Monday, 31 July 2017

Lm Vĩnh Sang DCCT : CÁ VÀ NƯỚC



Tìm mở trang wikipedia cho chúng ta biết sơ lược về ý nghĩa biểu tượng cá trong các nền văn hóa của thế giới, riêng đối với giới Kitô giáo, biểu tượng cá từ khởi thủy đã mang đậm dấu ấn trong cuộc sống, không chỉ sinh hoạt đời thường nhưng còn là tâm linh.
Từ biểu tượng cá là dấu hiệu cho những người Kitô hữu nhận diện nhau trong thời kỳ cấm đạo khắc nghiệt, biểu tượng cá dần trở nên hình tượng của niềm tin Kitô giáo, và lặng lẽ biểu tượng cá hiện diện trong việc thờ phượng của Giáo Hội. Không khó để nhận ra điều này, chỉ cần rảo quanh một số Nhà Thờ chúng ta sẽ thấy hình cá có mặt ở các vật dụng Phụng Vụ, từ chén thánh, đĩa thánh cho đến cửa nhà chầu ( nhà tạm ), trên tường Nhà Thờ, ở cửa Nhà Thờ, cả trên tấm bánh mà cộng đoàn dùng đế tiến lễ.
Cuộc đời của Chúa Giêsu nhất là trong những năm rao giảng gắn bó với con cá một cách đặc biệt, không chỉ giảng dạy với các dụ ngôn về cá ( x. Mt 13, 47 – 50/ Lc 11, 9 – 13 ), Chúa còn cầm lấy cá để làm phép lạ cho nhiều người ăn ( x. Mt 14, 13 - 21/ 15, 32 – 39 ), nướng cá để phục vụ các môn đệ ở bờ biển sau một đêm nhọc nhằn ướt át ( x. Ga 21, 1 – 14 ), tiếp cận với cá để có đồng bạc nộp thuế ( x. Mt 17, 24 – 27 ), và chính người cũng cầm lấy cá mà ăn trước mặt các môn đệ ( x. Lc 24, 36 – 43 ). Ít là  bốn trong mười hai môn đệ của Chúa làm nghề đánh cá ( x. Mt 4, 18 – 21 ). Nói về sứ vụ của các Tông Đồ Chúa dùng hình ảnh lưới cá ( Lc 5, 4 – 11 ). Khi đề cập dến Nước Trời, Chúa đã dùng hình ảnh lưới cá ( x. Mt 13, 47 – 50 ).
Tháng 4 năm 2016, hiện tượng cá chết hàng loạt trôi dạt vào các bờ biển Việt Nam, đặc biệt hàng trăm cây số bờ biển dọc bốn tỉnh miền Trung ( Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị ), biến cố cá chết với một con số quá lớn nhanh chóng đẩy cuộc sống bao nhiêu gia đình sống tùy thuộc c1 loại thủy hải sản rơi vào cơn khốn quẫn. Và trong suốt hơn một năm vừa qua biển vẫn chưa phục hồi, không còn bóng cá bơi lội quanh vùng biển, người dân sống trong âu lo, chết chóc và mất hẳn kế sinh nhai. Việc chuyển đổi nganh nghề sống vấp phải những khó khăn vô cùng lớn, trước hết đó là ngành nghề cha truyền con nối bao đời, thay đổi kế mưu sinh là thay hẳn các tập quán, sinh hoạt và trật tự làng xã.
Vấn đề sức khỏe cũng là một bài toán hóc búa, những chất độc thải xuống biển đã hòa lẫn vào nước biển, chỉ riêng với những hạt muối, chất độc theo muối lên tất cả các bàn ăn của cả nước, rất nhiều người bị nhiễm độc vào máu gây ra tình trạng suy yếu sức khỏe, phát sinh nhiều bệnh tật, trong đó ung thư là một thảm họa báo động lớn. Đã có những con số thống kê chính thức của nhà nước về ung thư: 320 người chết mỗi ngày, cả nước có 190.000 ca điều trị ung thư và cảnh báo sẽ bùng nổ ung thư tại Việt Nam trong thời gian vài năm tới.
Sau những đợt lên tiếng mạnh mẽ của cả nước, cách riêng một số cộng đồng dân cư vùng bốn tỉnh bị nhiễm độc, doanh nghiệp nước ngoài có tên là Formosa đã chính thức nhận trách nhiệm và xác định nguyên do biển chết là chất thải của doanh nghiệp đổ ra biển. Với số đền bù ít ỏi, người dân vẫn tiếp tục lầm lũi bước vào ngõ hẹp, cho đến nay vẫn chưa có một biện pháp nào về lãnh vực y tế nhằm giảm thiểu và ngăn chặn thảm họa ung thư.
Cá không chỉ chết vào tháng tư năm 2016, trước đó, một số nơi đã có hiện tượng cá chết hàng loạt, biến một số dòng sông lâm vào tình trạng không còn sự sống. Sông Thị Vải tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là một thí dụ cụ thể. Sau tháng tư năm 2016, hiện tượng cá chết lan ra ở một diện rộng hơn và nay đã rộng khắp cả nước, cá sống ngoài thiên nhiên ở các ao hồ sông suối chết, cá nuôi ở các lồng bè cũng chết, những đợt cá chết gây thiệt hại lên đế hàng trăm tỉ đồng. Hơn 3.000 sông, hồ, kênh, rạch trong cả nước có còn cái nào sống nữa không ?
Khi nói về một dân tộc, một quốc gia, tiếng Việt tinh tế gọi một vùng dân cư, một vùng quần thể sự sống của con người bằng hai chữ ĐẤT NƯỚC, nay nước chết thì hai chữ đất nước còn ý nghĩa gì nữa không ?
Cá gắn chặt với sinh hoạt với niềm tin của người Kitô hữu, nay cá chết niềm tin ấy ra sao ? sinh hoạt ấy thế nào ?
Những ai mang hai đặc tính: Việt Nam và Kitô hữu, hãy tìm cho mình câu trả lời cuộc sống hôm nay và mai sau.
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 29.7.2017

Saturday, 29 July 2017

Lm Rey-Mermet, C.Ss.R. Hợp nhất ý ta với ý Chúa





“Khát vọng duy nhất của người miệt mài cầu nguyện là phải can đảm làm cho ý của họ hợp với ý của Chúa. Ta hãy tin chắc rằng sự hoàn thiện cao nhất mà người ta có thể đạt tới trong hành trình thiêng liêng hệ tại điều ấy. Ai khéo thực hiện công việc ấy sẽ nhận được những ân huệ lớn lao nhất từ Thiên Chúa, và người ấy sẽ tiến xa trong đời sống nội tâm” (Thánh Têrêxa)

Sự hoàn thiện của chúng ta hoàn toàn hệ tại lòng yêu mến Thiên Chúa: vì đức ái “là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,14). Vì thế, hợp nhất ý muốn của ta với thánh ý Thiên Chúa, đó là tất cả sự hoàn thiện của tình yêu thần linh. Thật vậy, điểm chính yếu của tình yêu, như Thánh Denys l’Aréopagite dạy, chính là hợp nhất mọi ý muốn của ta với ý muốn của người yêu để chỉ còn là một ý muốn.  Như thế, một linh hồn càng hợp nhất với thánh ý Thiên Chúa thì tình yêu của người ấy càng lớn lao.

Tất nhiên, Thiên Chúa chấp nhận những việc hãm mình, suy gẫm, hiệp lễ, và những việc bác ái với tha nhân; nhưng phải làm các việc ấy như thế nào? Phải lấy ý Chúa làm tiêu chuẩn. Nếu không có ý của Chúa trong các việc ấy, thì có thể nói Người không chấp nhận những việc làm đó: Người chê ghét và thậm chí giáng phạt. Giả xử có hai người giúp việc: một người làm việc suốt ngày, không chút nghỉ ngơi, nhưng chỉ làm những gì anh muốn; người kia làm việc ít hơn, nhưng vâng lời trong mọi sự. Ai trong hai người làm vui lòng ông chủ? Chắc chắn là người thứ hai chứ không phải người thứ nhất.

Các việc chúng ta làm nhằm vinh danh Chúa sẽ ra sao, nếu chúng không hợp với ý muốn tốt lành của Chúa? Thiên Chúa không đòi những hy lễ, nhưng là thi hành những ý muốn của Người như ngôn sứ Samuen nói với vua Saun: Đức Chúa có ưa thích các lễ toàn thiêu và hy lễ như ưa thích người ta vâng phục lời Đức Chúa không? Ngoan cố là tội ác giống như thờ ngẫu tượng (1Sm 15,23). Người ta muốn sống theo ý riêng không muốn sống theo ý Chúa, đó cũng là một cách thức thờ ngẫu tượng, bởi thay vì tôn thờ ý Thiên Chúa, thì một cách nào đó họ lại tôn thờ ý mình.

Vì thế, vinh quang lớn nhất mà chúng ta có thể mang lại cho Thiên Chúa là thực hiện những ý muốn thánh thiện của Người. Chính Đấng Cứu Độ đã cho chúng ta hay điều quan trọng ấy khi xuống thế để thiết lập vinh quang của Cha Người. “Cha đã không muốn hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Vậy con thưa Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Tv 39,7-9). Cha đã từ chối những hy lễ mà con người dâng lên; Cha muốn Con dâng lên Cha thân xác mà Cha đã ban tặng cho Con: Con đây sẵn sàng thực thi ý Cha.

Chúa chúng ta đến trần gian không phải để sống theo ý mình, nhưng chỉ sống theo ý Chúa Cha. Chính Người đã tuyên bố nhiều lần: “Tôi từ trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 6,38). Đâu là dấu Người muốn cho thế gian thấy tình yêu của Người đối với Chúa Cha? Đó là việc Người vâng phục ý Chúa Cha, được thể hiện qua cái chết trên thập giá để cứu độ muôn người:“Để thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy. Nào đứng dậy! Ta đi khỏi đây”(Ga 4,31). Người muốn nhìn nhận bất cứ ai là anh em miễn là người ấy thi hành ý muốn của Thiên Chúa: “Ai thi hành ý muốn của Cha tôi, người ấy là anh chị em tôi” (Mt 12,50).

Các thánh đã không bao giờ có một mục đích nào khác ngoài việc thi hành ý Thiên Chúa: Các ngài hiểu rõ sự hoàn thiện của linh hồn không ở nơi nào khác. Thánh Têrêxa nói: “Khát vọng duy nhất của người miệt mài cầu nguyện là phải can đảm làm cho ý của họ hợp với ý của Chúa. Ta hãy tin chắc rằng sự hoàn thiện cao nhất mà người ta có thể đạt tới trong hành trình thiêng liêng hệ tại điều ấy. Ai khéo thực hiện công việc ấy sẽ nhận được những ân huệ lớn lao nhất từ Thiên Chúa, và người ấy sẽ tiến xa trong đời sống nội tâm.” Vì thế, Chúa Giêsu Kitô đã dạy chúng ta xin ơn được thi hành ý Thiên Chúa ở trần gian, như các thánh đang thi hành trên trời: “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.

Vâng, bởi vì ai trao cho Chúa ý muốn của mình tức là trao cho Người tất cả. Qua việc bố thí, chúng ta trao cho Người của cải của ta, qua việc đánh đòn phạt xác, ta trao cho Người máu của ta, qua việc ăn chay, ta trao cho Người của ăn, chúng ta chỉ dành cho Người một phần những gì ta có; nhưng trao cho Người ý muốn của ta, là ta trao tất cả cho Người. Khi đó, chúng ta có quyền nói với Chúa: “Lạy Chúa, con là kẻ nghèo hèn, nhưng con xin trao cho Ngài tất cả những gì con có: ý muốn của con, xin thuộc về Ngài, tức con không còn gì để dâng Ngài nữa.”

Thánh Augustinô phát biểu rằng: “Chúng ta khôngthể dâng cho Chúa một của lễ nào đẹp lòng Người hơn là thưa với Người: Hãy chiếm lấy chúng con; chúng con trao cho Ngài ý muốn của chúng con; xin cho chúng con biết Ngài đang chờ đợi gì nơi chúng con, và chúng con sẽ thực hiện.”

Vậy, nếu chúng ta muốn hoàn toàn làm vui lòng Chúa, thì trong mọi sự, chúng ta hãy thuận theo ý của Người. Thuận theo, nói vậy chưa đủ: phải hợp nhất ý ta với những gì Thiên Chúa đã đặt định, thuận theo bao hàm ý tưởng là chúng ta đồng ý đặt ý ta dưới ý Chúa. Nhưng sự hợp nhất thì sâu xa hơn: nghĩa là chúng ta làm cho ý Chúa và ý ta chỉ còn là một; đến độ chúng ta không muốn điều gì khác ngoài điều Chúa muốn, và đến độ ý muốn của Chúa trở thành ý muốn của ta.

Đó là đỉnh cao của sự hoàn thiện mà chúng ta phải không ngừng vươn tới. Đó là đích điểm phải hướng tới của mọi việc làm, mọi ước nguyện, mọi việc đạo đức và cả những lời cầu nguyện của ta. Chính vì mục đích ấy mà chúng ta phải cầu xin sự trợ giúp của các thánh bổn mạng, các thiên thần bản mệnh và nhất là của Mẹ Maria: Mẹ chính là người hoàn hảo nhất giữa các thánh, vì Mẹ luôn sống khắng khít với ý Chúa một cách hoàn thiện không ai sánh bằng.

Cho nên, với một sự từ bỏ hoàn toàn, ta hãy trao trọn bản thân cho Thiên Chúa nhân lành; Người là Đấng vô cùng khôn ngoan, biết những gì tốt nhất cho ta; Người là Đấng vô cùng đáng mến, đã trao ban mạng sống cho ta: do vậy, Người cũng muốn điều tốt nhất cho chúng ta. Ta hãy dứt khoát tin tưởng rằng, như Thánh Basile kêu gọi:“Chúa sẽ lèo lái đời ta vì lợi ích của ta, hơn chính ta có thể làm hoặc ước muốn điều ấy”.

Nguyên tác: L’Expérience de Dieu avec Alphonse de Liguori
Thánh Anphongsô Và Sự Kết Hiệp Với Thiên Chúa
của cha Rey-Mermet, C.Ss.R.
Người dịch: Giuse Đỗ Đình Tư C.Ss.R

Friday, 28 July 2017

Lm Joe Mai Văn Thịnh CSsR: CON NGƯỜI: KHO TÀNG TRÂN QUÝ CỦA THIÊN CHÚA.




Trong trình thuật hôm nay, Đức Giêsu tiếp tục dùng dụ ngôn để trình bầy giáo lý về Nuớc Trời.
Dụ ngôn kho báu và ngọc quý xem ra trong sáng, thông suốt và dễ hiểu. Vừa nghe xong, chúng ta thấy rõ ý Chúa. Tuy nhiên, về mặt hành động, dụ ngôn này vẫn đòi hỏi người nghe một chọn lựa không dễ thực hiện. Từ việc khám phá ra kho báu và viên ngọc quý cho đến lúc lấy đuợc chúng làm sở hữu còn cần đến một quyết tâm rất mãnh liệt. Cho dù, hai nhân vật trong dụ ngôn: một người vô tình tìm đuợc kho báu, còn viên ngọc quý là kết quả của một chuỗi ngày nỗ lực tìm kiếm của ông thuơng gia. Nhưng cả hai người đều có chung một quyết tâm: đó là việc họ hy sinh tài sản để tậu cho đuợc kho báu và viên ngọc quý.

Tuy vậy, kho báu và ngọc quý vẫn không phải là Nước Trời. Đó là những hình ảnh được xử dụng giúp chúng ta nhìn ra một vài nét đặc trưng liên quan đến Mầu Nhiệm này. Nước Trời không phải là điều mà chúng ta có thể chiếm hữu và khư khư ôm nó cho riêng mình. Nước này chủ yếu thuộc về Thiên Chúa; không thuộc về con người nên không một ai có thể chiếm hữu nó hòan tòan và lấy làm của riêng mình. Nhìn vào cuộc sống và sứ vụ của Đức Giêsu, con người sẽ khám phá ra mầu nhiệm này; và ngay lúc đó, họ biết là đã tìm đuợc một kho tàng. Kho báu này làm thỏa mãn mọi khát vọng và đam mê của đời mình. Và từ trong nỗi khát vọng đong đầy đó, con người đuợc tự do, chứ không bị ép buộc, bán tất cả mọi sự để lấy nó. Một gương mẫu điển hình mà chúng ta thuờng đuợc nghe, đó là guơng của Thánh Phanxicô thành Asisi. Với lòng quyết tâm tận hiến cho người cùng khốn.  Ngài đã dám từ bỏ tận căn để cho niềm vui của Nước Trời chiếm hữu.

Còn chúng ta, hầu hết, sẽ giống như người thanh niên giàu có trong Tin Mừng (Mt 19, 16-22). Trước lời mời gọi của Chúa là hãy từ bỏ tất cả những gì anh đang có và sẽ sở hữu một kho tàng trên trời rồi theo Chúa, thì anh làm không được. Anh cứ bám vào những điều cũ kỹ. Anh không nhận ra sứ vụ và con người đang nói với anh là biểu hiệu của Nước Trời. Anh đã buồn chán rồi bỏ đi, vì anh không cảm nhận đuợc tầm quan trọng của Nước Trời trong cuộc sống anh. Về mặt tuân thủ sống theo mặt chữ của lề luật thì anh rất giầu; anh đã làm mọi sự theo luật dậy. Nhưng niềm vui giữa những người thuộc về Nước Trời thì anh còn thiếu hay là chưa có!

Nghĩ đến người thanh niên giàu có là nhớ đến phận mình! Anh buồn rầu vì không dám từ bỏ để chọn phần tốt hơn. Còn chúng ta, qua bài Tin Mừng hôm nay, có đưa ra một quyết tâm nào phù hợp với yêu cầu của Nước Trời hay không? Hẳn nhiên, chúng ta vẫn chưa quên trong Hiến Chương Nuớc Trời, Đức Giêsu có căn dặn rằng: “hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi. Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó.” (Mt 6:20-21).

Và, đây là một suy tư khác, tuy không liên kết chặt chẽ với các dụ ngôn hôm nay. Nhưng, tôi nhận thấy rất thích hợp để nói lên mối dây tương quan giữa Chúa và ta; vì thế xin được dùng như phần kết luận rằng: Anh chị em có nhận ra việc Chúa chọn mình như bảo vật, như viên ngọc thật trân quý của Người hay không? Cho dù phải thắp đèn, quét nhà, moi móc mọi nơi mọi chốn thì Người cũng phải tìm cho ra bảo vật đó; rồi mời bà con lối xóm đến cùng chia vui. Tất cả nghĩa cử đó đong đầy tình yêu mà Thiên Chúa muốn bộc lộ cho con người. Phần chúng ta hãy quyết tâm sống xứng đáng như một bảo vật quí giá của Thiên Chúa dành cho tha nhân; và tiếp tục khám phá vẻ đẹp, những nét trân quý nơi người khác, vì họ cũng là những viên ngọc trân quý của Thiên Chúa. 

Lm Joe Mai Văn Thịnh

Thursday, 27 July 2017

Thày Léonard Quân nay về với Cha trên trời



Cáo phó và Tiểu sử Thầy Phêrô Hồ Văn Quân C.Ss.R

Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25)
CÁO PHÓ   
Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam
và gia đình huyết tộc trân trọng báo tin:
THẦY PHÓ TẾ
PHÊRÔ HỒ VĂN QUÂN C.Ss.R.

  • Sinh ngày: 24.09.1937
  • Tại: Trà Lồng, Long Phú, Long Mỹ, Rạch Giá, Kiên Giang
  • Khấn Lần đầu: 19.3.1959
  • Phó tế: 25.11.1993
Đã an nghỉ trong Chúa lúc 15 giờ 30 Thứ Tư, ngày 26.07.2017 tại Nhà Hưu Tỉnh Dòng, với 80năm làm con Chúa trên trần gian, 58 năm khấn Dòng và 24 năm thi hành sứ vụ phó tế.
– Thánh Lễ nhập quan cử hành lúc: 21 giờ 00 Thứ Tư, ngày 26.07.2017, tại nhà khách của Tu viện DCCT Sài Gòn.
–Thánh Lễ và nghi thức di quan cử hành vào lúc 12 giờ trưa Thứ Năm, ngày 27.07.2017, tại Tu Viện DCCT Sài Gòn. Sau đó di quan về Pleikly (quốc lộ 14, Nhơn Hòa, Chư Pứh, Gia lai).
– Thánh Lễ an táng cử hành lúc 8 giờ sáng Thứ Bảy, ngày 29.07.2017, tại nhà thờ Pleikly. Sau đó an táng tại nghĩa trang giáo xứ.
Xin cầu nguyện cho thầy Phó tế Phêrô Hồ Văn Quân, C.Ss.R.



TIỂU SỬ
THẦY PHÓ TẾ PHÊRÔ HỒ VĂN QUÂN C.Ss.R.
— *** —
THẦY PHÊRÔ HỒ VĂN QUÂN C.Ss.R.
  • Sinh ngày 24 tháng 09 năm 1937 tại Trà Lồng, Long Phú, Long Mỹ, Rạch Giá, Kiên Giang.
  • Từ năm 1937 đến năm 1951: Sống với gia đình tại ấp Tân Thành B, Long Tân, Thạnh Tri, Hậu Giang.
  • Từ năm 1951 đến năm tháng 6 năm 1955: Tu tại Dòng Thánh Gia.
  • Tháng 6 năm 1956: Gia nhập Dòng Chúa Cứu Thế.
  • Ngày 18.3.1958: Vào Nhà Tập Dòng Chúa Cứu Thế tại Đà Lạt.
  • Ngày 19.3.1959: Tuyên khấn lần đầu tại Tu viện DCCT Đà Lạt.
  • Từ năm 1959 đến năm 1960: Mục vụ tại vùng truyền giáo Fyan, Đà Lạt.
  • Từ năm 1960 đến năm 1969: Mục vụ tại vùng truyền giáo cho anh chị em K’ho.
  • Từ năm 1969 đến năm 1971: Mục vụ tại vùng truyền giáo cho anh chị em Gia Rai.
  • Từ năm 1971 đến năm 1972: Giúp giữ nhà khách ở Dòng Chúa Cứu Thế Huế.
  • Từ năm 1972 đến năm 1973: Giúp Đệ Tử Vĩnh Long.
  • Từ năm 1973 đến năm 1976: Mục vụ tại trung tâm truyền giáo Pleikly.
  • Từ năm 1976 đến năm 1984: Trị bệnh tại nhà và mục vụ ở DCCT tại Vĩnh Long.
  • Từ năm 1984 đến năm 1989: Theo gia đình lên Phú lý và mục vụ ở DCCT tại Phú Dòng (Đồng Nai).
  • Ngày 25 tháng 11 năm 1993: Lãnh sứ vụ phó tế vĩnh viễn.
  • Từ năm 1989 đến năm 2014: Mục vụ tại trung tâm truyền giáo Pleikly.
  • Từ năm 2014 đến này: Nghỉ hưu tại Nhà Hưu Tỉnh Dòng.
Vào 15 giờ 30 Thứ Tư ngày 26.7.2017 thầy Phó tế Phêrô Hồ Văn Quân đã được Chúa gọi về tại Tu viện DCCT Sài Gòn, sau 80 năm làm con Chúa trên dương thế, 58 năm sống lời khấn Dòng.
Cuộc đời thầy Phêrô là chuỗi dài hành trình theo Chúa Cứu Thế đến với anh chị em K’ho, Gia Rai.
Thầy Phêrô chia sẻ:
Tôi tạ ơn Thiên Chúa đã gọi tôi vào Dòng Chúa Cứu Thế. Với đời sống Tu huynh, tôi không làm được gì nhiều cho Nhà dòng cũng như Giáo hội, nhưng tôi cảm nhận sự dấn thân theo sát Chúa Giêsu Cứu Thế.
Ngay từ khi vào Dòng, tôi đã có diệu cảm với việc truyền giáo cho anh chị em vùng Tây nguyên. Khi ở với họ tôi cảm thấy mình được gần gũi Chúa hơn. Suốt bao năm tháng ở cùng họ, làm cùng họ, ăn cùng họ, tôi đã học được nơi họ nhiều điều về tình bác ái, phó thác… Tôi coi đây là vùng đất hứa mà Chúa đã ban cho tôi.
Nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria – Mẹ Hằng Cứu Giúp, các Thánh trong Dòng, cùng với lời nguyện cầu của cộng đoàn Dân Chúa, nguyện xin Thiên Chúa ban cho thầy Phó tế Phêrô sớm hưởng vinh quang Nước Trời.
Ngợi khen Chúa Giêsu và Đức Bà Maria!
Văn Phòng Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam.