Tuesday 21 October 2014

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Giáo lý Dự tòng: ĐÔI DÒNG DẪN NHẬP



                                         ĐÔI  DÒNG  DẪN  NHẬP

      
Các bạn , các anh chị thân mến.

Hôm nay, chúng ta có cơ hội gặp gỡ nhau ở đây, là một ân huệ của Thiên Chúa cho dù với nguyên nhân nào. Chúng ta có một thời gian tương đối để cùng chia sẻ với nhau những điều mà tự muôn đời Thiên Chúa muốn nói với từng người trong chúng ta Để có được tâm tình chia sẻ đó, chúng tôi mong các anh chị tạm thời gạt bỏ các quan niệm, nếu có, của mình để nghe một số khái niệm mới trong cuộc hành trình chúng ta đi tìm Đấng Cứu Độ, Đấng mà chúng ta chọn làm gia nghiệp của mình. Xin mượn hình ảnh một câu chuyện Thiền để nói về vấn đề nầy như sau :

Có một người, tự hào hiểu biết về thiền học, đến hỏi về Thiền với  Nan-in. Thiền sư mời anh ngồi và rót trà, trong lúc anh thao thao bất tuyệt về các kiến thức Thiền của mình. Nan-in cũng không ngừng rót trà vào tách anh ta, dù đã tràn ra ngoài. Thấy thế, anh ta kêu lên: “ Dừng lại, thưa ngài, tách đã đầy tràn rồi, ngài không thấy sao ?” Nan-in cười nói với anh:  “Anh cũng thế, lòng anh đầy ắp rồi, đâu còn chỗ cho các kiến giải khác.”

Trong tâm tình như vậy, chúng tôi mời các anh chị, chúng ta cùng tìm kiếm  Chúa Yêsu Kitô, qua Kinh Thánh. Thông thường, khi bắt đầu đọc 1 cuốn sách mới, người ta đọc phần dẫn nhập trước, để hiểu đại ý sách đó muốn nói gì. Đọc Kinh Thánh cũng vậy. Để không cảm thấy mình rơi vào khu rừng mà không có chỉ dẫn, các anh chị nên đọc phần dẫn nhập trong từng sách. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy đa số không lưu tâm đến, nên ở đây chúng tôi cố tóm lại, hy vọng phần nào anh chị có được một khái niệm tương đối theo trình tự ( logích ). Tất nhiên, bản tóm của bản tóm lược thì không thể nào lột tả hết cái thần, cái ý của những điều muốn nói nên trong thâm tâm, chúng tôi rất mong các bạn bớt chút thời gian để đọc tất cả .

1 . Chúa Yêsu đã phục sinh .

Kinh Thánh là Lời của Thiên Chúa mặc khải cho con người biết vận mệnh của họ, kêu mời họ đến với sự sống. Đây không phải là cuốn sách triết học, sách giáo lý mà là cuốn sách nói về một chuỗi các biến cố ,và biến cố trung tâm, chính là Đức Yêsu đã chết trên thập giá và sự phục sinh của Ngài. Điều nầy nói lên: chúng ta được sinh ra bởi tình yêu của Thiên Chúa, từ hư vô, để kết thúc trong sự hiệp thông hoàn toàn với Đấng Hiện Hữu. Nhưng để đạt điều đó, mỗi cá nhân, nhân loại, phải trãi qua một cuộc lột xác. Đó chính là sự chết và phục sinh.

Kinh Thánh gồm hai phần: Cựu ước và Tân ước. Ước đây là giao ước, là hợp đồng nói theo ngôn từ ngày hôm nay và đây là giao ước giữa Thiên Chúa và con người. Các sách của Cựu ước trình bày một loạt các câu chuyện nối kết nhau, giữa các câu chuyện đó, đôi khi là chuyện gần với thần thoại xen lẫn với các câu chuyện thật, có khi là những diễn từ, các việc phụng tự, đời sống xã hội, các lời trách cứ hay mang lại hy vọng, những tiếng kêu mời tình thân ái … Trong 46 cuốn cách Cựu ước nầy hầu như Thiên Chúa hiện diện khắp nơi trên từng trang sách. Cựu ước cho chúng ta thấy cách thức Thiên Chúa chuẩn bị cho con người, cách riêng dân tộc Israel, để họ nhận biết và đón nhận nơi Đức Yêsu giao ước kỳ diệu. Có thể dùng câu nầy để minh họa các dòng trên như sau :

“ Thuở xưa, nhiều lần, nhiều cách, Thiên Chúa đã phán với cha ông chúng ta qua các ngôn sứ ; nhưng vào thời sau hết nầy, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử .” ( Dt 1,1-2)

Sự phục sinh của Chúa Yêsu đã để lại một con đường sự sống, đó là nguồn cội cho mọi lời rao giảng của các tông đồ và các cộng đoàn Hội Thánh tiên khởi của Chúa Yêsu Kitô. Những chứng từ được viết từ buổi đầu ấy được các vị có trách nhiệm chuẩn nhận làm thành bộ Tân ước bao gồm 27 cuốn  dưới sự linh ứng của Chúa Thánh Thần

2 . Đọc Kinh Thánh bắt đầu từ đâu ?

Dễ nhất là khởi từ các sách Tin Mừng, nơi chúng ta gặp gỡ Đức Kitô. Ngài là Lời của Thiên Chúa ( Ngôi Lời ).Tuy nhiên, không thể có đức tin Kitô giáo mà không có Cựu ước. Những ai đọc Cưụ ước, khi nghe lời Đức Kitô nói, sẽ hiểu rõ hơn những bài học trong đó và khám phá ra những ý nghĩa của nó. Tốt nhất nên đọc liên tục một lần tất cả các sách Tân ước, khởi từ các sách Tin Mừng của Matthêu, Marcô, Luca và Yoan.

Khi đọc Tin Mừng, cũng đừng nghĩ mình là người đầu tiên hiểu được sứ điệp của Thiên Chúa, nếu không, có nguy cơ bạn sẽ thành lập một giáo phái mới. Cũng đừng nghĩ mọi vấn nạn riêng mình có thể giải quyết, nhờ đọc Kinh Thánh. Phải hiểu rằng, Lời Thiên Chúa nói ra là trong hoàn cảnh cụ thể và trước những những vấn đề riêng biệt của người đón nhận Lời ấy. Do đó, phải tìm hiểu xem đâu là vấn đề của người ta để tìm xem Lời Chúa nói có ý nghĩa đích thực gì. Sau đó chúng ta hãy đặt lại vấn đề Lời Chúa nói mang lại ánh sáng cho vấn đề hiện tại của chúng ta như thế nào.

Cũng không phải Thiên Chúa dạy dỗ trong sớm chiều nhưng trãi dài qua hơn 15 thế kỷ từ Abraham cho tới thời các tông đồ và Ngài cũng không dạy tất cả mọi sự ngay từ đầu. Do dó không có gì ngạc nhiên khi Môsê và các ngôn sứ, không biết một loạt các vấn đề quan trọng mà các tông đồ, chứng nhân của Chúa Yêsu, kể lại cho chúng ta .

Khi đọc Kinh thánh cũng đừng bị cuốn hút vào những trang sách được cố tình viết theo lối hành văn phức tạp của thể văn thời ấy mà ta thường gọi là văn khải huyền, để rồi quên đi những điều rõ ràng, căn bản là cái chính. Cuối cùng là các anh chị hãy không ngừng đọc Kinh Thánh, mục đích không phải để hiểu những gì chưa hiểu nhưng là một bằng chứng chúng ta yêu mến Thiên Chúa và Ngài là người Cha nhân hậu sẽ ban cho chúng ta “ Sự khôn ngoan của Kinh Thánh” để tìm thấy sự sống trong mọi Lời của Ngài .



3 . Sử dụng sách Kinh Thánh như thế nào ?

Các sách trong Kinh Thánh được chia thành từng chương khác nhau theo sáng kiến một Giám mục người Anh thế kỷ thứ 8. Sau đó năm 1551, một thợ in người Pháp thêm vào công việc nầy bằng cách đánh số câu, bất đầu từ Tân ước, sau đó áp dụng luôn cho cả phần Cựu ước nữa .

Như thế, các sách trong Kinh Thánh được chia thành nhiều chương và mỗi chương thành nhiều câu. Thí dụ như sau :

-   Ga 20,13-15 có nghĩa là Tin Mừng thánh Gioan  chương 20 từ câu 13  đến câu 15 . Trong đó Ga là từ viết tắt của Gioan .
-   1 Cr 1,5-7 có nghĩa là thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi tín  hữu Côrintô chương 1 từ câu 5 đến câu 7, trong đó  1 trước Cr có nghĩa là thư thứ nhất, Cr là viết tắt của Côrintô .

Trong tất cả các sách Kinh Thánh từ Cựu  ước cho đến Tân ước ở phần đầu sách đều có ký hiệu nói trên để người đọc dễ truy tìm câu cần đọc. Ngoài ra , trong các sách, đa phần đều có thêm phần chú thích bên dưới trang, sau một ký hiệu gạch ngang và được in bằng tuồng chữ khác trong trang chính . Các anh chị cũng nên ghé mắt nhìn qua, ngõ hầu có thêm chút kiến giải cho mình vì đa phần các chú thích nầy đều do các nhà chú giải Kinh Thánh có kiến thức sâu rộng .

4. Đọc hiểu Kinh Thánh thế nào?

Thật là sai lầm khi đọc và hiểu Kinh Thánh theo nghĩa đen của sự kiện. Các giáo phụ trong những thời kỳ đầu đã loại bỏ cách hiểu ấu trĩ nầy. Hội Thánh từ thời trung cổ, giáo đoàn Alexandria đã biết phải hiểu theo nghĩa thế nào. Tựu trung như sau :

- Nghĩa mặt chữ cho biết sự kiện ( dù sự kiện đó đôi khi không có thật).
- Nghĩa tượng trưng cho biết điều phải tin.
- Nghĩa luân lý cho biết điều phải giữ.
- Nghĩa thần bí cho biết điều hy vọng.

Cũng cần nói thêm, phim ảnh về các sự kiện Kinh Thánh dễ làm méo mó sứ điệp Cứu độ muốn đề cập, nhiều người nhầm tưởng một phiên phóng sự tường thuật tai chỗ mà quên nghĩa đạo lý và thần học của sự kiện. Cũng dễ hiểu vì phim ảnh có mục đích là lợi nhuận nên cần có những màn hư cấu để thu hút.

Đôi dòng gọi là dẫn nhập, chúng ta cùng đi vào phần đầu tiên trong chương trình Cứu độ của Thiên Chúa .





                                               DẪN NHẬP CƯU ƯỚC.

Các bạn, các anh chị thân mến,

             Thời gian đã 5 năm, từ khóa gldt 1AP 2008 đến khóa 10AP 2012, chúng tôi nhận ra rằng giáo trình dẫn nhập vào Cựu Ước cần được hiệu chỉnh lại, phù hợp với điều kiện tìm hiểu của anh chị học viên hơn. Lịch sử Cứu Độ qua Cựu Ước không phải là bộ sách được sáng tác từ thuở hồng hoang, nhưng trãi qua nhiều giai đoạn.

          Chúng ta biết văn minh chữ viết được hình thành trong một thời gian dài. Trước thời kỳ nầy, người ta sử dụng 1 số phương tiện truyền khẩu như thần thoại, truyền kỳ, trường ca… để lưu lại ký ức, kinh nghiệm cho hậu bối. Dân Israel, Dân Thiên Chúa, cũng nhận được mặc khải tiệm tiến như vậy. Họ chỉ làm quen với nền văn minh chữ viết khi tiếp xúc cùng các sắc dân Canaan sau cuộc vượt thoát khỏi Ai Cập, được tường thuật trong Sách Xuất Hành ( Exodus).

          Khi theo học các lớp Giáo lý, nhất là Gldt, rất nhiều anh chị bở ngỡ khi được giới thiệu 1 cách đột ngột về Ngũ Thư (Torah), nhất là Sách Sáng Thế ( Genesis ), trong đó trình bày câu chuyện thi vị hóa về Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và con người, câu chuyên Ađam – Eva, nguyên tội  ( péché originel )… Đây là đề tài cho nhiều luận điểm khích bác, châm chọc, của nhiều học thuyết xưa nay, cũng như những bênh vực mù quáng, giáo điều, ấu trĩ của nhiều tín hữu. Để có thể cảm nhận tương đối những điều Cựu Ước trình bày, chúng ta lần lượt cùng nhau tìm hiểu:

1.      Lược sử dân Israel.

          Lịch sử cận đại nhận định có 5 nền văn minh lớn ảnh hưởng đến phát triển của cộng đồng nhân loại : Lưỡng Hà ( Lưu vực 2 sông Euphrate- Tigre), Sông Nil ( Ai Cập cổ), Hằng Hà ( Ấn Độ), Hoàng Hà ( Trung Hoa ), Châu Mỹ ( Maya, Incas). Trong đó, văn minh Lưỡng Hà và Ai Cập cổ có sự giao lưu tương đối phát triển. Rất nhiều bộ tộc du mục di chuyển giữa 2 nền văn minh nầy qua 1 giải đất hẹp: vùng Palestine.

         Khoảng 18 thế kỷ trước Công nguyên, trong số các bộ tộc du cư từ Lưỡng Hà sang Ai Cập, có bộ tộc do Abraham đứng đầu.Trên khía cạnh lịch sử, Abraham là nhân vật không mấy tên tuổi. Tuy nhiên, dưới nhãn quan tôn giáo, ông được nhìn nhận như tổ phụ của nhiều dân tộc trung cận đông, đó cũng là ý nghĩa tên của ông. Thú vị là nhân chủng học hiện đại phát hiện: dân Israel và Á Rập có cùng ông tổ.

         Trong các thời kỳ đói kém, nhiều bộ tộc du mục thường hay nương nhờ tại các vùng biên thùy Ai Cập, tại thời điểm nầy, chính quyền cai trị là người Hyksos. Trong đó có Abraham và con cháu ông, mà Yuse, là khuông mặt nổi bật. Ông làm quan tướng  cho chính quyền sở tại.

         Đến thế kỷ 13, người Ai Cập tại phương nam khôi phục lại vương quyền trên toàn bộ lãnh thổ Ai Cập với những tên tuổi như Ramses I, II…nhiều dân du mục bị cưỡng ép lao động nặng nhọc, phục vụ cho công cuộc xây dựng các kiến trúc của các triều Pharaoh. Du mục là dân ưa thích sự tự do, họ trốn chạy vào vùng sa mạc hoang địa, sống đời phóng khoáng như cha ông. Môsê nổi lên như một lãnh tụ đã đưa Israel thoát khỏi thân phận nô lệ để hình thành nên 1 dân đặc biệt,  Dân của Giao Ước, Dân Thiên Chúa. Trên 200 năm tiệm cận đất Canaan, dân Israel bằng nhiều hình thức: đánh chiếm, giao hảo, chen lấn dần giữa dân cư trong xứ rồi sáp nhập… Đây là giai đoạn Cựu Ước gọi là thời các thủ lãnh với  nhũng tên tuổi như Deborad, Ghideon, Samson…

         Thiên niên kỷ 1 trước Công nguyên, năm 1000, David với tài  chính trị và  dụng binh khéo léo đã bắt các thế lực chống đối quy phục, tiến vào Yêrusalem, hình thành nên trung tâm tôn giáo, chính trị của Israel. Đây là thời kỳ huy hoàng nhất trong lịch sử Israel, kéo dài 69 năm, dưới triều đại David và Salomon. Sau thời kỳ hoàng kim nầy, Israel bắt đầu trượt dài do não trạng địa phương, tranh dành trong nội bộ các chi tộc, và hậu quả là cuộc phân chia  Nam Bắc : Bắc quốc Israel, còn gọi là Ephraim, với 10 chi tộc, đế đô là Samarie, Nam quốc Yuđa với chi tộc Yuđa và Bengiamin, thủ đô Yêrusalem. Cùng với việc phân chia đất nước, việc ly khai tôn giáo cũng thành hình.

         Bắc quốc tồn tại được 200 năm, tận diệt vào năm 721 trước Công nguyên, vào thời Sargon đệ nhị của Assur. Toàn dân bị lưu đày khắp đế quốc và dân nơi khác lại định cư tại Samarie, theo chính sách chống nổi loạn của chính quyền Assur. Nam quốc Yuđa cũng lâm vào hoàn cảnh không khá hơn, chính trị lúc dựa bên nầy, lúc ngã bên kia, hậu quả bị Nabucho Đonosor, đế quốc Babylone đánh chiếm năm 587 trước Công nguyên. Đền thờ bị phá hủy, toàn dân phải lưu đày tại Babylon, ngoại trừ 1 số nhỏ, số sót lại, theo ngôn từ của các ngôn sứ.

          Sau 50 năm lưu đày tại Babylon, dân Israel có cơ hội suy tư, cảm nhận những gì Thiên Chúa đã làm cho dân tộc. Năm 538, vua Kyrô của Batư tiến vào Babylon, cho phép các dân lưu đày hồi hương. Nhiều nhóm Israel xuất hành, trở về kiến tạo lại đất nước. Từ đây, vương quyền của Israel chỉ còn trên bình diện tôn giáo, mà các thượng tế, kinh sư là người lãnh đạo. Năm 332, lại 1 biến cố làm thay đổi cục diện chính trị vùng Đất Hứa, Alexandre đại đế của Hy Lạp phá tan đế quốc Batư. Tuy nhiên, Alexandre mất sớm, đế quốc được chia cho các tướng lĩnh: Ai Cập với các vua Ptolémé, (Israel thuộc quyền các vua nầy); Syria với các vua Antiôkô. Bất hạnh thay, năm 200, Antiôkô xứ Syria thôn tính Ptolémé, Israel lại rơi vào tay Syria với các cuộc cấm cách bách hại đạo Do Thái dữ dội, đặc biệt dưới triều Antiôkô Êpiphanê (-175-163). Cuộc cấm cách bách hại nầy làm trổi đậy cuộc chiến phục quốc Israel do anh em nhà Hasmônê lãnh đạo, điển hình là Maccabê  (Sách Maccabê ). Cuộc chiến thắng lợi, dòng họ Hasmônê thu tóm mọi quyền lực chính trị và tôn giáo và điều hành đất nước từ 142 đến 63 trước Công nguyên.

        Đế quốc Roma nổi lên như kẻ kế thừa đế quốc Hy Lạp, lần lượt xâm nhập và đánh chiếm các nước khác. Nhân cuộc tranh chấp quyền lực của anh em nhà Hasmônê năm
-63 trước Công Nguyên, Pompéius kéo quân vào Yêrusalem, chiếm quyền cai trị và chỉ để nhà Hasmônê nắm quyền tôn giáo. Chính trong giai đoạn nầy mà Đức Yêsu, vị Mêssia được mong đợi ra đời. Đế quốc Roma đã tận diệt Israel vào năm 131, triều vua Hadriano,  sau nhiều cuộc nổi loạn của dân bản xứ. Ông phát vãng toàn bộ dân Israel, Yêrusalem trở nên 1 thành dân ngoại, cấm tuyệt không cho bất kỳ người Do Thái nào vào. Mãi 1948, Israel mới được tái lập dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc.

2.      Giải thích lịch sử của các ngôn sứ.

         Phải nói ngay từ ban đầu, Kinh Thánh Cựu Ước được viết đa phần trong khoảng thời gian từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 6 trước Công nguyên, dựa trên những truyền kỳ, ký ức của cha ông, nhất là với biến cố lưu đày tại Babylone năm 587.

         Làm thế nào dân Do thái lại sống sót, trong khi biết bao dân tộc khác đã đánh mất bản ngã, danh tính, khi trà trộn làm dân của các đế quốc Tiểu Á cổ thời? Không mấy dân bị tàn phá, bại trận liên tiếp, bị phát lưu tha phương, vẻn vẹn chỉ còn một nhóm sót lại, dưới ách đô hộ lâu năm của những quyền bính xa lạ, văn minh, thế mà người Do Thái vẫn tồn tại. Chẳng những thế, họ còn tái thiết cộng đoàn và chuyển lại một truyền thống phát triển thêm, có ảnh hưởng kiến tạo trên tất cả lịch sử về sau. Tại sao? Câu trả lời chỉ có thể là : Các ngôn sứ trong vòng 2 thế kỷ 8 – 6 đã tổ thuật được một giải thích đặc biệt về trình tự lịch sử và gây được người hưởng ứng, một số người vừa đủ để làm cho lịch sử đến sau phải chuyển qua hướng mới.

         Thật ra, chính các ngôn sứ đã không nghĩ thế. Họ không phải là những triết gia lập thuyết 1 cách trừu tượng, sau khi đã chiêm nghiệm, quan sát lịch sử. Các vị tự giới thiệu bằng kiểu nói của sứ giả : Chúa Thượng phán thế nầy !... Họ tin chắc chính Thiên Chúa đã phán với họ cũng như đã phán với cha ông họ qua các truyền kỳ. Bằng cách nào là 1 vấn đề thuộc hiện tượng thần bí.

         Phương thức giải thích lịch sử của ngôn sứ không phải do hoạt động trí khôn họ. Thiên Chúa đã phán với họ qua biến cố họ sống, đó là ý nghĩa họ thấy chính trong biến cố, khi lòng trí họ mở ra cho Thiên Chúa cũng như giác quan họ mở ra cho biến cố bên ngoài. Vì thế, việc giải thích lịch sử do các ngôn sứ, cũng như định hướng và ảnh hưởng trên lịch sử, được đồng hóa với Lời Thiên Chúa ngỏ cùng loài người. Chúng ta có được tường thuật ơn thiên triệu nầy trong các sách ngôn sứ, nhất là trong Isaya 6, 1-8.

         Kinh nghiệm của Isaya là kinh nghiệm căn bản, cắm sâu vào bản ngã của 1 con người. Chính tại kinh nghiệm ấy, đã tóm tắt tất cả những cốt yếu cho việc giải thích lịch sử của các ngôn sứ : Có kinh nghiệm ý thức về uy quyền và thánh thiện của Yahveh Thiên Chúa là điều căn bản mọi sự, có con người trước nhan Thiên Chúa, vừa bị lên án vừa được thứ tha. Có lời kêu gọi của Thiên Chúa và tiếng đáp ứng của con người ( Các anh chị tham dự lễ mùng 1 tết Quý Tỵ 2013 đã được nghe ơn gọi nầy của Isaya ). Đấy chính là Thiên Chúa đứng trước mặt loài người, trong sự phán xét và trong lòng thương xót của NGÀI, ra lời hiệu triệu, đòi hỏi phải đáp ứng. Ngôn sứ giải thích lịch sử như thế, và họ đã lôi kéo được 1 số người sẵn sàng đón nhận. Các chuỗi biến cố cùng với sự am hiểu theo nhãn giới các ngôn sứ đã có những hậu quả kỳ vỹ cho lịch sử những thế kỷ về sau.

          Các sách Cựu Ước, trong hình thức còn lưu lại, đều được viết sau thời các ngôn sứ và mang dấu tích ảnh hưởng của các ngài. Các sách lịch sử được soạn lại, theo những biên niên sử và hồ sơ xưa sưu tập, nhưng do tay các đồ đệ của các ngôn sứ. Như vậy, ngũ kinh ( Torah ) cũng được san định dưới ảnh hưởng của các ngôn sứ. Ơn kêu gọi của Abraham, của Môsê, đều được tường thuật bằng từ ngữ các ngôn sứ dùng để diễn đạt ơn thiên triệu của họ. Các môn đệ của các ngôn sứ đã tra tay viết lại lịch sử thánh của Israel là có ý định cho thấy ý nghĩa chất chứa trong đó, chiếu theo giáo huấn của các ngài.

3.      Nguồn tài liệu.

                  Khi soạn lại các sách, đồ đệ các ngôn sứ đã căn cứ vào các truyền kỳ, truyện tích được lưu truyền từ thời cha ông, kết hợp lại với những gì được thu nhận với nền văn minh tiếp xúc, nhất là ảnh hưởng các ngôn sứ, để hình thành đại bộ phận các sách Cựu Ước. Các truyền thống nầy đan xen nhau, bổ túc cho nhau, đôi khi song song… thể hiện dẫy đầy trong các sách. Khoa nghiên cứu Kinh Thánh có nhiều nhận định về các nguồn tài liệu nầy, tuy nhiên, phổ biến nhất là nguồn 4 truyền thống. Gọi là J E D P.

               Nguồn tài liệu J được hình thành khi vào giai đoạn lập quốc của Israel kéo dài đến vương quốc Yuđa ở phương nam, Gọi Thiên Chúa là Yahveh. Ký hiệu J. Nguồn tài liệu E được biên soạn tại phía bắc, vương quốc Israel Ephraim, gọi Thiên Chúa là Elohim ( số nhiều của EL: Thần ), Ký hiệu E. Sau khi Israel Ephraim bị tàn phá, 2 nguồn tài liệu nầy được đúc kết chung với nhau (JE). Đến thời vua Yôsia của Yuđa, vào thế kỷ VII trước CN, có thêm nguồn tài liệu Đệ nhị luật, còn được gọi là Thứ luật (Deuteronomium) được phối hợp vào (JED). Sau thời lưu đày Babylon, có thêm 1 nguồn do các tư tế, môn đệ ngôn sứ san định, gồm luật lệ và 1 số trình thuật. Ký hiệu P. Trình thuật Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và con người mở đầu trong Sách Sáng Thế và cả Cựu Ước, là công trình của các vị tư tế nầy.

           Hiện nay, khoa nghiên cứu Kinh Thánh vẫn đang nổ lực tìm hiểu thêm về các nguồn tài liệu , theo nhiều phương pháp, hướng nghiên cứu khác nhau. Chúng tôi mong muốn trình bày cho các anh chị đôi nét sơ lược để bớt chút ngõ ngàng khi tham gia khóa học.

          
        










                 TẠO  DỰNG - SA  NGà -  LỜI  HỨA  CỨU  ĐỘ .

1.      SÁCH SÁNG THẾ.

 Khát vọng con người trong mọi thời là muốn biết nguồn cội của mình. Đây chính là nỗi khao khát Thiên Chúa đặt  trong lòng mọi người, như công cụ mặc khải về sự hiện diện của Ngài. Con người luôn tìm kiếm quá khứ của mình, khởi từ các nhóm người rồi đến các dân tộc, nỗ lực tìm kiếm như để tìm thấy trong quá khứ những điều mà ngày hôm nay họ tin tưởng. Kể lại lịch sử mình là cách khẳng định căn tính bản thân giữa bao cộng đồng dân tộc lớn nhỏ. Sách Sáng Thế cũng như vậy. Sách nầy được hình thành từng khúc, từng đoạn, trong nhiều thế kỷ. Đến thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên, mới được định hình vĩnh viễn. Có nghĩa, dân Israel sau lưu đày Babylon, đã đem niềm tin của mình viết thành văn tự. Đây là một áng văn bình dị nhưng tuyệt diệu để diễn đạt tình yêu của Thiên Chúa

Chúng ta không tìm đọc trong Sáng Thế như một tài liệu về nguồn gốc vũ trụ, hay một tội phạm của nguyên tổ loài người. Những áng văn diễn tả trong những chương đầu của sách, mang đậm nét một bài thánh ca phụng vụ, trong đó, con người cảm nhận được Thiên Chúa  là Đấng tạo thành, Ngài vượt xa các công trình sáng tạo đang làm cho chúng ta ngây ngất chiêm ngưỡng, thán phục. Các chương nầy cố gắng đưa ra một chuổi nối kết những khoảng thời gian vô tận từ lúc tạo thành cho đến các “ Tổ phụ tiên khởi của lòng tin ” mà người được ghi nhớ đầu tiên là Abraham. Phần thứ hai, gợi nhớ hình ảnh các thị tộc du mục, đã tin vào Thiên Chúa thời bấy giờ. Một Thiên Chúa của cha ông họ rất gần gũi, thân mật, luôn che chở họ. Phần thứ ba trong sách là câu chuyên ông Yuse, làm lóe lên tia sáng đầu tiên trong những tấn bi kịch đời sống con người. Loài người cần một vị Cứu Tinh và ơn cứu thoát của họ sẽ đến, nhờ những người mà trước đây, chính họ ngược đãi và loại trừ .

Sách Sáng Thế hình thành do nhiều tác giả và nhiều giai đoạn từ lúc bán khai du mục không có chữ viết và được ấp ủ truyền khẩu cho đến khi định cư tại Palestin và dần gia nhập vào nền văn hóa chữ viết. Các tác giả đầu tiên đã vay mượn nhiều của văn chương người Babylon và phần thi ca của họ về đôi vợ chồng nguyên thủy, về nạn hồng thủy, nhưng cải biên lại để đưa ra cái vũ trụ quan xuất phát từ niềm tin của cha ông. Các trình thuật cổ xưa nầy còn được các tác giả khác bổ sung thêm những yếu tố thuộc về truyền thuyết khác, thường trùng lắp nhau. Sau cuộc lưu đày từ Babylon trở về, các tư tế lại viết thêm nhiều đoạn. Một trong đó, là bài thơ sáng thế trong sáu ngày, bài khởi đầu trong sách Sáng Thế và là chương mở đầu cho toàn bộ Kinh Thánh .

   2. THIÊN CHÚA TẠO DỰNG . ( St 1,1-31 và  2,1-4a ) ( St 2, 4b-25)

Như đã nói ở phần trên, chúng ta có hai đoạn văn đơn sơ nói về sáng tạo nên vũ trụ và con người, do các tác giả khác nhau biên soạn. Các đoạn văn nầy không thể gán ghép vào nhau, nhưng mỗi đoạn đều thấm đẫm những ý nghĩa soạn giả muốn truyền đạt. Chúng ta sẽ lần lượt cùng tìm hiểu :

2.1 Tạo dựng trong sáu ngày ( St 1,1-31)

Trước tiên  bài ca tạo dựng vũ trụ trong 6 ngày có tiết điệu  nhịp nhàng mang dấu chỉ một bài thánh ca phụng vụ, chứ không phải là  một bài giáo khoa khoa học, miêu tả vũ trụ hình thành như thế nào, như những tranh luận trong hơn mấy trăm năm qua. Chắc hẳn, ai là người Việt Nam cũng thuộc tích con Rồng cháu Tiên, nhưng không ai tin đó là một luận thuyết khoa học. Bài ca tạo dựng vũ trụ cũng thế, nó cho chúng ta điều cảm nhận đầu tiên về một Thiên Chúa Hằng hữu, vượt xa mọi công trình tạo dựng của Ngài, dù các công trình đó đang làm cho chúng ta ngây ngất chiêm ngưỡng, cũng như hãi sợ, vì không hiểu hết các cơ chế của nó. Cũng trong trình thuật nầy cho thấy toàn bộ công trình Ngài tạo dựng  là một  sức sống, mà Lời và Thần Khí được nói ở đây như đôi bàn tay của Thiên Chúa Tạo Thành.

Chương nầy ( St 1 và 2,1-4a) thuộc truyền thống P, cho thấy sự uyên bác của hàng tư tế hơn đâu hết. những dòng viết nầy không phải được viết trong sáng chiều, nhưng là đúc kết, suy nghĩ, cân nhắc trước sau minh bạch, từ thế hệ nầy sang thế hệ khác. Không thể xem đây là một chương ấu trĩ, luộm thuộm. Chương nầy là một mệnh đề đức tin. Lời văn trong câu nêu lên đạo lý cơ bản : Thiên Chúa tạo nên vũ trụ bởi ý định hoàn toàn tự do của Ngài.

Câu “ Thiên Chúa phán ” hàm ý đây là ranh giới giữa Đấng Tạo Thành và các loài thụ tạo. Thế giới thụ tạo không phải là Thiên Chúa, không phải là khuôn mặt của Ngài và Ngài càng không lệ thuộc nó.

“ Liền có” Cụm từ khẳng định Thiên Chúa Toàn Năng, tạo thành vũ trụ từ hư không, mọi tạo thành được hiện diện theo ý định của Thiên Chúa, một ý định tốt lành thánh thiện được trình thuật trong câu thường hay lặp lại: “ Thiên chúa thấy thế là tốt đẹp ”, mang một tín yếu cơ bản là Ngài không tạo nên gì xấu.

Thiên Chúa quan phòng tạo dựng vũ trụ theo 1 trình tự. Ngài không tạo ra  cách ngẫu nhiên, nhưng theo 1 tiến trình tuyệt hảo, được Sách Sáng Thế diễn đạt bằng cuộc phân tách trong 3 ngày đầu và trang trí trong 3 ngày tiếp theo.

Thiên Chúa cho thấy sự huyền nhiệm phong phú sâu thẳm nơi Ngài, Thiên Chúa duy nhất nhưng không đơn độc. “ Thần khí bay lượn trên mặt nước ( St 1, 2)… Lời phán ( St 1, 3)… Chúng ta hãy taọ dựng con người ( St 1,26)…”

Chương đầu tiên nầy cho biết: Thiên Chúa là Đấng duy nhất hiện hữu và vũ trụ cùng các định luật của nó đều là thụ tạo của Ngài. Thật tuyệt vời! Trong lúc các nền văn minh chói lọi cổ đại còn tin tưởng thờ thụ tạo như thần mặt trời ( Ai Cập, Aton), mặt trăng ( lưỡng hà, Ur), lại có một nhóm dân không lấy gì nổi bật, bé tí, chẳng văn minh bằng ai, xác quyết vũ trụ nầy là thụ tạo.

Con người cũng là thụ tạo do Thiên Chúa dựng nên, nhưng có vị thế đặc biệt trong tạo dựng. Đoạn trình thuật cho thấy tính chất trang trọng, như có sự bàn thảo:   “Chúng ta hãy tạo dựng con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để làm bá chủ…và Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh Thiên Chúa” Câu  nầy cho chúng ta thấy Thiên Chúa yêu thương và trao cho con người phẩm giá cao quý:

-           Thiên Chúa sáng tạo nên con người theo hình ảnh Thiên Chúa. Đây là  một trong những điều quan trọng nhất mà Kinh Thánh khẳng định . Con người không thể bị giam hãm trong các ảo ảnh mình tạo ra, không là tù nhân của các phạm trù do mình đặt, nhưng là con người được tạo ra cho Sự Thật. Thiên Chúa đã cho con người biết những điều nầy bằng chính ngôn ngữ và kinh nghiệm con người rằng chúng ta được sáng tạo để đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa ( Mặc khải tiên khởi)

-    Thiên Chúa sáng tạo con người có Nam có Nữ. Đây chính là phẩm giá của họ. Thật đáng kinh ngạc,  một xã hội cổ mà khẳng định tính chất bình đẳng nam nữ, tôn trọng phẩm giá con người. Như thế, điều nầy nói lên rằng, Tình yêu đứng đầu trong chương trình Thiên Chúa, sự tiến hóa lâu dài về tình dục chỉ nhằm chuẩn bị cho tình yêu mà thôi.

-    Hãy thống trị mặt đất mang lại ý nghĩa trao phó cho vũ trụ cho con người để tiếp tục góp phần vào sự thăng hoa của vũ trụ. Thiên Chúa nâng cao phẩm giá con người, như một đồng chủ nhân, một cộng tác viên tham gia vào công cuộc tạo thành. Con người sẽ sử dụng mọi khả năng để làm cho cuộc sống phát triển.

Đến đây, không thể không nói đến khoa học. Có một số những kẻ mệnh danh là nhà khoa học, từ xưa đến nay, xem Thiên Chúa như là như là một trở ngại, kìm hãm sự phát triển của con người. Những tưởng một mớ kiến thức mình có được là một sự khám phá kỳ vỹ, đẩy Thiên Chúa tới sự tiêu vong, trong lúc thực chất những cái mà họ ngỡ của mình phát minh ra chỉ là những công cụ Thiên Chúa ban tặng cho con người để làm chủ vũ trụ

Sau khi hoàn tất việc tạo dựng, ngày thứ bảy Thiên Chúa nghỉ ngơi, mang ý nghĩa  thánh hóa con người khỏi những ách thường ngày trong cuộc sống, để gặp gỡ Thiên Chúa, tha nhân cũng như soi rọi bản thân trong mối quan hệ của thân phận thụ tạo  và Đấng Tạo Thành .

Qua đoạn trình thuật trên, chúng ta nhận thấy Kinh Thánh đề cao phẩm giá con người khi khẳng định con người xuất phát từ Thiên Chúa, chứ không phải là một sản phẩm ngẫu nhiên. Các dân tộc cổ đại tin rằng, họ lệ thuộc các sở thích thất thường của các vị thần, con người vô phương thoát khỏi sức mạnh của định mệnh. Ngay cả những người vốn rất tự hào là những người tự do, như người Hy Lạp, cũng phải khuất phục sức mạnh nầy. Truyền thuyết về Oedipus là một minh chứng. Trái lại, Kinh Thánh lại giới thiệu những con người không sợ quyền lực tự nhiên, được phú bẫm năng lực để làm chủ chúng. Con người có tự do.

Đằng sau trình thuật nầy, chúng ta có mặc khải đầu tiên về Ba Ngôi Thiên Chúa. “ Chúng ta ( Elohim ) hãy làm ra người theo hình ảnh chúng ta ” (St 1,26 ) Thiên Chúa đã  tạo dựng người như chóp đỉnh của tạo thành, như hình ảnh Thiên Chúa, hình ảnh tuyệt vời không gì sánh được.

2.2 Thiên Chúa tạo dựng Con Người, Thử thách ( St 2, 5-25 )

Liền ngay sau trình thuật tạo dựng trong 7 ngày, chúng ta gặp một trình thuật còn cổ xưa hơn nhiều: Người Nam và người Nữ trong vườn địa đàng. Truyền thuyết mang ý nghĩa cách con người đang hiện hữu chọn lựa tương lai họ. Phần trình thuật nầy cho thấy nhân loại có bước phát triển, từ bán khai du mục tiến đến định cư, phản ảnh  câu chuyện Ađam được đặt trong vườn Eđen để chăm sóc vườn và cai quản muôn thú.

Truyền thuyết Ađam như nói trên được biên tập lại từ thần thoại của văn minh Lưỡng Hà nhưng mang một nội dung mới. Tiếng Hipri, Ađam có nghĩa là Con người, loài người. Thiên Chúa được miêu tả như người thợ gốm nhào nặn nắm bụi đất trong tay, cho nó đón nhận sinh khí, sự sống từ chính hơi thở mình. Đây là hình ảnh nên thơ và tuyệt diệu miêu tả mối quan hệ yêu thương Thiên Chúa đối với con người: Nhận lấy sức sống từ Ngài.( Hình ảnh nầy, chúng ta được gặp lại trong Tin Mừng, vào Ngày thứ nhất trong tuần, khi Chúa Yêsu sống lại. Ngài cũng thổi hơi trên đầu các tông đồ để ban Thánh Thần cho họ, để trở thành tạo vật mới trong cuộc tạo thành mới).

Ađam ( Con Người) được trao phó để làm chủ. Thiên Chúa giàu nhân ái cho con người làm chủ  khu vườn qua việc đặt tên các loài thú, chim muôn…thu hoạch mọi hoa trái trong vườn để sử dụng. Con người có được mọi thứ, bao gồm cây Trường Sinh để sống mãi trong hạnh phúc, nhưng cần vâng lời Thiên Chúa tránh xa cây Biết Lành Biết Dữ. ( Con Thiên Chúa là vâng phục Thiên Chúa, các bạn lưu ý để đối chiếu lại với 3 cơn thử thách của Chúa Yêsu trong hoang địa) Như thế, làm chủ không phải là ăn không ngồi rồi, nhưng vui sướng trong công việc được chúc phúc, thiên nhiên hài hòa và mang hoa trái cho việc lao động đó.

Đến đây, chúng tôi giải thích thêm để các bạn hiểu: Biết Lành Biết Dữ chỉ tất cả nội dung sự biết. Hai từ đối chọi đó hợp làm một, diễn tả tính toàn diện. Biết không thuần lý như hiểu biết cách thực hiện, khéo léo, giỏi việc gì…nhưng ý nói đến tài năng siêu phàm, hiểu theo nhãn giới vùng Tiểu Á, là các phù phép ma thuật. Đối với các ngôn sứ, các loại ma thuật là quyền năng trộm của Thiên Chúa, nghịch lại Thánh Ý Thiên Chúa. Tác giả đặt tội trộm quyền phép Thiên Chúa, vào ngay nguồn gốc nhân loại.

 Con người còn được đặt trong môi trường tuyệt vời để phát triển, Thiên Chúa cũng đã ban cho con người một trợ tá tương xứng, để họ kết hợp trong tình yêu, trao hiến chính mình và chia sẻ hạnh phúc với nhau. Người Nữ xuất hiện như người bạn đời, chứ không là tỳ nữ. Cả hai trở thành một xương một thịt biểu hiện tính duy nhất của đôi lứa chứ không phải là một tạm ước, để hai bên tận hưởng nhau ( Một phương thức sống thường bắt gặp trong thời buổi hiện nay ) Họ làm nên một  gia đình, nơi đó, công trình Thiên Chúa được thực hiện. Từ gia đình đó con cái sinh ra và như thế, đôi lứa hoàn lại cho nhân loại kho báu nhân tính họ đã nhận.

Trình thuật nầy không có tham vọng mô tả phương thức loài người xuất hiện. Trình thuật mang một sứ điệp tiên tri: Khi tạo dựng lứa đôi, Thiên Chúa cho chúng ta hiểu phần nào mầu nhiệm Đức Kitô, Đấng đến với nhân loại như vị hôn phu. Như Eva ngày xưa xuất phát từ cạnh sườn Adam khi ông đang ngủ thế nào thì từ cạnh sườn  Đức Yêsu trên thập giá, nước và máu trào ra sản sinh nên một Hội Thánh  thanh tẩy, hôn thê yêu quí của Ngài .

2.3  SA NGÃ . ( St 3, 1-7 )

 Chúng ta không ảo tưởng về con người đầu tiên như một anh Tarzan Adam  trong khu rừng Eden, đã phạm một sai lầm kếch sù, làm di hại đến toàn thể loài người hậu bối. Chúng ta cùng theo dõi trình thuật gồm 3 bước: Cám dỗ, sa ngã, phán xét.

Tiếp sau trình thuật con người trong môi trường thân tình với Thiên Chúa, lại nói ngay hiện trạng số kiếp con người. Lỗi tại ai? Khẳng định đầu tiên: cái xấu, không đến từ Thiên Chúa, nhưng từ thủ lãnh kiêu ngạo là Satan, sách Gióp đã mô tả. Con rắn trong sách mang dáng dấp của tên thủ lãnh tối tăm nầy. Trong ký ức của nhân loại, loài bò sát nầy đã gây ra nhiều tổn thất nhân mạng từ buổi sơ khai tới giờ, nên sách đã mượn hình ảnh nầy, để diễn tả bộ mặt tên xấu xa đó.

Chước cám dỗ đến, ngụy trang dưới khuôn mặt tốt đẹp: tìm sự khôn ngoan. Satan đặt để trong lòng con người mối hoài nghi về tình yêu của Thiên Chúa.Trình thuật sự sa ngã nầy là áng văn diễn tả tâm lý hay tuyệt của tác giả:

Satan đặt câu hỏi bâng quơ, có vẻ như quá đáng về điều cấm của Thiên Chúa. Nó  để người nữ ngây thơ tự nhiên liên tưởng đến, rồi đính chính, làm như đã đề phòng, bênh vực Thiên Chúa. Nhưng những lời đính chính nầy cũng đã làm tổn thương sự đơn sơ vâng phục. Thế là Satan trắng trợn quả quyết : “ Chẳng chết chóc gì đâu…” một bước lớn trong quá trình quyến rũ. Thế là, nó để mặc cho người nữ phân vân nghi hoặc.

Không chống lại được cám dỗ thì tất yếu phải sa ngã phạm tội. Trình thuật tiếp nối với cuộc đối thoại tay ba giữa Thiên Chúa, người Nữ, người Nam, nghe thật kỳ lạ Người nữ thèm ăn mà người nam mới là thủ phạm. Thật ra tác giả trình thuật nầy thấy vào thời bấy giờ người ta khai thác phụ nữ cũng như sự khéo léo của người bị khai thác để lấy lòng chủ nhân mình, nên đã có suy nghĩ đàn bà là kẻ đầu tiên bất trung, nhưng Thiên Chúa tỏ hết mọi sự, đâu chấp nhận kiểu chạy tội của người đàn ông.

 Chi tiết nói lên một cách mỉa mai nỗi thất vọng ê chề của con người khi có tội: thấy mình trần truồng. “Xấu hổ vì trần truồng” : ám chỉ đến xúc động giác quan ngoài ý muốn. Điều nầy chỉ sự hỗn loạn trong con người, không làm chủ được mình. Sự rạn vỡ của bản lĩnh con người. Xấu hổ, diễn tả sự đảo lộn trật tự đó. Con người thay vì biết điều thiện, điều ác, như các vị thần, chỉ còn biết điều ác. Bi đát hơn, trốn vào cây cối để tránh Thiên Chúa, được coi là  lý tưởng đạt cho kỳ được. Tan tành các phấn khởi muốn làm nên một thần linh.

Trình thuật tả cảnh cuộc phán xét là cách nói lên thân phận kiếp người lầm than khi ra khỏi ân nghĩa Thiên Chúa: gánh nặng lao động, mối tương quan vợ chồng theo kiểu thống trị ( Adam dặt tên cho vợ ) sinh hạ và dưỡng dục …Nhưng liền sau các phán quyết đó, trình thuật liền cho thấy  niềm hy vọng của chiến thắng sự ác một lần dứt khoát. Đây chính là nguồn động lực khích lệ con người xuyên suốt lịch sử Sách Thánh. Đây cũng chính là niềm hy vọng khiến chúng ta tỉnh thức, khi đâu đâu cũng thấy những cái ác, cái thất vọng hoặc cái ru ngủ chúng ta, hoành hành.

Đến đây, các anh chị, các bạn lại thắc mắc: vậy thì tội nguyên tổ hay tội tổ tông là gì, khi tường thuật từ sách Sáng Thế chỉ nói lên như một trực giác, có thể hiểu điều nầy được không ?

Thú thật, tất cả chúng tôi, đều trãi qua thắc mắc nầy. Khi còn là trẻ con, chúng tôi cũng tin một cách xác tín và đơn sơ rằng, quả thật tội nầy ta mắc phải là tại ông Ađam đã dại đột nghe lời bà Eva, xơi ngay trái Cấm khiến Thiên Chúa nổi giận,làm án trên suốt con cháu ông bà. Hiện nay, nhiều người đạo gốc, vẫn còn suy nghĩ ấu trĩ như vậy. Tuổi tác ngày càng cao, nhưng căn bản lòng tin vẫn không trưởng thành, không quan tâm học hỏi để phát triển, bằng lòng với những kiến thức được trang bị cho trẻ em.

Như thế, nguyên tội phải hiểu như thế nào mà mỗi người đều vướng? Phải nói ngay rằng các nhân vật trong sách Sáng Thế cũng như con rắn là do tác giả vay mượn từ thần thoại cổ, mà thần thoại là các mãnh vỡ còn lại của thông điệp cổ nhân muốn truyền lại. Bài học đó ở đây là tất cả chúng ta đều sa ngã, kẻ nặng người nhẹ, tất cả chúng ta đều bất trung với Thiên Chúa. Nhìn ngắm các sự kiện trong lịch sử, đặc biệt trong lịch sử Israel, có thể hiểu ngay ra rằng: tội lỗi chúng ta không phải là tội lỗi một cá nhân riêng lẻ. Mỗi người trong chúng ta ngay từ lúc chưa lọt lòng mẹ đã dầm mình trong một thế giới bạo lực: người chung quanh, văn hóa, các kinh nghiệm đầu đời đều dạy cho chúng ta biết tội là gì. Dùng theo ngôn ngữ tâm phân học thì chúng ta nhiễm tội từ vô thức tập thể.

Câu chuyện nguyên tổ sa ngã nói lên thực trạng chung nhất nơi con người, muốn tự mình phán quyết điều lành dữ, nhân danh điều tốt, điều thiện. Làm người, ai cũng vướng vào nguyên tội là vậy.

Cũng phải nói rằng, sự dữ xuất hiện từ thời gian cụ thể trong lịch sử là sự kiện không ai biết, nhưng hậu quả tràn lan của nó, đã không còn là vấn đề phải nghi ngờ. Sáng Thế cho ta thấy một thứ trực giác từ biến cố đau thương nầy, biến cố làm thay đổi hẳn cuộc sống con người, phải đau đớn, gian truân như kinh nghiệm mà mỗi người trong chúng ta đã trãi. Kinh nghiệm nầy chúng ta nhận ra trong tất cả mọi hình thái của sự dữ đang  hoành hành làm cho cuộc sống băng hoại đi, không phải chỉ một lần trong dòng thời gian, nhưng tiếp tục mỗi ngày : Hận thù, chiến tranh, ghen ghét, gian dối, lừa đảo … đè nặng  lên cuộc sống nhân loại. Thế đấy, nguyên tội là cách nói tính chất tội gốc do con người muốn tự tại, muốn tự mình phán xét mọi sự dù mình là “Không” trước mặt Thiên Chúa.

2.4 Lời hứa cứu độ.

Thật ra, nguyên tội là mặt khác của ơn cứu độ, chẳng thế mà trong Công Bố Phục Sinh đã gọi lại tội hồng phúc đó sao? Con người vô phương thoát khỏi ách thống trị của Satan, thủ lãnh của sự dữ, nếu không được ơn hòa giải với Thiên Chúa. Trình thuật cho thấy hé rạng một tia hy vọng chiến thắng về phía loài người  “Dòng giống nó sẽ đạp đầu ngươi ”, dấu chỉ Đức Mêsia Yêsu sau nầy. Thiên Chúa đã đi trước một bước, trong tiến trình giải cứu chúng ta, nhờ Đức Yêsu Kitô. Nguyên tội chỉ có thể hiểu được nhờ ánh sáng Tin Mừng. Có thể mượn hình ảnh nầy để hình dung : chúng ta ở trong bóng tối nhưng không biết mình trong bóng tối, chỉ khi có ánh sáng (ơn Cứu Độ), chúng ta mới nhận thấy mình đang ở trong bóng tối. Thiên Chúa bẽ gãy mưu toan của tên ác thần bằng cách cho Con Một xuống trần, vào một vị thế cùng tận nhất của nhân loại để rồi từ đó “ Kéo tất cả lên với người  ” (Ga 12,32 ).

Để hiểu được, Lời hứa cứu độ từ đâu, mong các anh chị kiên nhẫn theo dõi tiếp đến phần các ngôn sứ, sẽ có cái nhìn phản hồi lại trình thuật nầy. ( trình thuật nầy được biên tập lại vào khoản thế kỷ  thứ 8 đến thế kỷ thứ 6 trước công nguyên, dưới ảnh hưởng các ngôn sứ, là người được mặc khải tuyên Lời Thiên Chúa). Chúng ta sẽ cùng theo dõi trong các chương kế tiếp.

3.HẬU QUẢ NGUYÊN TỘI.

3.1. Đổ vỡ trong bản lĩnh con người.

           “ Xấu hổ vì trần truồng” là cụm từ diễn tả sự băng hoại tự bản lĩnh con người. Con người không còn làm chủ được bản năng và để thú tính bắt đầu chi phối. Hình tượng ngây thơ trong trắng nhường chổ cho lăng kính cầm thú. Sự hài hòa, làm chủ bản thân và thiên nhiên được thay thế cho thất vọng về chính bản thân.

3.2. Đổ vỡ trong mối quan hệ vợ chồng.

        Còn đâu “ Xương nầy bởi xương tôi, thịt nầy bởi thịt tôi”. Thay vào đó là sự đổ vạ và lăng nhục : “ Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con ăn trái cây ấy…” Tội lỗi không làm con người hợp nhất, dù là đồng phạm. Chính cái Tôi không chấp nhận mình tội lỗi, đổ thừa cho kẻ khác. Thiên Chúa cũng bị coi là tác nhân gây nên. Mối quan hệ yêu mến thâm tình biến thành tương quan quyền lưc. Adam đặt tên cho vợ cho thấy sự bình đẳng đã mất.

           Mối tương quan bình đẳng, yêu thương nầy chỉ được tái tạo lại khi Chúa Kitô đến, đặc biệt trong bí tích hôn nhân Công Giáo.

3.3. Đổ vỡ trong gia đình, quyến thuộc. Cain – Abel ( St 4, 1-16)
       
Thoạt đầu, câu chuyện Cain và Abel cũng là một câu chuyện không ăn nhập gì với Adam và Eva nhưng được biên tập lại để nói lên một ý nghĩa khác. Trình thuật cho thấy: bạo lực là nhân tố quyết định của lịch sử loài người. Gốc rễ của bạo lực nằm ngay trong thâm tâm con người ( St 4,7 ) và Thiên Chúa, Đấng thi hành công lý, chống lại thứ công lý trả đũa bạo lực nầy ( St 4,15

Anh em không dung nhau dù được cảnh báo. Hậu quả nguyên tội nhanh chóng lan tràn và sức hủy diệt nó ngày càng mãnh liệt. Sự trầm trọng thể hiện nơi sâu thẳm con người, không từ thủ đoạn. Trình thuật nầy gợi nên con người cần Đấng Cứu độ như thế nào. Nói như Phaolô, cái tốt đẹp biết vẫn không làm, cái xấu biết nhưng lại làm, là thế.

3.4. Đổ vỡ trên toàn nhân loại. Lụt hồng thủy. ( st 6,5-21; 7,1-23; 8, 1-22)

Phải nói ngay cơn hồng thủy đã để lại một dấu ấn mạnh mẽ trong ký ức nhân loại và nó xuất hiện gần như trong thần thoại của các nền văn minh nhân loại, từ dân tộc nầy sang dân tộc khác. Chúng ta không đề cập đến sử tính của nó, trình thuật nầy muốn nói với chúng ta điều gì ?

Khi nguyên tội là căn bản, mối tương quan xã hội tràn ngập tội lỗi. Sáng Thế trình bày Thiên Chúa nhìn xuống trần gian và thấy: Nếu con người làm được điều gì, thì đó là tội lỗi. Con người cần được tẩy luyện để trở nên trong sạch, Thiên Chúa sẽ thực hiện ý định Cứu Độ của Ngài.

Cơn hồng thủy là ẩn dụ của bí tích thanh tẩy ngày nay. Nước của Thần Khí tuôn đổ để xóa bỏ tất cả tội lỗi, thánh hóa, biến con người nên trong sạch trong ơn nghĩa Thiên Chúa. Theo một nghĩa nào đó, chiếc tàu ông Noê, chính là Hội Thánh ngày nay. Chúng ta gia nhập vào nhờ lòng tin và bí tích thanh tẩy, được Chúa Yêsu Kitô là Noê mới tiếp nhận. Sau đó, không phải chỉ co rút trong lòng Hội Thánh nhưng còn có sứ vụ cứu độ thế gian, xây dựng thế giới mới trong đó Thiên Chúa hiển trị là ý nghĩa của đoạn trình thuật nầy vậy.

3.5.  nguyên tội : Bản chất con người. Tháp Babel.( St 11,1-9)

Trình thuật nầy cũng lấy một phần huyền thoại của Babel (babylon cổ) là thủ đô nổi tiếng một thời với các dinh thự bằng gạch nung và các tòa tháp bị bỏ dở dang một cách kỳ lạ. Huyền thoại Babylon cho rằng các thần sợ hãi khi bị loài người ngạo nghễ   (Lại kiêu ngạo, không phải tội nguyên tổ nầy chỉ được nói đến trong Sáng Thế mà còn bàng bạc trong kho tàng văn minh nhân loại )  đe dọa ngay trong nơi cư ngụ của các vị thần. Thế nhưng đâu là ý nghĩa mà soạn tác muốn nói đến ?

Chắc chắn là Thiên Chúa không ngại con người xâm phạm nơi ở như các thần linh Babylon, mà xuất chiêu làm con người không còn hiểu ngôn ngữ của nhau, đành chia tay tản mác theo từng nhóm ngôn ngữ. Trong quá trình phát triển, con người khám phá ra những kỹ thuật mới và dần đưa đến tham vọng quyền bính tập trung trong tay, tham vọng thống trị, chống lại các mối đe dọa cũng như rũi ro. Đó là nội lực của các đế quốc từng xãy ra từ cổ chí kim, huy động sức người sức của hòng duy trì phát triển tham vọng của thiểu số thống trị. Tất cả sẽ bị tan vỡ.

Tội lỗi không làm nhân loại đoàn kết, là điều khẳng định. Chính nguyên tội là tội gốc muốn mọi người suy tôn thần phục mình, là lý do con người chia rẻ, chẳng ai phục ai. Một trình thuật mang tính dụ ngôn tuyệt hảo.
 Duy nhất chỉ một mình Thiên Chúa quy tụ chúng ta lại : Khi Thánh Thần ngự vào tâm hồn các tín hữu trong lễ Ngũ Tuần (Cv 2) thì Ngài làm cho họ hiểu được nhau trong ngôn ngữ độc nhất của tình yêu. Sẽ chỉ còn một dân duy nhất là Hội Thánh .

4 . THỰC HIỆN LỜI HỨA : TỪ ABRAHAM ĐẾN YUSE .

4.1 Thiên Chúa kêu gọi Abraham. ( St 12,1-9 )

Mở đầu cho đoạn trình thuật nầy, chúng ta lại thấy câu : “Thiên chúa phán…”  Xem lại trong sách Sáng Thế, chúng ta thấy Thiên Chúa có ba lời phán :

Lời phán thứ nhất, (chương 1): Đó là lời phán tạo dựng. Lờì Ngài sáng tạo vũ trụ với các định luật tự nhiên của nó và vũ trụ không ngừng tùy thuộc vào Ngài. Thiên Chúa đã đặt để cho nó hầu như tự điều khiển, nhưng không phải tất cả Ngài đã ấn định ngay từ đầu và tự buộc mình, dù muốn dù không. Hoàn toàn không phải như thế nhưng nên hiểu như trong Tin Mừng Yoan : “ Cho đến nay Cha tôi vẫn làm việc ” (Ga 5,17) Thiên Chúa không ngừng bộc lộ chính mình qua các công trình Ngài thực hiện và tạo thành vẫn đang được tiếp tục .

Lời phán thứ hai (chương 9 ) cho ông Noê cũng mang nhiều ý nghĩa. Ngài đã thiết lập một giao ước với mọi dân tộc vì tất cả đều là dòng dõi của Noê . Thiên Chúa giáng phúc cho họ qua con đường cứu độ và họ sẽ gặp con đường nầy qua 1001 nền văn hóa và tôn giáo của họ ( Cv 17,27 ) Điều nầy thể hiện khi Lời hoặc sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa tự lộ diện trong cuộc tìm kiếm khôn ngoan của họ. Thế nhưng, khi trao phó kho tàng vũ trụ cho nhân loại ngày càng lý trí hơn thì Thiên Chúa vẫn chưa lộ ra điều lạ lùng đó là một tình yêu năng động với các sáng kiến mà chỉ mình Ngài mới hiểu. Như thế, Ngài kêu gọi những con người, nhóm người cùng sống với Ngài trong một lịch sử  độc đáo và thường trái ngược với các kinh nghiệm chung. Đó là nội dung lời phán thứ hai.

Lời phán thứ ba (chương 12 ) với lời gọi Abraham khởi đầu cho một dân của Thiên Chúa, khác với các dân khác, giữa những người được chọn và không được chọn đôi khi làm cho lương tâm nhiều Kitô hữu cảm thấy khó chịu. Câu chuyện về sau của Êsau và Giacóp là một thí dụ .Chúng ta sẽ phải nhận thấy tính chất độc đáo nơi ơn gọi của mỗi một người. Tất cả hoạt động trong thánh sử đều là sáng kiến của Thiên Chúa và do Ngài điều khiển:

 “ Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi, Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn,  sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ làm cho tên tuổi ngươi được lừng lẫy, và ngươi sẽ là một mối chúc lành. Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc ngươi. Ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rũa. Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc .

Trong trình thuật nầy, chúng ta rút ra được những gì ?

Dân Thiên Chúa được bắt đầu với Abraham. Ý định cứu rỗi của Thiên Chúa trên nhân loại được xác định rõ rệt: Ngài chọn 1 dòng dõi, chính với dòng dõi đó Thiên Chúa dấn mình vào lịch sử. Ơn thiên triệu Abraham phản ảnh :

- Thiên Chúa chọn Abraham, tương phản với muôn dân đông đảo: Hoạt động trong thánh sử là do Thiên Chúa điều khiển.
- Lời Thiên Chúa đòi hỏi cắt đứt với mọi dây liên lạc tự nhiên: Ngài kể tỉ mỉ những điều phải từ bỏ. Ngài biết khó khăn của sự đòi hỏi nầy, yêu cầu mọi việc phó thác cho Ngài đẫn dắt. Đích hành trình sẽ được trỏ cho biết : Hãy dựa vào Ngài.

Thánh sử dựa trên Lời Thiên Chúa can thiệp, định đoạt ( Tv 39,13)

4.1.1 Abraham : Người lĩnh nhận Lời Hứa.

Thiên Chúa ban cho Abraham điều mà người ta cố sức đoạt lấy không thành ( ám chỉ Babel). Lời Hứa không chỉ dành cho ông và huyết thống, nhưng còn là sự chúc lành đại đồng.

-                             Trình thuật diễn tả việc lĩnh nhận bằng hình thức chúc lành.
-                             Lời chúc lành đó là nguồn gốc cho đạo lý về Mêsia, Đấng Cứu Độ, được thực hiện theo từng giai đoạn liên lạc chặt chẽ với nhau, bật nên sự trung tín nhưng không của Thiên Chúa
-                             Lời Hứa gồm 3 điều : *  Đất đai phì nhiêu
* Dòng dõi đông đúc
* Số mệnh nhân loại.

4.1.2       Abraham : Cha các kẻ tin, Tổ phụ lòng tin tiên khởi.

-                             Tuân thủ lệnh ra đi đến nơi bất định khi tuổi đã xế chiều.

Tính tuyệt đối của đức tin Abraham nơi Thiên Chúa trái ngược với những bảo đảm theo tiêu chuẩn loài người. Lời Thiên Chúa đến đòi hỏi phải cắt đứt với mọi dây liên lạc tự nhiên. Thiên Chúa kể tỉ mỉ các điều cần từ bỏ. Ngài biết khó khăn của từ bỏ đó. Abraham từ bỏ mọi thứ ông thụ đắc để phó thác cho Thiên Chúa hướng dẫn. Đích của cuộc hành trình cũng vô định : “ …đi tới đất mà Ta sẽ chỉ cho ngươi”. Thiên Chúa yêu cầu trông cậy tuyệt đối vào Ngài, không phân vân e ngại. Chính vì Tin vào Ngài, Lời Hứa nên hiện thực cũng như dấu lạ sẽ xãy ra cho kẻ tin sau nầy.

-                             Sẵn sàng hy sinh Isaac.

Abraham hẳn phải khổ tâm khi nghe 1 yêu cầu tưởng chừng phi lý: Sát tế đứa con huyết thống của mình. Tuy nhiên, lòng tin của Abraham vào Thiên Chúa không phải là lĩnh nhận 1 đạo lý khôn ngoan, bảo đảm, an toàn cho cuộc sống. Lòng tin Abraham đáp ứng với một ơn gọi : Tế nhận và chịu lấy sáng kiến của Thiên Chúa. Người Thiên Chúa chọn không ngụy biện, lấy sự khôn ngoan của con người để lấn át sự đòi hỏi của Thiên Chúa. Đó là lòng tin kiểu mẫu. Tất cả những ai đón nhận ý định Thiên Chúa như thế, chính là dòng dõi Abraham. Dòng dõi theo Lời Hứa của Thiên Chúa chứ không phải theo huyết thống. Ơn Cứu độ Thiên Chúa dạm hứa cho toàn nhân loại là thế.

4.2. ISMAEL – ISSAC .

Thiên Chúa, luôn trung thành với giao ước, chọn đúng thời điểm thích hợp, để thực thi ý Ngài. Con người chúng ta thường lo lắng vượt quá khả năng mình rồi hay tìm biện pháp để đạt cho được. Có lẽ câu chuyện bà Sarah, vợ của Abraham, là một thí dụ điển hình. Thấy mình đã có tuổi mà cả hai ông bà vẫn không con nối dõi, bà chủ động cho người hầu nữ Hagar chung đụng với chồng, như tục lệ thời bấy giờ. Kết quả là cậu bé Ismael ra đời. Ông tổ của người Arab ngày nay.

Tuy nhiên, con huyết thống không phải là con Lời Hứa và Thiên Chúa chọn lựa người thừa kế Ơn Cứu Độ theo ý định thẳm sâu của Ngài. Khi đến thời điểm thích hợp, Thiên Chúa đã cho Abraham người con do chính Sarah sinh ra, đứa con được chọn  theo lời hứa, được đặt tên là Isaac.

Isaac là dung mạo không nổi bật trong truyền thống Kinh Thánh lắm. Ông là gạch nối giữa Abraham – Giacóp, chỉ sự trung tín liên tục của Thiên Chúa trong quá trình thực hiên Lời Hứa.

4.2       Dung mạo Giacóp.

          Giacóp, điển hình cho dân Thiên Chúa chọn, như Abraham. Tuy nhiên, nơi Abraham  mọi trình thuật về ơn gọi vẫn chưa thể hiện hết ý định Thiên Chúa. Giacóp, phương thức được chọn xác định rõ hơn :

-                             Gốc của Israel xuất phát từ 12 người con của Giacóp (St 35, 23-26). Kể từ đây, con số 12 nầy luôn biểu trưng cho toàn thể dân Chúa thời Cựu Ước, cũng như  12 tông đồ sau nầy là trụ cột cho một dân được tái tạo mới trong Thần Khí.

-                             Thiên Chúa cho biết sự tự do lựa chọn của Ngài. Chọn con thứ, bỏ con cả. Ơn Thiên Chúa không nhất thiết phải theo lẽ tự nhiên hay suy đoán thường tình của con người. ( Cain- Abel, Ismael-Isaac, Êsau-Giacop… và còn nhiều trong diễn trình lịch sử cứu độ nữa)

-                             Sự lựa chọn của Thiên Chúa diễn ra trong hoàn cảnh không lấy gì làm gương mẫu của thường nhân : Giacóp, kẻ gạt gẫm, láu cá ( St 25; 26;27;36) ngay từ lúc sinh ra. Trình thuật cho thấy tội lỗi loài người không cản trở được Thiên Chúa trong ý định của Ngài. Một cách bí nhiệm, Thiên Chúa còn sử dụng cả sự  khiếm khuyết tội lỗi để thực hiện ý định.

-                             Vừa chống nghịch , vừa là công cụ của Thiên Chúa, Giacóp bịp bợm đã kết nối Thiên Chúa cách lạ kỳ, hầu như luôn đọ sức cùng Thiên Chúa. Chính vì thế Giacóp có tên mới: Israel.

Giacóp tiêu biểu cho dân Thiên Chúa chọn.( Dnl 32, 28 ; Is 65,9). Tội lỗi và Lời Hứa luôn kèm theo ơn được gọi. Con người được Thiên Chúa dạm ban ân sủng trong sự bất toàn của mình mà Giacóp là biểu trưng đó.

4.3        Mười hai chi tộc.

Mười hai chi tộc, thành phần của giao hiếu thánh, coi như phát sinh từ 12 người con của Giacop. Hai bộ tộc liên minh với nhau tạo nên mối liên lạc máu huyết giả tạo, coi nhau như anh em. Giao hiếu nầy không chỉ riêng cho người Tiểu Á mà còn phổ biến trong các xã hội khác, ngay tại Việt Nam.

Trên khía cạnh lịch sử, không phải tất cả 12 chi tộc nầy đều di cư xuống Ai Cập để rồi sau nầy làm cuộc xuất hành tiến về Đất Hứa. Có nhiều bộ tộc sống rãi rác, hoạt động bán du muc… chẳng thế mà sau nầy Moshe trốn sang Madian để ngụ cư nơi nhà người đồng chủng.

Phải nói mười hai chi tộc nầy được hình thành cách lỏng lẽo và chỉ bắt đầu với cuộc tiến chiếm dần Canaan trong thời gian 300 năm. Tuy nhiên, lịch sử Cứu Độ trình bày cho chúng ta mặc khải cứu độ được hình thành qua từng giai đoạn và Thiên Chúa trung tín với Lời Hứa của Ngài với các tổ phụ tiên khởi.

Số 12 không chỉ có trong  trong Israel mà còn nơi các bộ tộc khác, sách Sáng Thế cũng đã đề cập. Đây là con số mang tính chất tôn giáo: liên minh để duy trì sung bái tại 1 đền thờ trung ương. Địa điểm thờ phượng, đền thờ trung ương là mối liên kết các bộ tộc. Thời du mục là các trướng cung di động, có lúc tại Sichem, lúc tại Gilgal, Bethel. Với cuộc định cư tại Canan, Yêrusalem trở thành Đền thờ trung ương và đi vào lịch sử Dân Thiên Chúa.

5.      CHÂN DUNG VỊ CƯU TINH ( St 37-50)

Trong 13 chương nầy, trình thuật giải thích cho việc di dân sang Ai Cập làm tiền đề cho cuộc Xuất hành của Israel 500 năm sau. Giacop sang Ai Cập, người lĩnh Lời Hứa và những ai ở cùng ông, trở thành tâm điểm của trình thuật. Những chương nầy cho thấy dung mạo sơ khởi của vị cứu tinh qua câu chuyện cảm động của Yuse.

Yuse, con yêu của Giacop và Rachel, là cậu con ngoan và có biệt tài đoán mộng. ( đừng vin vào các trình thuật nầy để biện minh cho việc xem bói toán, chiêm tinh, giải mộng). Trình thuật nầy soạn giả muốn đề cập đến sự quan phòng của Thiên Chúa cũng như ơn gọi ngôn sứ.

Tất cả mọi biến cố trong cuộc đời, đều là công cụ để thực hiện Ý Định Cứu Độ của Thiên Chúa, bất chấp những mưu đồ bất chính. Điển hình là cuộc đời Yuse. Cuộc mưu hại vì ganh ghét của anh em trong gia đình, sự vu khống vì không chấp nhận thỏa mãn thói trăng hoa của bà chủ, bị bạn đồng cảnh ngộ lãng quên, tất cả không qua được ý định của Thiên Chúa trên người tôi trung.

Câu chuyện Yuse là chân dung đầu tiên được phác thảo của Vị Cứu Tinh: Có những người bị anh em bách hại, trở thành nguồn Cứu Độ của anh em mình. Nếu Yuse không nếm trãi những thử thách cay đắng, ông làm sao có thể cứu giúp anh em thân tộc và dân chúng đói khổ? Cũng thế, theo Ý Định Cứu Độ của Đức Chúa, Chúa Yêsu không nhập thể, chịu khổ nạn và phục sinh, làm sao con người được giải thoát, được sống và sống dồi dào trong ân nghĩa Thiên Chúa?

No comments: