Tuesday, 9 June 2009

Hãy vui mừng lên - Nguyễn Ngọc Lan

Trong một cuốn tiểu thuyết xuất bản vào những năm 50, Nước Mắt Thiên Chúa, tác giả người Áo đã đưa chúng ta đi thăm một thành phố diễm lệ sẽ xuất hiện vào cuối thế kỷ này. Đó là nơi sẽ trở thành hiện thực tất cả những mơ ước, những mộng vàng của loài người từ xưa tới nay: yên ổn, dư dật, bình đẳng, tiện nghi đầy đủ, an lạc cùng khắp và cho tất cả mọi người, không trừ một ai. Trong thành phố ấy sẽ không còn hang cùng ngõ hẻm, không còn kẻ thiếu ăn. Dân cúng mặc toàn nhung lụa, nhà nhà đều chen lẫn giữa cỏ lạ hoa thơm. Địa đàng mới của con người là ở đó.

Và địa đàng này sẽ là công trình riêng của loài người chúng ta, nhờ khoa học tiến bộ, kỹ thuật phát triển đến tột bực, “thấu trời” như tháp Babel đã được dự tính (St 11,4), nhưng lần này không dở dang như tháp Babel. Nếu cần, chúng ta sẽ cho nhập khẩu vàng bạc, kim cương và bất cứ thứ gì từ cung trăng, từ Hỏa tinh, Kim tinh hay từ mãi những vì sao xa xôi nhất. chúng ta sẽ không thiếu gì hết để xây dựng và bảo trì thành phố địa đàng kia.

Nhưng cũng vì thành phố địa đàng hoàn toàn do tự tay con người làm ra và chỉ một mình con người tổ chức mọi thắng lợi ở đó, cho nên mặc dầu là ở cuối thế kỷ 20 hay cuối thế kỷ 30 vẫn mãi mãi tồn tại một cái gì như một bóng đen đeo bám hạnh phúc của con người và con người có tài trí đến đâu, tiến bộ đến đâu cũng không làm sao chống cự lại nổi. Thế là, để tự yên ủi mình, chúng ta sẽ dựng bảng cẩn chữ vàng ròng ở mọi góc đường trong thành phố địa đàng, mấy dòng yết thị thông báo như sau:

“Xin lưu ý quý vị khách du lịch từ các hành tinh khác đến tham quan thành phố chung tôi: chết là bạn thân nhất của tất cả chúng tôi, là công dân danh dự, công dân đệ nhất đẳng của thành phố này với tinh thần dân chủ trăm phần trăm, bởi vì chết đối xử hoàn toàn bình đẳng với tất cả các công dân ở đây, tuyệt đối không thiên vị ai và trước sau như một, cứ như vậy từ xưa đến giờ và mãi mãi muôn đời sau: công dân danh dự của chúng tôi muôn năm!”.

“Công dân danh dự của chúng tôi muôn năm”. Cái chết có muôn năm thì con người, từng con người vẫn không được muôn năm. Chẳng thay đổi được gì khi chúng ta tự lừa mị mình như thế, cho dẫu có bằng những nét chữ vàng ròng.

Con người phải chết. cứ phải chết. Năm 2000 cũng như năm 0 hay hai ba triệu năm trước năm 0. Nhất là đối với những ai đã nghe tin Lời Chúa, không phải cứ được tiếng là sẵn trăm phần trăm tinh thần dân chủ là Cái Chết có thể ngụy trang, che dấu đi được bộ mặt thật của mình.

Kể từ ngày tổ tông phạm tội, đoạn tuyệt với Thiên Chúa Hằng Sống, loài người đã chỉ còn lại “mồ hôi đẫm mặt mới có bánh ăn” và chỉ còn “là bụi đất” để “sẽ trở về đất bụi” (St 3, 17-19).

Bình đẳng trước cái chết là bình đẳng trước hố chôn mà loài người đã tự đào cho mình, sau khi bình đẳng giữa “những gai cùng góc” (St 3,18). Cái chết cho cả xác lẫn hồn. Vì cái chết phần xác chỉ mới là dấu hiệu của cái chết bi đát hơn, dứt khoát hơn: cái chết phần hồn. Con người khước từ và mất đi cuộc sống tình nghĩa – ân sủng Thiên Chúa đã thông ban cho.

Như vậy thân phận con người là thân phận tử tù không hy vọng. Lịch sử nhân loại, sau tội lỗi, thăng trầm thế nào đi nữa vẫn chỉ là cảnh một đoàn tử tù dài lắm, dài miên man, không biết dứt điểm ở đâu, vừa đầu tắt mặt tối cuốc đất đào đường, vừa nối gót nhau đi dần về một chỗ duy nhất: chỗ Chết.

Có phải nói rằng thê thảm, tối tăm như trên là chỉ vì người tín hữu chưa kể gì tới Chúa Kitô hoặc làm như không nghe bao nhiêu tiếng chuông reo vang Tin Mừng Ngài đã sống lại.

Dẫu sau cũng đã có một ngày Thiên Chúa đến giữa chúng ta, Ngài đã đích thân đến, đến trong Con của Ngài “Lời đã thành xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Ngài đã chen chân đâu đó vào giữa đoàn người tử tù. Trở nên giống hẳn người ta (Pl 2,7), kể cả “thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta” (Rm 8,2). Ngài đã chia xẻ thân phận hẩm hiu của chúng ta. Suốt ba mươi năm trời, Ngài đã uống cạn chén đắng cay với chung ta và còn hơn chúng ta. Rồi một ngày kia, Ngài đã vượt qua mọi giới hạnh của sự phải lẽ, của sự phải chăng (“cớ vấp phạm cho người Do Thái, sự điên rồ đối với dân ngoại” (1Cr 1,17-25)). Ngài chịu chung cả án tử với chúng ta! Thậm chí “tuy không hề biết tội là gì” (2cr 5,21; Ga 8,46; 1Ga 3,5). Ngài chịu trở thành “sự tội” (2Cr 5,21) bao nhiêu tội lỗi loài người không đổ xuống sông xuống biển được thì lại có thể trút cả lên đầu Ngài (Is 53,4-6).

Không những chịu chung án chết mà Ngài còn chịu thay cho. Đến cả như thượng tế Caipha mà cũng được Thần Khí xui khiến mới nói: “Cái lợi hẳn là chỉ một người chết thay vì dân” (Ga 11,50). Đã thế thì “cả dân” nọ, tất cả chúng ta nữa, chúng ta nghiễm nhiên trở thành những kẻ thi hành án tử hình! Không cần tốt nghiệp đao phủ, cũng không cần được trả công, anh em của Ngài, bạn đồng hành của Ngài đã vật ngửa Ngài ra trên đỉnh Núi Sọ. Không phải chỉ là một màn kịch. Vì Ngài ở ngay trước mặt chúng ta, trần trụi. Và như để bảo đảm là Ngài thực sự cũng xương cũng thịt như mình, và như để Ngài không còn thoát đi đâu được nữa, chúng ta đã đè khủy tay, đầu gối lên tay, lên chân, lên ngực Ngài, để đóng chặt Ngài vào thân phận loài người với bốn cây đinh. Rồi chúng ta đã dựng cây thập giá lên, với một Thiên Chúa treo dở sống dở chết trên đó. Thêm một tên cướp treo bên phải, một tên cướp treo bên trái, thế là đủ bộ ba tử tội, không còn có thể ngộ nhận, lầm lẫn vào đâu được nữa.

Chúng ta có thể tự hào là đã chứng tỏ tinh thần dân chủ trăm phần trăm: không ân xá, không miễn chết cho ai cả kẻ đã tự xưng là Con Thiên Chúa, kẻ đã đòi có trước cả tổ phụ Abraham, kẻ đã phục hồi sự sống cho Lazarô và con trai bà góa thành naim. Thiên Chúa hay không phải Thiên Chúa đều phải chết tuốt. Có lẽ chưa bao giờ con người đã ra mặt hả hê trước cái chết của một con người đến như thế. Chúng ta đã tha hồ, đã thi nhau cười khẩy, chế nhạo, thách thức: “Nếu mày là Con Thiên Chúa, hãy xuống khỏi thập giáo đi nào! Nó đã cứu những ai khác, chứ vô phương cứu lấy mình! Nó là Vua Israel bây giờ nó hãy xuống khỏi thập giá và ta sẽ tin vào nó!”. Tha hồ thi đua đắc thắng, khi mà cả “những tên cướp cùng chịu đóng đinh thập giá với Ngài cũng sỉ mạ Ngài” (Mt 27, 39-44). Chúng ta đã cười nhạo hả hê. Tinh thần bình đẳng triệt để, chúng ta chia cho Thiên Chúa đến cả cái chết! Tổ tông chúng ta đã không “nên như những Thiên Chúa” theo lời dụ dỗ của Con Rắn được (St 3,5), thì chúng ta lại được thấy Thiên Chúa “trở thành giống hẳng người ta (…) cho đến chết, và là cái chết thập giá” (Pl 2,7-8). Không tự mình nhảy vọt với trái cấm hay với ngọn tháp Babel được thì chúng ta ra tay cào bằng. Không thắng được cái chết thì chúng ta tưởng đã thắng được Thiên Chúa!

Chúng ta đã “thắng” Thiên Chúa để rồi lại khom lưng cuốc đất đào đường, nốt gót nhau đi dần về chỗ chết.

Nhưng may thay cho chúng ta vì thắng Thiên Chúa chỉ là ảo tưởng. Chính Thiên Chúa mới toàn năng. Chính Thiên Chúa mới thắng một cách quyết định và triệt để, dứt khoát. “Giêsu Nazareth (…) thể theo ý định đã vạch sẵn và dự tri của Thiên Chúa mà bị nộp, và anh em đã dùng tay vô đạo đóng đinh Ngài vào thập giá mà giết đi. Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại, đã gỡ Ngài khỏi các nỗi đau khổ sự chết, bởi chưng sự chết vô phương cầm hãm được Ngài dưới quyền nó” (Cv 2,23-24).

“Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã cho sống lại, tất cả chúng tôi xin làm chứng về điều này” (Cv 3,32). Hội Thánh hôm nay cũng xin làm chứng về điều này. Quanh năm, từng “ngày chủ nhật hôm nay” chúng ta họp nhau thì không phải chỉ để “kính lạy thờ phượng Chúa” mà còn để làm chứng: Đức Kitô đã sống lại, đang “ở cùng anh chị em”. Nhất là hôm nay đây, ngày Lễ Phục Sinh. Chúa Kitô đã tự nguyện chịu chết để vượt qua cái chết, thắng cái chết. Tự nguyện trở thành “sự tội”, chịu chung án chết, chịu thay án chết để phá án chết. Ngài đã chia sẻ đến cùng thân phận con người để giải thoát con người khỏi thân phận ấy. Phục Sinh là Chúa Kitô đã toàn thắng cái chết của chúng ta. Chúng ta đã chỉ có cái Chết để chia phần cho Ngài, nhưng Ngài đã đáp lại bằng cách đem sự Sống lại đến cho cả hồn xác chúng ta. Lễ Phục Sinh cũng là lễ mừng chính chúng ta được “Thiên Chúa cho sống lại” nhờ Đức Kitô, với Đức Kitô và trong Đức Kitô.

Chúng ta đã được “Thiên Chúa cho sống lại” thật. “Hay lại không biết rằng: Hết thảy ta đã được thanh tẩy trong Đức Kitô Giêsu thì chính trong sự chết của Ngài mà ta đã được thanh tẩy? vậy nhờ thanh tẩy ta đã được mai táng làm một với Ngài trong sự chết, ngõ hầu như Đức Kitô, nhờ bởi vinh quang của Cha, đã sống lại từ cõi chết, thì cả ta nữa, ta cũng bước đi trong đời sống mới. Vì nếu ta đã nên đồng hình với sự chết của Ngài, thì ta cũng sẽ được đồng dạng với sự sống lại của Ngài” (Rm 6,3-5).

Bí tích Thánh Tẩy đã “tái sinh” chúng ta (Tt 3,5) “cho nên phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thụ tạo mới:: cái cũ đã qua đi và cái mới đã có đây rồi” (2 Cr 5,17). Cuộc tạo thành mới này, Thiên Chúa thực hiện một cách còn kỳ diệu hơn cuộc tạo thành ban đầu (“mirabilius reformasti”). Chúng ta không là dây mơ rễ má của Adam cho bằng là chi thể của Đức Kitô. Adam mới đem lại gấp bội những gì Adam cũ đã làm mất đi. “Không phải sa ngã thế nào thì ơn huệ cũng như vậy. Vì nếu bởi sự sa ngã của một người mà nhiều người đã chết, thì còn dẫy tràn hơn biết bao trên nhiều người ơn của Thiên Chúa, lộc trong ơn của một người là Đức Giêsu Kitô”. “Ở đâu tội đã gia tăng, thì ơn đã siêu bội” (Rm 5,15-20).

Hội Thánh cứ theo đà cảm nhận như vậy về “lộc trong ơn” của Chúa Kitô Sống Lại mà tràn đầy niềm vui của Thánh Thần đến nỗi hào hứng kêu lên trong đêm Lễ Phục Sinh: “Ôi tội lỗi hồng phúc!” Còn có lời lẽ nào nghịch thường, chướng tai cho bằng, nhưng tất cả niềm tin vào Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta, có thể tóm gọn, kết tinh trong tiếng kêu ấy!

Tuy nhiên…Phải chăng vẫn còn đó nỗi buồn? Phải chăng vẫn còn đó án tử kia, “bụi đất sẽ trở về đất bụi”? Con người vẫn phải chết. Chúa Kitô Sống Lại nào đã thay đổi được gì!

Nhưng tất cả đã thay đổi thực sự đối với lòng tin. Chúa Sống Lại đã thắng cả cái chết “bụi đất sẽ trở về bụi đất” kia. Chỉ có điều là Ngài không thắng theo lối tính toán của con người mà theo cách của Ngài, tốt đẹp nhất.

Được cứu độ trong Chúa Kitô, con người vẫn sẽ chết, nhưng không con phải chết cái chết của Adam nữa, không còn phải chết như những tử tù tuyệt vọng. Chúng ta sẽ được chết như Chúa Kitô, với Chúa Kitô để cũng vượt qua cái chết, thắng cái chết nhờ Ngài và với Ngài. Đối với kẻ tin, chết không phải chỉ vì bị kết án nữa mà còn vì được mời gọi tham dự vào chính cái chết của Chúa Kitô (2Cr 4,10-11). Ở đầu kia con đường đời, không là ngôi mộ cho bằng là thập giá. Thập giá sáng ngời và được Hội Thánh hân hoan tôn vinh ngay từ chiều Thứ Sáu Thánh.

Cái chết trở thành điểm hẹn. Thập giá đón đợi chúng ta, vẫn với cô đơn và đau xót tận cùng nhưng còn với hứa hẹn siêu phàm và vô tận. Chết là “cùng cam chịu khổ với Ngài để rồi cũng chia phần vinh hiển với Ngài” (Rm 8,17). “Chết trong Chúa” là gieo để sống lại:

“Gieo xuống trong hư hoại, sống lại trong bất hoại

Gieo xuống trong ô nhục, sống lại trong vinh quang

Gieo xuống trong yếu đuối, sống lại trong quyền năng

Gieo xuống là xác khí huyết, sống lại là xác thần thiêng (1Cr 15,42-45).

Nếu chúng ta có phải nhớ “mình là bụi đất sẽ trở về đất bụi” thì còn được biết hơn nữa rằng thân xác chúng ta cũng đã được dìm trong nước thanh tẩy (Rm 6,3-5). Vẫn theo tinh thần Thánh Phaolô, khi kẻ tin “được tẩy rửa, được tác thánh, được giải án tuyên công” thì không phải chỉ là “về phần linh hồn”. Trái lại chính thân xác được nhấn mạnh ở chương 6 của 2Cr để Thánh Phaolô lên án tội tà dâm…lý do đặc biệt của lòng tin: “Anh em không biết sao? Thân mình anh em là Đền Thờ của Thánh Thần ngự trong anh em…” Chúng ta không còn chỉ là “bụi đất” nữa. Bụi đất có phải trở về đất bụi thì cũng là để chúng ta còn vượt qua đất bụi. Chúa Kitô “sẽ biến đổi thân xác khốn hèn của ta sao nên đồng hình dạng với thân xác vinh quang của Ngài” (Pl 3,21).

Mầu nhiệm Phục Sinh toàn diện là như thế đó. Chúng ta vui mừng vì Đức Kitô, Chúa chúng ta đã sống lại và cũng vì cả chúng ta nữa, chúng ta đã được, sẽ được sống lại như Ngài, với Ngài. Ngay từ bây giờ, qua từng tiếng hát halleluia, Hội Thánh vẫn có thể vui reo:

Sự chết đã bì vùi trong toàn thắng!

Tử thần hỡi, chiến thắng của ngươi đâu!

Tử thần hỡi, nọc độc của ngươi đâu!

Đội ơn Thiên Chúa, Đấng đã ban toàn thắng cho ta nhờ Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô (1Cr 15,54-56).

Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, hãy vui mừng, Halleluia! Chư thánh hiển vinh, chư thánh còn phải được tẩy luyện, hãy vui mừng, Halleluia! Vì chúng đã sống lại thật, Halleluia! Thưa Cha, thưa Mẹ hãy vui mừng, Halleluia! Các con ơi, các cháu ơi, hãy vui mừng, Halleluia! Bà con, cô bác hãy vui mừng, Halleluia! Anh Chị Em tất cả hãy vui mừng, Haleluia! Vì Chúa đã sống lại thật, Halleluia! Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh Maria, hãy vui mừng, Halleluia! Halleluia!

Nguyễn Ngọc Lan

No comments: