(Ghi chép đầu năm Kỷ Sửu)
Nhìn kìa, hãy đưa mắt tư bề,
Muôn dân Đông Tây đang tập trung tới ngươi,
Các cháu con ngươi đang đi từ miền xa về,
Lân bang tiễn chân đi, đang tay bế tay bồng.
Ai đang đi kia tựa như áng mây bay,
Như muôn chim câu bay về tổ rất mau.
Ấy những chiến thuyền trừ Tarxê đang tiến về,
Đem theo con cái ngươi, tay Giavê dìu tới về nhà.
(Hoàng Kim, phóng tác theo Is. 50-60)
Mồng 1 và mồng 2 Tết, nhà thờ có phần vắng hơn ngày thường. Anh chị em xa quê, xe ôm, đồng nát, ôsin...vv đã về quê ăn Tết. Sinh viên, cán bộ, công nhân viên cũng vậy. Nhà thờ như rộng ra. Lư trầm tỏa hương thầm lặng giữa những cành đào nở hồng ấm áp. Chốc chốc lại có một gia đình, vợ chồng con cái tìm đến cầu nguyện đầu năm, hái cho mình những lộc Thánh Kinh vẫn bày trước Cung Thánh. Ngoài đường, Hà nội cũng vắng người và yên tĩnh khác hẳn trong năm, gợi nhớ một lối sống bình an đang trở nên hiếm hoi trong nhịp sinh hoạt hiện đại.
Thế rồi sáng mồng 3 Tết, vừa mở mắt đã có một cảm giác khác. Hôm nay là ngày hành hương minh niên ở đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Thái Hà. Từ sớm, tiếng người đã bắt đầu ríu rít trong sân nhà Thờ. Rồi mỗi lúc người một đông hơn, từng hàng, từng lớp nối chân nhau, người ta trẩy đền, lên đền, hội đền:
“Lạy Chúa, chúng con về từ bốn phương trời.
Lạy Chúa, chúng con về từ khắp thôn làng.
Cùng với lớp sóng người hành hương,
Về nhà Chúa đi, về nhà Chúa đi.”
Cảnh người ta xúm xít bao quanh linh ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp tự nhiên làm tôi liên tưởng đến một câu ca từ thời kháng chiến nửa thế kỷ trước:
“Mẹ già bịn rịn áo nâu,
vui đàn con ở rừng sâu mới về”.
Thật ra, những đoàn người này không gợi lên cảnh rừng sâu. Nhìn họ tôi hình dung ra những làng quê vùng đồng bằng Bắc bộ, những ruộng đồng và ao chuôm, những bờ tre bụi chuối, những đường làng lát gạch quanh co bên những bức tường bao kín lấy từng gia đình, từng mảnh đất, những nhà thờ nhỏ tọa lạc giữa hai hàng cây nhãn, bên một hồ nước dịu mát, xinh đẹp. Nhưng đúng là họ về từ rừng sâu đấy, không phải là rừng cây hoang vu, mà là cõi hoang vu của một kiếp sống, một xã hội còn ngổn ngang trăm ngàn khó khăn, trở ngại. Từ cái nghèo vật chất đến những đam mê vô độ của lòng người, cõi tâm linh và những điều phi nghĩa tác quái, yêu thương và hận thù xen nhau như cây lành với trái độc. Từ rừng sâu ấy, người ta về đây và kêu lên: “Mẹ ơi! cứu giúp chúng con!”.
Mẹ ở đây cũng không hẳn là “Mẹ già áo nâu”. Đức Mẹ được vẽ trên nền vàng sang trọng. Khăn áo màu xanh long lanh ánh vàng có vẻ vương giả, trên trán Mẹ một ngôi sao tỏa sáng. Một gương mặt rất hiền, mà nhìn từ phía nào cũng thấy như ánh mắt đang soi rọi vào ta, đôi bàn tay búp măng đang ôm ẵm Chúa Hài Đồng. Trông thanh cao thế đấy, nhưng hai bên góc ảnh, giữa những đôi cánh thiên thần hiện ra những hình cụ của Golgotha sau này. Và Chúa Hài Đồng dường như sợ hãi quày quả đến nỗi chiếc dép tuột khỏi bàn chân bé nhỏ. Cái vinh quang như đi sâu vào nỗi bi ai của kiếp người. Bịn rịn là ở đó.
Bức ảnh mà ngày nay khách hành hương Thái Hà, đa số là những người mộc mạc, đang chiêm ngắm, thực ra lại chất chứa trong nó một truyền thống linh đạo rất lâu đời. Có một thuật ngữ để gọi thể loại này: Icôn. Icôn là một từ có gốc Hylạp: eikon. Eikon tiếng Hylạp chẳng qua có nghĩa là hình ảnh. Nhưng sở dĩ các ngôn ngữ ngày nay vẫn giữ từ nguyên Hylạp icôn để gọi loại ảnh này, là vì đi kèm với nó có cả một thái độ sống đức tin.
Xin nói vắt tắt đơn giản: Từ ngày Lời Thiên Chúa Nhập Thể làm người thì hóa ra trong cõi nhân sinh trần thế này lại có “Ai”, lại có “Cái gì” phản ảnh được chân lý diệu vợi vinh quang Thiên Chúa mà tự thân mọi ngôn ngữ, mọi ý niệm của con người không sao diễn tả được. “Ai đó” chính là Đức Giê-su, “Cái gì” đó chính là điều mà Đức Giê-su mặc khải và đã nhập thể trong con người, trong cuộc đời của những ai đã đón nhận Chúa, trước tiên là Đức Mẹ và các thánh. Cho nên icôn tượng hình Đức Giê-su, Đức Mẹ và các thánh bởi vì đó là chứng tá hiện hình của Thiên Chúa hạ cố đến với con người và của con người được cuốn hút lên cùng Thiên Chúa.
Vì thế, người thuộc thế giới văn hóa Hylạp Kitô giáo ngày xưa và các vùng văn hóa chủ yếu theo Chính Thống Giáo ngày nay vẽ icôn không phải để thi thố tài năng, cũng không phải để trang trí, mà là để đi vào đức tin. Vẽ icôn là tung vào thế giới giác quan hữu hình những chân lý thuộc về vinh quang Thiên Chúa. Người ta chỉ vẽ icôn sau khi đã trầm tư, cầu nguyện, chiêm niệm lâu ngày, có khi là lâu năm. Người họa sĩ không ký tên vào tác phẩm, bởi vì họa sĩ không vẽ cái gì thuộc về bản thân mình, nhưng về điều mà Thiên Chúa đã ban đức tin cho mình chiêm vọng. Trong tinh thần đó, vẽ icôn tuân thủ nhiều ước lệ và biểu tượng, nhưng bao giờ cũng tiềm ẩn một chủ đề đức tin sâu sắc. Linh ảnh tự thân là một quá trình tâm linh, chiêm niệm và cầu nguyện. Người tín hữu cung chiêm icôn cùng hòa nhập với quá trình tâm linh ấy.
Trở lại với icôn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, trên nền vàng là ánh sáng của Thiên Chúa, Đức Mẹ hiện ra vinh quang; nhưng vinh quang ấy bao gồm cả cuộc khổ nạn, hay nói cách khác, cuộc khổ nạn là biểu lộ hữu hình của thực tại căn bản, thực tại tối hậu là vinh quang của Thiên Chúa.
Hẳn là những thế hệ tín hữu vô danh nào từ những thời xa xưa đã chiêm niệm mầu nhiệm đức tin từ Chúa Giê-su đã tàng ẩn trong muôn vàn nỗi khổ của kiếp người rồi vẽ lên những họa tiết mà ngày nay chúng ta còn một chứng tích quý báu trong bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.
Trong lễ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp các bản văn phụng vụ vẫn tiếp tục chuyển đến người ngày nay cùng một sứ điệp huyền nhiệm. Bài thánh thư trích từ sách Khải huyền về một người phụ nữ vinh quang, mình khoác mặt trời, gót chân đặt trên vầng trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao. Nhưng vinh quang ấy lại cận kề những khổ ải, vì bà có thai và đang kêu la đau đớn quằn quại để sinh con. Và ngay trước mặt có con mãng xà càn quẫy khủng khiếp, chỉ chờ bà sinh xong là nuốt lấy con bà. Nhưng người con sinh ra đã được đưa lên tận ngai Thiên Chúa, còn người phụ nữ thì được Thiên Chúa tạo cho một nơi trú ẩn trong sa mạc. Người phụ nữ ấy là biểu tượng của nhân loại, của Dân Chúa sẽ phát sinh Đấng Cứu Thế.
Con mãng xà kia sẽ thất bại không phá được công trình của Chúa Cứu Thế, nhưng bản chất thâm sâu của nhân loại được cứu độ cũng được niêm phong cất kín khiến cho thế gian dưới quyền của mãng xà không thể dò ra được. Thế rồi như các nhà thần học từng nói: Đức Mẹ là “icôn” của Hội Thánh, của nhân loại được cứu độ, nghĩa là nếu có một ai kết tinh nơi mình thực thể của người phụ nữ vinh quang nhật nguyệt mà đau đớn sinh con, thì đó chính là Đức Maria, Mẹ của Chúa Giê-su.
Đến bài Tin Mừng thì người phụ nữ xuất hiện trên trời kia đã chìm sâu vào một người phụ nữ cũng đang chìm sâu trong bể khổ thế gian: “Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có Đức Mẹ của Người”. Và có lời trối trăng của Chúa cho người đồ đệ: “Bà ơi, đây là con bà”. “Con ơi, đây là Mẹ con”. Bà Maria đứng ngay dưới chân cây sự sống, quằn quại đau thương mà sinh con. Bà đứng ở chính điểm Tình Yêu Cứu Độ của Thiên Chúa tràn vào vỡ bờ thế gian. Bà cảm nhận được cái giá của Ơn Cứu Độ, bà nhìn thấy Ơn Cứu Độ rộng, dài, cao, sâu vô tận. Bất luận ở đâu, con người khốn khó cần Cứu Độ, kêu xin Cứu Độ thì đều bứt dây động rừng làm cho bà chấn động tâm can, vì mọi lời kêu xin Cứu Độ và mọi Cứu Độ đều quy về và đều phát xuất nơi cây thập giá Chúa Giê-su. “Kể từ đó, người đồ đệ rước Người về nhà mình”.
Những người giáo dân lũ lượt kéo nhau về đền Đức Mẹ không biết nói, không biết diễn tả, nhưng họ cảm nghiệm được niềm thâm tín ấy, từ khi họ làm quen với Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Cách đây đã hơn 50 năm có một bức ảnh đã đi khắp thế giới, ảnh chụp đoàn người Việt Nam trên đường chạy loạn, người thúng đội trên đầu, người quang gánh trên vai, và có một chị nhà quê đong đưa hớt hải một bức ảnh lớn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Tôi muốn được kể câu chuyện về bức ảnh truân chuyên ấy....
(Còn tiếp)
Lm Matthêu Vũ Khởi Phụng
No comments:
Post a Comment