“xa xôi người có nhớ thương gì?”
(dẫn từ thơ Nguyễn Bính)
Mt 28:
16-20
Thương hay nhớ, thì xuân kia cũng
rộn rã, đã ra đi. Ra đi, nào có gì để thương nhớ? Nhớ và thương, Chúa Xuân vẫn
liên tưởng đến đàn con còn ở lại, khi Ngài chuẩn bị để ra đi. Có chuẩn bị, nên
Ngài vẫn dặn dò dân con đồ đệ hãy thương và nhớ Lời Ngài dặn, rồi sẽ vui tươi.
Trình thuật thánh Mátthêu nay ghi
lại việc Chúa sửa soạn ra đi về cõi miên trường. Từ biệt dân con mọi người Ngài
để lại một lời dặn rất tha thiết. Tha thiết dặn dò, bằng giới lệnh mới, với
thương yêu. Nuông chiều. Nhiều thuyết phục. Ngài ra đi về cõi miên trường nơi
có Chúa Cha, có cả Thần Khí vinh quang như lời Hội thánh, vẫn tuyên xưng.
Ngay chương đầu sách Công Vụ,
Thánh Luca đã viết: Đức Giêsu được nâng nhấc lên chốn mây trời ngập tình Chúa.
Về với Chúa Cha, Đức Giêsu biến khỏi tầm nhìn của các thánh ngày hôm ấy. Đó là
sự thực, rất thật. Không có gì phải thắc mắc. Thế nhưng, ở chương cuối Tin Mừng
cùng tác giả, thánh nhân lại bảo: Chúa về trời chiều Chủ nhật, Chúa Phục Sinh.
Nơi thôn làng bé nhỏ, rất Bêtania. Nếu để qua một bên đặc thù không gian và
thời gian thiếu tính chất sử học, thì người đọc sẽ hiểu tường tận hơn ý nghĩa
của sự kiện “Thầy về với Cha”. Hiểu rất rõ: ý nghĩa, giá trị và những thách đố
liên quan đến niềm tin, ngay sau giòng chảy của trình thuật.
Về không gian nơi chốn, người xưa
thường hay liên tưởng đến 3 yếu tố: “lên”, là lên cao tít chốn thiên
triều. “Xuống”, là đạt xuống tận cùng của ngục thất, chốn luyện hình.
Và, “giữa chừng”, là ở giữa nơi đây, chốn địa cầu này, rất trái đất. Xem
thế thì, Đức Chúa được nâng nhấc “lên” chốn cao sang tít mù ấy, là vì
Ngài mới vừa “xuống” tận đáy chốn ngục hình, hôm Thứ Bẩy Tuần Thánh.
Nên, hôm nay, người người lại không nghĩ như thế, khi xét suy về chốn vũ trụ
bao la. Rất lạ.
Về thời gian diễn tiến sự kiện
“Chúa thăng thiên/về Trời”, có người cũng thắc mắc tự hỏi: hôm ấy, Thứ Năm hay
Thứ Bẩy? Hỏi thế, tức hiểu sự kiện Chúa về trời, chỉ theo chữ. Hỏi thế, tức
thắc mắc không biết việc Chúa về trời có rơi vào 40 ngày sau Phục Sinh, không?
Hay rớt đúng ngày Chúa Sống Lại? Hỏi và thắc mắc như thế, tức: là hiểu Lời Chúa
rất từng chữ. Chỉ theo nghĩa đen thôi.
Cũng nên biết, thời Chúa sống,
con số “40” mang ý nghĩa của thời gian tương đối khá dài ngày. Tựa hồ số “3”
xưa nay được sử dụng để nói về thời gian tương đối cũng rất ngắn. So với hôm
nay, nếu diễn đạt sự kiện lịch sử rày xảy đến, ta sẽ không suy nghĩ theo kiểu
như thế.
Về những ảnh hình mô tả vị thế
của Đức Chúa, người người sẽ còn thắc mắc hỏi thêm: có thực là Đức Chúa về
trời, Ngài sẽ trị vì ngồi bên phải Chúa Cha, không? Một lần nữa, hỏi thế tức
hiểu trình thuật, rất từng chữ. Chỉ theo nghĩa đen. Bởi, nếu thực tế hiểu đúng
theo nghĩa này, thì người người sẽ kết luận: hẳn Chúa Cha sẽ luôn phải sử dụng
tay trái nên chắc cũng mỏi lắm?! Bởi, Ngài cứ phải trao ban cho Con Một Ngài
mọi bài sai, bằng tay trái, mất thôi!
Diễn tả sự việc bằng ảnh hình,
tưởng cũng không nên diễn và tả Chúa về Trời theo cung cách của tàu vũ trụ rời
bệ phóng tiến vào cõi không gian, xen đan với tinh tú. Ngài phải là “Đấng Siêu
Nhân” chiến thắng thần chết, bằng Phục Sinh, nên Ngài đang ở trên một hành tinh
nào đó, trên không gian, mà phải hiểu thăng thiên về trời đây, mang tính thiêng
liêng, linh đạo. Sâu sắc.
Thăng Thiên về trời, có nghĩa là:
Đức Chúa Phục Sinh nay rũ bỏ mọi ràng buộc về không gian, thời gian, về cả
những cảnh huống rất thế trần. Để rồi, Ngài sẽ có mặt ở mọi nơi. Vào mọi lúc.
Cả vào lúc khởi đầu một sự việc, giản đơn. Thăng thiên về trời, còn có nghĩa
là: Ngài đang ở trong ta, và quanh ta. Ở, bất cứ nơi nào ta đi đến, Ngài cũng
đến. Vào mọi lúc, Ngài luôn có mặt ở với ta. Cả khi xảy ra bất cứ việc gì, tốt
hoặc xấu.
Vì thế, ta sẽ trải nghiệm được
hiện hữu của Ngài ở bất cứ đâu. Bằng bất cứ đường lối/cung cách nào. Và đây là
điều khác lạ nữa là: ở nơi Ngài trụ trì, sẽ chẳng có lãnh đạo toàn trị, như mặt
đất. Cũng không còn giáo chủ, hồng y hoặc đấng nào chủ quản cả. Cũng chẳng còn
mạng vi tính, để tính toán. Ngài sống trọn vẹn và trung thực đến độ ngay sự
chết cũng không thể cướp đi được sự sống, khỏi nơi Ngài. Sự sống ấy, nay Ngài
lại sẽ ban cho mọi người, rất tràn đầy và trọn vẹn.
Thăng thiên về trời, còn có nghĩa
là: Chúa luôn chúc lành cho toàn thế giới nhân trần. Nơi đó có sự hiện hữu của
hết mọi người, rất sống động. Đức Chúa không chỉ chúc lành cho Hội thánh của
Ngài mà thôi. Và, cũng không một ai ràng buộc được Ngài vào với chỉ một Hội
thánh, mà thôi.
Và, Ngài cũng hiện diện không chỉ trong khuôn khổ nhỏ hẹp, của
Nhà Tạm. Nhưng, ở khắp nơi. Cả trong ta. Cả, từng tế bào xuyên suốt của hiện
hữu. Ngài không nề hà mọi tính chất nhỏ bé li ti để giáng hạ. Thăng thiên về
trời, Ngài đến trở lại với ta mà hoá giải mọi khó khăn, bức bách. Để, đem về
cho Cha mọi tình huống của ta, qua nguyện cầu, chúc tụng. Và, Ngài khai phóng
Nước Trời để rồi sẽ đoái nhìn vào từng chi tiết nhỏ ở tình cảnh ta đang sống,
với lòng yêu thương mến chuộng, và chúc phúc.
Nhờ việc Ngài làm, mỗi người và
mọi người rồi sẽ nói: bản thân mình cũng cần thăng thiên về trời cùng Ngài để
thăng tiến chính mình. Mình cần được nâng nhắc, hầu rũ bỏ những khốn cùng/tồi
tệ với cảm giác xuống cấp. Thật thấp. Dù, ta có xuống tận đáy cùng của mọi ngục
thất, rồi cũng lại được hướng thượng ngước cao hơn, ra khỏi tính chất hẹp hòi,
nhỏ nhen mà thăng hoa. Hướng thượng. Hướng rất thượng, để rồi sẽ hiểu rằng: nỗi
chết và những hạn chế của không gian và thời gian. Của, tình trạng kinh bang tế
thế ở đời thường, sẽ không làm mọi người rời xa Đức Chúa, dù Ngài đã thăng
thiên.
Thế đó, là ơn gọi của mỗi người,
vào buổi Chúa thăng thiên về trời. Thế đó, là sự việc diễn ra ở núi thánh. Nơi,
mà chính thánh sử từng ghi chép về hiến chương Nước Trời, về giới lệnh hãy cất bước
ra đi mà thay hình đổi dạng, trọn thế giới. Nơi, có các thánh “cứ đứng đó nhìn
trời”, buồn rã rượi.
Quả là, Đức Giêsu rất có lý khi
Ngài tỏ bày: “Chỉ một thời gian nữa, anh em sẽ không còn thấy Thầy. Và một
thời khắc nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy.” Xem như thế, có lẽ cũng phải mất
một thời gian nữa, ta mới “nghiệm” ra được những gì mà sự kiện Chúa thăng thiên
về trời, tỏ bày cho ta hiểu. Cũng nên nghiệm ra được sự thật này, để mà sống.
Để được thế, hãy cứ sử dụng thời gian dành để cho ta, như mong muốn. Chắc chắn
Chúa sẽ chúc lành cho thời khắc mà ta chưa đạt được. Nhưng, Chúa vẫn sẽ ở trong
ta, khi ta hiện thực vai trò đem Chúa đến với mọi người.
Bằng vào bài sai Chúa ủy thác,
nay là lúc ta hiên ngang dấn bước thực hiện bài sai ấy. Thực hiện điều mà Chân
phước Gioan Phaolô II từng đặt tựa đề cho sách của ngài viết:“Hãy trỗi dậy
mà ra đi!”, ngõ hầu khuyến khích con dân Hội thánh đang hiện thực, Lời Chúa
dạy.
Cùng phấn kích với Hội thánh,
cũng nên ngâm tiếp lời thơ còn bỏ dở, mà hát rằng:
“Tất cả mùa xuân rộn rã đi!
Xa xôi người có nhớ thương gì?
Sông xưa chảy mãi làm đôi ngả,
Ta biết xuân nhau, có một thì.”
(Nguyễn Bính – Cuối Tháng Ba)
Cùng với Xuân mùa, rộn rã đi.
Người đi vội, kịp đến chùa/đền. Còn ta đây, vẫn nhớ người đôi ngả. Rộn rã biết
“xuân nhau có một thì”. Thì, của nhớ và thương. Thân tình. Quyết thực hiện điều
Thầy dặn rõ, mới hôm nào.
Lm Kevin O’Shea DCCT biên soạn
Mai Tá lược dịch