Phụng
vụ Lời Chúa của Chúa Nhật thứ hai mười lăm mùa thường niên mời gọi chúng ta đối
diện với một vấn đề rất quen thuộc và vô cùng quan trọng trong lối sống của người
môn đệ. Chúng ta cần học để xử dụng của cải như thế nào?
Tiền
của có đó. Nhưng cách làm ra tiền và cách xử dụng luôn là những vấn đề then chốt
trong cuộc sống của tín hữu. Tiền của có thể là đầy tớ, khi khác lại là ông chủ
chi phối cuộc sống của người môn đệ. Nó gần gũi và gắn liền với cuộc sống của
chúng ta đến độ đã có nhiều người nói “đồng tiền liền khúc ruột.” Chúng ta không thể coi thường nó.
Nhìn
lại lịch sử và xem lối sống của những người chung quanh, chúng ta khám phá ra một
điều thật lạ. Bởi vì có hàng triệu, triệu người đã và đang tin vào tình thương
cứu độ của Chúa; rồi lại có hàng hàng lớp lớp những người trẻ có, già có nối
đuôi nhau ra đi tham gia vào các công tác thiện nguyện, cứu trợ người nghèo… Thế
mà số người chết đói và sống trong cảnh thiếu ăn thiếu mặc vẫn không thuyên giảm!
Tài sản mà Thiên Chúa trao ban cho con người thuộc về ai? Chúng ta đã xử dụng
nó vào mục tiêu nào? Cho cá nhân hay cho việc chung?
Đối
với các tín hữu, chúng ta được dậy là cuộc sống của chúng ta không chỉ lệ thuộc
vào tiền của; và tiền bạc cũng không là mục đích tối hậu mà chúng ta nhắm đến.
Toàn bộ con người và cuộc sống của chúng ta là để và dành cho việc phục vụ Nước
Trời.
Nói
thì dễ, làm rất khó. Nhưng đó là bổn phận. Nói chưa đủ, phải làm vì không làm không
được.
Trong
bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Luca tiếp tục thách thức những người tham lam và những
ai chỉ biết đến tiền và tiền.
Trước
tiên, chúng ta nghe một dụ ngôn tuy đơn giản, nhưng lại đưa ra nhiều điều hơi
khó hiểu. Dụ ngôn nói về tình trạng của một vị quản lý bị tố cáo đã phản bội và
không xử lý tốt tài sản của chủ nhân. Ông ta bị chủ cho nghỉ việc. Trước khi bị
đuổi việc, ông có thời gian để hoàn bị sổ sách với chủ của mình. Trước quyết định
như bị sét đánh, ông quản lý không một chút hoảng hốt, bình tĩnh ngồi lại để
suy nghĩ và tính toán cho tương lai mình. Ông bèn nghĩ đến việc thực hiện một
vài cuộc giao dịch với các con nợ của chủ ông.
Theo
luật Môi-sen và để bảo vệ cho nhóm người nghèo thì người Do Thái không được phép
cho cho vay ăn lãi. Tuy nhiên, nếu họ tìm ra được chứng cớ công nhận những khoản
cho vay là những vật liệu mà người vay không nằm trong tình trạng cấp bách để
dùng thì được quyền tính lời. Vì thế, trong dụ ngôn hôm nay chúng ta thấy dầu
và lúa được đề cập; vì nhà nào mà không còn chút ít dầu và lúa để dùng; đây là
những thứ dùng để dự trữ, không phải là những vật liệu cứu đói; nên ông quản lý
được quyền tính lời. Như vậy, việc giảm thu lãi mà người quản lý làm trong dụ
ngôn cũng không làm thiệt hại tài sản của ông chủ.
Bằng
cách tính toán này, ông quản lý đã chuẩn bị cho giai đoạn hoạn nạn sau khi bị
chủ đuổi; ông sẽ có thêm nhiều bạn hữu, họ sẽ nhớ đến ân tình mà cư xử tốt với
ông sau này. Còn phía ông chủ, khi phát hiện ra điều này, khen ngợi sự khôn khéo
của viên quản lý.
Đức
Giê-su kết thúc dụ ngôn bằng lời khẳng định rằng những người tội lỗi của thế hệ
này trong cách cư xử với nhau thì khôn khéo hơn con cái của ánh sáng. Sau đó, Người
khuyên chúng ta hãy xử dụng tiền của, tự nó đã là vật bất chính, như một cách để
tạo lấy bạn bè, phòng lúc bất trắc, khi lâm vào cảnh cùng cực, thì có người sẽ
đưa tay ra để đón rước và dẫn chúng ta vào nơi vĩnh cửu.
Tiền
của, tự nó đã có mãnh lực như một vị thần, nhưng khi chúng ta biết làm chủ thì
nó không thể điều khiển tâm trí và lối sống của chúng ta; lúc đó tiền của lại
có thể làm nên những điều lợi và tuyệt vời. Con cái ánh sáng là những người cố
gắng sống theo hướng tốt lành và thiện hảo.
Là
những người con của sự sáng, chúng ta được mời gọi sống khôn ngoan và chân thật
về cách xử dụng những hồng ân đã được ban tặng hầu mưu cầu ích lợi bền vững và
lâu dài sau này. Hãy luôn ghi nhớ rằng chúng ta, tất cả, đều là những đầy tớ vô
dụng chỉ biết thực hiện nhưng điều Chủ sai khiến.
Quả
thật, câu chuyện trong dụ ngôn tuy có nhiều điểm khó giải thích, nhưng lại nêu
lên một vấn đề căn bản trong cuộc sống của người tín hữu là cần phải khôn ngoan
khi dùng những ân huệ mà chúng ta đã lĩnh nhận. Làm giầu bằng cách cho đi thì
ích lợi hơn là lối sống đầu cơ tích lũy ân sủng cho công nghiệp riêng mình.
Viên
quản lý đã bất chính trong việc xử dụng tài sản của ông chủ. Nhưng theo Đức
Giê-su thì ông lại khôn khéo khi dùng việc giảm thiểu phân lời để tạo thêm tình
bạn. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là phương thức giải quyết khó khăn tạm thời. Người
môn đệ của Chúa phải học để biết cách xử dụng tiền của cho mục tiêu dài hạn
theo ý của chủ. Đây mới là điều quan trọng mà chúng ta cần đạt được.
Khi
tạo dựng, Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta quyền trông coi tài sản của Ngài.
Chúng ta chỉ thi hành bổn phận của người quản lý. Một người quản lý trung tín
là người biết coi sóc và lệ thuộc vào ông chủ. Chúng ta không xử dụng tài
nguyên, năng lực như của riêng, nhưng phải theo ý của chủ. Phải biết tính lời
cho chủ chúng ta. Như thế, không chỉ tiền của mà là mọi sự chúng ta có được nhằm
cho người khác. Chúng ta chỉ là những tá điền trong vườn nho của Thiên Chúa.
Tuy
nhiên, ai trong chúng ta cũng nên thừa nhận rằng lòng tham là sức mạnh cám dỗ
chúng ta trở thành những kẻ lệ thuộc thay vì làm chủ tiền của. Không ai có thể
làm tôi hai chủ được.
Chúng ta cần học để biết mà sử dụng các ân huệ của
Chúa sao cho được sung túc và sinh nhiều hoa lợi, không cho bản thân, mà là cho
Chúa và tha nhân. Nói cách khác, một
khi chúng ta dấn thân vì nước Trời thì tiền của, năng lực, con người và toàn bộ
cuộc sống của chúng ta cũng chỉ là dụng cụ cho việc phục vụ tha nhân theo tiêu
chuẩn của Nước Thiên Chúa mà thôi.
Lm Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT
18/9/2019
No comments:
Post a Comment