Wednesday 9 September 2020

Duc in Altum 112 Quí 3-2020

 


THEO CHÚA LÀ SỐNG NHƯ CHÚA.

___________________________________________

Lm Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT

 

Tin Mừng Ga 10: 1-19:

Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên.14 Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.

 

Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử. Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được." Người Do-thái lại chia rẽ nhau vì những lời đó.”

 

Đức Giêsu đã mạc khải cho chúng ta biết Người là cửa (gate) ràn chiên và cũng là người gác cửa (gatekeeper). Sau đó trong phần giải thích, Đức Giêsu lại loan báo Người là người chăn chiên tốt lành (good shepherd). Đối với những người thích lý luận, họ sẽ hỏi rằng làm sao một người vừa có thể là cửa ràn chiên, vừa là người gác cửa, rồi lại là người chăn chiên nữa.

 

Chúng ta sẽ không có câu trả lời thỏa đáng cho họ. Tuy nhiên, khi dùng các hình ảnh thực tế như thế để loan báo các nhiệm vụ, Đức Giêsu chỉ muốn nhắc nhở cho họ biết rằng Người là Đấng trung gian duy nhất, luôn yêu thương, quan tâm, trông chừng, săn sóc và bảo vệ ràn chiên của Thiên Chúa đã trao phó cho Người.

 

Lý tưởng và cũng là mục tiêu trong cuộc sống của Đức Giêsu là lo cho ràn chiên, lo cho sự sống của cả đoàn chiên đươc phong phú và dồi dào, cho nên trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu không muốn các môn đệ sống trong hoang mang và lo sợ về cuộc ra đi sắp tới mà Người gọi là hành trình về nhà Cha của Người. Về nhà Cha có nghĩa là về cùng Cha hay về với Cha. Tất cả nói cho chúng ta biết Đức Giêsu đi về nơi mà Người đã đến và cũng là nơi mà chúng ta sẽ đi về.

 

Có cuộc chia ly nào mà không để lại nước mắt và đau thương. Kẻ đi người ở chỉ muốn giữ lấy nhau, muốn cho thời gian ngừng lại để có nhau mãi mãi. Và bài Tin Mừng hôm nay là một phần của diễn từ giã biệt, nhưng khi nghe xong, nhất là trong 4 câu đầu mà chúng ta trích dẫn ở đây:

 

“Anh em đừng xao xuyến!  Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi.” (Yn 14: 1-4)

 

Với những lời khuyên bảo và trấn an như thế, khi nghe xong ai trong chúng ta lại không cảm thấy được an ủi, thư thái và an bình hơn! Đức Giêsu hiểu rõ tâm trạng mất mát, hoang mang, thất vọng và lo sợ của các môn đệ khi phải đối diện với sự chết mà Người vừa loan báo; cho nên Người mới giúp cho các môn đệ biết rằng tuy các ông sẽ xa cách Người về mặt thể lý, nhưng trong niềm tin các ông sẽ nhận ra rằng Người không hề bỏ rơi họ. Người vẫn hiện diện, cùng đồng hành với các ông, nhất là tiếp tục dìu các ông đi vào cõi vinh quang mà Người đang có ở bên Cha.

 

Các môn đệ và những kẻ tin vào Chúa chỉ có được tâm tình này nhờ niềm tin vào Chúa. Con người với thân phận mỏng dòn, nhất là trước nỗi bấp bênh về các sự cố đã và đang xẩy ra ngoài tầm khống chế và kiểm soát của chúng ta như nạn đại dịch Coronavirus khiến chúng ta như chưa tìm được lối thoát.

 

Vì thế, sẽ có một số người chai lỳ và đông cứng, mặc cho dòng dịch đưa đẩy đến đâu hay đến đó. Lại cũng có một số người không chấp nhận được nên đã tìm lối thoát riêng. Đại đa số sống trong lo âu và sợ sệt. Đứng trước một tình trạng như thế, con người cần tin vào Thiên Chúa và tin vào Lời của Đức Giê-su khuyên bảo hôm nay hơn.

 

Tuy nhiên, giống như các môn đệ, với đầu óc thực tế, chúng ta luôn muốn mọi sự được xẩy ra trước mắt chúng ta, trong tầm kiểm soát của chúng ta. Sự việc Đức Giêsu đón chúng ta ‘đi về nhà Cha’ là việc sẽ xẩy ra trong tương lai. Nhưng ngay trong giây phút này, nhất là những phút giây mà chúng ta hay gọi là ‘đêm đen, hay tình trạng không lối thoát’ con người cần đến sự can thiệp của Chúa hơn bao giờ hết. Làm sao chúng ta biết mình không bị bỏ rơi? Làm sao chúng ta nhận ra việc Đức Giê-su đang đồng hành với chúng ta. Thật chí lý khi nghe Tô-ma nói thay cho chúng ta rằng: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?”

 

Đức Giê-su đã trả lời cho chúng ta rằng Người là đường là sự thật và là sự sống. Người là con đường duy nhất dẫn chúng ta đi về nhà Cha. Ai muốn đến với Cha phải đi qua Người. Truớc thách đố quyết liệt của Tin Mừng như thế, Philípphê cũng không hơn gì Tôma, dù đã ở với Đức Giêsu nhưng các ông vẫn chưa nhìn thấy Chúa là con đuờng sự sống dẫn các ông vào sự sống phong phú và dồi dào của Thiên Chúa. Ai thấy Chúa Giêsu là thấy Chúa Cha. (Gioan 14: 9)

 

Qua những lời đối thọai giữa Chúa Giêsu và các tông đồ, chúng ta nhận biết rằng chỉ có một con đường duy nhất dẫn đưa con người đến sự sống sung mãn nơi Chúa Cha là đi con đường của Chúa, sống lối sống của Người.

 

Con đường, cánh cửa hay lối đi là cách diễn tả nói lên lời mời gọi mà Chúa muốn chúng ta đi vào cuộc sống của Chúa là. Đó chính là:

 

Cuộc sống từ bỏ, từ bỏ đến cùng như lời thánh Phaolô:

 

“Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa….

Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang…

trở nên giống phàm nhân,

sống như người trần thế.

Người lại còn hạ mình vâng lời

cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,

chết trên thập giá….”

(Philipphê 2: 6-11)

 

Với cuộc sống từ bỏ chúng ta bước vào cuộc sống yêu thương như Người đã yêu thương ngay khi chúng ta còn là tội nhân, phương chi bây giờ chúng ta đã được trở nên công chính nhờ máu của Người. Qua đó mới biết Người thương yêu chăm sóc cho chúng ta đến dường nào. Tình yêu của Người không bút mực hay ngôn từ nào có thể diễn tả hết. Người yêu thương chúng ta và yêu thuơng đến cùng, hạ mình xuống rửa chân như dấu chỉ phục vụ hết mình.

 

Trong Tình yêu của Chúa Giêsu thì không có biên cương, không còn nô lệ hay tự do… không còn kẻ giàu người nghèo, kẻ sang người hèn; tất cả đều nên một trong lòng mến của Người. Tất cả mọi luật lệ trên trần gian, ngay cả những khỏan luật của Giáo Hội cũng không ngăn cản được tình yêu của Người: như việc Người chữa lành các bịnh nhân trong ngày hưu lễ. Lề luật chỉ là phương tiện để phục vụ con người. Con nguời không thể vịn vào lề luật để bóp nghẹt tình yêu hay ngăn chận người ta đến với tình yêu. Tình yêu trong Chúa là con đường đưa tất cả đến với nhau.

 

Sau đó là cuộc sống đón nhận nguời khác. Tất cả những ai đến với Người đều không bị khuớc từ. Người đã qui phục muôn dân muôn nuớc về một mối.

 

Và sau cùng, cuộc sống yêu thương của chúng ta được thể hiện qua việc tha thứ cho nhau, không phải chỉ tha 7 lần nhưng là đến 70 lần 7; có nghĩa là tha liên tục và tha đến cùng như trên thập giá Chúa đã tha cho cả những kẻ làm hại mình; Lậy cha xin tha cho chúng…

 

Vì thế, theo tinh thần của bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta hãy bước vào con đuờng của Chúa. Và như anh chị em đã biết, chúng ta không thể cùng đồng hành với Chúa mà quên đi tha nhân. Chúng ta không thể đến với Thiên Chúa bằng một con đường khác với con đường đến với tha nhân. Ngược lại, không thể đến với tha nhân bằng con đường khác với con đường đến với Thiên Chúa. Chủ trương chỉ yêu tha nhân không cần đếm xỉa gì đến Thiên Chúa, hay ngược lại, chỉ yêu Thiên Chúa mà không đếm xỉa gì đến tha nhân đều là những tình yêu giả tạo, không thực tế.

Do đó, muốn đến và gặp gỡ với Thiên Chúa không gì tốt đẹp và chắc chắn bằng đến hay gặp gỡ Người nơi tha nhân. Và muốn đến và gặp gỡ tha nhân không gì bảo đảm và tạo hạnh phúc cho họ bằng đến và gặp gỡ họ trong Thiên Chúa.

 

Đó là sự thật và là con đuờng đưa chúng ta vào sự sống của Chúa. Người đang chờ mỗi người chúng ta cùng bước vào con đuờng và thể hiện cuộc sống của chính Chúa nơi bản thân mình. Cầu cho nhau thực hiện được các điều đó.

 

Lm Giuse Mai Văn Thịnh DCCT

06/5/2020

____________________________________________________________________________________________________________

 

Bao giờ biển biến?

 

Nguyễn Duy Vũ

 

Theo sách Revelation, Khải Huyền: 21, 1 thvào thời trời mới đất mới, thế giới sẽ không còn biển nữa. Điều này chắc sẽ gây cho nhiều người chút nhiều thất vọng. Ngồi trên bờ cát, trên du thuyền ngắm cảnh chiều tà hoàng hôn của biển trời hay bơi lội, cỡi sóng trên biển, phiêu lưu lặn xuống đáy biển là những thú tiêu khiển và những môn thể thao từ lâu nay của rất nhiều người, đặt biệt người dân xứ Úc. Nhưng ngược lại, biển chắc cũng đã để lại trong ký ức của nhiều người, nhất là trong số người Việt vượt biển tị nạn, sau khi thoát nạn vượt qua được đại dương đã phải trải qua những kinh hoàng chết chóc và có lẽ những hình ảnh đau thương hãi hùng ấy luôn ở mãi trong ký ức họ.

Biển tất nhiên cũng là một phần công trình sáng tạo ban đầu của Thiên Chúa. Thật vậy, biển xuất hiện ngay từ câu thứ hai của Cựu Ước, Genesis, Sáng thế: 1, 2. Đó là một phần của vũ trụ được tạo dựng mà vào cuối ngày thứ sáu Thiên Chúa phán là "rất tốt". Nhưng sau đó, biến cố đại hồng thủy trong đoạn 6 Sáng thế kể câu chuyện về Naoh, khi nước lũ ngập lụt  gây tai họa kinh khủng trên trái đất mà Thiên Chúa đã sáng tạo. Sau những lời cảnh báo, chỉ còn đại gia đình Noah và vườn thú nổi của ông được giải cứu bởi ân sủng Thiên Chúa.

Chúng ta sau đó không nghe tiếng gào thét của biển nữa cho đến khi Moses và dân Do Thái cố gắng vượt thoát ra khỏi kiếp nô lệ. Bị người Ai Cập đuổi theo, họ dồn sức bỏ chạy cho tới cuối đường chưng hửng, tuyệt vọng đối diện với biển cả. Thiên Chúa một lần nữa giải cứu dân Ngài xuyên qua biển cả và cùng lúc phán xét dân ngoại bang. Khi nhìn lại những nguy nan trong những câu chuyện lịch sử về việc hình thành dân Chúa, trong Thánh vịnh Psalms, các nhà thơ Do Thái sau này đã dùng hình ảnh biển dữ để ca ngợi uy quyền Thiên Chúa của họ theo truyền thuyết xứ Canaan như: YHWH[1] là Chúa tể của bão lụt (Tv 29:10); khi bão lụt gầm thét, YHWH trên cao dũng mạnh hơn sóng biển (Tv 93: 3-4); Nước lũ nhìn thấy YHWH sợ hãi quay bỏ chạy (Tv 77:16; 114: 3, 5). Thánh vịnh 69 mô tả trong cơn tuyệt vọng của một thi sĩ khi bị chìm ngập dưới đáy biển, thốt lên những giòng thơ ca ngợi lúc ông chứng kiến YHWH oai nghi đè dẹp cơn thịnh nộ của biển và thậm chí cuối cùng biển phải cúi phục Ngài (Tv 69: 1, 34).

Nhưng một lối nhìn lạ lùng tiếp theo trong Daniel 7, đoạn Kinh Thánh đã gây ảnh hưởng lớn đến Kitô giáo tiên khởi, kể rằng từ mặt biển những những con quái vật khủng lồ vùng lên gây chiến với các thiên thần của Đấng tối cao. Đối với dân Do Thái xưa, vì địa lý không cho phép thường xuyên du hành trên biển cả, thì biển biểu tượng cho sự dữ, cho xấu xa và hỗn loạn, mà sức mạnh đen tối của nó luôn là mối đe dọa qua những trận cuồng phong bão lụt, trừ khi Thiên Chúa ra tay cứu họ như khi Ngài giải cứu Noah.

Ngày nay, chúng ta thường nghe rất nhiều nhà lãnh đạo chính trị tuyên bố về sự dữ. Sau cuộc khủng bố 9/11, Tổng thống Bush và Thủ tướng Anh Tony Blair cùng mạnh mẽ tố cáo "sự dữ" là nguyên nhân chính của ra lệnh quân đội sẵn sàng phản công trả đũa. Sau đó tiếp tục xảy ra những thảm họa "thiên nhiên" của những cơn sóng thần ở Ấn Độ Dương, New Orleans … và đến ngay thời điểm hôm nay, cơn đại dịch Covid-19, giết chết hàng trăm ngàn người, gây bao tai hại cho đời sống công việc, kinh tế trên toàn thế giới. Những tai biến đó mỗi lần xảy ra thường gây lên những làn sóng bàn luận về vấn nạn như từ thuở nào: sự dữ là gì, đến từ đâu, ảnh hưởng ra sao đến nhân sinh quan, tâm đạo của con người, cho dù là Kitô hữu hay vô thần hoặc thuộc bất cứ tôn giáo nào. Và, quan trọng hơn cả là nhân loại phải làm gì để đương đầu với nó.

Theo đức tin Kitô giáo, biển sẽ không còn hiện diện trong trời mới và đất mới. Chúng ta được cam kết bởi phúc âm Chúa Giêsu, khẳng định rằng cuối cùng sự dữ sẽ bị chinh phục, sẽ bị loại trừ. Nhưng hiểu như thế nào khi sự dữ vẫn ở ngay đây, Thiên Chúa xử lý và đối phó với sự dữ như thế nào, thập tự giá Chúa Giêsu có ảnh hưởng đến đời sống chúng ta và ngay bây giờ chúng ta có thể làm gì, như thế nào để góp phần với Thiên Chúa chiến thắng sự dữ. Tất cả những bí ẩn sâu thẳm của sự dữ gây lên mối quan tâm trong đời sống, đặt ra nhiều câu hỏi phức tạp nhưng trong phạm vi có hạn, bài viết xin được phép trình bày qua ba điểm chính.

Thứ nhất xin được đề cập đến những vấn nạn đang xuất hiện trong thời đại, dựa trên những tiến bộ khoa học, đề cao lòng tự tin nơi khả năng con người văn minh. Phần thứ hai trình bày ngắn gọn những tuyên xưng về công lý Thiên Chúa theo truyền thống ‘cổ điển’ Do thái và Kitô giáo, đặc biệt chú trọng vào thập tự giá của Đức Giêsu Kitô. Sau cùng, giới thiệu đề xướng  Kitô giáo đối diện vấn nạn sự dữ, những gì Kitô hữu hôm nay nên hành động.

 

             VẤN NẠN MỚI CỦA SỰ DỮ 

                        TẠI SAO MỚI?

 

Những cách nói xưa về sự dữ  có xu hướng đặt ra câu hỏi thách đố siêu hình hay thần học. Nếu có Thượng đế, và nếu Ngài (như thần học Do Thái, Hồi giáo và Kitô giáo cổ điển đều tuyên xưng) là một Đấng nhân từ, khôn ngoan và uy quyền tuyệt đối, thì tại sao Ngài lại để thế giới Ngài tạo xảy ra quá nhiều những chuyện xấu xảy ra như vậy?

Vấn đề của sự dữ  dưới hình thức triết học siêu hình đã tồn tại ít nhất từ hai thế kỷ rưỡi nay. Trận động đất phá hủy thành phố Lisbon vào ngay ngày Lễ các Thánh năm 1755 đã phá tan những tư tưởng lạc quan đơn giản của những thế hệ trước đó. Tiếp sau đó thêm biết bao nhiêu các thảm họa, nhưng giữa những tai họa thiên nhiên (cơn sóng thần, trận động đất, bão lụt…) và những tội ác từ con người gây ra (phe nhóm vũ trang khủng bố, chính quyền độc tài bạo lực, phi nhân cướp của giết người …) là những nổ lực từ các nhà tư tưởng lớn trong thời Khai Sáng (Enlightment), như Voltaire và Rousseau, các kế hoạch tham vọng của Kant và Hegel, được coi như các giải pháp đối phó với sự dữ.

 

Tiến xa hơn tới thế kỷ XX, sau Marx, Nietzsche và các nhà tư tưởng (cho dù họ không phải là người Do Thái) vật lộn với câu hỏi về sự dã man của con người trong biến cố diệt chủng Holocaust, chúng ta còn chứng kiến liên tục những nỗ lực khác, trong khả năng trí tuệ con người thời đại, tuyên bố những gì phải nói qua những lối nhìn triết học về thế giới chúng ta đang sống nói chung và riêng về sự dữ luôn hoành hành bên trong nó.

 

Lối suy nghĩ  của học thuyết tiến bộ, doctrine of progress, bắt đầu xuất hiện từ khi Hegel đề nghị rằng thế giới luôn đều đặn phát triển qua phương pháp quá trình biện chứng, đại khái như: đầu tiên (A), sau đó ngược lại (B), cuối cùng là tổng hợp của cả hai (C), v.v. Mọi thứ luôn trên đà tiến đến một kết thúc viên mãn: tốt đẹp hơn, đầy đủ hơn, hoàn hảo hơn; và nếu rủi ro gặp phải những đau khổ trên đường đi, nếu mắc phải những vấn nạn khi thực thi chương trình, thì chúng ta cứ coi đó như những cơ hội học hỏi để cải cách với những giải pháp, phương cách hoàn hảo hơn, như những quả trứng gà phải bị đập vỡ ra để chúng ta được thưởng thức món trứng tráng ốp-la ngon miệng.

 

Niềm tin vào một sự tiến bộ tự động phát triển xuất hiện từ chủ thuyết phiếm thần, Pantheism, và trong triết học của Malthus gây ảnh hưởng lớn trong công cuộc xây dựng và duy trì niềm tin Tây phương cho rằng Châu Âu và Bắc Mỹ đã đạt tới đỉnh cao của sự phát triển con người. Mỉa mai thay, niềm tự hào này đã được dùng để biện hộ cho chính sách khuếch trương kinh tế qua phong trào thực dân khai phá, tìm cách xâm chiếm, đô hộ lãnh thổ các quốc gia chậm tiến, áp đặt chính quyền thuộc địa là một đặc điểm của thế kỷ XIX.

 

Niềm tin này, được thiết lập thành công trong nền văn hóa thịnh hành sau đó, được tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ bởi sự phổ biến các nghiên cứu khoa học của Charles Darwin và các ứng dụng của nó. Sự kết hợp mạnh mẽ giữa thành tựu công nghệ, tiến bộ y học, thuyết phiếm thần lãng mạn, chủ nghĩa duy tâm, con người tiến bộ của Hegel và chủ thuyết xã hội của Darwin đã tạo lên một tập quán tư tưởng cho đến ngày nay. Sự việc xảy ra ở cuộc sống "trong thời đại ngày nay" là những điều nhất định đã được mong đợi phải xảy ra; như chúng ta đang hình dung một cuộc diễn hành đều đặn với tự do và công lý, thường được biểu lộ qua những chiến thắng chậm nhưng chắc chắn của nền dân chủ tự do kiểu phương Tây hay có phần cứng rắng hơn của chủ nghĩa xã hội.

 

Trong tiến trình này, khi người ta phàn nàn về một số điều không thể chấp nhận được vì cho rằng "bây giờ chúng ta đang sống trong thế kỷ hai mươi mốt", thì có nghĩa họ đang kêu gọi đi tìm học thuyết về một giả định tiến bộ mới, theo một xu hướng cụ thể nào đó. Con người bị tuyên truyền, thường qua những quảng cáo, hô hào truyền thông và các nhà chính trị chứ không bởi những lập luận rõ ràng, là phải chịu khuất phục trước sự tiến bộ này. Nó không thể bị ngăn chặn. Ai lại muốn mình bị bỏ lại phía sau, đứng sau thời đại, là người của ngày hôm qua? Cụm từ thông tục "đó là chuyện năm trước” hay “xưa rồi" đã trở thành câu nhấn cuối cùng: bây giờ "tiến bộ" (đôi lúc đơn giản chỉ là một biến dạng của thời trang) đã trở thành thước đo quan trọng nhất trong xã hội và văn hóa ngày nay.

 

Niềm tin vào sự tiến bộ đó đã bị cảnh cáo qua những thử thách khác nhau, nhưng điểm đáng chú ý là nó vẫn còn tiếp tục sống và khởi thêm nhiều sắc thái. Chiến tranh thế giới thứ nhất phá hủy chủ nghĩa duy tâm tự do cũ. Năm 1919, Karl Barth viết bài tham luận đầu tiên về thư  Rôma của thánh Phaolô, thông điệp chính là đã đến lúc lắng nghe lời Thiên Chúa tươi mát đến từ bên ngoài thay vì tin tưởng vào sự tiến bộ đều đặn qua quá trình lịch sử.

 

Đại văn hào Nga Fyodor Dostoyevsky, một đoạn trong tác phẩm bất hủ The Brothers Karamazov gây nhiều ấn tượng, cho rằng khả năng thế giới có thể đạt tới một tiến bộ nào đó nhưng phải trả bằng một giá rất lớn, khi diễn tả qua việc hành hạ một đứa trẻ vô tội đến chết, ông kết luận rằng cái giá ấy thì thật quá đắt. Nhân loại nghĩ mãi về một Auschwitz đã hủy diệt ý tưởng thời đó cho rằng nền văn minh châu Âu ít ra đang ở một vị trí mà sự cao quý, đức hạnh và nhân tính sẽ được phát triển tuyệt hảo. Nguyên nhân sâu xa của Holocaust xuất phát từ một số tư tưởng châu Âu - không chỉ riêng Hegel, khi coi Do Thái giáo là biểu hiện của một thứ tôn giáo lầm lạc, cần phải bị sa thải.

 

Điều đáng chú ý là niềm tin vào sự tiến bộ vẫn còn tồn tại và có vẻ tự hào hơn. Thế kỷ XIX nghĩ rằng con người đã thoát khỏi tội nguyên tổ; tất nhiên, nó phải tìm sự thay thế và MarxFreud đã đưa ra một số hệ thống giải thích hay các giải pháp phù hợp: nhiều học thuyết mới về sự cứu chuộc để thay thế các giáo điều nhai đi lập lại. "Tất cả là vì đồng tiền," Marx nói; "Tất cả là vì tình dục," Freud nói; "Tất cả vì quyền lực, sức mạnh," Nietzsche nói: ”Bất chấp những trận chiến kinh hoàng của Mons và Somme trong Thế chiến I, bất chấp Auschwitz và Buchenwald, bất chấp Dostoyevsky và Barth, bất chấp hai quả bom nguyên tử ở Thế chiến thứ II tại Nhật Bản, chiến tranh Triều Tiên rồi đến chiến tranh Việt nam, nối tiếp là các cuộc chiến dữ dội Trung Đông, cho đến ngày nay mọi người cứ tiếp tục tự cho rằng thế giới vật chất cơ bản là tốt và nếu có vấn đề gì xảy ra thì sẽ được giải quyết bởi những phát triển công nghệ, giáo dục, thị trường theo phương cách “Tây phương hóa”, “Westernise” hay “Toàn cầu hóa”, “Globalise”. Khuyến khích thêm ngày càng nhiều các quốc gia áp dụng nếp sống phương Tây – và, tùy theo khẩu vị chính trị thịnh hành, dân chủ xã hội hoặc chủ nghĩa tư bản, hay hỗn hợp cả hai.

 

         SỰ DỮ VÀ THIÊN CHÚA NGÔI HAI

                       CHỊU ĐÓNG ĐINH

 

Nhìn vào lịch sử, nhiều người đã thắc mắc lý do tại sao Chúa Giêsu bị giết? Nhiều giả thiết được đưa ra mà phần lớn xuất phát từ các sự kiện thuật lại trong Tin Mừng: chính quyền La Mã lo ngại Ngài gây ra mối đe dọa cho trật tự an ninh; các thủ lãnh tôn giáo và chính trị Do Thái bất bình trước hành động của Ngài trong đền thờ; các môn đệ bất trung, hèn nhát trốn chạy lúc Ngài cần họ hổ trợ; hay chính Chúa Giêsu vì tin rằng, theo một nghĩa nào đó, đây là hậu quả Ngài phải chấp nhận khi thi hành sứ vụ thiêng liêng Ngài được ủy thác.

 

Trong tầm nhìn xa hơn về nguyên nhân hay mục đích của Thiên Chúa, khi đặt câu hỏi tại sao Chúa Giêsu phải chấp nhận chịu đóng đinh qua cái chết đau đớn và tủi nhục, chúng ta chuyển từ những phân tích về các dữ kiện và động lực lịch sử sang một vấn nạn thần học về phương cách Thiên Chúa đối phó với sự dữ. Đó là những gì liên quan đến giáo thuyết Cứu Chuộc.

 

Trước khi giải đáp câu hỏi đó, chúng ta cần phải nắm lấy một số ý niệm về "sự dữ" có thể là gì. Tổng quát, đây có vẻ như lối lập luận hai chiều, nhưng không phải đơn thuần hướng tới cái nhìn xấu xa của sự dữ rồi sau đó thiết lập một giáo thuyết về ơn cứu độ để cho thấy Thiên Chúa đã trả lời vấn đề này như thế nào.

 

Có những dấu hiệu rõ ràng trở đi từ sau Tân Ước khi các nhà thần học Kitô giáo thường, thậm chí là rất thường, chăm chú nhìn vào những đau đớn thể xác và sỉ nhục qua sự kiện Chúa Giêsu chịu đóng đinh rồi từ đó suy luận ra ý niệm sâu sắc về bản chất sự dữ. Nhưng như thư thánh Phaolô viết: "Vì nếu con người được trở nên công chính bởi Lề Luật thì cái chết của Đấng Thiên Sai đã vô ích, không cần thiết" (Galatians 2:21).

 

Triết học đồng thời chấp nhận sự dữ trên thế gian có thật và rất mạnh, nó còn lớn hơn tổng số tội cá nhân gom lại. Nhưng sự dữ không thể được hiểu một cách đơn thuần qua thuyết nhị nguyên, dualism, khi thuyết này luận rằng thế giới được tạo ra bởi sự xấu xa cùng với giải án là chúng ta phải vượt thoát ra khỏi nó, hay trong bản thể học, thuyết nhị nguyên phân chia thế giới thành hai khối: "chúng ta" (là tốt) và "chúng nó" (là xấu).

 

Qua Cựu Ước, nhiều học giả lập luận rằng, mục đích toàn bộ Kinh Thánh - không chỉ những đoạn quan trọng trong sách Gióp, Job – là để thuật một câu chuyện, từ nhiều góc cạnh khác nhau, tất cả những gì Thiên Chúa (Đấng Tạo Hóa) đang đối phó với sự dữ. Thiên Chúa chuẩn bị thực hiện một kế hoạch: một kế hoạch rất táo bạo liên quan đến thần học thập tự giá, về phương cách Thiên Chúa đối phó với tội lỗi qua cái chết của Chúa Giêsu.

 

       CHÚA GIÊSU ĐỐI ĐẦU VỚI SỰ DỮ

 

Chúng ta có thể dừng lại tại điểm này và đơn giản nói: "Vâng, sự dữ đã đưa Chúa Giêsu lên thập tự giá, nhưng phục sinh đã làm tất cả đảo ngược." Thật ra, theo các học giả, các Tin mừng thuật qua nhiều câu chuyện với những ý niệm thần học sâu sắc hơn thế, vì các tác giả cho đó là kế hoạch lâu dài của Thiên Chúa, ngay từ thời Abraham cho đến thời Chúa Giêsu, cuối cùng đã thành hiện thực.

 

Cận cảnh này đã được biểu hiện qua những câu chuyện về Chúa Giêsu dọc qua sứ vụ công khai của Ngài trong các Tin mừng. Xin đơn giản tóm lượt vài điểm sau:

 

 

Việc Chúa Giêsu chữa lành.

·         Chúa Giêsu vươn tay ra và chạm vào người phong hủi. Thông thường thì bệnh truyền nhiễm hay lan truyền qua những đụng chạm giữa những con người. Nhưng bằng cách nào đó, sự tinh khiết của Ngài lại được truyền ngược đến cho người mắc bệnh phong hủi.

·         Chúa Giêsu cho phép người phụ nữ chạm vào Ngài. Trong y học, mọi đụng chạm máu huyết sẽ lây bệnh đến cho người khác; nhưng thay vào đó sức mạnh từ Ngài chảy sang người đàn bà, và bà đã được chữa lành.

·         Chúa Giêsu sờ vào xác chết người con trai bà góa phụ thành Nain, khi Ngài tiếp cận với sự ô uế, xác chết trở về lại với sự sống.

 

Qua các câu chuyện về phép lạ trên, nhiều học giả Kinh thánh cho rằng các tác giả Tin Mừng, đã có dự định ngay từ đầu, là dẫn đọc giả tới một sự kiện tương tự cuối cùng được lập lại trên Thập tự giá. Nơi đó, Chúa Giêsu đã đồng hóa Ngài với các thất bại của những kế hoạch các nhà cách mạng Do Thái trước đó: đem đất nước Do Thái trở về lại một vương quốc mà dân chúng hằng ao ước. Chỉ khác một điều là Ngài đã chọn con đường mà những người trước đây đã từ chối không theo.

 

Mối tương giao của Chúa Giêsu với tội nhân tại bàn ăn.

Chúa Giêsu tôn vinh vương quốc Ngài chung cùng với tất cả những kẻ lầm lạc. Và vì đó, Ngài phải gánh chịu bao nhiêu tức giận, oán hận từ những người Do Thái, ngay trong xương thịt của họ, cho rằng vương quốc Thiên Chúa chỉ dành cho người công chính, thánh thiện và vương quốc đó phải tách rời ra hẳn tội lỗi, sự dữ. Họ là những người không bao giờ nghĩ rằng những người xấu xa có thể được cứu rỗi. Mẹ và các anh em Ngài khi đến để kéo Ngài đi nơi khác vì nghĩ rằng Ngài đã bị mất trí thì Ngài đáp lại rằng đám đông chung quanh Ngài, những người đang lắng nghe lời Ngài, mới thật là mẹ và anh em Ngài. Ngài kể những dụ ngôn (con cừu đi lạc, đồng xu đánh mất, hai người con trai thất lạc) để cho những người có tai nghe rằng chính sách, đường lối ấy không phải là một tai nạn rủi ro mà là những ưu tiên khi được xếp hạng gửi-vào-nước-trời. Ngài nhận lời mời Zacchaeus, người thu thuế vùng Jericho vào nhà ông ăn trưa, trong khi đám đông đứng ngoài chờ, có người lần mò đến cửa, ngoái cổ nhìn vào, sửng sốt kêu lên: "Ông ta ngồi ăn chung với một kẻ tội lỗi!"

 

Cuối cùng, Ngài chấp nhận ra đi để cùng chết với những kẻ nổi dậy, chia sẻ những xấu hổ nhục nhã, mà đặc biệt như Luke nói rõ, mặc dù bản thân Ngài vô tội. Những hư hỏng sai trái của sự dữ đè nặng lên tấm thân Ngài trong suốt cuộc hành trình, và bằng cách nào đó, Ngài chịu đựng, lấy mọi cách siết chặt để làm cạn kiệt sức mạnh của nó.

 

Chúa Giêsu minh bạch thiết kế mô hình “Do thái”

cho dân tộc Thiên Chúa.

 

Chúa Giêsu trình bày lời kêu gọi của Thiên Chúa theo một cách mới như truyền đơn tung phát ra cho những người theo Ngài. Israel, thành phố nằm trên ngọn đồi, cuối cùng sẽ là ánh sáng của thế gian. Người Do Thái sẽ cho thế gian thấy ý nghĩa của việc trở thành công dân Nước Trời, người phục vụ của Thiên Chúa ngay trên thế gian bằng cách xoay qua má khác, bước thêm dặm thứ hai, đừng chống lại những kẻ ngoại bang dù họ muốn cướp đoạt tất cả. Sau đó, những tuyên bố kỳ lạ đầy thách đố từ Bài-giảng trên Núi vang vọng bên tai mọi người. Đọc Tin mừng Matthew để nghe Con Người đưa ra lời phán xét của Thiên Chúa đến với trần gian, đưa thế giới trở về lại với chính nghĩa, gặt chiến thắng vinh quang trên sự dữ, công bố tha thứ tội lỗi bằng chính uy quyền của Ngài, dõng dạc tuyên bố rằng Ngài có quyền đình chỉ các quy định của ngày truyền thống thiêng liêng Sabath.

 

Sau đó, chúng ta hãy quan sát Đấng Cứu Thế tiến đến vương quốc Ngài, chiến thắng trận chiến thực sự, dọn sạch lại đền thờ, mang sự cai trị của Thiên Chúa lại cho thế giới như trong Thánh Vịnh 2, nhưng điểm nổi bật là Ngài thực hiện bằng một phương cách mà trước đây không ai có thể hình dung ra được. Cuối cùng, chúng ta thấy Con Người, Đấng Thiên Sai, tự đảm nhận vai trò Đầy Tớ, đại diện tối hậu cho dân tộc Do Thái, mang trên mình tất cả tội lỗi và sự xấu xa của một dân tộccủa cả trần thế. Cho đến khi câu chuyện kết thúc bằng một hậu quả của bạo lực, chúng ta nhận ra ngay từ đầu rằng Ngài đã tuân theo ơn-gọi-Do-TháiNgài đã hùng hồn tuyên bố trong Bài-giảng trên Núi, mặc dù thường hay bị hiểu lầm. Ngài đã quay sang má kia. Ngài đã nhặt lại cây thập tự La Mã và bước đi dặm thứ hai. Thân thể Ngài được dựng ngay lên trên đồi, không còn cách nào che giấu hơn nữa. Ngài đã hành động thay cho dân tộc Do Thái, ánh sáng của trần gian, thay cho Do Thái ôm lấy bóng tối dân ngoại. Rốt cuộc, câu tin mừng của Mark 10:45 (tương tự như Matthew 20:28), Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người”, không phải là một câu tuyên bố rời rạc trong việc giải thích thần học được thiết lập trên một tường thuật trống rổng vô tư thần học. Đó chính như là đỉnh của một tảng đá trôi trên mặt nước băng mà từ đó cho thế giới biết những gì nằm ở dưới bề mặt, cho tới tận đáy sâu.

 

Các chủ đề, được khắc sâu trong các câu truyện Tin Mừng, có thể được tóm tắt như sau:

 

1.    Chúa Giêsu đã cảnh báo dân Chúa về sự phán xét s xảy ra vì họ đã không tuân theo lời kêu gọi trở thành ánh sáng cho thế giới, vì họ đã không thể hiện trong cuộc sống để minh chứng sự công chính và lòng thương xót khi Thiên Chúa đã chọn họ.

 

2.    Chúa Giê-su đã hoàn toàn đồng nhất cùng với dân tộc Do Thái (như Đấng Thiên Sai, Người Đầy Tớ phục vụ, bó buộc phải hành động): tự thực hiện sứ vụ của Ngài, cho đến tột điểm đau đớn, ô uế, bệnh tật, điên khùng, nổi loạn và tội lỗi.

 

3.    Do đó, Chúa Giêsu đã tự gánh lấy hậu quả trực tiếp, trên lnh vực chính trị và thần học, của sự thất bại và tội lỗi của dân Do Thái. Ngài đã chết, theo đúng nghĩa đen, vì tội lỗi của họ. Đây không phải là một điều kỳ lạ hoặc thần học tùy tiện hiểu vào các tường thuật trong giai đoạn kế tiếp. Điều này, các Tin mừng đang trực tiếp nói với chúng ta, và đó là tất cả những gì thiết yếu của Tin Mừng. Chúa Giêsu đã tự nhận hậu quả trực tiếp của những thất bại dân Thiên Chúa trong ơn gọi của họ.

Cụ thể, Matthew, Mark, LukeJohn tuyên bố: dù mỗi người mỗi cách khác nhau, rằng tất cả những điều trên đồng thời là ý định của Chúa Giêsu nhưng cũng là ý định của Thiên Chúa. Thiên Chúa của dân Do Thái từ lâu đã hứa rằng Ngài sẽ trở lại Jerusalem để cai trị, phán xét, chữa lành và cứu rỗi. Cụ thể, Chúa Giêsu đã tạo ra một chủ đề đen tối cho riêng mình cùng với nguồn gốc sâu sắc từ Kinh Thánh. Rằng sẽ đến một thời điểm đau khổ, và chỉ khi đi qua cuộc khổ nạn đó, Thiên Chúa hứa sẽ giải cứu. Chúa Giêsu đã tin rằng, peirasmos, "thời gian thử thách" mà các tiên tri đã tuyên bố, sắp nổ tung trên thế gian như cơn đại hồng thủy đang vẫy tay, và Ngài phải tự mình dùng hết sức để mọi người khác được tha mạng sống. "Hãy tỉnh táo và cầu nguyện," khi nói với những môn đệ theo Ngài trong vườn Gethsemane, "để không bị rơi vào peirasmos" (Mark 14:38); Ngàichỉ mình Ngài, có nhiệm vụ phải làm những gì, cùng xuất phát từ một Kinh thánh, Thiên Chúa của dân Do Thái đã nói rằng Ngàiriêng chỉ mình Ngài mới có thể thực hiện. Ngài quỳ ở đó, cách Gehenna[2] khoảng một dặm khi Ngài dự đoán về số phận âm ỉ của thành phố, tin rằng Ngài phải đi trước, đứng trước sự vi phạm, tự mình chấp nhận gánh lấy số phận đó. Khung cảnh chung quanh, không có nơi nào thích hợp hơn để kết nối các chủ đề thần học, con người, vũ trụ quan một cách tuyệt vời, ngoạn mục như vậy. Do đó, cách duy nhất để hiểu rõ những gì các Tin mừng đang cố nói tới, là chúng ta phải nắm bắt toàn bộ bức tranh.

CHIẾN THẮNG SAU CÙNG CỦA THIÊN CHÚA VỚI SỰ DỮ

 

Hãy cùng suy nghiệm bằng cách nhìn thẳng vào chiến thắng cuối cùng của Thiên Chúa trước sự dữ. Phần đầu bài, một cách tóm lược, đã loại trừ bất kỳ khả năng nào vấn đề của sự dữ có thể được giải quyết theo thuyết tiến trình phát triển hoặc thuyết tiến hóa. Nếu thế giới dần dà trở nên tốt hơn cho đến khi đạt đến một tình trạng lý tưởng - mặc dù trong chúng ta ai cũng hoài nghi về khả năng như vậy – thì điều đó vẫn không giải quyết được vấn nạn của tất cả những điều dữ đã xảy ra từ trước cho đến thời điểm không tưởng đó. Tôi cũng đã loại trừ, có lẽ gây thất vọng cho một số người, triển vọng vào khả năng con người giải đáp câu hỏi sự dữ xuất phát từ đâu, nó đang hoạt động như thế nào trong một thế giới được sáng tạo tốt đẹp bởi Thiên Chúa nhân lành và đầy uy quyền.

 

Nhưng thiết nghĩ, mỗi chúng ta có thể và phải cố gắng giải đáp cho được những câu hỏi như:

 

·         Khi nào Thiên Chúa thiết lập xong trời mới đất mới như được hứa trong Khải Huyền 21?

·         Khi nào Thiên Chúa giải phóng sự sáng tạo ra khỏi sự trói buộc của sự dữ để chia xẻ tự do vinh quang của con cái Chúa như đã hứa trong Romans 8?

·         Khi nào Thiên Chúa là đấng "thống lãnh tất cả", đánh bại mọi kẻ thù, kể cả chính cái chết như được công bố trong 1 Corinthians 15?

·         Và cuối cng, khi tất cả những điều trên xảy ra, làm thế nào trong thế giới mới đó sẽ không những không sự dữcũng sẽ không có những thù hận còn sót lại, vì tội lỗi, những điều dữ đã xảy ra trong hàng thiên niên kỷ trước?

 

Theo tôi, câu trả lời nằm ở ba nơi. Đầu tiên, cái chết của Chúa Giêsu phải được nhìn thấy một cách nhất quán, liên tục (mặc dù qua nhiều góc cạnh) trong suốt Tân Ước như phương cách đối mặt sự dữ. Thứ hai, tương tự như lý luận dựa vào cái chết của Chúa Giêsu, Thiên Chúa sẽ tha thứ; và với sự tha thứ đó, Thiên Chúa sẽ không chỉ giải thoát thế giới ra khỏi gánh nặng tội lỗi mà còn có thể nói Ngài sẽ nguôi giận một thế gian nhiều lầm lỗi. Và thứ ba, cũng trong toàn bộ hoạt động Thập tự giá vinh quang, Thiên Chúa sẽ giành lại chiến thắng cuối cùng trước các thế lực xấu xa, sự hỗn loạn và chết chóc, để vạch ra rằng chúng là kẻ đã xâm nhập vào thế giới sáng tạo nguyên thủy tốt đẹp của Ngài. Và từ đó, tôi xin phép dùng lời vị giám mục nổi tiếng xứ Nam phi,  Desmond Tutu[3], Không tha thứ, không có tương lai (Without forgiveness, there's no future)  và cho rằng câu này không chỉ đúng với cộng đồng con người khi cố gắng vượt qua sự bế tắc của lòng thù hận và khiển trách lẫn nhau; mà cũng đúng ở cấp độ vũ trụ, ngay với Thiên Chúa. Vì chỉ khi công nhận điều này là đúng, chúng ta mới khẩn trương học sống theo phương cách này để khi nhìn vào hiện tại chúng ta có thể dự đoán được tương lai, trời mới đất mới Thiên Chúa đã hứa.

 

Khi thực sự tha thứ cho người khác, chúng ta không còn chịu hậu quả xấu mà họ đã gây ra - ngay cả khi họ từ chối chấp nhận sự tha thứ và tiếp tục tình trạng thù hận - vì vậy, khi Thiên Chúa tha thứ cho người tội lỗi thì Ngài không còn bị tác động bởi tà ác mà họ đã làm, ngay cả khi họ từ chối chấp nhận sự tha thứ của Ngài. Nếu không thì nhóm người ganh hờn như người anh của đứa con trai hoang đàng, luôn ngấm ngầm tự cho mình có tầm giá trị đạo đức cao hơn người khác. Điều này tuy không giải thích nguồn gốc sự dữ. Nhưng tôi nghĩ, nó giúp chúng ta hiểu như thế nào, khi Thiên Chúa tạo ra một thế giới mới không có bóng dáng sự dữ đến từ quá khứ làm đen tối hình ảnh đó.

 

Có người mỉa mai cho rằng điều đó thì thật tốt. Thiên Chúa có thể tha thứ cho sự dữ đã gây nên trong quá khứ. Nhưng còn những tang thương đã xảy ra cho người Do Thái ở Holocaust, cho những người bị sát hại và gia đình họ, cho những trẻ em bị hãm hiếp, những nạn nhân tai nạn gây bởi những tay tài xế say rượu ẩu thả, thân nhân của những kẻ thiệt mạng trong các cuộc khủng bố. Làm sao giải thích được sự công chính của Thiên Chúa khi cho rằng những tổn thương đã bị gây ra bởi sự dữ, bằng cách nào đó, đã được xóa bỏ hoàn toàn như chưa hề xảy ra? Có phải đây là một cách để đơn giản hocoi nhẹ sự dữ, cho nó có vẻ không thực sự đáng chúng ta quan tâm? Và sự công chính Thiên Chúa được hiểu như thế nào khi nói rằng Ngài tha thứ cho kẻ phạm tội khi những nạn nhâncon người thật sự, là anh A, chị B đã chịu đựng chứ không phải Thiên Chúa, thực sự bị tổn thương?

 

Có lẽ đây là lúc đề xuất một ý niệm tiếp theo cần thiết để hiểu chính xác hơn về sự tha thứ. Trong thế giới mới của Thiên Chúa, nếu tất cả mọi người thoát khỏi được cái chết, bệnh tật, suy nhược, v. v…, để cơ thể phục sinh mới của họ sẽ không còn bị nhiễm hại bởi các thứ xấu ấy, thì bản thân về mặt tâm linh, nhận thức, tình cảm của họ cũng sẽ phải được Thiên Chúa đổi mới. Và trong lần đổi mới này, họ phải được kích hoạt một cách nào để có đủ khả năng tha thứ cho tất cả điều ác đã gây đến cho họ và họ cũng không còn bị ảnh hưởng hay lây nhiễm bởi sự dữ đó.

 

Tất nhiên, lối suy nghĩ như thế yêu cầu một bước nhảy khá lớn trong trí tưởng tượng của hầu hết chúng ta trong cuộc sống tương đối an lành mỗi người đang có. Khi chúng ta tưởng tượng đến những đau khổ về đạo đức, thể chất và cảm xúc xảy đến cho con người trên toàn thế giới trong thế kỷ qua, nó có vẻ như một giấcbất thể khả thi. Tuy nhiên, chính xác đó là sự thực thi lời hứa phục sinh mà tất nhiên là chuyện khó tin đối với những triết gia nghiên cứu chỉ chăm chú nhìn vào một thế giới qua tội lỗi và chết chóc và họ không nhận rằng chính Thiên Chúa đã sống giữa chúng ta, đã chết đi và sống lại.

 

Cụ thể chúng ta được kêu gọi trở thành người tha thứ trong đời sống hiện tại bởi đó phản ảnh thế giới mà chúng ta sẽ sống trong tương lai. Đây là trung tâm, là giải đáp tối hậu qua mọi khía cạnh của vấn đề sự dữvì không chỉ đợi vào trời mới đất mới, nhưng ngay lúc này, trong thế giới chúng ta đang sống cũng phải quy hướng về đó. "Tội lỗi sẽ không có quyền thống trị trên anh chị", Phaolô viết trong thư Romans 6:14; lời giảng này không chỉ một lời tiên đoán trong tương lai mà phải áp dụng trong cuộc sống đạo đức hiện tại của chúng ta. Đây chính khi chúng ta được giải thoát ra khỏi sự dữ, như lời nguyện Chúa Giêsu chỉ dạy, cuối cùng sẽ được Thiên Chúa chấp nhận.

 

Tuy nhiên điều đó không có nghĩa tất cả mọi người sẽ cùng ăn năn và cùng chia sẻ niềm vui trong thế giới mới của Thiên Chúa, mặc dù nếu được đó là điều rất tuyệt vời. Thật vậy, Tân Ước liên tục cảnh báo rằng những lựa chọn chúng ta trong cuộc sống hôm nay, về loại người như thế nào mà chúng ta muốn trở thành, sẽ là những hậu quả mà trong tương lai Thiên Chúa sẽ phán xét. Nếu vì hờn giận, chúng ta cũng không thể lựa chọn ngăn chặn bữa tiệc Thiên Chúa diễn ra bằng sự vắng mặt chúng ta. Chúng ta có quyền, giống như người anh trai, ngồi ngoài; Thiên Chúa có quyền đến và lý luận với chúng ta; nhưng những con bê nướng thơm phức kia vẫn được thưởng thức dù chúng ta có quyết định tham gia bữa tiệc hay không. Những người chấp nhận lời mời Thiên Chúa đến dự bữa tiệc, khi tuân theo các điều dặn dò của Ngài, sẽ ăn mừng ngày thực sự được giải thoát ra khỏi sự dữ.

 

Đề xuất trên là một phần trong sứ vụ Kitô hữu ngay hôm nay khi dự đoán về ngày tận thế, mượn tương lai từ Thiên Chúa để tìm cách cải thiện cuộc sống hiện tại, để tận hưởng hương vị của ơn giải thoát sau cùng ra khỏi sự dữ bằng tìm cách hủy diệt cái ác trong hiện tại. Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện, nhưng một trong những điều khoản phi thường nhất trong lời cầu nguyện đặc biệt ấy của Ngài là, "Hãy tha thứ cho chúng con, vì chúng con đã tha thứ cho những kẻ xâm phạm chúng con." Trong một câu chuyện ngụ ngôn đáng quan tâm, Chúa Giêsu đã cảnh cáo rằng trừ khi chúng ta tha thứ, chúng ta sẽ không được tha thứ: trong Matthew 18, người đầy tớ đã được tha một khoản nợ lớn nhưng sau đó vì từ chối tha cho một người hầu món nợ nhỏ đã bị thu hồi món nợ ban đầu.

 

Khi ai đó làm điều gì gây tổn thương cho chúng ta, phản ứng chúng ta cần phải như thế nào? Có lẽ ngay lập tức câu trả lời là hãy tha thứ; vì chính những lời dạy nghiêm khắc của Chúa Giêsu, đặc biệt trong Matthew 18, hỗ trợ cho câu trả lời đó. Nhưng khi có người thúc giục bổn phận tha thứ, có thể người khác sẽ lập tức bảo: "Điều đó ngụ ý rằng để họ trốn bỏ trách nhiệm họ gây ra?", hoặc "Thái độ như thế có nghĩa là coi nhẹ tội ác".

 

Điểm rất cần nắm bắt rằng tha thứ không giống như khoan dung. Chúng ta được nhắc đi nhắc lại rằng Chúa Giêsu luôn mời gọi chào đón tất cả mọi người đến với Ngài như chính con người họ; chúng ta tin tưởng vào sự tha thứ và nhưng chẳng phải vì thế luôn sẵn sàng phục hồi những nhân viên bị sa thải vì không trung thực mà không cần xét hỏi họ? Dễ dàng cho phép những kẻ bị kết án ấu dâm trở lại làm việc cho trẻ em? Tha thứ không giống như khoan dung, không giống như sự thờ ơ, vô cảm hoặc vô trách. Tha thứ không có nghĩa là chúng ta phải coi nhẹ tội ác.

 

Trong thực tế nó có nghĩa là chúng ta phải nghiêm khắc gấp đôi. Bắt đầu, điều đó có nghĩa là quyết tâm tìm ra kẻ gây ra sự ác; không có điều đó, thì không có gì để tha thứ. Lòng tha thứ chỉ có nghĩa khi chúng ta đều quyết tâm làm mọi việc trong khả năng mình để nối lại mối quan hệ phù hợp với người phạm tội một khi điều xấu đã bị xử lý. Cuối cùng, sự tha thứ có nghĩa là chúng ta đã giải quyết trong tâm trí rằng chúng ta sẽ không cho phép cái ác này xác định loại người chúng ta sẽ trở thành. Đó là tất cả những gì về sự tha thứ. Tha thứ là khó khăn: khó khăn để làm, khó khăn để nhận và cũng khó khăn theo nghĩa là một khi điều ác xảy ra, sự tha thứ là một quyết liệt mạnh mẽ, không giống như một kiểu khoan dung ẩm ờ, đơn thuần chỉ là một kháng cự tạm thời tối thiểu, êm xuôi dễ dàng cho qua.

 

Tha thứ không có nghĩa là "Tôi không thực sự bận tâm" hay "điều ác đó không thực sự quan trọng." Tôi đã để tâm và nó đã thành vấn đề, nếu không thì chẳng có gì để tha thứ cả, như đơn thuần xảy ra để điều chỉnh thái độ. Ngày nay chúng ta nghe rất nhiều về những người cần điều chỉnh thái độ của họ đối với những điều mà trước đây họ nghĩ sai; Nhưng đó không phải là sự tha thứ. Nếu tôi có thái độ sai lầm với ai đó, và nếu tôi cần điều chỉnh thái độ của mình, nếu có bất cứ điều gì, thì tôi là người cần sự tha thứ, vì lập trường sai lầm trước đây của tôi.

 

Cũng không phải sự tha thứ giống như nói, "Hãy giả vờ rằng nó không thực sự xảy ra." Nhưng nó đã xảy ra, và sự tha thứ tự nó không giả vờ rằng nó đã không xảy ra; sự tha thứ đang nhìn chăm chú vào thực tế rằng nó đã làm và đưa ra một lựa chọn có ý thức - một quyết định của ý chí đạo đức - để đặt nó sang một bên để nó không trở thành rào cản giữa chúng ta. Nói cách khác, sự tha thứ giả định rằng điều xảy ra thực sự là xấu xa và không thể đơn giản được gạt qua mà không quan tâm. Vì dọc theo con đường đó đưa đến sự nén giận và sự xa cách dần dà của những người không còn tin tưởng lẫn nhau. Một phương cách tốt hơn là hãy đặt mọi thứ lên bàn, hãy can đảm đối mặt, nói thẳng nói thật, sự thực là mục tiêu chính Tin Mừng ra lệnh cho chúng ta phải làm khi đối phó với sự dữ.

 

Tất cả những điều đó đưa chúng ta đến vấn nạn khó khăn nhất trong các chương Kinh thánh, đó là Matthew 18. Ở đây, Chúa Giêsu đưa ra luật của người Do Thái về việc buộc tội người hàng xóm và triển khai nó để phù hợp với tình huống giữa những người theo Ngài. Chúng ta cần đặt Matthew 18: 15-20 một mặt cùng với Matthew 18: 21-22. Đoạn này nói khá rõ ràng những gì lệnh tha thứ không có nghĩa. Không có nghĩa khi người gây ra, trốn tránh được hậu quả trách nhiệm.

 

Thực tế đó là sự khó khăn, đòi hỏi một trình độ rất cao, khi nhìn thẳng vào mắt nhau và nói lên sự thật. Khó khăn không kém ngay cả khi chúng ta biết điều tổn thương sẽ được cân bằng ngay lập tức bởi nhu cầu những tha thứ liên tục. "Tôi có tha thứ cho anh tôi bảy lần không?" Peter hỏi. "Không," Chúa Giêsu nói, "không phải bảy lần, mà là bảy mươi lần bảy." Xin lưu ý chiều sâu tượng trưng qua những gì Chúa Giêsu đang yêu cầu. Đối với bất kỳ người Do Thái thế kỷ thứ nhất nào biết Kinh Thánh, tiếng vang sẽ rất rõ. Daniel hỏi Thiên thần rằng cuộc lưu đày ở Babylon sẽ kéo dài bao lâu. Sẽ là bảy mươi năm, như Jeremiah đã báo trước? Không, Thiên thần nói, không phải bảy mươi năm, mà là bảy mươi năm lần bảy (Daniel 9: 2, 24). Sẽ mất bao lâu "để kết thúc sự vi phạm, chấm dứt tội lỗi và chuộc tội cho sự gian ác; mang lại sự công bình vĩnh cửu." Sự lưu đày ở Babylon là kết quả của tội lỗi của dân Do Thái; Thiên Chúa phải đối phó không chỉ với tình trạng lưu vong của dân tộc mình mà còn với những nguyên nhân sâu xa trong lòng gian ác của chính họ. Những gì Chúa Giêsu nói là trời mới đất mới đang ở ngay đây, thời đại của sự tha thứ và dân tộc của Ngài phải là hiện thân của sự tha thứ.

 

Tất cả điều đó xuất hiện sau Lời Cầu Nguyện của Chúa, "Xin tha thứ cho chúng con, như chúng con tha thứ cho những kẻ xâm phạm chúng con." Chúa Giêsu tuyên bố, với từng hơi thở của mình, rằng giao ước mới đang được mạc khải trong sứ vụ của chính Ngài, và những người theo Ngài phải sống như những người bị lưu đày, và vì thế trở thành những người tha thứ. Mệnh lệnh tha thứ không chỉ đơn giản là tiêu chuẩn đạo đức mới và cứng rắn hơn cho các nhà đạo đức lỗi lạc cố gắng đạt tới. Nó xuất phát trực tiếp từ tình huống Chúa Giêsu đã mạc khải trong sứ vụ của chính Ngài, đóng dấu trong cái chết và sự phục sinh của Ngài. "Chiếc ly này," Ngài nói, "là giao ước mới trong máu Ta, đổ ra cho anh chị em và cho nhiều người được sự tha thứ tội lỗi." Sự chuộc tội không chỉ đơn giản là một giao kèo trừu tượng cho sự tha thứ của Thiên Chúa dành đến cho những người muốn nhận lãnh. Đó là một thành tựu tuyệt vời, điểm cao chót vót mà chính sự ác đã bị quật ngã để thời đại mới của Thiên Chúa có thể bắt đầu.

 

Chỉ như vậy, chúng ta mới có thể đưa ra câu trả lời đúng đắn của Kitô giáo cho vấn đề sự dữ, đó không phải là một lý thuyết mà là một cuộc sống thực hành, một cuộc sống sẽ được minh chứng trong thời đại sắp tới khi cái ác cuối cùng bị xóa bỏ hoàn toàn.

 

Điểm sau cùng xin được đề cập để kết thúc bài viết. Tôi có thể bắt đầu học cách tha thứ cho tha nhân. Nhưng tôi có thể tha thứ cho chính tôi không? Đôi khi đạo đức Kitô thu hút sự chú trọng đến sự kiện chúng ta được mời gọi yêu nhau, nhưng rất dễ dàng tự đẩy chính mình ra khỏi bức tranh, để cho rằng cá nhân chúng ta không còn quan trọng nữa, từ đó triển khai một hình ảnh về bản thân rất tiêu cực. Phải nhận những phê bình chính xác rằng để yêu người lân cận được như chính mình, chúng ta cần biết yêu bản thân mình trước, thì mới hiểu được tiêu chuẩn yêu thương phải là gì! Điểm này có lẽ tinh tế hơn cho câu hỏi về sự tha thứ. Đây là trung tâm để có được một sức mạnh và bình an cho tinh thần, cảm xúc và tâm linh. Là một trong những điều kiện để nhận được sự tha thứ từ Thiên Chúa. Tha thứ cho bản thân đồng nghĩa với việc nhận ra rằng tôi thực sự đã làm những điều tội lỗi, gây tổn thương cho người khác, cho chính tôi và với Thiên Chúa, nhưngThiên Chúa tha thứ cho tôi, tôi phải học, dưới sự hướng dẫn của Ngài, để tha thứ cho tự chính mình.

 

Nguyễn Duy Vũ

____________________________________________________________________________________________________________

 

                                          CHÚA VẪN CÒN THƯƠNG

                               (Thanh ChiPhu nhân cựu đệ tử Lê Văn Khuê lớp Lm Yuse Tiến Lộc)

 

Lời nói đầu:

 

Không biết chơi đàn, đôi lúc biết hát nghêu ngao, lại không rành về nhạc lý, tôi chỉ “hưởng” những gì mình đang có trong tủ đựng đĩa nhạc của gia đình, lại muốn to gan tản mạn về nhạc! Hơn nữa, hôm nay ngày Cá Tháng Tư, viết dể chọc vui mọi người. Như một bức tranh sáng, tối – Bên cạnh những khổ đau, mất mát con người phải chịu, ông Trời đã ban cho chúng ta nhiều “thứ” để được an ủi, để được vui mà sống hết cuộc đời.

 

Ngoài thiên nhiên tươi đẹp, hoa lá hiền hòa…chúng ta còn có âm nhạc, hội họa và thi ca.

 

Hôm nay 1/4/2020 kỷ niệm 19 năm ngày mất của người-ca-thơ (1) Trịnh Công Sơn, tôi thường nhớ ngày này và nghe lại vài đĩa nhạc của ông. Nhưng trong tâm trạng hiện nay: buồn, lo lắng, bị cách ly…Báo, Đài thì ra rả nhiều tin tức bi thương : bao nhiêu người đã chết, bao nhiêu người đang ở bệnh viện, đang bị cách ly, sinh hoạt bị đảo lộn, nguyên nhân là vì con ma Covid!

 

Có quá xa xỉ không khi bao nhiêu người dang vất vả vì cơm, áo, gạo, tiền? Tôi còn làm gì được bây giờ? Tôi chỉ muốn lượm lặt vài niềm vui Ngài ban, kh6ng mất tiền, đã có sẵn…Nhưng hôm nay tôi không muốn nghe hết đĩa nhạc của người-ca-thơ họ Trịnh : có lúc quá buồn và chán ngắt ( xin lỗi ông!). Tôi chỉ muốn nhớ vài câu của ông và của vài nhạc sĩ khác.

 

Những hẹn hò từ đây khép lại

 

“Đừng tuyệt vọng em ơi đừng tuyệt vọng

Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh

Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi

Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt…

Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ

Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà

.…………………………………

Ngày mai em đi biển nhớ tên em gọi về…

Ngày mai em đi đường phố hắt hiu đèn vàng…

Với Thanh Tùng thì :

Lâu lắm rồi em không đến thăm…

Giọt nắng bâng khuâng, giọt nắng rơi rơi bên thềm…

Còn đâu nữa:

Em đến thăm anh một chiều mưa

………………………………….

Anh ước mơ một chiều phai nắng

Em đến chơi quên niềm cay đắng

Và quên đường về…

Tô Vũ- Anh đến thăm em một chiều mưa

 

Với Phan Huỳnh Điểu:  có Thuyền Và Biển- Thơ Xuân Quỳnh:

Những ngày không gặp nhau,

Lòng thuyền đau rạn vỡ…

Nếu phải cách xa anh

Em chỉ còn bão tố…

Rồi Thánh ca, những bài rất xưa:

…Mẹ nhắn nhủ người đời

Hãy mau ăn năn đền tội

Hãy tôn sùng Mẫu tâm

Hãy năng lần hạt Mân Côi…

hoặc: Trên con đường về quê

Mà vắng bóng Mẹ

Con biết trông vào ai?

Biết nương nhờ ai?

Lạy Mẹ là ngôi sao sáng

Soi chiếu cho con lúc vượt biển thế gian…

Sống, chết con trông nhờ…

…mà đoái đến con

giúp con, đưa con về tới bến…”

 

Hoặc Hải Linh, thơ Hàn Mạc Tử:

 

“Lạy bà Maria,

Bà là đấng tinh tuyền thanh vẹn

Bà đầy ơn phúc, đầy muôn hộc từ bi

Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy

Cơn lâm lụy vừa trãi qua dưới thế

Nhưng cho đến giờ phút nầy, bài hát tôi vẫn thích nhất:

“Và con tim đã vui trở lại” – nhạc sĩ Đức Huy

…Và bây giờ ngày buồn đã qua, nhiều lỗi lầm cũng được thứ tha

Tình yêu đã đến trong ánh nắng mai xóa tan màn đêm u tối,

Cho tôi biến đổi tâm hồn thành một người mới…!!!

 

Dẫu như tôi phải đi qua vực sâu u tối, tôi sẽ không sợ hãi gì,…

Vì người ở gần bên tôi mãi…

 

Cám ơn Ngài đã ban tặng nhiều nhạc sĩ đa tài, đã nói giùm bao tâm trạng, bao hoàn

cảnh quá phức tạp của con người.

 

Lại cám ơn nhiều nghệ sĩ vĩ đại nhạc cổ điển Tây Phương:

yêu đời, réo rắt có Vivaldi : Four Seasons,…

rất vui: có Chopin, những bản Valse Piano,…

và Beethoven: Symphony số 5, số 6, số 9 vv…(2)

Tôi cũng hy vọng đã hiểu được phần nào vì sao Trịnh Công Sơn đã 2 lần suýt lập gia đình nhưng cuối cùng ông đã nói “không” với hôn nhân: âm nhạc đã đủ ?! Tôi cũng hy vọng hiểu được một người gần 10 năm góa vợ với nhiều cô muốn được lọt “mắt xanh”, nhưng vẫn từ chối bước thêm bước nữa vì chàng ta mê đàn piano đến nổi lưng hơi gù khi tuổi đời còn…trẻ. Rồi Đặng Thái Sơn, V.Q. ở Úc,…họ đang độc thân.

Phải chăng âm nhạc có thể “vá” (3) được một phần nào những tâm hồn tơi tả, nhũng con tim…buồn muốn chết ?!

Hãy nghe nhạc, hãy học đàn nếu có thể hỡi mọi người! Đừng để đời là một chuỗi dài những hối tiếc mà khi nghĩ lại, mình không còn thì giờ để sửa chữa.

____________________________________________________________________________

(1) Văn Cao gọi Trịnh Công Sơn như vậy. Anh đã thi-hóa-âm-nhạc và nhạc-hóa-thơ-ca.

(2) Cám ơn ông xã K. đã mua nhiều đĩa nhạc này.

(3) Được gợi ý từ bức họa chị T.N. gửi: một ông già lọm khọm đeo kính lão đang vá những con tim đỏ vỡ đôi tương tự hoa Ti-gôn – Hoa Tim Vỡ.

 

 

CUỘC ĐỜI VÀ THÂN PHẬN CON NGƯỜI

Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi?

Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi?

 (1 Côrintô 15: 55)

 Tại sao nhân sinh phải khổ đau?

Bất kể điều gì khác hơn để nhận hiểu về con người, có hai kinh nghiệm mà ta không thể bỏ thiếu: con người ai cũng trãi qua những đau khổ; chúng ta tất cả cuối cùng đều chấp nhận cái chết. Đau khổ và cái chết là hai câu hỏi tồn tại lớn mà con người phải đối mặt. Để bắt đầu với sự đau khổ, chúng ta biết tâm trạng này có nhiều hình thái. Có nỗi đau liên quan đến bệnh tật, đói khát, ốm yếu khi tuổi già, khuyết tật thể chất và những thứ tương tự. Có sự đau khổ về tinh thần và tâm linh như những nổi sầu, lo lắng, sợ hãi, cô đơn và tuyệt vọng. Những tâm trạng này có thể dẫn đến trải nghiệm các vấn đề tâm lý sâu thẩm hơn, thậm chí là tự tử. Sau đó là đau khổ mà con người gây ra bằng cách làm hại người khác, đôi khi là ngoài ý muốn, đôi khi do ác ý hoặc thù hận. Đau khổ có thể ít cụ thể hơn nhưng không kém phần đau đớn, cái mà các nhà thơ gọi là "đời sống chán chường", có ý cho rằng cuộc sống không mang lại thỏa mãn và trái ngược với hy vọng và mong muốn của mỗi người. Ngoài ra, có sự thừa nhận rằng tất cả chúng ta, dù lớn hay nhỏ, đều là nạn nhân của những hệ thống bất công, sinh ra rồi lớn lên trong những xã hội vô tâm và những gia đình không hoàn thiện.

Nếu quan tâm đến những suy nghĩ vượt ra khỏi ranh giới cuộc sống trước mắt của mình để hướng tới thế giới rộng lớn hơn , chúng ta sẽ phải đối mặt với những bức tranh về nạn đói hàng loạt, chế độ áp bức, hệ thống chính trị bất lực, tham nhũng hối lộ, cơn đại dịch gây hàng triệu người tử vong như Covid-19 hiện đang hoành hành, các bệnh nhiểm như HIV/Aids, lòng tham của con người và tranh giành quyền lực, và những phản ứng ô nhiểm môi trường của thiên nhiên qua những cơn lũ lụt, hỏa hoạn, hạn hán và sự tăng nhiệt trên toàn cầu. Danh sách như thế có thể là vô tận. Và điều này vào một thiên kỷ bắt đầu với niềm tin lạc quan và tự hào rằng y học, giáo dục và khoa học có thể xóa sổ hầu hết bệnh tật, đói nghèo và bất bình đẳng hàng loạt trên thế giới của chúng ta. Đây được coi là đống khổ lụy của con người mà dường như không có giải pháp của con người, không có phương thuốc thần thánh, không có ý thức và ít hy vọng được cải thiện. Đau khổ như vậy có vẻ vô lý bởi vì nó giết người trên quy mô lớn, hủy diệt toàn bộ xã hội, phá vỡ tinh thần con người và bây giờ đe dọa chính sự tồn tại của trái đất. Huyền thoại tiến hóa về sự tiến bộ của loài người, ra đời vào thế kỷ 19, dường như đã chết sau trải nghiệm của thế kỷ 20, được tượng trưng bằng các trại tử thần và âm mưu diệt chủng (tiêu diệt toàn bộ các nhóm văn hóa ) ở những nơi như Auschwitz, Rwanda và Nam Tư.

Câu hỏi về sự đau khổ của con người có liên quan mật thiết với câu hỏi về cái ác. Trong khi tất cả các tôn giáo truyền thống đang phải đối đầu với những câu hỏi này, bài viết này sẽ xem xét lại cách tiếp cận tương phản của hai tôn giáo mà trong đó tập trung trực tiếp về những mối quan tâm về cái ác, cụ thể là, Phật giáo và Kitô giáo.

Quan điểm Phật giáo về đau khổ

Chúng ta đã thấy rằng Đức Phật dạy đau khổ (dukkha) là một thực tế phổ biến của cuộc sống. Hơn nữa, mục đích sống của một người là vượt qua đau khổ không phải thông qua suy đoán vu vơ về ý nghĩa của nó mà bằng cách chọn con đường hướng tới Giác ngộ (niết bàn - nirvana). Dukkha có nhiều cấp độ. Đó là nổi khốn cùng, cơn đau khổ, tuyệt vọng, thống khổ, những bệnh tật về tinh thần và thể chất . Một trong số này bắt nguồn từ nguyên nhân tự nhiên, số khác do đạo đức sa sút trong lối suy nghĩ và phương cách hành động. Trên cơ sở căn bản, có một trải nghiệm sâu thẳm hơn về đau khổ do con người khi họ mong muốn thoát ra khỏi khuôn viên vô thường và sinh tử, loanh quanh luẩn quẩn trong vòng luân hồi. Điều này liên quan đến chân lý cao quý thứ hai của Đức Phật: đau khổ là do ham muốn và thiếu hiểu biết hay bị ngộ nhận. Sự thèm muốn nhiều hơn của con người thể hiện sự gắn liền với danh vọng, tài sản, ý tưởng, thú vui, mọi thứ và thậm chí cả con người. Tham lam, ích kỷ và ham muốn là ba khuôn mặt của dục vọng, không thể dập tắt được từ những 'khát vọng', bất tịnh ngay chính trong nội tâm của con người rồi từ đó gây ra những xung đột bất bình tranh giành giữa các cá nhân.

 Vì dính mắc attachment là nguyên nhân của đau khổ, tách rời detachment khỏi bản thân, sự vật và con người đối tượng chính là biểu tượng cho sự đảo lộn hoặc giải thoát ra khỏi đau khổ. Quá trình này mà sự hiểu biết thay thế cho vô minh, và không dính mắc thay thế cho tham ái của con người, được gọi là Bát Chánh Đạo: chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, chánh kiến, chánh trí. Bằng cách sống theo cách như vậy, người ta tiến tới niết bàn, trạng thái mà trong đó hoàn toàn thoát khỏi đau khổ và trói buộc. Bát Chánh Đạo đôi khi được gọi là Con Đường Trung Đạo, không phải là sự buông thả hay tự hành hạ bản thân, mà là con đường của sự tách rời dẫn đến cái nhìn sâu sắc, trí tuệ, sự hòa hợp thực sự và bình an nội tâm. Phật giáo cổ điển không dẫn đến sự thờ ơ và lãnh đạm, như các nhà phê bình đề xuất, mà dẫn đến tính không sở hữu trong đó lòng từ bi chân chính được sinh ra.

Quan điểm KiTô Giáo về đau khổ

Ngược lại hoàn toàn với Phật giáo, Kitô giáo đối mặt trực tiếp với vấn đề đau khổ và cái ác không chỉ là vấn đề của con người mà còn là vấn đề của Thiên Chúa. Chúng ta nhớ lại rằng Phật giáo, với tư cách là một tôn giáo vô thần, đem câu hỏi về Thượng đế sang một bên như là một suy đoán không cần thiết hoặc vô ích. Ít nhất là từ thời của thánh Augustinô vào thế kỷ thứ tư, Kitô hữu đã xem Sáng thế ký Genesis là sự mặc khải rằng Thiên Chúa, Đấng hoàn hảo, không thể là nguyên nhân của sự dữ. Đau khổ và xấu xa trực tiếp là do việc con người bị lạm dụng và băng hoại tự do. Một số tường thuật trong Kinh thánh, đau khổ được xem như một hình phạt vì tội lỗi của con người, một thử thách đức tin hoặc như một giáo hành đạo đức. Tuy nhiên, vấn đề chính yếu, trong một mô hình hữu thần, là giải thích cái được gọi là vấn đề căn bản: nếu Thiên Chúa hoàn toàn tốt lành và quyền năng vô hạn, Ngài sẽ chọn loại bỏ mọi điều ác; nhưng vì cái ác tồn tại; do đó Thiên Chúa không hoàn toàn tốt lành hoặc quyền năng vô hạn! Điều này đặc biệt quan trọng đối với Kitô giáo vốn tuyên bố rằng Thiên Chúa là tình yêu thương vô hạn. Câu trả lời của Kitô hữu cho sự thách đố này là tập trung vào sự dữ lớn nhất trong nhân loại, đó là sự đau khổ và cái chết của Chúa Giê-su trên đồi Calvary. Kitô giáo hiểu rằng Đức Kitô là "Con Thiên Chúa", hay "Thiên Chúa trong xác thịt con người." Theo một nghĩa nào đó, đây không phải là một "câu trả lời" cho cái ác mà là một biểu hiện của sự đồng nhất của Thiên Chúa với nỗi đau khổ của con người cùng với lời hứa cuối cùng sẽ lật ngược cái ác thành cái thiện. Sự sống lại của Chúa Giêsu từ cõi chết, một nguyên lý trung tâm của đức tin Kitô giáo, cho thấy rằng sự dữ, đau khổ và thậm chí là cái chết sẽ không có lời cuối cùng. Tình yêu của Thiên Chúa là thực tại mạnh mẽ nhất và cuối cùng sẽ phá hủy mọi hình thức khốn khổ của con người. Trong khi chờ đợi, các Kitô hữu phải sống với biểu tượng quyền năng này của Thiên Chúa trên Thập giá mà họ có thể biến nỗi thống khổ của mình thành nguồn hy vọng và sự sống: Đấng hoàn hảo đã chia sẻ những đau khổ của chúng ta; từ đó chúng ta biết tình yêu Thiên Chúa thật sự vĩ đại. Đây chính là "pháp luật của Thập Giá," vì đôi khi thập giá được gọi là giải đáp Kitô giáo về sự ác và đau khổ. Nói một cách đơn giản, Thiên Chúa ở với chúng ta trong cuộc sống của chúng ta, đặc biệt là khi chúng ta đương đầu với sự dữ và đau khổ.

 

Cái chết con người

Liên kết chặt chẽ với đau khổ và sự dữ là một thực tế rằng chúng ta là những sinh vật phàm trần rồi tất cả sẽ chết. Chúng ta luôn đối mặt với cái chết, dù là của mình hay của người khác. Các nền văn hóa phương Tây đã bị chỉ trích vì kìm nén câu hỏi về cái chết; các nền văn hóa khác coi cái chết là một phần tự nhiên hơn trong chu kỳ của con người, nhưng lại là một cuộc phiêu lưu khác của tinh thần con người. Cách đây rất lâu, nhà triết học Hy Lạp Plato đã lập luận rằng hoạt động con người chủ yếu được thúc đẩy bởi khát vọng bất tử - bao gồm sinh sản, mong muốn danh tiếng, tạo ra các tác phẩm bền bỉ qua thời gian, hoặc thực hiện các hành động bất hủ sẽ được các thế hệ tương lai ghi nhớ . Các truyền thống tôn giáo cũng nói lên khát vọng của con người về thiên đàng hoặc nơi vĩnh cửu được mô tả theo nhiều cách. Nhưng câu hỏi vẫn là: điều gì xảy ra sau cái chết?

 

Linh hồn Cá nhân Bất tử

Hầu hết các tôn giáo và nền văn hóa cho đến thời điểm hiện tại chắc chắn hiểu cái chết là một hành trình từ cuộc sống này sang một thế giới khác. Các "linh hồn của tổ tiên" hoặc "các vị thánh trên trời" tiếp tục sống ở thế giới khác trong khi vẫn duy trì ảnh hưởng đối với thế giới này. Điều này thường được giải thích dựa trên sự bất tử của linh hồn cá nhân: không giống như thể xác đã chết , linh hồn hay con người thật bằng cách nào đó vẫn sống sót sau khi trải nghiệm cái chết. Truyền thống Ấn Độ cổ đại thường cho rằng niềm tin vào sự tồn tại trên trời của linh hồn trong mối tương giao với các vị thần, một sự tồn tại kéo dài mãi mãi. Sự dạy dỗ của người Hy Lạp cổ hơn, dựa trên ý tưởng của Platon về hai lĩnh vực tinh thần và vật chất, hiểu rằng linh hồn, không giống như thể xác, là không thể tái tạo và không thể phá hủy. Định mệnh của linh hồn cuối cùng là sự kết hợp hoặc đoàn tụ với Đấng tuyệt đối. Phong trào duy linh hiện đại đề cập đến "linh hồn" là "thể xác thiên đường" tách ra khỏi thể xác khi chết và tiến triển thông qua một loạt các quả cầu đến quả cầu không gian tận cùng tối thượng, kết hợp với Thiên Chúa.

Một ý tưởng phổ biến khác liên quan đến cuộc sống sau khi chết kết hợp sự hiểu biết về sự bất tử của linh hồn với sự phục sinh của thân xác. Mặc dù niềm tin vào ý tưởng này bắt nguồn từ truyền thống Do Thái, nhưng nó không được tất cả người Do Thái chấp nhận rộng rãi. Ngay cả vào thời Chúa Giê-su (khoảng 2000 năm trước), đã có một cuộc tranh chấp giữa những người Pharisiêu, Pharisees, những người chấp nhận sự sống lại của cơ thể vào thời tận thế, và những người Sađusê Sadducees, kiên quyết bác bỏ quan niệm như vậy. Vào dịp này, Kinh Thánh tường thuật rằng Chúa Giêsu đứng về phía người Pharisiêu. Sau kinh nghiệm chết đi sống lại của Chúa Giêsu, các tín đồ Kitô giáo tin rằng thể xác và linh hồn của Chúa Giê-su được hợp nhất trong “sự thăng thiên vinh quang” của Ngài vào thiên đàng, một niềm tin mà nhiều người Hồi giáo cũng đồng ý. Tuy nhiên, cách hiểu đương đại về sự bất tử cá nhân của người Do Thái, Kitô giáo và Hồi giáo cho thấy nhiều cách hiểu khác nhau đáng kinh ngạc. Kitô giáo bị ảnh hưởng nặng nề bởi cả niềm tin Do Thái và triết học Hy Lạp. Một quan niệm phổ biến hiểu rằng thể xác và linh hồn được tách rời khi chết. Linh hồn thoát ra khỏi xác sẽ bị phán xét ngay lập tức và có thể đi thẳng lên thiên đàng (cuộc sống với Thiên Chúa), hay đến một nơi tạm thời gọi là luyện ngục (một tầm nhìn Công giáo về một nơi mà các linh hồn được thanh tẩy vì những khiếm khuyết và tội lỗi) hoặc thực sự, xuống địa ngục là định mệnh của kẻ ác. Tuy nhiên, vào Ngày cuối cùng (ngày tận thế), thể xác và linh hồn sẽ được đoàn tụ. Sự hiểu biết về sự phục sinh của thân thể này cũng khác nhau. Một số coi đây là sự phục sinh theo nghĩa đen của cơ thể vật lý; những người khác hiểu nó là một thân xác mới, thuộc linh thiêng. Dù thế nào đi nữa, có sự kỳ vọng rằng Thiên Chúa sẽ nâng toàn con người lên đến hạnh phúc vĩnh cửu trên thiên đàng, nơi "chúng ta sẽ được nhìn thấy Đức Chúa Trời và sống vô tận" (St Irenaeus, thế kỷ thứ hai).

Mặc dù các tín ngưỡng truyền thống của người Do Thái, Kitô giáo và Hồi giáo bao gồm những quan niệm về thiên đường dành cho người công chính (những người được tuyển chọn hoặc những người chết trong ân sủng), và những ý tưởng về địa ngục hoặc gehenna cho những kẻ chết tiệt (những người không ăn năn hoặc chết trong tội trọng ), các nhà thần học hiện đại đã đặt câu hỏi liệu khái niệm về một Đức Chúa Trời yêu thương có phù hợp với những lời dạy về hình phạt đời đời hay không. Một số nhà thần học cho rằng, trên thực tế, Thiên Chúa cứu mọi người. Những người khác xem địa ngục như một phép ẩn dụ cho cuộc sống trên trái đất sống mà không có hy vọng hoặc tình yêu. Một số người cho rằng đó là một trạng thái không tồn tại hoặc hư vô đang chờ đợi những ai tự do và cố ý từ chối lời đề nghị tình yêu và sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Người ta lập luận rằng nói 'Không' với 'Chúa' và 'Lòng tốt' là nói 'Không' với 'Hiện hữu'. Bằng cách này, Thiên Chúa tôn trọng quyền tự do của con người mà không cần đến vai trò của một bạo chúa thần thánh. Tương tự, các nhà thần học hiện đại nhấn mạnh rằng chúng ta không thể nói nhiều về sự sống sau cái chết, một bí ẩn đang chờ đợi tất cả chúng ta. Điều quan trọng là yêu Thiên Chúa và người lân cận trong cuộc sống này. Tuy nhiên, bằng cách này hay cách khác, ba đức tin độc thần kể trên này là những tín đồ bảo vệ mạnh mẽ nhất cho quan điểm rằng số phận con người của chúng ta bằng cách nào đó được hình dung tốt đẹp nhất về cuộc sống cá nhân với Thiên Chúa bên cạnh cái chết, tức là sự bất tử cá nhân.

 

Một loại bất tử khác

Người phương Tây và Thiên chúa giáo nói riêng sẽ tìm ra ý tưởng về không - sự tồn tại cá nhân trong thế giới bên kia phần nào của một bí ẩn. Đây không phải là sự vắng mặt của niềm tin vào sự bất tử; đó là sự từ chối niềm tin vào sự bất tử của cá nhân . Nói cách khác, đó là niềm tin vào sự tái sinh hoặc luân hồi , một khái niệm bị hiểu lầm rộng rãi ở phương Tây. Đầu thai hoặc niềm tin vào sự luân hồi của linh hồn là không , cho ví dụ, một cách mà tôi ndividual cái tôi hoặc con người tinh thần tiếp tục tồn tại sau cái chết của cơ thể. Trong khi triết học phương Tây nhấn mạnh đến tính cá nhân, thì tư duy phương đông tìm kiếm sự giải phóng khỏi tính cá nhân. Niềm tin của đạo Hindu và đạo Phật về những gì tồn tại sau cái chết rất phức tạp, tinh tế và đa dạng.

Một quan điểm của người Hindu cho rằng linh hồn con người (atman) là một thực tại vĩnh cửu, bất biến, có cùng bản chất với Bà La Môn, Brahman. Ngoài "bánh xe xuất hiện", thế giới đau khổ, đau đớn và ngu dốt này, chỉ có một thực tại thần thánh duy nhất, Brahman. Sự thiếu hiểu biết về thực tế này khiến con người tự xích mình vào thế giới ảo tưởng của sự thay đổi. Do đó, khi chết, linh hồn chuyển từ thể xác này sang thể xác khác, một quá trình có thể diễn ra nhiều lần sinh và tái sinh. Tuy nhiên, mục đích cuối cùng của đời người là thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi bất tận. Quá trình này giả định rằng một người được giải phóng khỏi cá nhân hoặc sự tách biệt trong cái chết và tái sinh cuối cùng thông qua sự kết hợp hoàn toàn với Brahman. Ở đây, không có thứ gì huyền hoặc tự tồn tại vì cuối cùng sẽ chỉ có Brahman.

Giáo lý Phật giáo về luân hồi chia sẻ niềm tin của người Hindu về nghiệp, karma: hành động tốt dẫn đến sinh nở tốt; những hành động xấu dẫn đến những tái sinh kém may mắn. Quy luật nghiệp báo này chi phối vũ trụ - và vũ trụ, đối với các Phật tử, bao gồm nhiều thế giới khác với thế giới này. Vì vậy, trong khi Phật giáo bác bỏ khái niệm về sự tồn tại bên ngoài cái chết của bất kỳ bản ngã, psyche, self hay atman nào , hiểu rằng hành động của con người trong thế giới này tiếp tục ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta trên thế giới này cũng như tất cả các cuộc sống và thế giới khác. Mọi thứ đều được kết nối với nhau. Mục tiêu của cuộc sống con người là đạt được tới niết bàn, là sự phủ định hoàn toàn của ham muốn và cá nhân. Niết bàn là hư vô, trống không, hư không. Niết bàn, con đường giác ngộ của cuộc sống không ham muốn, đau khổ hay vô minh, có thể đạt được trong thế giới này. Khi người giác ngộ chết, đây là sự kết thúc của bánh xe tái sinh và đau khổ. Ngoài ra, Đức Phật chỉ dạy sự im lặng: chúng ta không thể hiểu được niết bàn, trạng thái của hạnh phúc viên mãn, với những phạm trù suy nghĩ bình thường, và sự ngu dốt, của con người.

Một số loại niềm tin vào luân hồi là điều tự nhiên đối với nhiều truyền thống tôn giáo phương Đông cũng như niềm tin vào sự bất tử của cá nhân sau cái chết đối với những người theo các tôn giáo Độc thần. Bất chấp sự khác biệt, cả hai loại huyền thoại "sự sống bên kia cái chết" đều có chung một niềm tin vào vận mệnh thiêng liêng của con người. Cả hai phía đều cho rằng số phận con người có liên quan đến những việc làm tốt hay xấu mà một người thực hiện trong cuộc đời này. Có một quan niệm rằng toàn bộ vũ trụ được kết nối với nhau và cuộc sống của mỗi cá nhân con người có mục đích, ý nghĩa và số phận dựa trên sự kết nối này. Những niềm tin này dù được hiểu theo nghĩa đen hay qua ẩn dụ ở mức độ nào cũng là một vấn đề mang theo những khác biệt lớn, không chỉ từ nhóm tôn giáo này sang nhóm tôn giáo khác, mà còn ngay giữa các nhà thần học trong cùng một truyền thống tôn giáo.

Vũ Thiên Lý

____________________________________________________________________________________________________________

 

VignetteForBulletin 330

Giọng cũ xa gần

Dân Gầy phụ trách

 

Duc In Altum vừa nhận được tin người anh em

 

Phaolô VŨ VĂN THIỆN

Cựu linh mục DCCT

(1927 - 2020)

 

cùng lớp Khấn Dòng 15.8.1952 với các cha:

 

* Giuse Hồ Tấn Tư

* Antôn Vương Đình Tài

* Phaolô Nguyễn Ngọc Lan (X)

* Lêo Nguyễn Văn Sang

* Phêrô Hoàng Văn Thiện (Tuấn)

 

đã được Chúa gọi về lúc 2g sáng thứ hai 13.4.2020 tại Quận 8 Saigòn

 

Lễ An Táng lúc 6g30 sáng Thứ 4 15/4/2020 tại Nhà Thờ Họ Bình Minh P.14 Q.8

 

Xin hợp lòng với tang quyến cầu nguyện cho linh hồn Phaolô sớm hưởng Nhan Thánh Người.

 

Thành Kính

 

Gia Đình An Phong Sydney

 

CHT Nguyễn Đắc Dũng

CHP Phạm Văn Chương

 


CHÚC MỪNG & TẠ ƠN

Xin chúc mừng 
Cha Giuse Nguyễn Ngọc Bích
Bề Trên Giám Tỉnh DCCT Việt Nam 

Nhân kỷ niệm 30 năm Linh Mục ngày 02.5.2020

Trong tinh thần TẠ ƠN với tất cả những Hồng Ân Chúa ban
để cha tiếp tục trong sứ vụ được trao phó.

Gia Đình An Phong Sydney

CHT Nguyễn Đắc Dũng
CHP Phạm Văn Chương

 

*Giòng chảy liên lạc giữa thành viên An Phong

 

Trước nhất là vài hàng cảm tạ từ phu-nhân anh Trần Ngọc Tá:

 

Mai Tá rất cám ơn anh chị em đã đem đến tiếng cười rộn rã cho gia trang vào tối qua, thứ 3, bị vắng tiếng hơn 3 tháng nay. 

Rất cám ơn:-) 

 

Về ngày giờ gặp gỡ theo dạng “Zoom”, thì:

Riêng ngày 2/8/20 - chủ Nhật Mỹ - thứ 2 Sydney: tiện cho Mỹ & các vị cao niên nhưng ở Sydney anh chị em còn đi làm như anh chị Nguyễn Tiến Hùng, Nguyễn Đắc Dzũng - Vân, Nguyễn Công Thành - Hương ... sẽ không tham dự được... (đây là ý kiến chợt đến trong đầu mình) 

 

Thân mến 

Mai & Tá  

 

Cựu đệ tử Vũ Sinh Hiên (từ Việt Nam) thêm vài lời:

)


https://mail.google.com/mail/u/0/images/cleardot.gif

https://mail.google.com/mail/u/0/images/cleardot.gif

https://mail.google.com/mail/u/0/images/cleardot.gif

Ý kiến của Tá-phu-nhân chính xác. Nếu vậy thì ta "chơi" trước một này, sẽ là Thứ Bảy của Houston, và là Chúa nhật của Sydney và Saigon. Già làng mừng húm : Thứ Hai là ngày chạy thận.VSH

 

Cựu đệ tử Nguyễn Sĩ Bạch

 


https://mail.google.com/mail/u/0/images/cleardot.gif

https://mail.google.com/mail/u/0/images/cleardot.gif

 

Houston ngày giờ nào cũng “chơi” được. Nếu tổ chức đúng giờ kinh nguyện của các nhóm thì sẽ xin phép các nhóm thông cảm “vì tình CĐT có trước “, phải không Viễn Sinh Hu? Nhớ ông nhiều!

Bach Si Nguyen

 

Vũ Sinh Hiên

 


 

 

 



 

Xin chuyển lại FEEDBACK với ý kiến của chị Mai

Cheers

 

Vũ Nhuận  

 


Thư cựu đệ tử Vũ Nhuận gửi các anh Nguyễn Sĩ Bạch, Đào Nhơn

 

Chào anh Bạch, anh Nhơn,

 

Sắp đến Ngày Mừng Lễ Thánh Anphong với Thánh Lễ trực tuyến vào lúc: 

 

7g tối thứ sáu (ngày 31/7/20 - giờ Houston) tức 

10g sáng thứ bảy (ngày 1/8/20 - giờ Sydney) tức  

7g sáng thứ bảy (ngày 1/8/20 - giờ Việt Nam). 

 

Theo như anh Đào Nhơn cho biết, thánh lễ sẽ được trực tuyến trên trang WEB của DCCT Hải Ngoại Houston.

 

Như vậy hôm đó, anh chị em Sydney sẽ mở trang WEB này và link vào chỗ thánh lễ trực tuyến phải không anh? 

 

Theo như kinh nghiệm của tụi này ở Sydney, vì cũng có thánh lễ trực tuyến hàng tuần và thường qua ĐỊA CHỈ trên Youtube và Facebook, thí dụ như tuần này:

 

Thánh Lễ Trực Tuyến

Chúa Nhật 17 Thường Niên Năm A 

Ngày 26.07.2020 

lúc 11am (giờ Sydney, Úc Châu)

Trên Youtube và Facebook

 

Youtube:

https://youtu.be/bOiyQjOGNlA

 

Facebook:

https://www.facebook.com/VCC.Sydney/posts/174339744214410

 

Xin anh cung cấp thêm chi tiết để Nhuận thông báo kịp thời cho anh chị em.

Chào thân

 

Vũ Nhuận 

 

Thư của Cựu đệ tử Vũ Sinh Hiên

 

 

 

Gửi các anh Nguyễn Sĩ Bạch, Đào NhơnHNămNguyễnTuếPhạm

Ở Quê Nhà, anh chị em và các cháu sẽ mừng lễ vào ngày Chúa nhật 2/8 tại Kỳ Đồng. Vào giờ lễ của Houston, già làng Vũ Sinh Hiên đang trên giường chạy thận lọc máu xin thông công cùng các thánh.

 

Xin các bạn đừng quên dự tính của chúng ta là viết hồi ức về các Nhà Đệ Tử, về Hội Cựu Đệ Tử DCCT Việt Nam để chào đón kỷ niệm 100 năm DCCT có mặt tại VN (1925 - 2025).

Vũ Sinh Hiên

 

 

 

Thư từ qua lại giữa Francis Trần Trọng Dũng và Trần Ngọc Tá.

Kinh nho Anh Chi Ta chuyen den Gia Dinh An Phong $500

do Me em va Anh Trung goi tang.
Nhan mung Le Thanh To ANPHONG, kinh chuc Anh Chi va toan the Gia Dinh AnPhong Sydney duoc tran day On Thanh va phuc lanh cua Thien Chua va Me Maria Hang Cuu Giúp

Gia dinh chung em

Và, Trần Ngọc Tá trả lời Trần Trọng Dũng lớp đàn em

 

 

 

 

Dũng ơi,

Dũng chuyen vao tài khoản ngân hàng Commonwealth Bank của chị Mai như sau, nhé:

Account name: Mrs Mai Thi Dam

Account No: 10036359

BSB No: 062 172

Cảm ơn Dũng nhé.

Mai Tá

 

Trần Ngọc Tá

 

 

 

gửi Francis Trần Trọng Dũng (Sydney)

Dũng ơi,

Chị Mai đã nhận được $500 do Dũng gửi và

đã chuyển cho anh Phạm Văn Chương, Chi Hội Phó

của Gia Đình An Phong rồi.

 

Nhờ Dũng chuyển lời anh em GĐAP cảm tạ Bác gái, Anh Trần Mạnh Trung và cả nhà nhé.

Cảm ơn Dũng rất nhiều.

Mai Tá

 

Lại thêm liên lạc và liên hệ…

 

 

 

 

Tin vui ! Tin vui !

Anh em CĐT khắp nơi ơi,

Tôi là Đào Nhơn, CĐT ở Houston. Chiều nay, anh Sạch Bị (Nguyễn Sĩ Bạch) vừa nhắn cho tôi một tin vui và lệnh cho tôi là phải thông báo cho Cả làng cùng biết. 

Tin thế này: Cha bề trên DCCT Houston Đặng Phước Hoà vừa cho anh Sạch Bị biết là năm nay (2020), vì Cô Vi đang hoành hoành nên lễ kính thánh Quan Thầy Alfonso sẽ được LIVE STREAM tại nhà Dòng vào lúc 07 giờ PM ( giờ Houston) ngày 31 tháng 7 năm 2020 . Link để vào Utube dự hiệp thông là: DCCT Hải ngoại Houston. 

Trước đây, qua lần họp Zoom ngày 08/7/2020, vài anh em đề nghị mời cha Hoà đến nhà thờ Lộ Đức để dâng lễ và Live Stream vì ở đây có sẵn người chuyên môn, đầy đủ dụng cụ và đã làm nhiều lần. Lần đó cũng có cha Hoà lên Zoom với anh em Cựu đệ tử ở Houston. Cha nói ngày đó nhà Dòng cũng có tổ chức khấn hứa trọn đời cho 17 thầy, còn việc Live Stream thì để cha về hỏi lại ...Phe Ta. Hôm đó, tất cả (100 phần trăm) đều đồng ý là sẽ tổ chức lễ ở nhà Dòng còn chuyện Live Stream, tính sau. Không ngờ là Phe TA giỏi quá. Cuối cùng nhờ ơn Chúa và thánh cả Alfonso  chúng ta được tin vui  ngày hôm nay. 

Lại có một tin vui nữa cũng cần nên thông báo là trong phiên họp Zoom nói trên, Cha Bề Trên Đặng Phước Hoà đã đồng ý cho ghi thêm tên và email của Cha vào ZoomCDT. Việc này, kẻ hèn đã nhờ anh Sạch Bị thông báo cho anh Nhuận hay anh nào giữ chìa khoá  biết. Nếu anh Sạch Bị có quên thì đây là email của cha Hoà : danghoacssr@gmail.com . 

Anh Sạch Bị có dặn kẻ hèn này thông báo cho TẤT CẢ anh em CĐT biết tin vui này nhưng quen biết và hiểu biết về phe TA của kẻ hèn này có giới hạn nên kính nhờ anh em ra tay cứu giúp. Đa tạ và trân trọng.

Đào Nhơn.

BACH NGUYEN

 

 

 

Gửi Đào NhơnBửu UyCDTZOOM"DCCTDCCTDCCTNăm

Nếu nhận được email của anh Đào Nhơn xin bác ái trả lời đã nhận để thêm tinh thần Cựu đệ tử 

Bach Si Nguyen



Nguyễn Văn Năm



Gửi Đào Nhơn, Nguyễn Sĩ Bạch, Bửu UyCDTZOOMDCCTDCCTDCCT

Đã nhận được tin của cha bề ngang Đào Nhơn. Xin cám ơn rất nhiều.

Không sốt sắng với anh em trong lúc này vì tang gia đang bối rối.

Xin anh em thông cảm.

Xin Chúa chúc lành.

 

Năm

 


 

1. Email của cha Hoà sẽ được anh Nguyễn Duy Lâm (Sydney) bổ túc vào danh sách ZOOMCĐT

2. Nhuận sẽ huy động Gia Đình An Phong Sydney tham dự Thánh Lễ Thánh An Phong trực tuyến lúc 7pm thứ bảy (31/7) giờ Houston tức 10am sáng Chủ Nhật (1/8). Thời khắc này rất thuận tiện. 

3. Hoan hô anh Bạch và CĐT Houston vì đây là sự kiện đầu tiên trong sinh hoạt CĐT DCCT thế giới. 

 

Hẹn gặp

 

Vũ Nhuận 

 

 


Vũ Sinh Hiên từ Việt Nam góp giọng:



 

Các anh quên béng những người ở Quê Nhà.

Giờ ấy là mấy giờ ở VN?

Già làng là chuyên viên dự lễ on line, với bà xã.

Bây giờ chỉ còn ra khỏi nhà để đến NHÀ THỜ và NHÀ THƯƠNG.

Vũ Sinh Hiên

 

Vũ Nhuận hồi đáp:




Anh Hiên ơi,

Nếu em không lầm, thì lúc đó ở Saigon là 7g sáng chủ nhật. 

Lúc đó đã đi ..... lọc thận chưa? Hì! Hì!

Thân kính

Vũ Nhuận 

 

'H Duong' hồi đáp theo dạng CDTZOOM



 

Kính quý song huynh Vũ (Già Làng Vũ Sinh Hiên & Sydney Vũ đức Nhuận)

1- Tin cho anh Gìa Làng vui mừng là 7 giờ chiều Houston bên Mỹ vị chi là 7 giờ sáng hôm sau bên nhà VN.2- Nhắn anh Nhuận rằng ngày 31 tháng 7 này là ngày thứ sáu  và 7 giờ chiều Houston là 7 giờ sáng thứ 7 bên nhà VN.  

GCM 07/20/2020

danghoacssr@gmail.com viết tiếp:



Chào các anh.

Rất hân hạnh được biết các anh qua email Lớp của em, Gabriel 1972, có mấy đứa ở Úc như: Trần Trọng Dũng, Hiệp, Kế... và ở VN thì đông, như Thành Nguyễn hay tham gia Tuyến 2. Tháng Hai năm nay, cả lớp ở khắp nơi định về họp mặt thì bị Cúm Tàu làm ngăn trở. Tan đàn, xẻ nghé! Chẳng gặp được cha Tiến Lộc, linh hướng của lớp từ năm 1972, và các anh lớp trên, như Thanh Hà, Thạch.... vài hàng trình báo làm tin. Chúc các anh và gia đình an mạnh.

francis hoa dang, cssr

Nguyễn Duy Lâm (Úc) viết:  




Cám ơn anh Nhơn.

Cha Đặng Phước Hòa đã có trong danh sách ZOOM rồi. Vì trong nhóm ZOOM không được đầy đủ

Em thêm vào email này nhóm giadinhanphong và alphonseFamily groups.

.eLam

Cựu đệ tử Đào Nhơn hồi đáp:



Cám ơn Lâm nhiều lắm. Anh có hai câu hỏi:

1/ Có cách nào để Combine 3 nhóm group email: CDT, gia dính phong và alphonseFamily thành 1 cho dễ nhớ không ?

Và lấy tên gì ?

2/ Sau này, khi có Cựu Đệ Tử mới muốn vào group thì liên lạc với em hoặc ai.

Thân ái.

Anh Nhơn.

 

Nguyễn Duy Lâm:

Cám ơn anh Nhơn.

Cha Đặng Phước Hòa đã có trong danh sách ZOOM rồi. Vì trong nhóm ZOOM không được đầy đủ. Em thêm vào email này nhóm giadinhanphong và alphonseFamily groups.

.eLam

Thư Nguyễn Duy Lâm gửi Đào Nhơn:

 

 

 

 

Anh Nhơn ơi,

Xin lỗi anh em hồi âm hơi trễ.

Thật là em chỉ là thằng "tay xai" bề trên nói sao thì làm theo thôi. Tiện dịp anh hỏi em xin được phép trả lời một vài lý do theo nhận xét riêng em:

 

1-Anh em CĐT mình rải rát khắp nơi chưa kể lớp trên lớp dưới.

-Sinh hoạt mỗi nhóm mỗi nơi không cùng hoàng cảnh, giờ giấc khác nhau, ở Mỹ mùa đông ở Úc mùa hè.

-Hiện nay mình có người đại diện (CAPO hoặc CHT) cho mỗi vùng, chẳng hạn anh Thanh Hà ở VN, anh Khiêm ở namCali, anh Đắc Dũng ở Sydney, nhưng chưa ai đảm nhận toàn cầu.

-Mình có thể có những email groups cho riêng lớp, và cũng có thể có email group cho toàn anh em CĐT khắp nơi.

 

2. Anh có thể liên lạc với anh Vũ Nhuận vunhuan1947@gmail.com hoặc anh Trần Ngọc Tá tranta33@gmail.com để vào giadinhanphong group

Và liên lạc với anh MinhSy Minhnq1@gmail.com để vào nhóm Anfonsefamily.

.eLam

 

Cựu đệ tử Đào Nhơn (Hoa Kỳ) gửi Nguyễn Duy Lâm (Sydney)

 

 

 

Lâm ơi,

 

Nghe em than mà anh muốn ...đứt ruột. Nhưng ngẫm lại mình có khác gì nhau.

Hôm thứ ba 21/7/20, Niên trưởng " Sạch Bị " (thày 6 Nguyễn Sĩ Bạch) thông báo cho anh biết Cha Bề Trên Đặng Phước Hoà quyết định sẽ Live Stream lễ thánh Alfonse tại nhà Dòng thay vì tại nhà thờ Lộ Đức như đã bàn. Ngài Sạch Bị còn lệnh cho anh thông báo liền cho các anh em CĐT toàn cầu. Không chậm trễ, anh thi hành ngay kèm theo cái Link : dccthn houston do anh Bạch hỏi cha Hoà rồi cho anh.

 

Gởi xong, anh mới vô Utube nhà anh coi thử thì không coi được. Anh thử dcct hai ngoai houston thì OK nhưng chỉ coi được Giáng Sinh ...2018 thôi.Anh bèn phone cho trưởng lão Sạch Bị. Ngài bảo anh chờ vì nhà Dòng còn bận lễ Tuyên Hứa cho các Thầy.

Ngày hôm sau, anh nhận được e-mail của anh Vũ Nhuận confirm lại cái Web hay Link cả cho Utube lẫn FACEBOOK.

 

Nói thật với em, xưa nay, anh chỉ quen xài Utube, chưa xài qua Facebook. Lại hỏi thày. Thày lại bảo chờ. Bí quá, anh đánh liều TEXT cho cha Bề Trên. ( Không biết Cha có giận không ?? ).

 

Và cuối cùng thì đến ngày 27/7/2020 cha Bề Trên đã gởi ra cái Link mà tất cả anh em mình đã nhận được. thật hú hồn, hú vía. Nói để an ủi, ngày 27/7 cũng là ngày Sinh của anh.

 

Thân ái.

Đào Nhơn.

 

Câu nói để (nhiều) đời: Những câu đáng suy ngẫm của Đức Đạt Lai Lạt Ma

 


No comments: