Để bắt đầu bài suy niệm hôm nay, xin chia
sẻ với anh chị em và bà con xa gần một trong những kỷ niệm mà mẹ tôi để lại. Đó
chính là tâm tình hiếu khách và lòng quảng đại của mẹ. Khách của mẹ tuy ít, ngoại
trừ con cái cháu chắt; nhưng lòng mẹ rất vui khi có người đến thăm, đặc biệt những
ai đã quên mình mà sống cho tha nhân thì bao giờ cũng được mẹ đón tiếp một cách
chu đáo hơn. Cũng có lúc hoàn cảnh gia đình trải qua những giai đoạn khó khăn,
nhưng không vì lý do đó mà làm cho mẹ mất đi thói quen này. Dường như, đây
chính là một phần trong huyết quản của mẹ; nó nuôi dưỡng cuộc sống của mẹ.
Mẹ thường xuyên nhắc nhở cho con cháu
của mẹ hãy nhớ ngày hôm nay còn găp họ; ngày mai đâu biết sẽ ra sao! Hãy dành
cho họ cả con tim của mình, để khi họ ra về thì lòng mình cũng vui vì đã làm được
những điều mình mong muốn. Thú thật với anh chị em, cho đến nay tôi vẫn chưa học
và tập thành công thói quen mà mẹ tôi đã để lại. Vui khi cho đi và còn vui hơn
khi có cơ hội được đón tiếp tha nhân.
Khi đọc Tin Mừng theo Thánh Luca,
chúng ta nhận ra ý định của Thánh sử khi trình bầy về con người và sứ vụ của Đức
Giê-su. Sự hiện diện của Đức Giê-su nói lên lòng quảng đại và cuộc viếng thăm vĩ
đại của Thiên Chúa dành cho dân Ngài nói riêng và toàn thế giới nói chung. Người
đã đến nơi nhà của Người, hầu những ai tiếp nhận Người thì Người ban cho họ quyền
làm Con Thiên Chúa. Như vậy, vị trí được hoán chuyển ở đây. Người đã đến như một
vị khách quí, như quà tặng cao quí của Thiên Chúa và chúng ta là người có nhiệm
vụ đón tiếp. Thế mà sau khi được đón tiếp thì Đức Giê-su lại trở thành kẻ ban
ơn còn chúng ta là người tiếp nhận.
Ý nghĩ này được bộc lộ trong câu chuyện
nói về việc đón tiếp với tâm tình hiếu khách mà Da-kêu đã dành cho Đức Giê-su.
Cuối cùng, chính ông thay vì làm chủ cuộc đón tiếp lại trở thành kẻ được Chúa
ban ơn. Người nói với ông rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, …” Ông
Da-kêu là người bị xã hội coi là phường tội lỗi. Ông bị cách ly với các sinh hoạt
tôn giáo lúc bấy giờ; thế mà ông lại nhận được ơn cứu độ khi tỏ lòng hiếu khách
trong việc đón tiếp Chúa.
Trong chương 16, sách Công Vụ Tông Đồ,
Thánh Lu-ca kể lại một câu chuyện nói lên tâm tình hiếu khách của bà Ly-đi-a
khi đón nhận Lời rao giảng từ Phao-lô. Để tạ ơn vì đã được Lời Chúa cảm hóa và
nhất là ơn được làm Con Chúa, bà đã mời các Tông Đồ, sứ giả của Chúa đến ở nhà
bà. Chúng ta đừng quên bà Ly-đi-a là tân tòng, trong khi đó các Tông Đồ là người
Do Thái. Giữa họ không có mối dây giao tiếp nào cả; thế mà lòng hiếu khách của
bà như cánh cửa mở cho đôi bên đến với nhau một cách dể dàng hơn. Việc nói chuyện
với người khác phái bên bờ sông xem ra dễ dàng hơn việc đi qua ngưỡng cửa nhà của
bà Ly-đi-a, một người mà chiếu theo luật bị liệt vào phường ô uế. Thế mà, tâm
tình đại lượng khi đón tiếp các sứ giả đã giúp họ đến với nhau.
Trình thuật mà người ta thường gọi là
phép lạ ‘Bánh Hóa Nhiều’ được đặt sau việc Đức Giê-su sai mười hai Tông Đồ ra
đi tham dự vào việc truyền giáo của Người; và tiếp theo sau bài Tin Mừng này là
việc sai 72 môn đệ ra đi. Xen kẽ giữa hai bài sai này là câu chuyện nói về việc
đón tiếp Chúa của hai chị em Martha và Maria. Tuy không rõ nét, nhưng ý định diễn
tả các chủ đề có ý nghĩa tương tự nhau như việc đón tiếp, lòng hiếu khách và
tâm tình quảng đại cũng được ẩn chứa nơi đây!
Khi sai các Tông Đồ và nhóm 72 môn đệ,
Đức Giê-su đã dặn họ nhớ rằng trong khi thi hành sứ vụ, trước tiên họ phải
nương tựa vào Chúa và sau đó dựa vào lòng quảng đại của người nghe. Người nói:
“Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc,
cũng đừng có hai áo” và “hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì
anh em dùng thức đó, ...”
Bài Tin Mừng ‘Bánh Hóa Nhiều’ hôm nay
tuy ý chính nói về việc nuôi ăn và lòng quan tâm của Chúa dành cho những kẻ đi
theo Người; nhưng cũng là cơ hội để Chúa huấn luyện các môn đệ của mình về sứ vụ
mà họ vừa thực hiện. Tham dự vào sứ vụ giới thiệu Nước Thiên Chúa cho người
khác không chỉ bằng lời nói xuông, nhưng cần được thể hiện bằng việc làm nữa.
Làm sao người môn đệ của Chúa có thể đặt tay ban bình an cho tha nhân khi những
người đến với họ đang lâm vào cảnh thiếu ăn, thiếu mặc và khổ sở tram bề. Hẳn
nhiên chúng ta không được huấn luyện trở thành các nhân viên xã hội hay các nhà
hoạt động cho nhân quyền, luôn quan tâm đến nhu cầu vật chất của người khác. Tuy
là như thế, nhưng chúng ta đừng quên lời yêu cầu của Chúa hôm nay rất đáng được
quan tâm là “các con hãy chọ họ ăn đi.”
Làm thế nào nuôi ăn một số đông như thế
khi trời đã chập choạng tối và nơi họ đang tụ họp lại hoang vắng và cách xa thị
trấn hay làng mạc; vì thế việc tìm kiếm lương thực quả thật khó khăn cho các
môn đệ. Lý do của các Tông Đồ đưa ra quả thật rất đáng thuyết phục. Nhưng khi nại
vào các lý do như thế, các Tông đồ cho chúng ta biết rằng các ông tuy là những
người bạn hữu thân thiết với Đức Giê-su, nhưng các ông vẫn chưa học được bài học
quên mình và quan tâm đến người khác. Dân chúng đã tuôn đến với họ để nghe Thầy
rao giảng; còn các ông vừa được Chúa sai đi; giờ đây cơ hội đã đến để các ông
thực tập những gì các ông vừa giảng dậy là quan tâm và lo cho đám đông thì các
ông lại không nhận ra. Các môn đệ còn bỏ sót một yếu tố thật quan trọng, đó là sự
hiện diện của Đức Giê-su, Đấng có thể làm mọi sự, hiện đang ở giữa họ.
Nhưng các lý do của nhóm mười hai
không làm thay đổi ý định của Đức Giê-su. Người biết sẽ phải làm gì. Người có
thể yêu cầu đám đông chia thành nhóm rồi ngồi xuống đồng bằng; nhưng Đức Giê-su
đã không làm như vậy. Trái lại, Người nhân cơ hội này dậy và mời nhóm 12 giúp, huấn
luyện các ông trở thành các thừa tác viên của Người. Đức Giê-su nói với các môn
đệ các con hãy bảo họ ngồi thành từng nhóm khoảng năm mươi người một. Họ đã làm
theo ý Người.
Sau đó, Đức Giê-su cầm lấy năm chiếc
bánh và hai con cá. Thực phẩm chỉ vọn vẹn có bấy nhiêu thì ai ăn ai nhịn đây.
Nhưng đó lại là tất cả những gì các môn đệ có. Người cầm lấy năm cái bánh và
hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để
các ông dọn ra cho đám đông. Kết quả là ai ai cũng hài lòng vì được ăn no. Có lẽ
Người hài lòng nhất là chính Đức Giê-su. Giống như dân Is-ra-el khi xưa, trong
hoang địa đã được Thiên Chúa nuôi ăn bằng manna và nước uống thế nào thì hôm
nay qua việc phân phát bánh, Đức Giê-su cũng nuôi những ai đã bỏ hết mọi sự, vất
vả theo chân Người được ăn no nê.
Các cử chỉ như đón nhận, dâng lời chúc
tụng, bẻ ra và trao ban hôm nay chỉ được ghi lại một lần khác; đó là trong bữa
tiệc ly Người đã san sẻ bánh và rượu cho các môn đệ. Bánh và rượu đây là dấu chỉ
tượng trưng cho Thịt và Máu của Người như Đức Giê-su đã phán: “Ta là bánh trường
sinh và ai đến với Người sẽ không đói bao giờ.
Bánh, của ăn và thực phẩm là những thực
vật nhằm nuôi dưỡng và làm cho con người được lớn lên. Con người cần đến nó để
duy trì sự sống. Nhưng ý nghĩa của bữa ăn không nhằm đến việc ăn cho đầy bụng.
Đói quá thì cũng chết mà ăn no quá thì bội thực và cũng chết. Việc của chúng ta
là biết ăn. Bữa ăn là cơ hội để xây dựng tình nghĩa, thể hiện tình yêu, cùng
san sẻ và chia vui những thành công trong đời và qua bữa ăn con người còn đến gần
và thông cảm nhau hơn; từ đó cộng đoàn được gầy dựng một cách thật tự nhiên.
Đây là một biểu tượng vô cùng phong
phú qua mọi thời đại, đến nỗi Đức Giê-su cũng không bỏ quên nó. Người đã dùng
nó như một phương tiện để nói lên lòng quan tâm và lo lắng của Người dành cho
chúng ta. Trình thuật ‘Bánh hóa Nhiều’ hôm nay là thế. Biến cố này nói lên tình
yêu của Người dành cho những ai đã theo Người. Sự kiện này còn nhắc nhở chúng
ta nhớ rằng những gì chúng ta có được để duy trì cuộc sống thể lý của chúng ta
đều được ban tặng từ Chúa; và sau cùng Người còn là bánh trường sinh nuôi dưỡng
toàn bộ con người chúng ta.
Giống như thức ăn có thể dẫn chúng ta
đến gần nhau và nhiều việc được bắt đầu và tiến đến thành tựu qua bữa ăn thế
nào thì của ăn mà Chúa ban phát cũng làm cho chúng ta trở nên thành viên của một
cộng đoàn thuộc về Người, nhất là giúp chúng ta nhận thức rằng qua đó chúng ta
nên những người bạn thân tình với Chúa và với nhau.
Tuy nhiên, họ và chúng ta vẫn còn gặp
trở ngại; như hai môn đệ trên đường Em-mau, chúng ta có thể biết kế hoạch của
Chúa, chứng kiến việc Chúa chết, nghe các bạn nói rằng Người đã sống lại và hiện
ra với họ… Nói chung là giống như họ, chúng ta biết rất nhiều, biết rất rõ những
kế hoạch và gần như là biết mọi sự; nhưng lại quên sự hiện diện của Đấng trở
thành của ăn cho chúng ta; cho nên chúng ta e ngại vì thấy mình đứng trước những
nhu cầu quá lớn lao của con người. Nhìn chung quanh vẫn thấy bao người đói khổ.
Hàng giây, hàng phút vẫn còn bao nhiều sinh mạng nhất là các trẻ em bị chết đói
trên thế giới này. Thế mà, trong tay chúng ta chỉ vỏn vẹn vài tấm bánh nhỏ,
chúng ta lúng túng và thấy mình bất lực.
Nếu chúng ta dám trao cho Chúa Giêsu tất
cả những gì chúng ta có; trao cho Người những cố gắng thật khiêm tốn của chúng
ta thì việc làm cho ‘Bánh Hóa Nhiều’ vẫn có thể xảy ra hôm nay. Chúng ta vẫn có
thể làm hài lòng người khác bằng lòng quảng đại và sẵn sàng cho đi tất cả những
gì chúng ta có; thế là quá đủ cho chúng ta rồi. Thế mà chúng ta lại không dám,
cứ khư khư giữ làm của riêng cuối cùng mọi người, cả chúng ta nữa, đều bị đói
khát.
Như vậy, hãy nhớ rằng chúng ta còn nhiệm
vụ phải chu toàn. Nhiệm vụ đó là được gửi đi, gặp gỡ những người mà chúng ta chưa
biết. Đến với nhau bằng tấm lòng rộng mở và cùng nhau chia sẻ một nhịp đập,
cùng tiến về một mục tiêu. Mục tiêu đó được phát sinh từ những lần chúng ta
cùng nhau tham dự tiệc bẻ bánh và trao ban của ăn cho nhau thì ai trong chúng
ta còn bị thiếu thốn và đói khát nữa. Ai ai cũng hài lòng, người hài lòng nhất
có lẽ là Chúa và như thế là đủ cho chúng ta rồi,
Lm
Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT
No comments:
Post a Comment