Monday, 3 November 2008

CON ĐƯỜNG ĐẤU TRANH CÔNG LÝ VÀ SỰ THẬT


CON ĐƯỜNG ĐẤU TRANH CÔNG LÝ VÀ SỰ THẬT
CỦA CHA CỐ GIUSE TRẦN HỮU THANH

Nhân ngày giỗ của cha Giuse Trần Hữu Thanh, một người cha suốt đời tận tụy đấu tranh Công Lý và Sự Thật cho dân tộc. Được nghe bài giảng của cha Vũ Khởi Phụng tại Hà Nội về cuộc đời của cha Cố Giuse Thanh ( Xin vào http://www.dcctvn.net/news.php?id=552 ) rất xúc tích làm xao động lòng người khiến tôi suy nghĩ, cầu nguyện thêm cho Tổng Giáo Phận Hà Nội, cho Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt thân yêu và cho Giáo Xứ Thái Hà đang trong cơn thử thách. Trong tâm tình hiệp thông cách riêng cho cha cố Giuse, con xin bày tỏ vài cảm nghĩ, mong tinh thần đấu tranh của cha tỏa khắp trên mỗi người tín hữu chúng con trên mọi miền Tổ Quốc.

Tôi chỉ gặp được cha Giuse vỏn vẹn ba lần ở ba nơi khác nhau rất xa, nhưng ba lần gặp ấy là ba ấn tượng cũng rất khác nhau trong cuộc đời tôi cũng như trong cuộc đời ngài. Ba hình ảnh khiến tôi ngưỡng mộ ngài như bao người có dịp gặp cha.

Nhà thuyết giảng tài ba của Chúa Kitô – Một Phaolô thời đại

Khi còn là một cậu giúp lễ nhỏ tại một Giáo Xứ nghèo trên quốc lộ 1 miền trung, cái thời đất nước mới trải qua cuộc chiến và thành quả của nó là chia đôi Nam Bắc, cả triệu người phải bỏ quê hương vào nam chạy trốn gông cùm CS. Xứ Đạo tôi còn nghèo mọi thứ, công ăn việc làm chưa ổn định, nhà cửa còn tạm bợ chòi tranh, mái lá. Nhưng cũng có một Nhà Thờ mái tranh vách đất với mấy chục gia đình, mà cha xứ thì kiêm nhiệm cả năm, sáu nơi xa xôi hẻo lánh. Vất vả là thế mà cuộc sống bình yên, hài hòa, thương yêu gắn bó trong xóm Đạo thân thương.

Tôi còn nhớ buổi chiều hôm ấy, sau giờ lễ bỗng nhiên xứ tôi có khách, chuyến xe tốc hành Phi Long chạy Sài-gòn – Huế thả xuống sân Nhà Thờ một đoàn khách với cơ man độ đạc, cứ từng thùng, từng thùng to nhỏ đủ thứ ? Thì ra chúng tôi đang được vinh dự đón tiếp một đoàn các cha các Thầy Dòng Chúa Cứu Thế đến giúp cho một Tuần Đại Phúc trong hành trình tứ Sài-gòn ra Huế. Giáo Xứ rộn rã hẳn lên, chúng tôi kẻ khiêng người vác mọi thứ vào gian nhà chung – gọi là nhà chung vì nó là nơi duy nhất để sử dụng vào mọi việc, là nơi tập hát buổi tối, là phòng họp của Legio, là trường học chung cho đủ các lớp của thầy bốn… và bây giờ là chỗ cho các cha thầy DCCT vừa ở vừa để đồ đạc vừa là văn phòng điều hành. Bố tôi là ông trùm xứ nên lo việc ăn uống, sinh hoạt và phương tiện đi lại cho đoàn.

Ngay tối hôm đó, cuộc họp khẩn cấp lên kế hoạch, phân công và lập ban Tuần Đại Phúc. Tôi được cha xứ gọi lên trực nhật xem các cha cần gì thì chạy việc. Từ đó tôi được gần gũi các cha Trần Hữu Thanh, cha Vàng, cha Tự Do và một số thầy nữa, nhưng cha Thanh là người gần như tôi được gần ngài nhất trong suốt tuần lễ. Công việc chia làm hai phần: Tuần Đại Phúc sáng chiều cho các đoàn thể và toàn Giáo Xứ, cầu nguyện Mẹ Hằng Cứu Giúp xin Chúa ban cho Tuần Đại Phúc gặt được nhiều lúa “linh hồn”, phần thứ hai các cha và các thầy cùng Giáo Dân chia nhau đi thăm hỏi khắp các nhà không kể lương giáo. Công việc ấy cùng lúc làm cho cả 5 Nhà Thờ mà cha xứ quản nhiệm. Các cha và các thầy đi về như thoi đưa và đi gần như suốt ngày bằng xe đạp ( cả làng chỉ có 5 chiếc ), còn gần thì đi bộ.

Ấn tượng cha Thanh nơi tôi là sự năng nổ, nhiệt tình quán xuyến hết mọi công việc không mệt nghỉ. Cứ đúng giờ cha lên bục giảng, dù trưa nắng oi ả, người nghe cũng không chán bởi những món ăn tinh thần rất hợp khẩu vị, không cao lương mỹ vị, nhưng rất gần gũi, dung dị như cùng đi với Đức Kitô trong cuộc sống. Rời bục giảng chỉ vội uống hớp nước lạnh là cha đi ngay tới điểm khác, trên đường đi bao giờ cha cũng bảo tôi cho cha ghé thăm một nhà có đạo, sau chào hỏi vấn an là cha đề nghị chủ nhà dẫn cha thăm một nhà bên lương. Cứ thế mỗi lần mỗi xóm, các cha các thầy DCCT khác cũng như vậy, tối về ghi chép tổng kết, lên danh sách cho các đoàn thể tiếp nối mời gọi… để ngày cuối cùng thu hoạch.

Năm ngày trôi qua, bên cạnh Nhà Thờ có khu đất trống, các cha làm một cái chòi cao như tháp canh rồi bắc giàn loa lên đấy, đúng giờ các xóm kéo đến chật kín sân cả lương lẫn giáo tới nghe các cha giảng Lời Chúa. Ngày hôm sau còn đông hơn vì các nơi xa hơn cũng kéo nhau tới nghe giảng Lời Chúa. Con số chục người ghi tên học đạo đã thành ngót nghét hai trăm ngày chia tay đoàn Tuần Đại Phúc. Ơn Chúa ban từ đó Giáo Xứ Phước Tường chúng tôi sau này trở thành một Giáo Xứ lớn nhất nhì Giáo Phận Đà Nẵng, có thời điểm lên tới gần mười ngàn Giáo Dân.

Chỉ một tuần gần gũi cha thôi, chúng tôi học được ở cha rất nhiều nhân đức qua cách sống và làm việc của cha. Một Phaolô mới của Đức Kitô.

Người dấn thân đấu tranh Công Lý Sự Thật

Khi vào nam học Đại Học, tôi lại có dịp gặp lại cha ngay nơi ở mới, cha về Giáo Xứ Hà Nội ( Xóm mới – Sài-gòn ) công bố bản cáo trạng số 3 chống tham nhũng. Có mặt hôm ấy cũng có rất nhiều an ninh chìm nổi, cha giới thiệu tên và xin anh em cứ làm nhiệm vụ nhưng nếu có bắt thì “Tôi” là người chịu trách nhiệm, đừng bắt những người tham dự… Một hình ảnh can trường trước sóng gió ba đào, và cha cũng mời gọi cầu nguyện cho Công Lý Hòa Bình.

Người cha đồng hành cùng bà con nghèo khổ lầm than

Sau năm 75, tôi có nghe ngài bị đi tù, tưởng như không gặp nữa thì cơ may lại đến. Nhân ngày Kim Khánh Linh Mục của cha Nguyễn Cao Lộc, trước mặt hàng trăm khách quí, có cả chính quyền trên dưới, cha giới thiệu một người bạn thân cùng đồng tế và giảng trong Thánh Lễ Tạ Ơn hôm nay: Cha Trần Hữu Thanh, DCCT. Mọi người sửng sốt lặng đi trong giây lát rồi tiếng vỗ tay kéo dài…vui sướng.

Càng sửng sốt hơn khi trên giảng đài, cha giới thiệu vẫn ở trong tù, phải có cái cớ về đám tang người thân mới có mặt ở đây… Cha khẳng định "sau mười mấy năm cách ly, tôi trở lại thấy tất cả đều thay đổi, thay đổi một cách tồi tệ… xuống cấp ?" Cha xót thương cho những người nghèo khổ, lầm than. Chịu đủ thứ bất công đày đọa… Cha xin mọi người cầu nguyện và cầu nguyện, bám chặt vào cột buồm vững trãi là Đức Kitô mà chiến đấu !...

Chúng tôi bùi ngùi xúc động, vẫn con người ấy, vẫn tinh thần bất khuất kiên trì ấy, Người cha già hôm nay toát lên một hào hùng Công Lý. Trong đầu tôi hiện lên rất rõ hình ảnh của cha những lần đến với từng gia đình bần hàn cơ cực nơi xóm nghèo thuở ấy.

Ngày giỗ đầu của cha Giuse cũng là ngày một số anh chị em Giáo Dân sắp phải ra trước đầu ngọn sóng, tôi viết lên nhừng điều sự thật mắt thấy tai nghe về cuộc đời cha Thanh, như sự đồng cảm với cha Mátthêu Phụng, cùng các cha các thầy DCCT như món quà kính dâng cho Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt thân yêu, xin mượn lời kết của cha: "Con đường của Cha Giuse Trần Hữu Thanh và con đường của chúng ta là một".

Giuse TRẦN HẢI ĐẰNG

No comments: