KHUÔN VÀNG THƯỚC NGỌC
_______________________
Lm Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT
Bài
Tin Mừng hôm nay là phần tiếp nối với các mối phúc của Đức Giê-su trong bài giảng
ở trên đồng bằng. Đối tượng trước tiên mà Thánh Lu-ca muốn gửi đến là các môn đệ,
những người theo chân Chúa trên hành trình rao giảng, sau đó là cộng đoàn của
Thánh sử và cho cả chúng ta ngày nay. Giả như các mối phúc của Đức Giê-su mà
chúng ta đã nghe vào Chúa nhật tuần trước chưa đánh động hay chạm đến cách xử sự
trong cuộc sống của người môn đệ, thì hôm nay, qua những huớng dẫn cụ thể trong
bài Tin Mừng Chúa nhật tuần này sẽ đẩy chúng ta đi đến một lựa chọn, không dựa
trên lý thuyết nhưng bằng hành động của chúng ta đối với nhau và đặc biệt đối với
ai đã có những hành vi làm tổn thương chúng ta.
Làm
thế nào để chấp nhận những lời giảng dậy của Đức Giê-su và biến nó thành những
hành động cụ thể trong cuộc sống? Như chúng ta còn nhớ, đời sống của các tín hữu
của những cộng đoàn sơ khai bị bầm dập dưới ách thống trị của Đế Quốc Rô-ma. Của
cải, danh tiếng và sinh mạng của họ hoàn toàn tuỳ thuộc vào những người linh đô
hộ. Họ bị khước từ, bắt bớ, giam cầm và rất nhiều người trong nhóm họ đã trải
qua một cuộc sống rất cơ cực, nghèo đói, bị ngược đãi thậm chí còn bị giết chết.
Vẫn biết là trong
số họ có một vài phe nhóm nổi dậy chống lại chính quyền, nhưng đại đa số quần
chúng, những người dân vô tội, chân yêú tay mềm vẫn là con mồi cho bọn cầm quyền
và những người thuộc về guồng máy cai trị. Ngay cả sinh mạng còn chưa giữ được
phương chi nói đến chuyện đoạt áo choàng, vả má phải hay những hành vi khác của
quân thống trị đã gây các thương tích và làm cho nhân phẩm họ bị nhục mạ.
Với một bối cảnh
như thế, những lời giảng dậy cuả Đức Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay “hãy yêu
kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em” không nhằm cổ võ cho sự tồn tại và phát
triển của sự ác. Người cũng không khuyên họ và chúng ta chấp nhận hoàn cảnh với
tinh thần bất bạo động. Người đứng ngoài những đấu tranh về chính trị hay đòi hỏi
quyền lợi cho dân.
Thật ra, khi Đức
Giêsu đưa ra yêu cầu “hãy
yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em,” và các việc làm cụ
thể để diễn tả lòng yêu thương kẻ thù của chúng ta như; ai vả má phải thì đưa
cho họ má trái, ai đoạt áo chòang thì cho luôn họ áo trong, ai xin thì hãy cho
và v.vv.. là lúc Người mời gọi chúng ta đi vào phần sâu thẳm, trọng tâm của Tin
Mừng. Chỉ có sức mạnh của Tin Mừng mới có thể lấp đầy khoảng trống giữa kẻ thù
và chúng ta. Và, nếu chúng ta không chấp nhận và áp dụng lời dậy bảo của Đức
Giê-su thì chúng ta chưa xứng đáng là môn đệ của Thầy. Nói khác đi, môt khi
không thể hiện lòng yêu thương kẻ thù thì chúng ta chưa là môn đệ của Chúa.
Tình yêu, lòng
thương xót dành cho kẻ thù không giống như cách diễn tả tình cảm giữa những người
thân trong gia đình, tình bạn, tình hàng xóm láng giềng của những người cùng
chia sẻ hoạn nạn với nhau, hay là kiểu ‘phải lòng nhau –falling in love’ của những
ai đã từng yêu. Nhưng yêu thương kẻ thù ở đây không chỉ là cách diễn tả tình cảm
mà còn là sự cho đi chính bản thân trong cách hành xử ngược lại với cách cư xử mà
họ đã làm cho chúng ta bị tổn thương. Điều quan trọng là mọi việc cần được diễn
tả bằng hành động chứ không chỉ bằng kiểu nói xuông.
Thật ra, đây
không phải là điều dễ làm. Nhưng khi hành xử được như thế là lúc chúng ta noi
gương Đức Giê-su, Đấng suốt cuộc đời luôn tìm cách tha thứ và làm ơn cho những
kẻ hại Người. Người đã để cho tên đầy tớ tát vào má Người, chịu những roi vọt
và mão gai đâm vào mình; Người đã để cho người ta lột tất cả, từ áo ngoaì lẫn
áo trong, và sau cùng giang tay trên Thập Giá như một tội nhân. Thê mà, trong
giây phút sau cùng đó, Người đã không lên án, nhưng đã cầu xin Thiên Chúa tha
thứ cho những kẻ haị Người. Nếu ta muốn bắt chước Đức Giêsu, thì
việc chọn sống những tâm tình và thái độ của Người là luôn biết tha thứ - nhất
là kẻ thù, thiết tưởng là điều vô cùng quan trọng trong sứ mạng của người môn đệ!
Là
chứng nhân của Đức Kitô, ta tin rằng Người đang sống trong ta. Chúng ta là hình
ảnh sống động của Người. Và một khi chúng ta không có tấm lòng bao dung, sẵn
sàng tha thứ cho những ai đã làm tổn thương mình là lúc chúng ta làm mờ hình ảnh
của Thiên Chúa nơi bản thân. Như vậy, với con tim nhậy cảm, lòng trí sáng suốt,
ánh mắt tinh tuyền rọi chiếu hào quang và lời nói đầy thông cảm và yêu thương của
chúng ta là sức mạnh và uy quyền của Đức Chúa, Đấng đang thưc hiện các điều đó
trong ta. Và qua đó, chúng ta minh chứng cho thế gian ngày hôm nay biết việc mà
Đức Giê-su đã làm khi xưa.
Đức
Giê-su đã nói gì, làm gì? Người đã sống và trải qua những khó khăn trong cuộc sống,
bị loại bỏ, bị liệt vào phường ác nhân, bị ruồng bỏ và trơ trụi một mình trên
Thập giá. Tất cả những gì Người làm, tất cả những gì Người nói đều qui về một mối
là chứng tỏ cho nhân loại thấy lòng thương xót và hay tha thứ của Thiên Chúa
dành cho tất cả, không loại trừ một ai, bao gồm cả những ai thù ghét Người. Bổn
phận của chúng ta, những người con của Cha trên trời, là hãy làm cho thế gian đầy
hận thù và ghen ghét này nhận ra quyền năng của Đấng đã và đang ban ơn cho tất
cả mọi người, kể cả quân vô ơn và phường gian ác, đang hiện diện và hoạt đông
trong bản thân mình.
Tóm
lại, ai trong chúng ta có thể thực hiện được những điều Chúa nói trong bài Tin
Mừng hôm nay! Chỉ có quyền năng và sức mạnh của Chúa mới giúp chúng ta đạt được
nguyện ước này. Vì thế, trong giây phút này, Thầy đang nói với chúng ta là những
kẻ nghe Lời Người. Còn chúng ta thì sao? Hãy để tâm hồn mình lắng xuống mà chăm
chú nghe Lời Người mà thay đổi lối sống. Đây chính là các nguyên tắc và cách sống
của người môn đệ của Đức Ki-tô, chúng ta “hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh
em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống
anh em.
Ai vả anh má bên này,
thì hãy giơ cả má bên kia nữa.
Ai đoạt áo ngoài của
anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong.
Ai xin, thì hãy cho, ai
lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại.
Anh em muốn người ta làm
gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy.
Nếu
anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người
tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ.
Và
nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả
người tội lỗi cũng làm như thế.
Nếu
anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội
lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng.
Trái lại, anh em hãy yêu
kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả.
Như
vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao,
vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.
Anh em hãy có lòng nhân
từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.
Anh em đừng xét đoán,
thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán.
Anh em đừng lên án, thì
sẽ không bị Thiên Chúa lên án.
Anh em hãy tha thứ, thì
sẽ được Thiên Chúa thứ tha.
Anh em hãy cho, thì sẽ
được Thiên Chúa cho lại.
Người
sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo
anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng
đấu ấy.” (Lk 6: 27-38)
Lm Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT
No comments:
Post a Comment