Cũng ngày hôm ấy, có hai
người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Emmau, cách Giêrusalem chừng
mười một cây số. Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra.
Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giêsu tiến đến gần và cùng đi
với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người.17 Người hỏi
họ: "Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?" Họ dừng
lại, vẻ mặt buồn rầu.
Một trong hai người tên
là Clêôpát trả lời: "Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà
không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay." Đức Giêsu
hỏi: "Chuyện gì vậy?" Họ thưa: "Chuyện ông Giêsu Nadarét. Người
là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa
và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người
bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, trước đây vẫn
hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israel. Hơn nữa, những việc ấy xảy
ra đến nay là ngày thứ ba rồi. Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm
chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, không thấy
xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống.
Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói;
còn chính Người thì họ không thấy."
Bấy giờ Đức Giêsu nói với
hai ông rằng: "Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin
vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới
vào trong vinh quang của Người sao? Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn
sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách
Thánh.
Khi gần tới làng họ muốn
đến, Đức Giêsu làm như còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người rằng: "Mời
ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn." Bấy giờ
Người mới vào và ở lại với họ. Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời
chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng
Người lại biến mất. Họ mới bảo nhau: "Dọc đường, khi Người nói chuyện và
giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên
sao?"
Ngay lúc ấy, họ đứng dậy,
quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó.
Những người này bảo hai ông: "Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với
ông Simôn." Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc
mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.
Trình thuật thánh Luca, nay đưa ra luận cứ về điều
mà nhiều thành viên Hội thánh xem ra vẫn cãi tranh, giành giựt mọi thắng lợi để
thuyết phục người người chấp nhận lý lẽ mình đưa ra.
Về sống
lại, nhiều sự kiện xảy đến với Chúa, không theo hướng quen thuộc, nên nếu người
người sử dụng ngôn ngữ bình thường để suy nghĩ, sẽ thấy cũng khó mà tin. Khó,
nhưng đó là việc có thật, từng xảy đến. Chúa sống lại, tuy gây dao động, nhưng
đã tạo cho mọi người xác tín rằng niềm tin chính là quà tặng Chúa ban để mọi
người có dịp suy nghĩ. Suy và nghĩ, những gì xảy đến với Chúa, rất hợp tình.
Hợp lý. Chẳng nghi nan.
Xét bề
ngoài, ta thấy nhiều việc xảy đến với Chúa xem ra khá mâu thuẫn. Nên trên thực
tế, không phải ai ai cũng đều công nhận Chúa đã sống lại làm người thường.
Nhưng, nếu Ngài lại bằng cách mặc lấy xác phàm làm người thường, thì sau đó,
chắc Ngài sẽ phải chết thêm lần nữa. Sự thật, không phải thế. Trình thuật hôm
nay, thánh Luca mô tả việc Chúa đến đồng hành với môn đệ bằng hình hài ta thấy
và sờ chạm được bằng chân tay, nhưng không thể tưởng tượng được là: Ngài sẽ
phải chết, thêm lần nữa. Thật ra, không thể có chuyện như thế. Điều, thánh Luca
kể ở Tin Mừng, là để nói lên ý nghĩa nào đó mà nhiều vị gọi là truyện “Đường
Emmaus, hành trình với môn đệ”.
Về thể
lý, một khi đã chết rồi, thì những gì là xác thân hoặc vật thể vũ trụ, đều rữa
nát, vỡ tan. Không ai có thể trở lại sống với xác thân có xương thịt vẹn toàn
như khi trước. Chẳng người nào lại có thể duy trì cùng một xác thân, suốt miên
trường. Khi đã chết rồi, mà lại tái sinh với nguyên vẹn hình hài như khi trước,
thì đó chỉ có thể là vòng chuyển luân, luẩn quẩn hết kiếp này đến kiếp khác,
khoanh tròn quanh thành vòng quay sống-chết/chết-sống, không lối thoát.
Truyện
hai môn đệ hướng về thành đô Giêrusalem được thánh Luca ghi chép, còn để nói
lên rằng: Đức Giêsu được đồ đệ nhận ra Ngài đích thực là Đức Chúa Ngôi Hai, vẫn
tồn tại với mọi người. Ngài chẳng là quỉ ma hiện hồn theo qui cách của người
thật. Nhưng, Ngài hiển hiện qua hình hài sao đó, rất sống động (Mc 16: 12). Ở
đây nữa, khi viết Tin Mừng Phục Sinh, thánh Luca tập trung nhấn mạnh vào điểm,
bảo rằng: Chúa tỏ cho mọi người thấy hình hài của Ngài theo qui cách rất khác,
nên khi gặp lại Ngài, đồ đệ thấy mình sợ hãi, đến khiếp kinh (Lc 24: 37). Vì
kinh khiếp, nên đồ đệ mới nói năng những điều chẳng có nghĩa. Theo nhà chú giải
Kinh thánh Herbert McCabe, thì: khi đồ đệ gặp Thầy Chí Ái, các thánh cứ tưởng
Thầy là Vị đồng hành chẳng hề quen biết. Kịp đến khi Thầy nhắc lại toàn bộ chi
tiết về lịch trình cứu độ, các thánh mới vỡ lẽ ra đó là Thầy.
Xem thế
thì, Phục Sinh là điều mà người phàm xác thịt chúng ta chẳng thể nghiệm ra bằng
lý lẽ của đời thường, để kiểm chứng. Bởi, dù biết Chúa sống lại thật, các thánh
vẫn không coi đó như một chứng cứ hiển nhiên, tựa khi Ngài còn sống. Nhận biết
hình hài Chúa rất nhãn tiền, điều đó có nghĩa: các thánh đã có động thái
tin-yêu rất khác thường, trong cuộc sống. Và, đây là thực tại chỉ xảy đến với
những người cũng trỗi dậy như Chúa và với Chúa bằng niềm xác tín yêu thương của
người vẫn tin. Tin, theo qui cách và ý nghĩa khác. Khác ra sao, đó là vấn đề.
Là, sự thực. Thực ra sao? Cũng nên suy xét.
Trở về
với lập trường chú giải của các tổ phụ thuộc Giáo hội Đông phương thời tiên
khởi, như: Thượng phụ Origen, Grêgôriô thành Nyssa… khi gọi sự việc gì là ‘cảm
nhận linh thiêng’, các ngài có ý nói về cảm xúc thiêng liêng, sốt sắng. Điều mà
các đấng bậc trên nói đến, có ý bảo rằng: tất cả chúng ta đều mang trong người
cung cách yêu thương có nhận thức sự vật mà não-bộ-thần-kinh-thuộc-mé-trái
không thể lĩnh nhận.
Nhờ yêu
thương như thế, con người ‘định hình’ sự vật thành những ảnh hình như do chính
mình tạo ra. Làm như thế, là để tác tạo thực thể như mọi người vẫn làm cho
chính mình, nơi phần sâu thẳm của con người. Làm như thế, là để nhận thức rằng:
thực thể ấy có thật. Vượt quá phạm vi và qui cách của ảnh hình. Nói theo ngôn
từ triết học, thì các triết gia gọi đó là “tiềm thức”. Coi đó là giòng chảy
sống, rất diệu kỳ. Là, sờ chạm thế giới nguyên uỷ không hư nát, mà thường ra,
ta không sống ở trong đó.
Nhận thức
sự vật như thế, giống hệt cảm giác thấy được ‘lửa ngọn’ rực cháy trong người
mình. Lửa rực cháy, khiến mình sống yêu thương, hạ mình. Thúc bách mình sống
bừng sáng luôn tiến về phía trước. Có tiến như thế, mới cảm nhận được ‘lửa ngọn
bùng bừng’ đang trào dâng với mức độ rất mới mẻ. Khác thường. Có kinh nghiệm
từng trải rồi, người người sẽ nhận ra cuộc sống lại thực sự đang dâng trào nơi
con người mình.
Đó là
cung cách mà dân con đồ đệ dám sử dụng thơ văn như chưa từng làm, và cũng chẳng
ai nghĩ tới để diễn tả tình huống Chúa Phục Sinh hiện hình với dân con của
Ngài, thật như thế. Có thể nói, các thánh đã sờ chạm Chúa. Cảm nhận được nhịp
đập nơi tim mạch cùng vết thương đầy máu của Ngài. Thấy được Thầy mình bẻ bánh
rồi cầm lên ăn. Các thánh không thể quên được vị ngọt nơi bánh thánh Thầy trao
tặng. Tự thân, các thánh đều biết rõ chính Thầy là Đấng đã bẻ bánh phân phát
cho người nghèo hèn, rất đói kém. Tương lai mai ngày, rồi ra các ngài cũng sẽ
tạo nên thơ/văn như thế để kể về Thầy đến với mình, nơi nào đó. Thầy đến để bẻ
bánh, ban phát tình thương yêu nồng thắm, cho chúng nhân.
Thực tế
là như thế. Nhưng ngày nay, điều đáng buồn là rất nhiều tín hữu Đức Kitô cứ
khăng khăng tin rằng thân xác Chúa trỗi dậy với cuộc sống theo hình thức rất
thể lý. Rất nghĩa đen. Và, họ coi đó như thực tại duy nhất, không bàn cãi nữa.
Buồn hơn nữa, lẽ đáng ra, ta phải hiểu Phục Sinh nhiều hơn thế. Nếu hiểu Phục
Sinh chỉ là Chúa hiện diện với hình hài xác thể như khi trước thôi, tức là ta
tự mình để luột mất ý nghĩa chính đáng, của nhiệm tích có thực. Buồn biết bao,
khi nhiều người/nhiều vị vẫn lên án các đấng bậc nào khác nhận thức Chúa sống
lại theo kiểu cách thơ văn mà thánh Luca viết theo dạng dụ ngôn, hay sao đó.
Buồn nhiều cả, là: các vị không nghe và không thấy giòng chảy thi ca/âm nhạc
vẫn tiềm tàng ẩn mình ở trong đó. Thực tại Sống Lại rất thật. Thật, một cách
đích thực.
Quả thật,
Chúa sống lại THỰC. Ngài khiến ta THỰC THỤ sống lại với tình
Thương như bao giờ sống vậy.
Trong tâm
tình đó, tưởng cũng nên ngâm nga tiếp nguồn thơ/văn của thi sĩ trên, còn viết
tiếp:
“Có lần
tôi thấy một bà già
Đưa tiễn
con đi, trấn ải xa
Tàu chạy
lâu rồi, bà vẫn đứng
Lưng còng
đổ bóng, xuống sân ga.”
(Nguyễn Bính – Những Bóng Người Trên Sân Ga)
“Thấy một
bà già” hay thấy nhiều bà mẹ còn đó bóng hình đổ trên sân ga cuộc đời, là thực
tại. Thấy lưng bà còng. Thấy bóng hình chờ con của bà “sống lại” rồi chợt đến
để sẻ bánh/chia cơm, mà sống thực. Thực tình sống cõi đời đầy yêu thương, như
Chúa dạy. Suốt miên trường. Đó cũng là ý nghĩa và tác động của thơ văn, trong
đời.
Lm Kevin O’Shea DCCT biên soạn
Mai Tá lược dịch
No comments:
Post a Comment