Đêm 30 tết
Thánh lễ chuẩn bị đón giao thừa, đã thành truyền thống, cuối lễ mọi người hái lộc. Đầu tiên, cha xứ hái lộc đầu xuân chung cho cả cộng đoàn. Năm nay hái được Lời của Chúa Giê-su trong Tin Mừng theo thánh Gio-an “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga.15,12). Đọc lên, cộng đoàn nhiệt liệt vỗ tay. Còn có lộc nào tinh túy hơn lộc ấy! Còn có chương trình sống nào đích đáng hơn thế nữa! Một phút vui mừng tận đáy lòng. Ra khỏi nhà thờ, đã có người ngẫm nghĩ: “Hay thật! Mà cũng khó thật!” Một tuổi đời đi theo Chúa bao giờ cũng thật khó, mà cũng thật hay.
Mọi người về gia đình chuẩn bị đón giao thừa, một số bạn trẻ tỏa đi các ngả để làm một việc nữa cũng đã thành truyền thống: họ đi đến vỉa hè, bến xe, gầm cầu...để tìm những người vô gia cư ngủ đêm ngoài trời. Các bạn mang theo bánh chưng, kẹo, mứt...để mừng tuổi những người cô đơn, bất hạnh...
Nửa đêm về sáng 01 tết Kỷ Sửu
Pháo hoa bắn tung trời rực rỡ mừng năm mới. Lịch thời gian đã sang trang. Khoảng 2-3 giờ sáng các bạn đi chúc Tết lục đục trở về. Năm nay không có nhiều người co ro trong đêm trừ tịch. Trước Tết vài ngày, dân lang thang đã được thu gom hết. Mấy đứa trẻ bụi đời hàng đêm vẫn tụ tập trên mái bằng một nhà vệ sinh công cộng ngoài bến Chương Dương cũng biến đâu mất. Các bạn trẻ thường kết thân với chúng cũng không biết chúng được di tản đi đâu. Chỉ còn những dân vừa kiết xác vừa chích choác vẫn lui tới khu nhà vệ sinh này.
Giờ này những người vô gia cư già trẻ lớn bé đó đang ở đâu? Có mái nhà che sương, có bức tường che lạnh là tốt lắm chứ! Thành phố cũng có phần văn minh hơn. Không hiểu tại sao nhiều dịp lễ lớn nhiều người vô gia cư biến mất khỏi thành phố, rồi ít ngày sau lại xuất hiện. Các cơ sở xã hội không đủ sức đáp ứng hay là dù phải sống ngoài trời giá lạnh người ta vẫn có cảm giác tự do hơn? Thế mới biết để sắp xếp một chỗ cho cuộc sống vật chất, tinh thần của mỗi người là chuyện vô cùng nan giải, từ chuyện riêng tư, gia đình đến chính trị, kinh tế, tâm lý xã hội...
Những người màn trời chiếu đất biến khỏi vỉa hè và gầm cầu trong giờ phút giao thừa tự nhiên gợi nhớ mấy câu thơ của Trần Huyền Trân:
“Gió ngớt khua lau dưới gậm cầu
Người về gió lạnh bước thôi mau.
Ngõ hoang đã nở dăm màu bướm
Đây lúc đôi mùa đưa tiễn nhau”.
Đôi mùa đang đưa tiễn nhau. Liệu các bạn trẻ của tôi lang thang đi tặng quà chúc Tết có là dăm màu bướm nở mong manh giữa mùa đông lạnh giá để báo hiệu một điều gì mới không?
Nguyên Đán Kỷ Sửu, mồng 01 Tết
Gia đình dân Chúa tập trung ở Nhà thờ lớn Hà Nội dâng thánh lễ Minh niên. Đức Cha Ngô Quang Kiệt mở đầu bài chia sẻ nêu lên hai tâm thế tương phản: Đức Cha nói mấy ngày trước Tết đi chợ hoa thấy hoa xuân thật đẹp gợi lên biết bao liên tưởng hạnh phúc, nhưng bên gốc đào thắm, đào phai nét mặt của nhà vườn lại nặng trĩu lo âu: năm nay đào quất ế ẩm, khủng hoảng kinh tế đã nhập vào Việt Nam, báo hiệu một năm gay go và khó khăn.
Vậy là đã hình thành những thách thức cho năm mới. Như Thái hà đêm qua, hái được lộc Lời Chúa: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”, thì sẽ giống như người ngậm ngải tìm trầm, hay nói đúng hơn, giống như Đức Mẹ giữ lấy Lời trong lòng mà suy đi nghĩ lại, để đi xuyên qua năm mới này, chiêm niệm, thể nghiệm, rồi sẽ thấy cái được cái mất.
Lễ Nhà thờ lớn xong nghe nhiều anh chị em kể chuyện tối qua theo Đức Tổng Giám Mục lên chúc Tết bà con dân tộc trên Mường Riệc. Nghe nói cả trăm người Nhà thờ lớn, Hàm Long, Hàng Bột, Thái Hà... Các bà ở Thượng Thụy kể chuyện mấy ngày trước tết, giáo dân xúm xít nhau nấu bánh chưng trên bãi đất ven nhà thờ thật vui, để tối 30 tham gia đoàn. Bánh chưng miền xuôi lên, bản Mường đáp lễ bằng một bữa cơm với thịt lợn rừng, trong ngôi nhà sàn lớn cuối nhà thờ.
Nói đến ngôi nhà thờ khá lớn đang xây gần xong giữa vùng rừng núi xứ Mường này, lại nhớ đến câu chuyện dễ chừng 20 năm về trước, mấy cô Mường non dại, những cô Thị, cô Tình, Cô Nịm, cô Niêm, đi một đoàn lêu nghêu giữa Hà Nội tìm đến cơ quan nhà nước yêu cầu trả lại cho ngôi nhà thờ dột nát, quả chuông bị tich thu không hiểu vì lý do gì. Quả là một cuộc hành trình mạo hiểm, gian nan, mấy cô Mường vận động đòi chuông ở giữa thủ đô, nhiều lúc cứ như lấy trứng chọi đá, nhiều lúc tưởng như vô vọng.
Nhưng 20 năm sau quả chuông đã trở về bên ngôi nhà thờ đang xây cao. Chuông cũng có lịch sử như người, chuông reo vui trên cao, rồi chuông cũng bị giam giữ, rồi chuông được giấu kỹ, cuối cùng chuông lại rung và chờ ngày lên tháp. Có lẽ rồi cũng phải nhờ một ai đó viết lại kiếp sống của chuông. Mấy cô Mường ngày xưa thì tuổi nay đã chớm thu rồi. Có cô dạy giáo lý cho trẻ em, có cô quét dọn nhà thờ, có cô đêm qua lo nấu nướng tiếp đón đoàn Hà Nội. Thời gian qua đi, xứ Mường vẫn sống nghèo với ruộng nương khoai sắn, vẫn rượu cần cồng chiêng, có thêm đường, thêm nhà, có điện nữa. Người thì cũng có người này người nọ, mấy cô tông đồ xứ Mường cũng có những chuyện lườm nguýt nhau chứ tránh sao nổi, nhưng nói chung thì ai nấy vẫn bám vào đức tin của mình mà sống. Ngày Tết gặp nhau, thấy nhau, thế là gợi lên cả một thế giới tâm linh kỳ diệu...
Lm. Mátthêu Vũ Khởi Phụng
(còn tiếp)
No comments:
Post a Comment