Xã
hội mà chúng ta đang sống là một xã hội trọng nhân tài. Ai có tài thì đuợc trọng
dụng. Lẽ đương nhiên ở đây chúng ta cũng phải kể đến yêú tố đức độ của người có
tài nữa. Tài năng và đức độ là hai tiêu chuẩn mà chúng ta thường hay áp dụng để
được đề bạt hay tuyển dụng. Đó là chưa kể đến yếu tố quen biết, bởi vì nhờ vào
sự quen biết, chúng ta dễ kết thân và thuận tiện hơn trong công việc. Có lẽ anh
chị em đã từng được nghe nói ‘nhất thân nhì thế’ là như thế. Và chúng ta cũng
nên thành thật mà nhận ra rằng lối hành xử như thế vẫn đuợc áp dụng trong các tổ
chức tôn giáo; vì thế mới nẩy sinh ra tinh thần phe phái và che giấu sự thật;
đó là những nguyên nhân đang làm hoen ố bản chất đích thật của Đấng đã chọn và
sai chúng ta ra đi.
Từ
trong lề thói cư xử như thế, chúng ta có thể ngộ nhận và cho rằng Thiên Chúa
cũng chọn những người tốt và thiện hảo nhất để làm những người lãnh đạo chúng
ta. Đuờng lối của Thiên Chúa khác hẳn cách cư xử của con người. Trước khi tổ phụ
Mai-sen đuợc gọi và chọn để lãnh đạo dân tiến về Đất hứa thì ông đã phạm tội
sát nhân. Vua David đã đuợc chọn và gọi trong sứ mạng lãnh đạo, triều đại của Đa-vít
là một triều đại huy hoàng và thịnh vượng nhất trong lịch sử Do Thái. Thế mà,
khi còn thiếu thời ông đã được cưng chiều quá độ, sau này đã lạm dụng chức vụ, chiếm
đoạt vợ thuộc hạ và tìm cách giết hại trung thần để công khai ruớc vợ của trung
thần là giai nhân Bét-sai-ba về làm vợ của Vua.
Các
bài đọc trong phần Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đều mang chung một chủ đề là ơn gọi,
hay nói một cách khác là sự tuyển chọn của Thiên Chúa. Chúa là người gọi phần
đáp trả vẫn thuộc về con người. Tuy nhiên, nghĩ cho cùng thì việc đáp trả cũng
là hồng ân đuợc ban tặng. Bởi vì nếu không có tiếng gọi thì tai chúng ta nghe
đuợc những gì. Cuối cùng tất cả đều tùy thuộc vào Thiên Chúa.
Trong
bài đọc I, chúng ta thấy việc Chúa chọn và gọi Isaia tham dự vào công việc của
Ngài trong vai trò ngôn sứ. Việc trước tiên là trong thị kiến, I-sa-ia đã nhìn
thấy Thiên Chúa uy linh thánh thiện. Vẻ uy linh và thánh thiên của Thiên Chúa
không làm ông khiếp sợ. Trái lại, ánh sáng đó lại soi chiếu tâm can khiến ông nhận
ra sự hiện diện của Thiên Chúa là Đấng toàn năng Thánh Thiện, và cũng chính nguồn
sáng đó đã giúp ông nhận ra thân phận tội lỗi, bất toàn và cần đuợc thanh tẩy của
mình. Vì thế, sau khi miệng luỡi ông được thanh tẩy, ông đã nhận ra việc Chúa
muốn dùng miệng lưỡi của ông để loan báo Lời của Ngài; và ông đã mau mắn đáp lại
trong sự tin tưởng và đầy quyết tâm: “Này con đây, xin hãy sai con”. (Is 6,8)
Trong
bài đọc thứ hai, Thánh Phao-lô không trực tiếp kể lại cuộc hoán cải để trở
thành tông đồ của Chúa qua kinh nghiệm gặp gỡ Đức Ki-tô trên đường Đa-mas để lùng
bắt các kẻ tin vào Chúa; nhưng hôm nay, Phao-lô lại nhấn mạnh đến vai trò tông
đồ của ông hoàn toàn phát sinh từ Chúa. Đó là điều ông đã nhận lãnh và giờ đây
trao lại cho các tín hữu. Khi thi hành sứ mạng được trao ban, Phao-lô đã gặp
nhiều trở ngại, bị khước từ, bắt bớ, bỏ rơi và giam cầm. Nhưng không vì thế mà
ông bỏ cuộc; bởi vì ông nhận ra rằng tất cả đều tuỳ thuộc vào ơn của Chúa như tâm
sự của Phao-lô: “Nhưng nay tôi là người thế nào, là nhờ ơn của Thiên Chúa, và
ơn của Người không vô ích nơi tôi, nhưng tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn tất cả
các Đấng: song không phải tôi, nhưng là ơn của Thiên Chúa ở với tôi”.
Bài
Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giê-su gọi và chọn các môn đệ đầu tiên
trong bối cảnh mẻ cá kỳ diệu nơi bờ biển. Bắt đầu là sáng kiến của Đức Giê-su.
Người đang giảng dậy trên bờ bỗng nhiên lại muốn ra khơi; có lẽ vì thấy dân
chúng tuôn đến quá đông nên Người đã chọn một không gian rộng lớn hơn để mọi
người đều có thể nghe được lời giảng dậy của Người. Nhưng việc ở trên thuyền
cũng là một sự sắp xếp thật lý thú của Thánh Sử Lu-ca. Không ở trên thuyền làm
sao bắt được cá. Phải chăng thuyền là hình ảnh của Hội Thánh!
Sau
khi giảng cho dân chúng nghe xong, Người lập tức yêu cầu Si-mon chèo thuyền ra
xa để thả luới bắt cá và kết quả là một mẻ luới lạ lùng!
Có
một chi tiết khá lý thú mà chúng ta nên lưu tâm. Si-mon là người đánh cá chuyên nghiệp, dựa
vào năm tháng đầy kinh nghiệm, Si-mon biết là muốn bắt được cá thì cần phải thả
luới ban đêm nên đã thưa với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt
đêm mà không được gì hết” Qua lời phân trần này, Si-mon có ý ám chỉ là cả đêm
đã vất vả mà không bắt được con nào, thì trời sáng rồi thì làm sao bắt được cá
đây! Nhưng với kết quả của mẻ cá hôm nay đã khiến Si-mon và những ai hay dựa
vào kinh nghiệm và tài năng của bản thân phải xấu hổ. Một cách thật nhẹ nhàng,
Đức Giê-su đã khiến các ông nhận ra lối suy nghĩ và kinh nghiệm của Phê-rô hôm
nay chỉ làm trò cuời cho ông mà thôi. Tuy nhiên, một điều đáng quí nơi Phê-rô,
đó chính là thái độ vâng lời của ông, nên ông đã thưa với Chúa “nhưng vì Lời Thầy
phán, con sẽ thả lưới”; kết quả là một mẻ lưới kỳ diệu.
Đứng
trước việc kỳ diệu vừa xẩy ra trước mắt các ông. Si-mon, nhanh nhẩu và mau mắn
nhận ra thân phận của mình. Ông biết rằng dựa vào kinh nghiệm và sức riêng chỉ
làm cho ông thấy mình tội lỗi, nên ông đã sụp lạy dưới chân Đức Giê-su và thưa:
“Lạy Chúa, xin hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi”. Cả ông Giacôbê và
Gioan cũng kinh ngạc như ông.
Lại
một lần nữa, Đức Giê-su làm cho Si-mon thấy điều ông đang nghĩ lại sai nữa. Mẻ
luới lạ lùng đã xẩy ra ngay lúc Simon Phê-rô nghĩ mình là người có tội. Tội
không cản trở ơn phúc. Đức Giê-su đã thực hiện việc kỳ diệu ngay trong thân phận
bất toàn của ông và các môn đệ. Đây quả thật là Tin Mừng.
Thật
vậy, như các kinh sư và các người thuộc nhóm Biệt phái khi xưa, chúng ta luống
cuống khi tiếp xúc và cư xử với những ai có tội. Trong khi những người thuộc
nhóm Biệt phái hay các kinh sư coi thường và cả chúng ta nữa, xếp tội nhân vào
loại người không xứng đáng thì Chúa lại có thái độ khác. Người luôn tạo cơ hội
cho họ bắt đầu lại.
Thái
độ của Đức Giê-su dành cho Si-mon Phê-rô trong bài Tin Mừng hôm nay cũng thế.
Trong lúc Phê-sô đang bị mặc cảm tội lỗi dầy vò và dằn vặt khiến ông bất an và
nhận ra mình thật bất xứng thì Chúa lại tìm cách lôi ông ta thoát khỏi những ý
nghĩ đó. Người nói: “Đừng sợ! từ nay con sẽ là kẻ chinh phục người ta”. Và các ông đã đưa thuyền vào bờ, từ bỏ mọi sự,
nhất là những suy tính dựa trên ý mình, quên đi quá khứ tội lỗi, mà đi theo Người.
Làm
sao có thể từ bỏ tất cả để đi theo Người? Đây là việc làm đòi hỏi nhiều quyết
tâm và cần thời gian. Không dễ dàng gì để từ bỏ. Điều khó nhất là có thể chúng
ta từ bỏ đuợc nhiều điều lệ thuộc của cuộc sống mà lại không từ bỏ được mình, từ
bỏ cách suy nghĩ cho mình là trung tâm và ngoài mình ra thì chẳng có ai làm đuợc
gì hết!
Ta
vẫn là ta, dù có hăng say hay thành công đến đâu đi chăng nữa thì chúng ta muôn
đời vẫn chỉ là môn đệ. Môn đệ không thể hơn chủ. Muốn sống, người môn đệ phải
biết sống và nương tựa vào Chủ. Muốn đuợc như thế, cần tập sống từ bỏ và trở
thành những kẻ nghèo nhất. Và với nếp sống nghèo thì việc tựa nương vào Chúa sẽ
dễ dàng hơn. Thiên Chúa là nguồn năng lực duy nhất của người môn đệ. Hãy trông
cậy, tin tưởng và phó thác hoàn toàn vào Đấng đã kêu mời ta.
Qua
trình thuật kêu gọi và làm cho Simon Phê-rô trở thành kẻ chài luới người hôm
nay. Chúa cho chúng ta biết rằng Phê-rô đã được gọi ngay trong hoàn cảnh sống của
riêng ông. Sau này Chúa sẽ ban thêm ơn cho ông. Nhưng ngay lúc này, Chúa dùng
khả năng sẵn có của Phê-rô. Nghề của ông là nghề đánh cá chuyên nghiệp thì cá
ông bắt lên sẽ là cá chết để nuôi sống bản thân; thì giờ đây Chúa mời gọi ông
trở thành kẻ chài luới người. Phê-rô không còn bắt cá rồi để chết nữa nhưng sứ
mạng của ông bây giờ là ra khơi, tìm chỗ sâu, thả luới, bắt cá rồi đưa vào đàn
mà nuôi sống.
Như
vậy, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trao ban cho chúng ta một sứ điệp, đó là: Chúa gọi
và chọn những người Chúa muốn. Mọi ơn gọi đều phát xuất từ tình thương của Người.
Điều quan trọng, con người phải ý thức rằng: mình chẳng là gì trước mặt Chúa,
nhưng lại được Chúa yêu thương và tuyển chọn. Phần còn lại, đó là sự đáp trả bằng
cách đón nhận và làm giầu có tình thương của Thiên Chúa qua cuộc sống mình.
Thiết
nghĩ, với ơn Chúa, chúng ta sẽ làm được tất cả. Hẳn anh chị em còn tin là những
ai biết nương tựa vào Chúa thì Ngài sẽ chẳng bỏ rơi họ bao giờ. Vì thế, hãy sống
nhờ Người, làm việc với Người và ở trong Người thì cuộc đời của chúng ta sẽ là
mẻ cá lạ lùng của Thiên Chúa. Bởi vì, Chúa có thể không nhận lời mà ban cho
chúng ta điều mà chúng ta nguyện xin. Nhưng Người luôn có mặt khi chúng ta cần
đến Người.
Lm Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT
No comments:
Post a Comment