Friday, 31 July 2020

Suy Niệm Chúa Nhật thứ 18 Thường niên Năm A



“Mưa bay! Mưa bay! Ấm cúng trong này.”
“Một hôm trời bão, Em vào chơi đây.”
(dẫn từ thơ Đinh Hùng)

Nghe tin ấy, Đức Giêsu lánh khỏi nơi đó, đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt. Nghe biết vậy, đông đảo dân chúng từ các thành đi bộ mà theo Người. Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ.

Chiều đến, các môn đệ lại gần thưa với Người: "Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn." Đức Giê-su bảo: "Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn." Các ông đáp: "Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá!" Người bảo: "Đem lại đây cho Thầy!" Rồi sau đó, Người truyền cho dân chúng ngồi xuống cỏ. Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho dân chúng. Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy. Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con.” (Mt 14: 13-21)

Mưa bão hôm ấy, cộng đoàn dân Chúa cũng đã hay tin về cái chết của thánh Gioan Tẩy Giả. Rất nghiệt ngã. Ấm cúng nơi này, lòng người cũng đã được Chúa sưởi ấm bằng phép lạ nhân rộng bánh/ cá cho mọi người. Rất lạ thường. Lạ, như trình thuật thánh Mátthêu ghi lại, rất hôm nay.

Trình thuật hôm nay, thánh Mátthêu ghi về sự kiện rất đặc biệt trong đời Chúa. Nhưng không dễ, để diễn tả xem đó là sự kiện gì. Và không dễ, để áp dụng vào đời sống của ta hôm nay. 

Sự kiện hôm ấy, có Đấng Mêsia ra ngoài trời rảo bộ đã thấy cả ngàn người Do thái đi theo Ngài. Chạnh lòng thương, Chúa đã nuôi ăn cả ngàn người chỉ với 5 tấm bánh và hai con cá. Vẫn hiểu rằng, đây là phép lạ do Chúa làm. Phép lạ duy nhất trong cả bốn sách Tin Mừng. Nhưng được nhắc đến những 6 lần: riêng thánh Máccô và Mátthêu mỗi vị ghi chú đến 2 lần; thánh Luca và thánh Gioan mỗi vị chỉ một lần. Các thánh đều coi đó như biến cố lớn trong đời hoạt động công khai, của Chúa.

Nhờ thánh Mátthêu, ta được biết Hêrôđê cũng đã tổ chức một bữa tiệc cho người giàu có và trong đó có cả người nghèo nhưng không hèn, là thánh Gioan Tẩy Giả vừa trả giá rất đắt, bằng đầu mình. Cho bữa tiệc. Trái nghịch lại buổi tiệc đầy tai tiếng ấy, là tiệc ngoài trời do Chúa khoản đãi những kẻ đói/nghèo, thôi. Người giàu khi ấy, đâu biết rằng mình đã bỏ lỡ cơ hội đến tham dự.

Thế rồi, điều thực sự xảy đến cũng đã đến, đó là yếu tố buổi tiệc Chúa dọn, lại diễn ra ở nơi hiu quạnh. Có cỏ xanh làm chiếu đất cho dân ngồi. Có thể là, tiệc Chúa dọn xảy đến vào mùa Xuân. Tức, mùa Vượt qua của người Do thái. Có thể, cũng không xa là mất chốn biển hồ Galilê, khiến Chúa phải lên đò như Ngài vẫn thường làm, hầu tránh con mắt dòm ngó của vua quan thời đó vẫn chực rình những ai qui tụ đám đông quần chúng quyết đi theo.
Đám đông quần chúng, vẫn có thói quen tụ tập quanh Ngài, ở gần hồ. 

Họ lắng nghe Lời Ngài diễn giải, suốt cả ngày. Và, còn được Ngài chữa lành. Ngài chạnh lòng thương và xử thế rất nhanh chóng kẻo rồi tình thế trở nên xấu xa, không kịp cho dân chúng thoát nạn. Sự thể là: dân chúng hôm ấy chẳng có gì để ăn. Làng mạc lại ở xa. Thấy vậy, đồ đệ Chúa mới xin Ngài ra tay làm động tác ngoại lệ, để giúp họ. Nhưng Ngài nói rõ: Các ngươi hãy giúp họ…” 

Điều cần nhấn mạnh ở đây, là cụm từ “các ngươi” được thánh sử dùng đến. Cứ sự thường, mỗi lần có khó khăn, người người đều yêu cầu Chúa giải quyết. Hoặc, họ chỉ xin, chứ không tự mình tìm cách giải quyết.

Đồ đệ thấy thế, bèn kể Chúa nghe: “Ở đây, chúng tôi cũng chẳng có gì, chỉ một vài thứ…” không đủ cho vài người. Làm sao phân phát cho quảng đại quần chúng. Nói thế, có nghĩa: đồ đệ Chúa ở vào tình cảnh rất hãn hữu cũng đành bó tay, tuyệt vọng. Chẳng làm gì được, hoặc có làm thì cũng không ra hồn. Đó, chính là vấn đề đặt ra cho dân con đồ đệ: luôn thấy mình bất tài, vô vọng thì làm sao giúp ích nhiêu người được. Đó sự thường, mọi chuyện đều giống thế.

Và, đó là lúc Chúa ra tay làm thay cho đồ đệ. Ngài truyền cho đồ đệ bảo dân chúng ngồi xuống. Rồi Ngài cầm lấy thức ăn. Ngẩng mặt lên mà chúc tụng. Bẻ bánh ra. Và truyền lệnh phân phát cho dân chúng ăn. Trong hầu hết các sách Tin Mừng, ở đề mục, người đọc vẫn chỉ thấy những cụm từ, nào là: nhân rộng, hoá bánh thành nhiều. Nhưng chỉ mỗi bản Bẩy Mươi gốc Hy Lạp, là không thấy những chữ như thế. Trái lại, chỉ gồm mỗi động từ “phân phối”. Tức san sẻ những gì mình có. Cho mọi người. 

Có thể là, chính Chúa gia tăng lượng thực phẩm, như ta nghĩ. Cũng có thể, phép lạ này, không chỉ là sự lạ của người trần. Do người trần làm ra, để người phàm trần biết mà san sẻ những gì mình có. Làm được thế, của cải trên thế giới mới đủ cho mọi người, quanh ta. Thật ra, người phàm trần vẫn đói nhiều kiến thức và quyền lợi đồng đều, hơn điều mình cần có, như cơm/bánh hằng ngày. 

Và, khi ta đã biết sẻ san của cải thiêng liêng, như: tình yêu, lòng kính trọng và nhận biết những người sống chung quanh, thì khi đó ta sẽ không mất đi điều gì. Bởi khi ấy, ta càng được yêu. Càng được kính trọng và nhận biết từ những người được ta san sẻ. Ta tặng họ những thứ họ cần, như tình yêu. Nói cách khác, sẻ san cơm/bánh rồi cũng sẽ cạn dần thức ăn. Bởi, ai cũng đều có phần. Còn, san sẻ tình yêu, thì khác. 

Ngoại trừ ngày hôm ấy, xảy ra phép lạ vật chất, rất có thật; và chắc rằng ai trong chúng ta cũng đều tin như thế-thì điều này cũng không quan trọng bằng những điều hệ trọng ở đây, hôm nay: là chính việc sẻ san. Phân phối. Không phải việc sản sinh cơm/bánh mới rất cần, mà là sự sẻ san, cho đi.

Đó, là điều mọi người trông đợi nơi người Do thái. Nơi, dân con Đạo Chúa vẫn được coi là tốt đẹp, lành thánh. Trông đợi mọi người sẻ san những gì mình đang có, đặc biệt ở bữa tiệc, là thức ăn. Trình thuật hôm nay, không thấy ghi về nỗi ngạc nhiên trước sự “lạ” nhận thấy được nơi quần chúng, hoặc đồ đệ, về việc Chúa làm. Bởi, dưới nhãn quan của họ, đó là những việc cần phải làm. Và nên làm. Dù, họ không thấy nhiều người thường vẫn làm như thế. Những gì xảy đến là việc phải đến. Xem thế thì, sẻ san/phân phối mới là ý chính của trình thuật.

Nay lại hỏi, trình thuật truyện kể hôm nay áp dụng cho ai đây? Điều gì cần áp dụng?
Nếu chỉ nhìn một phía, hẳn ta sẽ thấy trình thuật vẫn gói trọn tín thư rất khích lệ. Tín thư đây, đề nghị mọi người hãy ra ngoài trời mà tổ chức những buổi sinh hoạt, nhưng đừng mang nhiều, cho mọi người. Cứ cầu xin thật nhiều, tự khắc Chúa sẽ làm phép lạ lớn lao, để thuận ban cho ta, hầu mãn nguyện. Phải đó là việc Chúa vẫn làm vào các buổi tụ tập, rất đông người? Ai là người khả dĩ lập lại cùng một phép lạ khi con dân Ngài hết của ăn/thức uống, mà trời thì tối. Lại xa phố xá cùng phố chợ? 

Nhìn vào thế giới, nếu người người biết sẻ san những gì mình hiện có cho người khác, nhất là những người thiếu thốn hoặc chẳng có gì để sống còn, thì thực chất của vấn đề thực ra không phải chỉ là việc “nhân rộng” hoặc “hoá bánh thành nhiều”, cho mọi người. Mà là, thế giới hôm nay đã có quá nhiều thứ, cho mình dùng. Có nhiều hơn tình trạng bình thường mình vẫn có. Trong khi đó, có những thứ mình có thì lại ít hơn phải có, đó là: lòng lân tuất. Chính trực. Và, nhớ rằng: người khác cần nhiều hơn mình. 

Quyết sẻ san, là: nhất quyết giảm đi những gì ta đang có. Giảm, niềm vui vì có của dư của để, và sự thoải mái cho bản thân. Như thế, mới gia tăng của cải và sự thoải mái cho người còn thiếu thốn được. Phải chăng, đó là điều Chúa muốn ta làm ngay, lúc này? Thánh Phaolô có lần nói: “Quả thật, anh em biết Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có.” (2Cr 8: 9-10)

Quả có thế. Khi ta có rất ít để có thể sống sót, thì lúc đó ta sẽ tìm cách trở nên người khác, không phải để có được sự thoải mái mình vẫn sống trước đây, nhưng còn phải hơn trước, rất nhiều. Phải chăng đó là điều Chúa dạy ta phải như thế, qua phép lạ “sẻ san”, cho đi này?
Ngày nay, ta không thể sửa đổi cái nghèo của thế giới bằng cách tổ chức những bữa ăn ngoài trời, cho nhiều người. Mà là, đổi thay cơ cấu kinh tế/chính trị của thế giới, tận thâm căn. Ngày nay, phải chăng cơm áo gạo tiền, là những gì ă sâu nơi kinh tế thế giới? Của ăn và thức uống có là khó khăn của những người bị mất việc. Những kẻ sống vô gia cư, chết vô địa táng? Vẫn cứ lang thang ngoài phố chợ? 

Và cứ thế, các vấn đề khúc mắc cứ mãi đặt ra như: có là điều bức bách đối với người không điện thoại di động? Không thẻ tín dụng. Không an sinh? Những người không có, là không có gì? Phải chăng cơm áo, gạo tiền là vấn đề bức bách nhất? Tại sao người nghèo đói lại là người dễ bị SIĐA nhất?

Tại sao ta vẫn được bảo cho biết: phân nửa dân số thế giới hôm nay vẫn cứ than phiền là mình không đủ ăn? Tại sao phân nửa số người còn lại, chỉ phàn nàn về tham vọng. Dục vọng. Và, khát vọng? Có lẽ, đã đến lúc ta nên ngồi lại mà tái thẩm định hệ thống giá trị, để rồi sẽ làm được điều gì đó, cho mọi người. Chí ít, là những người còn thiếu thốn. Nghèo hèn. Khá bức bách.

Phải chăng trình thuật hôm nay chỉ kể đến bẩy thứ, như cá và bánh Chúa ban cho những người theo chân Ngài, mà nghe giảng? Không. Tám thứ mới đúng. Bởi, ở buổi Tiệc Ly, chính Chúa cũng ban cho ta Thân Mình Ngài, để ta nhận lấy mà ăn. Giả như, ta thực sự nuôi sống bằng sự hiện diện của Ngài. Bằng, hệ thống giá trị Ngài ban cho, có lẽ thế giới mình đang sống, sẽ khác. Hẳn là, khi ấy, ta mới thực sự có được bữa tiệc ngoài trời, Chúa tổ chức. Theo kiểu của Ngài. Mới đúng.

Trong tâm tình đó, cũng nên ngâm câu thơ để ngỏ của nhà thơ viết về sự “Ấm cúng”, như:

“Em bớt lạnh chưa?
Lòng tôi kề đó,
Một ngọn đèn đỏ,
Đôi lòng đêm xưa.
Em ngồi em nhớ,
Tôi ngồi tôi mơ:
Một đời nho nhỏ,
Một phòng xinh xinh,
Cảnh trời mưa gió,
Và hai chúng mình.” (Đinh Hùng - Ấm Cúng)

Với nhà thơ, bớt lạnh chỉ mỗi hai chúng mình. Nhưng với nhà Đạo, người bớt lạnh,chỉ khi nào ta biết sẻ san nhưng cơm, cùng áo. Với gạo tiền. Đó cũng là ý nghĩa của trình thuật, rất hôm nay. Và mai ngày. Ở nơi đây. 

Lm Kevin O’Shea DCCT biên soạn – 
 Mai Tá lược dịch
______________________________________________________________________________________________________________________

Monday, 20 July 2020

Suy Niệm Chúa Nhật thứ 17 Thường Niên Năm A




“Khóc là ủy mị, chết là điên”
“Gây cho hoàn cảnh thêm tươi đẹp”
“Lọc mãi cho hồn trong sáng lên”
(dẫn từ thơ Nguyễn Bính)

     "Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.

     "Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy. Dụ ngôn chiếc lưới "Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.

     "Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?" Họ đáp: "Thưa hiểu." Người bảo họ: "Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ." (Mt 13: 44-52)

Khóc đâu chỉ là uỷ mị. Nhưng còn là, tâm trạng nhà thơ viết về người tình, mình cay đắng. Chết đâu chỉ là khùng điên. Mà còn là, quyết tâm chết cho người tình, mình vẫn yêu. Uỷ mị hay điên khùng, phải chăng là đặc trưng của người nhà Đạo, vào lúc này?

Trình thuật thánh Mát-thêu, nay kể về dụ ngôn, là để nói lên những điều từa tựa như thế. Từa tựa, về ý nghĩa và đích điểm của Nước Trời, ở trần gian. Nuớc Trời trần gian, như thánh Mát-thêu từng khám phá, là: tình huống có Đức Giêsu và dân con Ngài, cùng sống. Sống giống Chúa. Và với Chúa. Như thánh nhân đây, cũng từng học hỏi sống khác thường, theo đúng nghĩa sống. Và, thánh nhân thấy mình như người quản gia, cho qua đi những gì thuộc về quá khứ, chỉ giữ lại những gì mới mẻ, vừa khám phá. 

Khám phá/tìm ra, như tác giả vừa tìm thấy châu báu nơi ngọc quý, bèn bán đi mọi sự để mua lấy, dù cao giá. Châu báu đây, là những đồ xưa cổ làm nền cho mọi sự việc rất mới. Và, châu báu ở viên ngọc mà thánh nhân nói đến, chính là sự mới mẻ ở mọi sự. Rất quí. Và, càng có giá hơn, khi đó lại là khám phá mới về chính con người, của mình.

Thánh nhân đây, tuy không còn trẻ, vẫn là người Do thái rất tốt lành. Biết dấn thân theo chân Chúa đến cùng, như mọi người lành thánh, tốt đẹp. Như, đồ đệ đáng tuyên dương của Chúa, mà mọi người vẫn đợi trông. 

Thánh nhân đây, đã trở thành tín hữu của Đức Chúa, nhưng vẫn không ngừng là người Do thái chính cống. Rất minh bạch. Bởi thế nên, thánh nhân nghĩ mình cũng là ngôi nhà có giá trị. Để rồi từ đó, thực hiện được cả những điều cũ/mới, vẫn đổi thay. Đổi thay và tháp ghép vào những điều đã cũ ngõ hầu để tạo sự mới mẻ cho những gì mình viết ra. Mỗi lần gặp người mới, thánh nhân đều thấy thế. Và khi gặp người khác nữa, ông cũng trở nên chính mình hơn. Tức, tìm lại được chính mình.

Phần đông trong chúng ta, mỗi khi nhìn vào cuộc sống của chính mình trong quá khứ, đều thấy có những chuyện tương tự. Trong suốt chuỗi ngày dài cuộc sống, ta cũng từng đổi thay. Đổi và thay, để trở thành người tín hữu không như cũ. Vẫn cố thay đổi trong Hội thánh. Thay đổi, thái độ sống. Thay đổi, ý nghĩa của con người mình. Có lẽ ta thay đổi nhiều hơn nhiều người trong quá trình năm trăm năm qua. 

Về đổi thay, có người cho rằng như thế cũng là đủ. Và, ta đâu còn sức để đối đầu với thay đổi nữa. Có vị lại thấy mình chưa thay hoặc đổi gì nhiều cho lắm. Cần làm nhiều hơn nữa. Bởi, quá khứ của mình dầu sao cũng chưa khá. Chính vì thế, thánh Mátthêu nay yêu cầu ta ngồi lại với nhau, theo cách ít khi thấy, để suy nghĩ về một đổi thay thật rất mới. Và đó có là một đòi hỏi khá to tát, đối với ta không?

Nhìn vào Giáo hội quanh ta có thể là Hội thánh của ngày mai, hoặc rất chóng, ta cũng thực sự thấy đã có khác. Ít ra là mặt ngoài. Đây, không nói về đường lối ta phải theo. Mà, chỉ muốn nói đến dấu hiệu cho ta thấy những gì có thể sẽ diễn ra, mai ngày. 

Đó là, cảnh thiếu hụt dần số lượng linh mục hoặc tu sĩ, ở nhiều nơi. Hoặc, cũng ít đi, xuất lễ vào những ngày cuối tuần. Hoặc, thường nhật. Sẽ ít đi, số giờ linh mục ngồi toà cáo giải, vì dân con của Chúa nay ít có nhu cầu. Ít đi dần, trường hợp người từ nhà gọi cha đến thực hiện phép bí tích. Càng ít dần, cảnh tượng từng cặp và từng cặp thừa tác viên đến gõ cửa mỗi nhà, mà giảng đạo. Ít có chuyện thăm kẻ liệt, ngoại trừ trường hợp khẩn cấp. Hoặc, nhà quàn tự tổ chức tang lễ không có linh mục. Hoặc, vị phó tế vĩnh viễn đứng ra lo việc rửa tội, dù họ không có chức năng.

Và theo thiển nghĩ, cũng sẽ có nhiều đổi và thay khác, như: đám cưới tổ chức ở nhà thờ được sắp xếp, cách khác hẳn. Khác, giờ giấc. Khác, phụng vụ! Việc dạy giáo lý cũng sẽ khác. Và, vấn đề là: ta làm thế nào để dung hoà và ăn ý với những đổi thay, như thế này?
Lâu nay, ta vẫn quen với thánh lễ bằng tiếng Anh (hoặc một số người từng như thế); và, quen với cung cách của vị chủ tế quay mặt về phía bổn đạo. Quen, với chuyện không để các tu sĩ hoặc nữ tu đến trường công lập mà dạy học. Quen, với chuyện trường Công giáo không chỉ dạy về những chuyện có liên quan đến Đạo, mà thôi. Và rồi, ta có quen dần với đổi thay này khác không? Và, có thích thế không?

Không phải ai cũng thích. Có số người chỉ muốn tái tạo lập lại quá khứ buồn. Tức, chỉ muốn quay trở về thời xưa cũ, có lối thờ phụng cung kính, cũng rất cổ. Và rất quen. Quen cầu Chúa phú ban nhiều linh mục hơn để giùm giúp. Có số người lại chỉ cảm tạ Chúa về nhiều thứ. Có người vẫn cứ cầu Chúa ban thêm cho mình nhiều ân huệ. Đồng thời, lại cứ chối bỏ chuyện cũ xưa. Trong khi đó, nhiều người khác vẫn cứ theo kiểu xưa lối cũ mà răm rắp giữ Đạo. 

Hôm nay, thánh Mátthêu muốn làm một sự khác thường, với người đọc. Thánh nhân muốn đặt sự mới mẻ lên chuyện cũ. Muốn, đem cơ hội đổi mới những chuyện cũ, đã xa vời.
 Thánh nhân nhận rằng mình đã tìm ra ý nghĩa mới mẻ về cuộc sống. Về Chúa. Và về con người mình. Qua, kinh nghiệm sống. Thánh nhân cũng muốn kể cho người đọc biết kinh nghiệm lòng tin của mình. Về, những gì mình chưa từng nghĩ đến. Chưa từng thực hiện mà lại không phải qua thủ tục hoặc khuôn phép nào hết. Tựu trung, điều thánh nhân muốn nói đến, là: chính ông cũng là một dụ ngôn…
Cũng nên biết, sở dĩ thánh Mátthêu nói thế là muốn người đọc như ta, cũng đều là một thứ dụ ngôn, nào khác.

Trong mấy tuần qua, thánh Mátthêu từng kể cho ta nghe rất nhiều dụ ngôn/truyện kể về cuộc sống. Thánh nhân kể, cũng là để ta lắng tai nghe âm nhạc của đời mình để thấy được sự dồi dào, sung mãn ở nơi Chúa. Thánh nhân mời gọi ta tham gia sự mới mẻ trong cuộc sống, không phải để ta khiếp sợ những mâu thuẫn sẽ thấy nơi tình huống ta đang dấn bước, đi vào đó. 

Vì thế nên, thánh nhân đã định nghĩa lại để ta thấy được căn tính của mình. Làm như thế, có nghĩa: ta là lớp người tuyệt vời hơn mình tưởng. Và, mỗi câu truyện đời của ta, cũng sẽ là những câu truyện lớn rất nên kể. Phải chăng đó cũng là câu truyện dụ ngôn, của mỗi người?

Trong tâm tình đầy cảm kích như thế, cũng nên ngâm thêm lời thơ ta từng ngâm khi trước:

“Nàng hãy vui đi dẫu một ngày,
dẫu phần ba phút, góc tư giây.
Dẫu trong thoáng mắt nhìn như chớp,
cũng đủ cho nàng quên đắng cay.”
(Nguyễn Bính – Cầu Nguyện)

Hãy vui đi, dù xảy đến những đổi thay, hay rất mới, ở đời mình. Hãy cứ vui, dù trong thoáng chớp, nhìn như chớp. Vui, để biết rằng Hội thành Chúa vẫn đổi thay. Rất hằng ngày. Ở mọi nơi.

Lm Kevin O’Shea DCCT biên soạn
Mai Tá lược dịch

Wednesday, 8 July 2020

Suy Niệm Chúa Nhật 16 Thường niên Năm A 19/7/20




     Hôm ấy, Đức Giêsu trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác: "Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: "Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?"

     Ông đáp: "Kẻ thù đã làm đó! " Đầy tớ nói: "Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?" Ông đáp: "Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa.  Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi."

     Đức Giêsu còn trình bày cho họ nghe một dụ ngôn khác. Người nói: "Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình.Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được."

     Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác: "Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men."

     Tất cả các điều ấy, Đức Giêsu dùng dụ ngôn mà nói với đám đông; và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn, hầu ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ: Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa.
Bấy giờ, Đức Giêsu bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: "Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe." Người đáp: "Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. 
     Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.” (Mt 13: 24-43)

“Có thể ta không yêu, để gần nhau mãi mãi.”
“Vì không thể tồn tại, điều gian dối yên lành.”
(dẫn từ thơ Hoa Sữa)

Có thể vì không yêu, nên kẻ lạ mới đặt điều gian dối, yên lành. Những cỏ dại. Có thể vì nói yêu, nhưng lại không quan tâm đến điều Chúa dạy qua dụ ngôn cỏ dại, thánh nhân ghi lại hôm nay. 

Trình thuật thánh Mátthêu hôm nay ghi, là ghi lại truyện kể về cỏ dại mà hầu hết dân con nhà Đạo đều nghe biết. Nhà nông mình, chỉ gieo giống tốt ở ruộng vườn. Nhưng, cỏ dại vẫn xuất hiện nơi đó tức là sao? Là vì, cỏ dại gây hại cho lúa tốt nên nhà nông mình muốn bứt đi. Ngay tức thì. Thành thử, theo sự khôn ngoan Chúa dạy, hãy cứ để đó đến mùa gặt, rồi mới tính. 

Cứ theo chú giải kinh thánh, thì ruộng vườn đây là thế giới. Lúa tốt đây, là dân con Nước Trời. Cỏ dại này, là người có tâm địa xấu, sống quanh ta. Kẻ thù đó, là ác thần/sự dữ rất đáng gờm. Và, vụ mùa nói đây, là tận thế. Người gặt, là thiên sứ nhà Trời. Tựu trung, ý nghĩa của tín thư trình thuật hôm nay, cũng giản đơn, dễ hiểu. Dễ, ở điểm: dù sao, hãy nhẫn nại chịu đựng những mâu thuẫn trong đời.

Ở một dụ ngôn khác, Chúa kể về hạt cải, là để bổ nghĩa cho tín thư hôm nay: niềm tin ta có dù nhỏ bằng hạt cải, vẫn lớn mạnh. Ở nơi đó, chim trời sẽ tạo chỗ làm tổ. Bởi thế nên, người đọc Tin Mừng chớ coi thường vật thể dù nhỏ bé, vẫn có thể làm được chuyện lớn, rất đẹp. Men trong bột cũng thế, tuy rất nhỏ nhưng vẫn làm nên cơm bánh nuôi ăn rất nhiều người.

Đức nhẫn nại nói ở đây, là cung cách giúp ta chung sống với các mâu thuẫn trong đời. Nhẫn nại, không chỉ là đặc tính biết chờ đợi những gì sắp đạt tới. Mà, còn là khó khăn lớn mọi người vẫn gặp ở đời, khi mọi việc cứ lê thê, chậm trễ. Kéo dài. Hạt lúa giống cũng thế, vẫn phải đi vào lòng đất, rồi từ từ chết đi, trước khi biến thành vụ gặt, thật lý tưởng. Người mẹ trong gia đình cũng thế. Bà vẫn phải cưu mang bào thai các con những chín tháng mười ngày. Trải qua hết niềm đau này đến nỗi chán chường khác. Đôi lúc rất nghiệt ngã. Cho đến khi mẹ tròn con vuông, niềm vui của con mang lại mới khuây khoả.

Quả thật rất phải. Nhẫn nại, là tiến trình đầy khổ ải mọi người cần học hỏi. Ở mọi nơi. Từ nhà đến sở làm. Trang trại. Rất chậm. Không có được tính nhẫn nại, người người chẳng thể nào gặt hái được mọi chuyện, trong phút chốc. Không nhẫn nại, con dân của Chúa cũng không sao đạt thành quả mình trông ngóng. Bởi thế nên, khi Đức Giêsu nhìn lên cây vả không cho hoa trái Ngài khuyên đồ đệ Ngài hãy đào đất chung quanh gốc, đổ thêm phân bón vào đó, chắc chắn ba năm sau hy vọng sẽ đạt thành tích, rất đẹp.

Đây cũng thế. Không thể coi thường những ai lần đầu phạm lỗi. Vì có coi thường cả trăm lần cũng vẫn thế. Bởi, rồi ra họ cũng bắt chộp được tín thư mình đưa ra, ngõ hầu đạt kết quả mình mong muốn. Thế nên, hãy nhẫn nại mà hy vọng, dù thành quả không phải lúc nào cũng trăm phần trăm vượt thành tích. Và, mọi chuyện còn tuỳ người hợp tác. Tùy thời gian kéo dài hy vọng. Tuỳ đức nhẫn nại của mình, mà thôi.

Nơi cuộc sống con người cũng thế, cỏ dại phiền hà, bức bách vẫn xuất hiện quanh ta. Có khi, còn mọc nhanh và mọc nhiều hơn ta tưởng. Nhanh và nhiều, là bởi với người đời, cỏ dại là biểu tượng của đặc trưng vô dụng, vẫn cần đến đất thịt để sống sót. Nó làm suy giảm ý chí phấn đấu của người thường mà tiến triển. Nó là như thế. Là, tình huống đời người vẫn thiếu nhân công, nhưng dư thừa người chơi không, vô tích sự. Mặc dù thế, cũng đừng nên loại bỏ họ. Bởi, đức nhẫn nại sẽ đem đến cho ta nhiều điều lợi mà tính bộp chộp/nóng nảy, không thể cho. 

Thế giới cuộc đời do Chúa tạo dựng, cũng như thế. Rất nhiều hạn chế. Sân khấu cuộc đời đầy hạn chế, là để giúp ta thực hành, phát triển. Là, chốn phát sinh ra cơ hội, để rồi, lúc này hay khi khác, vẫn chẳng khi nào bị trở ngại hoặc bị cất đi. Bởi thế nên, dù đi vào với thế giới ta có gặp đủ mọi tệ hại, thiếu thốn, Chúa luôn mời gọi ta sống đích thực cuộc đời, với thế giới. Sống, là sống ngang qua mọi cơ hội. Cả những cơ hội ta được Chúa giúp sức mà đương đầu với thử thách, qua mọi cơ hội. Chúa giúp, không có nghĩa là Ngài cất bỏ đi mọi thử thách; hoặc, ban mọi nỗi vui trong đời. Biết được như thế, cũng đừng nên xin Chúa cất bỏ đi cho ta những kinh nghiệm nào ghi đậm thử thách.

Thử thách, là cơ hội xảy đến lúc con người chỉ muốn khước từ lời mọi gọi của Chúa. Thử thách bao gồm cả những nguy cơ kích thích ta sử dụng tự do, không đúng cách. Thử thách, có khi mang dáng dấp của “trò” cá độ luôn đi kèm cuộc sống. Thử thách, cũng có thể là những điều kỳ quặc khiến ta không thể làm lơ hoặc bỏ đi. Nhưng, nó vẫn theo chân ta đến cuối cuộc đời, kịp đến khi ta trở nên mù quáng không nhận ra sự hiện diện của nó, mới thôi. 

Cả khi ta đụng trận thử thách rất kỳ quặc, làm mất đi cơ hội giải quyết cách tốt đẹp, thì lúc đó Chúa sẽ làm ta tỉnh thức để rồi đưa ta trở về đường ngay nẻo chính, để tự mình xử trí. Ta được mời gọi sống đích đáng, không bị mọi tiêu cực ở đời gây phiền toái. Ta được gọi mời nói tiếng Xin Vâng với Chúa. Xin vâng, là lời đáp trả sống trong thế giới rất nhiều cơ hội để nghe biết và vui thích. 

Và, Chúa sẽ vui thích khi ta nói được tiếng “Xin Vâng” bất chợt ấy.
Cũng có trường hợp, Chúa đích thân can thiệp trợ giúp để mọi việc trở nên dễ chịu với ta hơn. Cũng có thể, Chúa sẽ gửi người nào đó đến với ta, giúp ta sống nhẫn nại. Kiên định. Và tích cực. Ngài luôn ở bên ta, và với ta. Ngài chấp nhận nơi ta, lời thề hứa sẽ sống bất bạo lực. Không nổi nóng. Với nhân loại. Với thế giới hiện hình đủ mặt xấu/tốt. Cũng có thể, ta phải xử sự giống như thế giới ngoài đời, để rồi chung cuộc, sẽ đạt điều Chúa muốn. 

Thần học gia Yves Congar từng viết: “Thập giá là điều kiện để ta làm việc. Chính Chúa hoạt động cả ở những nơi, mà đối với ta, giống như là thập giá. Có sống điều kiện giống như thế, cuộc sống của ta mới đạt chiều sâu, và chân thật. Chỉ khi nào con người chấp nhận khổ đau về những xác tín mình tự tạo, lúc ấy mới đạt được sức mạnh và phẩm chất của sự chối bỏ. Và cũng từ lúc ấy, quyền hạn của ta mới được nghe biết và kính trọng.”

Trong bầu khí hân hoan đầy xác tín như thế, cũng nên ngâm tiếp lời thơ còn dang dở, rằng:

“Có thể ta đi tìm,
một điều không thể có.
Đó là lúc nhánh cỏ,
mọc đốm rễ nghi ngờ.
Nhánh liễu soi mặt hồ,
Mới hay không phẳng lặng.
Có muôn điều cay đắng,
che giấu dưới ngọt ngào.”
(Hoa Sữa – Có Thể Và Không Thể)

Những gì, người người có thể và không thể, vẫn là “nhánh cỏ”. Nhành liễu. Hay mặt hồ. Thực ra, tất cả đều là cơ hội của thử thách. Gian truân. Ở đời người. Có nhẫn nại chịu đựng những gian truân ấy, người người mới phát hiện được vị ngọt, nằm ở dưới. 

_________________Lm Kevin O’Shea DCCT biên soạn – Mai Tá lược dịch

Thursday, 2 July 2020

Suy Niệm Chúa Nhật Thứ 14 Thường Niên Năm A 27/6/20




“Sông Ngân đã im lìm không tiếng sóng,”
“mà lòng anh rào rạt mãi không thôi.”
(dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)


Mt 11: 25-30
Tiếng sóng đây, nào thấy phát từ sông Ngân, vẫn im lìm! Lòng anh đó, rạt rào mãi không thôi, cũng là nhờ tình Chúa đến với ta, như làn sóng!

Trình thuật thánh Mát-thêu nay cũng rạt rào, như sóng vỡ ào. Vỡ ào ào, không chỉ là “tiếng sóng” của mỗi Sông Ngân. Mà, còn là giòng chảy Tân Ước có thánh Mátthêu diễn đạt lịch sử, trọng tâm đặt nặng vào cuộc đời Chúa làm người, mang thân phận con người, rất Do thái. 

Là đệ nhất thánh sử viết Tin Mừng rất lớp lang, thánh Mátthêu đã đánh bật điều mình tập trung viết ở 5 bài giảng thuyết -hay chương đoạn- về đời sống cộng đoàn rất Kitô, trong đó có: 1. Giá trị đạo đức. 2. Sứ vụ công khai. 3. Chiều sâu chiêm niệm. 4. Hiến chương tương quan. 5. Nguyện vọng tối hậu.

Chương/đoạn đây, tựa hồ giáo lý bỏ túi về đời sống người tín hữu, không chỉ dành cho mỗi cộng đoàn Mátthêu thôi, mà cho bất cứ cộng đoàn nào khác, vào mọi lúc. Thánh Mátthêu viết, là để tín hữu theo chân Đức Giêsu biết rằng Chúa cũng là người Do thái, rất chính gốc.

Các tuần sắp tới, Hội thánh sẽ chọn những bài lấy từ “Bài Giảng huấn” thứ 3, qua đó tác giả dùng phong cách viết sử của người Do thái, hầu chứng tỏ cho thấy cung cách sống đời nguyện cầu, rất chiêm niệm. Đó là lối sống Chúa từng trải. Là, cách thức nguyện cầu rất sống động. Có lời thơ trữ tình. Có ý nhạc lãng mạn. Có truyển kể dụ ngôn, bài “vãn” rất bi ai. Vãn than, niềm riêng của dân con nay được chọn. 

Khác mọi người, khi viết Tin Mừng, thánh sử Mátthêu chú tâm nhiều đến cung cách rất âm nhạc. Cụ thể là, thánh nhân thích nói đến sậy, đến sáo. Đến ống tiêu. Điệu nhảy. Bài hát buồn. Đến cả ca khúc, bản nhạc, nhạc cụ có hơi thở thổi vào, tạo âm thanh. Nói tóm lại, cũng là thể loại na ná giống James Galway! Nghĩa là, vẫn cứ kể cho ta nghe hai loại nhạc, rất đối chọi. Loại thứ nhất, là âm nhạc có thể loại những than cùng thở. Rất buồn nản. Kế đến, là âm nhạc lê thê. Tê tái. Nức nở nhưng vẫn vui sống. Thánh nhân dùng nhạc làm biểu tượng, để ta suy và nghĩ về cuộc sống của riêng ta. Và đời Chúa.

Thông thường thì, nơi Tin Mừng theo thánh Mátthêu, vẫn có cái gì đó tựa như lời thở than ở hậu trường cuộc sống, của mỗi người. Để từ đó, thánh nhân nhấn mạnh thêm rằng: ở nơi Chúa và nơi ta, luôn có những thời khắc lê thê. Rất kể lể. Thời khắc, khúc đoạn cuộc đời, ta trải nghiệm nhiều về sự ra đi tìm đến với nhau. Tìm, sự tử tế. Tìm, chữa lành. Tìm, cách hành xử bén nhạy làm nền, để Chúa đỡ nâng. Hỗ trợ. Hết mọi người. 

Rải rác đó đây, là những vãn than ở chương 11 và 12, qua đó thánh sử còn tặng thêm cho ta 4 lời kể về Đức Chúa, như sau:

Lời kể thứ nhất, Chúa nói: "Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe biết Tin Mừng.” (Mt 11: 4-5) Lời kể đây, là lời mừng sự sống, chốn Galilê, của người Do thái. Lời kể này, là lời về tình thương yêu kẻ nghèo hèn, túng thiếu. Những người luôn cần đến người khác biết đến mà giúp đỡ.

Lời kể thứ hai, Chúa thưa: “Con ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.”
(Mt 11: 25-27)

Thốt lời này, Chúa mừng cho cuộc sống dồn dập, cứ đập mạnh vào “làn da trống” cốt đề cao kẻ tầm thường, không vai vế. Cũng chẳng có ai đoái hoài, ỏ ê. Chẳng được ai biết đến, hoặc quan tâm. Cuộc đời họ, như cơn gió thoảng. Rất thoáng chốc. Chỉ sống qua loa, chầm chậm cả vào khi bị cấp trên thúc bách làm cực đến chết, vẫn cứ vui sống tử tế, với mọi người. Sống âm thầm. Nhưng rất vui. Vì có Chúa. Có mọi người cùng vui. Dù đời sống rất cực, họ cũng chẳng cần gì thêm.

Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng, và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người.” Xem như thế, Chúa rất cảm thông, quan tâm đến người nào biết dùng khả năng rất hạn chế, dễ dập bể, để dựng xây đời mình cho tử tế. Dù thực tế, là chuỗi ngày dài sống rất qua ngày. Lời kể đây, đích thực là kể lể mang tính cách Do thái. Hệt như các trích đoạn từ sách tiên tri Ysaya, cũng lê thê, kể lể. Khá lễ mễ.

Lời kể thứ 4, Chúa còn phán: “Phàm ai thi hành ý muốn của Cha Tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy mới là anh chị em tôi. Là mẹ tôi." (Mt 12: 50) Là, anh chị em và là mẹ Tôi, không chỉ mang ý nghĩa một gần gũi huyết tộc, thôi. Nhưng, còn được quan tâm đưa vào cuộc sống gia đình rất hạnh phúc. Bởi, Chúa Cha chỉ gần cận những người hèn kém, bé nhỏ. Đơn độc. Bởi gần cận, nên Chúa chấp nhận sống giữa phiền toái, bức bách của cuộc sống, vẫn kéo dài cả đời người.

Quả là thế. Tiếng trống vang, vẫn còn thấy nơi hậu trường cuộc đời. Tiếng trống dồn, lại là âm vang cuộc sống của người cùng khổ, đang lẩn khuất ở đâu đó, thúc bách ta đến với họ, để cùng vui. Vui mà sống, cả vào lúc có nhạc buồn nhè nhẹ, ai oán. Trầm lắng. Vui mà sống, cả vào khi có người phê phán lối sống Đạo của riêng ta. Vui mà sống, vì chính Chúa đã dùng thánh Mátthêu để viết lên Tin Mừng theo cung cách của người Do thái mà nói: đời người cũng rất vui và đáng sống. Vui mà sống, vì tất cả mọi bi ai sầu buồn chỉ nằm ở phía sau hậu trường. Chỉ xảy ra trong thoáng chốc. Còn, niềm vui lại luôn ở phiá trước, không bao giờ biến mất.

Trong tiểu thuyết có tựa đề ”Bài hát buồn về nỗi sầu thiên thu”, tác giả Wang Anyi có viết một câu như thế này: “Không biết cơ man nào mà kể về các thế giới nhỏ bé chẳng hề thay đổi, lại được dùng làm bản lề cho những đổi thay diễn ra ở thế giới bên ngoài.” Tác giả đây muốn nói về những “mẩu vụn suy tư xuất từ cuộc đàm thoại nghiêm túc, hệt như lớp lá ngoài quăn tít của mớ cải bẹ xanh hoặc như hạt cát nhỏ trong bị gạo.” Đó, là nỗi buồn của cuộc sống. Đúng vào lúc hạt mưa lác đác rơi nơi cửa sổ viết thành chữ “tình buồn” trên mặt kính. Tình buồn ấy, vẫn gặm nhấm mọi đức tính kiên nhẫn/chịu đựng, để còn bước qua một ngày mới. Một ngày lại có thêm những vãn than, về cuộc đời.

Cùng một lúc, lại thấy có cốt tuỷ độc nhất vô nhị chẳng đổi thay. Không chịu ảnh hưởng bởi lịch sử. Hệt như kinh nghiệm về niềm riêng của ai đó. Có ca từ và lời kể đầy rẫy những trữ tình của sự sống. Thứ trữ tình còn lớn hơn cả lời kể của chính ta. 

Ở chương 13, thánh Mátthêu lại đã đưa ra lời ca vang vọng vào với giòng chảy âm nhạc của chính trình thuật Tin Mừng, do mình viết. Lời ca ấy, thánh sử gọi là truyện dụ ngôn, rất kể lể. Và, cả hai -âm nhạc cùng lời kể dụ ngôn- vẫn ăn khớp đi đôi với nhau, thành trình thuật. Thành một Tin Mừng mang tính chất rất Mátthêu. Tính chất ấy, ta còn thấy ở phụng vụ Lời Chúa, vào những tuần kế tiếp.

Trong khi chờ đợi, hãy ngâm lên lời thơ tình kể lể rất lãng mạn của thi nhân vẫn còn ai oán:

“Anh đã gặp hồn em đương chới với,
Bến Mê Hà trên giải nước mênh mang.
Anh đã đón tình em bay phất phới,
Như hương trăng đằm thắm cõi không gian.”
(Hàn Mặc Tử - Sáng láng)

Thơ sáng láng, chuyên chở linh hồn đương chới với, vẫn là lời kể lể, cũng vãn than, ai oán như lời thơ của người Do thái, rất Mátthêu. Lời thơ ấy, nói về cuộc đời của Đức Chúa rất trữ tình, với người đời.

Lm Kevin O’Shea DCCT biên soạn
Mai Tá lược dịch