Monday 17 November 2008

TUỔI THƠ Ở QUÊ NHÀ

Cha Trần Hữu Thanh Kể…

TUỔI THƠ Ở QUÊ NHÀ

Tôi sinh 1915, ngày sinh đúng thật 8-9 nhưng sổ sách có chỗ ghi 15-9, bởi hồi đi thi tiểu học thầy giáo hỏi tôi sinh ngày nào tôi chạy về hỏi mẹ, mẹ bảo: khoảng giữa tháng 9. Thế là thầy già ghi: 15. Quê tôi, là làng Phúc Lộc, một làng có đạo có lẽ đã lâu lắm, từ thời các cha Dòng Tên đặt chân đến vùng Dinh Cát, bởi sổ sách ghi lại lúc đó đã có họ đạo Phúc Lộc rồi. Khi Chúa Nguyễn trấn nhậm Đàng Trong, từ sông Gianh vào phía Nam, đã đóng đô ở làng Trà Bát, cách làng tôi độ một hai cây số. Các thừa sai Dòng Tên đã đến đây để giảng đạo và trong số giáo dân không đông lắm. Suốt hai ba trăm năm, số giáo dân không thay đổi, nói đúng hơn là không có người theo đạo sau đó. Việc truyền đạo như là có từng đợt, đợt đầu với các cha Dòng Tên, rồi mãi 150 năm sau mới lại có đợt mới. Số giáo dân quanh vùng Quảng Trị cũng không có gì thay đổi. Trong họ chúng tôi có hai nhân vật, được coi như ông tổ của làng. Một trong hai người đi lính đóng đội, thường được làng xóm gọi là ông đội Thản. Tất nhiên ông bà của hai ông đội này cũng đã theo đạo, từ thời các cha Dòng Tên.

Làng tôi thuộc loại nhỏ, giữa bao nhiêu làng lớn hơn nhiều. Lúc đông nhất cũng chỉ độ ba bốn trăm người. Bây giờ còn độ hai trăm. Số người theo đạo Công Giáo không đông nhưng rất sốt sắng. Ai đã có đạo là giữ đạo thật tình, không ai bỏ đạo. Chúa nhật đi lễ xa, lên Bố Liêu, An Lộc, Đại Lộc đường đi không dưới ba bốn cây số. Trai trẻ kéo nhau đi trước, ông già bà cả đi sau, mỗi gia đình chỉ để một người trông nhà. Khi tôi vừa chào đời thỉ đã được chìm đắm trong bầu khí đạo hạnh của gia đình, của chòm xóm. Tôi chửa hề thấy bố mẹ tôi bỏ lễ ngày Chúa Nhật, bỏ kinh tối kinh sáng. Buổi tối, nếu trời tốt thì cả làng đọc kinh chung ở nhà thờ, ngày mưa bão thì đọc ở nhà. Sáng tối, cả xóm râm ran tiếng kinh. Đời sống đạo hồn nhiên, vui tươi trong sáng. Trong làng, không ai văng tục bừa bãi. Tôi còn nhớ một ông trong làng khi thấy mất một cụm măng ở gốc tre nhà mình, ông đã xuất khẩu một tiếng “ĐM” cho hả giận. Lũ trẻ con chúng tôi cả lương cũng như giáo ngơ ngác nhìn nhau vì lần đầu tiên được nghe tiếng lạ này. Thường thì trẻ con Công Giáo chúng tôi chơi với nhau, giữ cho nhau được nhiều tập quán đạo đức do bố mẹ dạy bảo như: không nói tục, không làm điều xấu, bởi vì làm sẽ bị chê trách, bị mách bảo với cha mẹ chú bác cô dì. Tôi liên tưởng đến chuyện thầy Mạnh Tử được cha mẹ đưa đến gần trường học thay vì ở gần chợ búa, lò sát sinh. Chúng tôi lớn lên như thế, giữ nhau trong trắng giữa lúc bố mẹ bận bịu công việc ngoài đồng.

Bố tôi sinh năm 1882, chỉ ba năm sau có phong trào Văn Thân, giết hại khoảng tám ngàn giáo dân trong tỉnh Quảng Trị. Lúc đó ông nội tôi còn khỏe mạnh, ông xuống An Lộc hợp với thanh niên Công Giáo làm thành lực lượng chống lại Văn Thân. Bố tôi ở nhà với bà nội tôi, trốn chui trốn nhủi trong các ruộng ngô của làng. Khi tai nạn qua, trong nhà chỉ còn bà tôi, bố tôi và một bà cô. Bên mẹ tôi cũng thế, cũng người làng Phúc Lộc. Ông ngoại tôi đi học trong Huế; học trường sĩ quan và vừa đậu cử nhân võ quan. Bà ngoại tôi ở nhà với mẹ tôi và một người chị của mẹ tôi. Cũng như bên gia đình tôi, bà ngoại tôi đưa hai cô con gái trốn trong ruộng ngô, bốn ngày sau thì hết lương thực, ba mẹ con bảo nhau là nếu có trốn nữa cũng chết vì đói, chi bằng ra nộp mình cho Văn Thân, xin họ giết để được chết vì đạo. Đúng lúc đó, thì ông ngoại tôi, với danh nghĩa cử nhân trường võ bị, gửi giấy về yêu cầu làng bảo đảm an toàn cho vợ con. Các ông Văn Thân từ chối mọi hành vi tàn bạo đối với bà ngoại và mệ tôi, bởi ông ngoại tôi nay đã là bậc khoa bảng của triều đình. Sau khi tốt nghiệp trường Võ Bị đúng lúc triều đình không tổ chức quân đội riêng nữa mà chỉ con toàn lính khố xanh khố đỏ, ông ngoại tôi trở về làng và qua đời mấy năm sau đó.

Tôi mang trong mình hai dòng máu: tử đạo (ông nội) và võ quan nam triều (ông ngoại). Anh em chúng tôi không biết sợ chết là gì. Bố tôi lúc mười sáu mười bảy tuổi cũng có ý định đi tu, đã lên xứ An Lộng ở với cha xứ với hy vọng được ngài giới thiệu đi tiểu chủng viện. Nhưng cha xứ nhận thấy là làng tôi nói chung, gia đình tôi nói riêng, đã bị giết hại quá nhiều bởi quân lính Văn Thân, ngài khuyên cha tôi về đời để tái lập lại họ đạo Phúc Lộc. Tôi chỉ lạ một điều, là không biết bố tôi học hành khi nào, bởi vì ở với cha xứ An Lộng thì có học hành được bao nhiêu đâu, vậy mà ông rành rẽ cả chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ. Ông sáng tác thơ phú khá hay.

Điều lạ lùng hơn nữa, là cả bố cả mẹ tôi đều hiểu Kinh Thánh rất sâu sắc, rạch ròi sấm truyền cũ sấm truyền mới, nhất là đối với mẹ tôi là người không biết chữ. Hồi còn trẻ mẹ tôi được hai ông cậu, một ông ở An Lộng, một ông ở Bích Khê có ý định gả mẹ tôi cho một ông nhà giàu. Mẹ tôi đem sự việc trình với cha xứ, ngài cho gọi hai ông cậu tôi đến, mắng cho một trận, buộc phải để cho mẹ tôi tự do lấy người mà mẹ tôi thương. Mẹ tôi, thì đã hứa hẹn với bố tôi và quyết không đổi ý. Các ông cậu tôi đành chào thua, bảo là nó muốn nghèo thì cho nó nghèo luôn. Sau này các cậu tôi rất giàu và không có thiện cảm lắm, với mẹ tôi và gia đình tôi.

Hai ông bà lấy nhau, cả làng cho là xứng đôi vừa lứa. Chưa bao giờ tôi thấy bố mẹ tôi cãi vã nhau, mọi việc đều bàn bạc ôn tồn. Chúa cho hai người con đầu tiên là linh mục Trần Hữu Quý và linh lục Trần Hữu Tôn. Bà hứa là hễ sinh được người con nào là dâng cho Chúa hết. Anh Quý tôi, được cha Hân là anh Đức Cha Hòa Hiền nhận nuôi. Anh Tôn tôi được cố Roux nhận nuôi (tên Việt Nam là cố Ngôn). Hai anh tôi đi tu, khi tôi chưa sinh ra, năm 1910-1911. Tôi chỉ gặp hai anh vào kỳ nghỉ hè. Tôi lớn lên với hai người chị, chị Sâm và chị Huế. Trong gia đình ngày nay, chỉ còn con cháu của hai bà chị này, còn tất cả đều chết hết rồi. Tôi thân với chị sau, chị hơn tôi ba tuổi. Tôi thường đi dự các lễ Đức Mẹ với cô chị này. Cả nhà chúng tôi sống trong bầu khí đạo hạnh ấy: kinh tối kinh sáng theo mùa, không bao giờ bỏ lễ Chúa nhật, thường xuyên đi dự các lễ kính Đức Mẹ theo lịch phụng vụ quanh năm. Ngoài hai anh đã đi tu, tôi có hai bà chị, mới 15 tuổi đã có người chạm hỏi. Cả hai bà đều về nhà chồng ở tuổi 16. Sau tôi có một em trai, mất sớm khi mới được sáu tuổi. Rồi một cô em gái, cô Miên, và sau cô Miên còn một cô út cũng chết sớm khi được sáu bảy tuổi. Rốt cuộc anh chị em chúng tôi tất cả là tám, chết hai còn sáu.

Vào ngày Chúa Nhật, chúng tôi đi lễ nhà thờ xứ cách nhà ba cây số. Bọn trẻ chúng tôi kéo nhau đi trước, ghé chỗ này chỗ nọ chẳng hạn vào một cái chợ quê trên đường đi, xem mổ trâu bò, mãi rồi mới thấy các cụ như bố tôi xách dù đủng đỉnh tới sau, tất cả đều đến nhà thờ kịp lễ. Ngày đi lễ là ngày vui của cả già lẫn trẻ. Vừa rồi nhà ra đến đường là làm dấu thánh giá, đọc kinh, đôi khi có hai anh tôi cùng đi, thỉnh thoảng có cả Đức Cha Simon Hòa Hiền, khi đó là thày Đại chủng viện, về nghỉ ở gia đình gần nhà tôi, các thày Đại chủng sinh này nói đôi điều về ý nghĩa ngày lễ, đọc vài câu Kinh Thánh và mọi người suy niệm trên đường đi. Sau này Đức Cha Hiền đã làm Giám mục, hai anh tôi làm linh mục thì đến phiên tôi tiếp nối truyền thống thánh thiện này trong gia đình. Do đó, mà lòng đạo trong gia đình được hun đúc sâu sắc, ba anh em chúng tôi đi tu, cô em gái út cũng đòi đi tu, chính là do lòng đạo trong gia đình được bố mẹ truyền dạy cho con cái.

Vào những ngày lễ trọng kính Đức Mẹ, bố mẹ tôi cho chị tôi và tôi về nhà thờ xứ dự lễ, còn các ngài ở nhà lao động. Chị em tôi lên đường từ chiều ngày hôm trước, đem theo một lon gạo và hai quả trứng vịt. Đến nhà xứ, sau khi đã xưng tội, chầu Mình Thánh Chúa thì được ông bõ cho mượn một chiếc chiếu, chỉ định cho một góc trong nhà tăng, hai chị em thổi cơm ăn bữa tối, ngủ qua đêm đợi ngày hôm sau dự lễ, rồi về. Như vậy, mỗi năm được vài dịp: lễ Đức Mẹ Dâng Mình Vào Đền Thánh, lễ Truyền Tin cho Đức Mẹ, lễ Đức Mẹ Chẳng Hề Mắc Tội Tổ Tông, lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời,… Mẹ tôi không bao giờ quên những ngày lễ này. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy bố mẹ tôi kể chuyện Kinh Thánh cho chúng tôi nghe, không hiểu ông bà đã học ở trường lớp nào mà mẹ tôi kể vanh vách những chuyện về Vua Đa-vít, ông Áp-ra-ham, I-sa-ac, Gia-cóp… tôi cũng không hiểu các cha Thừa Sai đã dạy kinh bổn ra sao.

Họ đạo của tôi là một họ lẻ, cách nhà xứ độ ba cây số. Vào thế kỷ 18, trong lịch sử của Giáo phận Huế đã có ghi họ đạo Phúc Lộc, không biết rõ hồi đó có bao nhiêu giáo dân. Vào năm Ất Dậu 1885 cả vùng Quảng Trị đã bị phong trào Văn Thân khủng bố. Riêng họ đạo của tôi, lúc đầu tưởng có chừng 100 giáo dân bị giết hại, nhưng bây giờ thống kê lại thì có tới 250 người bị giết, cả giáo họ chỉ còn lại 50 người trong đó có bố mẹ tôi và một số bà con. Chúng tôi được thừa hưởng không những tinh thần anh dũng của tiền nhân mà còn cả ruộng vườn của họ nữa, nhờ đó mà ăn nên làm ra. Như vậy dưới thời Văn Thân, số bà con Công Giáo lên đến trên 300 người. Sau này lúc đông nhất cũng chỉ trên 100 người.

Cách sát hại của Văn Thân là lùa mọi người vào nhà thờ và nổi lửa đốt. Bà nội và bố tôi, bà ngoại và mẹ tôi đã trốn thoát trong ruộng ngô như đã nói trên đây. Cũng phải kể đến sự che chở phần nào của bà con bên lương gồm hai phần ba số dân trong làng. Văn Thân là chuyện của các quan trên, là một phong trào quần chúng, do đó bà con bên lương không ghét bỏ bà con bên đạo. Còn bà con bên đạo, khi có thể tổ chức lực lượng chống lại Văn Thân, họ đã chống lại mãnh liệt như ở An Ninh, Dương Lộc, Trà Kiệu… Bởi, đây không phải là lệnh của triều đình, của nhà Vua, chứ nếu là lệnh của nhà Vua thì người có đạo chỉ còn biết cúi đầu chịu chết mà không dám kháng cự. Dưới thời Văn Thân người có đạo ở vùng Quảng Trị đã chiến đấu và chịu chết cách anh dũng. Người ta kể lại rằng sau những tang thương ấy, Đức Cha Allys đã cùng với chính quyền từ Huế ra Quảng Trị quan sát, những người sống sót trong các vụ thiêu tập thể ở nhà thờ tưởng là quan nhân Văn Thân, đã ra nộp mình và năn nỉ để xin được chết vì đạo.

Sau đó thì những người sống sót đã được Bề Trên thương ăn nên làm ra. Một bà lấy chồng về Đại Lộc đã sinh ra cha Nguyễn Văn Từ sau nay, vị linh mục đã nuôi tôi. Một bà khác lấy chồng về Nhu Lý và đã sinh ra Đức Cha Simon Hòa Hiền và cả dòng họ danh tiếng này.

Giáo dân Phúc Lộc phân tán đi nhiều nơi: Đại Lộc, Nhu Lý, Dương Lộc, An Lộng… chỗ nào cũng có bà con của tôi. Mỗi năm chúng tôi chọn một ngày gọi là ngày “chạp mả”, thường là vào tháng nghỉ hè để bà con quy tụ về làng cũ Phúc Lộc, gặp lại nhau, ăn với nhau một bữa cơm, sửa sang mồ mả của cha ông. Dịp này bố tôi thường chỉ cho mọi người xem mồ mả của các vị tiền nhân, xướng danh tên tuổi để mọi người nhận ra nhau họ hàng. Nhờ đó mà bây giờ tôi còn có thể kể tên từng vị, từng chi họ trong làng.

Bởi Phúc Lộc chỉ là họ lẻ, mỗi năm được vài lần cha xứ về dâng lễ, còn các ngày lễ khác đều phải về nhà thờ xứ, xứ An Lộng. Nhà xứ do một cố Tây làm chính xứ. Cố chính xứ có hai anh em cùng phục vụ trong Giáo phận Huế, hai cố lấy tên Việt Nam là Đề và Huề, thuộc dòng họ De Pe1rey, giàu có bên Pháp. Cố Đề là anh, chính xứ An Lộng. Ngài có thói quen chở sau xe đạp của ngài, đủ cả phụ tùng sửa xe, hễ gặp ai hỏng xe giữa đường ngài sửa giùm. Đường xá, cống rãnh chỗ nào hư hỏng ngài bỏ tiền ra sửa sang. Cố Huề là chính xứ Tam Tòa, một nhà khảo cổ học chuyên sưu tầm các cổ vật văn hóa Chàm. Viện bảo tàng Chàm ở Đà Nẵng còn lưu giữ nhiều cổ vật do ngài tìm ra và trao tặng. Mỗi lần đi đổi tiền về, ngài không đếm, tiền xu tiền kẽm để từng rổ trong phòng, ai vay mượn cứ vào lấy tự nhiên. Có người bảo làm như vậy ngài không sợ kẻ gian sao? Ngài trả lời là không sao, bao lâu nước còn chảy dưới chân cầu thì tiền của nhà De Pérey vẫn còn, chưa hết đâu mà sợ.

Khi tôi sắp sửa gia nhập Đệ Tử viện DCCT Huế, thì thấy có hai cha Việt Nam về làm chính xứ thay thế các ngài, nhưng trong toàn vùng Quảng Trị, hầu hết các cha chính xứ là các cố Tây, các cha Việt Nam còn rất ít. Có lẽ trong các giáo phận thì giáo phận Huế là nơi mà sự giao tiếp giữa linh mục Pháp - Việt được êm đềm nhất, không có sự chia rẽ, cách biệt. Ở bàn ăn chung, chỉ có một chút phân biệt trước sau trên dưới căn cứ vào năm tháng chịu chức linh mục của các vị. Khi tôi lớn hơn một chút thì tôi thấy các cha Việt Nam đã khá đông đảo khoảng trên dưới 80 cha, lần lượt thay các cố Tây trong nhiều chức vụ, nhiều nhiệm sở. Tôi đã từng chứng kiến cảnh một cha phó người Việt khóc nức nở khi phải chia tay một cha chính xứ người Pháp lúc cha này được bài sai đi nơi khác. Cha phó người Việt vừa khóc vừa kể lể: “Cha ơi! Con sinh sau đẻ muộn, chưa học hỏi được nhiều những điều hay lẽ phải nơi cha, nay cha lại phải ra đi… cha ơi!”. Thế đó, cái tình cái nghĩa giữa các cố Tây và cha Việt ở quê tôi mặn mà như thế đó.

Lên bảy tuổi, tôi bắt đầu đi học trong làng, không có trường của nhà nước chỉ có một lớp học tư gia vừa dạy chữ nho vừa dạy chữ quốc ngữ. Tôi theo học ở lớp học này, do thày khóa sinh Hoàng Tri Toàn, con một ông Lang. Khóa sinh là người chuẩn bị ứng thí các kỳ thi do triều đình tổ chức. Thày Hoàng Tri Toàn là thân sinh thượng nghị sĩ Hoàng Xuân Tửu dưới thời đệ nhị cộng hòa ở miền Nam Việt Nam. Thày Toàn cũng có một người anh là thân sinh của tướng Hoàng Xuân Lãm, tư lệnh vùng Một chiến thuật dưới thời Đệ Nhị Cộng Hòa ở miền Nam Việt Nam. Gia đình khoa bảng này không cộng tác với Văn Thân và đã sống rất ngay thẳng. Khi vào Huế học, Hoàng Xuân Lãm có cậy nhờ nhiều nơi cha Trần Hữu Tôn, anh của tôi, khi đó là chính xứ Phanxicô. Hai gia đình chúng tôi giữ mối giao hảo tốt với nhau. Riêng gia đình ông Hoàng Xuân Tửu đã có khá đông người vào đạo Công Giáo. Chúng tôi học như vậy mà không có sách giáo khoa, cứ nằm bò ra đất mà viết, mới nhập môn thì học tam tự kinh, học thuộc lòng từng chữ từng tiếng một: Ngưu trâu, mã ngựa, tiền trước hậu sau, sau đó học ngũ thiên tự. Cũng có thể coi đây là một phương pháp su phạm thời bấy giờ, cần phải vận dụng nhiều trí nhớ thuộc lòng. Khi đã học được khá nhiều từ, thì chuyển sang việc học từng câu: Thiên địa anh khí (khí sáng của trời đất) Chung nhi vi nhân (hợp lại thành con người) Dĩ mục thông minh (tai mắt sáng) Vi nam tử thân (làm thân con trai) Tận ngã nghĩa vụ (làm trọn bổn phận của mình) Vị chi quốc dân (vì dân vì nước). Đây cũng có thể coi triết lý của đạo Khổng, văn hóa nhà Nho được lồng vào môn học, ngay từ tấm bé.

Sau này, tôi còn mang theo một cuốn sách được hai anh tôi cho, tác giả là Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn, tên sách là Kim Tương Văn Khố, dạy làm đơn từ. Khoảng năm 1925, nhà nước bãi bỏ các khoa thi bằng chữ Nho, việc học chữ Nho chỉ là cho vui vậy thôi. Tôi chỉ được học một năm, và quả thực rất ích lợi. Mặc dù không viết được nhiều, nhưng tôi hiểu được ngọn nguồn của nhiều từ, nhiều chữ, có ích cho việt học và dạy Việt Văn của tôi sau này. Chữ Nho đối với Việt Nam cũng như chữ La Tinh đối với văn chương Pháp. Có lẽ ở miền Nam, một thời chữ Nho đã được khuyến khích học tập. Tôi còn nhớ câu hò:

“Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ

Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu

Anh về anh học chữ Nhu (Nho)

Chín năm em cũng đợi, mười thu em cũng chờ”

Còn ở miền Trung, việc học chữ Nho khi tôi còn nhỏ, chỉ là tự phát và riêng lẻ như vậy đó.

Về chữ quốc ngữ, tôi đã biết đọc biết viết, có thể viết ám tả (chính tả), làm luận văn tả con trâu, con bò. Trường dạy chữ quốc ngữ chỉ có ở Tổng, cách làng tôi hai cây số và cũng chỉ mới có tới bậc Tiểu học – CEPI (Certificat des Etudes Primaires d’Indochine). Chương trình học toàn tiếng Việt, gồm có các lớp:

-Lớp Đồng Ấu (cours Enfantin) – 7 tuổi

-Lớp Dự bị (cours Préparatoire)

-Lớp Sơ đẳng (course Elémentaire)

-Lớp Trung đẳng (cours Moyen)

-Lớp Cao Đẳng (cours Supérieur) – tương đương lớp 5 ngày nay

Ai muốn học tiếng Pháp thì chỉ là nhiệm ý (Mention Francaise). Học sinh các lớp mỗi năm phải mua khoảng sáu, bảy cuốn sách giáo khoa, tác giả là Đỗ Thận, như Quốc Văn Giáo Khoa Thư, Toán Học Giáo Khoa Thư, Sử Ký Giáo Khoa Thư, Địa Dư Giáo Khoa Thư, Cách Trí Giáo Khoa Thư,… sách do nhà nước phát hành.

Tôi không học lớp Đồng Ấu, bởi đã biết đọc biết viết, tôi vào thẳng lớp dự bị của trường Tổng để chuẩn bị sang năm sau đi thi Sơ học yếu lược. Lẽ ra thì hết lớp Sơ đẳng mới đi thi bằng này, nhưng vì trường tôi chỉ có hai lớp Đồng Ấu và Dự bị, nên hết lớp Dự bị tôi đi thi ngay bằng Sơ Học Yếu Lược và đã may mắn đậu trong kỳ thi.

Sau cấp Tiểu Học, có thêm bốn lớp cao hơn gọi là Cao Đẳng Tiểu học (Primaire Supérieur), cuối năm thứ tư có thể đi thi bằng Thành Chung (Diplôme). Sau bằng Thành Chung, có thể học lên Tham Tá (Agent Technique) hoặc làm y sĩ (Medecin) sau bốn năm học. Hồi đó, không có trường tư và lúc đầu chỉ mới có trường dạy đến Tú Tài (Baccalauréat) cho người Pháp mà thôi, ở các trường Albert Sarraut (Hà Nội) và Chasseloup Laubat (Sài Gòn). Đó là đại khái chương trình học thời xưa khi tôi còn bé.

Năm lên 9 tuổi, bố mẹ tôi muốn cho tôi đi tu. Vùng của tôi có rất nhiều ơn kêu gọi. Riêng làng tôi đã có tới 6 người làm linh mục. Các cha đi qua làng đều ghé thăm, mỗi năm chúng tôi đón tiếp khoảng 30 vị. Hai anh tôi, đã đi học trường Latinh ở An Ninh, các chú bạn của hai anh tôi thường ghé nhà chơi, có khi ở lại hai ba ngày. Vì thế, từ tấm bé tôi đã sống trong bầu khí ơn gọi tu trì đạo hạnh ấy. Ai ai cũng bảo là tôi sẽ đi tu, tôi cũng nghĩ là mình sẽ đi tu. Các cha xứ “nhắm” tôi để xin cho tôi đi tu. Khi đó có cha Nguyễn Văn Từ vừa chịu chức và đang coi xứ Đại Lộc, lại là người trong họ hàng đã xin bố mẹ tôi để tôi theo ngài. Thế là khi 10 tuổi, tôi vào ở với cha Từ ở làng Thạch Bình, gần chợ Sịa, một xứ đạo lớn. Ở được một năm, cha Từ chê là tôi nghịch quá trả tôi về với gia đình.

Bây giờ nghĩ lại, hồi đó quả là có nghịch ngợm thật, nhưng không phải lỗi tại tôi. Ở cái tuổi bay nhảy và trí óc đang phát triển ấy mà, không có việc gì làm ngoài việc hầu cha chút đỉnh: giúp lễ, dọn bàn ăn, đánh giầy, lau xe đạp, quạt cho các cha lúc các ngài ăn cơm… còn thì rong chơi, tối ngày. Trong nhà xứ khi đó có ba cha, mỗi cha nuôi một chú, thành thử ba chúng tôi không biết làm gì, phải bầy trò mà chơi, nhất là quấy phá các bà phước. Chiều chiều các bà đọc kinh ở nhà thờ, giữa nhà thờ là cái mồ giả đã được dọn cho lễ cầu hồn ngày hôm sau, tôi chui vào nằm sẵn trong đó, đem theo một gói ngô rang. Khi các bà bắt đầu, nhai ngô rạo rạo, lại lên tiếng thảm sầu “Xin các bà cầu nguyện cho tôi với”. Các bà cong lưng chạy. Hoặc giả có những ngày cả ba cha đi vắng, chúng tôi nhắn tin sang nhà các bà phước rằng: có mấy cha lại thăm. Chúng tôi lấy áo của các cha mặc vào, lấy râu ngô làm râu, đội mũ chống gậy khệnh khạng đi qua. Thế thôi, không phá phách gì quá đáng, không làm hại ai. Chúng tôi có lý của chúng tôi, bởi các cha nuôi như vậy mà không có chương trình học tập hoặc tu đức gì, để mặc chúng tôi muốn làm gì thì làm. Cái nghịch này, là do lỗi người lớn, đã không biết sử dụng thời giờ rảnh rỗi của chúng tôi. Tôi còn nhớ hồi đó có một chú khá lớn tuổi, tên là chú Tiết, chú có cảm tình với một cô trong họ đạo tên là Nẫm, thế là chúng tôi cứ hô hoán lên: “Tiết Nẫm”, hô đủ to để anh ta nghe được chột dạ và hối lộ cho chúng tôi tấm ảnh đạo. Khi anh ta hết đồ để hối lộ, anh ta lại lục lọi trong tủ của chúng tôi và thu hồi hết những tấm ảnh đã cho. Rồi lạ hô rồi lại cho… cứ thế mãi, mà đã phát sinh ra những thày kẻ giảng không mấy đàng hoàng.

Cha Từ của tôi là cha phó. Mỗi chiều thứ bảy đi ban lễ ở họ lẻ, tôi là người dọn đồ cho cha. Đồ lễ ngày xưa phức tạp hơn ngày nay nhiều, vậy mà chưa bao giờ tôi quên một thứ gì. Buổi chiều, tôi đi theo các ông trùm họ đi trước với đồ lễ, đến tối cha mới đạp xe về giáo họ, ngồi tòa, rồi hôm sau mới dâng lễ. Tôi vẫn tự hào về chuyện này. Tôi, một cậu bé mới 10 tuổi. Hồi đó, bổn đạo đi xem lễ sốt sắng. Tôi để một cái đĩa giữa nhà thờ, ai muốn chịu lễ thì bỏ vào đó hoặc một viên sỏi, một cái que, hoặc một đồng tiền ăn sáu (tức là 6 tiền được một quan), tôi căn cứ vào số lượng trong đĩa mà chuẩn bị bánh thánh. Tất nhiên, nếu có một vài đồng tiền lẫn trong sỏi đá thi chú giúp lễ được toàn quyền thu chi quà bánh.

Nghịch ngợm thì có, chứ không bao giờ nói dối, ăn cắp hoặc làm hại ai. Có lần ban đêm tôi ngủ, hai chú kia lấy nước dội nhẹ lên người tôi, đến sáng các chú hô lên là tôi đái dầm. Tức quá, tôi trả đũa bằng cách khi họ ngủ say, tôi không đổ nước như họ đã làm mà tôi tè thật lên người họ. Nước tiểu nóng làm các hắn vùng dậy, tôi trốn vội vào cái chum, các hắm tìm không ra, đúng lúc cha xứ thổi còi đánh thức dậy giúp lễ. Tôi lồm cồm chui ra khỏi chum, miệng la bai bải: “Không phải tao đâu! Không phải tao đâu!”. Quả là một lời thú tội ngây thơ,

Trở lại về với gia đình, bố tôi phải tìm cách cho tôi đi học và tôi đã nhập học lớp của thày Toàn như đã nói trên đây. Ở lớp học nhà quê này, tôi được khen là ngoan. Chả là vì, khi thày nhờ tôi mua một xu mực thì tôi mua những hai xu (hồi đó không có mực như bây giờ, phải mua phẩm tím về hòa với nước), nhờ mua một hào giấy thì tôi mua những một hào rưỡi. Tôi muốn làm thày hài lòng. Cũng như trong suốt đời tôi những ai nhờ vả tôi điều gì, tôi đều muốn họ hài lòng.

Sau đó, tôi được gửi học trường của Tổng. Không còn học chữ Hán nữa, chỉ học chữ Quốc ngữ và chút ít tiếng Pháp, theo chương trình tôi đã nói trên đây. Trường Tổng chỉ có hai lớp Đồng Ấu và Dự Bị, tuy là dự bị những cũng là sơ đẳng để chuẩn bị đi thi tiểu học. Tôi học lớp dự bị và được liệt vào loại giỏi nhất lớp. Một học sinh khác là em ruột của thày dạy, hai chúng tôi thay nhau đứng nhất nhì trong lớp. Cuối năm tôi được phần thưởng, là một cuốn sách của ông Pasquier: “L’Annam d’hier et d’aujourd’hui”, viết về lịch sử nước ta, từ khi người Pháp tới với các ông quan búi tóc, để móng tay dài, đến nay với các viên chức ngực nở chơi thể thao, tập thể dục, cưỡi xe đạp, văn minh hơn xưa. Cuốn sách in song ngữ, một bên tiếng Pháp một bên tiếng Việt. Phần thưởng còn có cuốn “Les Cinq Fleurs” của Jean Marquet, tựa Việt Nam là “Ngũ Hoa”, ám chỉ năm xứ ở Đông dương. Nội dung của cuốn sách nói về một ông bố thích uống trà và muốn ướp trà, ông sai năm anh con trai đi Lào, Cao Miên, Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ để tìm loài hoa quý của những xứ này đem về cho ông ướp trà. Mỗi người đem về một loại hoa. Mục đích của cuốn sách là mô tả phong tục tập quán, cảnh quan của mỗi nơi mà mỗi người con đặt chân đến. Đây là một tác giả khá nổi tiếng thời bấy giờ, các trích đoạn trong các tác phẩm của ông thường là những bài văn mà chúng tôi phải viết chính tả (Dictée)

Học một năm ở trường Tổng, tôi đi thi tiểu học, cùng với hai anh tôi. Các anh tôi đã học xong tiểu chủng viện, nghĩa là đã xong lớp mười hai rồi, còn tôi mới xong lớp ba. Bởi vì lúc đó địa phận Huế dự định thay đổi chương trình học, các chú ở tiểu chủng viện sẽ theo học chương trình nhà nước, nên khuyến khích các chú các thày đi thi bằng cấp của nhà nước. Lúc này địa phận không còn sợ vu vơ nữa, sợ rằng các chú tiểu chủng viện, các thày đại chủng viện có bằng cấp sẽ bỏ nhà Chúa mà về đời. Anh cả tôi đỗ thủ khoa kỳ thi năm ấy, anh hai tôi đỗ thứ mấy tôi không nhớ, tôi cũng đỗ. Có trường hợp cả hai bố con cùng đi thi, bởi vì ông bố muốn xin một chân thư ký ở công sở, ông phải học chữ quốc ngữ và có bằng tiểu học. Những bài thi gồm có: một bài ám tả, một bài luận văn và một bài toán. Muốn thi các môn nhiệm ý như tiếng Tàu, tiếng Pháp thì cũng được, nhưng các môn nhiệm ý chỉ được chấm khi đã thi đỗ. Nếu đã đỗ rồi mà hai môn nhiệm ý này dưới trung bình cũng không sao. Còn nếu môn nhiệm ý cũng trên trung bình thì được ghi vào văn bằng.

Khi ở Quảng Trị, tôi là thằng bé nhà quê bị các chú bao vây hỏi han đủ thứ, lại còn thách tôi ra câu đố. Tôi đồng ý và hỏi ngay: Ánh sáng từ mặt trời tới trái đất mất bao nhiêu phút? Các chú nhì nhau, tính toán, mở sách vở tham khảo nhưng không ai trả lời được. Tôi nói mất tám phút. Đây là kinh nghiệm đầu tiên cho tôi biết sự khác biệt giữa chương trình học của tiểu chủng viện và của trường nhà nước. Ngoài đời học cái gì, tiểu chủng viện hầu như xa lạ.

Trước ngày đi thi ở Quảng Trị, tôi đã từng đi dự Đại hội Đức Mẹ La Vang, từng thấy tàu hỏa Bắc Nam. Chúng tôi ở lại một đêm ở Cổ Vưu rồi sáng hôm sau mới vào La Vang. Khi đi ngang qua đường rầy xe lửa, tôi đoán là xe lửa chạy trên hai đường rầy này và cứ băn khoăn tự hỏi làm cách nào để con tàu có thể quay đầu trên hai đường song song thẳng tắp này. Tôi tự hỏi và tự tìm câu trả lời. Tôi thường xuyên đặt vấn đề với chính tôi, cố gắng tìm câu trả lời, đến khi hoàn toàn bí mới đi hỏi người khác. (còn tiếp)

No comments: