Tuesday, 19 May 2009

Linh mục, con nợ đặc biệt của người nghèo và người yếu đuối - Lm. Vũ Khởi Phụng

Đề tài ban tổ chức giao cho chúng tôi trình bày có nhan đề là: “Linh mục, con nợ đặc biệt của những người nghèo và người yếu đuối”. Những lời này rút từ số 6 của sắc lệnh về Chức vụ và đời sống Linh mục (Presbyterorum Ordinis). Ban tổ chức lại mở ngoặc chua thêm: mục vụ cho những người mất đức tin, những cặp hôn nhân trắc trở. Như vậy là phải hiểu cụm từ “người nghèo và người yếu đuối” theo nghĩa vật chất lẫn nghĩa tinh thần. Ví dụ: người mất đức tin cũng là một dạng người nghèo và đau bệnh.

Cả đoạn văn trong số 6 của Presbyterorum Ordinis về chuyện “mắc nợ người nghèo” này như sau:


Tuy mắc nợ với hết mọi người, nhưng các linh mục phải đặc biệt săn sóc những người nghèo khổ và yếu đuối được trao phó cho mình: vì chính Chúa đã tỏ ra là bạn hữu với họ và coi việc rao giảng Phúc Âm cho họ là dấu hiệu cho công cuộc cứu thế. Các linh mục cũng phải đặc biệt tận tâm theo dõi các thanh thiếu niên, ngay cả những người đã có đôi bạn và những bậc phụ huynh, để ước gì họ họp thành những nhóm bạn hữu biết giúp đỡ nhau sống đời Kitô giáo một cách dễ dàng và đầy đủ hơn trong cuộc sống đầy khó khăn… Sau hết, các ngài phải hết sức ân cần săn sóc các người yếu đau và hấp hối bằng cách thăm viếng và an ủi họ trong Chúa”. Tới đây, có cước chú số 30 của sắc lệnh như sau: “Có thể kể những hạng người khác, ví dụ những người di cư, những dân du mục vv… Vấn đề này được đề cập đến trong Sắc Lệnh về Nhiệm vụ Mục vụ của các Giám mục trong Giáo hội “Christus Dominus”. Đó cũng chính là điều ban tổ chức đã làm khi nhắc đến người mất đức tin hoặc những cuộc hôn nhân trắc trở.


Thiết tưởng đặt số 6 này vào bối cảnh của sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, và đặt sắc lệnh vào bối cảnh chung của Công đồng Vatican II có thể cho ta thấy rõ hơn chủ ý và giáo huấn của Giáo hội.


Vậy chúng tôi xin bố cục phần trình bày của mình như sau:

    1. Quá trình hình thành sắc lệnh Presbyterorum Ordinis trong Công đồng Vatican II
    2. Giáo huấn Công đồng về người nghèo, và về sứ mạng của Giáo hội đối với người nghèo
    3. Một vài dạng nghèo ngày nay ta hay gặp.
    4. Người nghèo mong chờ gì ở các linh mục

Phần III và phần IV không nặng về lý thuyết, chỉ dựa vào kinh nghiệm của những người trong cuộc là chính.

I.Quá trình hình thành sắc lệnh Presbyterorum Ordinis trong Công đồng Vatican II.

Công đồng Vatican II càng họp thì càng thấy rõ đây là một Công đồng mang tính cách mục vụ. Đó là nét đặc thù của Vatican II so với các Công đồng trước. Theo như định hướng của Đức Gioan XXIII, Giáo hội cần phải về nguồn để tìm lại diệu cảm ban đầu, tìm lại gương mặt muôn đời trẻ trung của Tin Mừng. Có như thế, mới có điều cũ điều mới để đối thoại với con người thời đại, và mới “cập nhật hóa” được.


Xét về vị trí và chức năng của các linh mục trong cộng đồng Dân Chúa, thì không thể về nguồn, hay canh tân, cập nhật mà không xét tới đời sống và hoạt động của các linh mục

1. Một ủy ban được thành lập năm 1960 để soạn thảo đề tài “kỷ luật của hàng Giáo sĩ và dân Kitô giáo”. Ủy ban này soạn thảo một loạt những lược đồ về nhiều vấn đề, như: sự phân phối linh mục, các xứ đạo, các nhiệm vụ và bổng lộc trong Giáo hội, trách nhiệm mục vụ, y phục giáo sĩ, vv… Từ đó, ủy ban điều hành Công đồng thêm vào một chương mới về sự học hỏi nghiên cứu và các khoa học mục vụ để tạo ra lược đồ “De Clericis” về các giáo sĩ.

Nói chung thì nội dung của lược đồ chẳng qua cũng là những vấn đề kỷ luật giáo sĩ như vẫn thường đặt ra trước Công đồng và ngày nay các linh mục cũng vẫn quan tâm.

Tuy nhiên vì có quá nhiều việc mà Công đồng lại không muốn kéo dài quá mức, vả lại lược đồ “De Clericis” không có gì độc đáo, nên giữa khóa II và khóa III, tháng Giêng năm 1946, Ủy ban điều hợp quyết định cô đọng lược đồ này thành khoảng một chục mệnh đề. Nhưng các nghị phụ lên tiếng phản đối, đặc biệt các ngài đòi một lược đồ đổi mới, phải có nền tảng tín lý phong phú.


Mặt khác, tính cách mục vụ của Công đồng đã nổi rõ khi vào cuối khóa 1 (12/1962), Công đồng đã quyết định dành riêng một lược đồ cho quan hệ giữa Giáo hội và giới hiện đại, sau này sẽ là hiến chế mục vụ, “Vui Mừng và Hy Vọng” (Gaudium et Spes). Một quyết định quan trọng nữa là trong bố cục về lược đồ của Giáo hội (sau này sẽ là hiến chế tín lý “Ánh sáng muôn dân” (Lumen Gentium), một chương nói về Dân Chúa được đặt lên trước chương nói về hệ cấp giáo quyền. Trong những định hướng và bối cảnh như vậy, vấn đề đặt ra là phải trình bày thế nào về các linh mục.


Thật ra trước khóa 3 vấn đề linh mục đã được đề cập trong lược đồ De Ecclesia về Giáo hội và trong lược đồ về trách nhiệm mục vụ của các giám mục.


Nhưng trong De Ecclesia, về các phẩm trật Giáo hội, vấn đề trọng tâm, phong phú nhất, không phải là linh mục, mà là Giám mục đoàn. Khi bàn về các linh mục, các giám mục đã cố gắng hết sức để tu chỉnh bản văn hầu đáp ứng nhu cầu của các linh mục. Kết quả là ta có hai số 28 và 41 của hiến chế Lumen Gentium, rất sâu sắc về tín lý, sau này sẽ làm nền tảng cho sắc lệnh Presbyterorum Ordinis. Nhưng chính các giám mục cũng cảm thấy còn thiếu một cái gì đó để xác định cụ thể về sứ vụ của linh mục trong thế giới ngày nay. Khi đó có ý kiến đề nghị thảo một sứ điệp của Công đồng gửi các linh mục. Nhưng dự thảo còn bị phê phán nhiều, và những ý kiến đóng góp cũng quá nhiều nên bản văn chưa được thông qua khi khóa II kết thúc (4/12/1963).


Thời gian liên khóa (5/12/1963 -13/9/1964) các giám mục có cơ hội để lắng nghe ý kiến của các linh mục. Tâm trạng rõ rệt của các anh em linh mục là cho đến lúc đó, những vấn đề của anh em chưa được Công đồng đề cập thực sự, đặc biệt là những gì khiến cho hoạt động của anh em không thích nghi được với thời đại: Anh em mong chờ ở Công đồng một nguồn lực tín lý và mục vụ, anh em có thể vươn lên ngang tầm những đòi hỏi của công cuộc “Aggiornamento”.


Với bối cảnh hai Hiến chế Lumen Gentium Gaudium et Spes đang thành hình với tâm tư như vậy của anh em linh mục, ta dễ hiểu tại sao trong khóa 3 đông đảo các nghị phụ không chấp nhận 12 mệnh đề “De vita et ministerio sacerdotali”, còn bị bó hẹp nhiều trong địa hạt kỷ luật và những khuôn mẫu cổ. Các ngài không phê bình các mệnh đề đó, nhưng nhấn mạnh rằng cần một văn kiện có chất lượng tín lý và mục vụ, đề cập sâu sắc các vấn đề lớn về sứ vụ và đời sống linh mục, đồng bộ với viễn ảnh mục vụ của Công Đồng, đó cũng chính là những vấn đề các linh mục mong đợi (các phiên họp 13- 15/10/1964). Các mệnh đề phải trả về cho ủy ban chuyên trách vì chỉ có 930 nghị phụ đồng ý, nhưng lại có 1199 vị đòi sửa lại.


Công Đồng cũng cho thấy các nghị phụ có khuynh hướng khác nhau. Một nhóm các giám mục, trong đó có các vị được coi là lãnh đạo phái đa số trong Công Đồng, nhấn mạnh rằng sứ vụ của linh mục là được sai đến với loài người để loan báo Tin Mừng, đời sống thiêng liêng của linh mục, và những đòi hỏi đối với nếp sống của linh mục phát xuất từ sứ vụ loan báo Tin Mừng đó. Nhóm thứ hai lại làm nổi bật nhiệm vụ thờ phượng và phụng tự của linh muc: đời linh mục chủ yếu quy hướng về Thánh Lễ Tạ Ơn và Bí Tích Thánh Thể để tôn thờ Thiên Chúa.


Ban soạn thảo đã mau chóng nhận ra rằng để dung hòa hai khuynh hướng trên dây cần đi sâu vào đạo lý của thánh Phaolô về sứ vụ tông đồ, đạo lý này kết hợp một cách xác đáng chiều kích loan báo Tin Mừng và chiều kích thờ phượng. Sự ưu tiên cho sứ vụ loan báo tin mừng hàm ý rằng việc cử hành phụng vụ Tạ Ơn là trọng tâm và là đỉnh cao của việc loan báo. Đặt vấn đề như thế tức là làm cho mối tương quan của sứ vụ với đời sống, đặc biệt là đời sống thiêng liêng của linh mục. Ủy ban làm việc trong tháng 10 và 11/1964, với 455 ý kiến tu chính do các nghị phụ gửi đến.


Qua khóa 4, tháng 10/1965, lược đồ tu chính De ministerio et vita presbyterorum được đưa ra trước khoáng đại Công Đồng. Lần này, các nghị phụ (với 1507 phiếu thuận và 12 phiếu chống) chấp thuận dùng bản văn này làm bản văn thảo luận, tuy nhiên với 494 yêu cầu tu chính. Hai ngày 12 và 13/11/1965, Công Đồng xem xét và thảo luận từng số và từng phần trong lược đồ. Bản văn được hoàn chỉnh từ ngày 12 đến cuối tháng 11/1965, và được Công Đồng thông qua ngày 2/12/1965, với tên gọi chính thức: De Presbyterorum ministeriis et vita.


Ngày 7/12/1965, một ngày trước khi bế mạc, Công Đồng bỏ phiếu chung quyết (2394 phiếu thuận, 4 phiếu chống) và công bố Sắc lệnh.


II. Ôn lại giáo huấn của Công Đồng về người nghèo và về sứ mạng của Giáo hội đối với người nghèo.


Đối với đức tin, nghèo khó không chỉ đơn thuần là một vần đề xã hội. Nghèo khó còn gợi lên mầu nhiệm khiêm hạ của Đức Kitô, vì thế gian, và để cứu độ thế gian. Cho nên có một sự nghèo khó đưa ta vào tận mầu nhiệm của Thiên Chúa.


Sự nghèo khó của Đức Kitô được Công Đồng nhắc lại nhiều lần, cùng với những hệ quả của nó đối với Giáo hội, và do đó, đối với linh mục:


Như Chúa Kitô đã hoàn tất công trình cứu chuộc trong khó nghèo và bách hại, Giáo hội cũng được mời gọi đi cùng đường lối ấy hầu thông ban ơn cứu rỗi cho loài người. Chúa Giêsu Kitô vốn là Thiên Chúa… đã tự hủy diệt mình, tự nhận thân phận tôi tá (Ph 2: 6- 7) và vốn giàu có, Người đã hóa ra nghèo hèn vì chúng ta (2Cr 8:9) cũng thế, tuy cần đến những phương tiện nhân loại để chu toàn sứ mệnh mình, Giáo hội được thiết lập không phải để tìm kiếm vinh quang trần thế, nhưng để truyền bá sự khiêm nhường và thanh thoát bằng gương lành của mình. Chúa Kitô được Chúa Cha phái đến rao truyền Tin mừng cho kẻ bần cùng… cứu chữa các tâm hồn đau khổ (Lc 4:18) tím kiếm và cứu vớt những gì hư mất (Lc 9:10). Cũng thế, Giáo hội trìu mến và ấp ủ tất cả những ai đau khổ vì sự yếu hèn của con người, nhất là nhận biết nơi những kẻ nghèo khó và đau khổ hình ảnh Đấng Sáng Lập khó nghèo và đau khổ, ra sức giảm bớt nỗi cơ cực của họ và nhằm phụng sự Chúa Kitô trong họ. Nhưng Chúa Kitô, “thánh thiện, vô tội, tinh tuyền” (Dt 7:26), không hề phạm tội (x. 2Cr 5:21), chỉ đến để đền tội lỗi dân chúng (x. Dt 2: 17), còn Giáo hội, vì ôm ấp những kẻ có tội trong lòng, nên vừa thánh thiện vừa phải luôn thanh tẩy mình. Do đó, Giáo hội luôn thực hiện việc sám hối và canh tân.


“Lữ hành giữa cơn bách hại của thế gian và trong niềm an ủi của Thiên Chúa” Giáo hội rao truyền sự chết và thánh giá của Chúa, cho đến khi Người trở lại (x.1 Cr 11: 26), Giáo hội vững mạnh nhờ thần lực của Chúa phục sinh, để toàn thắng các khó khăn và sầu muộn từ bên trong cũng như bên ngoài bằng yêu thương và kiên trì, và trung thành mạc khải cho thế gian mầu nhiệm của Chúa còn tàng ẩn trong bóng tối, cho đến khi được phô bày dưới ánh sáng vẹn toàn trong ngày sau hết.”
(LG #8)


Những người được Thánh Thần Chúa hướng dẫn, nghe theo tiếng gọi của Chúa Cha, thờ phượng Ngài trong tinh thần và chân lý, noi gương Chúa Kitô nghèo khó, khiêm nhường và vác thập giá để xứng đáng dự phần nào vinh quang của Người” (LG #41)


Chúa Kitô đã trở nên nghèo nàn, tuy người vốn giàu sang (2Cr 8: 9). Việc noi theo và làm những đức ái cùng sự khiêm hạ của Chúa Kitô cần được các môn đệ thực hiện không ngừng” (LG #42).


Sắc lệnh “Christus Dominus” về nhiệm vụ mục vụ của các giám mục, số 30, nhắc nhở các linh mục này “hãy sống tình phụ tử bao bọc những người nghèo khổ, bệnh tật… và lo lắng cho giới công nhân”.


III. Một vài dạng nghèo hiện nay


Sự khó nghèo hiện nay, vật chất và tinh thần, có rất nhiều dạng khác nhau. Chúng tôi không có khả năng điểm qua hết mọi dạng khó nghèo. Những gì nói dưới đây chỉ là một vài minh họa, có tính cách gợi ý.


Xưa nay giúp đỡ và săn sóc người nghèo vẫn là một truyền thống trong Giáo hội. Các linh mục đã có nhiều sáng kiến, nhiều công sức hướng tới các đối tượng nghèo. Trong chính thể hiện nay, Giáo hội không còn những cơ sở bác ái, từ thiện, giáo dục, xã hội lớn như ngày xưa. Nhưng nhiều linh mục vẫn cố gắng sáng kiến và nuôi dưỡng những hoạt động phục vụ người nghèo. Nhiều vị thừa sai ở những vùng sâu, vùng xa đã dấn thân sống nghèo giữa dân nghèo, hoặc giữa đồng bào các dân tộc thiểu số để loan báo Tin Mừng. Trong các xứ đạo, không thiếu những linh mục bôn ba vì người nghèo. Nào nhà dưỡng lão, nào lớp học tình thương, lớp học cho trẻ khuyết tật, học bổng cho học sinh nghèo, nơi lưu trú cho sinh viên các tỉnh xa, phòng đọc sách, phòng khám bệnh từ thiện, lớp dạy nghề, vv… Các cha cũng cổ võ giáo dân tìm đến với người nghèo trong các trang trại phong, trại dưỡng lão, các trung tâm xã hội, các buôn làng dân tộc. Trong khí thế chung đó, nhiều nhóm giáo dân tự phát tham gia phục vụ những người nghèo, thiếu thốn. Đặc biệt ngày nay, những tệ nạn mới nghiêm trọng lan tràn trong xã hội: phá thai, ma túy, HIV, AIDS… Có những linh mục nhiệt thành tham gia công tác bảo vệ sự sống, phục hồi sức khỏe và tinh thần lành mạnh cho con nghiện, đồng hành với bệnh nhân Aids…vv…


Tất nhiên linh mục không chỉ là một người làm công tác xã hội, linh mục chỉ hoàn tất nhiệm vụ của mình khi công tác xã hội hay từ thiện làm cho người ta gặp được Chúa Kitô. Sứ mệnh này làm cho hoạt động của linh mục với tư cách cá thể lẫn trong sự hợp tác với anh chị em giáo dân, có một sắc thái tâm linh riệng biệt.


Thực ra trong hoàn cảnh xã hội ngày nay, với những tình huống đa dạng và rất éo le của người nghèo, thường linh mục không thể một mình tìm đến với hết các dạng người nghèo được. Mà phải có sự hợp tác tích cực, có tai mắt, có bàn tay và tấm lòng của anh chị em giáo dân. Đó là một điều kiện tất yếu để có được mục vụ cho người nghèo, vì cái nghèo cùng cực dễ đẩy người ta ra ngoài lề, không chỉ của xã hội mà cả của xứ đạo nữa. Vì thế ta không tìm được họ trong khuôn khổ sinh hoạt bình thường của nhà thờ hoặc họ có đó những cái nghèo khổ thật sự của họ không lộ ra. Còn những người khác tìm đến các cha kể lể sự tình chỉ là số ít, mà số ít đó chưa chắc đã nói sự thật. Cha nào càng có lòng thương người nghèo thì càng có cơ hội gặp những người đóng vai người nghèo rất giỏi. Người nghèo thật, khổ thật, nhiều khi lại rất câm nín, bị trói chặt trong bơ vơ, mặc cảm. Có khi họ đã trở nên vất vưởng, đầu đường, xó chợ, gầm cầu. Anh chị em có mặt khắp hang cùng ngõ hẻm, nhiều người được Chúa ban lòng nhiệt thành, không thụ động, có lòng xót thương đồng loại, nên chính anh chị em đó là những người mở đường đưa các cha vào thế giới người nghèo.


Chính vì lẽ đó, dưới đây khi gợi lên vài dạng người nghèo ngày nay, có những chỗ chúng tôi dựa vào chứng tá của giáo dân, có lẽ cũng làm cho các vấn đề cụ thể hơn.


A. Những người bị rơi xuống đáy xã hội: bụi đời, mãi dâm, nghiện ma túy, bệnh nhân Aids, vv…


Từ khi những tệ nạn này lan tràn, đã xuất hiện nhiều nhóm tự phát, đa phần là người trẻ, tìm cách tiếp cận với các đối tượng. Các bạn trẻ, nếu không bị cuộc sống quá thực dụng làm tắt lụi lý tưởng, thường rất thiện chí và quảng đại, lại sẵn sự hăng hái, nên nhiều bạn đã tham gia các hoạt động này. Chúng tôi nghĩ Tin Mừng Chúa Kitô Giáo hội đã truyền cho các bạn là một nguồn cảm hứng lớn, điều này giải thích vì sao trong các nhóm phục vụ vốn không phân biệt tôn giáo, hay không có tín ngưỡng, các bạn trẻ Kitô giáo chiếm một tỷ lệ rất cao.


Anh em Tin lành đã đi trước chúng ta, dùng phương pháp đọc Lời Chúa và cầu nguyện làm phương pháp cai nghiện ma túy. Đã có những trường hợp thành công. Gần đây nhiều nhóm Công giáo rộ lên, đồng hành với người cai nghiện, cũng dựa vào Lời Chúa và cầu nguyện. Công việc tuy khó khăn đòi hỏi nhiều kiên trì, nhưng không phải là không có kết quả. Các nhóm Công giáo này có linh mục, nữ tu và nhiều anh chị em giáo dân cùng nhau làm việc. Bác sĩ viện trưởng viện y học dân tộc thành phố Hồ Chí Minh gần đây nhận định như sau khi đón tiếp một trong số những nhóm này đến làm việc tại viện: “Chúng tôi từ trước đến nay vẫn dùng phương pháp khoa học để cai nghiện, chúng tôi cảm thấy mình mới đi được một nửa con đường. Nay các bạn đi từ một khởi điểm khác, cho thấy nửa con đường kia.


Từ bụi đời đến mãi dâm, đến ma túy và cuối cùng là Aids có nhiều liên hệ chằng chịt, đòi hỏi nhiều cách tiếp cận và xử lý. Ở đây không thể không nhắc tới công lao của những người chuyên đi tiếp xúc với trẻ đường phố, một số anh chị em nữ tu và giáo dân chuyên giúp những chị đã lỡ sa vào con đường mãi dâm, một số bác sĩ và y tá Công giáo đã quên mình vì những người bệnh nhân Aids. Chúng tôi biết được nhiều bệnh nhân đã tìm thấy đức tin và đón nhận Chúa, tìm lại sự bình an tâm hồn, trút bỏ mối hận đời và làm hòa với gia đình, nhờ sự hấp dẫn của Đức Bác Ái nơi các bác sĩ và y tá này.


Hiện nay những anh chị em làm việc trong giới này có thói quen gặp nhau hàng tháng, dâng thánh lễ chung, và thường có phép Rửa cho bệnh nhân trong các thánh lễ này. Anh chị em cũng hợp tác với một số linh mục để đảm nhận phần phụng vụ, bí tích, cho trung tâm Mai hòa dành cho bệnh nhân Aids giai đoạn cuối do các chị Nữ Tử Bác Ái coi sóc. Chúng tôi biết có linh mục đã cử hành bí tích cho những bệnh nhân này ngay ở lề đường hoặc gầm cầu và các bạn trẻ đã săn sóc, nói Lời Chúa và cầu nguyện với họ cho đến chết vẫn ở lề đường và gầm cầu.


Trong những công tác như thế, linh mục và giáo dân phải gắn bó thành một cộng đoàn hiệp thông sâu sắc.


Hiện nay các anh chị em trẻ len lỏi giũa trẻ đường phố đã lên tiếng kêu cứu về nạn xâm hại tình dục trẻ em đã hoành hành ở Việt Nam. Từ khi có đại họa Aids, và các nước Đông Nam Á bắt đầu có biện pháp cứng rắn hơn để chống nạn xâm hại tình dục trẻ em, thì những kẻ bệnh hoạn thích tình dục với trẻ vị thành niên bắt đầu để ý tới Việt Nam, bị coi là một nơi tương đối an toàn hơn cho sức khỏe và, với đồng tiền, cả về mặt pháp lý. Không biết Giáo hội chúng ta sẽ đáp ứng thế nào? Có nên lập một tổ chức để đấu tranh không?


Sẽ là một thiếu sót nếu ở đây không nhắc tới các linh mục và giáo dân dấn thân để bảo vệ sự sống. Nạn phá thai đã xâm nhập vào cả giới Công giáo nữa. Các linh mục ngồi tòa đều biết những vụ việc này không phải là họa hiếm. Hiện nay, có những giáo dân (thường là y tá hộ sinh) đã có mặt ở những nơi phá thai để làm công tác tư tưởng, giúp những chị em muốn phá thai từ bỏ ý định tội lỗi của mình, tổ chức những nơi đón tiếp những chị em mang thai đang cần một nơi trú ẩn, săn sóc các chị em này về sức khỏe và tinh thần cho đến khi sinh nở, tìm cha me nuôi thích đáng để nuôi những trẻ sơ sinh mà cha mẹ ruột không thể, hoặc không muốn nuôi. Sau nữa lo an táng các thai nhi, nghĩa trang dành cho các thai nhi có thể cũng là nơi sau này những cha mẹ đã can tâm giết con sẽ trở lại sám hối.


Hiện nay nhiều giáo xứ đã tổ chức các buổi học hỏi, nhiều khóa cầu nguyện để giúp cộng đoàn ý thức được những tai hại và tình trạng nghiêm trọng do ma túy, Aids, phá thai gây ra. Nhiều người mong ước phong trào này lan ra khắp các giáo phận, để Giáo hội Chúa Kitô hiện ra trước mắt mọi người như thành trì của nền văn minh của tình thương và sự sống cứu độ thế giới đang chìm ngập trong văn minh của sự chết và bạo lực.


B. Những người đang cần và đang tìm đức tin

Thời nay ở khắp nơi người ta nói nhiều về một cuộc khủng hoảng tâm linh. Thế giới thay đổi với một tốc độ chóng mặt, nhịp sống hiện đại thì dồn dập, cuộc sống căng thẳng với mối lo âu để tồn tại, để sống còn trong một xã hội cạnh tranh tàn nhẫn; đủ mọi thứ thông tin và cảm giác trái ngược cứ nối tiếp nhau liên miên không dứt. Tất cả những yếu tố đó làm cho người ta không còn khả năng suy nghĩ, trái lại cảm thấy thần kinh mệt mỏi, bị stress. Ngay trên đất nước ta, sau một thời gian dài coi nhẹ giá trị tinh thần do rất lâu đời tích tụ lại, ngày nay nhiều người không biết bám víu vào một niềm xác tín nào. Xuất hiện một lớp người không có một chuẩn mực đạo đức nào để phân biệt tốt xấu (có người gọi đó là nạn “phi chuẩn”), họ chỉ biết việc gì làm được và việc gì không làm được theo hướng có lợi cho sự hưởng thụ của bản thân. Một đất nước đã từng hết lòng quý trọng tình nghĩa gia đình thì nay đã có rất nhiều đỗ vỡ, có khi đưa đến tội ác. Một dân tộc từng tự hào với 4.000 năm văn hiến nay lại được xếp vào hàng “đại cường” trên thế giới về tệ nạn phá thai, tham nhũng, ô nhiễm. Cả nước đang kêu lên vì nền giáo dục đang bị đục rỗng, thương mại hóa, đầy những tiêu cực, mặc dù khản cổ kêu gào “tôn sư trọng đạo” và “tiên học lễ, hậu học văn”. Những sự kiện như thế cho thấy trong lãnh vực tinh thần chúng ta đang bị tấn công trầm trọng đến mức nào.


Nhưng bất chấp những nghich cảnh đó, và bất chấp một thứ văn hóa hời hợt có vẻ như đang được phổ biến (bất chấp, hay chính vì những nghịch cảnh đó tạo ra sự đói khát tâm linh) nhiều người vẫn đang đi tìm những giá trị tâm linh. Có những nhà xã hội học dự đoán rằng xã hội nói chung và xã hội Việt Nam nói riêng, đang đẩy người ta đến những lựa chọn căn bản. Theo đà phát triển này, sẽ có, và đã có những con người trở nên cực kỳ hung tợn, sẵn sàng chà đạp tất cả để thủ lợi, và họ là bộ mặt bất nhân của xã hội, còn những ai không chấp nhận sự bất nhân đó, thì nhiều người sẽ tìm đến các tôn giáo để tìm giải đáp cho các khát vọng tinh thần của mình. Vấn đề là khi sự thể đó xảy đến, thì Giáo hội có sẵn sàng để đón tiếp những người muốn tìm đến với mình chưa? Nếu không sẵn sàng, nếu những người tìm đến lại thất vọng bỏ đi, thì sự thiệt hại không thể lường hết, không chỉ cho Giáo hội mà cho cả xã hội.


Trên kia chúng tôi đã nhắc đến những anh em cùng khổ đã đón nhận đức tin nhờ lòng bác ái của các Kitô hữu, sau đây xin được nói thêm về vài thành phần khác mà chúng tôi đã có dịp tìm hiểu.


1. Anh chị em các dân tộc thiểu số


Đang có một phong trào đón nhận đức tin rất mạnh nơi các dân tộc thiểu số. Đồng bào thiểu số có thể xếp vào hạng người nghèo nhất trong số các người nghèo. Phải chăng vì thế mà họ cũng là người được Thiên Chúa ưu đãi? Quả thế, những ai đã sống với đồng bào Thượng trên Tây Nguyên chẳng hạn, đều có ấn tượng đậm nét về đức tin, về sự cầu nguyện hồn nhiên, sâu sắc của họ cũng như về nhiệt tình làm việc tông đồ. Họ không vướng bận về mặt hình thức như nhiều tín hữu người Kinh. Họ chỉ có tấm lòng chân thành. Và ơn Chúa sinh hoa kết quả lạ lùng.


Phải nói rằng con đường đến với đức tin của đồng bào các dân tộc ít người miền Bắc gặp nhiều trắc trở hơn các sắc tộc phía Nam. Trong khi ở phía Nam đã có những thừa sai rải rác trên cao nguyên, một mặt sống nghèo với người nghèo, một mặt giúp thăng tiến phần nào cuộc sống của đồng bào về vật chất lẫn tinh thần, biết tiếng nói và văn hóa dân tộc và tạo nên những cộng đoàn sinh động, thì ở phía Bắc đang thiếu nhân sự trầm trọng, cộng thêm với những khó khăn do địa phương còn tinh thần hẹp hòi, đến độ có thể lo ngại rằng sau một hồi rộ lên, khí thế đến với Tin Mừng có thể suy yếu vì thiếu nâng đỡ và hướng dẫn. Cần gấp rút gây dựng một lớp tông đồ giáo dân có khả năng tiếp cận và hòa mình với đồng bào. Tình hình chính trị có những bất ổn, nhưng không thể vì vậy mà buông lơi sứ mạng loan báo Tin Mừng.


2. Các bạn trẻ sinh viên học sinh.


Trên đây chúng tôi cũng đã ghi nhận rằng bất chấp hoặc chính vì những trở ngại, đang có nhiều người thao thức đi tìm những giá trị tâm linh, trong số này có nhiều người trẻ. Họ nhạy cảm với tình bạn, tình yêu thương, sự chân thành, tinh thần hướng thượng. Từ đó dễ cảm nhận Chúa. Khi đã có đức tin, họ đại độ dâng hiến những khả năng tâm trí của mình cho cộng đoàn tín hữu.


Thường thường các bạn này phát hiện Giáo hội qua các bạn cùng trang lứa đã có đạo. Vì vậy có những cộng đoàn trẻ năng động, biết diễn tả đức tin của mình, có lòng mến, biết sáng tạo và làm chứng cho Chúa.


Đối với các linh mục, họ cần các cha biết lắng nghe, thông cảm với những vấn đề và nỗi niềm của họ, giống như những người bạn họ có thể tâm sự. Thật sự nhiều khi họ rất muốn tìm hiểu đạo, nhưng lại ngại ngùng vì còn xa lạ. Mặt khác, ngôn ngữ của nhà thờ chưa chắc đã là một thứ ngôn ngữ mà họ hiểu được ngay. Sự tiếp xúc trực tiếp là rất quan trọng. Chúng ta đang cần những thừa sai truyền đạo không chỉ ở những vùng núi rừng xa xôi, mà ngay giữa lòng thành phố, và đặc biệt giữa những người trẻ. Linh mục có thể là những thừa sai trực tiếp, cũng có thể là người tạo sinh khí cho những cộng đoàn giáo dân thừa sai. Làm sao cho những người đang có thiện chí tìm hiểu, thậm chí đã có cảm tình với ta, đừng bỏ đi chỉ vì họ thấy cộng đoàn tín hữu hờ hững không quan tâm đón tiếp họ.


3. Những người có gốc Công giáo, nhưng đã nhạt đức tin


Thành phần này cũng không ít, có ở khắp nơi, nhưng đặc biệt ở phía Bắc. Đức tin đã phai nhạt lâu trước khi họ ngưng đến nhà thờ. Cũng có khi ngừng đi nhà thờ do những bất bình có thể là có lý (với các cha chẳng hạn), rồi lâu năm trở nên xa lạ với nhà Chúa. Cũng có thể họ là nạn nhân của một thời đặc biệt khó khăn đối với Giáo hội, nhà thờ vắng vẻ, linh mục cũng vắng luôn, sứ đạo thu hẹp lại thành một mớ hình thức mà người ngày nay không hiểu được. Tóm lại do thiếu hiểu biết, do hiểu lầm, do hoàn cảnh, đã lâu họ coi mình như không có đạo nữa.


Đức tin có thể sống lại khi cha mẹ già đau ốm đòi mời linh mục đến nhà cử hành các bí tích, hoặc trong một lễ tang, một lễ cưới. Lễ tang và lễ cưới là những dịp rất tốt để rao giảng Tin Mừng. Có nhiều người chỉ có cơ hội tiếp xúc với Giáo hội nhân các nghi lễ đó. Tuy nhiên điều này đòi hỏi linh mục không chỉ làm đúng các nghi thức, nhưng còn phải chuyển được đến những người tham dự tiếng nói của Tin Mừng đằng sau những nghi thức đó. Ngoài nội dung và nghi thức, thái độ của linh mục trong khi tiếp xúc cũng quan trọng. Kinh nghiệm cho thấy sau những dịp lễ đó, có những vụ “trở lại đạo” rất hăng hái của cả gia đình.


4. Những người có thành kiến, ác cảm hoặc lãnh đạm với đạo, nhưng sau đổi ý.

Trong một hoàn cảnh nhất định nào đầy về chính trị, lịch sự, xã hội, văn hóa, có nhiều ngộ nhận với đạo. Hoặc người ta nghĩ rằng hãy gạt chuyện tôn giáo qua một bên, để lo những chuyện phải đấu tranh trước mắt. Nhưng đến một lúc, có lẽ là đã từng trải, đã đứng tuổi, đã về hưu người ta lại nhận ra tất cả các hoạt động của mình đều có những giới hạn, nếu không có một cõi siêu việt. Nếu lúc ấy họ gặp được những tín hữu hoặc một linh mục hiểu biết, cởi mở, không thành kiến, có lòng đạo chân chính, thì họ sẵn lòng đến với Chúa.


5. Nạn nhân của các gia đình tan vỡ


Ban tổ chức muốn chúng tôi đề cập đến “những cặp hôn nhân trắc trở”. Và đây cũng là một dạng nghèo.


Các cặp vợ chồng mà đời sống gia đình trục trặc vướng mắc vào rất nhiều khó khăn và mặc cảm. Đối với người công giáo, sau khi đã thất bại, nếu họ “làm lại cuộc đời” thì có phần nào cảm thấy như mình bị gạt ra bên lề Giáo hội vì không được chịu các phép bí tích. Người nào không có lỗi trong sự đỗ vỡ hôn nhân mà chỉ là nạn nhân của sự phụ bạc có cảm giác như mình bị thua thiệt bất công nếu sống đúng luật Giáo hội. Nếu có đức tin mạnh, đời sống cầu nguyện thâm sâu thì có thể khắc phục cảm giác ấy, nhưng vẫn bị nó ám ảnh dai dẳng.


Ngày nay có một số nhà thần học luân lý và mục vụ như cha Bernard Haring đang thử tìm những cách tiếp cận mục vụ tốt hơn đối với những người ly dị đã tái hôn. Họ lưu ý chúng ta rằng phải cảnh giác đừng áp dụng luật pháp một cách máy móc, quan liêu. Nếu ta chỉ đứng trên bình diện thuần pháp lý và hành chính, thì chưa có mục vụ, trong khi ấy những nạn nhân của các gia đình tan vỡ lại đang mang nặng những vết thương lòng. Cha Haring cho rằng “Nguy cơ lớn của các vụ án hôn nhân là chúng biến thành một thứ tòa án”, một pháp đình ở đấy khó có chỗ cho tình yêu của Chúa Cứu Thế và những ai muốn phục vụ Giáo hội, cho dù có thiện chí, vẫn không tìm được một bầu khí thích hợp để giúp đỡ, mang ơn lành các đương sự. Nói cách khác là chỉ đề cao luật “bất khả phân ly” như một bó buộc mà lại tách ra khỏi Mầu nhiệm Cứu độ, sự sống trong niềm tin vào tình yêu trung thành của Chúa Kitô.


Haring cũng nhắc lại một câu của Đức Gioan Phaolô II trong tông huấn Familiaris consortio: Các mục tử phải biết rằng vì yêu mến chân lý, các vị có nhiệm vụ phải phân biệt cho rõ những tình huống khác nhau. Là vì có một sự khác biệt giữa những người đã chân thành cố gắng đễ cứu vãn một cuộc hôn nhân thứ nhất, rồi sau đó bị phụ rẫy bất công, với những người đã phạm lỗi nặng để rồi tan vỡ một cuộc hôn nhân đã thành hiệu lực theo giáo luật. Sau nữa lại còn trường hợp những người đã kết hôn lần thứ hai nhằm giáo dục con cái, đôi khi trong lương tâm của họ có sự xác tín chủ quan rằng cuộc hôn nhân thứ nhất bị hủy hoại vô phương cứu chữa đã không bao giờ thành hiệu lực”.


Haring nghiên cứu cách làm của Giáo hội Chính Thống. Lời chúc lành cho một cuộc hôn nhân thứ hai sau khi cuộc hôn nhân thứ nhất đỗ vỡ có cái gì như một nghi thức sám hối vì có đau buồn nhắc lại cuộc hôn nhân thứ nhất đã đỗ vỡ: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con người, Chúa biết con người yếu đuối, xin ban cho họ được thanh luyện khỏi tội lỗi, xin cho các hành động gian tà, cố ý hay vô tình, được thứ tha. Chúa đã tha thứ cho cô gái điếm Rabad và đón nhận lòng sám hối của người thu thuế, xin Chúa đừng nhớ tới tội lỗi thời chúng con trẻ dại vô minh …vv…


Trong Thượng Hội đồng Giám mục năm 1980 về gia đình, 90% nghị phụ tán thành đề nghị nghiên cứu cách làm này của Giáo hội Chính Thống.


Mặt khác giáo luật mới điều 1095 nghi nhận sự thiếu trưởng thành tâm lý khiến cho người ta không có khả năng kết hôn. Có phải vì thế mà đã có những án tiêu hôn từ các Tòa Giám mục Mỹ hay Hàlan gửi về khiến ở Việt Nam chúng ta ngạc nhiên?


Cần phải nói rõ rằng quan điểm của Haring về sự cho phép những người ly dị tái hôn được đến với bí tích chưa được tòa thánh chuẩn y. Tòa Thánh cũng tỏ ý không tán thành cách làm bị coi là quá nới tay của các Giám mục ở Mỹ và Hàlan. Những điều chúng tôi ghi lại trên đây là để tham khảo và suy nghĩ thêm. Trước mắt chưa thể coi đó là con đường an toàn đã mở. Riêng về nguyên nhân “Thiếu trưởng thành tâm lý” bên Âu Mỹ có thể ứng dụng quá rộng rãi, nhưng có lẽ bên ta chưa ứng dụng đủ chăng ?


Và trên hết như lời Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong Familiaris Consortio: “Cùng với Thượng Hội đồng Giám mục, tôi nhiệt liệt kêu gọi các mục tử và cộng đoàn tín hữu nói chung hãy trợ giúp những người ly dị đã tái hôn. Mọi người phải rất bác ái làm sao cho những người đó đừng cảm thấy mình bị chia lìa với Giáo hội”.


Một câu hỏi nữa cần đặt ra: Mục tiêu tiền hôn nhân của ta đặt ra hiệu quả tới mức nào? như trên đây đã nói, không thể chỉ nêu lên những qui luật nhất phu nhất phụ, trung thành trọn đời mà không nối kết những qui luật đó với đời sống đối thần, với mầu nhiệm Chúa Kitô. Không thể đợi cho đến khi hôn nhân đã rạn nứt, đôi vợ chồng đã hết đường hòa giải, rồi tuyên bố họ đã lỗi luật không cách nào cứu chữa. Thật ra không phải tới lúc đó mới lỗi luật, đã lỗi luật từ trước, khi nếp sống Tin Mừng sự sống “trong Đức Kitô” bị tắt lịm trong đời sống lứa đôi, dù lúc đó tình vợ chồng xem ra còn mặn nồng,


Nếp sống tin mừng, sự sống “trong Đức Kitô” đương nhiên tạo ra những con người nhân bản hơn. Đang có nhiều người đặt vấn đề những giáo huấn của ta về tín lý, kể từ giáo lý cho thiếu nhi, có khiến người học trở nên “nhân bản” hơn không? Giáo lý với nhân bản là hai niệm ý khác nhau nhưng nhân bản lại là thước đo xem giáo lý được truyền thụ có phải là giáo lý sống, hay chỉ là những công thức rỗng ? Những người hướng dẫn giáo lý tân tòng đôi khi có kinh nghiệm đau đớn một người Công Giáo đưa bạn đời của mình đi học đạo để lập gia đình. Đến khi gia đình đỗ vỡ, thì phần lỗi sự phụ bạc hay phản bội lại do chính bên Công Giáo gây ra. Trong trường hợp đó người tân tòng vẫn trung thành sống đức tin của mình thì kể là việc truyền thụ giáo lý đã thành công tốt đẹp.


Mục vụ đời sống gia đình đang hình thành những nhóm gia đình cùng nhau sống Lời Chúa, cầu nguyện và làm việc bác ái, xã hội. Những nhóm này có tác động rất tốt để nâng đỡ lẫn nhau, khi cần, giúp nhau tháo gỡ những khó khăn trong đời sống gia đình, vượt qua những lúc khủng hoảng, và tạo ra một nếp sống đạo sâu sắc, năng động, cởi mở, gây hứng khởi. Những gia đình từ cha me đến con cái đều tham gia vào những sinh hoạt của nhóm gia đình tìm được sự hòa thuận, cảm thông, những mâu thuẫn giữa cha mẹ con cái giảm hẳn, vì đã đạt được sự đồng cảm trong sinh hoạt việc sống và truyền thụ đức tin cũng hồn nhiên và chất lượng hơn nhiều.


Sau hết nhiều nơi đã bắt đầu có các chuyên viên tư vấn về các vấn đề gia đình, từ tâm lý đến kế hoạch hóa, v…v…


Tóm lại còn rất nhiều sáng kiến có thể làm phong phú chất lượng sinh hoạt gia đình.


IV. Người nghèo mong chờ gì ở các linh mục?

Trên đây chúng tôi nhiều lần nhắc đến những việc đã làm. Trong những việc đã làm ấy, chắc hẳn có phần đóng góp to lớn, có khi là quyết định của các linh mục. Lòng nhiệt thành của các linh mục, đối với con người, đối với các linh hồn, đã tạo ra nhiều hoa trái tốt lành. Nhưng như thế không có nghĩa là không còn những mắc mưu, những khiếm khuyết.


Chúng tôi cố gắng lắng nghe ý kiến của các đối tượng nghèo. Thú thật, nếu mời những con người đã nghèo cùng cực để thử đặt vấn đề: “linh mục, con nợ đặc biệt của những người nghèo”, thì họ quá bỡ ngỡ, họ còn ít nhiều xa lạ với Giáo hội, với linh mục, khó có thể nói ra một điều gì mạch lạc để nói với các cha. Thay vào đó, chúng tôi mời một số anh chị em nói chung cũng nghèo thôi, nhưng cũng có một quá trình dấn thân lâu dài giữa những người nghèo để phục vụ người nghèo, và việc làm của họ được biện minh bằng hiệu quả. Họ là những người sát cánh với trẻ đường phố, với các con nghiện, các bệnh nhân Aids, các cô gái điếm, họ là những người làm việc trong ngành y, với chí hướng phục vụ những thành phần bất hạnh, những hoàn cảnh éo le trong xã hội là những sinh viên và thanh niên từng đi làm công tác xã hội và phát triển ở nhiều nơi và trong nhiều sinh hoạt Giáo hội …


Phải nói là họ có óc phê bình mạnh. Và cũng là ý kiến của một phía, là phía của những người dấn thân trong xã hội nhìn về phía các linh mục. Còn ý kiến của các cha thì sao? Dù thế nào cũng xin ghi lại để cộng đoàn thảo luận vả lại những ý kiến này cũng được chắt lọc từ kinh nghiệm sống.


1. Đã là nghèo, thì hay lay lắt, cô quạnh, bị bỏ rơi. Còn các linh mục thì là những lãnh tụ, rất luật lệ, rất đường bệ, vì lẽ đó mà khó tiếp xúc. Rốt cuộc cha con không còn biết nhau. Họ có cảm tưởng các cha con chỉ tôn trọng và thân thiện với người khá giả. Đã thế, người nghèo còn có nhiều nỗi buồn, nhiều tự ái, nhiều mặc cảm. Các cha nhiều khi thiếu tâm lý, thiếu cả lịch sự đối với họ, cho nên mất lòng nhiều người, và họ tìm đi chỗ khác.


Có những anh chị em phục vụ bệnh nhân Aids phàn nàn, đưa một bệnh nhân về với Chúa, có khi các cha đã chẳng mừng thì chớ, lại có vẻ bị phiền nhiễu, tỏ ra nghi kị. Rõ ràng có một sự phân biệt đối xử với thành phần cùng khổ khi sống và lúc chết.


Cộng đồng giáo xứ cũng có thái độ tương tự. Cho nên người ta có cảm tưởng các cha giảng cho những người đã thánh rồi, chứ không đi tìm con chiên lạc, không quan tâm xây dựng và phục hồi con người.


2. Khi có dịp tiếp cận các thành phần khốn khổ, nhiều linh mục có cái nhìn kết án hơn là giải thoát. Nếu giúp đỡ thì dừng lại ở mức độ bố thí, thi ân, nhưng chưa đồng cảm với người nghèo. Vì vậy làm việc từ thiện nhiều, mà ít người thành tâm đi theo. Tóm lại, có tinh thần nghèo với người nghèo là rất khó.


3. Đa số các sinh viên nghèo và trí thức trẻ có cảm tưởng các cha là những ông quan. Thành phần có học cảm thấy mình bị nhà thờ bỏ rơi. Quan hệ cá nhân với các linh mục không còn chất lượng lắm.


Các sinh viên nghèo từ quê lên thèm một nơi đón tiếp. Nhà thờ chỉ là nơi dành riêng cho việc phụng tự, nhiều lúc đóng kín cửa vì sợ mất trộm. Những gì đã được hấp thụ từ hồi còn ở xứ đạo quê hương phai nhạt dần.


4. Cần hỗ trợ những người tích cực phục vụ người nghèo, bởi vì phục vụ người nghèo là một công tác của Giáo hội. Và chính những người phục vụ đó cần được nâng đỡ để kiên trì giữa mọi khó khăn. Không nên coi những ai có sáng kiến phục vụ người nghèo là những người lắm chuyện, gây phiền nhiễu.


5. Xin các giáo xứ điều tra xem trong giáo xứ có bao nhiêu người khuyết tật. Thành phần này bị gạt ra bên lề, ví dụ người đi xe lăn đi lễ thì chỉ có ngồi ngoài sân, bất kể nắng mưa. Trong khi ở các nước tiên tiến, nhà thờ luôn có đường riêng thoải mái cho xe lăn vào được. Mục vụ và bí tích cho người khuyết tật có những đòi hỏi riêng, cần có phương pháp thích hợp. Ví dụ: đối với người khiếm thị, hiện nay ta đã có Tân Ước bằng chữ Braille, nhưng giá khá đắt: 800.000 đến 900.000 một bộ. Có thể dùng băng Cassette, đĩa CD. Còn những loại khuyết tật khác thì sao?

Vậy còn nhiều mắc mứu phải tháo gỡ, nhiều vấn đề khách quan và chủ quan phải giải quyết.

Lm Vũ Khởi Phụng, CSsR

(x. Bốn mươi năm sau vatican hai nhìn lại, tài liệu hội thảo mùa Vọng 2002)

No comments: