Thursday, 20 August 2020

Suy niệm Chúa Nhật thứ 21 thường niên năm A

 Khi Đức Giêsu đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng: "Người ta nói Con Người là ai?" Các ông thưa: "Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlya, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ." Đức Giê-su lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" Ông Simôn Phêrô thưa: "Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống." Đức Giêsu nói với ông: "Này anh Simôn con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy." Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Kitô.

“Còn gặp nhau thì hãy cứ thương,”

tình người muôn thuở vẫn còn vương.”

(dẫn từ thơ Tôn Nữ Hỷ Khương)

 

Nước chảy hoa trôi, chuyện ở đời. Vui ngày gặp lại, chuyện đời ta. Chuyện của đời ta hay của dân con nhà Đạo, vẫn là trình thuật mà thánh sử Mátthêu nay đã ghi.

Trình thuật thánh Mátthêu, nay ghi một chuyện đời có lai lịch tự sự, về Hội thánh mà người người đều đã nghe nhiều lần, rất tường tận về vai trò, chức vụ và quyền uy của thánh Phêrô, đấng đầy-tớ-Chúa trong Hội thánh.

“Anh là Phêrô, nghĩa là Đá Tảng,

và trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”,

vẫn là lời vàng ghi trên cao nơi bàn thờ ở Vương Cung Thánh Đường ở La Mã. Lời vàng, nay mang ý nghĩa gì?

Dĩ nhiên, đây không là tuyên bố chính thức, một thứ “luật bất thành văn” như nhiều người nghĩ tưởng hoặc cho như thế. Đây chỉ là tên gọi riêng, thông thường được tặng gán cho thánh Phêrô, vào thời đó. Tên của thánh nhân là Shi-môn (hoặc: Si-môn, bên tiếng Do thái). Tên tục, mà Chúa vẫn gọi bằng tiếng Aram là Kêpha. Tiếng Hy Lạp, là: Petros. Tiếng Anh, là: Đá Tảng, nên ta luôn hiểu thánh nhân là như thế. Tên như thế, là hiểu theo biểu tượng và ý nghĩa “Đá tảng” mà Chúa dùng để nói về thánh nhân, thôi.

Ta lại bảo: Chúa đã làm cho thánh nhân trở thành “tảng đá”, hoặc nền tảng rất cứng như đá trên đó Ngài dựng xây cộng đoàn mới mẻ, là Hội thánh của Ngài. Ảnh hình về đá tảng có cạnh góc làm nền cho dinh thự/nhà cửa là điều được người Do thái vẫn thừa biết. Do thái, là nước được xây trên đá tảngrất nền tảng của Sion, tức: đền thánh Giêrusalem, mọi người đều biết, đặc biệt người Hồi giáo nay còn sùng kính “Đá Tảng Vòm Cung”, trên đó nữa.

Người xưa nghĩ: vũ trụ này chắc cũng được xây trên đá tảng nào đó, giống như thế. Ngày nay, khi nói về nền tài chánh, có người còn hình-tượng-hoá hệ thống kinh - tài của nhiều nước như đá tảng vững chắc. Đá tảng, còn là tên mà người Do thái dâng lên Giavê Thiên Chúa, Đấng là Nguồn Bình An. Là, Nền Tảng của mọi sự. Ý tưởng này, thấy nhiều ở Thánh vịnh lời ca trong Cựu Ước vẫn coi “đá tảng”, là nơi an toàn ta tìm đến mà trú ẩn, không sợ hãi. Cũng thế, ta quan niệm thánh Phêrô là biểu tượng của an toàn trong Hội thánh. Từ nền tảng an toàn này, nhiều Đức Giáo Tông cũng nghĩ về vai trò của mình, y như thế.

Không rõ đó có là ý tưởng của thánh Mátthêu khi viết trình thuật này, không? Có thể, khi viết thế, thánh sử liên tưởng đến truyện về Môsê được kể ở sách Dân số (Ds 20: 11). Với thánh Mátthêu, Đức Giêsu chính là Môsê Mới. Bởi thế nên, khi ông được Giavê dạy bảo: “Hãy lấy gậy mà đập vào đá tảng, nước sẽ chảy ra cho dân con uống”. Lúc đầu, Môsê còn do dự. Gõ mãi, chẳng thấy gì. Gõ lần nhì, tức thì nước từ đá tảng chảy ra. Chảy, đến độ nhiều người coi đó như “đá nhỏ lệ” hoặc: “lệ đá xanh”. Có điều ai cũng rõ là: mọi người đều cần đến nước. Nước, là sự sống phát xuất từ đá tảng từng chảy nước mắt/khóc ròng có nguồn gốc là thế. Và, khóc là động thái mang lại sự sống cho kẻ khác. Cho người khác như trẻ bé lúc chào đời, cũng giống thế.

Trình thuật, nay cho thấy: Đức Giêsu nghĩ về “đá tảng” xưa khi Ngài tỏ bày với ông Simôn, như đã nói:

“Ông là đá tảng chảy nước mắt giữa dân con Thầy”

(Mt 16: 18a).

Tức, ông sẽ chảy nước mắt, khóc ròng với lòng xót thương mọi người. Và, đó là chức năng chính mà Chúa muốn thánh Phêrô thực hiện trong Hội thánh. Đó, cũng là cung cách mà thánh nhân cùng các lãnh đạo Hội thánh được ủy thác để rồi chính mình lại ban thứ “nước” sống động ấy cho mọi quan viên trong thánh Hội. Thật khó mà tưởng tượng chuyện các thánh có địa vị như Phêrô đem “nước sống động” ấy cho Hội thánh, mà lại không khóc ròng vì thánh Hội, vào mọi lúc.

Đây, còn là ý tưởng chủ lực về vai trò/quyền uy của Đức Giáo Tông và đấng bậc vị vọng trong hội thánh, ở mọi cấp. Bởi, đã là thành viên Hội thánh, thì cả các đấng bậc lẫn Đức Giáo Tông, đều phải vững như đá, đến độ: không gì có thể mua chuộc hoặc làm suy xuyển lòng dạ sắt đá của các ngài. Và, câu hỏi đặt ra, là: ai trong hàng ngũ các ngài, lại có thể chảy nước mắt cho Hội thánh? Với Hội thánh, không? Ai có thể làm cho mọi tình huống trong thánh hội bớt gay go và tạo được khả năng thực hiện những gì ta nghĩ là không thể hiện thực được?

Câu trả lời, sẽ là: nếu Đức Giáo Hoàng và các bậc vị vọng trong hội thánh trả lời được câu hỏi trên, thì khi ấy các ngài mới đích thực thấy được “Nước sự sống” Chúa dành cho mọi người. Chỉ khi ấy mọi người mới hưởng được ơn huệ sống động từ đá tảng “Hội thánh” chảy ra cho mình. Mới thấy phát sinh sự sống thực có được, từ nỗi chết. Có thế, ta mới đạt một loại hình rất khác biệt về bí nhiệm “Vượt Qua”.

Bằng vào ý tưởng trên, thánh Phêrô là biểu tượng của lòng đại độ/xót thương đối với các bản vị trong Hội thánh. Với các vị đang chân thành đến với Hội thánh. Hoặc, đang quan hệ với thánh Hội. Bởi, Hội thánh thực sự không chỉ -và không là- biểu tượng của an ninh/an toàn, cho một tổ chức nào hoặc một nhóm nào đó, mà cho tất cả mọi người. Và cho tất cả mọi nhóm hội/đoàn thể. Chỉ khi ấy, thánh Phêrô-là-Vị-Đầy-Tớ-Chúa mới không bị tách biệt khỏi thánh hội.

Bởi, thánh nhân được gìn giữ khỏi mọi tai ương, bất lợi. Bởi, thánh nhân ở trên và ở ngoài mọi bi hài kịch đời người, là thánh hội. Ngài là “đá tảng” từng chảy nước mắt/khóc ròng vì dân con của mình. Thánh nhân chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện để cho thành viên của mình ở bên trong đá tảng. Ở giữa những cam go, khó khăn. Gay gắt. Ngài là đấng bậc biết cảm thông với mọi thành viện trong thánh hội, mọi hoàn cảnh. Đó là vai trò của Simôn, rất Phêrô.

Chính vì thế, nên Chúa mới nói:

“Quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi ông.”

(Mt 16: 18b).

Nghe câu này, lâu nay ta cứ tưởng như hiện có hai thứ quyền lực đối chọi nhau. Tranh chấp nhau. Và, chỉ một quyền lực chính đáng là Hội thánh khả dĩ chiến thắng được quyền bính tà vạy, là “thế gian”. Nghĩ thế, tức đã chấp nhận chiến tranh. Đối chọi. Và, tranh chấp rồi.

Về ý tưởng đá tảng chảy nước mắt/khóc ròng, ở đây nữa, Hội thánh không thể “chiến thắng” quyền uy đối chọi và đối lập bằng cách đứng trụ như đá tảng mà không đầu hàng, không nhân nhượng. Hội thánh cũng không thể thắng quyền lực đối chọi bằng quyền uy dũng mãnh đơn độc của mình được. Mà, Thánh hội, phải vượt trên và vượt qua mọi giai tầng quyền uy, sức mạnh. Dù, tốt đẹp.

Hội thánh không thể chiến đấu chống quyền uy thế trần bằng cách tự tăng cho mình thêm nhiều quyền. Mọi quyền uy vững chắc như “đá tảng”, cùng thế lực ở-môi-miệng sẽ không thể thắng quyền lực “tử thần” được. Bởi nếu không, Hội thánh cũng sẽ phải sống cuộc sống rất tử thần. Rất ngục thất. Và “quyền môn âm phủ” sẽ chẳng bao giờ lướt thắng được bí nhiệm của hiện tượng “chảy nước mắt/khóc ròng” ngang qua đớn đau của ai khác. Hoặc, nỗi thống khổ của đối phương. Đó, là điều Chúa muốn nói khi Ngài hứa với thánh Phêrô, là: thánh nhân sẽ khóc ròng, bất kể chuyện gì sẽ xảy đến.

Sau đó, Chúa còn thêm: “Thầy trao cho anh chìa khoá Nước Trời” (Mt 16: 19a), tức Lời Chúa hứa đây, tức: những gì ông ràng buộc hoặc tháo gỡ ở Hội thánh, sẽ được cột hoặc tháo ở Nước Trời. Cột buộc, là đặt dưới quyền uy sức mạnh nào trói cột mình với những gì ma quái, không thoát được. Tháo gỡ/cởi bỏ, là tháo và cởi khỏi sức mạnh nào đó đang dính cứng vào vai trò của ông. Nói rõ hơn, thánh Phêrô sẽ đứng vững và không ai tháo gỡ nổi uy quyền dũng mãnh của mình dù là ma vương quỷ quái. Và, chỉ mỗi việc “chảy nước mắt/khóc ròng”, mới thật sự là “chiến thắng” lạ kỳ đối với những gì được coi như “không thể chuyển đổi” được. Chảy nước mắt/khóc ròng, còn là giải thoát, cởi bỏ để con người đến với tự do.

Đọc kỹ trình thuật, ta sẽ hiểu được tâm trạng của thánh Phêrô đến mức độ nào còn tuỳ thuộc ta có hiểu được điều Chúa nói hay không, thôi. Rõ ràng là, thánh Phêrô đang học cách “khóc ròng” cho Hội thánh. Vì thánh hội. Thế nên, ta nghĩ và thực hiện Lời Chúa thế nào cũng sẽ tuỳ vào cung cách thánh Phêrô và các vị kế tục, tức các lãnh đạo tôn giáo trong Hội thánh đang hành xử quyền uy vậy.

Thánh Phêrô đã phải mất một thời gian dài mới học được cách trở nên “đá tảng” biết khóc ròng, xót thương mọi người. Biết, vượt trên quyền uy các cấp. Để chứng minh, cuộc thương khó của Đức Giêsu là bài học quý giá đầu tiên của thánh Phêrô, rất “đá tảng”. Thánh nhân đã có lúc muốn chối bỏ sự việc đang xảy đến với chính mình. Và, thánh nhân từng tách rời khỏi Thầy mình, cho đến lúc Chúa quay lại nhìn, thánh nhân mới ra đi “chảy nước mắt”. Và, “khóc ròng”. Khi ấy, thánh nhân đã học được cung cách khóc cho hội thánh. Và, chính vào giờ phút đó, ông mới đích thực là “Đá Tảng” của Giáo hội rất thánh.

Các đấng bậc kế tục thánh nhân, trong vai trò “chảy nước mắt”/“khóc ròng” giống thánh Phêrô, hiển nhiên cũng sẽ như thế. Và, các đấng bậc vị vọng từ Giám mục chủ quản cho chí linh mục, tức những vị có vai trò lãnh đạo Hội thánh, cũng nên học cung cách ấy. Cung cách “khóc ròng” vì mọi người. Và, chỉ có thế, thì các ngài mới có thể truyền đạt tự do, cho con Chúa. Và chỉ có thế, thì: tự do con cái Chúa sẽ không chỉ là danh từ bâng quơ nhưng sẽ là tên gọi đích thực của Vương Quốc Nước Trời?

Trong tinh thần hiểu biết rất như thế, tưởng cũng nên ngâm tiếp câu thơ hát ở trên, rằng:

“Còn gặp nhau thì hãy cứ vui,

chuyện đời như nước chảy hoa trôi,

Lợi danh như bóng mây chìm nổi,

chỉ có tình thương để lại đời.” (Tôn Nữ Hỷ Khương – Còn Gặp Nhau)

 

Nước chảy hoa trôi, là tình đời. Gặp nhau hãy vui với tình người. Tình, của những người từng chảy nước mắt/khóc ròng, giống “lệ đá xanh”, rất Phêrô. Mọi thời. Ở mọi nơi. Ngay đây.

Lm Kevin O’Shea DCCT biên soạn – Mai Tá lược dịch

 

 

No comments: