Nước-Lửa- Gió
Trong Cuộc Sống và Đất Nước
Người Jarai
Lm TrầnSĩTín,CssR
LTS:
Trong lần gặp gỡ mới đây (09/02/2004) một thành viên GĐAP chuyển quà của chi hội Sydney gửi tặng anh em trong nhóm truyền giáo Pleikly, anh TSTín có tặng lại anh em Sydney cuốn”Hạt giống Kitô trong đất Jarai” do anh viết và xuất bản năm 2003. DIA xin chuyển đến bạn bè gần xa đôi giòng chảy suy tư về một “đất nước” của các anh em đồng đạo đang sống ở vùng trên cao nơi đất nước có nhiều ngàn năm văn hiến.
Đó là một “đất nước”. Đó là những con người. Đó là dân tộc Jarai. Đại diện nơi ba nhân vật mà người Jarai gọi là Pơtao. Bây giờ (vào năm 2003) này, mọi cái không rõ ràng như cách đây 50 năm, nếu không nói là càng ngày càng lu mờ đi. Trách nhiệm này nhiều người, nhiều tổ chức phải gánh chịu. Nhưng chung quy đây là trách nhiệm của những người tự cho mình là văn minh tiến bộ hơn người mà lại không nhận ra giá trị văn minh, văn hoá của những tộc người từ xưa mình vẫn cho là “mọi rợ”, là “bán khai”, là “lạc hậu”... nên bỏ rơi, có khi khai trừ (bằng chê bai, khinh thị hay kỳ thị...).
Từ Pơtao khó có thể đơn giản chuyển dịch ra một thứ ngôn ngữ khác. Ở Việt Nam, người ta thường gọi những vị ấy là Vua Lửa, Vua Nước, Vua Gió. Từ Vua trong tiếng Việt quá gắn liền với chế độ phong kiến, trong khi từ PƠTAO của Jarai rất khác. Đất nước Jarai có tới ba Pơtao, nhưng không hề có tranh chấp quyền lực chính trị kiểu Lê – Trịnh – Mạc chẳng hạn. Pơtao Jarai không có đền đài, không có binh lính, không có văn quan, võ tướng, không thu thuế của ai, không bắt ai cống nạp, kông bắt ai làm chư hầu. Trong khi ông thi hành phần vụ chính yếu nhất, quan trọng nhất của ông (vi hành cầu mưa thuận gió hoà), và cả trong đời sống thường ngày, người ta làm cho ông một nhà sàn đơn sơ bằng tranh tre ngoài làng, thân mình gần như trần truồng vì ông chỉ mang có một mảnh khố thô (không phải toai kơteh công phu và có thể nói là sang trọng của hạng nhà giàu). Quyền lực như thấy được nơi ba vị Pơtao và nơi các Già Làng trong xã hội Jarai trước đây, không dựa trên của cải giầu sang hay sức mạnh thể xác. Ông không được say sưa. Ông không được ăn những thức ăn mà ông muốn. Nói tóm lại, ông phải ở trong dạng càng thiên nhiên (nature) bao nhiêu càng tốt. Vì Pơtao chính là đại diện cho thiên nhiên (nature), cho môi trường (environment), cho trời đất vũ trụ (cosmos, universe). Ông là con người được chính thức chỉ định để cầu Trời (Ơi Adei), Đấng Tối Cao, Đấng Tạo Hoá (Pô Pơjing) cho mưa thuận gió hoà, cho an cư lạc nghiệp, cho thuận thảo giữa Trời, Đất và Người. Nhưng mỗi vị Pơtao lại chỉ mang danh một trong ba yếu tố IA (Nước ), APUI (Lửa), ANGIN (gió). Ba vị như lương tâm và ý thức của cộng đồng luôn nhắc nhở cộng đồng phối hợp với trời với đất làm sao cho ba yếu tố này được hài hoà và ổn định. Có thể nói người Jarai thực hiện trước khi có khái niệm “phát triển bền vững”. Từ bao nhiêu thiên niên kỷ họ sinh sống trên miền đất Cao nguyên này cho đến những năm 1950, rừng vẫn là rừng, núi vẫn là núi, suối vẫn là suối với tất cả những loài thảo mộc và muông thú. Xã hội của họ tuy không có cảnh sát, không có nhà tù, vẫn là một xã hội ổn định. Sự suy sụp của môi trường tự nhiên và xã hội sau đó, trách nhiệm thuộc những người vốn bị coi là “hoang dã” (savage).
Trên một miền đất chỉ có hai mùa mưa (nước), nắng (lửa) – mà mưa cũng là mưa-gió, nắng cũng là nắng-gió – thì sự ổn định và hài hoà của ba yếu tố này là sống còn đối với cộng đồng dân cư. Nước mạnh quá sẽ gây ra lũ lụt. Lửa mạnh quá sẽ gây ra hạn hán, cháy rừng. Gió mạnh quá sẽ gây ra bão lốc. Ba yếu tố này cũng là tiêu biểu cho vật chất nói chung:
- Vật chất ở thể lửa : lửa trong sắt nung đỏ; lửa trong đá, lửa trong cây (người Jarai rất thành thạo lấy lửa bằng ma sát đá, ma sát cây)...
- Vật chất ở thể lỏng: sắt nung chảy; dầu lửa Jarai gọi là Ia-Apui (Nước-Lửa); sữa Jarai gọi là Ia-Tơsau (Nước-Vú)... Tất cả thể lỏng trong tiếng Jarai đều có từ Ia (nước) đi trước.
- Vật chất ở thể khí: gió là dạng động của khí; nước gặp lửa lại bốc hơi thành khí...
Nguồn gốc quyền lực của Pơtao dựa trên huyền thoại về một thanh gươm. Huyền thoại này có nhiều dị bản (xem Jacques Dournes, Pơtao – une théorie du pouvoir chez les Indochinois Jơrai, Paris, Flammarion, 1977, p.89-194). Nhưng chúng ta có thể tạm tổng hợp lại như sau:
“Một người, thường là người nghèo hèn (Yă Pum hay Drit), bắt được cục sắt lạ, đem nhờ một Ông Thầy (pơjâu) rèn thành một lưỡi gươm. Ra khỏi lò rèn mà lưỡi gươm cứ rực Lửa. Trui vào Nước, nó làm Nước bốc Hơi hết mà vẫn đỏ rực. Máu của người vót mây bị đứt tay nhỏ vào lưỡi gươm. Từ vết thương nhỏ đó, gươm hút hết Máu, tức là hết Sinh Khí trong da thịt người đó, chỉ còn trơ xương, lúc đó lưỡi gươm mới nguội đi thành thép, và có sức mạnh lạ thường, chiến thắng được tất cả trong tay người nghèo. Vua các nước (Việt, Miên, Lào, Tàu) xúm vào tranh giành lưỡi gươm. Thấy vậy anh nhà nghèo vứt gươm xuống biển (Nước). Mọi người thi đua Lặn dành lấy thanh gươm. Cuối cùng người Việt (Yoan) lặn được tới đáy nước lấy gươm. Khi anh ta giơ gươm lên khỏi mặt nước người (Miên) cuỗm luôn cái cán, người Jarai thộp luôn cái lưỡi giấu kỹ vào rừng, anh người Việt chỉ còn giữ được cái vỏ...”
Không biết người Việt, người Miên nghĩ ra sao, chứ người Jarai vẫn tin rằng Pơtao của họ còn cất giấu đâu đó lưỡi gươm huyền thoại bảo đảm cho quyền lực của Pơtao (quyền lực hoà bình, không những giữa người với người, nhưng còn là giữa người với thiên trời đất: đó là nhiệm vụ của một Pơtao). Người Jarai cũng tin rằng sẽ có lúc các bộ phận của thanh gươm ráp nối lại với nhau (vẫn với mục đích – và điều kiện – hoà bình)...
Tuy nhiên, qua bao xáo trộn của thời cuộc, vị Pơtao cuối cùng đã viên tịch từ năm 197..., từ mấy thập kỷ qua không có vị Pơtao nào được tuyển chọn và tấn phong theo đúng phong tục tập quán. Phải chăng lưỡi gươm đã mất? Phải chăng dân tộc Jarai đang trên đà diệt vong?...(*).
Trên đây là huyền thoại, nhưng huyền thoại này không phải không có dấu ấn trên thực tế. Cơ cấu Pơtao-Ia, Pơtao-Apui, Pơtao-Angin, (Nước, Lửa, Gió) đã in dấu trên đất nước và ngay tận căn nhà truyền thống Jarai.
Vùng đất người Jarai sinh sống từ bao đời, nay phần lớn nằm trong tỉnh Gialai (đúng hơn là Jarai). Nhìn vào bản đồ ta thấy có quốc lộ 14. Đó là cái xương sống của Tây Nguyên (người Jarai từ xưa cũng đã gọi là Rong-Pan: xương sống của miền đất đỏ). Đó cũng là đường “phân-thuỷ”: từ cái “xương sống” này, các con nước phía Tây (người Jarai gọi là GAH-YU: vừa là phía mặt trời lặn, vừa là phía dưới) đều chảy về sông Mêkông, các con nước phía Đông (người Jarai gọi là GAH-NGO): vừa là phía mặt trời mọc, vừa là phía trên) đều chảy xuống Biển Đông. Phía Tây đường phân thuỷ là vùng của PƠTAO-IA (Vua-Nước vốn ở làng Plei-Tao, nay thuộc xã Ia-Phang, Huyện Chư-Sê). Phía Đông đường phân thuỷ là vùng của Pơtao-Apui (Vua Lửa vốn ở làng Plei-Ơi, nay thuộc xã Ia-Sol, Huyện Ayun-Pa). Chếch về phía Đông-Nam là vùng của Pơtao-Angin (Vua Gió vốn ở làng Plei-Măng, Huyện Ayun-Pa). Như vậy về đại thể ở tầm cỡ đất nước, tộc người (có thể gọi là vĩ mô –macrocos), ba yếu tố quan trọng của sự sống : Nước-Lửa-Gió được hội nhập nơi ba nhân vật Pơtao được tuyển chọn theo những dấu chỉ của thần linh.
Còn về mặt “vi mô” (microcos?), tầm cỡ gia đình, tế bào của xã hội thì sao? Ta hãy coi căn nhà Jarai được sắp xếp ra làm sao. Căn nhà Jarai là căn “nhà sàn” và cũng là căn “nhà dài” (sang dlông). Cửa chính ở phía Nam (Gah Măng), phía của Gió. Trước cửa chính, là một cái thềm (adring) không vây vách, hoàn toàn bỏ ngỏ cho Gió. Từ đất lên thềm, có một cái thang đẽo bằng một thân cây to bản. Đầu cầu thang đẽo thành hai cái ngà (chỉ đàn ông), dưới cặp ngà có đẽo hai cái vú (chỉ đàn bà). Thềm là nơi ngồi chơi hóng Gió, nơi trai gái ngồi hát tình ca, nơi giã gạo và sàng sảy. Bước qua cửa chính là vào gian khách (rơwang toai). Khách đến rồi khách đi: như Gió, không ở lại. Phía Đông-Nam vốn là lãnh vực của Pơtao-Angin, lãnh vực của Gió. Tụi trẻ (từ thiếu đến thanh niên nam nữ) chúng cũng như Gió. Chúng không ở yên. Chúng chỉ về nhà để ăn, rồi lại ra đi, đi chơi, đi săn bắt, đi đổi công... Tối chúng chẳng ngủ ở nhà. Chúng ngủ tập trung nơi nhà bạn bè nào đó. Thời xưa, khi còn nhà Rung (quen gọi là Nhà Rông, ngôi Nhà Làng, gần như cái đình làng của người Kinh), chúng ngủ ở nhà Rung, luôn sẵn sàng bảo vệ làng. Và chúng được gọi là Dam-Rung (trai nhà Rung, trai làng, chiến sĩ của làng). Vậy, Pơtao-Angin (Vua Gió) là đại diện cho đàn Con của cộng đồng.
Từ cửa chính là lối đi dẫn thẳng tới cửa trong (Gah Krah): lặp lại đường phân thuỷ. Phía Tây của con đường này trên có dàn nồi niêu, rau cỏ mà phụ nữ sử dụng và kiếm được, dưới là những quả bầu khô đựng Nước và củi mà phụ nữ gùi về. Khung dệt, guồng chỉ, guồng kéo sợi của phụ nữ cũng được gài trên mái phía Tây. Người phụ nữ, khi sinh nở, sẽ sinh dưới đất phía Tây nhà. Sinh xong lên nhà, người phụ nữa sẽ “nằm lửa” (đih apui = sinh đẻ) ở góc nhà phía Tây-Nam. Người vợ khi ăn cơm với chồng luôn luôn ngồi phía Tây. Vậy phía tây, lãnh vực của Pơtao-Ia, của Nước mát và dịu dàng, rõ ràng là lãnh vực của phụ nữ, của người mẹ. Và Pơtao-Ia (Vua Nước) là đại diện người Nữ, người Mẹ của cộng đồng.
Phía Đông dành cho những bếp Lửa, cho cồng chiêng, ghè rượu, gươm đao, cung nỏ... những vật dụng của đàn ông. Phía Đông là lãnh vực của Pơtao-Apui, của Lửa nóng và mạnh mẽ. Rõ ràng Pơtao-Apui là đại diện cho người Nam, người Cha trong cộng đồng.
Tuy ta thấy có Ba nhân vật, gắn liền với Ba yếu tố tự nhiên (Nước-Lửa-Gió), tượng trưng cho Mẹ-Cha-Con trong Một Gia Đình, nên tuy Ba mà vẫn thực sự là Một, không những để tạo nên sự thống nhất trong một dân tộc, mà còn để tạo nên mưa thuận gió hoà, an cư lạc nghiệp, trong quân bình sinh thái trời đất thiên nhiên. Chúng ta chắc hẳn vẫn không hiểu ai đã nghĩ hay đã nhận ra cái cấu trúc Nước-Lửa-Gió áp dụng thống nhất ở tầm cỡ một tộc người đông từ 100 đến 200 ngàn (vào cái thời cơ cấu Pơtao còn vận hành) và áp dụng thống nhất trong căn nhà và gia đình Jarai ??? Ở một tộc người coi như không có gì thống nhất mà lại chỉ thống nhất trong cơ cấu Nước – Lửa – Gió này???
Lm Trần Sĩ Tín
*xem Diễm ly, Luận văn tốt nghiệp 1995-1999, tr.12
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment