Tuesday, 12 May 2020

Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật thứ 4 Phục Sinh năm A 03/5/20



     Khi ấy Đức Giêsu nói với người Do thái rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ." Đức Giêsu kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ.
     Vậy, Đức Giêsu lại nói: "Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào. Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ. Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.”  (Ga 10: 1-10)

Nỗi u hoài, Người có biết Chúa ơi,
siêng đọc kinh đi lễ… bởi một người,
Con trót dại đem hết lòng yêu mến.”
(Dẫn từ thơ Hoài Châu)
Siêng đọc kinh đi lễ, sao lại bảo: chỉ bởi một người? Đem hết lòng yêu mến, sao gọi đó là trót dại? Của người con?
Trình thuật thánh Gioan, nay nói về Chúa Chiên Lành, Đấng hết lòng yêu mến, không chỉ mỗi chiên con đang đi lạc, mà cả bầy. Bởi, đó là tình thương yêu tha thiết của Chủ Chăn Tối Cao, Đấng biết rõ chiên con trong ràn, Ngài nuôi dưỡng.
Là chiên con cùng ràn, Hội thánh tuy xuất cùng một nguồn gốc, nhưng lại mang tính đa năng đa dạng buổi đầu đời của thời tiên khởi. Vì đa dạng, nên các nhóm hội/đơn thể của Hội thánh không tránh khỏi tính ganh đua, tị nạnh, rất quyết liệt. Về với lịch sử, Đạo Chúa mang nhiều hình thái khá khác biệt. Và, Chúa Chiên Hiền Từ cũng nhân lành để bao gộp tất cả mọi chiên con vào chung một ràn, có tình yêu Ngài chăm sóc.
Một trong các cuộc chiến do người Do thái nổi lên chống lại cường quyền La Mã, đã kéo dài chiến tranh suốt từ năm 66 đến 70 sau công nguyên, phá hủy thành thánh Giêrusalem và Đền Thờ của Chúa. Cho nên các Kitô hữu sống ở thành thánh, cũng thưa dần. Đến một lúc, bị biến mất chỉđể lại Galilê và Syria, dấu vết của tình tiết đấu tranh. Của, tranh giành vai vế, lẫn địa vị. Chỉ mỗi cộng đoàn Phaolô của kiều dân Do thái là còn sống sót. Và, ràn chiên Hội thánh hôm nay là hậu duệ của cộng đoàn này.
Chẳng mấy chốc, sau đó đã xảy đến với cộng đoàn một vấn đề rất mới, là: các thánh nay ngóng chờ Chúa sẽ lại quang lâm lần nữa, rất bất ngờ. Dù, việc này không xảy đến ngay tức khắc, nhưng các thánh cũng đã duy trì được căn tính của cộng đoàn, nhờ tái tạo nguồn nảy sinh tinh thần đoàn kết từ việc đọc Sách thánh viết bằng tiếng Do thái, và theo các giới lệnh, truyện kể có liên quan đến các anh hùng dân tộc. Và, nhờ cộng đoàn Phaolô vẫn nhớ đọc thư từ/bài viết do thánh nhân gửi các cộng đoàn, ở khắp nơi. Và, nảy sinh nhiều nhóm hội, trong đó, có nhiều vị thiên về nhóm theo Do thái. Có nhóm vẫn phụ trợ thánh Phaolô, rất mực. Nên, tính đa dạng càng phát triển mạnh nơi cộng đoàn tin Chúa Chiên Lành, là Đức Giêsu.
Suốt thế kỷ thứ II, kẻ tin vào Đức Kitô gần như biến dạng khỏi xã hội. Mãi cho đến đầu thế kỷ thứ ba, mới thấy một số tín đồ sở hữu đất đai, xây dựng các hang toại đạo để ẩn lánh, và cuối cùng dựng xây nhà thờ/đền thánh thiết lập chốn thánh thiêng cho cộng đoàn thờ tự. Xem như thế, ràn chiên Hội thánh mang tính cách hiệp nhất đích thực và chính tông của Đức Giêsu, đến rất chậm và khá trễ, lúc ấy lại thấy các giải thích về nhà Đạo, cũng đã khác.
Đến giữa thế kỷ thứ ba và đầu thế kỷ thứ tư, cũng lại thấy một vài cuộc bách hại quyết loại trừ các Kitô hữu khỏi hiện trường tín thác. Cho đến năm 313, khi hoàng đế Constantin ra tay nhân nhượng người tín hữu ở phương Đông lẫn phương Tây, cho phép mọi người được tự do lựa chọn tôn giáo nào mình tin tưởng. Từ đó, Kitô giáo đã trở thành một thực thể xã hội đối với quần chúng. Tuy nhiên, đó chỉ là một trong các cung cách dẫn giải niềm tin vào Đức Kitô được Constantin chấp nhận. Mọi qui cách khác đều đi vào chốn “thầm lặng”, rất bí mật. Và vì thế, phần đông đã mất dạng.
Thời kỳ hậu-Constantin, chỉ một đạo giáo mang tính nguyên thuỷ, rất chính cống. Và chỉ mỗi phái nhóm chính tông chính cống này khả dĩ triển khai lời dạy của công nhiên rằng Đức Giêsu Kitô vừa là Chúa, vừa là người. Và, Thiên Chúa rất Ba Ngôi cũng từ lúc đó, được quan niệm. Vào cuối thế kỷ thứ hai, duy chỉ mỗi Đạo nguyên thủy-chính tông mới tồn tại. Số còn lại, đều trở thành “lịch sử”, lùi vào quá khứ.
Người Công giáo, nay biết rất ít hoặc chẳng có ý niệm gì về quá trình lịch sử của Đạo mình. Có vị chỉ có ý tưởng khá mơ hồ về lịch sử, lại đã cho rằng: công cuộc Phục Hưng thời Trung cổ đã khiến Hội thánh thêm rạn nứt. Và, rồi nghĩ rằng: ta thừa hưởng được “lề phải” rất đúng đắn từ các tranh luận về ràn chiên, một Chúa Chiên. Còn mọi giáo phái khác, đều có sai sót. Và, họ cũng cho rằng, Chúa Chiên Lành, là Chủ Chăn, chỉ nhân hậu với đạo giáo rất chính tông là Công giáo mình, mà thôi. Điều này, tưởng cũng nên nghĩ lại.
Quả là, có khá nhiều khác biệt giữa các nhóm/phái giáo hội, ở khắp nơi. Có người tin tưởng là: những khác biệt này có thể được hoá giải. Và, mọi người đều ước ao, nguyện cầu cho tình hợp nhất, và ai cũng đợi chờ ngày ấy mau mau đến. Tuy nhiên, lại vẫn biết rằng mình chẳng biết cách nào để chiên con tản khỏi ràn, về với nhau. Trong khi đó, lại có người cứ coi quá khứ của Đạo mình như mớ bòng bong, luôn rối rắm nhiều phía, rất khó khăn. Điều này ảnh hưởng lên tâm tưởng của nhiều người vốn sẵn có trong đầu về Đức Giêsu. Ảnh hưởng lên cả những ý tưởng mình vẫn xác tín về Đức Chúa.
Trình thuật hôm nay, cố ý nhấn mạnh rằng: Đức Giêsu là Chúa Chiên Lành, Chủ Chăn của chiên con thuộc mọi ràn. Tất cả các chiên con/chiên mẹ đều tin tưởng vào Ngài. Và, Ngài tin vào mỗi người, cũng như mọi người, bất kể người ấy thuộc phái/nhóm nào từ đàn chiên. Vì thế nên, nếu ta yêu thương/tự hào vào truyền thống của ta, thì đó là chuyện đương nhiên thôi. Nhưng, cũng nên nhận thức rằng: mọi việc đều có quá trình tạo từ truyền thống rất đa dạng, của ràn chiên.
Ngày nay, có điều gì đó đang diễn tiến đến với ta. Người người chừng như đang thay đổi tầm nhìn về “Đại kết”. Nói đến “đại kết”, ta thường tưởng tượng rằng: một ngày nào đó, các nhóm/phái “đã sai sót”, sẽ lại hồi hướng trở về với chiên ràn của chúng ta, tức ràn chiên duy nhất, rất đúng đắn. Và rồi, ta cứ thế giữ cao nhuệ khí và lập trường, rất đích thật. Đúng ra, ta nên biết là mọi sự không hẳn như thế. Và nhờ đó, ta học được tính khiêm hạ cần thiết, và biết Đạo mình cũng thu hẹp lại, nhỏ hơn trước. Và như thế, ta mới có cùng tầm nhìn và đánh giá mức độ quan trọng hoặc không quan yếu như phần đông các phái/nhóm “đối lập”, với ta.
Từ đó, ta nhận ra rằng: không chỉ trong quá khứ của riêng mình, mà cả cuộc sống hiện giờ, ta đã trở nên “một” trong mọi người. Ta bắt đầu hiểu ra rằng, ưu tiên cao nhất không phải là tranh giành để có mặt với “nhóm/phái” đạo giáo rất đúng đắn, chính tông. Mà là, sở hữu chỉ một Chúa Chiên Là, mà thôi. Để rồi kết quả, là: ta sẽ quan niệm lại vai trò được gọi làm Kitô hữu của chính ta, hôm nay.
Từ nay, ta nhận ra mình chỉ là nhóm Đạo thuộc thiểu số, rất bé nhỏ, có cuộc sống nội tâm quí báu, đã gây ảnh hưởng lên “thế giới mới” đang có quan niệm rất khác về Đạo của Chúa. Còn về những động thái rất tục phàm, đang vây quanh, thì ta cũng biết rằng Đạo mình không là câu giải đáp độc nhất cho lời nguyện cầu của mọi người. Mà, ta chỉ muốn cầu nguyện để mọi người tìm ra câu giải đáp thích đáng cho lời cầu trung thực của họ.
Thành ra, có thể là tương lai mai ngày của thánh hội ràn chiên sẽ không như ta tưởng, hoặc mong muốn. Có thể, ta cũng chẳng có được thời vàng son qua đó đường lối và cung cách hành xử mà Đạo Công giáo ta chủ trương, không khác là mấy lối sối sống thực thụ thời hậu Công đồng Triđentinô. Cũng có thể, là: ta sẽ học được qui cách khác hẳn mà trở thành chiên con hiền từ, cho dù ta không thuộc cùng một ràn với chiên ấy, như vẫn thấy. Và tin rất vui hôm nay, là: Vị Chủ Chăn vẫn không khác. Vẫn cứ là Chúa Chiên rất Lành, y như trước.
Và, nếu mỗi người chúng ta cứ để chiên con bám trụ bằng bốn chân, mà tìm cách sống biệt lập chẳng cần ai, thì sẽ thấy khó mà chăm sóc. Nhưng nếu ẵm bế chiên con bé nhỏ vào lòng cho êm ấm, ta sẽ thấy chiên trở lại yên ổn, rất an bình. Và, từ đó có được nhiều lông chiên, mà xén cạo. Chúa Chiên Lành Hiền Từ, cũng biết cách ẵm bế chiên con nào vẫn muốn chạy quanh đòi biệt lập. Biệt và lập, đến mức coi mình duy nhất chính tông, nguyên thuỷ, và ngoan hiền.
Trong tinh thần tự khiêm hạ, cũng nên ngâm tiếp lời thơ của nghệ sĩ còn để dở, mà rằng:

“Từ phương xa, Chúa ơi con tìm đến,
Rất đơn sơ, chỉ ước nguyện gặp Nàng.
Nhìn nụ cười, nhìn ánh mắt mênh mang,
mà yêu thương thêm muôn ngàn tha thiết.”
(Hoài Châu – Nguyện Cầu)

Bằng nguyện cầu, nhà thơ những muốn gặp nàng tiên của mình, để trao ban niềm yêu tha thiết. Nhưng, “nàng tiên” hôm nay, “chiên con” hiền lành, của đất trời ngoan hiền, đã ly biệt vì nhiều lẽ. Ly và biệt, vì đàn chiên nhỏ chỉ muốn sống biệt lập, rất cách ngăn.
Ly và biệt, bởi chiên ràn vẫn mang nơi mình tinh thần khuynh loát, coi thường mọi chiên khác, nên khó tụ. Nhà thơ hay nhà Đạo, nay cũng nên xem lại mà qui tụ ràn mình về với Chúa Chiên rất Nhân Hiền, mà đại kết. Sẽ rất đẹp một kết cục, với mọi ràn chiên của Đức Kitô, luôn kêu gọi mọi người, ra như thế.

Lm Kevin O’Shea DCC bien soạn –
Mai Tá lược dịch

No comments: