“Loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó”
Đến đây mới có thể gặp lại chính bối cảnh và ý nghĩa đầu tiên của ví dụ: vẫn là liên quan trực tiếp đến hoàn cảnh và sứ vụ Chúa Yêsu. Ngài nói bằng ví dụ, là để trả lời những kẻ công kích Ngài. Lần này là những kẻ giống như đám thợ đến làm việc từ tảng sáng đã kêu ca trách gia chủ. Hoàn cảnh cụ thể thường được Tin Mừng kể lại cũng là hoàn cảnh làm họ “gai mắt”, khó chịu, thậm chí phẫn nộ. Chúa chấp nhận gần gũi những kẻ nghèo khổ, tội lỗi, bị coi khinh, ghét bỏ, ở bên lề xã hội. Rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khổ là một cớ vấp phạm thường xuyên. Chúa Yêsu muốn biện minh cho thái độ của Ngài, bệnh vực Tin Mừng Ngài rao giảng. Thế đó, đây mới là thực sự, là lòng tốt của Thiên Chúa. Thiên Chúa tốt lành xót thương đến vậy và Đức Yêsu cũng tốt lành, xót thương như Thiên Chúa và vì chính Thiên Chúa tỏ lòng xót thương kẻ nghèo hèn qua Ngài. Có ai còn đòi chê trách Ngài, chê trách Thiên Chúa nữa không ?
Không thiếu những ví dụ khác cũng phản ảnh một hoàn cảnh tương tự và cũng để trả lời nhưng kẻ chê trách, chống đối tương tự. Trong Matthêu: “Lũ trẻ ngồi ở chợ” (11,16-19), “Tiệc cưới” (22,1-10) và nhất là trong Luca, đặc biệt đáng gọi là “Tin Mừng cho kẻ tội lỗi”: “Hai người mắc nợ” (7,39-43), “Người biệt phái và người thu thuế” (18,9-14) v.v…
Ví dụ “Thợ làm vườn nho” chỉ có trong Mt, nhưng phải được hiểu trong cùng một hoàn cảnh với “những ví dụ về lòng thương xót” là trọn cả chương 15 Lc. Luca không úp mở về hoàn cảnh này: “Các người thu thuế, cùng những người tội lỗi hết thảy thường lui tới bên Ngài để nghe Ngài. Và Biệt phái kêu trách. Họ nói: “Ông ấy đón tiếp quân tội lỗi và cùng ăn với chúng. Ngài mới nói cùng họ ví dụ này rằng…” (Lc 15,1-3). Không chỉ “ví dụ này” mà đến cả ba ví dụ. Và ba ví dụ đều có những câu kết “tưng bừng” hơn bao giờ hết, hơn ở đâu hết về “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” (Ep 2,4 cũng là đầu đề thông điệp thứ hai của Đức Yoan PhaoLô II):
“Con chiên lạc” (Lc 15,4-7): “Cũng vậy trên trời sẽ có vui mừng vì một người tội lỗi hối cải, hơn là vì chín mươi chín người công chính, những kẻ không cần phải ăn năn”.
“Đồng bạc đánh mất” (Lc 15,8-10): “Vui mừng ắt vang lên giữa các thiên thần của Thiên Chúa vì một người tội lỗi hối cải!”.
“Tình phụ tử” (Lc 15,11-24): “Phải ăn khao mà mừng chớ, vì em con đó, nó đã chết mà lại sống, đã mất đi mà lại tìm thấy được”.
Chúa Yêsu vẫn “nói bằng nhiếu ví dụ”, rất nhiều, nhưng các ví dụ đều xoay quanh một điểm chốt. Cùng với vì dụ “Thợ làm vườn nho”, các ví dụ được đề cập tới trên đây lại thuộc về điểm chủ chốt vì là Tin Mừng đúng nghĩa Tin Mừng không phải chỉ là thời cứu độ đã đến, Đấng cứu độ đã đến, nhưng còn là Ơn cứu độ đã được gửi đến cho những kẻ nghèo hèn và Chúa Yêsu đến đặc biệt như là Đấng Cứu Độ của người tội lỗi. Và chúng ta chỉ hiểu được các ví dụ đó không quên Chúa Yêsu đã nói thẳng các ví dụ đó với ai tất cả những kẻ ỷ mình thế này thế nọ mà chống lại Tin Mừng đúng nghĩa Tin Mừng như trên.
“Chúa Yêsu đã loan báo Tin Mừng cho những người nghèo khó bằng cách khác: ban ơn tha thứ, mời họ ăn cùng bàn với Ngài, kêu gọi họ đi theo Ngài. Cho nên khi Ngài nói bằng các ví dụ thì không phải là nói với họ mà nói “với những kẻ tự tin rằng mình là công chính và khinh miệt kẻ khác” (Lc 18,9), nói với nhũng kẻ xa rời Ngài chỉ vì Ngài mời gọi đám người bị khinh miệt, nói với những kẻ thất vọng vì trông đợi ngày phục thù. Những kẻ này đóng cửa lòng trước Tin Mừng, mặc dù vẫn muốn kiên cường đi trên đường của Thiên Chúa và sống đạo nghiêm chỉnh, nhưng chính điều này lại khiến họ quá tự cao tự đại. Họ giận giữ chống đối Tin Mừng họ không chịu nổi phương diện “mạt hạng” của cộng đoàn được cứu độ. Tại sao họ không ngớt hỏi Chúa Yêsu tại sao ông cứ dính dấp với đám cặn bã rác rưởi ấy, khi mà chẳng người đàng hoàng nào lại đi giao tiếp với chúng? Bởi vì chúng đau ốm bệnh tật mới cần đến tôi, bởi vì chúng thực sự xám hối và biết nhớ ơn như những con cái Thiên Chúa đã được tha thứ, và bởi vì các ông, các ông không muốn nghe gì hết, các ông tự gông cùm mình trong thái độ ích kỷ, bất tuân và tự mãn của các ông. Nhưng nhất là bởi vì Thiên Chúa tốt lành biết bao đối với người nghèo khổ, vui mừng biết bao khi tìm lại được những kẻ đã mất, tràn ngập tình cha biết bao đối với những đứa con đã làm hỏng đời mình, nhân từ biết bao đối với những ai tuyệt vọng, những ai bị ruồng bỏ và tất cả những ai cùng cực. Thế đó là những lý do của tôi! Chương này chủ yếu cũng đã dựa vào chú giải của Jeremias, đặc biệt là từ t. 39 đến t. 48.
Vẫn còn là chuyện hôm nay
“Loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó” đã là “cớ vấp phạm” tiêu biểu trước Phục Sinh. Sau Phục Sinh, cớ vấp phạm chính yếu lại là “rao giảng một vị Kitô bị đóng đinh thập giá”. Về mặt chú giải, chính đây là điểm có thể cho thấy tính cách xác thực của các đoạn văn liên hệ.
Tuy nhiên “Loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó” mãi mãi vẫn là cớ vấp phạm ngay cả bên trong Hội Thánh. “Những kẻ tự tin cho mình là công chính mà khinh miệt kẻ khác” vẫn cứ còn đâu đó trong Hội Thánh. Và ở đâu đó trong tâm não mỗi tín hữu vẫn có thể còn sót lại một lối nhìn “biệt phái” nào đó khiến không làm sao chia sẻ, thông cảm nổi cách xử sự không đúng sổ sách (và bây giờ khó đưa vào máy điện toán !) của “Thiên Chúa giàu lòng thương xót”.
* Để bắt đầu từ một chuyện xa xưa và xa xôi Bernadette, cô bé chăn cừu ở Lộ Đức, đã phải nhờ vị giám mục sở tại thương tình can thiệp, vận động, bão lãnh cho mãi mới được nhận vào một tu viện. Không phải chỉ vì Bernadette không có của hồi môn cần thiết mà nhất là và chính là vì…Đức Mẹ hiện ra: giới nữ tu con dòng cháu giống thời đó không thể nào hiểu nổi Đức Mẹ lại đi chọn một cô bé nghèo nàn, quê mùa, mù chữ, lù mù luôn cả kinh bổn, để làm phát ngôn viên cho Ngài. Lọt được vào dòng tu rồi, Bernadette lại phải sống những năm… tử đạo cho đến khi nhắm mắt lìa đời: các bề trên đã thi đua “dập” người nữ tu trẻ ấy nhằm một mục đích rất tốt lành: để Bernadette khỏi cậy mình được Đức Mẹ hiện ra mà sinh lòng kiêu ngạo!
* Cứ thử nói với bà con xung quanh người “ngoại đạo” cũng là “người Chúa thương” và trong nhà Cha có sẵn nhiều chỗ cho cả họ nữa vì ngoài những phương thế thông thường trong Hội Thánh, Chúa vẫn không thiếu cách đưa họ về với Ngài. Thiếu gì ông bà đạo đức sẽ phản ứng như vậy thì công họ từ bé đến lớn, suốt một đời “giữ đạo”, chịu các bí tích, đọc kinh, đi lễ, ăn chay, hãm mình là… công toi sao? Mất công mua vé xếp hàng mãi trước cửa hẹp để rồi lại được tin (đúng là “tin mừng” nhưng chỉ là “tin mừng” cho người khác!) là không mua vé, không xếp hàng lại được Chúa bắc thang cho leo qua tường mà vào!
* Năm 1978, không một hồng y Balan… nào đó được bầu lên làm Giám Mục Rôma và Giáo Chủ, ai dám cam đoan là đã không có những đức thầy, đức ông người Ý bất bình: bộ đã hết những người trong số các đấng, các bậc dân Ý rồi sao?
* Trong họ đạo, cha sở, cha phó sẽ gặp phản ứng gì, từ giới con chiên bổn đạo nào, nếu chọn lựa dành ưu tiên, phần lớn thì giờ, tim óc, sức lực, tiền của vào việc chăm sóc giới trẻ thường ít đi nhà thờ, giới tân dòng mới tập tễnh bước vào nhà thờ hay giới ngoại đạo chưa bao giờ đi nhà thờ (như cố linh mục Cao Lữ Đỉnh, Claude Collaudin hồi nào ở họ đạo… Xóm Chùa!)? Nói chi đến trường hợp đưa người trẻ, người tân tòng và hội đồng giáo xứ? Hay là có sự quan tâm, ưu ái đối với những kẻ “rối vợ rối chồng”?
* Nơi chính bản thân mình, phải chăng mỗi tín hữu cũng sẵn con người tự tin dễ nghi ngờ hay không chấp nhận con người được Chúa yêu thương? Buông xuôi, ngã lòng khi sa ngã chính vì không tin nổi là mình vốn đã được Chúa yêu thương ngay từ khi còn tội lỗi và vẫn được Chúa yêu thương khi lại trở thành tội lỗi? “Bối rối” gậm nhấm, nhai đi nhai lại mãi qua khứ sau khi đã ăn năn trở lại, chính vì chỉ sẵn óc “sòng phẳng”, cứ muốn “thanh toán”, đâu ra đó thật đầy đủ thay vì thực bụng “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” và “Hồng ân Thiên Chúa bao la”?
Nước Trời thì hôm nay cũng như hôm qua, mãi mãi vẫn cứ “in như một gia chủ ngay từ tảng sáng đã ra thuê thợ cho vườn nho của ông”… Tạ ơn Chua muôn ngàn đời!
Gs Nguyễn Ngọc Lan
2002
(Xem thêm các bài cùng một dạng, xin mời vào:
No comments:
Post a Comment