét nố cá biệt để giải quyết. Xin hiểu nhu cầu của người dân. Xin thương họ quá cực mỗi lần đi dự lễ.

Nếu thương dân thì ai thương chúng tôi!!! (có lẽ sẽ bị cấp trên khõ đầu chăng!?).

Vậy các ông cho tôi vào tận nơi dâng lễ cho bà con tại một nhà giáo dân nào đó. Cho bà con khỏi phải đi xa.

Linh mục biết luật pháp rồi, phải dâng lễ tại nơi được công nhận là đất thờ tự. Nhà dân không phải là nơi thờ tự.

Nếu Quý vị không cho dâng lễ, bà con tụ họp lại đọc kinh cầu nguyện tại một gia đình nào đó được không?

Tụ họp là bất hợp pháp, sẽ bị phạt về tội tụ họp không xin phép. Linh mục cho đọc kinh riêng đi. Tôi nói luôn để Linh mục rõ: không phải đủ số người, có đất là làm được nhà nguyện đâu. Nói riêng về khoản đất đai. Ngay cả khi đã được chấp thuận, các anh phải làm giấy hiến đất cho Nhà Nước, rồi sau đó Nhà Nước mới cấp giấy phát lại cho dân để làm nơi thờ tự.

Ủa sao kỳ vậy !!! Làm như vậy là đẩy người ta đến đường cùng rồi.

Linh mục cẩn thận khi phát ngôn. Chính quyền không đẩy dân vào đường cùng. Nhà nước ta có luật lệ, rất tôn trọng tự do tôn giáo, rất thương dân. ..???


Rất nhiều khi người ta dùng quyền bính, luật lệ để không thèm lắng nghe người khác hầu hiểu nhu cầu và nỗi khổ của họ. Sự khác biệt ý thức hệ, quan điểm sống và cả cái tâm dẫn đến thái độ loại ý kiến của người khác từ trong trứng nước. Cái cách không biết nghe này sẽ làm khổ anh em mọi bề, không những thế nó còn hủy hoại tương quan sống và làm cho cuộc sống chìm trong nỗi lo sợ.


Thật đáng sợ khi người ta không biẾt lẮng nghe nhau phải không Bác.

Ước mong cho mọi người luôn biết lắng nghe nhau, để cuộc đời … đẹp hơn.


Xin chào Bác

J.B. Hồ Quang Lâm, CSsR

(Xem thêm các bài cùng một dạng, xin mời vào:

www.suyniemloingai.blogspot.com

www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com )