Monday, 28 September 2009

KHÔNG GIAN TÔN GIÁO


Mấy ngày nay, những ai đi qua hoặc đến tham dự các sinh hoạt ở Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Saion, 38 đường Kỳ Đồng , Phường 9, Quận 3 đều có cảm giác không thoải mái, nếu không muốn nói là khó chịu, có cái gì làm cho người ta không tìm được bầu khí bình an, không gian như bị phá vỡ cái cần thiết của nó, người ta gọi cái cần thiết đó là không gian tôn giáo.

Nguyên nhân chính là ngôi trường Kỳ Đồng, trước đây là Cứu Thế Học Đường, một trường trung học của Dòng Chúa Cứu Thế, ngôi trường song song với nhà thờ, đối xứng qua đường Bà Huyện Thanh Quan. Đường Bà Huyện Thanh Quan từ ngày được mở rộng trở nên khang trang, đẹp mắt, nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đã tận dụng cơ hội này xoay hướng thoát xe ra trục Bà Huyện Thanh Quan để giải quyết nạn kẹt xe và xây dựng một cảnh quan hài hòa với con đường. Điểm ưu việt mà chúng ta có thể nhận ra ngay đó là Nhà thờ đã tạo một không gian mở, kiến trúc là ngôn ngữ thể hiện thông điệp của chủ thể, mở không gian, Nhà thờ như muốn diễn tả lời mời gọi mọi người đến với niềm vui, sự sẻ chia, hạnh phúc mà Nhà thờ đang sở đắc, không phân biệt ai cả, không hạn chế ai cả, và đó là “công giáo”.

Cảm giác khó chịu ở chỗ ngôi trường từ ngày được “mượn”, cách đây vài năm, người có trách nhiệm cho xây một dãy phòng học ba tầng song song với đường Bà Huyện Thanh Quan nghĩa là song song với nhà thờ (thay dổi, xây mới một cơ sở mượn của người ta mà không hề trao đổi hoặc xin ý kiến của chủ nhân). Kiến trúc của dãy nhà mới này đơn giản thôi, nhưng nó quay lưng vào nhà thờ, đóng kín không gian trường học. Đường Bà Huyện Thanh Quan mở rộng, giao thông thoải mái nhưng nó vẫn bít kín, chỉ một lối thoát duy nhất ra đường Kỳ Đồng vốn đã chật hẹp, mỗi giờ tan học, kẻ đưa người đón càng làm chật hẹp thêm. Kiến trúc qui hoạch, bài học sơ đẳng trên ghế giảng đường chuyên ngành là phải theo xu hướng xã hội và sự tiện ích, nếu không chính vận động xã hội sẽ tự nó phá vỡ những qui hoạch kiên cưỡng, những bài học cụ thể từ những công trình xây rồi bị bỏ hoang tốn bao nhiêu tiền vẫn còn sờ sờ trước mắt, thế là tự nó nguời ta phải mở lối bất đắc dĩ ra đường Bà Huyện Thanh Quan, lối không ra lối, cổng không ra cổng, mặt tiền hay mặt hậu, không điểm nhấn!

Mấy tháng nay người ta sửa chữa dãy nhà học này, sau khi thay hàng loạt các cửa sổ lá sách bằng các cửa sổ kính ( dãy nhà này đưa lưng hoàn toàn về hướng tây nam, hướng của nắng chiều chói chan mang nhiều bức xạ), người ta “bôi” lên đó một màu sơn kỳ dị, gay gắt và nóng bức. Tự bản than màu này không phải là mầu của không gian giáo dục và càng không thể là màu đối diện với không gian tôn giáo. Người ta đã hành xử như vậy đó ! Hỗn lọan trong giáo dục sẽ thu được những sản phẩm hỗn loạn, đó là kết quả tất yếu.

Cách hành xử như vậy chúng ta không lấy làm lạ. Cũng tại Kỳ Đồng, một khoảng không gian thoáng đãng được chăm sóc kỹ lưỡng bởi các tu sĩ nhà dòng, khoảng không gian đầy những cây xanh nhiều năm tuổi, mảnh đất gần 8000 mét vuông đã được “mượn” không giấy tờ, chỉ một thời gian ngắn sau nó trở thành hồ bơi có doanh thu, hàng ngày các loại nhạc tra tấn không gian tĩnh lặng của tu viện từ sáng tới tận đêm khuya, mùa hè thì nhạc ban ngày dồn dập, mùa cưới thì nhạc ban đêm xập xình cùng với những lời hò hét “dzô, dzô” của các đám cưới, tệ nhất là việc gây khó chịu bao nhiêu năm nay cho các vị có trách nhiệm trong tu viện về việc các chị em phụ nữ đến tắm tại hồ bơi này, không phải sợ bị “cám dỗ” nhưng chính là cái văn hóa cần phải có trong tương quan không gian sống. Những điều như vậy người ta gọi là “tôn trọng tín ngưỡng”, gọi là “tự do tôn giáo”!

Gần đấy, trên đường 3 tháng 2, quận 10, mảnh đất rộng trước đây của Giáo Hội Phật Giáo, nguời ta cũng “mượn”, vài năm sau năm 1975, người ta xây một nhà hát to đùng mang tên Nhà hát Hòa Bình ( 1978 ). Góc đường 3 tháng 2 với con đường vào hồ Kỳ Hòa, nơi có một ngôi chùa hiền hòa tọa lạc, mảnh đất còn lại giữa ngôi chùa và rạp hát Hòa Bình người ta “mượn” nốt để làm Nhà Văn Hóa Quận 10 (1988), Nhà Văn Hóa kiến trúc quay hẳn lưng vào nhà chùa. Theo đấy, cứ đơn giản hiểu là “tôn trọng tín ngưỡng”, “tự do tôn giáo” là lấy đất của chùa chiền, của nhà thờ để xoay lưng lai với chùa chiền và nhà thờ. Kiến trúc mang tính giáo dục, định hướng xã hội, người ta định hướng và giáo dục như vậy.

Những ngày cuối thập niên 80 (1987-88), có người dân nào của thành phố này còn môt chút lương tâm và một chút tha thiết với di sản dân tộc không khỏi xót xa khi chứng kiến việc mở đường Cộng Hòa, cùng với việc mở đường người ta phá tan “Lăng Cha Cả” không thương tiếc, ngôi nhà chôn cất vị giám mục bị đập tan tành không để lại vết tích, ngôi mộ bị đào bới lên và xóa sạch trên mặt đất. Tên “Lăng Cha Cả” đã trở nên địa danh nổi tiếng, ngôi nhà làm lăng ( vật lieu, kết cấu, kiểu dáng kiến trúc) bây giờ người ta bỏ ra nhiều tỷ chưa chắc đã mua được, nhưng cái quan trọng là cách người ta hành xử với một công trình tôn giáo, xóa sạch bất chấp các gía trị của nó. Nhưng xóa nó mà thay vào bằng một công trình có giá trị nào cho cam, bây giờ tồn tại nơi đó một vòng xoay “nửa thầy nửa thợ”, lục cục thô thiển, vòng xoay Lăng Cha Cả, một cửa ngõ của thành phố từ phi trường Tân Sơn Nhất ra đáng hổ thẹn.

Khi tôi viết những hàng chữ này, thông tin của thành phố đang luận bàn về viêc giữ lại hay đập phá xây mới bệnh viện Nhi Đồng 2 ( bệnh viện Grall cũ), công trình có tuổi 140 năm, đậm dấu vết của thời Pháp thuộc, người muốn giữ lại lập luận về giá trị kiến trúc và lịch sử, người muốn đập hết xây mới viện dẫn hiệu quả chức năng và kinh tế, có một ý kiến đề nghị vẫn giữ lại nhưng xây thêm các công trình bên trong khu đất còn trống và chọn kiểu giáng kiến trúc hài hòa ( báo Tuổi Trẻ số ra ngày thứ bảy 26/9/2009, trang 6, bài “Bệnh viện Nhi Đồng 2 là di sản”), tôi sẽ không bàn ở đây nếu ý kiến đó không viện dẫn một công trình cao ốc gần nhà thờ Đức Bà Saigon, họ bảo, công trình xây mới này đã tạo được sự hài hòa kiến trúc, mời tất cả những ai muốn đánh giá vấn đề, xin đến nhà thờ Đức Bà Saigon để thăm một lần, vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, trừ những ngày mưa bão, bóng của các công trình cao ốc chung quanh luôn bao vây và đè trên ngôi nhà thờ, mà bóng của công trình được viện dẫn thì khủng khiếp hơn cả, Con dốc đường Đồng khởi hướng lên cuối đường là nhà thờ bị một khối nặng nề án ngữ mà khối ấy lại lệch về một bên, xin tản bộ theo đường Đồng Khởi từ ngã tư Lý Tự Trọng sẽ nhận ra ngay cái lệch lạc, và đó là sự hài hòa kiến trúc?

Xem bài tường trình của nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền về vụ Loan Lý, đặc biệt trên bản đó minh họa mới thấy hết cái kỳ cục của nó, ngôi trường bị bao vây bởi một bờ tường kín mít cao 3 mét chạy chung quanh, chỉ có nhà tù người ta mới xây như vậy. Bờ tường cắt ngôi trường không liên lạc gì với thế giới bên ngoài, quốc lộ 1A lạnh lùng chạy dọc theo đoạn tường dài như hai thế giới khác biệt nhau. Cổng trường mở về phía đầm Ô Loan, quay lưng lai với nhà thờ Loan Lý, quay lưng lại với chủ sở hữu của nó, không công nhận là chủ sở hữu thì ít là Nhà thờ Loan Lý đã sinh ra nó, Chằng lạ gì cứ chỗ này chỗ kia có tin về những cuộc bạo hành trong gia đình, có những cuộc bạo hành của những nguời con dành cho cha mẹ của chúng. Ở Loan Lý, không chỉ là chuyện xây cất, nhưng còn là chuyện bạo hành, cách làm ở Loan Lý chúng tôi gọi đó là xúc phạm đến không gian tôn giáo.

Có một câu nói của một nhân vật trong nhóm khai sinh ra lý thuyết Chủ nghĩa Xã hội, “nếu bắn vào quá khứ bằng một viên đạn súng lục, tương lai sẽ bắn vào hôm nay bằng một viên đạn đại bác”, có cần phải nhắc lại tư tưởng này không nhỉ?

Lm Vinh Sang DCCT

Friday, 25 September 2009

Phỏng vấn LM Vũ Khởi Phụng,

chánh xứ giáo xứ Thái HàMonday, September 21, 2009
Xét 'cái giá phải trả' cho quan hệ Tòa Thánh - Hà Nội
Thực hiện: Ðinh Quang Anh Thái/Người Việt
Ngày 19 Tháng Chín vừa qua, nhân chuyến viếng thăm thủ đô Budapest của Hungary, khi trả lời câu hỏi của phái viên đài VOA, thủ tướng CSVN, Nguyễn Tấn Dũng, tuyên bố rằng: “Trên lãnh thổ Việt Nam chỉ có đất đai của đất nước Việt Nam, của dân tộc Việt Nam, của nhà nước Việt Nam. Không có bất cứ một tài sản nào của tôn giáo ở nước ngoài của Vatican là ở Việt Nam. Những đòi hỏi cái gọi là tài sản của Vatican là một đòi hỏi vô lý và không phù hợp với hiến pháp và pháp luật của Việt Nam.”
Các vị chủ chăn giáo dân tại Việt Nam nghĩ gì về lời tuyên bố của ông Dũng? Sáng nay, 21 Tháng Chín, Người Việt gọi điện thoại thỉnh ý Linh Mục Vũ Khởi Phụng, chánh xứ giáo xứ Thái Hà và được linh mục trả lời trong bài phỏng vấn sau đây do Ðinh Quang Anh Thái thực hiện.
-ÐQAThái: Linh mục nghĩ gì về lời tuyên bố của ông Nguyễn Tấn Dũng lên quan đến tài sản của Giáo Hội đã bị nhà nước Cộng Sản chiếm dụng từ những năm qua?
-Linh Mục Vũ Khởi Phụng: Tôi nghĩ rằng, trong một nước Xã Hội Chủ Nghĩa Mác Xít như tại Việt Nam, theo cách hành xử và quan niệm của người ta về cách sở hữu, thì họ luôn luôn tuyên bố như thế thôi, chứ làm gì có việc một nhà nước cộng sản trả lại đất cho nhà thờ. Nhưng kinh nghiệm lịch sử của các nước theo Xã Hội Chủ Nghĩa đã chứng minh là không phải lúc nào cái cách hành xử đó cũng hiệu nghiệm và không phải lúc nào nó cũng là một giải pháp tối ưu. Thành ra, theo tôi, tuy ông Dũng nói như thế, nhưng thực tế sẽ cho thấy là cái quan điểm đó có lúc phải thay đổi.
-ÐQAThái: Ông Dũng tuyên bố không trả đất cho Giáo Hội, chỉ vài ngày sau khi có tin từ Việt Nam cho biết, ông Dũng đã bắn tiếng nhờ Ðức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt chuyển lời mời Ðức Giáo Hoàng Biển Ðức thứ 16 đến thăm Việt Nam. Linh mục nghĩ sao, nếu tin này chính xác?
-Linh Mục Vũ Khởi Phụng: Tôi nghĩ rằng, đối với nhà nước, thì việc mời Ðức Thánh Cha sang thăm Việt Nam chỉ xảy ra nếu việc này đem lại cho họ một ích lợi gì đấy về mặt chính trị cho chế độ. Còn về phía giáo dân, chúng tôi mong muốn đón Ðức Thánh Cha vì một mục đích khác. Ðó là mục đích Hiệp Thông với Tòa Thánh và được gặp gỡ trực tiếp với người kế vị Thánh Phêrô. Tóm lại, cả nhà nước và cộng đồng Công Giáo tại Việt Nam đều mong muốn được đón Ðức Giáo Hoàng nhưng hai bên không cùng mục đích giống nhau.
-ÐQAThái: Như linh mục nói, nhà nước Hà Nội có mục đích riêng của họ, cho nên, nếu như vị Chủ chăn của Giáo Hội Công Giáo Hoàn vũ đến thăm Việt Nam, thì liệu sự kiện này có thể được lý giải là Việt Nam đã có tự do tôn giáo?
-Linh Mục Vũ Khởi Phụng: Tôi nghĩ chính vì thế mà có lẽ Ðức Giáo Hoàng rất muốn đến thăm Việt Nam, nhưng cho đến giờ phút này ngài vẫn chưa thực hiện ý định đó.
-ÐQAThái: Mối quan hệ giữa Tòa Thánh Vatican và nhà nước cộng sản Hà Nội, nếu diễn ra, thì sẽ lợi cho ai, thưa linh mục?
-Linh Mục Vũ Khởi Phụng: Nếu diễn ra trong hoàn cảnh bình thường, thì giáo dân chúng tôi rất muốn có một quan hệ chính thức giữa Tòa Thánh và nhà nước Việt Nam. Nhưng với nhà nước hiện nay, thì vấn đề cần phải nêu lên, đâu là cái giá phải trả cho một mối quan hệ như thế. Cho nên, việc đặt quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và nhà nước Hà Nội không phải là ưu tiên hàng đầu. Mà ưu tiên số một phải là làm sao cho Giáo Hội được sống đúng với tinh thần và tôn chỉ của mình. Nếu chuyện bang giao đạt được đúng tinh thần và tôn chỉ của Giáo Hội thì chúng tôi hoan nghênh; còn nếu trong khi thương thuyết để tiến tới việc bình thường quan hệ ngoại giao mà khiến cho Giáo Hội phải từ bỏ một yếu tố gì đó cốt yếu trong nếp sống và trong tinh thần của mình, thì tôi nghĩ rằng đó là cái giá quá cao để mà phải chấp nhận.
-ÐQAThái: Cũng có tin nói rằng, Ðức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt có thể sẽ bị thuyên chuyển khỏi địa phận Hà Nội, linh mục có nghe tin này không ạ?
-Linh Mục Vũ Khởi Phụng: Tôi đã nêu câu hỏi về tin này với Ðức Tổng Giám Mục nhưng ngài không xác nhận.
-ÐQAThái: Thưa linh mục, liên quan đến đất đai của các tôn giáo bị nhà nước chiếm dụng, việc này đã xảy ra từ khi những người cộng sản lên nắm quyền tại miền Bắc năm 1954 rồi tiếp tục chính sách đó sau khi họ chiếm miền Nam năm 1975; nhưng tại sao gần đây các linh mục và giáo dân mới lên tiếng chống lại?
-Linh Mục Vũ Khởi Phụng: Thực sự riêng đối với giáo xứ Thái Hà chúng tôi, thì ngay từ khi vụ Thái Hà nổ ra hồi đầu năm 2008, chúng tôi đã nhiều lần nói rằng, vấn đề đất đai không quan trọng bằng vấn đề công bình xã hội và vấn đề nhân quyền. Nhưng tất nhiên, nếu lên tiếng với tư cách là toàn thể Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, thì chỉ có Hội Ðồng Giám Mục mới có tư cách làm việc đó. Còn như chúng tôi có nói thì cũng chỉ phản ảnh quan điểm của một cộng đồng nhưng tiếng nói sẽ không giá trị bằng tiếng nói của Hội Ðồng Giám Mục.
-ÐQAThái: Cho tới nay, Hội Ðồng Giám Mục vẫn giữ thái độ im lặng trước những vụ cầu nguyện đòi đất của giáo dân nhiều nơi, trong đó có Thái Hà; linh mục lý giải ra sao về cách hành xử này của Hội Ðồng Giám Mục?
-Linh Mục Vũ Khởi Phụng: Hội Ðồng Giám Mục, từ trước đến nay, vì lý do gì không lên tiếng, tôi không muốn bình phẩm, và cũng không đủ tư cách để trả lời, bởi vì tôi không thuộc thành phần của Hội Ðồng Giám Mục.
-ÐQAThái: Tình hình Thái Hà ngay giờ phút này ra sao rồi ạ?
-Linh Mục Vũ Khởi Phụng: Tình hình tương đối không còn căng thẳng như trước kia, nhưng báo chí của nhà nước vẫn còn công kích chúng tôi và có một số người cho rằng, có một số lời phê bình chỉ trích Hội Ðồng Giám Mục là do chúng tôi đưa ra, vì chúng tôi bực tức thái độ của Hội Ðồng Giám Mục không chịu lên tiếng nên mới xúi giục dư luận như vậy. Tôi đã buộc lòng phải cải chính rằng chúng tôi không muốn có một sự mâu thuẫn giữa chúng tôi và Hội Ðồng Giám Mục, vì thế tôi không bao giờ nhúng tay vào việc phổ biến những bài viết hay những ý tưởng đó.
-ÐQAThái: Theo linh mục thì cuộc đối đầu giữa giáo dân và nhà nước liên quan đến vấn đề đất đai của nhà thờ bị nhà nước chiếm dụng sẽ dẫn tới kết quả nào ạ?
-Linh Mục Vũ Khởi Phụng: Chúng tôi lên tiếng đòi đất đai của nhà thờ vì lương tâm của mình, còn nếu nhà nước đàn áp thì chúng tôi không bao giờ dùng bạo lực để đáp lại bạo lực. Chúng tôi chỉ mong muốn mọi người tiếp tục cầu nguyện cho công lý được thực thi và cho con người được tôn trọng.
-ÐQAThái: Cám ơn linh mục đã trả lời phỏng vấn của Người Việt.

Monday, 21 September 2009

HIỆN TÌNH TÔN GIÁO SAU NĂM 1975

HỒI KÝ CỐ GIÁM MỤC LÊ ĐẮC TRỌNG
HIỆN TÌNH TÔN GIÁO SAU NĂM 1975

NHÀ NƯỚC VỚI TÔN GIÁO

Phật Giáo đấu tranh mạnh và nhiều với Nhà Nước, song Nhà Nước không sợ họ bằng sợ Công Giáo. Vì cho rằng Công Giáo đoàn kết hơn, Giáo Lý vững chắc, hậu thuẫn là cả một Giáo Hội hoàn vũ cũng vững chắc, cấu kết mạnh mẽ, một lực lượng tinh thần mạnh nhất trên thế giới ( Họ không biết Thiên Chúa mới là Đá Tảng ). Nếu phân biệt fond ( nền ) và forme ( hình thức bề ngoài ) trong mối quan hệ, như khi làm dissertation, thì forme có thay đổi – có đôi chút dễ dãi; nhưng về fond vẫn giữ nguyên nghi ngờ, đề phòng, căm ghét, không làm gì thì chịu vậy đấy thôi ! Với Vatican, có tôn trọng, nể nang hơn xưa một chút, không còn coi là kẻ thù, nhưng vẫn còn nghi ngờ, canh chừng.

Đặt ra các lý do để từ chối việc nọ việc kia. Như xin cho người trong Nam ra làm việc ngoài Bắc, sẽ trả lời: Bắc người ta không thích Nam hoặc ngoài Bắc đủ người rồi. Lúc khác thì lại nêu miền Nam tiến bộ lên, để Bắc noi theo. Những lý do chỗ công khai thì khác, chỗ riêng tư lại khác. Cán bộ lên lớp, phê phán, chỉ trích một người nào đó, hết buổi họp lại ra uống nước vui vẻ với nhau. Làm việc không theo luật lệ, mà chỉ thích theo ý muốn cấp trên khoán cho cấp dưới. Ví dụ, cấp trên không muốn cho tổ chức lễ nọ lễ kia, hay một vị Giám Mục trở về nhiệm sở, cấp dưới bầy đủ ra mọi lý do, có khi rất trẻ con, miễn sao ngăn cản được, và nếu thành công, cấp dưới được khen thưởng. Nếu không, là tại cấp dưới, bởi đó cấp dưới cố công mà làm cho được.

Họ không nhận trách nhiệm bao giờ, chỉ bắt đương sự phải gánh hết, người dân đi lính phải làm đơn xin đi, mặc dầu trốn lính không được. Người phá thai phải làm đơn yêu cầu ( thế mà đẻ con thì bị phạt ). Đức Cha Thuận đi Rôma là vì ngài yêu cầu, ngài ở lại là vì ngài yêu cầu ( được thu xếp cho yêu cầu ). Luận điệu chung, Nhà Nước rất dễ dàng, khó khăn là ở các ông, ở nội bộ các ông…

II. NỘI TÌNH CÔNG GIÁO

Hàng Giám Mục

Giám Mục đoàn yếu, nhiều vị tuổi già, bệnh tật, lại ở những vị trí quan trọng. Thiếu đoàn kết, chia rẽ theo miền, theo địa phương, tuy chưa đến độ trầm trọng. Vị thì chỉ lo cho quyền lợi Giáo Phận mình, không quan tâm mấy đến quyền lợi chung: vị khác lo bảo vệ vinh quang ( học vị ), hầu hết nhút nhát sợ sệt, nhất là các vị miền Nam, vì luôn bị mặc cảm chiến bại. Đức Giám Mục Mỹ Tho đạo đức chân chính bị coi là lẩm cẩm. Không thiếu những vị kỳ thị Giáo Phận nhỏ to, thầm mơ ước, và thậm chí nếu có thể, vận động cách nào đó để được chuyển vào những vị trí cao sang. Ngày trước có một vị Linh Mục, đi qua viếng Rôma về nói: Sang Rôma về kém cả lòng tin, vì lúc đó có nhiều thói cũ, tệ lạm… Có lẽ vì thế mà những vị nào học Rôma về dễ kém lòng tôn trọng Tòa Thánh, muốn theo ý riêng hơn là đường lối chung. Tất cả đều orthodoxe ( chính thống ), nhưng thái độ khác nhau trước Đoàn Kết, và thường là không dứt khoát. Trong một buổi gặp mặt nọ, một Linh Mục đứng lên hỏi Đức Tổng của mình về thái độ phải có trước phong trào đó, Ngài chỉ nói: “Các cha đã biết thái độ của tôi rồi”. Thái độ đó nào ai biết !

Các Linh Mục

Vì các vị chủ chăn Giáo Phận như thế, thì hàng Linh Mục làm sao hoàn hảo được. Giám Mục thế nào, thì Linh Mục cũng thế, và kém xa nữa.

Miền Bắc ít Linh Mục, ít phức tạp. Miền Nam, nhất là Sài Gòn, nhiều Linh Mục, rất phức tạp. Có một số những vị học hành nhiều, nhưng một số coi nhẹ căn tính Linh Mục, mà nặng về học vị. Cộng sản khi thịnh hành, không sợ trí thức cho bằng tôn giáo. Trí thứ cũng như tư bản hay ngả nghiêng nhất, nên dễ bị lợi dụng. Người Việt Nam
lại quý trọng những người bằng cấp, được nhiều sùng bái, bởi đó sự ngả nghiêng của những vị đó có thể tác hại nhiều đối với những người sùng bái.

Sự giầu có đang xâm nhập vào hàng Giáo Sĩ, cả Nam – Bắc. Các nhà của các vị Giáo Sĩ đầy đủ tiện nghi hiện đại hơn là Giáo Dân. Người nghèo khó đến nhà Linh Mục, không có chỗ mà ngồi.

Người Giáo Dân

Giáo Dân, nói chung đều tốt cả. Người ta nói: Ngày nay Chúa Thánh Thần hoạt động nơi Giáo Dân hơn là nơi Giáo Sĩ. Không biết có đúng không, nhưng có hiện tượng như thế. Trong xã hội, người ta lấy dân làm gốc. Trong đạo lúc này đúng là Giáo Dân được ơn Chúa soi sáng thúc đẩy hơn là Giáo Sĩ. Ngoài Bắc, thấy cha xứ thiếu tư cách, Giáo Dân kiện lên Bề Trên, tẩy chay cha không đi xem lễ. Hoặc họ nhắm mắt nói: “Cha có tội mặc kệ cha, mình chỉ tin Chúa”. Thái độ thụ động, chịu đựng thành thói quen trong chế độ, cả trong miền Nam. Ở miền Nam, họ đánh Linh Mục, đuổi Linh Mục, như ở Hoàng Mai, Xóm Mới, Tân Sa Châu. Giáo quyền đóng cửa Nhà Thờ, Giáo Dân đành thiệt phận.

Một định giá có vẻ ngạo mạn: Giáo Dân tốt hơn Linh Mục, Linh Mục hơn Giám Mục. Điều đó có thể chứng minh trong việc phong thánh, giới nào vững vàng nhất. Ở trong tù, thường là thế này: Giáo Dân hơn tu sĩ, tu sĩ hơn Linh Mục. Trong những vấn đề khó khăn: Giáo Dân vững vàng, Linh Mục nhẹ nhàng, Giám Mục im tiếng, hoặc xuê xoa.

PHONG TRÀO GIÁO LÝ

Miền Bắc theo lối cổ truyền: học thuộc lòng kinh bổn, không thấy giải nghĩa. Trước kia, tụ tập học như thế cũng không được, phương chi giảng dạy. Họ vẫn giữ tốt đạo, nhờ ơn Chúa Thánh Linh bù đắp, dù thiếu học hành Giáo Lý. Ngày nay phong trào Giáo Lý bắt đầu rầm rộ ở khắp nơi, tuy mới trong trình độ sơ khai, vì cơ chế các Giáo Lý viên đang hình thành. Tinh thần Giáo Lý ở miền Bắc nặng về những nguyên tắc luân lý, về đời sống. Nhưng do đó mà trước nay người ta còn giữ được đạo. Nhất là ngày nay trong cái xã hội đang xuống dốc về mặt luân lý. Một vị Tỉnh Ủy kia khen và tỏ lòng biết ơn một Linh Mục xứ kia, vì ông nói rằng nhờ Linh Mục xứ mà trẻ em ngoan ngoãn, có nhiều đức tính tốt, mặc dù Linh Mục đó chỉ giảng đạo trong Nhà Thờ. Có thể nói một mùa xuân chớm nở, ít người trở lại đạo tự ý, hầu hết là kết bạn. Bù lại, những nơi lơ là về đạo, từ hàng mấy chục năm nay, giờ đây trở lại, tự mình xây dựng lại Nhà Thờ, đọc Kinh, học Giáo Lý. Ở mạn Bắc Việt Nam, gần Tàu, có hàng chục ngàn người Mèo ( Hơ-mông ) đang xin tòng giáo, mặc dù bị đánh đập, trục xuất khỏi bản làng, mà họ chỉ có học với đài Vatican.

Miền Nam, nơi được tự do từ lâu, có nhiều Giáo Lý viên, các lớp Giáo Lý rất thịnh hành. Họ có đời sống đạo ở mức cao và rộng rãi, nhờ được học tập nhiều. Học tập nặng về tri thức, kiến thức hơn là về đời sống luân lý, có lẽ nhiễm ảnh hưởng Tây Phương nhiều.

IV. CHỦ NGHĨA THỰC DỤNG pragmatisme )

Giáo Hội Bắc và Nam khác nhau ở điểm đón nhận đời sống. Miền Bắc, bị Chủ nghĩa xã hội ảnh hưởng, bị tước đoạt tất cả, chỉ lo giữ cái cốt yếu, giữ nguyên tắc, còn các cái khác không đáng kể. Một câu trả lời tiêu biểu cho khuynh hướng đó. Một cán bộ hỏi một người nghèo khó:

Đạo anh là đạo thế nào ?” – “Đạo tôi là đạo thà chết chẳng thà bỏ đạo”.
Bởi ít nhẹ nhàng uyển chuyển, nên bị coi là cứng nhắc, hoặc bảo thủ. Nhưng có bảo thủ như thế mới giữ được tới ngày nay. Ít chịu mua chuộc bởi lợi lộc, hay nói đúng, không chịu để bị mua chuộc bởi lợi lộc.


Miên Nam, chịu ảnh hưởng Chủ Nghĩa Thực Dụng của Mỹ, làm sao được lợi nhiều, nặng về quyền lợi hơn là nguyên tắc. Ở đây không phê phán lối sống đó, nhưng chỉ nêu một số nhận xét: lo lắng làm sao giữ được quyền lợi, làm được một việc gì đó, mặc dù vì thế ảnh hưởng không hay đến nguyên tắc. Ví dụ nhóm tiến bộ yêu nước được coi là cần thiết, ích lợi cho Giáo Hội, vì nhờ có họ mà Giáo Hội được dễ dàng. Các tác phẩm văn hóa được xuất bản dưới bảo trợ của Đoàn Kết, vì có thế mới ra đời được, nhất là tên tuổi tác giả…không nghĩ rằng những việc vào loại đó ảnh hưởng đến sự hợp nhất trong Giáo Hội, sự hợp nhất phải gìn giữ như con ngươi trong mắt. Tham gia việc nọ việc kia để được ra Bắc du lịch, được xuất ngoại, sang được cả My. Do đó mà phong trào đoàn kết có đất sống vậy.


V. PHONG TRÀO CÁC PATRIOTES

Ở miền Bắc trước đây là Hội liên lạc những người Công Giáo yêu nước và hòa bình. Giáo Hội khổ nhiều nhất vì nhóm đó trong nhiều năm, vì đó là công cụ để phá đạo, bách hại đạo, giống kiểu Julien Apostats: lấy đạo chống đạo, lấy người có đạo đập người có đạo, lấy con cái chống lại cha mẹ. Người ta bảo:

Nhà Nước tôn trọng tôn giáo, những xích mích là do nội bộ các anh. Thế mà ai không theo nhóm đó là không theo chế độ, chống lại nhóm đó là chống lại Nhà Nước, được mang danh hiệu là đội lốt tôn giáo, phản quốc, vì chống lại những người yêu nước. Người Công Giáo chịu bao khốn khó, tù đầy cũng là do nhóm này. Cũng may là những Linh Mục hay Giáo Dân lãnh đạo được lựa chọn ở những thành phần không đạo đức, nên ít ai theo; nhưng họ lại có quyền của Nhà Nước, mà họ dốt nát, nên càng dữ tợn, người ta vừa sợ, vừa biết bộ mặt của họ. Vì thế, nó đã sắp tàn nếu không có miền Nam đến tiếp sức và hồi phục nó dưới nhãn hiệu mới “Ban Đoàn Kết”.

Ủy ban này có lãnh đạo trí thức ( các Linh Mục bằng cấp ), tìm được đất màu mỡ ở miền Nam và sống mạnh, nhờ vào việc thay đổi chiến thuật: tế nhị, hiền từ chứ không hung hăng như ở miền Bắc xưa, lại thêm tính thực dụng trong đời sống, cộng với tinh thần sợ sệt coi mình như chiến bại ( đi với họ, có lợi, không phải sợ gì; ở Bắc xưa, họ tuyển người ở nhóm ngụy quân ngụy quyền, những người bỏ đạo hoặc có mâu thuẫn với đạo, như thế dễ sai, sai gì cũng phải làm ).

Forme có đổi, fond vẫn không thay đổi. Tuyên bố không tách khỏi Giáo Hội, lại còn giúp in những sách đạo, phổ biến Phúc Âm Giáo Lý, giúp cho các cha các xứ được quyền lợi nọ kia, đạo được dễ dàng, nhưng thực tế vẫn là tách khỏi Giáo Hội, vì họ làm mọi việc đó nhân danh họ, người quyền bính chính thức của Giáo Hội. Chê trách Tòa Thánh càng biểu lộ rõ rệt hơn nữa: điều cốt yếu hay xảy ra trong đạo, báo chí của họ chẳng nói gì tới, nhưng nếu có một chuyện scandale ở đâu, hoặc trong một chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng nếu có người nào đứng lên phản đối, thì họ không bỏ sót. Họ là những người trí thức thì họ phải biết mỗi tờ báo của họ đều có một ủy viên Trung Ương làm chủ nhiệm ở đằng sau.

Họ phải thừa hiểu rằng: được chín cái lợi mà hy sinh một điều thôi, có thể là hết tất cả. Hy sinh đó cũng lợi nữa. Ví dụ chỉ chấp nhận thế này: “Ông là bạn tốt của tôi, ông giúp đỡ tôi rất nhiều. Chúng ta là bạn tốt với nhau !”. Đã là bạn tốt với nhau, đâu còn dám làm phật ý nhau, làm khác ý ông bạn của mình, phương chi làm ngược ý bạn, thế mà ông bạn kia lại là người tham lam, cho đi tất cả để lấy lại tất cả. Nhận mình thuộc về người bạn đó, là hiến cả đời sống cho người đó, cả Giáo Hội, nếu có thể.

Nhưng một khi đã trót rồi, không thể rút ra được nữa. Kinh nghiệm xưa là thế, nay vẫn thế. Nào mất quyền lợi, nào nguy cơ tưởng tượng, nào sĩ diện. Nay mọi cái mọi nơi đều thay đổi, chỉ con người có tinh thần ly khai, chống Giáo hội thì vẫn y nguyên. Một Đức Giám Mục nói về Tổng Đại diện của mình đang thao túng mọi việc trong Giáo Phận mà vị đó đã là và nay vẫn còn tinh thần patriot. Tòa thánh đã biết, dư luận chống đối, muốn vị đó từ chức. Đức Giám Mục nói: “Ông ấy tốt, giúp nhiều việc, làm sao bãi chức ông được. Khi nào tôi chết tức khắc ông ấy hết quyền”. Bi đát làm sao ! Truyện thật 100% !

Những ấn loát muốn được ra mắt, phải dán nhãn hiệu "Đoàn kết”.
Các tác phẩm mất giá một phần, bị nghi ngờ. Nay dưới nhãn hiệu Xuất bản của Tòa Tổng Giám Mục”. Lãnh tụ đã vào ngự tòa rồi. Hết kỳ thị !

Giáo Phận Thanh Hóa, có một Linh Mục làm tổng thư ký Đoàn Kết ( Đức cố Giám Mục ở đó cũng rất thân với nhóm ). Về Đức Cha Lâm ( Đà Lạt ) người ta nói Nhà Nước không ưa ( trước thì ưa, và đã có lần người ta giới thiệu với Đức cố Hồng Y Trịnh Văn Căn đưa về làm Phó Tổng Giám Mục, hồi Đức Cha Sang chưa được chọn ) thế mà nghe nói nay sắp được về Thanh Hóa. Trước khi có tin này, nhân viên Bộ Nội Vụ sửng sốt loan báo Đức Giám Mục Hà Nội: "Cụ có biết ông Lâm ra Thanh Hóa để làm bàn đạp lên Hà Nội không ? Và bây giờ họ mới tin !”

Có dư luận rằng: miền Bắc nói chung, Hà nội nói riêng, không thích cho người Nam Ra Bắc. Điều đó không đúng. Nếu miền Bắc có sợ, thì sợ điều này: ví dụ, Đức Cha Lâm mà mang theo sự nhẹ nhàng, dễ dãi với Đoàn kết, dễ thân người quyền thế, thì sợ thật. Đức Cha Sang đi Thái Bình, nhẹ cho Hà Nội một phần, vì ngài nhẹ nhàng dễ dãi với Đoàn Kết mà ở Địa phận thủ đô thì tai hại cho toàn thể giáo đoàn Việt Nam. Miền Bắc, nhất là Hà Nội, đã trải qua bao vất vả để giữ toàn vẹn lòng trung thành, bây giờ thảng hoặc lại lâm cảnh như Sàigòn, thì khốn khổ. Mong muốn miền Nam, nhưng phải là những đấng có orthodoxie hẳn hoi, đã có được thử thách. Khốn nỗi, những vị được thử thách, trung kiên thì lại không có cơ hội may mắn. Thành ra miền Bắc phải chịu cái tiếng oan là không thích miền Nam. Ước muốn của người viết những dòng này là phải sàn bằng cái hố Nam Bắc. Làm gì có nhóm của Apollo, nhóm của Phaolô… của người thông thái, của người thấp kém, của người giầu, của người nghèo. Chỉ có một Đức Kitô, nhưng thương ôi ! Cái thế gian tính, cái loài người tính, cái địa phương tính nó vẫn bám chặt vào con người, không kể cấp bậc nào !


KẾT LUẬN

Không phải kết luận theo những dòng đầy bi đát ở trên. Nhưng phải là tin tưởng, tươi vui sáng sủa. Trong xã hội người ta vẫn chê cái lối hành động này “Làm láo, báo cáo thì hay”. Thói đó, đời người ta cũng chê. Thì làm sao khi nói về những hành vi con người trước mặt Chúa mà lại chỉ có là tốt đẹp cả.

Bi quan hay lạc quan ? Những cái bóng tối chỉ là giới hạn, cá thể nhiều hơn, tuy có tác hại nhiều. Luôn phải nhớ. Ngọn gió Chúa Thánh Linh đã và đang nổi lên mạnh mẽ trong Giáo Đoàn Việt Nam. Lửa Chúa Thánh Linh hằng tác động nơi lòng người tín hữu. Trên 90% người tín hữu cố gắng sống Đức Tin. Ơn kêu gọi Tu Sĩ, Linh Mục rất nhiều, trung thành gắn bó với Giáo Hội Mẹ, lòng tôn sùng Đức Mẹ nồng nàn khắp nơi. Mấy nước trên thế giới được như thế ! Những kết quả đó không ai gây nên được, không lớp người hay thế hệ nào gây nên được. Hoàn toàn do hồng ân Thiên Chúa ban cho đất Việt
Nam, qua lời bầu cử của Mẹ Maria, của các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Phải hết lòng tạ ơn.

Bầu khí chung: an bình, chuẩn bị cho ngày mai, không sốt ruột mong thay đổi. Chăm lo xây dựng con người, xây dựng người tín hữu, xây dựng đời sống đạo đức, xây dựng văn hóa Kitô, để dù sống trong hoàn cảnh nào, có những thay đổi nào đi nữa, Giáo Hội tồn tại và tồn tại xứng đáng.

Gm. Phaolô LÊ ĐẮC TRỌNG, Hà Nội

Friday, 18 September 2009

Được sai đến thế gian - Nguyen Ngoc Lan

Được sai đến thế gian [Ga 17,14-18]


Theo Chúa Yêsu thì theo như từng Kitô hữu hay cả Hội Thánh vẫn luôn bị hai chước cám dỗ có vẻ trái ngược nhau đeo bám: thống trị thế gian hay trốn tránh thế gian.

Đang ở trong sa mạc như Chúa Yêsu sau 40 ngày chay tịnh thì lại được đưa lên “một núi cao chót vót và được chỉ cho thấy hết các nước thiên hạ và vinh quang của chúng” (Mt 4,8). Thầy không sa chước cám dỗ nhưng các môn đồ sau này cứ vướng víu mãi với cái mộng vớ vẩn “được ngồi một người bên hữu, một người bên tả trong vinh quang của Thầy” (Mc 10,37) và với nỗi thắc mắc trật chìa “phải chăng thời này là lúc Ngài khôi phục vương quyền cho Israel?” (Cv 1,6). Rồi sau này, khi Hội Thánh từ gần ba thế kỷ bị bắt bớ được đưa lên cao chót vót bên cạnh Hoàng đế Constantinô và các vua chúa khác… Hoặc gần đây, khi Hội Thánh ở Ba Lan từ chế độ cũ bước sang nhiệm kỳ tổng thống Lech Walesa… Chưa kể là không đợi được đưa lên một núi cao chót vót nào, ngay giữa sa mạc, giữa những hoàn cảnh khó khăn, khắc nghiệt, trong Hội Thánh vẫn không thiếu những kẻ theo voi ăn bã mía và rắp tâm lôi kéo Hội Thánh “phục mình bái lạy” (Mt 4,9) hoàng đế, thiên tử để tồn tại mà không còn là mình nữa. Chước cám dỗ này là thường xuyên và lời nguyện “xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” là luôn luôn khẩn thiết.

Được Chúa Yêsu đưa lên một đỉnh đồi cao nào đó thì các môn đồ lại chỉ dán mắt vào “một đám mây đã quyện lấy Ngài đi khuất mắt họ” và “đăm đăm nhìn lên trời”. Hẳn họ sẽ trồng chân tại chỗ, ở luôn trên ấy và chỉ chực Chúa kéo họ về trời luôn. Nếu khống có tiếng nói lay tỉnh: “Các ông, người Galilê, tại sao các ông cứ đứng đó nhìn trời?” (Cv 1,11).

Ai dám nghĩ rằng chước cám dỗ thoát tục lại không phải cũng là thường xuyên đối với Hội Thánh và trong Hội Thánh? Từ một tín hữu “chỉ biết lấy kinh nguyện làm vui” ở miết trong nhà thờ hết lễ này đến lễ nọ hay giờ chầu khác để thoát khỏi những chuyện không mấy vui trong gia đình, để khỏi bận tâm, can thiệp vào những vấn đề rắc rối của làng xóm, của khu nhà tập thể. Cho đến một họ đạo chỉ biết động viên mọi người “chăm lo việc nhà thờ nhà thánh” một linh mục chỉ quan tâm tới “phần rỗi linh hồn người ta” hoặc cả một giáo hội địa phương chỉ còn cố cứu vãn, bảo vệ “những gì chính yếu”, những cái gọi là “thuần túy tôn giáo” mà nhắm mắt làm ngơ, giả câm giả điếc trước những thiếu thốn, bất công, sa đọa của xã hội quanh mình. Cũng phải hằng ngày khẩn thiết “xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”.

Chúa Yêsu đã cự tuyệt lời đề nghị của ma quỷ, gạt đi những yêu cầu của các môn đồ xin được ngồi bên tả, bên hữu để trị vì hay đòi “khiến lửa từ trời giáng xuống” trừng trị thiên hạ (Lc 9,54). Ngài dạy kẻ theo Ngài không được như vua chúa thế gian nhưng chỉ có một cách làm lớn, cầm đầu là hầu hạ, lên ngôi là để làm tôi mọi người. “Vì chưng Con Người không đến để được hầu hạ, nhưng là để hầu hạ và thí mạng sống mình giá chuộc thay cho nhiều người” (Mc 10,42-45). Ngài xác quyết với Philatô: “Nước tôi không thuộc về thế gian này” nhưng đồng thời vẫn khẳng định “Ông nói đó: Tôi là Vua. Chính vì lẽ này mà tôi đã sinh ra, và chính vì lẽ này mà tôi đã đến trong thế gian: ấy là để làm chứng cho sự thật” (Ga 18,36-37). Vương quyền của Chúa Kitô không thuộc về thế gian, không cùng loại với quyền lực trần thế, không xuất phát từ quyền lực trần thế, không “ăn theo”, không lệ thuộc quyền lực trần thế, nhưng vẫn được thực hiện ngay giữa thế gian này vì luôn luôn và chỉ liên quan tới sứ mệnh cứu rỗi, mặc khải sự thật cho trần thế. Những ai theo Ngài cũng vậy. Giờ ra đi, Ngài biết mình “không còn ở trong thế gian nhưng họ ở trong thế gian” Ngài “không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ họ khỏi Kẻ Dữ”. Phải chăng là để họ cũng như Ngài “không thuộc về thế gian”. Và “như Cha đã sai con đến trong thế gian” Ngài “cũng sai họ đến trong thế gian” (Ga 17,15-18)

Ở trong thế gian. Không thuộc về thế gian. Được sai đến trong thế gian. Chính đó là tư thế đặc thù của Kitô hữu. Tuy có vẻ nghịch lý. Ở trong thế gian mà lại không thuộc về thế gian! Ở trong thế gian mà còn được sai đến trong thế gian! Tuy vậy cứ phải đủ cả như thế mới là Kitô hữu đích thực. Chỗ đứng của họ vẫn là ở trong thế gian chứ không phải trên một đỉnh núi siêu thoát nào. Nhưng ở trong thế gian mà cũng chỉ áo mũ xum xoe, tiền bạc rủng rỉnh, cũng thuộc về thế gian, chỉ đại diện cho “sự sang trọng thế gian” thì còn được Chúa sai đến trong thế gian mà làm gì? Ngài sai đến trong thế gian đâu phải để tranh giành quyền lực, của cải thế gian nhưng là để nhờ Ngài, trong Ngài và với Ngài thực hiện sứ mệnh cứu rỗi, mặc khải sự thật của Ngài. Phải không thuộc về thế gian mà “thuộc về Cha và Cha đã ban cho Con” (Ga 17,6-9) thì mới đáng được Ngài sai đến trong thế gian như thế. Và phải không thuộc về thế gian thì mới có được đầy đủ “sự tự do của con cái Thiên Chúa” trong sứ mệnh mặc khải sự thật kia. “từ hẳn những mưu thầm chước ẩn đáng hổ thẹn, không giở trò bịp bợm, không xuyên tạc lời Thiên Chúa, nhưng công nhiên giải bày sự thật, giới thiệu mình với mọi lương tâm người đời, trước mặt Thiên Chúa” như thánh Phaolô (2Cr 4,2).

Không mải mê nhìn theo Chúa Yêsu lên trời mà trở về với cuộc sống thường ngày, không tề tựu mãi một nơi mà “như thể do cuồng phong thổi đến” được đẩy cả ra đường ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Hội Thánh được sai đến trong thế gian như thế thì có thể không mang gì theo hết theo mình nhưng không bao giờ thiếu hành trang là một niềm tin cậy lạc quan vô biên và bất tận. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Hội Thánh cũng có thể nói như Phêrô khi đứng trước người què bên cửa Đền thờ: “Bạc vàng tôi không có, song có gì thì tôi cho anh” (Cv 2,6). Hội Thánh biết mình có gì chính yếu nhất, không phải do thế gian ban cho, trái lại tuyệt đối cần cho thế gian. Và cũng vì để có gì thì cho mà Hội Thánh được sai đến trong thế gian.

Hội Thánh có thể và phải sống, thực hiện sứ mệnh của mình, “dạn dĩ nói về Danh Đức Chúa Yêsu” (Cv 9,27) trong bất cứ hoàn cảnh địa ly, lịch sử nào. Hai mươi thế kỷ lịch sử Hội Thánh đã luôn luôn chứng tỏ điều ấy, nhất là Công Vụ Các Tông Đồ và lịch sử truyền giáo. Hoàn cảnh tốt hay xấu, tốt xấu thế nào đi nữa, đến đâu đi nữa thì cũng vẫn chình là nơi là lúc Hội Thánh nói chung, từng Kitô hữu nói riêng, được sai đến. Để sống theo Tin Mừng và để loan báo Tin Mừng. Không phải tìm tới nơi nào khác, không phải đợi đến lúc nào khác.

Vì không có hoàn cảnh nào là hỏa ngục tại thế cả. Thế gian có là thế gian tà vậy, còn có bóng dáng của Kẻ Dữ thì Chúa Kitô vẫn đã sống lại,“đầu mục thế gian bị lên án rồi” (Ga 16,11), đã “bị đánh quỵ” nếu không phải là đã “bị đuổi ra ngoài” (Ga 12,31), có còn mon men lui tới thì cũng “không có quyền gì” (Ga 14,30) trên Ngài nữa. “Hãy vững lòng ! Ta đã thắng thế gian” (Ga 17,33)

Phải trải qua muôn thuở ban đầu gần ba thế kỷ ‘khốn quẫn’ giữa Đế quốc Rôma hay sau đó hàng trăm năm ở nước nọ nước kia. Hội Thánh vẫn sống Phúc Thật Thứ Tám và không bao giờ thấy hoàn cảnh đang sống là hoàn cảnh tuyệt vọng chính vì nhờ hơi sức Chúa Thánh Thần mà vẫn ‘vững lòng’. Huống chi ngày hôm nay, người tín hữu có thể bụng bảo dạ rằng: Hội Thánh không còn có thể gặp hoàn cảnh nào ‘khốn quẫn’ hơn những hoàn cảnh đã trải qua trong quá khứ. Nói chi đến hoàn cảnh khi Chúa Yêsu bị bắt, thụ nạn, bị đóng đinh vào thập giá, chết thảm khốc, trần trụi và trắng tay, các môn đồ của Ngài đều vấp ngã, khi “kẻ chăn bị đánh và chiên trong đàn tán loạn” (Mt 26,13).

Cho nên, Kitô hữu tuy cũng như mọi người có quyền chọn đất sống cho mình vì lý do tâm lý, văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị .v.v… nhưng với tư cách là Kitô hữu không có quyền bảo rằng phải đi chỗ khác để giữ đạo, phải đi chỗ khác thì mới giữ đạo được. Ngày ‘khốn quẫn’ nhất kia, ‘kẻ đã tin’ và là kẻ duy nhất vẫn tin, không vấp ngã là Maria thân mẫu Chúa Yêsu thì đã “đứng bên khổ giá”, không phải trốn chạy đi đâu hết… giữ đạo !

Thiên Chúa lại vẫn làm được công việc của Ngài trong bất cứ hoàn cảnh nào và trái với những tính toán, toan tính của người đời.

Tại Công nghị Do Thái, Cai-pha đã tưởng mình tính được điều các người khác “không tính được”. Có biết đâu là cả ông nữa cũng không tính được như Thiên Chúa đã tính và có biết đâu là “điều ấy, ông đã nói ra không phải tự mình, nhưng vì là thượng tế năm ấy, ông đã nói tiên tri” :một người là Yêsu chết không chỉ “thay vì cả dân” mà còn thay vì cả nhân loại, không chỉ để tránh cho “toàn dân khỏi bị tru diệt” nhưng “còn để thâu họp con cái Thiên Chúa tản mác về lại làm một” (Ga 11,45-52).

Sau-lô “hằm hằm đe dọa, thở ra sát khí đối với môn đồ của Chúa” đã lên đường đi Đam-ma định làm gì? Nhưng chỉ non một tuần sau, người ta thấy Saulô xuất hiện ở Đam-ma không phải để truy tìm các Kitô hữu, “xiềng trói lại mà điệu về Yêrusalem” nhưng là để “rao giảng trong các hội đường về Đức Yêsu”(Cv 9,1-22)! Đường đi Đam-ma lại mở ra Đường Truyền giáo không phải chỉ ba lần suốt dọc Địa Trung Hải mà còn “cho đến mút cùng mặt đất” (Cv 1,8).

Từ đó về sau, không biết bao nhiêu máu Kitô hữu đã đổ ra cũng trên khắp mặt đất này, từ thế hệ này đến thế hệ khác, không ở nước nọ thì ở nước kia, nhưng Hội Thánh vẫn tin và vẫn được chứng nghiệm: máu tử đạo là hạt giống nảy sinh Kitô hữu (Sanguis martyrum semen christianorum).

Khi không đến nỗi phải chết vì đạo mà chỉ rơi vào một nghịch cảnh thì cũng vậy. Chẳng hạn Hội Thánh ở Pháp vào những năm đầu thế kỷ XX sắp qua đi này. Sau vụ Dreyfus, tinh thần bài giáo sĩ nổi lên dữ dội hơn bao giờ hết trong giới cầm quyền Đệ Tam Cộng Hòa Pháp. Từ 1901 – 1904: những đạo luật chống phá các dòng tu. Trên 3.000 trường học bị đóng cửa. Các tu sĩ nam nữ đã phải phân tán, hồi tục, trốn tránh ra nước ngoài nếu không bị trục xuất như các đan tu ở Chartreuse chẳng hạn. Cuối năm 1905: Luật tách biệt Nhà Thờ với Nhà Nước. Thỏa ước 1801 bị đơn phương xóa bỏ. Ngân sách dành cho việc thờ phượng bị dẹp sạch khi mà Giáo Hội Pháp đã sẵn bị tước đoạt rất nhiều từ hồi Cách Mạng 1789. Luật Tách biệt này còn là một phen tước đoạt nữa: các chủng viện, nhà xứ, tòa giám mục. Người Kitô hữu Pháp lại một phen điêu đứng. Từ 1905 – 1914 số tân linh mục giảm hẳn đi một nửa. Trắng tay, thiếu thốn, Giáo hội phải kêu gọi và trông chờ đồng tiền quyên góp của giáo dân. Nhiều thập niên sau các cuốn giáo sử chỉ nhắc tới Luật Tách Biệt như một đại họa cho Giáo Hội Pháp. Còn những năm về sau này, nhất là từ sau Cộng Đồng Vatican II, càng ngày người ta càng có thể thấy Giáo hội Pháp đã được nhiều hơn mất từ Luật Tách Biệt. Luật ấy làm… xì hơi óc bài giáo sĩ. Nhưng điều quan trọng hơn là Hội Thánh ở Pháp nhờ nó đã tìm lại được sự tự do cho mình. Nhà thờ tách biệt với nhà nước, không còn bị thỏa ước 1801 và các điều khoản bổ sung trói buộc, cho nên từ đó các giám mục được Tòa Thánh trực tiếp bổ nhiệm, hoàn toàn tự do hội họp, thảo luận, đồng thuận với nhau về đường lối mục vụ chung. Giáo Hội không phải nhờ vả ngân sách quốc gia thì lại tự do xây cất nhà thờ mới, thành lập các họ đạo mới. Thu nhập trung bình của linh mục Pháp thấp hơn mức tối thiểu do nhà nước quy định nhưng Giáo Hội Pháp, ít nữa là hồi trước Công Đồng Vatican II, đã thật phong phú về nhiều mặt như thần học, sáng kiến mục vụ, tông đồ giáo dân .v.v… và đã đóng góp phần đặc biệt đáng kể cho thành tựu của Công Đồng.

Người ta vẫn tìm cách giải thích sự hồi sinh hay phát triển của Hội Thánh bằng những lý do tâm lý, xã hội, kinh tế, chính trị này nọ. Những lý do ấy không phải là không có, nhưng không hề đủ. Chỉ trong lòng tin Hội Thánh mới thấy được nguyên lý xuyên suốt lịch sử của mình : sức sống Chúa Thánh Thần (Cv 1,8).

Cũng không có hoàn cảnh nào là thiên đàng tại thế cho Hội Thánh. Chưa hề có và sẽ không bao giờ có. Cho tới khi Chúa lại đến. Ngay cả những năm tháng Đức Yêsu có mặt giữa các môn đồ, đích thân rao giảng Tin Mừng cũng không phải đã là hoàn cảnh tốt đẹp nhất: “Thầy ra đi thì ích lợi hơn cho anh em” (Ga 16,7). Quả quyết này liên quan đến cả hay đến chính sự xuất hiện của Chúa Kitô sống lại giữa các môn đồ. Huống hồ những hoàn cảnh thuận lợi nào khác mà Hội Thánh đã được gặp trong lịch sử. Từ ‘thời đại Constantinô’ trong cả Đế quốc Rôma xưa kia cho đến nhiệm kỳ tổng thống Lech Walesa gần đây ở Ba Lan, không hoàn cảnh nào đã là thiêng đàng cho Hội Thánh cả. Thuận lợi nhiều thì cám dỗ, cạm bẫy cũng lắm. Ngay trong phạm vi từng họ đạo, từng tu viện, người kitô hữu vẫn dễ dàng cảm nghiệm được thực tế đó.

Hoàn cảnh khốn quẫn, nghiệt ngã là một thử thách cho Hội Thánh đã đành rồi nhưng hoàn cảnh thuận lợi, ‘tốt đẹp’ lại là một thử thách khác. Và có lẽ chính trong hoàn cảnh này Hội Thánh lại cần “tỉnh thức và cầu nguyện” (Mc 14,38) nhiều hơn để khỏi sa chước cám dỗ vừa quỵ lụy thế gian, vừa thống trị thế gian, nghĩa là sa lầy trong thế gian, chung chạ với thế gian, ‘ thuộc về thế gian’.

Tựu trung hoàn cảnh thực tế đó Hội Thánh cũng như từng Kitô hữu được sai đến vẫn là hoàn cảnh đã được chính Chúa Yêsu mô tả trong Mt 13,24-30 : lúa tốt và cỏ lùng xen lẫn nhau. Không thể nào khác được. Hoàn cảnh nào cũng tranh tối tranh sáng. Cũng dị nghĩa như chính ‘thế gian’ vừa là thế gian tà vạy, sẵn mưu ma chước quỷ - Kitô hữu không được thuộc về thế gian ấy (Ga 16,8tt; 17,9.14 vv…) vừa là thế gian được “Thiên Chúa yêu mến đến đỗi ban Con Một của Ngài” (Ga 3,16) và Chúa Yêsu cũng sai môn đồ đến (Ga 17,18). Không thể nào khác được. Cho tới khi Chúa lại đến!

Như thế quả là Hội Thánh luôn có thể và phải sống giữa bất kỳ hoàn cảnh địa lý, lịch sử nào. Nhưng sống là sống “trong Thần Khí và Sự Thật” (Ga 4,23) chứ không phải là sống xu thời, sống cơ hội theo kiểu như: “L’Eglise en vertu de son immanence couche avec tous les régimes et en vertu de sa transcendance les concufie tous” (Giáo hội vì có tính nội tại thì ngủ với tất cả các chế độ và vì có tính siêu việt lại cho tất cả các chế độ mọc sừng). Một tờ bào báo Công Giáo Pháp hồi trước 1975 đã từng ghi lại một nhận định như thế. Nhưng nói như thế chỉ có thể là nói đùa (boutade) hay ghi nhận một khía cạnh nào đó thôi trong lịch sử Hội Thánh. Khía cạnh này, nếu có, thì không phải là chính yếu, không thuộc về cốt cách của Hội Thánh và chỉ phản ánh một cái nhìn phiến diện về lịch sử Hội Thánh. Kitô hữu không có lý do gì để hãnh diện với thứ khả năng tùy cơ ứng biến, thích nghi, tồn tại kiểu ấy, nếu có thể nó đã là thực tế một thời gian nào đó, ở chỗ nọ chỗ kia.

Hội Thánh sống đích thực, sống chân thật, sống theo Tin Mừng thì không phải là nhân danh những phạm trù triết học như tính nội tại (immanence) và tính siêu việt (transcendance), nhưng là theo, vì và trong Mầu Nhiệm Nhập Thể và Mầu Nhiệm Phục Sinh. Theo, vì và trong Mầu Nhiệm Nhập Thể, Hội Thánh không được Chúa Yêsu “xin cất khỏi thế gian” mà lại được Ngài “sai đến trong thế gian” cho nên có thể và phải sống, tồn tại lớn lên và làm chứng được cho Tin Mừng trong bất kỳ hoàn cảnh lịch sử nào.

Theo, vì và trong Mầu Nhiệm Phục Sinh, Hội Thánh có thể và phải sống vượt qua mọi thăng trầm thế sự, không ngủ quên, sa lầy trong một hoàn cảnh lịch sử nào, “không thuộc về thế gian”, mà lại luôn có thể và phải thi hành sứ mệnh ngôn sứ, chất vấn, đánh giá mọi hoàn cảnh lịch sử đối chiếu với Nước Trời.

Cho tới khi Chúa lại đến …

Tuesday, 15 September 2009

Bài giảng của Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện

Bài giảng của Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện, CssR
trong thánh lễ cầu nguyện cho Tam Tòa tại DCCT Sài Gòn


Kính thưa cộng đoàn,

Chúng ta hiệp thông với Hội Thánh của Chúa Kitô tại Giáo phận Vinh và nhất là tại Giáo xứ Tam Toà – Quảng Bình, mà sống nỗi ưu tư của dân tộc mình. Và như anh chị em đã thấy trong phần trước thánh lễ, Cha Uy đã cho chúng ta một cái nhìn chung chung về những gì đã diễn ra, đang diễn ra, và nhất là về tâm tình hiệp thông của Hội Thánh Chúa, cách riêng là của Hội Thánh Chúa tại Vinh, với anh chị em giáo xứ Tam Toà, để tha thiết dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện không chỉ là xin Chúa xoa dịu những nỗi đau, những cảnh bất công đang xảy ra, mà còn xa hơn nữa, là lời cầu nguyện để xin cho tình yêu, xin cho hoà bình, xin cho sự thật, xin cho công lý, được nở hoa trên quê hương đất nước chúng ta.

Có thể có rất nhiều điều để nói về những tâm tình của chúng ta trong những ngày cầu nguyện đặc biệt này. Có thể có rất nhiều điều để nói về những tâm tình cách riêng là của những anh chị em tín hữu của Chúa Kitô tại Vinh trong những ngày này. Nhưng trong bài chia sẻ này, tôi chỉ xin mời cộng đoàn suy nghĩ hai điểm.

Chúng ta hiệp thông với Gíao phận Vinh trong tâm tình nào, trong xác tín nào? Chúng ta chia sẻ nỗi ưu tư gì của Hội Thánh của Chúa Kitô với dân tộc mình tại Vinh, tại Tam Toà, tại Quảng Bình bây giờ, kính thưa anh chị em?

Chiến tranh trên đất nước chúng ta đã kết thúc lâu lắm rồi. Rất nhiều người trong số các bạn trẻ đang ngồi đây sinh ra sau khi chiến tranh đã kết thúc. Nhưng mà ngay cả những bạn trẻ ấy chắc cũng đã không ít lần kinh nghiệm về sự tàn ác và sự không thể chấp nhận được của chiến tranh. Quả thực, chiến tranh là tàn ác và không thể chấp nhận.

Nhưng sau mấy chục năm kể từ khi chiến tranh kết thúc, ngày nay, chúng ta lại thấm thía một kinh nghiệm khác, kinh nghiệm rằng: khi một quốc gia phải tái thiết sau chiến tranh, thì lúc đó, những cuồng vọng và khí lực của chiến tranh trở nên bất lực. Phải có một sức mạnh mới. Và đó chính là sức mạnh của tình yêu, sức mạnh của sự hiểu biết và của lòng trắc ẩn đối với con người. Đó là sức mạnh của sự vị tha và sự hợp tác. Đó là động lực sáng tạo của một ý chí muốn sống và muốn kiến thiết, của một ý chí muốn tha thứ và muốn hoà giải. Sử dụng những cuồng vọng của chiến tranh để xây dựng đất nước? Thất bại. Sử dụng những khí lực chiến tranh để xây dựng đất nước? Thất bại. Chỉ có một con đường thôi: con đường của tình yêu mến, của sự tha thứ, của sự nâng niu sự sống.

Nhà thờ vốn là nơi phục vụ tình yêu thương, hoà giải và sự hồi sinh. Biến nhà thờ thành một tượng đài của lòng thù hận, là một tội ác, là một sự xúc phạm lớn lao đối với niềm tin tôn giáo của chúng ta. Có thể lưu giữ nơi nhà thờ Tam Toà những di tích nhắc nhở chúng ta về tính chất tàn ác không thể chấp nhận được của chiến tranh. Nhưng nếu chỉ như thế thôi, thì không thể chấp nhận. Sứ điệp quan trọng hơn, và cũng là sứ điệp chính yếu, mà nhà thờ Tam Toà đem lại cho chúng ta và cho thế hệ tương lai, phải là sứ điệp của tình yêu, của sự hoà giải và của sự phục sinh, chứ không phải sứ điệp của lòng hận thù.

Những sự kiện bi đát đang diễn ra tại Tam Toà, cho thấy: khi người ta chỉ nhấn mạnh lòng thù hận, thì không thể có hoà bình đích thực. Nhấn mạnh lòng thù hận kẻ khác, thường khi, là đang tra tay xây dựng nền văn minh sự chết. Chúng ta đã sống quá lâu trong một bầu khí xã hội đề cao lòng căm thù. Và một di chứng nặng nề của đường lối xây dựng xã hội dựa trên lòng căm thù ấy, chính là sự xuống cấp trầm trọng của đạo đức trong xã hội. Con người Việt vốn hiền hoà thuận thảo, nay phải đối diện, rất thường khi, với một tình trạng bạo lực kinh khủng từ ngay trong gia đình, huống nữa là trong tương quan xã hội. Tại sao vậy? Sự quá nhấn mạnh lòng căm thù, thậm chí đến độ trong một thời gian dài, lòng căm thù giai cấp đã trở thành một thước đo để người ta đánh giá nhau, đã đẩy chúng ta đến những bi kịch bạo lực như chúng ta đang phải thường xuyên chứng kiến trong xã hội chúng ta. Cần phải chấm dứt việc lấy lòng căm thù làm tiêu chuẩn và nền tảng xây dựng xã hội. Đã quá dài rồi khoảng thời gian mà trong đó, chúng ta đề cao bạo lực.

Vì thế, hơn lúc nào hết, ngày nay, việc đề cao Tin Mừng về lòng yêu thương, sự hoà giải và sự hồi sinh, là một trong những đòi hỏi khẩn thiết của xã hội chúng ta và của sứ vụ loan báo Tin Mừng của Hội Thánh. Thế mà, ngay trong hoàn cảnh cấp thiết này, người ta vẫn muốn biến nhà thờ, là nơi phục vụ tình yêu thương, hoà giải và hồi sinh, thành tượng đài của lòng căm thù.

Anh chị em tín hữu Giáo phận Vinh, trong ý thức về tính cách khẩn thiết của sứ mạng loan báo Tin Mừng tình thương, của sứ mạng xây dựng nền văn minh tình thương, của sứ mạng làm chứng cho sức mạnh của tình yêu cứu độ, đã muốn có một ngôi nhà thờ mới được xây trên nền của ngôi nhà thờ cũ, mà không xoá bỏ di tích nhắc nhở tính cách tàn ác của chiến tranh. Đó là ước muốn công bố một sứ điệp toàn diện về hoà bình, nhấn mạnh tính cách tích cực của tình yêu thương mà vẫn không quên tính cách tàn ác của chiến tranh và bạo lực. Nếu không ý thức về điều này, chúng ta có thể bị lừa. Báo chí mấy ngày nay nói đến chuyện như thể người ta muốn xoá đi cái di tích của chiến tranh. Thậm chí có kẻ nói rằng mấy giáo dân ở Giáo phận Vinh muốn mọi người quên đi tội ác của đế quốc Mỹ. Nói như thế là bất công đối với anh chị em. Đối với anh chị em ở Giáo phận Vinh, cái quan trọng là một sứ điệp về tình yêu mến, một sứ điệp về sự hoà giải, một sứ điệp về sự phục sinh cần phải được công bố trên nền của ngôi nhà thờ ấy.

Như thế là đang có hai ước muốn và chọn lựa trái ngược nhau tại Tam Toà: ước muốn đề cao lòng hận thù và ước muốn truyền tải cho hậu thế một sứ điệp của tình yêu thương và khát vọng hồi sinh. Và có lẽ sự đối nghịch của hai ước muốn đó đã là một trong những nguyên nhân chính gây nên những thảm cảnh đau thương cho anh chị em tín hữu tại Tam Toà.

Chúa Giêsu đã chịu chết để thực hiện Tin Mừng của tình thương yêu, tha thứ và phục sinh. Anh chị em tín hữu tại Tam Toà đang được tham dự đặc biệt vào công trình đó của Chúa. Và những lời Chúa Giêsu nói trong bài tin mừng mà chúng ta vừa nghe, cũng là những lời nói với và nói cho anh chị em tín hữu Giáo phận Vinh hôm nay: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước.Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em. Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em.Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy.”

Hiệp thông với nhiều nơi và với nhau cầu nguyện cho giáo xứ Tam Toà hôm nay, là chúng ta cầu nguyện cho ước vọng cao cả và tốt đẹp về tình yêu mến được trở thành hiện thực. Đó là một trong những điểm nhấn chính yếu của các cuộc cầu nguyện được tổ chức trong những ngày này. Xin cho chính quyền Tỉnh Quảng Bình nói riêng và của cả Nước nói chung, biết tôn trọng ước nguyện tốt lành đó của tất cả chúng ta.

Cầu nguyện cho giáo xứ Tam Toà hôm nay, cũng chính là chúng ta đang khẳng định lập trường về một đường hướng xây dựng xã hội. Trong tư thế là Hội Thánh của Chúa Kitô đi giữa lòng dân tộc mình, mang lấy khát vọng của dân tộc mình, chúng ta muốn bày tỏ một lập trường, muốn chọn lựa một lập trường về đường hướng xây dựng xã hội, dựa trên tình yêu, đề cao sự sống và sự hoà giải. Sẽ không thể có hoà bình và sự thịnh vượng đích thực, nếu chúng ta chỉ nhấn mạnh lòng căm thù. Cho nên, cầu nguyện cho Tam Toà hôm nay cũng là một cách thức để chúng ta bày tỏ chọn lựa đó của chúng ta. Chúng ta chọn lựa một đường hướng xây dựng xã hội nhấn mạnh trên tình yêu, trên sự tha thứ, trên sự hội sinh, trên sự sống, chứ không phải là trên lòng hận thù.

Đó là điểm thứ nhất mà tôi muốn mời cộng đoàn suy niệm trong thánh lễ hiệp thông cầu nguyện cho Tam Toà hôm nay.

Điểm thứ hai có liên quan trực tiếp hơn với những gì đang diễn ra tại Tam Toà. Bằng việc tập trung trong những buổi cầu nguyện như thế này, chúng ta muốn truyền đi một sứ điệp: chúng ta không thể chấp nhận việc tiếp tục sử dụng bạo lực và những thủ đoạn bất nhân để đàn áp mọi sự khác biệt ý kiến trong xã hội.

Có một kiểu chuyên chế tuy đã phần nào lui về quá khứ xét theo danh nghĩa, nhưng vẫn còn rơi rớt trong thực tế, và nhất là vẫn còn để lại những di chứng nặng nề trong đời sống xã hội chúng ta. Trong số những di chứng ấy, có nạn độc đoán, nạn ém nhẹm hoặc bóp méo sự thật, nạn đàn áp mọi sự khác biệt ý kiến bằng những thủ đoạn bất nhân và tàn độc. Những di chứng ấy, cộng thêm tệ nạn tham nhũng và thói tự tư tự lợi, đã khiến cho xã hội chúng ta xuống cấp trầm trọng. Trong những gì liên quan đến tôn giáo, nhất là liên quan đến Kitô giáo, những di chứng ấy lại càng thêm nặng nề do thái độ nghi kỵ đầy thành kiến đối với Hội Thánh và các Kitô hữu.

Trong một thời gian khá dài, và có trường hợp còn đang trong hiện tại, có những người đã miệt mài trong việc làm cho thái độ nghi kỵ đầy thành kiến ấy càng ngày càng trầm trọng. Mới chưa đầy một năm trước đây, cả một hệ thống truyền thông đã toa rập với vài người có quyền lực trong chính quyền thành phố Hà Nội để đánh hội đồng Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, khi họ gian xảo cắt xén lời phát biểu của ngài để gây nên một cơn lên đồng tập thể của nhiều thành phần dân chúng, hòng tạo ra sự hận thù giữa các thành phần xã hội. Biết bao bài báo và chương trình phát thanh, truyền hình, đã không ngần ngại mạ lỵ và vu khống các linh mục, tu sĩ và giáo dân Thái Hà suốt một thời gian dài. Không ai có thể chắc chắn rằng những cách làm bất minh đó không tái diễn trong sự kiện Tam Toà hiện nay.

Trái lại, như những gì vừa diễn ra tại Đồng Hới sáng nay (với 2 linh mục bị những người được trang bị dùi cui đả thương giữa thanh thiên bạch nhật, phải đưa vào trạm y tế chữa trị), chúng ta biết rằng người ta chẳng ngại áp dụng các biện pháp đầy chất bạo lực và gây thù hận, để cư xử với những tín hữu Công Giáo.

Thực ra, hành xử như thế cũng chẳng khác gì việc tấn công người khác bằng một thanh sắt nóng bỏng: một khi cầm miếng kim loại nóng bỏng kia lên, bàn tay của anh chắc chắn sẽ bị thiêu huỷ ngay trong chính lúc anh thiêu huỷ người khác. Thù ghét chính là hạt giống sự chết trong con tim tôi, vì nó tìm kiếm sự chết cho người khác. Tình yêu là hạt giống sự sống trong con tim tôi, vì nó tìm kiếm sự thiện cho người khác.

Chúng ta hiệp thông với anh chị em tại Giáo phận Vinh để nói rằng chúng ta không thể chấp nhận việc người ta tiếp tục sử dụng bạo lực và những thủ đoạn bất nhân để đàn áp mọi sự khác biệt ý kiến về việc xây dựng xã hội.

Một đàng, chúng ta biết rằng có lẽ những lời thánh Phaolô viết cho anh em tín hữu tại Côrintô mà chúng ta vừa nghe trong bài thánh thư, cũng là lời được anh chị em tại Vinh nói với chúng ta và cho chúng ta: “Nhưng kho tàng Tin Mừng, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi. Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt. Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi. Thật vậy, tuy sống, chúng tôi hằng bị cái chết đe doạ vì Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân xác phải chết của chúng tôi”.

Đàng khác, theo giáo huấn của Hội Thánh, chúng ta xác tín rằng: “Bạo lực là giải pháp không thích đáng. Với xác tín về niềm tin vào Đức Kitô và với ý thức về sứ mạng của mình, Giáo Hội tuyên bố: bạo lực là tội ác, không thể chấp nhận bạo lực làm giải pháp cho các vấn đề; bạo lực là điều không xứng đáng với con người. Bạo lực là sự dối trá, vì nó đi ngược lại sự thật của đức tin và sự thật của nhân loại. Bạo lực phá huỷ tất cả những gì nó hô hào bảo vệ, từ phẩm giá đến sự sống và tự do của con người”.

Đó là lập trường của Giáo Hội. Đó là lập trường của chúng ta.

Bằng việc tham dự những giờ cầu nguyện như thế này, chúng ta công bố với thế giới cái lập trường căn bản đó: chúng ta không chấp nhận việc tiếp tục sử dụng bạo lực và những thủ đoạn tàn ác để dập tắt những ý kiến khác biệt, nhất là những ý kiến liên quan đến việc xây dựng xã hội. Ví dụ những ý kiến mà anh chị em giáo dân ở Vinh đang bày tỏ qua khát vọng được xây dựng trên nền nhà thờ Tam Toà cũ một ngôi thánh đường mới: ý kiến về việc chọn lựa rằng chúng ta xây dựng xã hội của chúng ta không phải trên lòng căm thù, không phải trên bạo lực, cho dù là bạo lực cách mạng, không phải là trên lòng căm thù, cho dù là lòng căm thù giai cấp. Đã quá đủ rồi cái chọn lựa đó. Chọn lựa đó đã tỏ ra thất bại rồi, thưa anh chị em. Và chúng ta bày tỏ một khát vọng được xây dựng xã hội của chúng ta trên một chọn lựa mới, trên một đường hướng mới dựa trên tình yêu, dựa trên sự tha thứ, dựa trên sự tôn trọng sự sống. Và với việc cầu nguyện này, chúng ta hiệp thông cùng với toàn thể Giáo phận Vinh không phải chỉ trong đau thương hiện tại, mà còn là trong xác tín, trong chọn lựa: chọn lựa một cách thức hiện diện và công bố Tin Mừng, chọn lựa việc sẵn sàng chịu mọi bách hại để công bố sứ điệp của Tin Mừng tình thương, hoà giải và sự sống.


Nguyện xin Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp thương đoàn con cái của Mẹ, là tất cả chúng ta và nhất là những anh chị em tín hữu chúng ta tại Quảng Bình. Nguyện xin Chúa Cứu Thế gìn giữ chúng ta trong sự bình an và ơn cứu độ của Người. Xin cho chúng ta đừng bao giờ thoả hiệp với một đường lối xây dựng cuộc sống bằng cách khơi sâu lòng hận thù và sử dụng bạo lực, nhưng luôn luôn biết hiến mình phục vụ tình yêu thương, hoà giải và hồi sinh.

Chớ gì cái tham vọng quái gở muốn biến một ngôi nhà thờ thành chứng tích khơi dậy lòng căm thù, bị gạt sang một bên, để cho khát vọng về tình yêu, khát vọng về hoà giải, khát vọng về sự sống được nở hoa. Đó chính là lời cầu nguyện tha thiết của chúng ta, và đó cũng là lời tuyên xưng đức tin đầy xác tín của tất cả cộng đồng chúng ta. Amen.

Lm Nguyễn Thể Hiện dcct

Monday, 14 September 2009

CHUYỆN BÉ HIỀN

Lm Vũ Khởi Phụng

Trẻ em nhiễm HIV, “những con chiên vô tội”, “con chiên gánh tội trần gian” là những bệnh nhân đáng chúng ta quan tâm đặc biệt. Dưới đây tôi xin chia sẻ câu chuyện về bé Hiền. Cầu xin bé Hiền gợi ý và thúc đẩy, dẫn đường để chúng ta biết quan tâm tìm đến những nạn nhân bé nhỏ này...

Một hôm vào mùa hè 1999. chị Mến gọi tôi trên điện thoại. Chị Mến là người có lòng, xưa nay vẫn sẵn sàng dấn thân mỗi khi có những anh chị em bất hạnh cần nâng đỡ. Một dạo chị Mến đã mở rộng cửa ngôi nhà của chị ở Thủ Đức, đón tiếp cả chục bệnh nhân AIDS đến tĩnh dưỡng. Vài người đã qua đời trong ngôi nhà ấy, được chị chăm sóc đến phút cuối cùng.

Lần này, chị Mến báo tin cho tôi là có một em bé 8 tuổi ở Bình Chánh, đã bị bệnh AIDS đến giai đoạn cuối. Chị hỏi tôi có cách nào giúp đỡ chăm sóc em cả phần hồn lẫn phần xác không. Sau phút đầu lúng túng, tôi chợt nhớ ra nhóm bạn bè của tôi ở Giáo Xứ Ninh Phát, khu Kinh Tế Mới Lê Minh Xuân, Bình Chánh.

Nhóm bạn bè của tôi có thói quen hội họp nhau chia sẻ Lời Chúa và cầu nguyện, và thường làm việc thiện với nhau. Vài người mở lớp học tình thương, trẻ em nghèo thất học ở đây rất đông, dân cư thì tứ chiếng, với những hoàn cảnh gia đình phức tạp, nếp sống nhiều khi mờ ám. Điện thoại lên Ninh Phát, các bạn trả lời: nhóm chúng tôi sẵn sàng.

Thế là một buổi chiều, chị Mến dẫn các bạn Ninh Phát đến nhà bé Hiền. Tuy rằng nằm trong địa phận Giáo Xứ, nhà bé Hiền nằm khuất nẻo trong khu vực của bà con bên lương, các bạn chưa có dịp lui tới. Tìm hiểu thì biết rằng cha mẹ Hiền đều đã chết vì AIDS. Bé Hiền sống với bà nội. Ban ngày nhiều khi người lớn các nhà ở đây đều đi vắng hết, chỉ có mấy đứa trẻ loay hoay với nhau...

Từ ngày ấy, những cô Phụng, cô Mai, cô Yến, chú Hải, chú Danh... hay đến thăm bé Hiền. Các cô cho Hiền ăn, tắm rửa, xức thuốc cho Hiền. Hiền thì gầy ốm tong teo, nước da đen xạm và trên người có nhiều vết lở. Tuy vậy, bé vẫn là một đứa trẻ ngây thơ, thích chơi, thích nói chuyện...

Săn sóc như vậy được ít hôm thì Hiền trở bệnh trầm trọng, phải đưa lên bệnh viện Hùng Vương. Lá phổi Hiền mọng nước, phải hút nước ra hằng ngày bằng một đường xâm thủng qua lưng rất đau đớn, nếu không thì không thể thở được. Các bạn Ninh Phát vẫn hằng ngày lên bệnh viện, lần này có thêm mấy bạn Sài-gòn nhập bọn. Mọi người nghĩ: chắc Hiền không thể qua khỏi.

Có một Linh Mục đến thăm, với một em bé chưa hề biết Chúa thì biết nói gì? Linh Mục cho Hiền mấy mẫu ảnh và bảo: “Khi nào con đau, hãy gọi Chúa đến cứu giúp con”. Trong tâm trí ngây thơ của mình, Hiến gọi Linh Mục là “ông Chúa”. Nó hỏi mọi người: “Ông Chúa ngày hôm qua đâu, sao không đến thăm con ?”

Rồi một hôm, bệnh tình bé Hiền có vẻ cực kỳ nguy khốn, lúc ấy chỉ có vài bạn Sài-gòn bên giường. Các bạn hội ý với nhau chuẩn bị cho Hiền rất vắn tắt và rửa tội ngay trên giường bệnh, nghĩ như Hiền không thể sống hết ngày hôm đó. Nhưng Hiền đã sống. Vài hôm sau, trong một buổi cầu nguyện của chúng tôi ở Nhà Thờ DCCT Kỳ Đồng, các bạn đưa Hiền đến tham dự. Bé bước đi lặc lè, thở hổn hển, bụng phình chướng, trông cứ như một cụ già sắp chết.

Sau hôm ấy, một nhóm anh chị em chúng tôi đi dự Đại Hội 200 năm La Vang. Trong những lời cầu nguyện ở La Vang, chắc chắn có những lời cầu nguyện cho bé Hiền. Chúng tôi mua lá thuốc, múc nước giếng, có ý đưa về cho Hiền. Lạ thay, về tới Sài-gòn, chưa kịp đưa gì cho Hiền thì nghe tin bé đã bình phục, đã về nhà.
Những tháng sau, không ai có thể nhận ra thằng bé ngày trước nữa. Các cô chú bắt đầu dạy Giáo Lý cho Hiền. Hiền mập mạp, trắng hồng, chơi nhảy, rất xinh. Hiền vẫn nhớ hôm nằm trên giường bệnh, có ai đó động viên, bảo rằng: “Con ráng lành bệnh đi, rồi chú đưa đi chơi siêu thị !” Bây giờ khỏe lại, có ai hỏi: “Con thích cái gì ?” Hiền vẫn một mực: “Con muốn đi chơi siêu thị !” Sự thật là Hiền chưa bao giờ đặt chân vào một siêu thị nào cả, vì có ai dẫn Hiền đi chơi đâu?

Chú Hải, chú Long liền xung phong đưa Hiền đi siêu thị. Cái gì cũng choáng lộn, cái gì cũng đẹp, cái gì Hiền cũng trầm trồ. Các chú không dám để Hiền đứng lâu ở một ngăn hàng nào, là vì túi các chú lép kẹp, chú cháu đều là dân nghèo vùng sâu vùng xa Bình Chánh cả. May sao trong siêu thị có một động tiên: đó là gian phòng người lớn có thể gửi con để đi mua hàng. Ở đó có những trái bóng cao-su xanh đỏ, nhiều không biết cơ man nào. Hiền lọt vào đó giữa lúc phòng vắng trẻ, một mình Hiền giữa bấy nhiêu tinh cầu sặc sỡ, trái bay, trái nẩy lưng tưng. Hiền ở đó một nửa giờ như xuất thần...

Có lẽ mỗi người có một hình ảnh riêng về Vườn Địa Đàng: hình ảnh địa đàng của Hiền là một nơi đầy những trái bóng màu sắc tươi sáng, ở đó Hiền tự do như A-đam ngày xưa, được làm chủ chim trời cá biển... Nhưng có phải cũng chính Kinh Thánh cho biết rằng chẳng có Vườn Địa Đàng nào lâu bền ? Đang hạnh phúc thế, tự nhiên Hiền sụt ký trông thấy. Chừng một tháng sau, khuôn mặt bầu bĩnh lại chỉ còn da bọc xương, tay chân lại khẳng khiu như ống sậy, nước da xạm đi, và những vết lở lại xuất hiện. Có người kinh hãi kêu lên: “Sao thằng Hiền bây giờ ốm thế? Sao tiếng nói của nó bây giờ kỳ dị thế?”

Bạn bè quyết định cho Hiền đi siêu thị một lần nữa. Lần này chú bé lẩy bẩy đi thăm lại những trái bóng, và vẫn thấy vui. Hôm đó là tháng 11, tháng cầu nguyện cho các linh hồn. Trên đường về Bình Chánh, qua nghĩa địa, thấy bà con giáo dân đang tập họp cầu nguyện, Hiền đòi vào tham gia. Nó khoanh tay đứng chung với cộng đoàn dưới bóng Thánh Giá. Khoảng mười hôm sau, tôi được tin Hiền qua đời. Gia đình chưa ai có Đức Tin, nhưng khi đưa Hiền ra nghĩa địa, chị Mai trong Nhóm Ninh Phát đi đầu, cầm trong tay một cây Thánh Giá nhỏ.

Tôi xin ghi lại những kỷ niệm này để nhắc lại lòng tốt của nhiều bạn bè với Hiền, nhắc lại cả một mạng lưới nhân ái đã bao lấy Hiền trong năm cuối cùng của đời Hiền, nhất là để cám ơn Chúa vì những giây phút rạng rỡ hạnh phúc Chúa ban cho Hiền qua những cố gắng khiêm tốn của anh chị em chúng ta. Trên hết, xin cảm tạ Chúa vì ơn Đức Tin đã soi sáng những năm tháng cuối cùng của một cuộc đời tưởng như quá sức bất hạnh: “Và đây là chiến thắng đã thắng được thế gian, Đức Tin của ta!” (1 Ga 5, 4)

Tôi cũng muốn kêu gọi bạn đọc Ephata: có thể ở quanh đâu đây, các bạn sẽ gặp những trẻ thơ giống như Hiền. Mong các bạn tìm cách săn sóc các cháu bằng tình người, và bằng sự chia sẻ ánh sáng Đức Tin. Trong cơn đại dịch này, cả Chúa lẫn các cháu đang mong các bạn làm điều ấy. Có thể Chúa sẽ dùng bạn mở ra một cánh cửa cứu độ, đang khi ở thế gian mọi sự đã là đổ vỡ và tuyệt vọng đen tối.

Lm Vũ Khởi Phụng, Chúa Nhật 9.9.2001

Thursday, 10 September 2009

Một cái nhìn khác về Sống Đạo

bài của Anna Têrêsa (Con dâu thánh tổ AnPhong đệ Ligôri)

Thưa các chị,
Em xin tự giới thiệu ngay em là thân hữu của Gia đình An Phong. Em vẫn thường nhận được báo liên lạc Duc In Antumvà đã đọc một vài thư của các chị con dâu Thánh An Phong nên hôm nay em mạo muội viết thư tỏ bày nỗi lòng cùng các anh các chị.

Số là em bị nhiều người hỏi em lắm về chuyện đạo nhà mình đó mà, người trong đạo mình cũng có, người ngoại cũng có, chắc là em có “duyên trôi nước, duyên xí xọn, hoặc là thuộc loại ngầu gì đó… nên mới có nhiều người hỏi như vậy. Thường thì em ‘bán cái” và đề nghị họ hỏi mấy ông cha hoặc ông nào “tu ra” cho chắc ăn vì mấy ổng mới có đủ chữ nghĩa, trình độ trả lời. Nhưng chẳng lẽ bán cái hoàn toàn nói là tui không biết anh/chị/bác hãy đi hỏi cha…hoặc ông…nên em cũng có trả lời chút chút( trong khi chờ đợi họ được bổ túc), cố vận dụng nhớ những mớ khái niệm sơ sài trả lời kẻo phụ lòng quý vị ấy phải không các chị. Thú thật nhé, khi trả lời xong em lo lắm vì không biết có trật đường rầy không đây và có còn sống nổi với các ngài không? Em cứ lo canh cánh bên lòng, lo đến nỗi em ngày càng phát tướng bụng, tập thể dục thể thao đủ kiểu cả mà vẫn thấy chưa suy suyển. Em đánh bạo giải bày tâm sự với các chị con dâu cha Thánh hy vọng các chị bênh phe ta một chút. Hơn nữa em nghe lóm được là các cha Dòng CCT cởi mở, phóng khoáng và nhất là mấy ông ‘tu ra’ thì phóng khoáng có thể tới độ Tiền Cộng Đồng Vatican 3 lận.

Bây giờ em bắt đầu nhé, em sẽ bắt đầu bằng câu: “ Có người hỏi em rằng” nhé.

*Có người hỏi em rằng: “Đạo của chị sao mà thấy bó buộc quá, lúc nào cũng sợ bị tội xuống địa ngục hết, nào không đi lễ chủ nhật sẽ bị tội, đi lễ chiều thứ 7 trước 5 chiều cũng vẫn phải đi lễ chủ nhật, nếu không cũng bị tội, không đi lễ trọng ( không vào ngày chủ nhật) cũng bị tội, ly dị, ly thân lên rước lễ cũng tội, có đạo mà không làm đám cưới nhà thờ cũng bị tội, nghe thuyết pháp của đạo Phật mà thấy hay và đúng đời sống thực tế của mình quá cũng bị tội v..v. Vì vậy mà người nào đi nhà thờ cũng mặt mũi rất là nghiêm chỉnh, nếu chị không tin thì cứ đến dự lễ Việt xem, mọi người trông nghiêm trang đạo mạo và thánh ca thì phần lớn là buồn, cầu xin hoặc xin tha tội v.v .

*Các chị biết không em trả lời lần lượt như thế này (dĩ nhiên là sau khi đề nghị gặp các cha cho có câu trả lời chính xác): Không, đạo Thiên Chúa của tui không bó buộc mà Chúa luôn để cho tụi tui tự do lựa chọn việc mình làm, đó gọi là tự do con cái Chúa. Còn chuyện “ bị tội” thì tui nghĩ chắc chắn do từ xưa đến nay con dân chúng tôi bị hù dọa hoặc là do các cha hoặc do hiểu thánh kinh theo nghĩa đen hoặc là do tự tâm của chính mình mà ra thôi. Tôi tin chắc một điều là Chúa chẳng bắt tội ai bao giờ ngay như trong thánh kinh như bà Ma-Đa-lê-na phạm lỗi mà người dân thường chiếu theo luật sẽ ném đá trong khi Chúa vẫn luôn khoan hồng, không xử phạt chi cả.

*Trong Tin mùng nói rất rõ là Chúa luôn xem con dân như là anh em, Chúa đối xử như thế và Chúa cũng mời gọi ta làm như thế. Chúa không bao giờ muốn chúng ta đến với Chúa bằng thái độ khúm núm sợ hãi mà là đến với Chúa trong tình bằng hữu, yêu thương.

*Lễ chủ nhật phải được quan niệm là một buổi tiệc mà Chúa mời chúng ta đến dự tiệc, giống như chị em chúng mình được mời dự lễ cưới, tiệc cưới mà ta vẫn thường dự vậy thì chắc chắn là chị em mình hớn hở vui mừng và mặc quần áo đẹp đi dư lễ cưới chứ phải không? còn thánh ca thì tùy bài chọn, có lẽ người Á Châu chúng ta vẫn có quan niệm từ thời rất xa xưa là phải tha thiết, nài van, buồn bã mới hiệu nghiệm và thấm lòng ngay cả khi Chúa đã phục sinh rồi. Anh chị đi lễ Úc mà xem thánh ca nhịp điệu rất vui, bài hát ca ngợi Thiên Chúa rất phấn khởi (có ai vừa khóc vừa cảm tạ, cám ơn đâu nhỉ) cả cộng đoàn cùng hát nhất là bài kết lễ, làm cho con dân phấn khởi vui vẻ hẳn lên; nên sau lễ người nào cũng toét miệng ra cười, muốn ôm người bên cạnh mà nói câu yêu thương. Vì vậy phần thánh ca trong buổi lể (bài hát/cách hát) cũng quan trọng vì sẽ tạo cho cái “mood” (gọi tiếng mình là gì chị nhỉ- tinh thần/bầu khí?), cho cả buổi lễ và cả người tham dự nữa. Nếu quan niệm như vậy thì các chị thử nghĩ xem có phải là Chúa bắt buộc ta phải đi dự lễ cưới không? Mà đôi khi phải đặt lại vấn đề là bài giảng, thánh ca, không khí trong cộng đoàn và hình thức phụng vụ nữa chứ. Nếu nói tới tội thật sự, thì chắc Chúa cũng chẳng quy tội cho một mình dân đạo nhà mình nếu ta có tâm trạng ủ rũ không thôi đâu nhé.

*Có người hỏi em rằng: “Đạo của chị kỳ thị/tự cao quá” Em nghe câu này thấy choáng váng cả mặt, tưởng chừng như là đang có bom sắp nổ vậy, em tìm cách hoãn binh bằng cách hỏi, như vậy là thế nào, xin anh/chị/bác giải thích thêm cho em đây rõ! Quý vị ấy mới nói thêm rằng là: “tui thấy mấy người có đạo ít khi hoặc không đi dự lễ ở chùa như lễ giỗ/ lễ tang được mời vì tui thấy họ ra vẻ như là sợ bị tội hay bị hạ mình ra sao đó khi bước vào chánh điện có thờ Đức Phật hoặc ngồi dự lễ cùng với gia chủ. Mà nếu họ có đến thì cũng chỉ đến vào giờ thọ trai thôi tức là giờ ăn. Lại nữa tui không có đạo nhưng đôi khi đi dự lễ ở nhà thờ do mấy người bạn mời như lễ cưới, lễ giỗ v.v. thì khi sắp đến phần sắp hàng lên ăn/rước bánh bánh thì lại nghe ai đó nói trong ‘mi cờ phôn’ là chỉ dành riêng cho người có đạo lên thôi, còn mấy người không có đạo thì ngồi chơi xơi nước, tui nghe sao thấy khó chịu quá, bộ Chúa có nói vậy sao? Nếu mà tui lúc đó ước ao được đón Chúa vào tôi vậy chắc Chúa bảo tôi- không được, đi ra chỗ khác chơi vì mi là người ngoài, phải vào đạo trước đã..-sao? Em nghĩ chà câu này thật là hóc búa lắm nghe! May thay em chợt nhớ là em được nghe cha Tiến Lộc của DCCT giảng lần nào đó là cha chơi rất thân với các thương tọa bên Phật giáo, và hàng năm nếu có dịp cha vẫn lên Chùa tĩnh tâm vài ngày với các thượng tọa vào dịp lễ Vu Lan hay Phật Đản. Lại nữa em cũng nghe nói là trong nhà dòng cũng có những môn học tìm hiểu về các đạo khác và cũng khuyến khích các tu sinh tiếp cận và tìm hiểu đạo khác và ngay cả Đức Giáo Hoàng cũng chủ trương hòa đồng tôn giáo nữa. Thêm vào đó em có chị bạn nói với em rằng chị ấy thân cận và đến với những người bạn đạo khác chị ấy thấy họ thêm phần quý mến và nhận ra được Tin mừng của đạo mình nữa. Biết và đến với đạo khác sẽ làm giầu thêm cho đạo/cho đức tin của mình giống như là mấy đứa nhỏ sinh ra ở đây mà giỏi tiếng Việt thì cũng giúp chúng hiểu tiếng Anh thêm như các nhà giáo dục về ngôn ngữ nhận xét. Hơn nữa nếu mình quí trọng đạo thì họ sẽ tăng lên lòng quý trọng đạo Chúa của mình thêm, phải không các chị?

*Em cũng nhớ cha Tiến Lộc còn giảng là con người tham sân si cũng khó dứt bỏ được kể cả các cha cũng nói hành nói tỏi nhau dữ lắm và Thiên đàng và Địa ngục không ở đâu xa mà ở ngay chính trong con người chúng ta đây. Này nhé! khi chúng ta có được tình thân yêu với người chung quanh, vui vẻ , hài hòa thì tâm hồn, đầu óc chúng ta thảnh thơi, an bình, thế là ta đang ở nước thiên đàng rồi, còn khi ta giận dữ, ghen ghét, giận hờn người khác thì tâm hồn, tâm tư bực bội, tức giận và đau khổ thì chính là lúc ta đang sống trong địa ngục vậy.

*Có người hỏi em rằng: Sống đạo ra sao? Có phải là đi dụ người khác vào đạo không? Hoàn toàn không phải vậy, sống Tin mừng không cần phải truyền bằng miệng lưỡi, không phải là cứ nói một điều “ vì Chúa’ hai điều cũng ‘vì Chúa’ mà thật ra chính là cách sống, cách đối xử với người khác; qua đó người ngoài sẽ nhận ra được tin mừng, nhận ra Chúa hiện diện nơi người có đạo, tuy họ không vào đạo nhưng vẫn luôn có cái nhìn tốt đẹp và kính trọng về người có đạo. Và ở đây, em nghĩ điều quan trọng là người có đạo sống đạo thật tốt hơn là có thật nhiều người theo đạo mà là sống khác điều đạo mình dạy.

Em còn bị nhiều câu hỏi hóc búa nữa nhưng thôi để xem câu trả lời của mấy cha, anh chị em khác ra sao đã, kẻo lại nói là em phải xuống đến mấy tầng địa ngục mới xứng cho em thì chết mất.

Thôi em xin chào các chị nhé.

Anna Têrêsa