BỔN PHẬN ĐỐI VỚI NGƯỜI NGHÈO
__________________________
Lm Giuse
Mai Văn Thịnh, DCCT
Dụ ngôn nói về lối sống nhung lụa của ông phú
hộ và cảnh nghèo hèn đói khát của La-da-rô hôm nay như một tiếng chuông báo động,
nhắc nhở, cảnh tỉnh lối sống vô tâm và vô cảm của chúng ta. Trong dụ ngôn, Đức Giêsu
giới thiệu hai nhân vật: Người giàu không có tên, còn ông nghèo hèn kia, tên là
Ladarô. Một nghịch lý, vì theo thói đời, những người giầu có quyền quí mới được
khắc tên trên bia đá, bảng vàng để mọi người ghi nhớ; còn có ai dư giờ, rỗi hơi
mà ghi tên những người nghèo. Chỉ mình Chúa quan tâm, thương yêu và hay bênh vực
họ.
Trình
thuật mô tả hai cảnh đời trái ngược nhau. Chúa không hề nói đến cách làm giàu của
ông phú hộ; và cũng không hề ca tụng cảnh nghèo của La-da-rô. Không có chỗ nào
nói Ladarô là một con người nhân đức, anh chỉ được giới thiệu là một người
nghèo. Cũng vậy, không có chỗ nào nói ông nhà giầu là kẻ ác ôn, đã vơ vét của cải
một cách mờ ám, đã chiếm đoạt, đã bóc lột một cách bất chính, đã lợi dụng hay
ngược đãi La-da-rô. Chúa cũng không bảo La-da-rô là người đức hạnh và ông nhà
giầu là người xấu xa. Chỉ đơn giản, ông nhà giầu là người giầu, Ladarô là người
nghèo.
Ông nhà giầu đã không nhìn thấy La-da-rô
nghèo đói khốn cùng, đang nằm ở ngoài cổng. Giữa họ có một khoảng cách. Khoảng
cách không phát sinh từ hoàn cảnh;cho bằng thái độ sống và cách chọn lựa: Lòng
vô cảm, không quan tâm của ông nhà giầu.
Giải thích thế nào cũng không vuợt qua đuợc
trọng tâm mà dụ ngôn muốn gửi đến:
Nếu chúng
ta không quan tâm, giúp đỡ, thuơng yêu người nghèo hèn thì chúng ta không còn
là bạn của Đức Giêsu nữa.
Vẫn biết sứ điệp thật rõ ràng. Nhưng áp dụng
vào hoàn cảnh thực tế không dễ dàng.
Khi còn làm việc tại trung tâm Hoan Thiện, một
cơ sở công giáo của người Việt tại Keysborough và các vùng phụ cận thuộc về
phía nam của thành phố Melbourne. Tôi thuờng gặp những hoàn cảnh thật khó xử.
Có những người đến xin được giúp đỡ. Dân Việt mình thì xin chứng giấy tờ, bảo đảm
đức hạnh.
Còn những nguời khác, người thì xin tiền, kẻ
khác đổ xăng hay trả tiền thiếu hụt thuê nhà, v.v. Lòng thì muốn giúp, thế
nhưng đầu óc, kinh nghiệm và những lời khuyên của các vị lão luyện trong việc mục
vụ làm tôi chần chừ. Cuối cùng, tôi cũng tìm cách thoái thác và gửi họ đến các
văn phòng xã hội lo cho người nghèo, như văn phòng của hội bác ái St. Vincent
de Paul. Tuy giải quyết xong vấn nạn. Nhưng lòng tôi cảm thấy không thoải mái
khi tiễn chân họ ra khỏi trung tâm. Cách hành xử như thế, tuy là có chút khôn
khéo, chưa hẳn là khôn ngoan.
Thật ra, không ai muốn nghèo. Cảnh nghèo thúc
đẩy con người không còn chọn lựa; ngay cả nhân phẩm và tư cách cũng có thể bị đổi
chác. Tôi còn nhớ rất rõ những gì đã chứng kiến trong chuyến đầu về thăm quê
huơng vào năm 2005.
Số là sau khi hoàn tất những công việc cần
làm. Vào buổi sáng cuối cùng của chuyến viếng thăm đó, thay vì vào nhà dòng,
chúng tôi ‘tự thuởng’ cho mình một bữa sáng tại khách sạn. Món ăn thua được
cung cấp tại khách sạn không bằng các phần ăn đạm bạc nhưng đầy tình anh em
trong nhà dòng. Chỉ được một điều là không khí trang trọng, lịch sự. Khách sạn
mà. Đang vui vẻ ba hoa với cha bề trên.
Lòng tôi chùng hẳn xuống khi nhìn thấy một
nhóm các cô gái, đóan chừng còn rất trẻ, chưa đến 20, đang ôm vai, bá cổ, nhõng
nhẹo với mấy người ngọai quốc. Lúc đó, tôi có chia sẻ với cha bề trên rằng.
Không hiểu tôi sẽ suy nghĩ và phản ứng thế nào nếu một trong các cô gái đó là
con cháu của tôi!
Như đã trình bầy ở trên; trọng tâm và sứ điệp
của dụ ngôn là việc chia sẻ mối dây yêu thuơng và lòng quan tâm của chúng ta
dành cho người nghèo.
Nhưng điều này không chỉ bị hạn hẹp trong việc
chia sẻ tiền bạc, cơm bánh mà thôi. Còn hơn thế nữa.
Tác giả của dụ ngôn truớc tiên nhắm đến những
người biệt phái. Chúng ta đừng quên cộng đòan mà Thánh Luca là một cộng Đoàn dân ngọai gốc Hy
lạp. Tuy nhiên, cũng có một số gốc biệt phái. Họ chủ truơng rằng sự giầu sang,
thịnh vuợng mà họ đang thụ huởng là phần thuởng và dấu chỉ mà Thiên Chúa phải
trao ban để tuởng thuởng cho các việc lành phúc đức và lối sống chu tòan lề luật
của họ. Còn đám dân ngọai kia biết gì về Chúa. Sự hiểu biết thiển cận của họ về
lề luật của Chúa nói lên tình trạng nghèo nàn của họ. Trong con mắt của những
người biệt phái thì đám dân nghèo đó thật đáng khinh. Họ giống như Ladarô, ngồi
bên ngoài nhà tại cổng ra vào để chờ chực phần ăn rơi rớt từ trên bàn tiệc của
những nguời biệt phái vậy.
Quan niệm của những người biệt phái thật sai
lầm. Thiên Chúa của Đức Giêsu không hành động như thế. Tất cả mọi người đều là
hình ảnh của Thiên Chúa. Con người thật đáng yêu đáng mến. Không có việc lọai
trừ hay phân chia giai cấp dựa trên tiêu chuẩn giầu hay nghèo, sang hay hèn. Tất
cả đều bình đẳng trong tương quan với Thiên Chúa.
Thánh Phaolô nói rằng không có gì có thể tách
chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Giêsu. Vì vậy, chúng ta được
mời gọi để nhận ra, để nhìn thấy Chúa Giê-su trong nhau, và cũng nhận ra các
giá trị thiêng liêng qua việc chia sẻ vật chất dành cho người khác. Và chỉ trong
mối dây tuơng quan mật thiết luôn nghĩ đến nhau, luôn quan tâm cho nhau mới
giúp chúng ta lắp đầy hố sâu ngăn cách vì vô tâm, vị kỷ để nối kết con người lại
gần nhau hơn, và trở thành một gia đình mà chính Chúa là nguời Cha duy nhất.
Đó là mối quan hệ mà Chúa Giêsu mời gọi chúng
ta xây dựng. Vì vậy, bài đọc hôm nay mời gọi chúng ta buớc ra khỏi tình trạng
an tòan trong cuộc sống để ra đi bằng việc làm hàn gắn các hố sâu ngăn cách và
kết nối con người lại với nhau. Chúng ta không cần chờ đến sau khi chết mới thấy
hậu quả của cuộc sống “vô cảm, vô tâm” của ông phú hộ trong dụ ngôn hôm nay.
Ngay đời này. Mấy ai sống trong nhung lụa mà thấy hạnh phúc. Họ đang tự chôn
mình trong nỗi cô đơn mà chính họ tạo ra.
Như vậy, dụ ngôn không hề có ý mô tả cuộc sống
mai sau. Dụ ngôn muốn nói rằng cuộc sống hiện tại của mấy ông nhà giầu cho dù
có sướng thật, nhưng chưa hẳn là một cuộc sống có giá trị. Sự hiện diện của người
nghèo không phải là một gánh nặng trong cuộc sống của ông; trái lại qua những
người nghèo, mấy ông nhà giầu phải nhận ra rằng cuộc sống của họ đang thụ hưởng
chỉ đem lại hạnh phúc đích thật nếu họ biết chia sẻ, xây dựng mối dây thân ái, tạo
sự hiệp thông bằng việc làm như những lời vàng ngọc mà chúng ta đã nghe trong
phần Lời Chúa của tuần trước là hãy dùng tiền của bất chính mà gây nhân nghĩa. Nhân
nghĩa là xây dựng đền thờ trong tâm hồn con người…
Nhưng hình như, uớc muốn của các người nghèo
như Ladarô trong bài Tin Mừng hôm nay không đuợc đáp ứng; và như vậy số phận của
ông nhà giầu coi như đã được quyết định.
Còn chúng ta thì sao?
Không có ai, kể cả người chết sống lại, có thể
buộc chúng ta phải yêu mến. Lời Chúa, lề luật và các ngôn sứ đã được gửi đến. Mặc
khải đã có sẵn. Đức Giê-su đã đến. Việc đón nhận để áp dụng vào trong cuộc sống
là bổn phận của chúng ta.
Vực sâu lớn nhất của cuộc đời là ích kỷ, là vô
cảm, là vô tâm và chỉ biết đến bản thân. Vì thế, chỉ có việc quan tâm, để ý đến
nhu cầu của người khác mới có thể tạo nên những nhịp cầu, những lối đi dẫn con
người đến sự hiệp thông, đến tình liên đới. Khi biết để ý đến người khác, dù chỉ
là nụ cười, đôi lời tâm sự, vài phút bên nhau … tất cả đều là dấu chỉ mà Thiên
Chúa gửi đến.
Và, trong Chúa tất cả đều dễ thương, tất cả đều
trở thành cơ hội để hành động. Vì thế, đừng sống vô tâm, đừng đến với nhau như
những người vô cảm. Còn rất nhiều Ladarô trong xã hội, trong lòng Hội Thánh. Họ
đang chờ chúng ta băng bó, suởi ấm để cho thế giới bớt băng giá hơn. Ai trong
chúng ta cũng nghèo. Nhận ra tình trạng nghèo của bản thân để biết rằng: chỉ có
trong Chúa chúng ta mới giàu có, chỉ có trong Chúa chúng ta mới làm được những
gì mà Chúa muốn.
Lm Giuse
Mai Văn Thịnh, DCCT
24/9/2019
No comments:
Post a Comment