Vào
sáng thứ Sáu, ngày 15 tháng 3 vừa qua, tại Thành Phố Christchurch, bên New Zealand
đã xẩy ra một vụ thảm sát bằng súng. Vụ thảm sát này đã cướp đi sinh mạng của 50
người và cho đến hiện nay còn 50 người khác đang bị thương. Vụ nổ súng đã xẩy
ra tại hai ngôi đền của người Hồi Giáo. Thủ phạm gây ra tội ác là một người da
trắng. Vì bạo lực và hận thù, ông đã khiến bao nhiêu người bị đau khổ.
Trong
tình liên đới và đồng cảm với các nỗi đau khổ của các nạn nhân và gia đình của họ,
chúng ta hướng về họ, cầu xin cho họ và thế giới được an bình, văn hoá của hận
thù và bạo lực phải bị tiêu diệt để nhường chỗ cho nền văn minh của sự sống và
tình thương được giải bầy và triển nở trong đời sống của chúng ta.
Máu
của những người dân vô tội đã đổ xuống vì hành động điên rồ của một con người
chỉ biết hận thù và giết chóc. Máu của những người mộ đạo đổ ra tại đền thờ, đã
được hoà trộn và dâng lên Đấng Tối Cao như là của lễ mà cả đời họ đã dâng hiến.
Máu của những người vô tội này còn nhắc nhở chúng ta nhớ đến lòng thương xót của
Chúa trên mọi người.
Đứng
trước những tai uơng, các biến cố đem lại đau khổ, tai hoạ và chết chóc; người
ta lại đặt những vấn nạn như: Chúa ở đâu, khi các bi kịch này cứ xảy ra trên thế
giới? Chúa ở đâu, khi người vô tội lại gặp toàn những chuyện bất hạnh và khổ
đau? Không một ai trong chúng ta có thể giải đáp được các câu hỏi như thế; và
chúng ta cũng không nên tìm hiểu tại sao các tai ương vẫn xẩy đến cho bằng hãy
tự hỏi là khi nào tai họa sẽ xẩy đến và một khi nó xẩy ra thì phản ứng của
chúng ta sẽ như thế nào?
Ngày
xưa những người đồng thời với Đức Giêsu cho rằng mọi tai họa như bịnh tật, tai
ương, chết chóc, v.v… là những hình phạt của Thiên Chúa giáng trên những kẻ mà
họ gọi là phường tội lỗi. Còn, những ai thoát nạn thì lại được họ đánh giá là những
người đạo đức, công chính và không cần hoán cải.
Đức
Giêsu không đồng ý với quan điểm và lối nhìn của những sống cùng thời với Người.
Người còn nhìn ra thâm ý của họ khi tường trình lại biến cố này. Họ muốn xem
thái độ và cách hành xử của Đức Giêsu trước những biến cố thời sự đang xẩy ra
như thế nào?
Có
lẽ chúng ta cũng nên đặt biến cố này vào hoàn cảnh và môi trường chính trị thời
Đức Giêsu đang sống. Thánh Luca tường thuật là máu của họ hoà lẫn với máu của
các con vật mà họ dùng để tế lễ. Chi tiết này cho chúng ta biết những người bị
Philatô giết hại hôm nay là những người đang tham dự các nghi thức phụng vụ tai
đền thờ. Họ có thể là thành phần của một nhóm yêu nước muốn nổi dậy để đòi quyền
tự chủ hay là những người dân vô tội đã vô tình xuất hiện ngay vào lúc có cơn
càn quét các nhóm chống đối chính quyền Rôma.
Vậy
nếu Đức Giêsu binh vực họ thì Người sẽ chống lại quân lính của Philatô và khuyến
khích họ đi vào những cuộc nổi dậy không lối thoát. Ngược lại, nếu đồng ý với
cách cư xử tàn ác của Philatô thì Đức Giêsu xem ra lạiđứng về phe của những kẻ
có thế lực đang dầy xéo và tạo nên bao nhiêu cảnh lầm than cho dân chúng.
Đức
Giê-su xác định rõ lập trường của Người, đó là Người đến để thi hành ý muốn của
Chúa Cha là ban ơn cứu độ, giải thoát con người khỏi căn nguyên của tội lỗi. Vì
thế, Người đã không để cho bất cứ một tham vọng chính trị nào ảnh hướng trên sứ
vụ của Người. Đức Giêsu đã vặn lại bằng cách hỏi họ rằng “các ông tưởng những
người Galilê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Galilê khác
sao?” Qua cách đặt vấn đề như thế, Đức Giêsu muốn lôi họ ra thoát khỏi quan niệm
của họ khi cho rằng tai hoạ là hình phạt của Thiên Chúa giáng xuống kẻ có tội.
Thật
ra, giữa tai họa và tội lỗi không có một nối kết nào. Hẳn chúng ta còn nhớ trong
phép lạ chữa người mù từ thủa mới sinh, các môn đệ đã lập luận với Thầy mình về
tình trạng của người mù. Anh đã làm gì nên tội mà bị mù ngay từ lúc vừa chào đời;
và nếu án phạt là hậu quả của tội lỗi thì việc anh bị mù là tội của ai? Đức Giêsu
đã trả lời: “Không phải anh ta, cũng chẳng
phải cha mẹ anh đã phạm tội (mà anh bị mù). Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ
thấy quyền năng của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh”.
Theo
Đức Giêsu thì tai hoạ không phải là hậu quả của tội lỗi; vì thế Người mới nói
thêm về số phận của những người bị tháp Silôác đè chết, họ cũng không phải là
những người mang tội nặng hơn những người đang cư ngụ tại Giêrusalem đâu!
Sau
đó, Đức Giêsu đã khuyến cáo họ, lời khuyến cáo này rất khẩn thiết và quan trọng
vì trong một đoạn văn rất ngắn mà Thánh sử đã lập lại hai lần, Đức Giêsu phán rằng
“Tôi nói cho các ông biết: không phải thế
đâu” có nghĩa là số phận của họ không giống như các ông nghĩ là do tội của họ
mà ra. Người tiếp tục … nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ
chết y như vậy.”
Như
vậy lời khuyến cáo của Đức Giêsu là lời mời gọi sám hối. Đây cũng không phải là
điều gì mới mẻ. Ngay từ lúc khai mạc sứ vụ Đức Giêsu đã phán “hãy hối cải và Tin vào Tin Mừng.” Hối cải
không chỉ là một lịnh truyền cần được nhắc đi nhắc lại từng giây từng phút
trong cuộc sống của người môn đệ mà thôi; nó còn là một sự chọn lựa bộc lộ bằng
hành động của mình. Muốn hối cải, con người cần trở về với chính mình để nhận
ra tình thương của Chúa hoạt động trong chúng ta mãnh liệt dường bao. Và nếu
chúng ta không biết hối cải thì cho dù còn sống nhưng thật ra đã chết!
Việc
hối cải không chỉ là nỗ lực riêng của con người; nhưng phát sinh từ Thiên Chúa,
Đấng trung tín với sự bất trung và bội tín của con người. Ngài luôn kiên tâm và
chờ đợi con người như ý nghĩa trong dụ ngôn cây vả mà chúng ta nghe hôm nay.
Người làm vườn đầy tình thương và chờ đợi để nó sinh hoa trái, Người nói ‘Thưa ông chủ, xin cứ để nó lại năm nay nữa.’
Còn tình thương và lòng quảng đại nào vĩ đại hơn điều chúng ta vừa nghe. Đã bao
nhiêu lần ‘cứ để’, và bao nhiêu thời hạn ‘một năm’ đã trôi qua; Chúa vẫn lặng
thinh, âm thầm và chờ đợi con người mở lòng ra để đón nhận lòng thương xót của Ngài.
Suy
niệm tới đây, tôi nhớ đến một truyện tích ngắn đã xẩy ra trong cuộc đời của Vua
Na-po-le-on, vị hoàng đế vĩ đại một thời của nước Pháp. Khi mang trách vụ Tổng
chỉ huy quân đội, Đại đế Napoleon đã công bố một điều luật là nếu ai vắng mặt
không có phép mà bị bắt thì sẽ bị xử tử vào giờ ăn sáng của ngày hôm sau.
Có
một chú lính kia, mới đuợc 17 tuổi, cậu đã chứng kiến các bạn của cậu bị bắn
khi vi phạm vào khoản luật nói trên. Vì quá sợ hãi, cậu chạy trốn; không may
cho cậu là trốn không thoát nên số phận của cậu cũng sẽ bị định đoạt trong bữa
ăn sáng của ngày kế tiếp.
Có
một sự việc xẩy ra rất tình cờ, đó là cậu này lại là con trai bà bếp của nhà vua.
Bà xin gặp và van xin lòng thương xót của vua. Sau khi nghe lời van xin thống
thiết của bà mẹ; Vua Napoleon vẫn giữ ý định của mình và đuổi bà ra khỏi dinh.
Trước khi đuổi bà đi, Vua phán “Bà hãy
đi, vì con bà không xứng đáng đón nhận lòng thương xót cuả tôi.”
Khi nghe
như thế, người phụ nữ mới đáp lại: “Thưa
Vua, Ngài nói chí phải. Con của tôi không xứng đáng đón nhận lòng thương xót của
Ngài. Bởi vì, nếu nó xứng đáng, thì Lòng Thương Xót không còn mang đặc tính của
Lòng Thương xót được ban tặng nhưng không cho những ai không xứng đáng đón nhận
nữa.” Nghe đến đó, nhà Vua ngồi trầm ngâm suy nghĩ…
Truyện
không có kết luận. Đó cũng là điều mà chúng ta cần khám phá và thực thi trong
cuộc sống và trong mối tương quan của Thiên Chúa dành cho chúng ta.
Uớc
gì chúng ta hãy học để đối diện và chấp nhận các tai ương như là các dấu chỉ thời
đại để nhận ra tình thương, lòng nhân hậu và sự kiên trì của Thiên Chúa dành
cho chúng ta. Và một trong các dấu chỉ thời đại, đó là vụ khủng bố làm xập tòa
tháp đôi bên Thành Phố New-York vào năm 2001.
Cho
đến giờ này, tôi vẫn không thể quên được hình ảnh của những con người dũng cảm
đã lao mình vào Toà Tháp Đôi để cứu nạn nhân của vụ khủng bố kinh hoàng đó. Họ đã
quên đi sự an toàn của chính bản thân và chỉ nghĩ đến việc cứu người. Nhiều người
đã bị thiệt mạng cùng với nạn nhân dưới đống gạch vụn. Họ là các anh hùng. Những
vị thánh không cần tuyên phong.
Quả
thật với hành động dũng cảm, hy sinh và nghĩ đến người khác này, chúng ta tin rằng
không cần sau cơn mưa trời lại sáng mà ngay trong cơn mưa trời vẫn sáng, trong
cơn u tối vẫn còn ánh sáng, trong cảnh bạo tàn và tai ương vẫn còn những nguồn
suối yêu thương.
Các
việc làm xuất phát từ trái tim yêu thương ấy giúp cho chúng ta có thể xác tín
và loan báo rằng chỉ có TÌNH YÊU mới có thể mở ra cho nhân loại một chân trời mới.
Và cũng chỉ có TÌNH YÊU mới làm cho con người luôn sống trong hy vọng về một
tương lai tươi đẹp hơn những tai ương, khủng bố, hay thảm sát như biến cố 11/9
năm 2001 và 15/3 năm 2019 vừa qua.
TÌNH
YÊU đang chờ đón bàn tay và khối óc của mỗi người. Chờ ta cùng tiến bước để
loan báo bằng chính cuộc sống mình rằng: “Không có tình yêu nào cao quý hơn mối tình của người thí mạng sống vì người
mình yêu". Đức Giêsu đã tuyên bố như thế và Người đã sống chính lời Người
phán, bằng việc đi đến cùng con đường mà Người đã chọn để thể hiện Tình Yêu của
Thiên Chúa.
Cái chết trên thập giá diễn
tả mối tình của một người đã yêu và yêu cho đến cùng...
Chết cho Tình Yêu để rồi
sống mãi cho Tình Yêu. Đức Giêsu mong muốn lối sống này được tiếp tục qua cuộc
sống của mỗi tín hữu, môn đệ dấu yêu và trung tín của Người.
Đó là hành động phát sinh
từ một trái tim luôn hối cải để hoàn thiện và thăng tiến mãi trong mối tình cao
cả mà họ đã trải nghiệm trong Đức Ki-tô, Chúa chúng ta. Đấng là Tình Yêu, là
Lòng Xót Thương và luôn kiên tâm mong mỏi chúng ta trở về để sinh hoa kết trái
theo như ý định và ước muốn của Người.
Lm Giusae Mai Văn Thịnh, DCCT
No comments:
Post a Comment