Monday, 30 September 2019

Lm Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT : SỨC MẠNH CỦA LÒNG TIN



Với bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Luca đã đưa chúng ta trở lại cuộc hành trình lên Giêrusalem của Đức Giêsu. Người biết ngày hoàn tất sứ vụ đang đến gần, nên từ giờ phút này trở đi, Người dành nhiều thời gian để hướng dẫn các môn đệ.

Đức Giêsu nhìn nhận rằng việc gặp khó khăn, có thể bị vấp ngã hay vi phạm các lỗi lầm là một phần trong sứ vụ của người môn đệ. Nhưng các môn đệ không nên làm cho các thành viên khác bị vấp ngã bởi lối sống của mình. Đức Giêsu đã lên án những ai làm cớ vấp phạm cho kẻ bé mọn, Người nói rằng chẳng thà người đó bị đá cột và xô xuống biển thì hơn. Lời Đức Giêsu vừa phán có vẻ khá gay gắt, nhưng dường như Người không có ý khuyến khích chúng ta có những hành vi bạo động đối với những ai làm gương xấu cho kẻ khác. Thật ra, Đức Giê-su muốn nhắc nhở chúng ta nên nhớ đến bổn phận của mình. Đó là: hãy cẩn thận trong lời nói và hành động. Đừng làm cho người khác bị lầm đường lạc lối, bị vấp ngã hay lòng tin bị lung lay. 

Nhìn vào tình hình thực tế và quan sát các hiện tượng đã và đang xẩy ra trong các cộng đoàn; chúng ta không thể nào chối bỏ mức độ ảnh hưởng mà các vụ bê bối của một số vị trong hàng ngũ lãnh đạo đã gây ra. Gần đây chúng ta được nghe nhiều về các biến cố xẩy ra trong Giáo hội từ Mỹ sang đến Úc. 

Những sự kiện này được gọi là ‘xâm phạm hay lạm dụng tình dục’. Cụm từ tuy ngắn gọn, nhưng ảnh hưởng và sự thiệt hại của nó rất lớn. Nó ám chỉ đến hành vi phản bội về mặt tinh thần, tâm lý và sinh lý của một người có chức quyền đối với người kém thế hơn; đặc biệt là đối với trẻ em. Nó để lại trong tâm hồn và đời sống của các nạn nhân những vết thương và sự thù ghét Giáo hội. Đôi khi, họ còn mang mặc cảm bị khước từ. 

Họ cắn răng chịu đựng trong tủi nhục. Có một số người lại lâm vào trạng thái ‘trầm cảm’ và nghĩ là mình không còn xứng đáng thuộc về cộng đồng mà họ mong muốn là một thành viên. Quả thực, nếu Lời Chúa phán hôm nay được hiểu theo mặt chữ và áp dụng thì những người làm gương xấu đó, chẳng thà bị đá cột rồi ném xuống biển cho xong. 

Tuy nhiên, Đức Giê-su không dừng lại ở lời cảnh báo nghiêm khắc đó. Người tiếp tục khuyên các môn đệ phải giúp đỡ nhau nhận ra lỗi lầm mà ăn năn rồi quên đi các lỗi phạm của nhau không chỉ bẩy lần mà là bẩy mươi lần bẩy. Con số bẩy mươi lần bẩy không ám chỉ đến số lượng mà chúng ta phải tha cho nhau, nhưng còn nói đến chất lượng của sự tha thứ nữa. Có nghĩa là tha liên tục, tha không giới hạn và quan trọng hơn cả là chúng ta tha cho nhau vì chúng ta yêu nhau. Mọi hình thức đổ vỡ chỉ xẩy ra ở nơi không có sự tha thứ. 

Làm thế nào có thể đạt được các yêu cầu này. Hãy nhìn vào môi trường chung quanh, chỗ nào cũng hỗ trợ cho nền văn hóa đề cao chủ nghĩa cá nhân, lấy ‘cái tôi’ làm trung tâm. Suy nghĩ và cách sống này thấm nhuần và ảnh hưởng trong đời sống của các tín hữu. Phải chăng chúng ta cũng giống như một nắm cát rời rạc được bốc và đặt để bên nhau vào các sinh hoạt xẩy ra trong nhà thờ vào các dịp cuối tuần, rồi sau đó ra về và không còn có quan hệ hay tương tác nào với nhau. Ai sống mặc ai! 

Không phải thế, chúng ta được mời gọi và sống bên nhau như một gia đình. Chúng ta là phần tử của một thân thể, nối kết và được nuôi dưỡng bởi một giòng máu của Đức Ki-tô. Chúng ta được mời gọi sống và chia sẻ cho nhau, chăm sóc lẫn nhau và xây dựng nhau trong gia đình đức tin. 

Đó là tâm trạng và cảm nhận của các môn đệ khi họ nghe Chúa ban các chỉ dẫn về việc làm gương sáng và tha thứ cho nhau. Đây quả thật là một yêu cầu vô cùng trọng đại và vượt quá sức của họ. Tự mình họ rất khó thực hiện. Vì thế, các tông đồ, thay mặt cho các môn đệ, xin Chúa: 

“HÃY THÊM LÒNG TIN CHO CHÚNG CON.”

Các môn đệ đang cầu xin Chúa Giêsu thêm lòng tin cho họ, nghĩa là làm cho họ trở thành những môn đệ trung thành. Họ biết rằng nếu họ tuân theo mệnh lệnh của Người để tha thứ như Chúa thì họ cần sự giúp đỡ. Hành vi tha thứ này không tự nhiên đến với bất cứ ai, phải được phát sinh từ Chúa. Họ thấy mình trong một tình huống khó xử. Chúa Giê-su ra lệnh cho họ làm một việc mà họ chỉ có thể hoàn thành với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Vì thế, họ đã xin thêm lòng tin.

Đó cũng là lời van xin của chúng ta. Đã có nhiều lúc chúng ta đối diện với các khó khăn, những trở ngại vượt quá sức mình. Tôi muốn thay đổi nhưng dường như cảm thấy bất lực trong việc sửa chữa vì vậy tôi, không chỉ một lần mà rất nhiều lần, đã cầu xin: Chúa ơi, con cần Ngài, xin hãy thêm sức mạnh và lòng tin cho chúng con.

Ngay lúc đó, Lời Chúa phán hôm nay vọng trong tai tôi: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: “Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc”, nó cũng sẽ vâng lời anh em.” Lòng tin ở đây là sự phó thác và vâng lời mệnh lệnh mà Chúa muốn. Nó ẩn chứa tấm lòng cậy trông và tín thác vào Chúa là mình sẽ thực hiện các việc làm gương sáng, mình sẽ quan tâm và chấp nhận kể cả lỗi lầm của kẻ khác và sẵn sàng tha thứ cho họ nữa. Lòng tin như thế bao hàm việc làm, không chỉ để lòng tin của mình trưởng thành hơn, mà còn trở thành gương sáng cho người khác nữa.

Tự căn bản lòng tin không xuất phát tự mình, nhưng được ban tặng từ Chúa cho nên lòng tin phải được bám rễ vào Đức Giêsu và Hội Thánh Người. Lòng tin cần được chứng minh bằng việc làm. Cho dù, khoa học ngày hôm nay có thể làm cho rễ của cây dâu bật lên và đem đến một nơi khác để trồng, nhưng đó không phải là điều làm chúng ta quan tâm. Điều quan trọng mà chúng ta cần thực hiện dưới sức mạnh của lòng tin vào Chúa, chúng ta sẽ quan tâm, yêu thương, chăm sóc và giúp đức tin của chúng ta trưởng thành và lớn mạnh để có thể làm được những điều vĩ đại hơn. 

Như vậy, lòng tin mà chúng ta xin hôm nay cũng không phải là quà tặng được trao ban trong một lúc mà thôi. Sự trưởng thành và lớn mạnh của lòng tin thì giống như việc lớn lên của hạt giống. Nó phát triển theo các diễn biến xẩy ra trong các năm tháng của đời người, qua việc sinh lợi bằng các việc làm. Chúng ta cần được lớn lên mỗi ngày. Nhưng giữa những thực tế của cuộc đời, biết bao bóng tối có thể bủa vây chúng ta. Chính vì thế chúng ta luôn phải cầu xin Chúa ban thêm lòng tin cho chúng ta. Xin Ngài ban thêm đức tin để chúng ta biết đón nhận Ngài trong mọi người anh em, nhất là nơi những người thấp hèn, những người bất hạnh, và ngay cả nơi những người thù ghét chúng ta.

Chúng ta tin vào tình yêu Chúa Kitô, tin vào bản thân Ngài. Đức tin của chúng ta cần phải trổ sinh hoa trái bằng việc làm để mọi người có thể hiểu được thế nào là tình yêu mà chúng ta tin, thế nào là ơn tha thứ mà chúng ta đã lĩnh nhận và trao ban cho nhau, và trên hết mọi sự là người ta có thể nhận ra khuôn mặt của Đấng Cứu Thế mà chúng ta đang tôn thờ.

Không ai nhìn thấy lòng tin, phải chăng vì nó nhỏ như hạt cải, nhưng nó có thể chuyển núi dời non. Lòng tin có thể làm bật gốc rễ của: “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy.” (Ga-lát 5:20-21) và thay vào đó là những việc làm vĩ đại, như thánh Phaolô đã viết trong thư gửi cho tín hữu ở Ga-lát, đó chính là: “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ.” (Galát 5: 23) 

Đó là việc làm của lòng tin. Chúng ta tin rằng chỉ có trong Thần Khí và sức mạnh của Chúa chúng ta mới thực hiện được các điều mà Thánh Phao-lô khuyên dậy nói trên. Chúng ta không hãnh diện hay đi tìm lời khen thưởng cho các công việc của mình, bởi vì không phải tự sức riêng mà mình đạt được. Tất cả đều là hồng ân của Chúa. Thiên Chúa không mắc nợ ai điều gì, trừ phi lòng thương mến, vì đó là căn tính của Ngài. Giống như Ngài, chúng ta cố gắng yêu và tha thứ cho nhau trong Chúa, chứ không phải yêu để trả nợ, cho dù đó là món nợ ân tình. 

sau khi thi hành xong bổn phận của người môn đệ, chúng ta có thể hãnh diện mà tuyên xưng rằng: những gì chúng con đã làm đều là những điều Chúa muốn, vì ngoài Chúa ra chúng con thật vô dụng. Anh chị em có tin vào điều đó không? Câu trả lời của chúng ta, dĩ nhiên là có rồi. Và giờ đây, xin anh chị em cùng đứng dậy để tuyên xưng lòng tin và cầu xin sức mạnh và ơn trợ giúp của Chúa sẽ giúp chúng ta sống điều mà chúng ta tuyên xưng với nhau trong Kinh Tin Kính. 

Lm Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT
30/9/2019


Thursday, 26 September 2019

Gm John Shelby Spong : bài 16: Chống báng chủ-nghĩa hiện-thực


Chương 7
(Bài 16)
Chống báng chủ-nghĩa hiện-thực

Hồi còn học lớp 7, lần đầu tiên trong đời, tôi được mẹ hiền tặng cho một cuốn Kinh thánh như món quà giá trị, quí hiếm vào dịp Giáng Sinh. Sách mẹ tặng, in theo cung-cách trang-trọng như mọi người thường vẫn làm, nghĩa là: bìa da, giấy lụa, gáy mạ vàng, mục lục ngắn có chú-thích đầy đủ ở trang cuối lại vẽ nhiều bản đồ thánh-địa thời cổ sử.

Sách in hai cột theo kiểu tự-diển hoặc bách-khoa toàn-thư, tức: loại sách đặc-biệt giúp người đọc lâu lâu quay về sử-dụng vào mục-đích nào đó chứ không để qui-chiếu liên-hồi như một số các nhà thông-thái/bác học thường làm. Nguyên-bản được sắp-đặt không chỉ mỗi theo chương/đoạn súc-tích ngắn gọn mà thôi nhưng còn bao gồm nhiều câu nói nhẹ nhàng, tế-nhị. Đặc biệt hơn cả, là: mỗi khi trích-dịch lời Chúa, thì các câu Ngài nói được tô đậm với nét chữ màu đỏ rực.               

Người xưa thường sử-dụng cụm-từ “sách in chuẩn-mực”, tức: được giáo-quyền cho phép in theo bản “King James” bên tiếng Anh. Nói chung, đây là loại sách in từ năm 1943, tức: vào thời mà nhiều văn-bản khác chưa kịp xuất hiện.

Thật ra, đây là quà Giáng Sinh khá xứng-hợp bởi lẽ Giáng Sinh năm ấy, tôi còn được mẹ tặng một bức tranh treo tường vẽ hình Đức Giêsu thật to như để minh-chứng một điều, là: cả đến cậu bé mười hai tuổi là tôi, vẫn được trân-trọng trong một gia-đình cao sang, quyền-quý. Khi ấy, tôi rất ngạc-nhiên về chuyện là Mẹ tôi đã biết đầu tư cuốn Kinh thánh cho gia đình, là sách bao gồm nhiều điều thánh-thiện xuất từ đó. Chúng tôi đọc Kinh thánh tuy không nhiều, nhưng lúc nào cũng trân quí Sách. Tôi hay ngắm nhìn cách trân-trọng cuốn Sách thánh đặt ở bàn nước là nơi không ai được phép để bất cứ thứ gì ở trên đó.

Bên trong Sách quí còn ghi tên tuổi mọi người trong gia-đình, ngay cả tên tôi cũng hiện ra trong đó cùng ngày sinh/tháng đẻ và ngày rửa tội được ghi đậm trong sách và có cả tên tục của bố mẹ và mọi người được tóm gọn trong Sách. Thêm vào đó, là giòng chữ nằm ở đầu trang có ghi rõ ghi ngày tháng bố mẹ tôi làm đám cưới nữa. Ngay đến tên ông bà nội/ngoại cũng được ghi đầy đủ chi-tiết mà mọi người trong nhà đều biết rõ, duy có mỗi mình tôi là chưa từng nghe nói về những chuyện tương-tự. Nói chung thì, Sách đây còn ghi thêm nhiều tiểu-tiết về các thế-hệ trong gia-tộc từng kết-hợp mật thiết với Chúa, Đấng chúng tôi quen gọi là “Cha trên trời”.

Đáp lại nghĩa-cử ưu-ái của mẹ hiền từng cho tôi rất nhiều quà, tôi cũng hứa với mọi người là: sẽ thực-hiện việc mỗi ngày đọc một chương sách. Và, cứ thế tôi bắt đầu có cảm tình với Sách thánh đến độ ngày nào tôi cũng đọc Kinh Sách với tốc độ nhanh chóng  khiến tôi nuốt chửng cả hai bộ sách Cựu và Tân Ước cùng các Ngụy Thư cứ mỗi hai năm một lần.

Suốt đời mình, tôi vẫn đọc Sách thánh theo nhiều cấp-độ, và xếp hạng từ thể loại diệu kỳ cho chí kinh-điển, nhất nhất tôi đều học được nhiều điều nằm ở nội dung Sách vào các ngày Chủ Nhật và tại các trường dạy Thánh Kinh vào kỳ nghỉ trở-thành một thứ lề thói thông thường thời ấu thơ của tôi, mỗi kỳ nghỉ hè. Tôi cũng được học hai khóa Kinh thánh một cách khá xuyên suốt tại trường công-lập ở Charlotte, miền Bắc Carolina.

Khi ấy, việc dạy Kinh thánh tại các trường Công-lập vẫn chưa bị coi là trái hiến pháp. Cả hai môn này đều do một bà thày khá giỏi dang. Các bà thày loại này chẳng bao giờ biết phấn son, trang-điểm lòe loẹt bởi lẽ các bà đều nghĩ rằng những việc như thế đều “vi-phạm Lời Chúa”. Có thể là, bà thày của tôi chưa có bắng cấp loại kinh-điển nhưng bà không bao giờ để mất tình yêu Chúa đến mức tối đa. Bà thày tôi còn biết mê-hoặc đám học trò nhỏ trong lớp bằng cách kể cho chúng nghe truyện các ông Giuse, Môsê, Êlya và Phaolô hoặc nhiều truyện kỳ-bí về cây khổ-giá. Bà thày tôi lại cũng tin-tưởng vào những gì thuộc phạm-vi trí nhớ đến độ ngay vào thời-điểm này, tôi vẫn có thể đọc vanh-vách các đoạn “văn gốc” dài đằng đẵng của Kinh thánh, cũng vẫn được. Niềm đam mê tôi có với Kinh thánh khởi từ thời-điểm rất sớm, nhưng vẫn lưu lại nơi tôi suốt cuộc đời, dù tầm nhìn của tôi về Kinh Sách vẫn nông-cạn, ngay từ buổi đầu.

Tầm nhìn của tôi về Kinh thánh theo nghĩa đen khá nông cạn, đã qua đi ngay từ thời niên-thiếu, nhất là sau đợt công-kích dữ-dội của trường lớp đại-học bậc cao tít. Tuy thế, cái chết của chủ-nghĩa hiện-thực, lại cũng không mang đi những điều tương-tự, như nó từng khiến nhiều người trở-nên loại người như thế. Nói cách khác, tôi không còn thích xả mình cho việc học-hỏi Kinh thánh nữa.

Thời thần-học ở chủng-viện, tôi khao khát đào sâu càng nhiều càng tốt vào việc học Kinh thánh đến hết mình. Tôi cảm thấy sững sờ trước ý-nghĩ của bậc trưởng thượng, trên cao tít. Việc dẫn nhập Kinh thánh của người Do-thái mà tôi quen gọi là “Cựu Ước” rất thích-thú vượt mọi tưởng-tượng đến với tôi là nhờ vào tài-năng thứ thiệt của đấng bậc mang tên là Robert O. Kevin.

Tuy nhiên, Kinh thánh của người đi Đạo, ngoại trừ các sách của thánh Gioan và Tin Mừng thánh Marcô, là những sách trình bày không mấy hay. Nhưng, các thành viên trẻ của Phân Khoa được chỉ-định việc học chuyên môn, lại không là ưu-tiên hạng nhất đối với họ. Tuy thế, tôi vẫn không nản lòng khởi sự học từng cuốn mà tôi đang có như: Tin Mừng Mátthêu, Tin Mừng Luca, sách Công-vu, thư Phaolô, các thư mục-vụ cũng như các thư chung và sách Khải Huyền bù lại cho sự thiếu thốn ở Phân khoa tôi học.

Sau ngày tốt nghiệp, luận văn đầu tiên mà tôi viết cho giáo xứ vào lúc tôi rời Đại học Duke. Cộng đoàn Trường đây gồm các học viên trẻ vẫn phấn-đấu hòa-giải chuyện mê-man học Kinh thánh từ thưở nhỏ. Bài dạy trường lớp vào các ngày Chủ Nhật cộng thêm nhiều thách-thức từ lề-lối giáo-dục thời hiện-đại, đây là lúc luận văn của tôi bốc lên tận thiên-quốc khiến tôi nắm bắt điều đó với sự khoái cảm ít thấy, và tôi vui hưởng chuyện ấy cũng rất nhiều.

Kinh thánh ngày càng trở nên trọng-tâm phát-triển công-cuộc mục-vụ của tôi. Trong 12 năm trời ròng rã, tại hai dòng thánh lớn, tôi từng dạy thánh kinh cho người lớn tuổi vào các ngày Chủ nhật, mỗi tuần một tiếng trước khi cử hành việc thờ kính ban đầu.

Suốt 6 năm trời như thế, các buổi dạy như thế đều được phát sóng trên đài phát thanh địa phương. Tôi quyết-định chọn khung-cảnh này làm nơi trao-đổi với giáo dân bản xứ chính nguồn hứng khởi học hỏi thánh kinh và phẩm bình ở cấp cao hơn. Phần lớn các học-viên khi ấy đều đáp-trả một cách hào hứng và thật ra lối học tập-thể như thế đã trở-thành một dịp để chúng tôi chuyện trò với cộng đoàn.

Bất cứ học-viên nào của tôi không thu-nhập được điều gì ngoài mớ kiến-thức từ-chương họ đều đi tìm cộng-đoàn giáo-xứ khác để chỉ chuyên-tâm vào việc thờ-phượng mà thôi. Nhưng, hễ vị nào rời lớp của tôi đi khỏi giáo xứ, thì lại có 10 học-viên mới tìm đến gia-nhập lớp vì họ nghĩ rằng giáo-xứ không nhất thiết là nơi để ta rút kinh-nghiệm điều gì khác với chuyện của trí-tuệ.            

Thành ra, tôi dự-tính bỏ ra nguyên một năm cho một bộ sách Kinh thánh như: Sách Khởi nguyên, Xuất Hành, hoặc Tin Mừng Marcô mà thôi. Tôi cũng bỏ ra ba năm trời chỉ dạy một bộ môn như Tin Mừng Luca và sách Công-vụ, hai năm cho thể-loại văn-học Gioan và một năm dành riêng cho thư Phaolô. Tôi cũng đã ngấu nghiến đọc rất nhiều sách nhằm chuẩn-bị cho các bài dạy do tôi đứng lớp vẫn cứ miệt mài với luồng tư-tưởng cũng khá mới. Tôi hiện còn giữ cuốn băng ghi lại nội-dung các buổi dạy cũng như các bài chú-giải luận-văn từng giúp tôi chuẩn bị các lần đứng lớp lưu vào kho dự-trữ tài-liệu có bao lớn bọc bìa.       

Chính từ những năm tháng ngày dài tìm-tòi học hỏi, giảng dạy và đối thoại ấy đã đưa tôi đến quan-điểm trong đó tôi những muốn xuất-hiện trước chúng dân cốt kiếm tìm chiều sâu sự thật mà tôi tin rằng Kinh thánh vẫn lưu-trữ. Tôi thừa biết rằng tôi có nói năng điều gì thì cũng chẳng phải cho riêng mình tôi, nhưng cho mọi tín-hữu Đức Kitô vốn củng-cố niềm tin hơn bị tính uyên-thâm/bác-học làm chậm lụt.

                                                                                   (còn tiếp)
Gm John Shelby Spong biên soạn
Mai Tá lược dịch

Tuesday, 24 September 2019

Lm Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT : BỔN PHẬN ĐỐI VỚI NGƯỜI NGHÈO


BỔN PHẬN ĐỐI VỚI NGƯỜI NGHÈO
__________________________
Lm Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT

Dụ ngôn nói về lối sống nhung lụa của ông phú hộ và cảnh nghèo hèn đói khát của La-da-rô hôm nay như một tiếng chuông báo động, nhắc nhở, cảnh tỉnh lối sống vô tâm và vô cảm của chúng ta. Trong dụ ngôn, Đức Giêsu giới thiệu hai nhân vật: Người giàu không có tên, còn ông nghèo hèn kia, tên là Ladarô. Một nghịch lý, vì theo thói đời, những người giầu có quyền quí mới được khắc tên trên bia đá, bảng vàng để mọi người ghi nhớ; còn có ai dư giờ, rỗi hơi mà ghi tên những người nghèo. Chỉ mình Chúa quan tâm, thương yêu và hay bênh vực họ.

 Trình thuật mô tả hai cảnh đời trái ngược nhau. Chúa không hề nói đến cách làm giàu của ông phú hộ; và cũng không hề ca tụng cảnh nghèo của La-da-rô. Không có chỗ nào nói Ladarô là một con người nhân đức, anh chỉ được giới thiệu là một người nghèo. Cũng vậy, không có chỗ nào nói ông nhà giầu là kẻ ác ôn, đã vơ vét của cải một cách mờ ám, đã chiếm đoạt, đã bóc lột một cách bất chính, đã lợi dụng hay ngược đãi La-da-rô. Chúa cũng không bảo La-da-rô là người đức hạnh và ông nhà giầu là người xấu xa. Chỉ đơn giản, ông nhà giầu là người giầu, Ladarô là người nghèo. 

Ông nhà giầu đã không nhìn thấy La-da-rô nghèo đói khốn cùng, đang nằm ở ngoài cổng. Giữa họ có một khoảng cách. Khoảng cách không phát sinh từ hoàn cảnh;cho bằng thái độ sống và cách chọn lựa: Lòng vô cảm, không quan tâm của ông nhà giầu.
Giải thích thế nào cũng không vuợt qua đuợc trọng tâm mà dụ ngôn muốn gửi đến: 

Nếu chúng ta không quan tâm, giúp đỡ, thuơng yêu người nghèo hèn thì chúng ta không còn là bạn của Đức Giêsu nữa.

Vẫn biết sứ điệp thật rõ ràng. Nhưng áp dụng vào hoàn cảnh thực tế không dễ dàng.

Khi còn làm việc tại trung tâm Hoan Thiện, một cơ sở công giáo của người Việt tại Keysborough và các vùng phụ cận thuộc về phía nam của thành phố Melbourne. Tôi thuờng gặp những hoàn cảnh thật khó xử. Có những người đến xin được giúp đỡ. Dân Việt mình thì xin chứng giấy tờ, bảo đảm đức hạnh.


Còn những nguời khác, người thì xin tiền, kẻ khác đổ xăng hay trả tiền thiếu hụt thuê nhà, v.v. Lòng thì muốn giúp, thế nhưng đầu óc, kinh nghiệm và những lời khuyên của các vị lão luyện trong việc mục vụ làm tôi chần chừ. Cuối cùng, tôi cũng tìm cách thoái thác và gửi họ đến các văn phòng xã hội lo cho người nghèo, như văn phòng của hội bác ái St. Vincent de Paul. Tuy giải quyết xong vấn nạn. Nhưng lòng tôi cảm thấy không thoải mái khi tiễn chân họ ra khỏi trung tâm. Cách hành xử như thế, tuy là có chút khôn khéo, chưa hẳn là khôn ngoan. 

Thật ra, không ai muốn nghèo. Cảnh nghèo thúc đẩy con người không còn chọn lựa; ngay cả nhân phẩm và tư cách cũng có thể bị đổi chác. Tôi còn nhớ rất rõ những gì đã chứng kiến trong chuyến đầu về thăm quê huơng vào năm 2005.

Số là sau khi hoàn tất những công việc cần làm. Vào buổi sáng cuối cùng của chuyến viếng thăm đó, thay vì vào nhà dòng, chúng tôi ‘tự thuởng’ cho mình một bữa sáng tại khách sạn. Món ăn thua được cung cấp tại khách sạn không bằng các phần ăn đạm bạc nhưng đầy tình anh em trong nhà dòng. Chỉ được một điều là không khí trang trọng, lịch sự. Khách sạn mà. Đang vui vẻ ba hoa với cha bề trên. 

Lòng tôi chùng hẳn xuống khi nhìn thấy một nhóm các cô gái, đóan chừng còn rất trẻ, chưa đến 20, đang ôm vai, bá cổ, nhõng nhẹo với mấy người ngọai quốc. Lúc đó, tôi có chia sẻ với cha bề trên rằng. Không hiểu tôi sẽ suy nghĩ và phản ứng thế nào nếu một trong các cô gái đó là con cháu của tôi! 

Như đã trình bầy ở trên; trọng tâm và sứ điệp của dụ ngôn là việc chia sẻ mối dây yêu thuơng và lòng quan tâm của chúng ta dành cho người nghèo

Nhưng điều này không chỉ bị hạn hẹp trong việc chia sẻ tiền bạc, cơm bánh mà thôi. Còn hơn thế nữa.
Tác giả của dụ ngôn truớc tiên nhắm đến những người biệt phái. Chúng ta đừng quên cộng đòan mà Thánh Luca là một cộng Đoàn dân ngọai gốc Hy lạp. Tuy nhiên, cũng có một số gốc biệt phái. Họ chủ truơng rằng sự giầu sang, thịnh vuợng mà họ đang thụ huởng là phần thuởng và dấu chỉ mà Thiên Chúa phải trao ban để tuởng thuởng cho các việc lành phúc đức và lối sống chu tòan lề luật của họ. Còn đám dân ngọai kia biết gì về Chúa. Sự hiểu biết thiển cận của họ về lề luật của Chúa nói lên tình trạng nghèo nàn của họ. Trong con mắt của những người biệt phái thì đám dân nghèo đó thật đáng khinh. Họ giống như Ladarô, ngồi bên ngoài nhà tại cổng ra vào để chờ chực phần ăn rơi rớt từ trên bàn tiệc của những nguời biệt phái vậy. 

Quan niệm của những người biệt phái thật sai lầm. Thiên Chúa của Đức Giêsu không hành động như thế. Tất cả mọi người đều là hình ảnh của Thiên Chúa. Con người thật đáng yêu đáng mến. Không có việc lọai trừ hay phân chia giai cấp dựa trên tiêu chuẩn giầu hay nghèo, sang hay hèn. Tất cả đều bình đẳng trong tương quan với Thiên Chúa.

Thánh Phaolô nói rằng không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Giêsu. Vì vậy, chúng ta được mời gọi để nhận ra, để nhìn thấy Chúa Giê-su trong nhau, và cũng nhận ra các giá trị thiêng liêng qua việc chia sẻ vật chất dành cho người khác. Và chỉ trong mối dây tuơng quan mật thiết luôn nghĩ đến nhau, luôn quan tâm cho nhau mới giúp chúng ta lắp đầy hố sâu ngăn cách vì vô tâm, vị kỷ để nối kết con người lại gần nhau hơn, và trở thành một gia đình mà chính Chúa là nguời Cha duy nhất.

Đó là mối quan hệ mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta xây dựng. Vì vậy, bài đọc hôm nay mời gọi chúng ta buớc ra khỏi tình trạng an tòan trong cuộc sống để ra đi bằng việc làm hàn gắn các hố sâu ngăn cách và kết nối con người lại với nhau. Chúng ta không cần chờ đến sau khi chết mới thấy hậu quả của cuộc sống “vô cảm, vô tâm” của ông phú hộ trong dụ ngôn hôm nay. Ngay đời này. Mấy ai sống trong nhung lụa mà thấy hạnh phúc. Họ đang tự chôn mình trong nỗi cô đơn mà chính họ tạo ra. 

Như vậy, dụ ngôn không hề có ý mô tả cuộc sống mai sau. Dụ ngôn muốn nói rằng cuộc sống hiện tại của mấy ông nhà giầu cho dù có sướng thật, nhưng chưa hẳn là một cuộc sống có giá trị. Sự hiện diện của người nghèo không phải là một gánh nặng trong cuộc sống của ông; trái lại qua những người nghèo, mấy ông nhà giầu phải nhận ra rằng cuộc sống của họ đang thụ hưởng chỉ đem lại hạnh phúc đích thật nếu họ biết chia sẻ, xây dựng mối dây thân ái, tạo sự hiệp thông bằng việc làm như những lời vàng ngọc mà chúng ta đã nghe trong phần Lời Chúa của tuần trước là hãy dùng tiền của bất chính mà gây nhân nghĩa. Nhân nghĩa là xây dựng đền thờ trong tâm hồn con người… 

Nhưng hình như, uớc muốn của các người nghèo như Ladarô trong bài Tin Mừng hôm nay không đuợc đáp ứng; và như vậy số phận của ông nhà giầu coi như đã được quyết định.  

Còn chúng ta thì sao? 
Không có ai, kể cả người chết sống lại, có thể buộc chúng ta phải yêu mến. Lời Chúa, lề luật và các ngôn sứ đã được gửi đến. Mặc khải đã có sẵn. Đức Giê-su đã đến. Việc đón nhận để áp dụng vào trong cuộc sống là bổn phận của chúng ta.

Vực sâu lớn nhất của cuộc đời là ích kỷ, là vô cảm, là vô tâm và chỉ biết đến bản thân. Vì thế, chỉ có việc quan tâm, để ý đến nhu cầu của người khác mới có thể tạo nên những nhịp cầu, những lối đi dẫn con người đến sự hiệp thông, đến tình liên đới. Khi biết để ý đến người khác, dù chỉ là nụ cười, đôi lời tâm sự, vài phút bên nhau … tất cả đều là dấu chỉ mà Thiên Chúa gửi đến. 

Và, trong Chúa tất cả đều dễ thương, tất cả đều trở thành cơ hội để hành động. Vì thế, đừng sống vô tâm, đừng đến với nhau như những người vô cảm. Còn rất nhiều Ladarô trong xã hội, trong lòng Hội Thánh. Họ đang chờ chúng ta băng bó, suởi ấm để cho thế giới bớt băng giá hơn. Ai trong chúng ta cũng nghèo. Nhận ra tình trạng nghèo của bản thân để biết rằng: chỉ có trong Chúa chúng ta mới giàu có, chỉ có trong Chúa chúng ta mới làm được những gì mà Chúa muốn. 

Lm Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT
24/9/2019