Quý độc giả thân mến,
Chiều qua, tôi có việc đi ra Sài-gòn, ngồi trên taxi, trao đổi vài câu chuyện với người tài xế. Rồi vì chuyến xe của tôi ra đường Nguyễn Huệ, nên chúng tôi bị hút ngay vào chuyện “phố hoa” Nguyễn Huệ.
Người ta đã bắt đầu làm giàn, đã phân lô và đang làm những con trâu bằng rơm bằng rạ, chắc mọi người phải miệt mài và vất vả lắm vì ngày Tết đã gần kề. Người nghệ sĩ phải sáng tác, người nghệ nhân phải chăm bón từ rất lâu, có khi nhiều năm trước để có những “thế hoa”, người xây dựng đổ công đổ sức để hình thành, cả một khối người lao động và sáng tạo.
Anh tài xế taxi bảo tôi: “Tệ quá đi ! Hà Nội... quê quá chừng, thua Sài-gòn mình rồi !” Sài-gòn có kinh nghiệm làm phố hoa nhiều năm, thế nhưng, cũng chẳng hơn gì Hà Nội đâu, năm “con heo vàng” hồi đó bị đánh cướp hoa và heo ngay giữa ban ngày đấy thôi !
Tôi dùng chữ “đánh cướp” không biết có chỉnh theo ngôn từ không ? Nhưng tôi cứ dùng, vì tôi thiển nghĩ: “Ăn trộm” là lấy của người ta khi người ta vắng mặt, người ta không biết; còn “ăn cướp” là lấy giữa thanh thiên bạch nhật, lấy ngang nhiên trước mặt người ta và sẽ phản ứng thô bạo khi người ta cố gắng bảo vệ tài sản của mình, không để bị lấy mất. Kẻ cướp lại còn tán tận lương tâm đến mức có thể hạ thủ làm hại luôn nạn nhân nếu cần.
Theo như chúng ta được thông tin, thì chuyện xảy ra tại phố hoa Hà Nội rõ ràng phải xếp vào loại “ăn cướp”, vì lấy giữa ngay ban ngày, lấy trước mặt mọi người, trước mặt chủ nhân, đã vậy lại còn phản ứng thô bạo khi người có trách nhiệm bảo vệ lên tiếng. Không thể dùng từ “khiếm nhã” vì từ ngữ này chỉ có nghĩa là thiếu lịch sự trong giao tế mà thôi.
Vậy mà, báo chí Việt Nam đã xếp thông tin này vào chuyện “thứ yếu” khi cho đăng trong các đề mục nhỏ và đặt ở những trang bên trong mà thôi. Một vài tờ báo “tích cực” hơn, đã tiếp tục bàn bạc về một số ý kiến của các nhà giáo dục hoặc xã hội. Ngược lại, trên các trang mạng thì sôi nổi hơn, những lời bình luận có phần gay gắt và phản ứng chung là không chấp nhận chuyện “ăn cướp” giữa thủ đô như thế này.
Người ta đi tìm nguyên nhân và đưa ra những đề nghị xử lý, phần đông bảo là do “người dân thiếu ý thức”, chính quyền phải cương quyết và mạnh tay để tái lập trật tự kỷ cương. Nói chuyện hoa lại nhớ chuyện giao thông, cũng vẫn những lý luận y như vậy, người ta đổ hết nguyên nhân gây ra tai nạn là do người sử dụng các phương tiện giao thông thiếu ý thức.
Thử nhìn vấn đề theo một góc cạnh khác. Nếu hệ thống giao thông hợp lý – không chỉ là hợp lý theo kỹ thuật mà còn là hợp lý theo nhân văn nữa – thử một lần ghé ngang qua khu vực có đường xe lửa đi qua, chúng ta thấy cái gì ? Ông Đường Sắt nhà ta lắp đặt hai cái hàng rào song song, cắt thành phố làm hai, hai bên không ai được phép băng qua cả, cư dân bên này không được phép phá hàng rào để liên lạc qua bên kia, thế là thế nào ?
Đề cập đến việc di dời ga Hòa Hưng ra ngoài thành phố, “các ông” đưa ra đủ thứ ý kiến để trì hoãn việc di dời, trong khi đó đất trong khu vực ga Hòa Hưng thì được phân lô xây cất rất nhanh, tiền chia chác đầy túi cán bộ. Nhân dân vùng này chờ đến khi nào các “đầy tớ” của mình chia nhau hết đất thì sẽ được giải quyết việc di dời, riêng hai cái hàng rào “Ô Thước” đó cứ việc để đấy !
Nếu hệ thống giao thông đúng kỹ thuật thì có thể xảy ra tai nạn được không ? Nếu hệ thống dạy và thi nghề lái xe không cấp bằng giả, bằng lậu thì có thể xảy ra tai nạn nhiều như bây giờ chăng ? Nếu không có những “chốt” mãi lộ dọc đường thì xe có tìm cách tăng khách, tăng hàng, tăng tốc độ chạy bù mà gây ra tai nạn không ? Tại sao không có những câu hỏi như vậy nhỉ ? Nếu đặt được những câu hỏi như thế thì đã có ngay câu trả lời rồi, sao lại cứ đổ tiệt hết cho người dân thiếu ý thức ? Thế cán bộ ăn lương từ tiền thuế của dân để làm gì ?
Trách người dân không ý thức, trách người dân không tuân thủ luật lệ, vậy những người có trách nhiệm đã làm hết trách nhiệm mình chưa ? Đất nước đã ngừng chiến tranh hơn ba mươi mấy năm rồi, bán đảo Đông Dương đang mừng kỷ niệm ba mươi năm thay đổi chính thể ở Campuchia, tiếng súng đã im hơn ba mươi năm ở miền Tây Nam tổ quốc, ba mươi năm xây dựng trong hòa bình thì nhân dân được gì ?
Trời ạ, hệ thống giáo dục rệu rã, lương tâm xã hội suy thoái biến chất, con người Tràng An thanh lịch nay cướp hoa giữa ban ngày, con người văn minh Sài-gòn nay bon chen ngột ngạt, “hòn ngọc Viễn Đông” chỉ còn là vang bóng một thời đấy thôi. Tôi cho rằng chính những người có trách nhiệm với đất nước phải chịu trách nhiệm về các vụ việc bê bối này, nếu phải phê phán thì phê phán những người đang cầm cân nảy mực, vì chính họ là tấm gương nhòe nhoẹt rạn vỡ để xã hội đua nhau hành xử theo.
Những suy nghĩ về “Lung linh hai tiếng gia đình” trong bài viết lần trước trên Ephata 401, tôi nhận được nhiều phản hồi từ người đọc, những dòng suy tư đã gợi nhớ về những gương mặt cha mẹ thân yêu của chúng ta, những tấm gương sáng ngời về nhân đức và về lối sống.
Cha mẹ tôi xuất thân từ nông dân, kiếp nghèo bám chặt cuộc đời của ông bà, đến đời con đời cháu cái gốc nghèo vẫn chưa “nhả” hết. Thế nhưng lòng kính sợ Thiên Chúa thì đã ăn vào tận thâm căn cố đế cuộc đời. Chúng tôi lớn lên, qua bao nhiêu sóng gió thăng trầm, lời răn dạy và gương sống của mẹ cha vẫn chính là lòng kính sợ Thiên Chúa. Có những lúc chênh vênh bên bờ vực, nhớ cha nhớ mẹ, bỗng như mình chợt tỉnh, dừng lại kịp, kẻo lại “làm mất lòng Chúa”. Có những lúc cám dỗ dồn dập xô tới, bỗng nhớ mẹ nhớ cha với lời răn dạy “đói cho sạch rách cho thơm”, lòng tự trọng Kitô Giáo được đánh thức, được sống lại, giữ cho mình khỏi “sa chước cám dỗ”.
Cứ thế, tuổi càng về chiều, hình như lời răn dạy và gương sáng ấy càng sống động trong tôi, dìu bước chân mình trên đường vạn lý được vững chắc hơn, được tin tưởng hơn.
Cha mẹ tôi nghèo, lại ít học, nên ông bà chẳng có gì cao siêu để dạy dỗ con cái, chỉ là những bài học hết sức đơn sơ, rất cụ thể và chân chất bình dân làm “di sản phi vật thể” cho con cho cháu. Những bài học bình dân ấy ngô nghê nhưng đọng lại trong tôi lòng kính trọng, bởi vì chính trong những điều hết sức dung dị đó, tôi được sinh ra và lớn lên, được chọn làm Linh Mục, làm Linh Mục của người nghèo.
Đã từng là một người con, bây giờ là Linh Mục, tôi thấy tuổi trẻ và thiếu niên cần lắm những tấm gương trong cuộc sống Đức Tin của người làm cha làm mẹ, tiền bạc sẽ trôi đi, kiến thức cũng có thể mai một, chẳng cái gì có thể theo ta cả đời ngoài tấm lòng biết kính sợ Thiên Chúa. Phải chăng thời điểm này, thời điểm Hội Thánh Việt Nam lên tiếng về việc xây dựng một nền giáo dục Kitô ngay trong mỗi gia đình, đó là lúc mỗi gia đình ý thức vai trò giáo dục của mình, cha mẹ trở nên tấm gương sáng cho con cái...
Vâng, thượng liêm chính, hạ tất an !
Lm. VĨNH SANG, DCCT, Sài-gòn 9.1.2009
No comments:
Post a Comment