[ Lc 18,9-14 ]
Nếu có ai phác họa chân dung, biếm họa tài tình thì phải kể đến Đức Yêsu.
Chỉ bằng vài câu, Ngài đã làm rõ nét trước mắt thiên hạ hai mẫu người, hai thái độ không riêng ngày xưa mà cả hôm nay và muôn thuở.
Người biệt phái và người thu thuế. Bà Dòng Ba và cô gái tốt nghiệp trường phục hồi nhân phẩm. Ông hội đồng giáo xứ và chàng nghiệp đoàn rối vợ. Hoặc nơi từng con người một vẫn sẵn cả một ngài biệt phái lăm le đứng dậy lẫn một anh thu thuế mon men đâu đó. Nhãn hiệu nào cũng đều có thể được, nhưng cốt lõi vẫn là hai thái độ tiêu biểu của con người trước Thiên Chúa.
Thái độ với Thiên Chúa mới là chính yếu, có tính cách định đoạt. Đã đành Chúa Yêsu nói lên ví dụ là “với những kẻ khinh miệt khác”. Nhưng chính vì những kẻ ấy “tự tin mình la công chính” mà, như người biệt phái trong ví dụ, tự mãn cả trước Thiên Chúa, khinh miệt kẻ khác cả khi đứng trước Thiên Chúa và lấy đạo đức của mình làm vốn liếng để tính sổ với cả Thiên Chúa.
Nơi người biệt phái có gì đó trầm trọng, sâu xa hơn chỉ một trò ba hoa khoe khoét trên lưng người khác. Thói khoe khoang xét cho cùng chỉ đáng Thiên Chúa mỉm cười, bẹo tai mấy cái hay để cho cuộc sống tạt vài gáo nước lạnh vào mặt cho tỉnh táo trở lại là đủ lắm rồi, không đáng Thiên Chúa phải lên án nghiêm khắc. Như khi Phêrô ba hoa nhất thế giới ngay trong đêm cuối cùng sống với Thầy và trước khi “đến một cái trại có tên là Ghetsemani” (Mc 14,27-32). Nhưng nơi người biệt phái lại là một thế đứng, một cách xử xự thế nào đó đối với chính Thiên Chúa. Cũng như nơi người thu thuế, không phải chỉ có chuyện “đứng lẻn đàng xa”, sau lưng hay khuất mắt kẻ khác, mà là một cách nhận thức về mình trước mặt Thiên Chúa, trình diện với Ngài.
1. Trước tiên là người biệt phái. Người biệt phái không nhất thiết là “biệt phái giả hình” (Mt 23,13-32). Sách công vụ Tông đồ ghi ơn “một người biệt phái tên là Gamaliel, luật sĩ được toàn dân ngưỡng mộ” đã “ đứng dậy giữa công nghị” biện hộ một cách chí lý cho các tông đồ đang bị bắt giam. Còn thánh Phaolô thì từng tự hào là đã “sống theo lề luật như biệt phái” (Pl 3, 5) và hẳn cũng vì đã là Biệt phái mà “trong đạo Do Thái, đã vượt xa lắm bạn đồng trang trong dân tộc mình, và rất nhiệt thành với các truyền thống cha ông” (Gl 1,14). Người biệt phái thường kình chống Chúa Yêsu, người biệt phái thường bị Ngài chê trách thì cũng không hẳn vì họ giả hình, chỉ có vỏ mà không có ruột. Nhưng chủ yếu là vì họ có ruột thực sự mà lại coi cái ruột của họ to quá, để cho cái ruột của họ choán hết tầm mắt của họ, khiến họ không còn thấy được tha nhân buồn vui thế nào, không còn thấy được Thiên Chúa làm gì cho họ.
“Người biệt phái đừng riêng ra mà cầu nguyện một mình thế này: Lạy Thiên Chúa, tôi đội ơn Người, vì tôi không phải như những người khác, gian tham, bất lương, ngoại tình, hay như tên thu thuế kia”.
Đứng mà cầu nguyện và đưa hai tay lên là cách thông thường. Ngày nay trong một vài nhà thờ không có “bàn quỳ”, chỉ có thể đứng thì cũng tốt thôi nếu không phải là còn tốt và nghiêm trọng hơn gọi là quỳ mà thực tế chỉ là… nằm dựa quá thoải mái vào “bàn quỳ”.
Người biệt phái lại biết cầu nguyện theo hình thức tốt đẹp nhất: không xin ơn cầu lợi mà “đội ơn”. Cầu nguyện một mình một cõi, đứng trước Thiên Chúa, y đâu dám khoác lác: y phải thực sự không gian tham, bất lương, ngoại tình. Y càng nghiêm chỉnh khi báo cáo thành tích: “Mỗi tuần tôi ăn chay hai lần, tôi ộp thuế thập phân về hết mọi vật tôi mua”. Những thánh tích vừa có thật vừa vượt chỉ tiêu. Giữ chay theo kiểu người Do Thái không như người Công Giáo bây giờ: phải nhịn cả ăn lẫn uống từ tảng sáng đến tối xuống (Hồi Giáo hiện giờ vẫn còn giữ chay Ramadan như vậy). Mà lại là chuyện không bắt buộc, chỉ tự nguyện làm: không phải để đền tội y làm gì có tội, mà chỉ đền tội thay toàn dân. Còn thuế thập phân là 1/10 hoa lợi mà người Do Thái phải cúng vào đền thờ. Bình thưởng chì người bán có lời mới nộp thuế ấy. Đằng này người biệt phái lại nộp thuế “về hết mọi vật mình mua” là để phòng ngừa trường hợp người bán trốn thuế! Tuân giữ lề luật kỹ và chu đáo đến vậy là cùng!
Người biệt phái này đúng là không thuộc loại “giả hình”. Y giữ lề luật quá kỹ nhưng y còn ý thức và nhớ kỹ hơn nữa những gì y đã làm, những gì y đã cho, tất cả những công trạng của y. Nhớ kỹ và ý thức đến nỗi không còn kể gì, biết gì đến những gì Thiên Chúa đã làm, đã cho. Đành rằng y đã bắt đầu lời cầu nguyện bằng hai tiếng “đội ơn” rất phải phép và lễ độ. Nhưng nếu có sự giả hình thì chính ở cái sự lễ độ và phải phép ấy.
Không hẳn y đã coi trời bằng vung nhưng y đã để cho cái vung thành tích, công trạng của y che lấp luôn cả trời ơn huệ của Thiên Chúa. Y chỉ thấy có chay mỗi tuần hai lần, có thuế thập phân về cả những gì y đã mua. Đã vào hội đoàn nọ, hội đoàn kia. Đã đi hành hương La Vang, Trà Kiệu, xa và xưa thì Lộ Đức,
Y quên mất rằng sống lòng tin như Abraham là trước tiên nhìn nhận và đón nhận sáng kiến và bước đi trước diệu kỳ của Thiên Chúa, Đấng Toàn Năng, Đấng Chí Thánh đã luôn luôn là Đấng Khởi Xướng, đã yêu thương chúng ta ngay từ khi chúng ta còn là kẻ tội lỗi, đã tỏ mình ra cho chúng ta, đã cúi xuống đối với chúng ta, đã tuôn ơn huệ của Ngài tràn ngập cuộc đời chúng ta, đã làm tất cả để đưa chúng ta lên với Ngài, để khiến chúng ta trở nên con cái Ngài. Và cuối cùng, “đã yêu mến thế gian như thế, đến nỗi đã ban Con Một của mình… để nhờ Ngài mà thế gian được cứu” (Ga 3,16-17).
Người biệt phái không biết để tin và để nhờ vào Con Một của Thiên Chúa đã đành, nhưng xét cho cùng y không tin vào một Thiên Chúa và không nhờ vào cả Thiên Chúa. Y chỉ “tự tín” ở mình và trông chờ vào công nghiệp của mình. Y không cần Thiên Chúa. Trái lại, sẵn có vốn liếng của y, số ký quỹ, số tiết kiệm của y, ăn chay mỗi tuần hai lần, nộp thuế thập phân về hết mọi vật đã mua, y đến trước Thiên Chúa để chực lãnh phần lời sòng phẳng. Không cần Thiên Chúa phải cho không gì hết. Vô phúc cho y là ở chỗ đó.
Luca đưa vào đây câu “kẻ nào nhấc mình lên sẽ bị hạ xuống”. Nói cho ngay, Thiên Chúa chẳng phải mất công “hạ” ai xuống cả. Kẻ tự tín, tự mãn thì Ngài chỉ bỏ mặc họ trong sự tự tín tự mãn của họ là đủ vô phúc cho họ rồi. Với thế đứng của người biệt phái, với thứ sổ tiết kiệm là tất cả kia của y, người ta không thể ở thấp hơn, không thể khốn cùng hơn.
2. Cũng may là đằng sau người biệt phái còn có người thu thuế. Và cũng còn may cho mỗi kẻ tin là ở bề sau nào đó trong lòng dạ, bao lâu “những tiếng rên khôn tả” của Thần khí (Rm 8,27) chưa bị dập tắt ở đó, thì cũng còn là cơ hội cho lời kêu cầu của người thu thuế: “Lạy Thiên Chúa, xin khấng thương tôi là đứa tội lỗi!”
Đây là thái độ, thế đứng của con người khi đến trước Thiên Chúa thì chỉ choáng ngợp vì sự uy nghi, thánh thiện, lòng nhân từ, đại lượng của Ngài khiến là người thu thuế hay không là người thu thuế không còn có thể nghĩ gì, biết gì, nhớ gì đến những điều mình đã làm mà chỉ thấy thân phận bất xứng, nhỏ bé, nghèo nàn của mình. Thái độ không bao giờ dám đặt những gì mình gọi là làm cho Chúa lên cùng một bàn cân với những gì Chúa đã làm cho mình. Không bao giờ tự nhủ: Tôi đã giữ đạo, lập công đủ rồi, bây giờ có thể… nghỉ hưu, sống bằng lãi suất, vốn liếng đạo đức sẵn có trong khi chờ đợi vào Thiên Đàng chiếm ngon chỗ lành đã đặt sẵn trước. Người thu thuế và kẻ tin không biết đâu là giới hạn con đường yêu mến vẫn mở ra trước mắt mình. Có tội thì biết mình vô phương tự mình “đền tội”. Yêu thương như Chúa Kitô yêu thương thì cũng biết nợ nào cũng trả hết được “trừ phi là nợ yêu mến nhau”. (Rm 13,8).
“Người này xuống về nhà thì được giải án tuyên công”. Người thu thuế được công chính hóa vì chỉ biết đón nhận tất cả sự công chính từ Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Như đứa con đi hoang trở về (Lc 15: 11tt). Như người phụ nữ tội lỗi “sa nước mắt đẫm ướt chân Đức Yêsu” (Lc 7: 36tt). Người thu thuế sẽ “được nhắc lên”, vì được “cảm mến nhiều”, và lòng cảm mến, yêu thương này sẽ không thu gọn trong một công thức nào hết, sẽ vươn theo Lòng Mến vô biên của Thiên Chúa. Người thu thuế phó mặc thân phận mình trong hai cánh tay rộng mở của Thiên Chúa, để mặc tình Ngài đưa đi thật xa, đưa lên thật cao…
“Người này xuống về nhà thì được giải án tuyên công”. Không phải qua miệng một nhân vật trong các ví dụ như ở các ví dụ khác, chính Chúa Yêsu đích thân tuyên bố phán quyết của Ngài, với thẩm quyền của Ngài: Người thu thuế được công chính hóa khi ra về, “khác với người kia”. Cho nên, ở đây cũng nên chú ý tương tự như trong trường hợp ví dụ “Người cha nhân hậu”: “Tuy truyện không có một liên lạc nào với chính mình Chúa Yêsu và sự nghiệp của Ngài, lời tuyên bố của Ngài cũng đủ để cho thấy đây không phải là lời dạy dỗ siêu thời gian, trừu tượng, nhưng là lời chứng của Chúa Yêsu về chính công việc của Ngài. Chỉ có Ngài mới tỏ bày Thiên Chúa đích thực thế nào. Không liên lạc với Ngài, không có người công chính trước mặt Thiên Chúa”.
Còn hơn là sự đảo lộn “trật tự” giữa người biệt phái và người thu thuế, có lẽ chính cách Chúa Yêsu tỏ bày chân tướng, sứ mệnh và thẩm quyền của mình như thế là điều khiến những kẻ nghe Ngài nói ví dụ phải ngỡ ngàng và khó nuốt nhất. Nhưng cũng chính trong nhãn giới này, tín hữu Chúa Kitô ngày nay có thể đọc lại Thư gửi tín hữu Rôma (đặc biệt là phần trọng tâm 1: 18 – 8: 39 và đoạn chủ chốt 3: 21-26) và Thư gửi tín hữu Galat, đọc hai thư ấy của Thánh Phaolô như những lời phụ họa, diễn giải đầy đủ nhất cho ví dụ người biệt phái và người thu thuế.
3. Bản thân Thánh Phaolô đã là một minh họa. Phaolô trở lại rồi vẫn không ngại tỏ ra còn “biệt phái” theo một nghĩa nào đó hơn cả người biệt phái trong ví dụ nhưng đồng thời vẫn là “người thu thuế” hơn cả người thu thuế trong ví dụ.
Người biệt phái nào đã nhớ kỹ, nhớ đủ và tự hào về quá khứ của mình bằng Phaolô, tông đồ của Chúa? Lời lẽ người biệt phái trong ví dụ chỉ như một dấu phết phẩy so với gần hai chương trong 2 Cr (11: 5 – 12:13) vừa gọi là “vênh vang chút ít”, vừa tự nhận là “nói như nổi khùng” và Pl 3: 2-10. Sau Lc 18: 9-14 mà nhâm nhi hai đoạn ấy thì không gì thú vị bằng. Cứ thử nghe Phaolô trong 2Cr so sánh mình không phải với một người thu thuế mà với những “tông đồ thượng đẳng” nào đó:
“Những điều gì bất cứ người ta dám làm, thì thật tôi nói như nổi khùng tôi cũng dám. Họ là Hipri ư ? Tôi cũng thế. Họ là
Ở Ph 3: 2-10, Phaolô còn nói “nói như nổi khùng” hơn nữa. “Hãy coi chừng những quân chó má; hãy coi chừng hạng thợ bất lương; hãy coi chừng những người thiếu hụt!” Và những điểm trong 2 Cr, Phaolô chỉ bảo là “không thua gì ai” thì ở đây lại cũng ‘hơn’ thiên hạ luôn: “Nếu ai khác tưởng mình ỷ thị được nơi xác thịt, thì huống hồ là tôi: chịu cắt bì đúng tám ngày, thuộc dòng giống Irael, họ Benyamin; Hipri sinh bởi Hipri; sống theo lề luật như biệt phái; nhiệt thành đến nỗi bắt bớ Hội Thánh; chiếu theo đức công chính trong lề luật thì thực vô phương trách cứ!”. Tóm lại cũng là Hipri, người Do Thái, dòng giống Abraham nhưng không như ai mà thuộc loại nguyên chất, chính hiệu: siêu.
Quả là Thánh Phaolô vênh vang cũng “hơn gấp mấy” người biệt phái của ví dụ. Thế mà lại tuyệt đối không như người biệt phái. Ngài không vênh vang trước mặt Chúa mà chỉ vênh vang với những kẻ vênh vang. Vênh vang một cách bất đắc dĩ nhưng không ngại vênh vang mà “nói không đúng theo tinh thần của Chúa, nhưng như thể đang lúc nổi khùng bởi cầm chắc như thể mình cũng có lý mà vênh vang” (2Cr
Phaolô không vênh vang trước mặt Chúa. Trái lại! Tất cả “những điều kể như lợi lộc cho tôi đó, tôi đã coi là thua lỗ, bất lợi vì Đức Kitô…, vì cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Yêsu Kitô, Chúa tôi. Vì Ngài, tôi đành thua lỗ mọi sự, và coi là phân bón tất cả để lợi được Đức Kitô và được thuộc về Ngài, không có sự công chính của riêng tôi, sự công chính nại vào lề luật, song là sự công chính nhờ lòng tin vào Đức Kitô…” (Ph 3,7-10. Đoạn này có thể coi như kết tinh của Rm và Gl nói trên). Do đó, ngay cả trước mặt người đời, ngoài sự vênh vang đột xuất, bất đắc dĩ và “như khùng” kia, Phaolô chỉ có một niềm tự hào duy nhất và bất biến, bất diệt là tự hào “trong Đức Kitô Yêsu” (Ph 3: 3) và “nếu phải vinh vang, thì tôi sẽ vinh vang về các nỗi yếu đuối của tôi… để quyền năng của Đức Kitô sẽ đậu lại trên tôi”(2Cr11:30-12,10).
Thánh Phaolô quả vẫn là “người thu thuế” hơn cả người thu thuế trong ví dụ. Trường hợp của ngài càng cho thấy rõ thế nào là sự khiêm tốn Kitô giáo đích thực. Không phải là mặc cảm tội lỗi (“chiếu theo đức công chính trong lề luật thì thực vô phương trách cứ”, thậm chí “nhiệt thành đến nỗi… bắt bớ Hội Thánh!”). Không phải là mặc cảm tự ti (“cũng dám, cũng thế…còn hơn gấp mấy”). Càng không phải là thái độ “chịu vậy”, đầu hàng, nhường nhịn kiểu nhường luôn cả chiên cho sói (Phaolô khi chứ đến lúc phải “thí mạng sống mình vì chiên” (Ga
Ngay cả người thu thuế trong ví dụ đâu phải cứ phải cúi gầm mãi mặt xuống mà đi giữa đời, đâu cứ phải “đứng lẻ đàng xa” mãi mỗi khi lên đền thờ? Trước sau gì thì hắn cũng phải biết thôi: hắn chỉ dám mong được trở về như tôi tớ, nhưng cha hắn đã đón nhận hắn tưng bừng. Hắn có quyền và phải trút bỏ hết mọi thứ mặc cảm để đáp lại lòng thương thăng hoa của cha hắn. Hắn có thể ngẩng đầu lên mà đi giữa cuộc đời. Hắn có thể ca hát, nhảy mừng ngay trong nhà cha hắn.
Còn hơn cả Thánh Phaolô, lòng tin của Hội Thánh từ thuở ban đầu đã bắt đúng nhịp khiêm tốn mà tự hào, tự hào mà khiêm tốn kia. Lời nguyện cầu tối hảo của Hội Thánh không phải là tiếng kêu của người thu thuế trong ví dụ, nhưng là lời ca Magnificat:
Hồn tôi tôn dương Chúa
Và thần khí tôi nhảy mừng Thiên Chúa, Cứu Chúa của tôi
Vì Người đã đoái nhìn thân phận mọn hèn tớ nữ của Người,
Này từ đầy, mọi đời sẽ khen tôi có phúc,
Vì Đấng Quyền Năng đã làm cho tôi những điều cao cả…
Nguyễn Ngọc Lan
2002
No comments:
Post a Comment