Monday, 1 December 2008

CẢM NGHĨ ĐẦU MÙA VỌNG 2008 - VŨ KHỞI PHỤNG

Quý độc giả thân mến,

Mỗi năm, khi Mùa Vọng trở về, khởi đầu một chu kỳ Phụng Vụ mới, lại như có một niềm vui thầm kín mỗi ngày một dâng cao thêm trong lòng người tín hữu.

Đây chưa phải cảm giác hoan lạc ấm cúng, dịu dàng của Mùa Giáng Sinh. Ta chưa cảm nhận được sự âu yếm tỏa lan khi ta chiêm ngắm một Hài Nhi mới sinh nằm trong máng cỏ. Ta như chưa được múc lấy đầy hồn “Lòng từ hậu ái nhân của Thiên Chúa đã tỏ mình, Ngài đã cứu ta.” ( Tt 3, 4 – 5 ). Đêm lạnh của ta chưa biến thành hoa đăng, những giai điệu du dương nhất của loài người chưa hợp âm với tiếng hát thiên thần ca ngợi vinh quang Thiên Chúa và bình an nhân thế.

Cái vui của Mùa Vọng kín đáo hơn, và rất sâu lắng. Nó giống như một nụ hoa chưa nở nhưng vẫn hứa hẹn tất cả. Có lẽ bí quyết sống Mùa Vọng nằm trong những lời của Thánh Phaolô: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi xin nhắc lại: vui lên anh em ! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa rộng rãi, Chúa đã gần đến.” ( Pl 4, 4 – 5 )

Đôi khi ta từ giã một thành phố ngột ngạt để đi ra biển. Đến một lúc nào đó, ta chưa nhìn thấy biển, nhưng bỗng có một cơn gió mang vị biển phả vào mặt ta, một hương vị khác với khói bụi đã quá quen thuộc. Ta biết rằng biển lớn đã gần. Chúa cũng vậy. Ta chưa nhìn thấy Chúa. Chung quanh ta vẫn là thế gian chằng chịt những ô trọc. Nhưng ta biết rằng Chúa đã đến rồi. Người đang ở đâu đây. Và Người đang đến với ta. Ta không thấy mà biết rằng Người có đó. Ta tìm Người mà biết rằng Người sẽ đến bằng những nẻo bất ngờ, qua những cánh cửa còn vô hình với ta.

Tôi xin phép được lấy kinh nghiệm của Thái Hà trong năm qua để minh họa. Trong năm qua, cộng đoàn Thái Hà đi tìm một mảnh đất hương hỏa, tìm trong gian nan khốn khó. Nhưng điều Chúa cho lại không phải mảnh đất. Điều Chúa cho là những con người, đông đảo người dưng kẻ lạ bỗng đâu trở nên hàng ngàn hàng vạn anh chị em hiệp thông trong cùng một đức tin, cùng một lời cầu nguyện. Lúc đầu tưởng sẽ đào móng trong lòng đất để dựng một ngôi nhà, nhưng hóa ra lại đi vào lòng người và tìm thấy một đại gia đình tâm linh. Nhìn lại quá trình ấy mới thấy rằng Chúa đã đi qua đấy, còn để lại vết chân.

Một nhà văn lớn đã viết: “Cái cốt yếu là cái vô hình.” Nhưng cái hữu hình lại để lộ ra chân tướng vô hình đó. Chúng tôi đã nhìn thấy cái vô hình cốt yếu ấy khi các anh chị em từ khắp nơi chỉ vì nghe báo đài chửi Thái Hà mà tự nhiên lũ lượt tìm về ngồi chung trong suy niệm và cầu nguyện. Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp bao nhiêu năm nay rồi vẫn là nơi gặp gỡ của nhiều tâm hồn. Nhưng hình như từ nay lại có thêm một hấp lực mạnh nữa đối với anh chị em thập phương. Không phải vì ở đây có cái gì đặc biệt đẹp đẽ, mà vì cái quá trình vừa qua, đã khiến cho – như lời một nhà thơ, và lại là nhà thơ vô tín ngưỡng – đã viết: “Đất đã hóa tâm hồn.”

Từ nay, nếu hoàn cảnh thuận tiện, người ta đã và sẽ về đây như nêm như nước với đồng phục, cờ hiệu, kèn trống vui mừng; khi không có hoàn cảnh như vậy, người ta cũng cứ về, nhưng về âm thầm, trầm mặc, giống như ai đó bận bịu ngược xuôi, nhưng có dịp đi qua gần quê ngoại cũng ghé về nhìn lại ngôi nhà cũ của mẹ mình. Nhưng dù khi đông đúc hay chỉ dăm bảy người thì thầm tâm sự, dù khi ca hát tưng bừng hay lúc cô đơn sâu lắng, dòng người sẽ không cạn kiệt nữa. Vì đã có lúc ở chỗ này ta chạm vào cái vô hình cốt yếu.

Mà không chỉ có chỗ này. Tôi không hiểu tại sao Chúa lại dùng cộng đoàn Thái Hà để châm ngọn lửa khát khao cầu nguyện cho công lý trên khắp nước. Xét cho cùng thì Thái Hà cũng chỉ là một nhóm tín hữu thường thường thôi, không thánh thiện gì lắm. Vậy mà từ sự hiệp thông với Thái Hà, ngày nay từ Bắc vào Nam, đêm đêm có biết bao nhiêu Nhà Thờ thắp nến cầu nguyện cho Công Lý và Hòa Bình. Những vầng sáng vàng rực trong đêm ấy cũng vẫn nói về một điều cốt yếu vô hình.

Đường Chúa đi là một con đường nối kết. Những vầng sáng trong đêm là cái vỏ hữu hình làm chứng rằng điều cốt yếu vô hình đã có đấy rồi, cho nên nó nối kết lòng người, nó tồn tại và lan tỏa. Chúa truyền: “Anh em ra đi, sinh hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại.” ( Ga 15, 16 )

Những ơn Thái Hà đón nhận trong thời gian qua cho ta nghiệm ra rằng luôn luôn phải chờ đón tác động của Chúa. Có nghĩa là phải mở mắt mở lòng để học và tiếp thu những điều mới lạ, và hạt giống đức tin gieo xuống sẽ nẩy mầm. Dĩ nhiên, trải nghiệm ở Thái Hà mới chỉ là một trường hợp minh họa. Kinh nghiệm này có thể được lặp lại trong mọi lãnh vực, mọi nơi, mọi thời, mọi hoàn cảnh.

Chính vì thế mà bốn tuần lễ trước Giáng Sinh luôn man mác niềm hy vọng. Ở giữa thế gian vẫn còn nhiều âm u này, có được niềm hy vọng ấy đã là một niềm vui, một nguồn bình an. Tôi nhớ tới một câu hát của cha Hoàng Kim, một đàn anh đã quá cố:

“Ôi Giêsu, ngày nào Chúa tới
Thế gian này đẹp hơn nhiều
Ôi, Giêsu ngày nào Chúa tới
Giữa Noel mỹ miều...”

Và lại nhớ bài Thánh Ca Maranatha:

“Và hằng đêm, tôi vẫn khêu ngọn đèn đợi chờ Giêsu...”

VŨ KHỞI PHỤNG, Hà Nội Chúa Nhật 30.11.2008

No comments: