LỜI GIỚI THIỆU
Cách Mạng Tháng Tám thành công, Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời, chấm dứt thời kỳ đô hộ dài đằng đẵng. Hòa cùng niềm vui chung của cả Dân tộc, ngày 23/9/1945, bốn vị Giám mục người Việt Nam là các Đức Cha Nguyễn Bá Tòng, Hồ Ngọc cẩn, Ngô Đình Thục và Lê Hữu Từ đã gửi một thông điệp đến Đức Thánh Cha Pio XII báo tin vui cho vị Cha chung, đồng thời xin ngài ủng hộ nền độc lập non trẻ của Quê Hương.
Lúc này, Đức Giám mục Lê Hữu Từ chưa chính thức thụ phong, nhưng được coi như đã là Giám mục, bởi ngài đã nhận được lệnh của Tòa Thánh từ ngày 19/7/1945 và sau những vận động chối từ chức vụ này mà không thành, kể cả chuyến đi xe đạp từ Ninh Bình vào Huế để vận động với Đức Khâm sứ Tòa Thánh. Trong thư các vị Giám mục Việt Nam có đoạn viết : “Dân tộc Việt Nam chúng con qua sự trung gian của bốn Giám mục, xin đệ đến Đức Thánh Cha lòng thành kính sâu xa và xin Đức Thánh Cha chúc phúc, cầu nguyện cho nền độc lập mà Dân tộc chúng con mới thâu hồi được và đang sẵn sàng bảo vệ nó với bất cứ giá nào ..... Các Giám mục Việt Nam nài khẩn Đức Thánh Cha, Tòa Thánh La Mã, các Đức Hồng y, các Đức Tổng Giám mục, các Đức Giám mục và toàn thể Kitô hữu thế giới và nhất là Nước Pháp ủng hộ nền độc lập của Tổ Quốc yêu quý chúng tôi” (Đoàn Độc Thư và Xuân Huy – Giám mục Lê Hữu Từ và Phát Diệm – Sàigon 1973).
Giữa những ngổn ngang của đất nước mới giành được chính quyền từ tay thực dân Pháp, nội tình vẫn còn hỗn loạn, thù trong giặc ngoài, lễ tấn phong Giám mục cho Cha Tađêô Lê Hữu Từ được tổ chức long trọng tại Phát Diệm ngày 28/10/1945. Hiện diện trong buổi lễ có phái đoàn chính phủ do Thủ tướng Phạm Văn Đồng cầm đầu, trong đoàn còn có cố vấn Vĩnh Thụy, tức cựu hòang Bảo Đại vừa thoái vị để làm công dân một nước độc lập và được cụ Hồ mời làm cố vấn chính phủ. Cũng phải kể đến sự có mặt của ông Nguyễn Văn Giáp, khi đó là thành viên trong nội các chính phủ. Trong buổi lễ tấn phong này, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đánh giá cao chí khí hừng hực chống thực dân Pháp của con nhà có đạo Phát Diệm và hẳn đã tường trình đầy đủ với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khi Pháp quay trở lại chiếm Nước ta, chính phủ kêu gọi toàn dân tiêu thổ kháng chiến, vườn không nhà trống. Phát Diệm dưới sự lãnh đạo của Đức Cha lê Hữu Từ đã không chấp hành lệnh tiêu thổ, tuy vẫn cương quyết kháng chiến chống Pháp và nằm trong Mặt Trận Việt Minh. Công Giáo Cứu Quốc Phát Diệm đã giành chính quyền ở Kim Sơn, bắt liên lạc với chiến khu Quỳnh Lưu của Việt Minh và cho người lên Sơn La xin điều lệ của Mặt Trận Việt Minh. Tổ chức Việt Nam Công Giáo Cứu quốc được liên lạc hàng ngang với Mặt Trận Việt Minh, điều mà Thủ Tướng Phạm Văn Đồng đã thỏa thuận khi về Phát Diệm dự lễ tấn phong Giám Mục của Đức Cha Lê Hữu Từ. Chiến binh của Phát Diệm và cán bộ Việt Minh từ chiến khu Rịa về, gặp nhau ở chợ huyện, hỏi nhau về lai lịch đơn vị, cùng trưng dẫn điều lệ Việt Minh.
Để tranh thủ đồng bào Công giáo Bùi Chu – Phát Diệm, đích thân cụ Hồ về Phát Diệm vấn an vị tân Giám mục vào cuối năm 1946. Trong cuộc gặp gỡ này, cả chủ lẫn khách nói năng dè chừng để tìm hiểu nhau, tránh những lời nói có thể làm tổn thương đến tình đoàn kết đang rất cần thiết trong lúc này. Tuy vậy trong chỗ riêng tư, Đức cha Lê cũng tỏ ra khá thẳng thắn : “Tôi và toàn dân Công giáo Phát Diệm đoàn kết và triệt để ủng hộ cụ trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, dành độc lập cho Tổ Quốc Việt Nam, nhưng nếu cụ là Cộng sản, thì tôi chống cụ và chống cụ từ phút này”. Chủ tịch Hồ Chí Minh thì điềm đạm lấp lửng : “Thưa cụ, toàn dân đoàn kết và đã đoàn kết chống thực dân Pháp, giành độc lập cho Việt Nam thì thế nào cũng thắng. Đến khi toàn dân toàn thắng thì sẽ có cuộc phổ thông đầu phiếu, lúc đó toàn dân sẽ định đoạt, cụ và tôi khỏi phải lo”. (Theo lời kể của ông Nguyễn Đức Hiệp, nguyên Chủ Tịch Ủy Ban Hành Chính Kháng Chiến Kim Sơn, đăng trong Kỷ yếu Phát Diệm 1891-1991, trang 207).
Mới nghe qua thì quả là đúng quá đi chứ. Ý dân là ý Trời qua cuộc phổ thông đầu phiếu, mọi quốc gia dân chủ trên thế giới đều đi theo quy trình này. Thế nhưng, phải nằm trong chăn mới biết chăn có rận. Có cuộc phổ thông đầu phiếu nào mà cử tri đi bầu tới 99,9%, nếu lỡ quên, hoặc cố tình quên (không đi bầu cũng là một cách thể hiện thái độ chính trị trong sinh hoạt dân chủ) thì loa phóng thanh réo tên làng trên xóm dưới. Cái tiếng loa trong sinh hoạt dân chủ ở Nước ta nó rùng rợn vô cùng, nhất là nếu tiếng loa lại kêu đúng tên mình. Số cử tri là thế, lại bầu cho một danh sách ứng cử viên đã được “Hội nghị Liên tịch hiệp thương” thì chuyện toàn dân kia đã biến thành của Đảng (lại là độc Đảng nữa chứ), quả là đe dọa.
Đức Cha Lê Hữu Từ thừa hiểu điều này, bởi một trong những thư Luân lưu nổi tiếng nhất trong số 96 lá thư của ngài gửi toàn Giáo phận là lá thư số 39 ngày 17/4/1949 về “Vấn đề Cộng Sản”. Sở dĩ Đức Cha Lê đã viết nhiều thư như vậy trong thời gian vắn vỏi chín năm coi sóc Giáo phận Phát Diệm là vì do chiến tranh, ngài đã không đến được tất cả các Giáo xứ, nên ngài đã dùng thư để thông tin và giáo dục đoàn chiên của ngài. Trong lá thư quan trọng này, ngài đã minh định : “... Chúng tôi đứng ngoài các đảng phái chính trị, chỉ trích Cộng sản là chỉ trích Cộng sản, không liên can gì tới chính phủ ... Đàng khác, phản đối Cộng sản không phải là đi với Pháp ...”. Sau đó, ngài đề cập tới từng vấn đề nhỏ : Cộng sản với vấn đề Thiên Chúa - Cộng sản với vấn đề Tôn giáo - Cộng sản với Luân lý - Cộng sản với Gia đình - Cộng sản với Quốc gia – Cộng sản với Nhân cách con người – Cộng sản với vấn đề Tư sản.
Thế nhưng, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh được đón tiếp tại Nhà hát lớn của Giáo phận, cụ Hồ đã tỏ ra vô cùng bén nhậy và dứt khoát trong lúc tiếp xúc với quần chúng để làm công tác tư tưởng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đến gần một cụ già và hỏi : “Cụ cho tôi biết ở Việt Nam có bao nhiêu giáo phận ?”. Ông cụ lúng túng : “Thưa, có chừng 10 giáo phận”. - “Thế chúng ta có bao nhiêu giám mục bản xứ ?” – “ Thưa cụ, có ba giám mục Việt Nam”. Cụ Hồ kết luận ngay : “Như thế thì ít quá. Chúng ta phải tranh đấu cho có nhiều giám mục Việt Nam, để cho Nước Việt Nam độc lập thì Giáo Hội Việt Nam cũng phải độc lập” (sđd trang 208). Không biết câu chuyện này có lọt vào tai Đức Cha Lê lúc ấy không, nhưng không thấy vị giám mục nói năng gì thêm về vấn đề đấu tranh cho có giám mục bản xứ và việc độc lập của Giáo hội Việt Nam trong Hội Thánh toàn cầu.
Một người như cụ Hồ đã từng đi khắp năm châu bốn bể, đã hiểu biết nhiều điều thì vấn đề độc lập của Giáo Hội Công Giáo ở một quốc gia nào đó cũng phải là điều mà cụ Hồ am tường rành rẽ. Giáo Hội độc lập theo quan điểm cụ Hồ là điều không thể có được, hoặc nếu có thì chỉ có được ở ... bên Tàu. Giáo Hội Công Giáo là Giáo Hội Toàn cầu. Những cố gắng tách rời người Việt Nam Công Giáo ra khỏi sự hiệp thông với Đấng kế vị Thánh Phêrô là hão huyền. Không biết các linh mục “yêu nước” ngày trước như các cụ Vũ Xuân Kỷ, Nguyễn Thế Vịnh, Võ Thành Trinh có trong đầu ý định này không chứ còn các linh mục “Đoàn Kết” ngày nay sẽ chẳng dại gì mà gảy một khúc đàn ngang cung. Chuyện này đã trở thành hoang tưởng rồi.
Cũng trong buổi gặp gỡ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lớn tiếng xác nhận Đức Cha Lê Hữu Từ là cố vấn chính phủ. Người viết xin được thêm rằng, khi cụ già nói 10 giáo phận là ý cụ muốn nói những giáo phận miền Bắc chăng, nếu kể toàn quốc vào thời điểm ấy, số giáo phận đã là 15. Sau 1954, số giáo phận ở miền Bắc không thay đổi, nhưng tại miền Nam đã phát triển thêm 10 giáo phận mới : Cần Thơ (1955), Nha Trang (1957), Long xuyên – Đà Lạt – Mỹ Tho (1960), Đà Nẵng (1963), Xuân Lộc và Phú Cường (1966), Ban Mê Thuột (1967) và Phan Thiết (1975). Như vậy, hiện nay trong cả Nước có 25 giáo phận.
Từ ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đức Giám mục cố vấn thường xuyên trao đổi thư từ, nhất là từ khi Phát Diệm trở thành Khu An Toàn, đồng bào các nơi tản cư về, trong đó, có không ít các thành phần đảng phái chính trị. Trong hoàn cảnh hỗn quân hỗn quan ấy, những phần tử bất hảo đã thừa nước đục thả câu, gây chia rẽ giữa các thành phần trong dân chúng, nhất là giữa dân quân tự vệ của Phát Diệm và các cán bộ của chính quyền. Đã có nhiều cuộc đụng độ đáng tiếc xảy ra làm bận tâm cụ chủ tịch và cụ cố vấn. Trong thư gửi Đức Cha Lê ngày 2/3/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết : “... Tôi cám ơn thơ cụ ngày 17/2/1947. Tôi đã ra lệnh thả 7 người cụ nhận ... Tôi có nhận được một ít tài liệu. sau khi nghiên cứu kỹ thì thấy rõ ba điều : Thứ nhất, đồng bào Công Záo rất gét thực zân Fáp, rất yêu nước. Thứ hai, đồng bào Công Záo gét Cộng Sản. Thứ ba, một số đồng bào Công Záo nhẹ zạ, vì vậy có người lợi zụng chỗ đó mà gây mối chia rẽ. Bọn này nói : Chính phủ là Việt Minh, Việt Minh là Cộng Sản.
Điểm một, chúng ta sẵn biết, không cần bàn.
Điểm hai, lý tưởng zuy thần và học thuyết zuy vật không hợp nhau, là lẽ tất nhiên. Song, như cụ và tôi đã nói : Trong một zân tộc văn minh, tư tưởng tự zo, tuyên truyền thì tha hồ nhưng tuyệt đối chớ nói xấu nhau. Tự zo tuyên truyền chứ không phải tự zo vô lễ.
Điểm ba, một mặt vì người Công záo có người nhẹ zạ. Một mặt vì cán bộ hạ cấp của chính fủ không khéo. Hai điều đó nhập lại, làm căn cứ cho bọn khuấy rối lợi zụng”.
Thế đấy, thư của Chủ tịch Nước, cụ Hồ Chí Minh, trao đổi với cụ Giám mục cố vấn Lê Hữu Từ rành rẽ và đơn giản như vậy đó. Về phần mình, trong cương vị Giám mục, Đức Cha Lê đã viết một bức thư gửi các linh mục trong Giáo phận ngày 23/3/1947, căn dặn : “Xin các cha đừng nói gì đến chính trị, nhất là trong nhà thờ. Dân chúng nhiều người trình độ trí thức còn thấp kém chưa hiểu nổi những nhời cao xa các cha nói vì ý ngay lành. Do đó sinh ra nhiều chuyện không hay”. Ngài cũng công nhận trong lá thư này là : “Trong lúc Quốc gia hữu sự này có rất nhiều Việt gian len lỏi vào mọi nơi, riêng trong tỉnh ta, nhất là hai phủ Yên Khánh và Kim Sơn mà tuyên truyền, mà dò thám”.
Như vậy, những va chạm lẻ tẻ là không thể tránh khỏi lúc thù trong giặc ngoài luôn lợi dụng cơ hội để gây hoang mang đôi bên. Lại thêm nạn cướp bóc khắp nơi, rồi đổ vấy cho quân chính phủ hay tự vệ Công giáo để gây chia rẽ. Nhưng kẻ thù chung trước mặt là quân Pháp thì vẫn là mục tiêu chung của cả đôi bên, quân của chính phủ và tự vệ Phát Diệm. Tổng Bộ Công Giáo Cứu Quốc đã đi vận động tuyên truyền trong khắp hai Giáo phận Phát Diệm và Bùi Chu, có những đoàn do đích thân vị Giám mục cố vấn chính phủ dẫn đầu đến tận các Giáo xứ để giải thích đường lối chính sách của chính phủ nói chung và Công Giáo Cứu Quốc nói riêng. Thầy phó tế Phaolô Nguyễn Quang Thiều thường xuyên có mặt trong các đòan này, hăng hái đến độ đã xin Đức Cha Lê cho chịu chức linh mục chậm một năm so với các bạn đồng lớp (Các cha Trần Văn Kiệm, Mai Văn Điệu, Trần Trung Lương và Vũ Hữu Văn). Thày Thiều hăm hở trong chuyện đánh Pháp : “Giặc đến nhà, áo lòa xòa cũng phải đánh”, Thày bảo vậy. Cả Bùi Chu Phát Diệm gọi thày là cụ Sáu Việt Minh từ dạo ấy. Cụ sáu Việt Minh được coi như sợi chỉ vàng của Phát Diệm xuyên suốt trên nửa thế kỷ ở bên ngoài Tòa Giám mục Phát Diệm trong khi Đức Cha già Bùi Chu Tạo bám trụ bên trong.
Tổng bộ còn thành lập ba trại huấn luyện về quân sự tại Phát Diệm, Phúc Nhạc và Mưỡu Giáp. Trong hàng ngũ của Tự Vệ luôn luôn phất phới hai lá cờ Tổ Quốc và Hội Thánh; sau khi hát Tiến Quân Ca thì cũng hát bài Christus Vincit (Giêsu chiến thắng).
Sự hợp tác giữa Việt Minh và Công Giáo Cứu Quốc ở Phát Diệm chấm dứt kể từ ngày 16/10/1949, ngày mà quân đội Liên Hợp Pháp nhảy dù xuống Nghĩa địa Lưu Phương khiến Đức Cha Lê và Phát Diệm rơi vào tình thế khó xử. Bản thân Đức Giám mục định rút về Nho Quan để khỏi lãnh trách nhiệm về sau : “Tôi có ý muốn trốn khỏi Phát Diệm bằng thuyền để lên miền rừng núi Nho Quan, song các cha can ... Tôi đã khóc nhiều vì lo, vì buồn và đành chiều ý các cha ...” (Trích Hồi ký của Đức Cha Lê, Đoàn Độc Thư và Xuân Huy, sđd, trang 223-228). Về phía quân nhảy dù toàn người Việt, do một viên đại úy người Việt cầm đầu đã giữ một thái độ rất nhún nhường. Viên đại úy đã sẵn lòng mặc thường phục, không mang vũ khí, cầm thơ của Quốc Trưởng Bảo Đại vào yết kiến Đức Giám mục, mặc dù “tôi không hề có một tiếp xúc nào với chính phủ Bảo Đại ... trước mặt Chúa, tôi không hề có ý làm một việc gì hay nói một lời nào có tính cách như là yêu cầu một quân đội nào đến cứu giúp. Việc này xảy ra hoàn toàn ngoài ý muốn của tôi”. (Thư Luân lưu số 47, ngày 20/10/1949).
Về phía Việt Minh, Phát Diệm được coi như đã vào vùng Tề. Việt Minh lui vào chiến khu, tiếp tục kháng chiến chống Pháp đến ngày giành được thắng lợi sau trận Điện Biên Phủ và Hiệp định Genève 1954.
Ngày 8/12/1951, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, ngày mà Đức Cha Lê đã chọn để dâng Giáo phận cho Đức Mẹ, nhân lúc các linh mục và giáo dân tụ họp về Phát Diệm đông đảo khác thường thì Việt Minh về, khởi đầu là vài tiếng “tắc, bọp”, rồi thì rộn rã súng lớn và bộc phá, cả Phát Diệm rúng rính. Lần đầu tiên người Phát Diệm nếm mùi bom đạn. Cha Phaolô Nguyễn Quang Thiều, cụ Sáu Việt Minh biết trước do được giáo dân đưa tin bộ đội đã về án binh quanh vùng Phát Diệm. Đức Cha Lê và các cha cho là tin vịt và gán cho địa chỉ xuất phát của nguồn tin này là cụ Sáu Việt Minh. Khi tiếng súng nổ ngay đàng sau Nhà Chung và bộ đội đã vào bên trong khu thánh đường, lại cũng cụ Sáu Việt Minh ra gặp anh em bộ đội ở trước Phương đình, yêu cầu họ rút khỏi khuôn viên nơi thờ phượng. Bộ đội chấp hành ngay yêu cầu này, một dịp tranh thủ lòng dân. Vả lại, gọi là về giải phóng Phát Diệm, nhưng chỉ đến rồi đi, để lại kinh hoàng cho ... Khu An Toàn !
Như vậy là Phát Diệm bị chia thành hai vùng : vùng Tề và vùng Giải phóng. Đức Cha Lê khuyến khích các linh mục xung phong ra phục vụ các cộng đoàn thuộc vùng kiểm soát của Việt Minh. Cụ Sáu Việt Minh đi đầu. Cụ bảo : “Năm 1946-1947, giáo dân Phát Diệm đã tặng tôi danh hiệu cụ Sáu Việt Minh thì từ nay bước ra đi hẳn với Việt Minh ... để rồi nên nạn nhân Việt Minh”. Hôm ra đi là ngày 3/3/1952, dưới sự bảo lãnh của Cha Nhân, chính xứ Hoàng Mai, từ vùng Việt Minh về Tòa Giám Mục.
Sau khi chịu chức linh mục ngày 31/10/1947, Cha Phaolô Nguyễn Quang Thiều chọn cho mình khẩu hiệu “STA”, những chữ cái đầu của ba từ “Spina Triumphis Aptior”, gai góc thích hợp hơn cho chiến thắng, hoặc nói một cách dễ hiểu là để tới chiến thắng, phải đạp lên chông gai. Cha Thiều cũng phóng tác ra Pháp ngữ : Souffrir Tout par Amour : chịu đựng tất cả vì tình yêu. Từ “STA” trong tiếng Latin cũng có nghĩa là : Hãy đứng thẳng lên.
Ra với Việt Minh, cha Thiều vỡ mộng. Cha Nhân đã chả bảo lãnh được ai, còn chính bản thân ngài cũng đi Nam năm 1954. Ở Hoàng Mai được vài ngày thảnh thơi chờ cứu xét, rồi bị mời làm việc, tiếp theo chuỗi ngày tù ngục khắp các trại giam liên khu ba, dưới gông cùm của cai ngục Lý Bá Sơ, cho đến ngày 12/12/1954 mới được cho về Hà Nội. Đã có lúc (tháng 3/1953), nhân một lần chuyển trại, anh em tù tưởng là cha Thiều bị đem đi bắn. Một bạn tù được tha về tới Kim Sơn loan tin, báo Đời Sống của Cha Bênađô Phạm Văn Quy đã đăng cáo phó và lễ mồ cầu cho cụ Sáu Việt Minh được cử hành do chính Đức Cha Lê chủ lễ. Đã có lúc, các linh mục của bốn Giáo phận tập trung trong cùng một trại giam, đó là lúc ở phòng 5Đ, phòng Phản Động, từ tháng 10/1953 đến tháng 2/1954 gồm các cha : Thuyết, Luật, San, Vinh, Cung, Hào, Vĩnh, Hoàn, Huyền, Huân, Cử, Vũ, thầy Chính và bốn cha dòng khổ tu Châu Sơn. Tổng cộng là 17 linh mục và 1 thày. Chắc các cha còn sống hôm nay không thể quên được cái đên Noel 1953 : cha Huân, chính xứ Quảng Phúc vừa qua đời (13/12) vì bị bệnh kiết lỵ, cha J.B Hoàn, cha linh hướng Tiểu Chủng viện Trung Linh (Bùi Chu) đang hấp hối. Cả phòng buồn rười rượi, nhưng cán bộ yêu cầu hát mừng Noel, cả phòng 5Đ, phòng Phản Động, đã nghẹn ngào đồng ca bài “Đêm Đông” của Hải Linh. Cha Hoàn mấp máy môi hát theo để rồi chỉ vài giờ sau đó, vào lúc nửa đêm, ngài nhập vào với ca đoàn các thiên thần trên Thiên Quốc. (100 năm Giáo Phận Phát Diệm. Vũ Sinh Hiên. Trang 31-41).
Trong một chuyến điền dã về Phát Diệm năm 2001, người viết tình cờ tìm thấy tập nhật ký của “Cụ Sáu Việt Minh” và 36 bài thơ của cụ, vốn được trao lại cho cô y tá đã từng săn sóc ngài trong những năm tháng cuối đời. Tập nhật ký đã được Linh mục Phaolô Nguyễn Quang Thiều viết lại năm 1972, năm kỷ niệm 25 năm ngài được chịu chức Linh mục, căn cứ vào những cuốn sổ tay mà ngài đã ghi chép từ nhiều năm trước. Ngày 24/10/1947 Thày Đại chủng sinh Phaolô Nguyễn Quang Thiều được lệnh bề trên về dự cấm phòng dọn mình để lãnh sứ vụ linh mục, sau khi đã xin hoãn chịu chức một năm để có thể tháp tùng Đức cha Lê Hữu Từ, Cố vấn Chính phủ việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, đi khắp nơi tuyên truyền chống Pháp. Tình thế lúc bấy giờ đang “rối như canh hẹ”, theo lời Thày Thiều mô tả. Ngoài việc tháp tùng Đức Cha Lê, đảm trách công việc văn phòng của Đức Cha kiêm Cố vấn Chính Phủ, Thày Thiều còn được lệnh bề trên về các giáo xứ phối hợp và hoà giải với quân chính phủ trong việc “bắt côn đồ”, cụm từ được quân đội Việt Minh dùng để chỉ việc hành quân về các giáo xứ vốn mạnh tay chống cộng cũng như chống tây. Đang lúc rối như canh hẹ ấy, Thày Thiều đâu còn lòng dạ nào mà tĩnh tâm, chỉ biết “bận tâm lo lắng … mà cũng có khi vì lo ra nhiều quá mà chẳng ghi sổ tay”, Thày Thiều đã thành thật xác nhận. Nhưng chỉ vài trang sau đó, vị Tân Linh mục đã tỉ mỉ ghi chép Reguli vitae sacerdotalis – bản quy luật đời sống Linh mục mà Cha Thiều tự đặt ra cho đời mình.
Ngày 16/10/1949, hai năm sau ngày Cha Nguyễn Quang Thiều chịu chức linh mục, quân Pháp nhảy dù xuống Phát Diệm, đặt Đức Cha Lê Hữu Từ vào một tình huống khó xử, đến nỗi ngài đã có ý định rời Toà Giám mục để đi lên vùng kháng chiến Nho Quan. “Cụ Sáu Việt Minh” Nguyễn Quang Thiều cũng không kém khó xử. Chỉ còn biết trông cậy vào sự dẫn dắt của Chúa và Mẹ Maria. Ngày 8/12/1951 Đức Cha Lê dâng toàn Địa Phận cho Đức Mẹ và kêu gọi các Linh mục đi thi hành mục vụ tại các giáo xứ thuộc vùng Giải phóng như Yên Mô, Gia Khánh, Gia Viễn, Nho Quan …
Tháng 3/1952, Linh mục Phaolô Nguyễn Quang Thiều vâng theo lời kêu gọi của Đức Giám Mục Địa Phận : “Năm 1946 – 1947, giáo dân Phát Diệm đã tặng tôi danh hiệu “Cụ Sáu Việt Minh” thì từ nay bước ra đi hẳn với Việt minh ! … để rồi nên Nạn Nhân Việt Minh”.
Nạn nhân như thế nào, đến mức độ nào, xin mời bạn đọc đọc những trang viết sau đây của Linh Mục Phaolô Nguyễn Quang Thiều, biệt danh “Cụ Sáu Việt Minh”.
VŨ SINH HIÊN.
No comments:
Post a Comment