VŨ SINH HIÊN
GIƠÍ THIỆU
NHẬT KÝ
CỦA
Cụ Sáu Việt Minh
2007
Đức Ông Phaolô Giuse Nguyễn Quang Thiều
Giám Chức Danh Dự của Đức Thánh Cha
Gặp gỡ người gìn giữ những quyển Nhật ký của Cha Thiều
Linh Mục Phaolô Giuse
NGUYỄN QUANG THIỀU
1917 - 2001
Gia Đình An Phong
VŨ SINH HIÊN
GIƠÍ THIỆU
NHẬT KÝ
CỦA
Cụ Sáu Việt Minh
2007
Đức Ông Phaolô Giuse Nguyễn Quang Thiều
Giám Chức Danh Dự của Đức Thánh Cha
Gặp gỡ người gìn giữ những quyển Nhật ký của Cha Thiều
Linh Mục Phaolô Giuse
NGUYỄN QUANG THIỀU
1917 - 2001
LỜI GIỚI THIỆU
Cách Mạng Tháng Tám thành công, Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời, chấm dứt thời kỳ đô hộ dài đằng đẵng. Hòa cùng niềm vui chung của cả Dân tộc, ngày 23/9/1945, bốn vị Giám mục người Việt Nam là các Đức Cha Nguyễn Bá Tòng, Hồ Ngọc cẩn, Ngô Đình Thục và Lê Hữu Từ đã gửi một thông điệp đến Đức Thánh Cha Pio XII báo tin vui cho vị Cha chung, đồng thời xin ngài ủng hộ nền độc lập non trẻ của Quê Hương.
Lúc này, Đức Giám mục Lê Hữu Từ chưa chính thức thụ phong, nhưng được coi như đã là Giám mục, bởi ngài đã nhận được lệnh của Tòa Thánh từ ngày 19/7/1945 và sau những vận động chối từ chức vụ này mà không thành, kể cả chuyến đi xe đạp từ Ninh Bình vào Huế để vận động với Đức Khâm sứ Tòa Thánh. Trong thư các vị Giám mục Việt Nam có đoạn viết : “Dân tộc Việt Nam chúng con qua sự trung gian của bốn Giám mục, xin đệ đến Đức Thánh Cha lòng thành kính sâu xa và xin Đức Thánh Cha chúc phúc, cầu nguyện cho nền độc lập mà Dân tộc chúng con mới thâu hồi được và đang sẵn sàng bảo vệ nó với bất cứ giá nào ..... Các Giám mục Việt Nam nài khẩn Đức Thánh Cha, Tòa Thánh La Mã, các Đức Hồng y, các Đức Tổng Giám mục, các Đức Giám mục và toàn thể Kitô hữu thế giới và nhất là Nước Pháp ủng hộ nền độc lập của Tổ Quốc yêu quý chúng tôi” (Đoàn Độc Thư và Xuân Huy – Giám mục Lê Hữu Từ và Phát Diệm – Sàigon 1973).
Giữa những ngổn ngang của đất nước mới giành được chính quyền từ tay thực dân Pháp, nội tình vẫn còn hỗn loạn, thù trong giặc ngoài, lễ tấn phong Giám mục cho Cha Tađêô Lê Hữu Từ được tổ chức long trọng tại Phát Diệm ngày 28/10/1945. Hiện diện trong buổi lễ có phái đoàn chính phủ do Thủ tướng Phạm Văn Đồng cầm đầu, trong đoàn còn có cố vấn Vĩnh Thụy, tức cựu hòang Bảo Đại vừa thoái vị để làm công dân một nước độc lập và được cụ Hồ mời làm cố vấn chính phủ. Cũng phải kể đến sự có mặt của ông Nguyễn Văn Giáp, khi đó là thành viên trong nội các chính phủ. Trong buổi lễ tấn phong này, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đánh giá cao chí khí hừng hực chống thực dân Pháp của con nhà có đạo Phát Diệm và hẳn đã tường trình đầy đủ với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khi Pháp quay trở lại chiếm Nước ta, chính phủ kêu gọi toàn dân tiêu thổ kháng chiến, vườn không nhà trống. Phát Diệm dưới sự lãnh đạo của Đức Cha lê Hữu Từ đã không chấp hành lệnh tiêu thổ, tuy vẫn cương quyết kháng chiến chống Pháp và nằm trong Mặt Trận Việt Minh. Công Giáo Cứu Quốc Phát Diệm đã giành chính quyền ở Kim Sơn, bắt liên lạc với chiến khu Quỳnh Lưu của Việt Minh và cho người lên Sơn La xin điều lệ của Mặt Trận Việt Minh. Tổ chức Việt Nam Công Giáo Cứu quốc được liên lạc hàng ngang với Mặt Trận Việt Minh, điều mà Thủ Tướng Phạm Văn Đồng đã thỏa thuận khi về Phát Diệm dự lễ tấn phong Giám Mục của Đức Cha Lê Hữu Từ. Chiến binh của Phát Diệm và cán bộ Việt Minh từ chiến khu Rịa về, gặp nhau ở chợ huyện, hỏi nhau về lai lịch đơn vị, cùng trưng dẫn điều lệ Việt Minh.
Để tranh thủ đồng bào Công giáo Bùi Chu – Phát Diệm, đích thân cụ Hồ về Phát Diệm vấn an vị tân Giám mục vào cuối năm 1946. Trong cuộc gặp gỡ này, cả chủ lẫn khách nói năng dè chừng để tìm hiểu nhau, tránh những lời nói có thể làm tổn thương đến tình đoàn kết đang rất cần thiết trong lúc này. Tuy vậy trong chỗ riêng tư, Đức cha Lê cũng tỏ ra khá thẳng thắn : “Tôi và toàn dân Công giáo Phát Diệm đoàn kết và triệt để ủng hộ cụ trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, dành độc lập cho Tổ Quốc Việt Nam, nhưng nếu cụ là Cộng sản, thì tôi chống cụ và chống cụ từ phút này”. Chủ tịch Hồ Chí Minh thì điềm đạm lấp lửng : “Thưa cụ, toàn dân đoàn kết và đã đoàn kết chống thực dân Pháp, giành độc lập cho Việt Nam thì thế nào cũng thắng. Đến khi toàn dân toàn thắng thì sẽ có cuộc phổ thông đầu phiếu, lúc đó toàn dân sẽ định đoạt, cụ và tôi khỏi phải lo”. (Theo lời kể của ông Nguyễn Đức Hiệp, nguyên Chủ Tịch Ủy Ban Hành Chính Kháng Chiến Kim Sơn, đăng trong Kỷ yếu Phát Diệm 1891-1991, trang 207).
Mới nghe qua thì quả là đúng quá đi chứ. Ý dân là ý Trời qua cuộc phổ thông đầu phiếu, mọi quốc gia dân chủ trên thế giới đều đi theo quy trình này. Thế nhưng, phải nằm trong chăn mới biết chăn có rận. Có cuộc phổ thông đầu phiếu nào mà cử tri đi bầu tới 99,9%, nếu lỡ quên, hoặc cố tình quên (không đi bầu cũng là một cách thể hiện thái độ chính trị trong sinh hoạt dân chủ) thì loa phóng thanh réo tên làng trên xóm dưới. Cái tiếng loa trong sinh hoạt dân chủ ở Nước ta nó rùng rợn vô cùng, nhất là nếu tiếng loa lại kêu đúng tên mình. Số cử tri là thế, lại bầu cho một danh sách ứng cử viên đã được “Hội nghị Liên tịch hiệp thương” thì chuyện toàn dân kia đã biến thành của Đảng (lại là độc Đảng nữa chứ), quả là đe dọa.
Đức Cha Lê Hữu Từ thừa hiểu điều này, bởi một trong những thư Luân lưu nổi tiếng nhất trong số 96 lá thư của ngài gửi toàn Giáo phận là lá thư số 39 ngày 17/4/1949 về “Vấn đề Cộng Sản”. Sở dĩ Đức Cha Lê đã viết nhiều thư như vậy trong thời gian vắn vỏi chín năm coi sóc Giáo phận Phát Diệm là vì do chiến tranh, ngài đã không đến được tất cả các Giáo xứ, nên ngài đã dùng thư để thông tin và giáo dục đoàn chiên của ngài. Trong lá thư quan trọng này, ngài đã minh định : “... Chúng tôi đứng ngoài các đảng phái chính trị, chỉ trích Cộng sản là chỉ trích Cộng sản, không liên can gì tới chính phủ ... Đàng khác, phản đối Cộng sản không phải là đi với Pháp ...”. Sau đó, ngài đề cập tới từng vấn đề nhỏ : Cộng sản với vấn đề Thiên Chúa - Cộng sản với vấn đề Tôn giáo - Cộng sản với Luân lý - Cộng sản với Gia đình - Cộng sản với Quốc gia – Cộng sản với Nhân cách con người – Cộng sản với vấn đề Tư sản.
Thế nhưng, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh được đón tiếp tại Nhà hát lớn của Giáo phận, cụ Hồ đã tỏ ra vô cùng bén nhậy và dứt khoát trong lúc tiếp xúc với quần chúng để làm công tác tư tưởng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đến gần một cụ già và hỏi : “Cụ cho tôi biết ở Việt Nam có bao nhiêu giáo phận ?”. Ông cụ lúng túng : “Thưa, có chừng 10 giáo phận”. - “Thế chúng ta có bao nhiêu giám mục bản xứ ?” – “ Thưa cụ, có ba giám mục Việt Nam”. Cụ Hồ kết luận ngay : “Như thế thì ít quá. Chúng ta phải tranh đấu cho có nhiều giám mục Việt Nam, để cho Nước Việt Nam độc lập thì Giáo Hội Việt Nam cũng phải độc lập” (sđd trang 208). Không biết câu chuyện này có lọt vào tai Đức Cha Lê lúc ấy không, nhưng không thấy vị giám mục nói năng gì thêm về vấn đề đấu tranh cho có giám mục bản xứ và việc độc lập của Giáo hội Việt Nam trong Hội Thánh toàn cầu.
Một người như cụ Hồ đã từng đi khắp năm châu bốn bể, đã hiểu biết nhiều điều thì vấn đề độc lập của Giáo Hội Công Giáo ở một quốc gia nào đó cũng phải là điều mà cụ Hồ am tường rành rẽ. Giáo Hội độc lập theo quan điểm cụ Hồ là điều không thể có được, hoặc nếu có thì chỉ có được ở ... bên Tàu. Giáo Hội Công Giáo là Giáo Hội Toàn cầu. Những cố gắng tách rời người Việt Nam Công Giáo ra khỏi sự hiệp thông với Đấng kế vị Thánh Phêrô là hão huyền. Không biết các linh mục “yêu nước” ngày trước như các cụ Vũ Xuân Kỷ, Nguyễn Thế Vịnh, Võ Thành Trinh có trong đầu ý định này không chứ còn các linh mục “Đoàn Kết” ngày nay sẽ chẳng dại gì mà gảy một khúc đàn ngang cung. Chuyện này đã trở thành hoang tưởng rồi.
Cũng trong buổi gặp gỡ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lớn tiếng xác nhận Đức Cha Lê Hữu Từ là cố vấn chính phủ. Người viết xin được thêm rằng, khi cụ già nói 10 giáo phận là ý cụ muốn nói những giáo phận miền Bắc chăng, nếu kể toàn quốc vào thời điểm ấy, số giáo phận đã là 15. Sau 1954, số giáo phận ở miền Bắc không thay đổi, nhưng tại miền Nam đã phát triển thêm 10 giáo phận mới : Cần Thơ (1955), Nha Trang (1957), Long xuyên – Đà Lạt – Mỹ Tho (1960), Đà Nẵng (1963), Xuân Lộc và Phú Cường (1966), Ban Mê Thuột (1967) và Phan Thiết (1975). Như vậy, hiện nay trong cả Nước có 25 giáo phận.
Từ ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đức Giám mục cố vấn thường xuyên trao đổi thư từ, nhất là từ khi Phát Diệm trở thành Khu An Toàn, đồng bào các nơi tản cư về, trong đó, có không ít các thành phần đảng phái chính trị. Trong hoàn cảnh hỗn quân hỗn quan ấy, những phần tử bất hảo đã thừa nước đục thả câu, gây chia rẽ giữa các thành phần trong dân chúng, nhất là giữa dân quân tự vệ của Phát Diệm và các cán bộ của chính quyền. Đã có nhiều cuộc đụng độ đáng tiếc xảy ra làm bận tâm cụ chủ tịch và cụ cố vấn. Trong thư gửi Đức Cha Lê ngày 2/3/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết : “... Tôi cám ơn thơ cụ ngày 17/2/1947. Tôi đã ra lệnh thả 7 người cụ nhận ... Tôi có nhận được một ít tài liệu. sau khi nghiên cứu kỹ thì thấy rõ ba điều : Thứ nhất, đồng bào Công Záo rất gét thực zân Fáp, rất yêu nước. Thứ hai, đồng bào Công Záo gét Cộng Sản. Thứ ba, một số đồng bào Công Záo nhẹ zạ, vì vậy có người lợi zụng chỗ đó mà gây mối chia rẽ. Bọn này nói : Chính phủ là Việt Minh, Việt Minh là Cộng Sản.
Điểm một, chúng ta sẵn biết, không cần bàn.
Điểm hai, lý tưởng zuy thần và học thuyết zuy vật không hợp nhau, là lẽ tất nhiên. Song, như cụ và tôi đã nói : Trong một zân tộc văn minh, tư tưởng tự zo, tuyên truyền thì tha hồ nhưng tuyệt đối chớ nói xấu nhau. Tự zo tuyên truyền chứ không phải tự zo vô lễ.
Điểm ba, một mặt vì người Công záo có người nhẹ zạ. Một mặt vì cán bộ hạ cấp của chính fủ không khéo. Hai điều đó nhập lại, làm căn cứ cho bọn khuấy rối lợi zụng”.
Thế đấy, thư của Chủ tịch Nước, cụ Hồ Chí Minh, trao đổi với cụ Giám mục cố vấn Lê Hữu Từ rành rẽ và đơn giản như vậy đó. Về phần mình, trong cương vị Giám mục, Đức Cha Lê đã viết một bức thư gửi các linh mục trong Giáo phận ngày 23/3/1947, căn dặn : “Xin các cha đừng nói gì đến chính trị, nhất là trong nhà thờ. Dân chúng nhiều người trình độ trí thức còn thấp kém chưa hiểu nổi những nhời cao xa các cha nói vì ý ngay lành. Do đó sinh ra nhiều chuyện không hay”. Ngài cũng công nhận trong lá thư này là : “Trong lúc Quốc gia hữu sự này có rất nhiều Việt gian len lỏi vào mọi nơi, riêng trong tỉnh ta, nhất là hai phủ Yên Khánh và Kim Sơn mà tuyên truyền, mà dò thám”.
Như vậy, những va chạm lẻ tẻ là không thể tránh khỏi lúc thù trong giặc ngoài luôn lợi dụng cơ hội để gây hoang mang đôi bên. Lại thêm nạn cướp bóc khắp nơi, rồi đổ vấy cho quân chính phủ hay tự vệ Công giáo để gây chia rẽ. Nhưng kẻ thù chung trước mặt là quân Pháp thì vẫn là mục tiêu chung của cả đôi bên, quân của chính phủ và tự vệ Phát Diệm. Tổng Bộ Công Giáo Cứu Quốc đã đi vận động tuyên truyền trong khắp hai Giáo phận Phát Diệm và Bùi Chu, có những đoàn do đích thân vị Giám mục cố vấn chính phủ dẫn đầu đến tận các Giáo xứ để giải thích đường lối chính sách của chính phủ nói chung và Công Giáo Cứu Quốc nói riêng. Thầy phó tế Phaolô Nguyễn Quang Thiều thường xuyên có mặt trong các đòan này, hăng hái đến độ đã xin Đức Cha Lê cho chịu chức linh mục chậm một năm so với các bạn đồng lớp (Các cha Trần Văn Kiệm, Mai Văn Điệu, Trần Trung Lương và Vũ Hữu Văn). Thày Thiều hăm hở trong chuyện đánh Pháp : “Giặc đến nhà, áo lòa xòa cũng phải đánh”, Thày bảo vậy. Cả Bùi Chu Phát Diệm gọi thày là cụ Sáu Việt Minh từ dạo ấy. Cụ sáu Việt Minh được coi như sợi chỉ vàng của Phát Diệm xuyên suốt trên nửa thế kỷ ở bên ngoài Tòa Giám mục Phát Diệm trong khi Đức Cha già Bùi Chu Tạo bám trụ bên trong.
Tổng bộ còn thành lập ba trại huấn luyện về quân sự tại Phát Diệm, Phúc Nhạc và Mưỡu Giáp. Trong hàng ngũ của Tự Vệ luôn luôn phất phới hai lá cờ Tổ Quốc và Hội Thánh; sau khi hát Tiến Quân Ca thì cũng hát bài Christus Vincit (Giêsu chiến thắng).
Sự hợp tác giữa Việt Minh và Công Giáo Cứu Quốc ở Phát Diệm chấm dứt kể từ ngày 16/10/1949, ngày mà quân đội Liên Hợp Pháp nhảy dù xuống Nghĩa địa Lưu Phương khiến Đức Cha Lê và Phát Diệm rơi vào tình thế khó xử. Bản thân Đức Giám mục định rút về Nho Quan để khỏi lãnh trách nhiệm về sau : “Tôi có ý muốn trốn khỏi Phát Diệm bằng thuyền để lên miền rừng núi Nho Quan, song các cha can ... Tôi đã khóc nhiều vì lo, vì buồn và đành chiều ý các cha ...” (Trích Hồi ký của Đức Cha Lê, Đoàn Độc Thư và Xuân Huy, sđd, trang 223-228). Về phía quân nhảy dù toàn người Việt, do một viên đại úy người Việt cầm đầu đã giữ một thái độ rất nhún nhường. Viên đại úy đã sẵn lòng mặc thường phục, không mang vũ khí, cầm thơ của Quốc Trưởng Bảo Đại vào yết kiến Đức Giám mục, mặc dù “tôi không hề có một tiếp xúc nào với chính phủ Bảo Đại ... trước mặt Chúa, tôi không hề có ý làm một việc gì hay nói một lời nào có tính cách như là yêu cầu một quân đội nào đến cứu giúp. Việc này xảy ra hoàn toàn ngoài ý muốn của tôi”. (Thư Luân lưu số 47, ngày 20/10/1949).
Về phía Việt Minh, Phát Diệm được coi như đã vào vùng Tề. Việt Minh lui vào chiến khu, tiếp tục kháng chiến chống Pháp đến ngày giành được thắng lợi sau trận Điện Biên Phủ và Hiệp định Genève 1954.
Ngày 8/12/1951, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, ngày mà Đức Cha Lê đã chọn để dâng Giáo phận cho Đức Mẹ, nhân lúc các linh mục và giáo dân tụ họp về Phát Diệm đông đảo khác thường thì Việt Minh về, khởi đầu là vài tiếng “tắc, bọp”, rồi thì rộn rã súng lớn và bộc phá, cả Phát Diệm rúng rính. Lần đầu tiên người Phát Diệm nếm mùi bom đạn. Cha Phaolô Nguyễn Quang Thiều, cụ Sáu Việt Minh biết trước do được giáo dân đưa tin bộ đội đã về án binh quanh vùng Phát Diệm. Đức Cha Lê và các cha cho là tin vịt và gán cho địa chỉ xuất phát của nguồn tin này là cụ Sáu Việt Minh. Khi tiếng súng nổ ngay đàng sau Nhà Chung và bộ đội đã vào bên trong khu thánh đường, lại cũng cụ Sáu Việt Minh ra gặp anh em bộ đội ở trước Phương đình, yêu cầu họ rút khỏi khuôn viên nơi thờ phượng. Bộ đội chấp hành ngay yêu cầu này, một dịp tranh thủ lòng dân. Vả lại, gọi là về giải phóng Phát Diệm, nhưng chỉ đến rồi đi, để lại kinh hoàng cho ... Khu An Toàn !
Như vậy là Phát Diệm bị chia thành hai vùng : vùng Tề và vùng Giải phóng. Đức Cha Lê khuyến khích các linh mục xung phong ra phục vụ các cộng đoàn thuộc vùng kiểm soát của Việt Minh. Cụ Sáu Việt Minh đi đầu. Cụ bảo : “Năm 1946-1947, giáo dân Phát Diệm đã tặng tôi danh hiệu cụ Sáu Việt Minh thì từ nay bước ra đi hẳn với Việt Minh ... để rồi nên nạn nhân Việt Minh”. Hôm ra đi là ngày 3/3/1952, dưới sự bảo lãnh của Cha Nhân, chính xứ Hoàng Mai, từ vùng Việt Minh về Tòa Giám Mục.
Sau khi chịu chức linh mục ngày 31/10/1947, Cha Phaolô Nguyễn Quang Thiều chọn cho mình khẩu hiệu “STA”, những chữ cái đầu của ba từ “Spina Triumphis Aptior”, gai góc thích hợp hơn cho chiến thắng, hoặc nói một cách dễ hiểu là để tới chiến thắng, phải đạp lên chông gai. Cha Thiều cũng phóng tác ra Pháp ngữ : Souffrir Tout par Amour : chịu đựng tất cả vì tình yêu. Từ “STA” trong tiếng Latin cũng có nghĩa là : Hãy đứng thẳng lên.
Ra với Việt Minh, cha Thiều vỡ mộng. Cha Nhân đã chả bảo lãnh được ai, còn chính bản thân ngài cũng đi Nam năm 1954. Ở Hoàng Mai được vài ngày thảnh thơi chờ cứu xét, rồi bị mời làm việc, tiếp theo chuỗi ngày tù ngục khắp các trại giam liên khu ba, dưới gông cùm của cai ngục Lý Bá Sơ, cho đến ngày 12/12/1954 mới được cho về Hà Nội. Đã có lúc (tháng 3/1953), nhân một lần chuyển trại, anh em tù tưởng là cha Thiều bị đem đi bắn. Một bạn tù được tha về tới Kim Sơn loan tin, báo Đời Sống của Cha Bênađô Phạm Văn Quy đã đăng cáo phó và lễ mồ cầu cho cụ Sáu Việt Minh được cử hành do chính Đức Cha Lê chủ lễ. Đã có lúc, các linh mục của bốn Giáo phận tập trung trong cùng một trại giam, đó là lúc ở phòng 5Đ, phòng Phản Động, từ tháng 10/1953 đến tháng 2/1954 gồm các cha : Thuyết, Luật, San, Vinh, Cung, Hào, Vĩnh, Hoàn, Huyền, Huân, Cử, Vũ, thầy Chính và bốn cha dòng khổ tu Châu Sơn. Tổng cộng là 17 linh mục và 1 thày. Chắc các cha còn sống hôm nay không thể quên được cái đên Noel 1953 : cha Huân, chính xứ Quảng Phúc vừa qua đời (13/12) vì bị bệnh kiết lỵ, cha J.B Hoàn, cha linh hướng Tiểu Chủng viện Trung Linh (Bùi Chu) đang hấp hối. Cả phòng buồn rười rượi, nhưng cán bộ yêu cầu hát mừng Noel, cả phòng 5Đ, phòng Phản Động, đã nghẹn ngào đồng ca bài “Đêm Đông” của Hải Linh. Cha Hoàn mấp máy môi hát theo để rồi chỉ vài giờ sau đó, vào lúc nửa đêm, ngài nhập vào với ca đoàn các thiên thần trên Thiên Quốc. (100 năm Giáo Phận Phát Diệm. Vũ Sinh Hiên. Trang 31-41).
Trong một chuyến điền dã về Phát Diệm năm 2001, người viết tình cờ tìm thấy tập nhật ký của “Cụ Sáu Việt Minh” và 36 bài thơ của cụ, vốn được trao lại cho cô y tá đã từng săn sóc ngài trong những năm tháng cuối đời. Tập nhật ký đã được Linh mục Phaolô Nguyễn Quang Thiều viết lại năm 1972, năm kỷ niệm 25 năm ngài được chịu chức Linh mục, căn cứ vào những cuốn sổ tay mà ngài đã ghi chép từ nhiều năm trước. Ngày 24/10/1947 Thày Đại chủng sinh Phaolô Nguyễn Quang Thiều được lệnh bề trên về dự cấm phòng dọn mình để lãnh sứ vụ linh mục, sau khi đã xin hoãn chịu chức một năm để có thể tháp tùng Đức cha Lê Hữu Từ, Cố vấn Chính phủ việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, đi khắp nơi tuyên truyền chống Pháp. Tình thế lúc bấy giờ đang “rối như canh hẹ”, theo lời Thày Thiều mô tả. Ngoài việc tháp tùng Đức Cha Lê, đảm trách công việc văn phòng của Đức Cha kiêm Cố vấn Chính Phủ, Thày Thiều còn được lệnh bề trên về các giáo xứ phối hợp và hoà giải với quân chính phủ trong việc “bắt côn đồ”, cụm từ được quân đội Việt Minh dùng để chỉ việc hành quân về các giáo xứ vốn mạnh tay chống cộng cũng như chống tây. Đang lúc rối như canh hẹ ấy, Thày Thiều đâu còn lòng dạ nào mà tĩnh tâm, chỉ biết “bận tâm lo lắng … mà cũng có khi vì lo ra nhiều quá mà chẳng ghi sổ tay”, Thày Thiều đã thành thật xác nhận. Nhưng chỉ vài trang sau đó, vị Tân Linh mục đã tỉ mỉ ghi chép Reguli vitae sacerdotalis – bản quy luật đời sống Linh mục mà Cha Thiều tự đặt ra cho đời mình.
Ngày 16/10/1949, hai năm sau ngày Cha Nguyễn Quang Thiều chịu chức linh mục, quân Pháp nhảy dù xuống Phát Diệm, đặt Đức Cha Lê Hữu Từ vào một tình huống khó xử, đến nỗi ngài đã có ý định rời Toà Giám mục để đi lên vùng kháng chiến Nho Quan. “Cụ Sáu Việt Minh” Nguyễn Quang Thiều cũng không kém khó xử. Chỉ còn biết trông cậy vào sự dẫn dắt của Chúa và Mẹ Maria. Ngày 8/12/1951 Đức Cha Lê dâng toàn Địa Phận cho Đức Mẹ và kêu gọi các Linh mục đi thi hành mục vụ tại các giáo xứ thuộc vùng Giải phóng như Yên Mô, Gia Khánh, Gia Viễn, Nho Quan …
Tháng 3/1952, Linh mục Phaolô Nguyễn Quang Thiều vâng theo lời kêu gọi của Đức Giám Mục Địa Phận : “Năm 1946 – 1947, giáo dân Phát Diệm đã tặng tôi danh hiệu “Cụ Sáu Việt Minh” thì từ nay bước ra đi hẳn với Việt minh ! … để rồi nên Nạn Nhân Việt Minh”.
Nạn nhân như thế nào, đến mức độ nào, xin mời bạn đọc đọc những trang viết sau đây của Linh Mục Phaolô Nguyễn Quang Thiều, biệt danh “Cụ Sáu Việt Minh”.
VŨ SINH HIÊN.
Thức ăn chỉ có muống ... hoặc nấu sắn, hoặc giã lạc nấu muối, hoặc xu hào.
Ba năm, tôi không thấy con cá tươi. Ai có tiền, mua cá khô ăn riêng ...
Cổng vào phòng Đ, một bảng viết sơn nổi bật, ngoài đường làng trông vào cũng rõ: “Nơi trừng trị bọn Phản động gian ác”... Anh em trong Trại Đ thì coi thường, đã quen và đã hiểu lắm ... Nhưng tù mới và nhân dân đi lại, thường quan niệm bọn chúng tôi nhốt trong phòng này là ghê sợ lắm đây ! Dân công (có lẽ là đi Chiến dịch Điện Biên Phủ) đứng lại, ngó xem rất đông ...
Nhưng chúng tôi, đa số già lão, mỗi người mỗi việc, rất chu chu chăm chăm ! Labora et ora (vừa làm vừa nguyện). Nhất là Cha Trụ, đi cũng như ngồi, lúc nào cũng rũ rù, y như người buồn ngủ !
Một mình Cha Tuyết cúi bông, có khi đánh suốt. Tôi đã quen khâu nón thì thường mỗi ngày ngồi ghệ lên cửa sổ (cho sáng) quay ra cổng Trại và lò rèn, vừa đan nón, vừa “hát câm” : hát đạo mà không có hát chữ ! Nhờ dịp này, tôi đã phổ biến bài hát “Chịu lễ thiêng liêng” cho 4 Địa phận (Các Cha ở đây). Cha Vinh (Châu Sơn) bàn với tôi : Bao giờ về Nhà Dòng sẽ lắp bộ “côn” đồng hồ lớn, theo cung “chịu lễ thiêng liêng”, để ngày đêm Nhà Dòng nghe đồng hồ là hát !
Còn các Cha khác thường làm những việc linh tinh như xé đay, bóc lá nón, bóc lạc, bóc vỏ sắn, nhặt rau thối ... Cũng có lần đưa nan cho tập đan ... Duy Cha Vinh biết đan, nhưng lại cụt mất một tay ... nghề đan phải bỏ !
Nhưng việc chuyên môn của tất cả phòng Đ là việc “Vác Bè”.
(Bổ xung : Sau 4 tháng ở Kim Tân, tôi chuyển về Cẩm Hoàng (5 Đ) thì được nhà giam trao giả bị quần áo tịch thu ở Mỹ Hoá (5B) đầu năm 1953. Còn được 2 bộ quần áo, 1 màn, do 2 chị Dòng Thánh Giá Phủ Quảng tiếp tế 1952, một áo ca-pốt, 1 áo chùng thâm đánh số sơn trắng trước sau lem luốc ! Cha Huyền rét, chỉ có một bộ, tôi đã nhường cho người một áo cánh. Cha Hân cho người một quần đùi và màn tôi để Cha Huân đắp, đến sau cũng cho Cha Huyền để đắp).
Vác Bè
Hầu như tháng nào, cũng có một “Tổ Bè”, tức là mấy phạm nhân khỏe và đã tiến bộ sắp được tha, cho 1 Cảnh vệ dẫn lên rừng đẵn gỗ và luồng nứa, để kiến thiết trại giam, để đóng đồ đạc và tre nứa đan lát ...
Tạnh nắng, mà bè về thì chúng tôi mong, thích ... vì được dịp ra sông Mã rửa ráy hơn mọi ngày ... Luồng nứa thì tươi và dài, thường còn cả ngọn ... Gỗ cũng tươi và ngâm nước, có cây dài tới 10 mét. Có súc gỗ
nặng tới 60kg – 80 kg. Bương luồng thì to, dài, vác đi cứ lệt xệt ngọn xuống đường, Cha nào khỏe vác, quen vai, chỉ vác nổi một cây to thôi !
Mỗi lần tin “Bè về” là chúng tôi phải chuẩn bị. Ngoài tôi, Cha Hân, Cha Thuyết, Cha Vinh (Bùi Chu) ra, còn các Cha kia chưa quen đi xiềng, cổ chân chưa chín dạn, chưa thành chai như cổ trâu, nên xiềng nó xiết, cọ rất ác ... thường bị choe choét. Nếu khong sắt mới, chưa giũa nhẵn, thì có thể tiện vào đến xương cổ chân ! Đau mặc, máu mặc, không có phép của y tá chứng nhận là “ốm”, thì vẫn phải đi vác bè! Các Cha chưa quen đi xiềng, phải kiếm mo nang, thanh nứa, hoặc giấy bìa quấn làm xà cạp ... nếu có giẻ rách thì càng tốt. Các Cha Châu Sơn từ ngày bị xiềng, chuyển từ Trại A về đây, đã xé quấn hết 1 áo dòng!
Từ Trại 5 Đ ra tới đê Sông mã, gần núi Eo-Lê, gần 1 km. Xuống bãi sỏi, bãi cát (khi sông cạn) thì đi đến nửa cây số mới đến chỗ bè ... Bến bè đỗ lại bùn lầy ... Phải lội xuống rỡ bè, lôi lên bãi mà cõng về, 1 ngày không hết, thì hai ba ngày. Tù rất đông, mà không phân công vác bè bao giờ! Con số các phân trại, như trại 5 Đ ít nhất cũng 200, có lúc lên tới 400 (Trại B, C, K, H, L ... ít cũng trên 100, nhiều thì có khi 300).
Chân xiềng, tuổi lão, Cha Khanh yếu ớt hơn cả, một hôm anh em chúng tôi đã chuẩn bị lên vai cả rồi, mà Cha còn đang lọp chọp rút chân sa lầy, cây luồng vừa đặt lên vai, thì anh gác (Cảnh vệ) cáu, vì chậm chuyến, giụi thêm cây luồng một cái, làm Cha ngã qụy xuống bờ sông. Luồng bương còn cả ngọn dài tới 20 mét hơn, vác lê xê đi rất khó và nặng thêm ... Cha Thuyết, Cha Luật, cha Cử và Tôi, thường thường có sức tương đối hơn các Cha già kia, chúng tôi cứ lừa đi sau và gần một bố già, để 1 tay nâng ngọn luồng lên đỡ nặng cho các ngài ! Vác gỗ, thì mấy chúng tôi lọc cây nào nhẹ hơn, gỗ xốp hơn, thì nhường cho các Cha già; gỗ to và nặng chúng tôi vác, hoặc khiêng vai với nhau. Ít khi có thừng chão mà khiêng chung. Trừ ra những cây gỗ tạ, thì chúng tôi làm quại, 4 anh em khiêng ... rất khó đi vì sức không đều, cao thấp khác nhau, lại mỗi người còn vướng tay xách xiềng (buộc treo vào khố chặt và đi đã quen mới không phải xách xiềng !).
Dọc đàng, rõ là Đàng Thánh giá, chúng tôi thường động viên nhau : Đến nơi thứ 9, 10 rồi ... Chúng tôi cười vui cho đỡ nặng ... thì có lần anh Cảnh vệ lại quát là “lãng công !”. Nhất thứ dọc đàng mà nói chuyện gì nho nhỏ, là bị kiểm thảo ! Vác về tới Trại, nhiều khi khát nước cũng không cho đi uống, ấn định giờ giải lao là giải lao chung toàn Trại ... Nhọc mặc, khát mặc ! Cảnh vệ lại thúc đi chuyến nữa ...! Không mấy khi gặp Cảnh vệ nhân từ đi canh gác tổ chúng tôi !
Một lần vác bè, vào tháng chạp 53, hoặc tháng giếng 54 (không nhớ rõ), mưa gió rét như cắt ... thấy chúng tôi rét xám cả người, Trại phát cho mỗi người một mảnh chiếu, dài độ 80 cm, rộng độ 0m30, ở giữa khoét lỗ để lọt đầu ... Chúng tôi nai nịt, đóng bộ áo chiếu (áo nẹp) ra cổng ngồi tập họp, chờ 1 Cảnh vệ dẫn đi vác bè ... Chúng tôi cười vui khúc khích với bộ áo chiếu... như áo cầm cờ! Đang khi ấy, một Cảnh vệ mới lạ, độ 20 tuổi, mặt rỗ tổ ong, tầm thước bé nhỏ, anh ta quát thượng, giục đi ... và buổi vác bè hôm ấy, Cảnh vệ này hay chửi, hay cáu cách khác thường ... Chúng tôi ra sức tích cực và giữ kỷ luật, mà cứ thấy Cảnh vệ mới này tác oai tác quái quá thể ... Chiều tối, họp tổ liên hệ công tác ban ngày, anh tù tổ trưởng (ngủ ở trong phòng với chúng tôi) nêu vấn đề để kiểm điểm : “Hôm nay các anh cười vì lý do gì ?”, chúng tôi thực thà báo cáo là : “buổi sáng vui cười vì rét quá, được bộ áo chiếu, mặc coi ngộ nghĩnh nên vui cười ...” Tổ trưởng : “ Không, các anh cười chê ông Cảnh vệ !” Bấy giờ chúng tôi mới hiểu ra : “Có tật giật mình”. Anh Cảnh vệ mới lạ, mà rỗ tổ ong, lại bé nhỏ, anh ta tưởng chúng tôi cười khinh anh ! Anh quát mắng để rửa hờn, rửa thẹn !!!
Lộn lại chuyện Cha Khanh (Martin). Một lần chúng tôi và “Tổ Tử hình” ra ngồi cầu tiêu, chiều ấy đặc biệt khác mọi ngày, là các tù kia làm về muộn, nên chưa đi bài tiết, Tổ “cùm, Tổ Phản động” hôm nay ... đi trước. Cầu tiêu là ba cây luồng bác dài dọc nhà, nhà trống, chỉ có mái gianh che mưa nắng thôi; cầu bác cao độ 40 cm... Chúng tôi lên xuống mãi không sao. Lần này, Cha Khanh lúng túng vướng dây xiềng thế nào, Cha vừa ngồi xổm lên trốc sàn, có lẽ già run, không vịn vào chi được, nên Cha ngã ngửa người xuống lòng nhà gio ...! Bác cứ tủm tỉm nằm chỏng 2 chân, tay kéo xiềng ... khác nào con bọ hung nằm ngửa giữa chuồng tiêu ...! Cũng may, chưa mấy người đi đồng, mà Cha cũng chưa kịp ỉa, nên Cha chỉ bẩn qua loa ... Nếu nhe nhét nhiều, thì đến khổ về vấn đề tắm giặt ! Tắm giặt phải ra sông Mã, 1 tuần có 1 lần nhất định thôi. Còn nước nhà bếp, chỉ có nước rửa bát, rửa rau, thưa mới xin được. Nước phải gánh từ Sông Mã về thổi nấu ... cho nên rất hạn chế !
Châu Sơn ... về Địa Phương
Có lẽ là cuối tháng 11/1953, có lệnh : “4 anh Châu Sơn chuẩn bị về ...”. Ai cũng mừng thầm cho các ngài ! Nhưng Cha Vinh, Cha bề trên, vẫn nằm sát tôi, đã có lần ngài cho biết : “Thế nào cũng có ngày phải ra toà án !”.
Bốn Cha bó gói lên vai, chân vẫn xiềng, từ giã chúng tôi ... buồn nhiều hơn ... Partir c’est mourid un jeu ! Cha Vinh có vẻ khỏe hơn cả, nhưng Cha Khanh, Cha Trụ, và Cha Năng, đi lại có vẻ mệt mỏi khó lòng lắm ! Nhất là Cha Khanh, cao niên hơn cả !
Các Cha đi về địa phương, về ra toà án nhân dân ! Cách hai tuần thấy ba Cha trở lại phòng Đ ! Hỏi ra thì Cha Khanh đã chết dọc đàng khi ở Trại này về tới Hoà Bình ! Còn ba Cha về Nho Quan, bị đấu, bị xử ... mỗi Cha đem vào theo một bản án : Cha Vinh chung thân, Cha Trụ và Cha Năng 15 năm tù ngồi vì tội “tô tức bóc lột !”.
Requiescat in pace Martium !
Cái chết Cha Huân
Từ đầu tháng chạp 1953, Cha Phêrô Huân (chính xứ Quảng Phúc) từ Trại Ty Ninh Bình chuyển sang Trại Khu 3, vào phòng Đ với các Linh mục thuộc 4 Địa phận (Hà Nội, Phát Diệm, Bùi Chu, Thái Bình :hữu ngạn sông Hồng). Người còm cõi, bé nhỏ, vào đến đây chưa được mấy ngày thì Cha bị kiết lỵ ...
Sáng Chủ nhật 13/12/1953, Cảnh vệ mở khóa, rút khong cùm ra, để chúng tôi đi ra bài tiết, đồng thời xách các “ống đêm” đi đổ ... Cha Huân không rông đi được, hỏi ngài có muốn đi ra ngoài không, thì ngài chỉ chợp mắt làm hiệu ! Bị cấm khẩu ... Cha Luật và tôi thay nhau cõng Cha ra nhà tiêu ... nhưng người Cha lạnh toát và hầu như bất tỉnh ... Cõng về phòng, đắp phủ kín đáo, may mà Cha mới được tiếp tế 2 bộ quần áo nâu, 1 vải xô nâu 4 làm chăn, tôi có chiếc màn của Bà Dòng Phủ Quảng tiếp tế ở Trại B, đem đắp tất cả cho Cha. Sáng không ăn được nữa !
Đến 9 giờ Trại đi tắm giặt, chúng tôi xin phép để 1 Linh mục lại coi sóc người. Cha Năng yếu chịu rét, không muốn đi tắm, xung phong ở nhà! Và cả ngày hôm ấy, Cha Năng liên tục phó linh hồn, giải tội thiêng liêng ... Quãng 5 giờ chiều, các tù ra tập họp tất cả ngoài sân để “vui sống”, tức là hát, múa, võ, quyền ... để mua vui. Cha Năng báo cáo ông gác và Ban Quản trị để cho tôi bỏ giờ “vui sống” vào ... Cha Huân tắt nghỉ !!! Cha mở mắt nhìn tôi một cái sau hết rồi tắt thở trong tay Cha Năng và tôi.
Mấy ngày trước khi chết, Cha đã lối cho tôi : Ty Ninh Bình còn giữ Cha 997 Đông Dương (có 1000, mà tiêu mất 3 đồng rồi) và một đôi hoa hai đồng cân vàng. Vàng là của con cháu, tiền là của xứ Quảng Phúc ! Năm 1956, tôi đã báo cáo và đề nghị với Ty CA, nhưng vẫn không thấy trả lời sao cả !!!
Vì các anh em thiếu áo xống như Cha Huyền, nên tôi yêu cầu Ban Quản trị (Tiểu Ban) giữ những quần áo mới của Cha Huân lại, để cho anh em rách rét ... Tôi giữ một áo nâu kỷ niệm (Khi về nhà, đã trao cho ông Tằng, Phúc Khê, cháu người, áo đề số FNĐ và 13/12/1953, ngày Cha Huân qua đời). Bốn thước vải nâu xô, quấn liệm cho người. Các tù khác thì chỉ bó chiếu và lấy rỉ giường ép vào như ép cá khô ! Bó gói xong, lò rèn đem búa, đe vào tháo xiềng cho Cha ... Cha Thuyết, Luật, Huân và tôi khiêng xác Cha xuống nhà trống (gọi là nhà Tiểu Công nghệ) để nằm đấy cả đêm, đang khi mọi người phải vào phòng ngủ hết cả. Sáng hôm sau, thứ hai 14/12/1953 một Cảnh vệ bồng súng dẫn hai tù không xiềng vác móng và hai dây lạt làm quại khiêng xác Cha ra gần núi Eo-Lê (bai chôn tù) chôn vùi ra sao, chúng tôi không ai được đi đến đó mà biết !
Requiemat in pace Petrus !!!
Suốt mấy đêm, chúng tôi khó ngủ. Trong phòng, một làn khí tang tóc u sầu bao phủ ... Nhất thứ, bệnh kiết lỵ tiếp tục hoành hành !
Chúa xuống ! (Cha) Hoàn lên !
Ngày áp lễ Noel, Phòng A lại một Cha hấp hối. Cha Gioan Bt. Hoàn, là Cha linh hồn Tiểu Chủng viện Trung Linh. Hình dạng và tâm tính rất giống Cha Matthêu Kỳ (Phát Diệm). Năm 1951 Cha đã đi Năm Thánh viếng La Mã và Lộ Đức. Chính phủ Kháng chiến vào giải phóng Trung Linh, ban đêm bắt Cha, cha Huyền và Cố Cung, Cố Kính (Kunc, Bruno, người Bỉ) duy có một bộ áo đêm (quần và áo cộc). Hai cố Bỉ (Cung và Kính) tôi đã trông thấy ở Trại 5 B (Mỹ Hoá) 1 thời gian. Đến sau chết ở Trại nào không rõ. Cha Huyền, khoẻ mạnh, trẻ trung độ 30 tuổi, sức chịu đựng rét lạnh còn khá ... Nhưng Cha Hoàn còm yếu, không chịu rét nổi, ăn ít, ốm luôn ... và ngày 24/12/1953 hấp hối. Được chặt xiềng hôm ấy, và đêm ấy cũng không phải cùm chung với chúng tôi nữa.
Tối hôm ấy, không khí chuẩn bị Noel sôi nổi. Phòng ngủ A rất đông (tới 200) và số giáo dân cũng được 50-60, giờ “vui sống” (giờ hát vui trước khi kẻng ngủ) anh em đã hát và kéo nhị (cây nhị của Minh mù, có đạo, đeo kính luôn, khác với Minh Tây là võ sĩ, lương) mấy bài Noel mừng Chúa giáng trần. Ông gác cũng yêu cầu phòng Đ chúng tôi hát ... nhưng giờ ấy là giờ chúng tôi đang thầm lặng đọc kinh tối và đang ... thương nhớ Cha Huân ! Cha Hoàn sắp chết kia ... Ông Cảnh vệ giục mãi ... anh em các phòng cũng lên tiếng : “Yêu cầu phòng Đ hát !”. Cha Hân giục tôi “quản ca” hát đi ! Tôi báo cáo : “Có ý kiến trước khi phòng Đ hát !”. Cảnh vệ đồng ý. Các phòng cũng hưởng ứng vỗ tay : “Tán thành !”. Chúng tôi lúc ấy 2 chân đã cùm cả rồi, ông nằm, ông ngồi ... vì chưa là giờ ngủ ! Tôi yêu cầu : 1- Đây là bài hát đạo, hát để cầu nguyện, chứ không phải hát để mua vui, yêu cầu Ông Cảnh vệ lệnh cho các phòng im lặng và không vỗ tay gì. 2- Ai thuộc thì yêu cầu các phòng đều hát! Đồng ý ! Đồng ý! Tán thành !
Phòng Đ chúng tôi ngồi cả dậy, Cha Hoàn cũng muốn ngồi, nhưng ... Cha chỉ giở được mình và ứa nước mắt nhìn chúng tôi ... nhìn lần sau hết đời Cha !!!
Tôi xướng : Nhân danh Cha và con và Thánh Thần A-men ! rồi cất : “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời ... nằm trong háng đá nơi máng lừa ...! Bài này, tôi nắm chắc là nhiều người thuộc, vì đa số tù là người Bùi Chu, Thái Bình, mà bài đó là của nhạc sĩ Hải Linh, Tu sĩ Bùi Chu sáng tác !!
Đúng vậy ! Oai nghiêm cảm động! Các phòng ... già trẻ, nam nữ, Linh mục 4 Địa phận, giáo dân 4 Địa phận ... hôm nay một nhịp tim, một điệu hát, hát vang cả một khu Cẩm Hoàng (Trại 5 Đ) đang im lặng trong bóng tối !! Cha Hân và tôi hát các câu “Đơn ca”, thuộc cả 5 câu ! Hát xong là 9 giờ đêm, kẻng ngủ ... Ai nấy cảm động giàn nước mắt ... và Cha Hoàn cũng hợp ca với chúng tôi lần cuối hết, và nửa đêm, Cha đã xướng hát ở kiếp sau !!!
Sáng Noel, chúng tôi lặng lẽ ... anh em Công giáo cũng không vui gì... Bó chiếu cho Cha Gioan Baotixita. Hai anh tù không xiềng, quại khiêng Cha ra Eo-Lê !!
Requiemat in pace !!!
Vui thay ! Tốt thay ! Đẹp thay !
Anh em hằng ngày sống chung cùng nhau. Nhưng cảnh đó không thể bền lâu ở thế trần ...Sang năm 1954, chúng tôi lại mỗi người mỗi ngả !
Quãng cuối tháng giêng 1954, Cha Hân, San, Vinh (Bùi Chu) Cha Huyền và tôi, cùng 1 ngày chuyển đi Trại Mỹ Hoá (5B). Một số tù lâu, đã ở Trại này năm trước thấy tôi trở lại ... coi là “chết sống lại”. Để rửa mặt cho cán bộ lãnh đạo Trại này, về vụ “Âm mưu phá Trại” bịa đặt năm ngoái, tên Ất đã phải kỷ luật, đem ra truy tố Toà án ! Ngờ đâu Ất lại nếm mùi xiềng, cùm. Ất, Hà Nam, bày vẽ ra chuyện kia, đánh lừa các Ban Quản trị, Ban Giám đốc ... Lẽ ra hắn được về lâu rồi. Nhưng thấy nói : vợ là Thị Khương, Quốc Hội, đề nghị giam cứu mãi ... Hắn muốn lập công, nên mới bày chuyện... ngờ đâu chẳng lập được công , lại thêm tội ! Ác giả ác báo !!!
Cho đến chiến thắng Điện Biên Phủ tháng 7/1954, Trại giam chuyển tù lung tung ... Chỉ trong ba tháng, từ tháng 7 đến tháng 9/1954, tôi được đi Trại Sao vàng, Mả Hầm, Trại H, Trại K ... Đầu tháng mười lại đưa về Kim Tân (Trại A).
Từ biệt Thanh Hoá – Khu Tư
Đầu tháng Mân côi, tại Trại Sao Vàng, ông Lý Bá Sơ vào thăm Trại, thấy tôi cởi trần xay lúa, và chỉ còn một mình tôi bị xiềng, ông ra lệnh chặt xiềng cho tôi ... và nghe rằng các Cha khác cũng được tháo xiềng hết ...
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, trong Trại cứ thì thào nhau về câu chuyện trao đổi tù! Anh nọ cứ ngờ anh kia được về, được đi Sầm Sơn để trao đổi rồi ... nhưng ngờ đâu, lại thấy còn luẩn quẩn trong Trại Giam. Có lần 2,3 Trại cùng chuyển, gặp nhau ở đò Ghép, đò Thắm ... anh nào anh nấy mới trâng hẩng ... “Tao tưởng mày được về rồi !!!” (Câu nói châm biếm khi bất ngờ gặp nhau).
Có những lần bắt chúng tôi chuyển Trại thình lình ban đêm. Có những ngày, hàng trăm tù chúng tôi rặt đi trong rừng ! Lội sông, lội suối suốt đêm tối ... gọi nhau ơi ới ... cứ phải dắt nhau mò đi kẻo lạc lối vì không đèn đuốc ...! Sau, được về mới rõ : Thủ đoạn giấu tù, vì trao đổi mấy lớp thấy bị hỏng !!! Mà Quốc tế đi thăm các Trại sẽ không thấy còn ai bị tù ! Gian thế !!!
Chỉ được một điều an ủi : thời gian này, xem ra kỷ luật nới khá, đời sống về ăn, thuốc, được đầy đủ hơn trước nhiều. Ở các Trại không lâu lắm, nên việc sản xuất cũng qua quýt ... Đặc biệt là đàn vật các Trại, chuyển đâu hầu hết : dê, lợn, gà, ngan, ngỗng, trâu, bò ! Còn ít nào thì tuần nào cũng giết bò, giết lợn cho tù ăn !
Chính ngày mồng 7 tháng 10, từ sáng sớm (4 giờ), đoàn tù chúng tôi có tới 60 người ở Kim Tân, cơm nước thịt bò, chuẩn bị lương thực đem theo một ngày ... Đi đâu ?
Chúng tôi được chuyển về Khu 3.
Chuyển Trại, chân không xiềng, thật là thoải mái ! Tôi gánh 1 đầu là bị quần áo, 1 đầu là lương thực của tổ ... Ra tới Đền Sòng, được nghỉ lại 1 giờ. Chúng tôi xuống hồ, nước trong vắt, trông thấy cá, tắm giặt thỏa chí ... Nghe đâu, xưa kia là “ao thần”, không ai được bước xuống. Trời nắng, mồ hôi nhễ nhãi ... anh nào anh nấy được tắm rửa “nước thần”, xem có vẻ khoẻ hẳn lên !!!
Ra đến Rịa ... cảnh chiến tranh điêu tàn xác xơ ! Trời đã muộn độ 6 giờ chiều. Tưởng là được chẽ sang đường 59 mà ra đường Quốc lộ số 1. Ngờ đâu ! Lệnh đi lên lối Nho Quan ! Nhọc ... mỏi ... không còn muốn bước ! Đi một hồi, vào trọ một làng ... bên dưới xứ Sào Lâm độ 1 km. Ngủ đêm, trọ các gia đình (lương cả). Anh Dụ, quê Sào Lâm, bắt được liên lạc. Sáng sau, trên đường đi Nho Quan, gia đình anh ra đón gặp... Tới Thị trấn Nho Quan, trời đổ mưa như trút. Trú lại đó mấy giờ, nhưng vẫn mưa !
Mưa ướt mặc, chúng tôi phải đi về đường Hòa Bình ... về Trại Giam ở làng Xăm, cách Nho Quan độ 7,8 km. Trại làm ở giữa rừng nứa, sân Trại toàn nứa óng, chung quanh là những dãy núi cao, rất lắm khỉ! Trại có vẻ ải nát và tạm thời, không phải làm lao động gì, chỉ ngày hai bữa rồi nghe sách, báo ... Đang khi ở đấy, Cán bộ đưa tin Cha Phạm Bá Trực chết.
Giữa tháng 11/1954, ông Phó Giám đốc CA Khu 3 (Ô. Mạc) về mở lớp huấn luyện “Chống âm mưu theo Mỹ Diệm đi Nam”. Một số Linh mục thì phân tán ra trọ đồng bào thiểu số (nhà gác). Ba Cha Châu Sơn (Vinh, Năng, Trụ) đi vào tổ khác, nhà trọ khác. Còn cha Hân, Vinh, San (Bùi Chu) với tôi một tổ ... Quãng hạ tuần tháng 11/1954, tổ chúng tôi lại được may mắn đón Cha Đức (Phát Diệm). Nhờ đó mà vui hẳn ! Cha Đức kể nhiều chuyện mới, thú vị ... Đợt này và tháng sau (12/1954), Ông Mạc và Ông Phúc Tư pháp CA Khu 3, thường gặp riêng tôi để thăm dò tư tưởng “có đi Nam không ?”.
Trọ nhà gác thiểu số độ 10 ngày, một tối nọ (trăng tỏ), tổ chúng tôi có lệnh về Khu ! Năm Linh mục chúng tôi với 1 Công an, không võ trang, đưa chúng tôi ra phố Nho Quan, xuống thuyền ... Khi đi dọc đường, ánh trăng cho thấy rõ khu Nhà Dòng Châu Sơn đồ sộ, và ... mấy trại lính ở ngay sát đường.
Thuyền đi suốt đêm, xuôi cầu Gián ... Quãng 2 giờ chiều, qua cầu Gián, tưởng là xuôi xuống Non Nước ! Ngờ đâu lại ngược lên Đò Khuất. Tư giờ sáng hôm sau, chúng tôi được nghe chuông Sở Kiện ! Đổ bộ từ 6 giờ đến trưa tới Phủ Lý. Thấy lá cờ Hội Thánh phất phới ở Tháp Nhà Thờ ... lòng mừng khôn tả! Đã ba năm không nghe thấy chuông nhà thờ, không thấy bóng cờ Giáo hội ! Qua đò ở phía Bắc Thị xã, vào trọ một nhà sát bờ sông, cách Nhà Thờ Phủ Lý 1 con sông, đường thẳng độ 2 km thôi.
Năm Linh mục chúng tôi sống ở đây để bồi dưỡng, gạo, cá, rau đã có 1 Công an đem đến, chúng tôi chỉ có việc thổi nấu lấy, ăn sao mặc ý ... Có lần Công an viên đưa về cho chúng tôi một hộp đường trắng, đường bánh, nói là “quà Cụ Thuyết, Phủ Lý, gửi cho các ông !!”.
Từ đây, họ không gọi chúng tôi là anh nữa, xưng hô là ông. Ăn ngày hai bữa, ra sông Phủ Lý tắm giặt tự do. Chiều tối, Ông Mạc, Phó Giám đốc Công an Khu 3, hay gọi riêng từng Cha đi nói chuyện. Ông gặp tôi nhiều nhất ... và quãng 15/12/1954, Ông ngỏ ý cho tôi đi Chính phủ Trung Ương và ra thăm Thủ Đô ! Một hôm, ông hỏi ý kiến chung 5 Cha : “Đề cử 1 ông đi ra gặp Trung Ương !”. Tôi đề cử Cha Hân ngay. Nhưng Ông Mạc lái dần ... và quyết định cử tôi đi Hà Nội !
Có lẽ là sáng 17 tháng 12, Ông Phúc tìm tôi đưa cho 1 quần chùng, áo cánh trắng tinh, và một áo thâm chùng mới, đen ánh ! Đúng bộ áo chức !! Phải lột từ 12/5/1952 !
Ông Phúc và tôi, một ô tô “Gip” chở thẳng ra Hà Nội. Xe ô tô dừng lại phố Phủ Lý, ông Phúc mua thêm cho tôi một mũ (nút chai, không bọc vải) và một đôi dép, quai bằng lốp xe cũ ! ... Đi qua chỗ nào, cũng chỉ thấy vết thương chiến tranh tàn phá ... đồng điền thì cỏ mọc xanh rì ... thép gai chằng chịt ở các bốt bị phá ...
Ô tô tiến vào ngã tư Vọng, cảnh đổ nát càng tang thương... Quãng 2 giờ chiều, chúng tôi vào Trụ sở Mặt Trận Tổ Quốc VN ... Ông Dương Bạch Mai xuống phòng khách tiếp niềm nở. Khỏi một lúc, Linh mục Vũ Xuân Kỷ cũng ra tiếp ... Ở tù ba năm, nay vào phòng khách Thủ đô, loá mắt ! Bụng ăn kham khổ bấy nay ! Bây giờ thấy trên bàn rặt các món ...đế quốc !!! Bánh, kẹo, gatô ... đẫy cho một bàn ...! Đó là bữa tiệc trà đầu hết. Sau đó, ông Phúc và ô tô trở về Phủ Lý. Tôi ở lại chung đụng với cụ Kỷ, các ông Mặt Trận Tổ Quốc Trung Ương ... Chiều, ông Luật sư Dương Văn Đàm, Phó Chủ tịch Công giáo kháng chiến đi ô tô đến, đưa tôi sang trụ sở Liên lạc Công giáo ... ở đây, gặp thêm Cha Nguyễn Tất Tiên, và 2, 3 Cha nữa (tập kết) tôi không nhớ tên.
Hôm ấy, Cha Tiên trả valy đồ lễ cho tôi ! Mừng quá ! còn y nguyên ! Cám ơn Cha già !! Tối, ô tô đưa tôi về một nhà ba tầng khác, cách chỗ các Cha độ 200-300 mét, một căn phòng sạch sẽ, màn chăn thơm phúc, điện sáng choang; ngoài hiên, ban công, bách bộ xem ra phố ! Khu nhà này dành cho mấy Luật sư Dương Văn Đàm, Nguyễn Thành Vĩnh, và một ông nữa quên tên ... Các ông đi dạy “Văn hoá bổ túc” đến 10 giờ đêm mới về ... gõ cửa, truyện với tôi một hồi, mới đi ngủ. Qua câu chuyện, tôi nắm được cảnh các Luật sư sống trong khuôn khổ ! Chuẩn bị học chữ Trung Quốc để nghiên cứu Pháp luật Trung Hoa !!!
Sáng, tôi dậy sớm, ra ban công bách bộ và tìm cách đi Nhà Thờ Lớn làm lễ ... Luật sư Dương Văn Đàm rỉ tai : “Cha nên nhớ, chưa được tự do đâu ! Hôm nay Cha muốn đi đâu, sẽ có xe đưa Cha đi !!” Tôi hỏi : “ Các Cha Kỷ, Tiên làm lễ ở đâu ?”. Trả lời : “Ngày thường, không làm !”.
Lót lòng ban sáng với mấy Luật sư xong, một ô tô xinh khá, đến đón tôi và Ông Dương Văn Đàm ... “Mời Cha đi Bờ Hồ”. Tôi mừng quá, có dịp qua Nhà Chung. Ô tô đang chạy về phía Nhà in Têrêsa, tôi trông thấy Cha Bouguiguon (Cố Bửu, người Bỉ, dạy Trường Phúc Nhạc năm 1952-1954) đi bộ ở lề phố, đang đi xuống mạn hiệu Gô-đa (Bách hoá bây giờ). Xe chạy vút, tôi không kịp gì ! Ông Đàm giới thiệu tôi vào hiệu sách – ảnh Têrêsa, muốn mua gì về làm quà thì mua. Tiền không có một xu ! “Cha cứ mua, tôi giả tiền” Ông Đàm đáp. Tôi cũng nể và ngại phiền họ ... mắt thì chòng chòng nhìn về phía cổng Nhà Chung Hà Nội, chỉ cách có một mặt đường ! Bên này đường, với bên kia đường mà tôi phải chịu ... Tôi chỉ mua 5 cỗ tràng hạt ... Mấy cô bán hàng nhìn tôi trừng trừng, bỡ ngỡ ... vì người tôi khi ấy chắc còn nhiều vết tích “tù”, lại mặc bộ áo mới, do thợ Phủ Lý may không thạo ... Có lẽ các chị bán hàng tưởng tôi là “Cha Việt Minh”. Một chị đánh bạo hỏi : “Cha ở đâu ?”. Ông Đàm đáp vội : “Ở Phát Diệm đấy !”. Chị kia trợn mắt nhìn nói : “Em, à con cũng ở Phát Diệm đây ! Cha có biết ông ...”. Ông Đàm không muốn kéo dài câu truyện, kéo tôi một cái : “Mời Cha đi thăm phố ...!”
Không đành để họ bưng bịt, tôi tươi cười vỗ vai Luật sư Đàm : “Ba năm đi tù, còn nhớ chi nữa !”. Quay lại chào các chị bán hàng, vừa chào vừa nói, vừa bước ra theo Ông Đàm : “Cha Thiều, Phát Diệm, tù về”.
Lên ô tô, Ông Đàm trách ngay : “ Cha cứ nói đến chuyện tù đầy ! Không vào đây được đâu ! ... Ô tô chạy qua cổng Nhà Chung, qua tượng Đức Mẹ và Tháp Nhà Thờ Lớn ... chỉ kịp cất mũ kính chào ... Ô tô lại đua về Trụ sở Mặt Trận Tổ Quốc Trung Ương. Tiệc to ! Thấy giới thiệu nhiều vị, nhiều Cha. Nhưng tôi chỉ nhớ tên có Dương Bạch Mai, Cha Kỷ, Tiên, Luật sư Dương Văn Đàm, Nguyễn Thành Vĩnh ...!
Trong lúc mạn đàm với Cha Kỷ và ông Đàm, các ngài cho xem bức ảnh chụp ở nhà mặc áo nhà thờ Mat-cơ-va, với Cha già Pa-pô-vích (độ 80 tuổi !), vì Cha Kỷ và ông Đàm mới đi Phái đoàn Mớt-cu về ! Tôi hỏi nhiều chuyện, các ngài nói có vẻ tuyên truyền ghê ... Nhưng có ba câu tôi hỏi, xem ra các ngài chột ý, và Cha Kỷ phát vào vai tôi, vừa cười vừa nói : “Tù chưa khỏi, mà hỏi hóc búa lão !”.
Câu 1 : Tại sao giáo hữu không đưa qùa (nho, táo) vào tặng Cha xứ và Phái đoàn Việt Nam, mà lại để bàn ở cuối nhà thờ sẵn, cho họ gửi quà ở đấy ?
Câu 2 : Cha già và Luật sư có gặp Linh mục nào nữa không ? Có Cha nào trẻ dưới 60 tuổi không ?
Câu 3 : Có thăm Chủng viện nào không, và có muốn đến thăm Nhà Thờ nào cũng được không ?
Các ngài chỉ truyện lảng ! Không đáp vào đúng ba câu đó! Thông cảm lắm !!
(Năm 1955 tháng 11, đón Phái Đoàn công giáo Tiệp Khắc về Ninh Bình, Cha già Kỷ còn căm với tôi về câu truyện ấy ... và căm nữa là vì câu “Si vis pacem, para helluen” bài của Cha Vũ Xụân Kỷ viết ở báo Công giáo Kháng chiến (sau đổi là Chính Nghĩa), dám viết là câu nói của Chúa Giêsu !!! Tôi vui cười nói trước mặt rất đông các Cha đến đón Phái Đoàn : “Cha già phải cải chính đi ! Câu nói của César đấy, Cha già ạ !” Người đỏ mặt đe : “Sao rồi cũng tù nữa !” ).
Sau 2 ngày 2 đêm, Ông Phúc lại đi ô tô ra Hà Nội đón tôi về Phủ Lý ... Trước khi từ biệt, Ông Luật sư Đàm tặng tôi 1 bút máy Mỹ Paker, Ông nói : Đó là kỷ niệm ông đi họp Thanh niên Thế giới tại Varsovie, tặng tôi để khi về sẽ giúp báo CGKC (Sau là Chính Nghĩa).
Về tới Phủ Lý, 4 Cha mừng quá ! Mừng nhất là được qùa cỗ tràng hạt, nhưng chưa có Nước Thánh để làm phép ! Vui nhất, mong nhất là sắp được ... Chính Phủ khoan hồng.
( Khoan hồng !!! Cuối năm 1954 được về, đấu năm 1955 trong 1 tập san để “Vận động đồng bào Công Giáo” lưu hành nội bộ Đảng... có 1 câu thắc mắc : “Chính phủ thả một số phản động, thì có khác nào thả hùm vào rừng ?”, thì tập san trả lời : “Thả ra rồi khi cần, nhân dân lại bắt nhốt lại không khó gì !” (đại ý là thế) ... Thảo nào mà năm 1953-54 ở Trại Cẩm Hoàng (FNĐ) một hôm Cán bộ Tuyên giáo (Quản giáo) đem tài liệu khoan hồng ra học tập, thì có một anh ở “Tổ Khoá” (Tổ Tử hình) xin phát biểu (anh 7 tuổi đảng, bị án tử hình) rằng : “Khoan hồng của mình là một viên đạn qua người khoan cho đỏ hồng !!!”.
Và trong chính sách “Địch vận”, khi giải phóng nêu lên việc trả công những viên chức lưu dụng và khoan hồng cho bất kỳ ai đã làm việc cho Pháp mà nay trở về với nhân dân ... Qua một thời gian lúc giao thời, thì “có vẻ khoan hồng”, nhưng khi đã củng cố vô sản chuyên chính xong (vững quyền rồi) nhất là đợt “Cải tạo Xã hội Chủ nghĩa, đợt Cải cách ruộng đất” thì “Không một ai” được hưởng như lời hứa hẹn kia nữa !!! Tù hết lượt ! Những Cha đã đi tù về ... kỳ Cải cách và hàng năm lại rỡ chuyện cũ ra cho dân học. Cha Hân 1968 chết rũ tù ! Cha San chết treo trong xứ Liên Phú, và người ta vu cho là thắt cổ ) ...!
Sáng 22/12/1954, bốn Cha cũng được một bộ quần áo và áo chùng như tôi ... Ra Phủ Lý, mỗi Cha được mua một mũ, một giày dép tùy ý ... Những áo có số không cho chúng tôi đem về ... nhưng tôi đã mặc trước, mặc vào trong áo khách trắng của Chính phủ, 1 áo nâu của Cha Huân, đề ngày 13/12/1953 sinh thì ... đem về kỷ niệm cho con cháu người.
Đi đến đâu cũng thấy cảnh tiêu thổ kháng chiến, cảnh chiến tranh tàn phá, cảnh đói khát ... Phố Phủ Lý và Nam Định, những người ăn mày đổ xô : “Xin cha...”, ngờ đâu, các Cha túng lắm, không như “các Cha” mà họ vẫn gặp và vẫn được bố thí trước đây !
Sau bữa cơm tại hàng cơm ở Phố Nam Định, chúng tôi phải chia tay ! Có lẽ không biết bao giờ gặp nhau ?
Cha Hân, Vinh, San có xe của Ty Công an Nam Định đi xuống bến phà... Còn xe chở Cha Đức và tôi về thẳng Ninh Bình, xuống Phát Diệm, đã lên đèn ... Cứ tưởng là được vào Nhà Chung ! Chờ một lúc, thấy xe chở chúng tôi xuống bờ sông bên lối ra họ Thủy Cơ ... Họ đưa hai chúng tôi vào nhà khách “Lâm Tề”, sang qua sông là chợ S Dân.
Kể từ 2/3/1952, sáng 23/12/1954 tôi lại được nghe tiếng chuông vĩ đại của Nhà Thờ Lớn Phát Diệm ! Cha Đức cùng tôi dậy sớm ... chỉ muốn sang Nhà Chung làm Lễ ... nhưng đi một bước là đã có lính gác !!
Trưa 23/12/1954, trên com-măng-ca bước xuống, Cụ Vịnh và Chủ tịch Trần Công Hoan (Tỉnh NB) niềm nở bắt tay chúng tôi ... 2 cần vụ các ông xách hai chai rượu “Vicky và Vin rouge” của Pháp ... Một bữa tiệc lớn tại nhà Lâm Tần mừng hai chúng tôi và ông Chủ tịch Tỉnh dặn dò mọi nhẽ khi về xứ ...! Xứ nào ? Cụ Vịnh phát bài sai ư?
Cơm xong, đã 14 giờ, ông Hoan rút, Cụ Vịnh đưa chúng tôi lên com-măng-ca ! Đi đâu ? Tôi hỏi thăm về Cha Khuyến, Cụ Vịnh đáp :
“Đang ở Hướng Đạo”. Chúng tôi bảo ngài cho sang nhà Chung thăm Toà Giám mục ! Ngài đáp : “Sang làm gì, họ theo Mỹ-Diệm vào Nam cả rồi ! UBHC Tỉnh ủy tôi dẫn hai Cha về xứ Yên Vân và Hoàng Mai đấy !!!”.
Xe qua phố Hướng Đạo, tôi yêu cầu vào qua chào Bố già (Cha Khuyến), Cụ Vịnh bảo xe chạy tuột và dụ tôi : “Về ... sau sẽ xuống... về kẻo tối “
Xe qua Tôn Đạo, tôi lại yêu cầu xuống, cụ Vịnh cũng ép tình ... tôi vào qua xứ, vắng tanh ... lộn ra, gọi Nhà Dòng Thánh Giá thì hai bà chạy ra, tôi xin ít bánh lễ, hai bà vội lấy ... họ giục tôi lên xe...
Tới Phúc Nhạc, cụ Vịnh đưa Cha Đức xuống Trụ sở, vào 1 lúc lâu ... có lẽ là giao cho UBHC Huyện Yên Khánh ...!
Xe chúng tôi không về thẳng Hoàng Mai. Cụ Vịnh đưa tôi lên UBHC Huyện Gia Khánh, đóng ở Phúc Am, trên Thị xã Ninh Bình độ 3 km. Hội ý lâu lắm, đã tới 19, 20 giờ rồi. Ông Soạn, Chủ Tịch Huyện (Ông Soạn Chủ tịch Huyện Gia Khánh, năm 1955-56 bị tù, vì tội cấp giấy bà con buôn lậu !!!) lên xe cùng chúng tôi chạy về Hoàng Mai. Họ đã bố trí giáo dân đón từ chiều ở đường số 1, nhưng chờ lâu và tối đến, vừa giải tán ... thì xe chúng tôi về tới ! Nhưng Ban Chấp Hành và UBHC Xã Ninh An với 1 số giáo dân Hoàng Mai, còn đang chờ ở nhà xứ ... Bước vào, cụ Vịnh và ông Soạn đã cảnh cáo : “Sao không ứng trực ở Cầu Yên hay là ở Đường Cái ?”.
Giáo dân Hoàng Mai thấy tôi, mừng chảy nước mắt ! Cha già Nhân chính xứ, đã đi Nam ... nhà rỗng không ! Nhà ba gian tiếp khách còn một giường cá nhân, 1 bàn và mấy ghế ...! Xem cảnh, tôi hiểu ngay là “Sẩy Cha, nhà giột”. Nhà trên nhà dưới đều đốt nến to ... tôi lạ sao mà lắm nến thế ? Đèn dầu đâu cả ? Nhận xét vậy, nhưng tôi chưa hở răng ... vì biết mình như ... con cá bỏ giỏ cua !
Cơm cho Cha Vịnh và tôi, còn các cán bộ cáo từ, rút lui sạch ... duy có ông Soạn Chủ tịch Huyện và ông Chủ tịch Xã ở lại, chờ Cha Vịnh cơm xong ... Hoàng Mai mời cụ Vịnh mấy, cũng cáo ... lấy lẽ về chuẩn bị Noel ở Quảng Nạp. May cụ không ở lại ... kẻo không có giường ! Nửa đêm, họ rút về sạch. Tôi và gia đình ông Vũ coi nhà xứ Hoàng Mai ... bà mẹ mù và cả nhà chỉ khóc ... vì thương ? vì mừng ?
Sáng 24/12/1954, Nhà Thờ chưa dọn kịp, rượu lễ cũng không có ... hôm qua Nhà Dòng Tôn Đạo chỉ cho được mấy bánh lớn ... Ban Chấp Hành xuống Quảng Nạp xin cụ Vịnh được một lọ con, đủ làm lễ độ 10 hôm...
Hoàng Mai chuẩn bị Noel rất náo nhiệt, Cán bộ xã huyện luật quật ... Giáo dân xứ Thiện Dưỡng, Ninh Bình đổ tới xưng tội ... Cũng có một số giáo dân có vẻ ngờ ngợ ... chưa rõ Cha của Giáo Hội, hay cụ của ...Nhà Nước.
Nhưng chú trọng nhất là tổ chức làm kiệu... Rước gì ? Chiều, tôi mới hiểu là họ bắt ra Cầu Yên (cách xứ 1km5) rước thư Noel của Hồ Chủ Tịch ... Người xưng tội càng về chiều, càng đông... Chủ tịch Xã ra sức mời tôi ra Cầu Yên, tôi từ tốn kiếu, vì bận giải tội ! Xem ra đã phật ý ! Rước thư về cuối Nhà Thờ ... tôi phải ép mình hết sức, chiều họ một chút để sau còn dễ ... Tôi ra đón. Ông Chuyện, Chủ tịch xã Ninh An trịnh trọng bê hòm thư ở kiệu xuống giao cho tôi ... Mít tinh ở cuối Nhà Thờ ... Tôi bắt đóng cửa Nhà Thờ lại ... Tôi đọc thư! Không ý kiến gì ... Công bố : “sẽ giải tội cho đến 11 giờ đêm” ... Lễ nửa đêm. Sau Lễ, tình hình : Xứ không còn gì hết ! May mà còn độ 30 bao nến khấn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và khấn Đền Tử Đạo ... Đồ Lễ, đồ dùng, Cha xứ đã đem đi hết sạch ! Nhất là nghĩ mình về đây, có “quyền jurisdictis gì ? Ai sai ? Tôi băn khoăn ... không biết bàn tính với ai, chưa dám tin dùng ai ...!
Dịp ấy, chỗ nào cũng yết thị Thông tư Bộ Công An, cho phép đi lại dễ dàng, cấp giấy dễ dàng ... Tôi lên UBHC Xã chào họ ... xin giấy thông hành để về thăm quê, về Nhà Chung xin đồ lễ ... và xuống Kim Sơn mua sắm lương thực, đồ ăn thức đựng v.v... May quá, tôi được giấy ... Ông Chủ Tịch Chuyện chỉ căn dặn : “Trong vòng một tuần, cụ phải về xứ !”
Tù về, chỉ có một ba lô vải đen ... Tôi lững thững đeo đi ... về nhà quê. Xuống qua Quảng Nạp, kiểu cụ Vịnh không muốn cho tôi đi ... Hôm ấy, ở Quảng Nạp tổng kết Noel, cụ kéo dài chương trình, ghìm tôi lại ... Cơm tiệc với cả xứ đã 15 giờ ... tôi cũng quyết ra đi. Một mình, lạ thung, lạ thổ ... không biết rủ ai đi, và có lẽ cũng không trông rủ được ai ! Liều đi qua Bạch Bát xem sao! Nhà xứ vắng tanh ... Nhà Dòng cũng chẳng còn bà nào! Trời đã muộn lắm ... Bạch Bát có ông bà mời tôi nghỉ lại một đêm ... Tôi hỏi thăm : Hảo Nho còn Cha Cúc ... Tôi một mạch nhìn Núi Thánh Giá Hảo Nho mà đi ... Chưa hề biết đường lối Yên Mô, nhưng thiên thần bản mệnh đã đưa tôi từ Bạch Bát tới Hảo Nho ... đêm tối, một mình, không gặp một ai ... Tới Hảo Nho, quãng 10, 11 giờ đêm ...
Cha già Cúc và hai chú còn đang tập hát vãn Noel ở khu nhà bếp. Tôi vào sát nơi sau gáy ... chào! Người giật mình, tưởng là ma ! Người la lớn : “Ố ! Cha Thiều, vậy mà cứ đồn chết rồi ...!”. Đã khuya, người mời tôi ngủ. Ai ngờ ... Cha con đều giải ổ rơm, dưới nhà bếp. Hai chúng tôi lần đầu hết và duy nhất : ngủ chung ! (Nằm ở Hảo Nho, bút Paker của ông Đàm Luật sư tặng 19/12/1954 bị rơi ra ổ. Sáng 1/1/1955, Cha Cúc cho một chú cầm ra Nhà Chung Phát Diệm).
Sáng sau, 31/12/1954, tôi đi Phát Diệm ! Đường Hảo Nho-Phát Diệm, qua Bình Sa, tôi đã quen ! Bình Sa cố mời tôi ở lại cho lễ đầu năm ... nhưng tôi thấy nhà xứ vắng chủ (đi Nam sạch) tôi 1 lèo quốc lộ ra Phát Diệm, sau khi ăn với bà Cai Ngãi một bữa cơm tại nhà bà với gia đình anh Chi, em cụ 4 Nhân...
Tới Phát Diệm, tôi vào qùy viếng Mình Thánh ở bao lơn (Bàn chịu lễ) ... Trời rét lạnh, và trong Nhà Thờ đã lọ lem. Tôi đang qùy thì có hai bà lão nào không rõ, lén lên sát sau tôi, 1 lúc ngắm nhìn, bảo nhau : “Rõ Cha Thiều !” Tới cổng, Cha Tứ, Cha Duy, Cha Linh ... đều reo lên ... Cha Tứ nói nhỏ : “Gặp Cố ngay đi” Tôi lên thẳng Cha Chính Lý ... thì ra người đi ... mà nhỡ, may mà còn gặp người, thảo nào Bác Tứ bảo tôi có vẻ “mau kẻo mất gặp !” ... Truyện trò tới 10 giờ đêm, người cho tôi bài sai đề 1/1/1955, chính xứ Hoàng Mai kiêm Ninh Bình, Thiện Dưỡng.
Các Cha kể lại cho nghe :
1. Trường Phúc Nhạc bị đốt ¼. Quân Pháp rút rồi mới đốt phá. Các Bà Dòng bị đuổi.
2. Xã Thanh Giảng (Tuy Định) bắt hai Chị Dòng còn ở lại phải xuống bếp ở.
3. Ở Phát Diệm thì cán bộ vào yêu cầu phải bốc mộ ba Đức Giám mục ở Nhà Thờ Lớn. Nhà máy điện bị tước đoạt, Bộ đội Công an vào khám Nhà Chung. Cha Linh mất cả đồng hồ, đèn dùng. Ngăn cản các Cha không được gặp tổ quốc tế. Còn Linh mục nào ở lại nhà thì nghi ngờ, và coi là “Mỹ Diệm gài lại miền Bắc”. Máy đánh chữ và xe đạp bị mất nhiều.
Cha Tứ, chính xứ Phát Diệm ủy tôi làm lễ và giảng thứ sáu đầu tháng đầu năm ... Đền tạ Trái Tim Chúa vì tội khinh mạn Giáo phẩm ... đó là đầu bài và đại ý bài giảng thứ sáu đầu tháng giêng 1955 tại Chính Toà. Tôi nhắc lại mấy kinh nghiệm thiết thực “cách biệt đãi Linh mục” mà chúng tôi đã được hưởng ba năm qua ... Cơm sáng hôm ấy, Cha Linh lên tiếng : “Mời Cha Thiều ở lại Phát Diệm giảng mấy bài như thế nữa !”
Chiều, tôi ra Phát Ngoại thăm Cha Chiêu, nhá nhem tối trở về Nhà Chung. Ngờ đâu về tới Cầu Ngói thì 1 Công an mời tôi vào trụ sở, tầng một nhà Phủ Chiểu ... chờ đã đến 8 giờ tối chẳng thấy ai giải quyết ra sao ... Tôi đọc kinh rồi nằm ngay trốc ghế dài ngủ ! Độ 22 giờ, Ông Tuyến, Quận trưởng CA tới xin lỗi vì anh em lầm không biết ! Về tới Nhà Chung, các Cha đâm ... nghi ngờ là tôi đi báo gì ... Đêm đó Cha Chính Lý đi lọt ... và đồn CA Kim Sơn đã bắt tôi, tưởng tôi là ... Cha Chính Lý !
Đầu năm 1955, Nhà Nước (Công An) phao tin : Ông Thiều xuống Phát Diệm làm nghi binh để Ông Lý đi lọt !!!
Về vật chất, tôi cậy gia đình Ông Trương Thắng mua sắm : thó, muối, đồ ăn thức đựng, dầu hỏa. Ra thăm Cha Cung ở Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, người cho một thùng bột. Gặp Cha Tạo ở đây, người hiểu rõ cảnh tôi tù về “túng thiếu”, nên đỡ cho một món tiền đủ đong một tạ thóc chở về Hoàng Mai.
Đồ lễ thì sao ? Một hòm đồ lễ tôi gửi ở Nhà Mặc áo Nhà Thờ Lớn, chỉ còn xác hòm ... may quá ! Gặp Thày Tấn đang bó gói nhét bồ sọt đem đi Nam, tôi bốc lại một mẻ ... lấy lẽ “ Trong đó chẳng thiếu, Thày cứ bảo là Cha Thiều tù về, không có, người giữ dùng !” ... Những áo vàng, áo trọng của các Đức Cha ... tôi lấy được đủ đồ lễ, đem về phân phối cho hai ba nơi tôi sẽ làm lễ.
Một buổi đi thăm Cha già bố nuôi : Cha Khuyến ở Hướng Đạo; thăm nhà quê vắng tanh, thăm xứ Tôn đạo, Ban Chấp Hành phải chạy xuống Hoà Lạc mượn đồ lễ, tôi làm cho xứ Tôn Đạo được một lễ ... Gặp Cha Huyến trên đường Hoà Lạc đi Phát Diệm rồi đi Nam ! Cha Wylich đã niêm phong chuẩn bị đi, kỷ niệm một áo dạ chùng mùa rét ... Cha Hải đồng ý cho lấy chăn bông chăn len ! Tất cả một thuyền đầy ...
Về Hoàng Mai kịp chủ nhật ... Quãng 10 giờ đêm, thuyền tôi về tới bến, ngay cuối Nhà Thờ Hoàng mai ... Có bà cô ( Phó Tiêu) lên theo ! Ở Hoàng Mai, họ tưởng tôi xuống Kim Sơn để đi Nam ! Cụ Vịnh và chính quyền đã triệu tập chủ nhật đại hội Công giáo “Chống âm mưu đi Nam”. Cuộc họp ở Hoàng Mai chủ nhật này, có mấy người Dưỡng ra dự : Ô. Đắc, Huấn, Trường, Đỉnh. Cụ Vịnh phát biểu mấy giờ, đại ý :
a) Bầu đặt Ban Chấp Hành xứ. Cụ nói : “Ăn không có, khốn khó đến mình”. Cha xứ đi Nam đem đi hết, nay mình ở nhà phải khó, phải khổ !
b) Thà chết chẳng thà bỏ đạo ... Chính phủ cũng hy sinh để bảo toàn tín ngưỡng của nhân dân.
c) Phi bác câu “Chúa vào Nam” là xuyên tạc Giáo lý.
d) Bom nguyên tử ! đe dọa thôi ... các Cha cũng mắc mưu ... lạm dụng thần quyền, bởi các Cha đi nên bổn đạo mới đi ! các mụ hoang mang.
e) “Không ai bảo ai” mà tập trung đông : vô lý.
f) Không vì quốc tế can thiệp mà Chính phủ cấp giấy!
Một Ủy viên Mặt Trận Huyện phát biểu :
-Khen sự căm thù và tố khổ của Hội nghị.
-Dân ta đánh Mỹ đã từ lâu, 80 năm rồi ... Mỹ thua.
-Tự do tín ngưỡng là chính sách trước sau như một của Chính Phủ.
Đêm thứ bảy họ thấy tôi về, giáo dân phấn khởi vô cùng ! Ban Chấp Hành báo cáo chương trình mai ... và đã định giết con bê, động sản duy nhất Cha Nhân còn để lại cho ông Vũ nuôi.
Sáng Chủ nhật, quãng 9 giờ, thấy Cụ Vịnh và cán bộ Huyện xã kéo vào ... và chuyển hướng công bố : “Hôm nay đại hội mừng Cha Chính xứ mới”. Sáng hôm ấy, tôi đã đọc bài sai của Cha Tổng quản tại Nhà Thờ Hoàng Mai !!! Cụ Vịnh có vẻ tức tôi vì đã vượt quyền... mà đi lấy bài sai. UBHC Tỉnh là có ý giao tôi cho cụ quản lý !!!
Hai tuần sau tôi lại về Phát Diệm, để sắm ít đồ dùng và tiện mua chiếc xe đạp. Lần này, tôi tiễn chân cố Wylich tới xe, gặp Cha Hải lần sau cùng ... Còn Cha Tứ, Cha Linh, Cha Học, cha Duy, Thày Duyệt ... đều đi Nam rồi. Không còn gặp nữa ...!
Làm phúc Hoàng Mai, Thiện Dưỡng ...! Chủ nhật thì sáng Hoàng Mai, chiều thì 1 tuần Thiện Dưỡng, 1 tuần bên Chẹo (Thiện Mỹ) vì Ninh Bình bị tàn phá không còn giáo dân.
Đang làm phúc Thiện Mỹ (Chẹo), đêm khuya Ban Chấp Hành Hoàng Mai sang mời về, có cán bộ Trung Ương ... kéo bộ về Hoàng Mai (Thiện Mỹ – Hoàng Mai độ 4-5 km), thì ra ông Dương Văn Đàm và ông Khánh, cán bộ giáo vận ... về thăm ! Chăn để bên Chẹo, đêm đó, cả khách cả tôi chỉ đắp có áo dạ ...! Sáng sau, hai ông cùng tôi (xe ô tô riêng) sang Chẹo sớm để tôi làm lễ. Cách mấy hôm, ông Trần Chúc, cán bộ Mặt trận Trung Ương về tận Chẹo, tặng tôi tập học báo số 1 (Chính Phủ về Thủ đô)... Xem chừng có chiều họ chinh phục và mua chuộc mình đây !!
Tết năm ấy, ở Hoàng Mai, lễ sáng xong, tôi tổ chức cơm liên hoan cả xứ ... giải chiếu tràn ra sân ... Các họ giáo đem gạo đến Hoàng Mai thổi ... giò bánh tự túc, tất cả độ ba chục mâm. Có cả ông Soạn Chủ tịch Huyện, ông Chuyện Chủ tịch Xã cùng tới dự ... ngồi bệt tất cả dưới sân !
Sau tết và tháng ba năm ấy đói, dân chúng Khu 4 ra Khu 3 lần rau má ... Tuần Thánh mở ở Hoàng Mai, giáo dân đi lễ rặt đem khoai ... Nhà Xứ cũng mua khoai luộc cho người chầu đêm điểm tâm!
Nhưng, sau mấy tháng giảng dạy, làm phúc ... UBND Huyện Gia Khánh tìm tôi lên một buổi kiểm thảo, chụp mũ :
1. Sao ông nói xấu chế độ, kể chuyện tù đày, khổ sở ?
2. Sao ông nói thuế nông nghiệp là thuế thất nghiệp ?
3. Ông dụ dỗ bà con đi Nam !
Thời hạn đi Nam được tăng hạn thêm hai tháng, nhưng chẳng mấy ai biết ... và tình hình có vẻ thắt dần ! Giọng buộc tội dở ra !! Một lần ra Thị xã, gặp Cha già Hoà ở nhà ông quản Hội, Cha già vừa trách vừa khuyên : “Ông Thiều to gan thật ! Mới tù về mà dám đánh dao găm để ... chiến đấu cho đồng bào đi Nam !”. “Ai nói với Cha già thế cơ ?”. “Thì cụ Vịnh nói, chứ còn ai ! Cụ Vịnh báo là Cha đặt 100, lò rèn mới đánh được 37 cái, thì lộ, Công an bắt được!”. “Thưa Cha già, thế mà Cha già tin được à ? Nếu bắt được vậy, thì con chả gặp được Cha già ở đây !”.
Tháng 3/1955 giấy mời mấy giáo dân đi dự Đại hội Công giáo tại Thủ đô. Đại biểu Công giáo là ai ? Xứ Hoàng Mai thì không mời tôi, cũng không mời Ban Chấp Hành, chỉ mời có một anh tên Hùng, du kích, bỏ đạo !
Tôi xuống Yên Thổ, thì Cha Nghiễm nói : “Đây mời có mình anh Ba, con Cửu Ty !” (Anh này là giáo vận, khoa nói khá ...) Sau cuộc họp về, chẳng thấy phổ biến gì hơn, chỉ nêu vấn đề “Chống âm mưu dụ dỗ đi Nam”.
Đầu tháng 5/1955, đại hội các Cha tại Phúc Nhạc ... gần Cha già Liêm Tổng quản ... Mỗi tổ mấy Cha, về ngủ và lễ tại Thôn Đồng, Thôn Phạm, Thôn Đỗ và Tam Châu. (Tam Châu khi ấy Cha Tạo đang coi xứ) Họp và ăn ở nhà ông Quận Tào ... Tài liệu là “Chống âm mưu đi Nam và chính sách Bảo đảm Tín ngưỡng của Chính phủ DCCH ! Họ đưa mấy cán bộ cao cấp về theo dõi từng Cha. Ông Điển theo dõi tổ Cha Tạo đêm ngày. Ông Thiệu theo dõi tổ Cha già Liêm, và Ông Thiều theo dõi tổ tôi rất chặt chẽ (Ô. Thiều năm 1956 bị tù vì tham ô trong việc đốc công xây Nhà Thờ Thị xã Ninh Bình). Cuối buổi họp, chụp hình một bức đủ 18 Cha, với một khẩu hiệu treo trốc rất ... gay : “Đả đảo Mỹ-Diệm ! Chống âm mưu cưỡng ép đi Nam !”.
Trong cuộc này, đã bộc lộ “tính cách làm to” của hai vị Vịnh, Trinh ... và cụ Trinh đã quát cả với Cha Tổng quản ! Cán bộ Triệu phải can! Và Cha già Liêm ... sao ơn Chúa ban cho Đấng Bề trên có khác, lần ấy người tốt nhịn ... và ăn trầu cười trừ !
Cuộc họp đầu tháng 5/1955 tại nhà ông Tào, Phúc Nhạc. Cán bộ : Ô. Phạm Ngọc Điển, Ô. Vũ Công Hoan UB Tỉnh, Ô. Hảo, Quân chính Kim Sơn, Ô. Thu, Chủ tịch Yên Khánh, Ô. Triệu, Chủng, Thiều, Khánh : liên lạc Công giáo. Công bố : Nghiên cứu Nghị quyết quốc Hội lần IV. Đề cao chính sách Bảo đảm Tôn giáo của Chính Phủ, Mặt Trận không là 1 thủ đoạn chính trị !
Ô. Điển giải đáp : “Nói Chính phủ vô thần là xuyên tạc của địch! Tôn giáo tự trị cũng là xuyên tạc, cắt đầu cho khỏi thân thì sống sao được? Nếu tiện, sẽ có sứ thần nữa ! Cải cách ruộng đất là việc thương dân nghèo lao động, hợp ý Chúa Giêsu.
Ô. Vũ Công Hoan giải đáp về :
-Nhà trường thuần túy giáo lý, Chính phủ không can thiệp.
-Nhà trường Văn hoá: theo chương trình Bộ Giáo dục.
-Chính phủ không yêu cầu dùng Toà giảng để tuyên truyền chính sách.
-Chính phủ chiếu cố nhu cầu cần thiết của từng vị, của công cuộc Công giáo.
-Cần tin tưởng vào chính sách ! Vào lãnh đạo của Chính phủ.
Đầu tháng 6 1955, lại triệu tập các Cha ... không nói rõ địa điểm, do cán bộ Huyện hướng dẫn đi ! Nhưng gặp thứ sáu đầu tháng, mặc cán bộ thúc, tôi cứ ở Hoàng Mai làm lễ thứ sáu đầu tháng ...! Xong, đạp xe qua Yên Thổ ... thì Cha Nghiễm đã đi đúng hẹn giấy mời, đi từ hôm trước rồi ! Tôi xuống Phát Diệm, Cha Kim mệt, kiếu ... và người nói : “Coi như họp ở Hà Nội !” Người cũng muốn coi nhà , vì Cha phó Hậu đi là đủ, không lẽ Chính toà bỏ trống !
Tới cổng nhà Hội Ky, Hoà Lạc, lính gác cổng định không cho tôi vào ... xem ra căng thẳng ! Cán bộ Mặt Trận Triệu ra đưa tôi vào ... thấy đông đủ cả rồi, và thấy Cha Vọng mặc áo cánh (vét), các Cha khác thì truyện trò có vẻ dè dặt, không vui thoải ...!
Khu ấy có ba nhà hình chữ Môn, hai nhà đối diện làm nhà ngủ. Nhà giữa làm Hội trường và nhà ăn. Còn nhà ở thẳng cổng vào làm nhà hội ý, hội tư !! Cán bộ Khu, Tỉnh đều có mặt. Ô. Hoàng Chủ tịch Khu 3 và hai cán bộ Tuyên giáo; Ô. Bùi Kỷ, Chủ tịch Mặt Trận Khu 3, Ô. Hoan, Chủ tịch UBHC Tỉnh Ninh Bình ... và rất đông cán bộ không rõ tên.
Các Cha già đòi hỏi riết, thì họ cho kê 1 bàn thờ làm lễ ở chính nhà Hội trường ... Mỗi sáng chỉ có thời gian cho ba bốn Cha làm lễ thôi !!! Thứ sáu đầu tháng đã mất. Chủ nhật Ba Ngôi cũng không Cha nào đi đâu ... dù xứ Hoà Lạc, bên dưới nhà Hội Ky độ 100 mét, Cha xứ (Cha già Khuyến) yêu cầu về làm lễ Chủ nhật cũng không được. Tưởng là họp độ 5,6 ngày ... Ngờ đâu, Lễ Mình Thánh (9/6/1955) vịn lẽ “cuộc họp chưa kết quả”, thế là các xứ đều mất lễ !
Thời hạn đi Nam đã kể là hết ! Trong tay Chính phủ hoàn toàn, cho nên muốn cho chúng tôi biết phép ... mà
liệu hồn, nên cuộc họp này rất căng thẳng !
Cuộc họp này (từ ngày 1-10/6/1955) họp tại Hoà Lạc, 18 Cha và 45 giáo dân. Cán bộ lãnh đạo: Ô. Đức, Giám đốc văn nghệ Khu 3. Ô. Tuấn Giám đốc CA Khủ, Ô. Bùi Kỷ Chủ tịch MT, Ô. Sửu, Ô. Thanh đại diện UBHC Tỉnh, các ông Khánh, Thiều, Triệu và chị Hiền thư ký. Mấy giáo dân (33) phát biểu đả kích Đức Cha Lê và một số Cha : Phát Diệm có Khoát (trường phố Phát Diệm), Nho, Toàn, Tính. Hiếu Thuận có chị Sinh đả kích Cha Thanh. Đem ra hạch tội (đấu) Cha Hậu trẻ, Cha Thanh, cảnh cáo Cha Hậu già. Lưu ý Cha Khuyến, Cúc, Luật, Nghiễm.
Học về tài liệu : “Âm mưu dụ dỗ đi Nam”. Tháng 8/1955 xuất bản một sách nhỏ với vấn đề đó, in hình các Cha họp ở Phúc Nhạc (chụp
tháng 5/1955) và có một câu (có lẽ trang 15) “Trịnh Như Khuê là gián điệp do Mỹ-Diệm gài lại miền Bắc”.
Bức sốt mà nơi ngủ chật, nước tắm giặt chỉ có một ao nhỏ ..., duy có cấp dưỡng thì không đến nỗi ! Ngay buổi đầu, Chủ tịch đoàn đã nêu Cha già Liêm ra để kiểm thảo :
1. Cụ hay khạc nhổ lung tung ... đã có ống nhổ, mà mấy cụ già không nhổ v.v...
2. Cụ phát biểu bừa bãi ! Mời cụ họp Tổ, thì cụ lại hỏi “Tổ vạc, tổ chim gì ?” ...
Có lẽ, lần này là lần đầu tiên, các Cha nếm mùi mất tự do ... mỗi khi đi họp ! Nào có vậy mà thôi, Cán bộ Tuyên huấn đả kích các việc Bảo an, Tổng bộ Phát Diệm, đả kích Đức Cha Lê ... kiểm điểm những Cha có mặt đã dụ dỗ giáo dân đi Nam, đã chuyên tàng các của cải nhà xứ, v.v...
Ngậm bồ hòn ! Không Cha nào dám bảo vệ bào chữa, đang khi ấy thì cụ Vịnh cứ thấy hội ý với cán bộ, cụ Trinh thì a tòng phát biểu rất hăng ! Dần dần, đem Cha Hậu trẻ, Cha Thanh ra bắt bộc lộ ... Tôi còn nhớ, cứ sau một cuộc Hội trường về, các Cha bỏ màn nằm như chết giả ... Cha Thanh có lần hỏi tôi : “Có nên nhận không?”. Thì ra người đã trốn đi Nam mà bị họ bắt !! Cha Vọng đã đi Nam lại lộn về ... Không biết lối lấp liếm lập công như cụ Huyên, thành ra xem kiểu lo sợ. Còn cụ Huyên thì nói xấu Diệm và Đức Cha Lê ra trò, được cán bộ yêu quý tin dùng ngay !!!
Một điểm rất nguy là bữa ăn nào họ cũng tiếp rượu ngang cho Cha Huyên, Cha Vịnh và mấy Cha già! Tổ nào biết tổ ấy, không được sang nhà nhau, không được trò truyện với người khác tổ. Một hôm về cuối cuộc họp, UBHC Khu và Tỉnh đưa các Cha đi họp riêng tất cả, tổ bên kia còn lại Cha Tạo, tổ bên này còn lại tôi ..., hai người cứ đi bách bộ hai nhà song song, nhìn nhau mà cười! Đến sau có cán bộ nói hở : “Tổ kia thì ông Tạo, tổ này thì ông Thiều, sáng sớm cứ gặp riêng Cha nọ, Cha kia ...”. Có gì đâu! thì ra họ thấy các Cha xưng tội, nhất là Cha Hậu trẻ gặp riêng tôi 1 lần là họ dò la mãi !
Để cho các Cha thêm bẽ và hạ giá, họ cho ông Trương Thắng đến dự một buổi, và 10 ngày có 45 đại biểu các xứ đến dự họp với các Cha. Trong số 45 (33) Công giáo (tiến bộ) được họp với các Cha kỳ này, đặc biệt có mụ Sinh ở Hiếu Thuận, và Khoát già (phố Phát Diệm) phát biểu đả kích Đức Cha Lê, Cha Lý, Cha Hậu, Cha Thanh ....
Sau mới hay, chính kỳ ấy, cũng họp các Chánh phó Trương, Trùm Trưởng ở gần đó. Ông Trương Thắng có vẻ lo lắng, người còm, sút quầng, không dám nói một cách trực tiếp vạch tội Đức Cha Lê và Cha Hậu (trẻ), Cha Chính Lý, v.v... nhưng ông bộc lộ lỗi lầm của ông, và gián tiếp bộc lộ các đấng nữa !
Còn mụ Sinh, kém chính trị và nông cạn hơn, đứng lên kể tội Cha Thanh, chính xứ Hiếu Thuận, đã bỏ xứ đi Nam, đã chuyên tàng của cải, đồ lễ, của xứ đi, đã dụ dỗ con chiên đi theo Mỹ-Diệm, v.v...
Cha nào cũng sợ mất một Chủ nhật nữa, Chủ nhật Phát Diệm chầu lượt! nhưng thứ bảy đã giải tán ... Cha nào Cha nấy nhọc mệt, quá đi tù về! Cha già Liêm kể lại : suốt một tuần lễ, không đi ...đại ... lần nào. Về nhà cấp tốc nấu đậu đen giải nhiệt !!!
Tối trước bế mạc, có cuộc xinê. Ô. Hoan bế một cậu con ba tuổi ngồi sát bên tôi, hỏi dò tình hình cuộc họp. Tôi nói đại ý : “Các Cha chưa quen những cuộc như vậy, còn Cha Đức và tôi (đi tù về) thì coi bình thường thôi ! Ông lại hỏi kết quả. Tôi đáp : “Chúng tôi vừa có tuổi, vừa có chút học, thu thái cũng mau chóng thôi!”.
Thời kỳ này, giữa năm 1955, Chình phủ ra sắc lệnh tự do tín ngưỡng (SL234), và báo Nhân Dân đăng hai số (519 và 520) một bài của Canh Sinh, đề đầu “Giữ vững quan điểm duy vật”, có tính cách :
a) Tuyên truyền vô thần, bài tôn giáo một cách xa xa.
b) Củng cố lập trường cho Đảng viên Cộng sản sau sắc lệnh 234, sợ là Chính phủ khuynh hữu chăng !
Sau đó, thấy mấy hành động xuất hiện như ngày 8/8/1955 Huyện Gia Khánh tìm tôi, đề nghị báo cáo cho địa phương các cuộc lễ (lấy lẽ che mắt là “để địa phương giúp đỡ”!). Ngày 16/8/1955, Cán bộ đem vào chung quanh Nhà Thờ Hoàng Mai 1 tốp tập nhẩy múa, nhi đồng khua trống rước quanh nhà thờ !
Dịp đó, Chính phủ quyết định tu sửa Nhà Thờ Thị xã Ninh Bình ... Cha già Liêm giới thiệu cán bộ Tỉnh gặp tôi đương là Chính xứ ... UBHC Huyện Gia Khánh tìm tôi, có một cán bộ Tỉnh nữa, hỏi ý tôi về việc tu sửa Nhà Thờ Thị xã, tôi nói ngay :
1. Chính phủ giúp sửa là điều rất quý, tốt ...
2. Nếu Chính phủ quan tâm đến nhu cầu giáo dân thì giáo dân An Ngãi đông, và hiện nay không còn nhà thờ ! Ninh Bình đã tản cư hầu hết rồi, chỉ còn có dăm ba nhà, các họ lẻ thì xa, hoặc có nhà thờ rồi.
3. Tôi thiết tưởng : Thị xã, nhà thờ cần để tuyên truyền, chứ chưa cần cho giáo dân chúng tôi. Tôi vẫn làm lễ ở họ lẻ Thiện Mỹ, giáo dân xứ Ninh Bình về đấy không chật !
Thế là Ban Kiến Thiết không có tôi mà chỉ có cụ Trinh, Vịnh, Huyên với cán bộ ... Cha Tổng quản thì cũng đứng ngoài ! Công việc làm rất gấp rút ... Tháng 10/1955 đã sửa xong... và chính quyền yêu cầu cụ Vịnh về chính xứ. Ngày /511/1955 Cha Tổng quản đổi ba Cha xoay vòng : Cha già Nghiễm về thay cụ Vịnh, coi Quảng Nạp, Bạch Bát. Cụ Vịnh coi Ninh Bình, Hoàng Mai, Thiện Dưỡng, và tôi thay Cha Nghiễm, coi yên Thổ, Bình Sơn, Quảng Phúc, Bình Hải ...
Nhưng cụ Vịnh lấy lẽ phải đi phái đoàn, và bận việc, chỉ nhận có xứ Ninh Bình thôi. Thế là tôi vẫn còn tạm coi Hoàng Mai, Thiện Dưỡng 1 tháng thôi ! Sau, UBHC Tỉnh đã ép cụ Vịnh nhận cả ba xứ kia cho xong.
Đợt ấy, sáng 4 giờ chủ nhật tôi làm lễ Hoàng Mai. Đạp xe xuống Yên Thổ làm lễ 8 giờ . Lễ chiều 16 giờ, tuần thì Quảng Phúc, tuần thì Bình Hải! Gặp ngày mưa rét ... gay!
Trung tuần tháng 11/1955, một phái đoàn Công giáo Tiệp Khắc sang khánh thành nhà thờ Ninh Bình. Chính phủ giới thiệu đó là hai Đức Cha và một Cha dòng. Cha già Liêm cố đưa tôi vào ban tiếp khách ... Chúng tôi đã bàn để Cha già Liêm Tổng quản làm phép Nhà Thờ ấy trước ngày Phái đoàn về ! Mặt Trận Tỉnh dành một ô tô cho Cha Tổng quản, Cha Vịnh và tôi vào đón phái đoàn từ giáp giới Thanh Hoá, Ninh Bình ... Sau hai ngày một đêm sống gần các vị quý khách, chúng tôi nhận định : đúng có một vị Giám mục cao niên, có lẽ chính phủ đem đi làm bình phong cho hai vị kia hoạt động ... Mỗi khi tôi hỏi chuyện tình hình Địa phận, tình hình Đạo Công giáo ở Tiệp, thì người có vẻ dè dặt và đẩy sang hỏi hai vị kia. Một vị cũng được giới thiệu là Đức Cha, nhưng tư cách và thái độ, có lẽ là vị trước kia đã được chức “đức ông Monsigeur” nay biến chất đi hoạt động chính trị ... Còn ông “cha dòng” có vẻ là thư ký (văn phòng) chi đấy, và cũng đã được học tập, được bồi dưỡng khá lắm để đi tuyên truyền ! Trong lần Cha này đàm đạo riêng với các Cha Phát Diệm, ngài không trả lời trực tiếp vào vấn đề “Thông công với La Mã”, cũng không nói lên vấn đề Chủng viện; hơn nữa, ngài nói : “Ngài phải coi một vạn giáo hữu” thì đủ đánh giá tình cảnh thiếu Linh mục chẳng kém miền Bắc Việt Nam ! Trước khi làm lễ, liền sau khi làm lễ, cả ba chẳng cầm trí tí nào, truyện rền ! Duy có vị già, trưởng phái đoàn, lễ xong có vẻ hơi “nâng lòng”, nhưng vì người ta tổ chức rước đi mít tinh ngay; Nhà thờ đã biến thành nơi xôn xao đón rước phái đoàn !
Phái đoàn muốn đi Phát Diệm ... họ xui Cha Trinh đứng lên mời ! Cha già Tổng quản và Cha già Kim hỏi tôi, tôi không tán thành. Nhất là cụ Trinh và Vịnh muốn các ngài xuống hành lễ Pontificale (nghi lễ Giám mục), chúng tôi xin Cha Kim (Phó Tổng quản và Chính xứ Phát Diệm) giãn đi, lấy lẽ : Phẩm phục Giám mục không còn gì và những người giúp lễ trọng không có ! Chúng tôi tiếc vì dịp ấy Cha Tạo không đi đón, có lẽ vắng mình người ! Nhưng Chính quyền và mấy Linh mục kia đã quyết định ... họ phi bác các lẽ Cha Kim, họ khắc phục lễ phục bằng cách may ngay những áo nào thiếu ... Cha Trinh cam đoan sẽ đủ người giúp lễ ... Cha già Liêm hỏi ý và bảo tôi xuống giúp lễ, tôi kiếu về lễ chủ nhật các xứ đến nơi rồi !
Phái đoàn kéo đi Phát Diệm, tôi đang đi lấy xe đạp về xứ Hoàng Mai, thì được giấy UBHC Huyện Gia Khánh đòi ! Lạ quá ! Việc gì mà khẩn ? Đi Phát Diệm với Phái đoàn thì chắc không có giấy này ! Đoán đúng quá. UBHC Huyện kiểm thảo, chụp mũ :
1. Ông nói là Giám mục giả ...
2. Ông định phá việc phái đoàn đi Phát Diệm !
3. Gần đây chúng tôi sẽ trục xuất ông khỏi Huyện Gia Khánh chúng tôi !
4. Sáng hôm 18/11, ngày các xứ Kim Sơn đón phái đoàn, trú đêm ở Thiện Mỹ (Chẹo), ông làm lễ ở Chẹo ông giảng “không cần nhà thờ”, ông có ý nói về nhà thờ Thị xã chứ gì ?
Tôi đáp điểm nhất : Đó là tư tưởng bây giờ tôi mới nghe thấy Uỷ ban nói, chứ không phải tư tưởng của tôi. Điểm hai : Việc của Bề trên Địa phận và của Chính quyền, tôi đâu dám phá ! Điểm ba : Tôi đang mong muốn Cha Vịnh nhận Hoàng Mai, Thiện Dưỡng để tôi chỉ còn 4 xứ thuộc Huyện Yên Mô thôi. Điểm bốn : Sáng hôm rước phái đoàn, tôi làm lễ ở Chẹo và giảng về ý nghĩa Cung tiến đền thờ Thánh Phêrô và Phaolô 18/11 hằng năm. Tôi chú trọng về đền thờ vô hình là tâm hồn giáo hữu ... điều ấy là đúng !
Huyện Gia Khánh ... từ biệt ...! Về Yên Mô rồi cũng chẳng tốt đẹp gì hơn ... Bắt đầu về xứ Yên Thổ ... Cha già Nghiễm cùng tôi xuống chào UBHC Xã Yên Phong, Cha già giới thiệu : “Mình đi, người về”. UB Yên Phong Huyện Yên Mô, tỏ vẻ tiếc Cha Nghiễm, rồi lên lớp cho tôi ít là mực tiến bộ và sản xuất của giáo dân các xứ được như đời cụ Nghiễm ! Tôi nghĩ bụng ngay : rồi ra sẽ lắm chuyện chụp mũ đây ! Quýt làm, cam chịu ! Mấy tay Ba, Cống, cán bộ giáo vận (con Cửu Ty) vẫn thao túng giáo dân Yên Thổ ... theo sát tôi riết. Trước kia các dịp lễ, là anh em hắn chăng đầy cờ đỏ sao vàng trong Cung Thánh và trong ngoài Nhà Thờ ... Khi tôi còn ở Hoàng Mai, thỉnh thoảng xuống gặp Cha Nghiễm ở đây, đã thấy cảnh dọn lễ như vậy ... Nay sắp tới Noel, tôi dặn ngay trước : “1/ Nhà Thờ trang hoàng bằng cờ, ảnh đạo thôi. Cờ Tổ quốc chỉ treo 1 lá ở ngoài Nhà Thờ là cùng ! (Khi ấy, tôi chưa nắm được sắc lệnh về Quốc kỳ). 2/ Dịp Noel, nếu có thư Chính quyền thì Ban Chấp Hành liệu đọc giúp tôi, vì áp ngày lễ, tôi bận giải tội.”.
Giáo dân tổ chức Noel rất đặc biệt. Đèn Thánh giá đồ sộ trên nóc Nhà Thờ ... đèn nhiều, hát hay, nhưng họ hậm hực về mấy điểm tôi đã công bố ! Anh em Cống mượn đâu một lá Quốc kỳ to bằng chiếu lớn (độ 6m²). Không nhẽ cờ Hội Thánh lại bé con ? Cấp tốc tôi may ngay một lá 8m² để kéo lên cây thông chót vót như cây đèn đại ở cuối Nhà Thờ xứ Yên Thổ ...
Sau Noel mời các Cha toàn Khu 3 đi họp 5 ngày tại nhà máy sợi Nam Định !
Cuộc họp tại nhà máy sợi
Một sự may mắn, Linh mục Khu 3, có tới 120 Cha, được UBHC và Mặt Trận Khu 3 triệu tập, để học về Chính sách Tự do tín ngưỡng và luật Cải cách ruộng đất. Các Cha Hà Đông, Sơn Tây, Hà Nam thuộc Địa Phận Hà Nội rất đông, tôi chỉ biết và quen Cha Thuyết bạn tù cũ, Tổng quản Hà Nam, và Cha Quynh, quê Trì Chính Phát Diệm, khi 13 tuổi, người ở với Cha Jacques Houssa, khi ấy, tôi đang làm Thày giảng, dạy tiếng cho Cố! Địa phận Bùi Chu thì gặp lại 5 Cha bạn tù : San, Hân, Vinh, Hào, Cung, và mấy Cha già, năm 1947 làm Chính xứ Ninh Cường, Trung Linh, Quần Phương, những nơi tôi 6 chức đã ở đó một thời gian (CGCQ). Cuối buổi họp này, ông Chủ tịch Liên Khu 3 tuyên bố : “Chúng tôi đã hạ lệnh bắt Đặng Đức Hậu, đội lốt Linh mục ở Phát Diệm.”. Nghe tin ấy, Cha già Kim, chính xứ Phát Diệm tái mét người, ngang với sét đánh ngang tai ... Chúng tôi đại đa số cúi xuống như mặc niệm ! Đang khi ấy, Cha Nguyễn Duy Trinh (Ninh Bình) lên phát biểu, tán thành chủ trương đó. Mấy Cha thân ngồi bên ghé vào tai tôi nói : “Địa phận Cha hỏng rồi!”
Khi chia tay nhau, chúng tôi đã tiên cảm là “lần gặp gỡ cuối cùng trên thế” và đã dặn nhỏ nhau : “Dọn mình mà chịu khổ nhục !”.
Cải cách ruộng đất
Sau cuộc Đại hội Linh mục toàn Khu 3 được mấy hôm ... đội Cải cách ruộng đất rầm rộ ra mắt ... đổ về nông thôn học tập rất sầm uất ... Mồng 1 tháng giêng 1956 địa bàn Yên Mô hoạt động. Chiều đó, Đại đội trưởng Hoàng Tiến vào nhà xứ Quảng Phúc gặp tôi, nhắc lại cho tôi một số điều đã học ở Nam Định, khuyên tôi tích cực chấp hành luật Cải cách cho tốt ... !
Ngày ngày, Đội Nhi đồng khua trống inh ỏi, loa phát thanh sáng chiều hoạt động ! Nông dân vùng dậy đấu tranh với địa chủ ... Dể giáo dân phấn khởi và tin tưởng, ban đầu Đội Cải cách bảo đảm các giờ lễ sáng, kinh tối, có nơi còn vận động đi nhà thờ nữa ! Nhưng việc các Cha đi lại các xứ là hạn chế ! Mùa Chay năm ấy, Cha Giám xứ La Vân, Cha Luật xứ Sào Lâm, Cha Trình xứ Xích Thổ, Cha Tường xứ Uy Đức, 4 Cha bị bắt ..., cả Huyện Nho Quan, Gia Viễn, Gia Khánh, còn hai Cha Châu Sơn, Cha già Hòa xứ Sơn Lũy, Cha già Dụng xứ Trung Đồng, và Cha Vịnh xứ Ninh Bình. Huyện Yên Mô còn Cha Nghiễm xứ Bạch Bát, Cha Cúc xứ Hảo Nho, và tôi ở Yên Thổ. Huyện Yên Khánh, Cha Đức xứ Yên Vân bị bắt; còn Cha Tạo xứ Tam Châu, Cha già Liêm Tổng quản ở Tân Hợp. Huyện Kim Sơn, Cha Hậu trẻ và Cha Vọng xứ Cồn Thoi bị bắt, còn lại Cha Hậu già xứ Tân Mỹ, Cha già Kim xứ Phát Diệm, Cha già Khuyến xứ Hướng Đạo, Cha Thanh xứ Văn Hải, Cha Tuân xứ Tôn Đạo, Cha Hiếu xứ Dưỡng Điềm, Cha Minh xứ Quân Triêm, Cha Quế xứ Mông Hưu, cha Trinh ở họ Đạo Củ, Cha Huyên xứ Xuân Hồi.
Những Cha bị bắt, đều đã bị vạch mặt, tố khổ, đấu nhiều đêm ngày ... sau đó đem đi Trại giam. (Tôi không có thời gian để hỏi lại các ngài về chuyện đi tù).
Còn các Cha ở lại Mùa Chay 1956, trừ ba Cha Vịnh, Trinh, Huyên (làm cán bộ) được yên thân, ngoài ra, tất tật đều bị đưa ra xóm làng để tính nợ “tô tức” và nhận tội với nhân dân ! Ở Phát Diệm, Cha già Kim đi họp Nam Định, về nhà đã mất Cha Hậu, lại phải thoái tô rất gay. Cô An, cô Mười (giáo dân trẻ tuổi) vào Công đường hạch sách, quát tháo ... gọi mày xưng tao với Cha già Kim, Cha già Phú mù ! Nông dân hai chuyến vào xục xạo lấy lúa lấy tiền và đồ đạc sách vở trong Nhà Chung. Thày Ven nhanh nhẹn và giúp việc Cha Kim đắc lực một chút cũng bị bắt! Còn mấy Thày già lụ khụ (Am, Thuần, Đễ, Biểu, Long, Tri điên) và các bõ ... ngày ngày làm vườn cấy ngô cấy khoai chống đói ! Cha già Kim còm róc ... giáo dân rất thương, nhưng chỉ giúp kín đáo và vụng trộm đôi chút cho đỡ đói !
Cha già Liêm Tổng quản, ở Tân Hợp, chuyển về Thôn Phạm, bị đấu khổ, phải thoái tô, hết lúa thóc, tiền bạc ... Người kể lại : “Đúng một tháng, chỉ ăn khoai vớ vẩn ... 2 chân thì đau, người thì gầy, đi thất thểu ...”. Nhục nhã hơn cả, là Cha nào cũng bị tố cáo những tội ô uế, tội dụ dỗ đi Nam, tội đầu độc Bánh Thánh, tội lấy tin tức ở Toà Giải tội v.v...
Một Chủ nhật Mùa Chay 56, tôi làm lễ 8 giờ ở Quảng Phúc xong, trưa đi Bình Hải ... nhưng tôi thử đi Tam Châu thăm Cha Tạo (và xưng tội). May mà không ai hỏi han gì. Cha Tạo đang nằm ốm, vén màn ... giật mình hỏi tôi : “Sao Cha vào được ? Vào đây phải có phép đội CCRĐ kia mà !”. Tôi vội gặp người 15 phút liền rút về Bình Hải kịp lễ 16 giờ ... Vào Tháng Trái Tim, cũng một Chủ Nhật, dù Đội cho tôi đi Quảng Phúc Bình Hải nội có một ngày Chủ nhật, tối phải có mặt ở Yên Thổ, tôi cũng liều ra Cha Tạo được một lần nữa; lần này xứ Tam Châu gặt chiêm, người đãi xứ rượu nhắm với sắn luộc !
Nơi nào giáo dân vững tin, như Tam Châu, thì bớt đem Cha Tạo ra hành ! Còn hầu hết các xứ, phát động Ban Chấp Hành và giáo dân, phát động cách riêng những hạng ế chồng, những hạng hoang thai và những người đã tham gia ngụy quân ngụy quyền ... đứng lên xỉ vả, buộc tội, cáo gian và nói láo với Cha xứ. Lúc đầu, còn gọi “ông, tôi”, sau gọi “anh, tôi” ... sau cùng “mày, tao” với cả các Cha ...
Ngoài đời, thì xứ nào, xã nào cũng có một vài địa chủ, cường hào, hoặc Chánh Trương, Trùm Trưởng ... bị Toà án Nhân dân Đặc biệt “Xử bắn” ! Bắn ngay, không phải chờ lệnh cấp trên, không cần Chủ Tịch Nước y án gì hết !! Chửi mắng, hành khổ, rét như cắt mà bắt đi đào ngòi; đói khổ và tù đày, kìm kẹp ... đó là kiếp chung các địa chủ, cường hào, (Chánh phó Trương, Trùm Trưởng, Quản giáo mà không chịu đấu các Cha xứ, không vạch tội Đức Cha, các Cha). Nông dân được chia của, chia nhà, ruộng đất tịch thu của địa chủ, cường hào, ngụy quyền, Nhà Chung, nhà xứ ... say mê đi họp, mít tinh, xử án, hăng hái phát biểu xỉ vả, bỏ vạ cáo gian ... thậm chí bỏ hết cả mối tình cha mẹ con cái, ông bà cháu chắt, họ hàng ruột thịt ... Con đấu bố mẹ, cháu đấu ông bà, anh em đấu nhau là chuyện phổ biến lúc đó !!
Ngày 3/3/1956 Đội CCRĐ Huyện Yên Mô báo tôi tới Trụ sở (nhà Tổng Khôi, Quảng Phúc), đem theo lương thực một ngày ! Tôi nắm cơm, bỏ xứ Yên Thổ, đeo cái ba lô quần áo y như lúc tù về (cuối 1954). Ông Hoàng Tiến Đại đội CCRĐ bắt tôi viết báo cáo và kiểm điểm từ khi tù về đến nay... Ông ta hỏi hạch :
1. Tại sao hay nhắc lại chuyện tù ba năm ?
2. Tại sao hay giảng về kẻ thù Giáo Hội ?
3. Tại sao khinh chính quyền, cán bộ ?
Ông ta bắt tôi viết trả lời và kiểm điểm các điều ấy. Tôi viết như sau :
I/ Báo cáo :
1. Nhắc lại ba năm cải tạo làm gì ? Đáp : vì thấy một số giáo dân bị động, muốn đưa tôi ra chính quyền để bêu nhuốc và buộc tội, thì tôi có kể lại đời sống xiềng xích và đói khổ ở Trại giam (52-54). Tôi nói : “ Khi ấy tôi bị khổ như vậy, mà lòng trí an vui. Và tôi có trưng lại lời sách Đạo : “Chúa Giêsu đau phiền vì tội Giuđa phản bội, hơn là vì quân dữ đánh đập và đóng đanh Chúa ...” Nhắc câu ấy, có ý cho giáo dân biết rằng :
-Người trong nhà, con cái trong nhà làm khổ cực cha mẹ, thì cha mẹ khổ tâm hơn bị người ngoài.
-Thân xác tôi, trước đây bị tù đầy, mất tự do. Nhưng tâm hồn thảnh thơi, miễn sao được thoát cảnh xiềng xích ở đời sau là đủ !
-Theo kiểu nói Công giáo : Giuđa là kẻ phản bội, nội công. Quân dữ là những kẻ xưa đã tra tay hành hình Đức Chúa Giêsu. Tôi giảng ở nhà thờ như vậy, để kẻ nào làm điều phản bội, tội ác như Giuđa, thì phải tự xét, tự kiểm điểm mà hối cải ! Trong lúc giảng, tuyệt đối chúng tôi không được phép nói đến tội lỗi của cá nhân nào. Chúng tôi chỉ nói nguyên tắc, nói chung chung. Ai có lỗi thì đó sửa, ai chưa có hoặc không có lỗi đó thì phải đề phòng cảnh giác !
2. Kẻ thù của Giáo Hội là ai ? Khi giảng tôi có nhắc điều đó thật. Xưa nay kẻ thù của Giáo Hội, hễ muốn bôi nhọ Giáo hội, thì thường buộc tội “dâm ô” cho Giáo sĩ. Tôi nói câu ấy cũng chỉ là nói nguyên tắc, lý thuyết chung, ai nghe thì phải tự xét mình có phải là kẻ thù Giáo hội hay không ? Xưa nay, kẻ thù của Giáo Hội thuộc đủ mọi thứ bậc người, có khi chính là người trong Giáo Hội, có khi là kẻ ở ngoài Giáo Hội. Kẻ nào có tật thì phải giật mình, tự hối cải ... Nếu không thì phải cảnh giác đề phòng.
Nói tắt : Khi giảng, chúng tôi không khi nào ám chỉ ai, chỉ nêu lên chân lý và nguyên tắc, để mọi người nhận xét và tự kiểm điểm lương tâm. Giảng điền thiện, thì ai đã có, cố gắng tập thêm và củng cố; nếu chưa có thì lo tập cho có. Giảng điều tội thì kẻ nào đã có phải lo sửa,ai chưa có hoặc không có cũng cần phải ngừa !
II/ Kiểm điểm và phân tích tác hại :
1. Có một số việc xảy ra trước đây, nên tôi ít tín nhiệm cán bộ địa phương. Như vậy có thể có tác hại là : có thể ảnh hưởng đến Chính quyền, ra như ít tín nhiệm Chính phủ, và có thể đi đến kết luận : “Vơ đũa cả nắm”.
2. Đôi lần gây tâm lý cho giáo dân lo sợ không còn Linh mục để giảng giáo và tế tự. Như vậy, có thể làm cho giáo dân không mạnh dạn tố khổ Linh mục, nếu thực sự Linh mục đó làm gì khổ cho họ. Có thể giảm uy danh những kẻ tố khổ Linh mục.
3. Cãi lý và bẻ bát lời nói của cán bộ nhân viên chính quyền, việc ấy có thể gây tác hại là làm giảm uy thế của cán bộ trước nhân dân, mở dịp cho cán bộ ấy tự ái, nóng giận, trực nộ .
III/ Kết :
Thiện chí của tôi là luôn luôn cố gắng noi gương Đức Chúa Giêsu, và không muốn sa mắc khuyết điểm nào dù to, dù nhỏ. Tôi quyết tâm hàng ngày khắc phục các khuyết điểm tiền tàng trong con người.
Nhưng đối với những khuyết điểm về chính trị (là 1 công dân) tôi chỉ có thể sửa được khi thấy cụ thể cán bộ chấp hành đúng chính sách, đúng tác phong đạo đức của Cách Mạng, nhất là sự việc phải được phù hợp với luật đạo Thiên Chúa chúng tôi.
Tại Xã Yên Phong, ngày 3/3/1957
Linh mục Thiều (Ký tên)
Suốt Mùa Chay 1956 tôi vẫn đi các xứ Quảng Phúc Bình Hải làm lễ, nhưng không được ngủ lại làm phúc cho như chương trình. Có lần ở Yên Thổ xuống lễ sáng Chủ nhật ở Quảng Phúc, anh Đội CC tên là Chung lãnh đạo xóm Quảng Phúc, không cho Ban Chấp Hành làm cơm sáng cho tôi ... nhưng giáo dân không đành để đói ... Chiều xuống lễ 4 giờ ở Bình Hải, xong về Yên Thổ ngay. Vì tôi mới về Yên Thổ (tháng 11/1955) nên khi đòi tôi xứ Yên Thổ, chúng đã tìm Cha Nghiễm và tôi cùng ra nhà ông Thợi ... Cha Nghiễm báo cáo : “Đã giao lại cho Ban Chấp Hành và Cha xứ, nay người phải thoái tô hai xứ mới là Bát và Quảng Nạp !”. Tôi thì báo cáo : “Mới về, không nhận tài sản xứ, chỉ về giảng giáo và phục vụ lễ bái cho giáo dân ...”. Thực ra, khi Cha Nghiễm bỏ xứ đi, tôi đã bỏ tiền đong lại người 20 thùng lúa, và các đồ ăn thức đựng, vì người nói là “của người mới mua”, chứ nhà xứ không còn gì hết. Sau khi người và Cha Chi phó xứ đã xuống Phát Diệm tập trung định đi Nam !! Tình hình xem ra dịu ...
Nhưng một hôm chủ nhật, Đội lãnh đạo cho mụ Tương (goá, có một con hoang) vào nhà thờ lôi kéo các ông kỳ cựu, chức sắc trong xứ, không cho ngồi mấy ghế trên như đã quen ! Ban Chấp Hành thì ông Trương Khuyến bị bắt, thơ ký Cống cũng bị bắt. (Cống và bố là Lý Tri bị giam, ở nhà còn Ba và Sáu lo sợ bằng chết, sốt sắng đạo đức đặc biệt, ngắm nguyện khóc lóc, xin tôi ảnh đeo. Tối đến bị đem ra đình, bị xỉ vả chửi bới quá trâu, quá bò ...! Kỳ sửa sai, lại đắc dụng, lại khô đạo, ra vẻ bỏ đạo ... chui vào chính quyền ! Lý Tri, sau được tha về, quen gọi đội CC là ... Đội váy !). Còn ông Phó Trương Hoàn và ông Tuần Kiểm Thợi thấy vậy lo sợ ... không dám làm gì trước việc phá rối trật tự trong nhà thờ. Dù sao, tôi phản đối việc đó ! Tôi tuyên bố hẳn : “Nếu muốn sắp xếp chỗ ngồi lại trong nhà thờ, phải do tôi và Ban Chấp hành quyết định ! Mụ nào kia phá rối cuộc lễ, nếu không chấm dứt, tôi sẽ không làm lễ hôm nay, và phải đưa việc này ra chính quyền và pháp luật !”. Mụ ta thẹn ... sợ giáo dân phản ứng nếu không có lễ ... nên trật tự trở lại ! Sau đó, Đội CCRĐ lãnh đạo giáo dân, buộc tội cho tôi là “còn bao che, liếm gót địa chủ, cường hào ! Còn giữ thói lệ phong kiến ...!”. Tuần Lễ Thánh long trọng yên ổn ... Nhưng 1 tuần sau, ngày 9/4/1956, Đội CC sai dân quân vào tìm tôi có vẻ gắt gao ! Gắng, Du là Công giáo, mà vào tìm tôi : “Anh phải ra ngay !”. Trước thái độ và tình hình ấy, tôi bỏ áo chùng, mặc một áo chùng cũ cắt cụt một nửa, đeo ba lô ở tù đem về, sẵn sàng ra đi ... Đại hội nông dân tại nhà ông Trương Khuyến ... lại có người các xứ tôi đã coi (Hoàng Mai, Thiện Dưỡng) và đang coi (Yên Thổ, Quảng Phúc, Bình Hải). Vì mới về đất này, nên chỉ mới nhận diện được một số ít giáo dân, còn tên họ và lý lịch họ thì chưa rõ. Ngày 9 tháng 4 và đến nửa đêm, chúng cho tôi ngồi dưới đất, nghe chúng tố khổ, và đòi tô, kể tội v.v... Tôi đưa mắt nhìn, thì rặt là giáo dân, còn đội CC và cán bộ lảng vảng ở ngoài ! Thậm chí già Thợi (Tuần kiểm xứ Yên Thổ) cũng lên tiếng : “Chi, Nghiễm đi xứ khác, nay anh về nhận xứ thay, tất nhiên là phải nhận tất cả của cải nhà xứ ! Anh phải tính toán tô tức cho nông dân ! v.v...” . Người xứ cũ (Hoàng Mai, Đông Thịnh) thì tố cáo : “ Ra vào nhà đàn bà con gái, nói xấu cộng sản, dụ dỗ đi Nam, kể chuyện khổ trong nhà giam chính phủ v.v...”. Anh Xuân (Bình Sơn, độ 30 tuổi), vưa run vừa nói : “Anh về làm phúc, ăn hại, ... thuê tôi bỏ thuốc độc xuống giếng Bình Sơn, nơi bộ đội đóng đông, ...bỏ thuốc độc về, anh cho năm vạn !”. Mụ Tương, con Bình (Quảng Phúc, chung ổ với Đội Chung, sau lấy Anh Khương, lương dân) lên tiến liên hệ : “ Làm quen đàn bà, con gái chỉ là để ... hủ hoá !” v.v...
Họ yêu cầu tôi nói, chúng cho phép nói ... chúng giục tôi nói ... tôi vẫn ngồi cúi xuống, ở lặng, thọc tay túi áo lần hạt ... Khi ấy tôi nhớ lại Ca Vịnh 37, câu 14 : “Những kẻ tìm dữ cho tôi, ... nói xằng bậy, và suốt ngày mưu tính gian dối, nhưng tôi như người điếc không nghe, và như người câm không hở môi miệng”. Tôi nghĩ mà thương con chiên mình dại ! Con dại cái mang !!
Nửa đêm, giong về nhà Cân (lương), nằm đất giải rạ. Sáng, người nhà xứ đưa cơm, tôi ăn tí chút và dặn : “Bao giờ tôi về, nhà xứ hãy thổi cơm, nếu giam, thì đã có nơi giam !”. Từ hôm sau, nhà xứ đưa cơm tôi không ăn ! Suốt ngày 10/4/1956, Đại hội tự xưng là 5 xã 7 xứ, luộc lại các việc hôm qua, đại khái : Lập tề, làm Bảo an, bắt cán bộ, nói xấu chế độ DCCH, khinh chính quyền, dụ dỗ đồng bào đi Nam theo Mỹ-Diệm, thu tô, mị dân, dâm ô, đầu độc bằng bánh thánh, bỏ thuốc độc vào giếng nước của bộ đội và nhân dân, lấy tin ngầm ở Toà Giải tội, xui trẻ em ném các cuộc họp”. Tôi chẳng hở răng, cứ ngồi cúi xuống, suy nghĩ hoặc lần hạt ...! Giam ở nhà Cân (lương) rồi chuyển nhà Châu (giáo), đêm thì hai du kích, một đực một cái, nô cười suốt đêm, cười chán lại hát, lại chuyện, không sao ngủ được. Từ chỗ giam về nhà xứ chỉ độ 100 mét mà tôi không sao về làm lễ được ... Giáo dân nguyên chất thì khóc thầm, còn bọn giáo dân biến chất (giáo gian-zz)thì xem ra căm tức và hống hách lắm.
Tên Đội Chương hỏi dò các con nhà Châu xem tôi có ăn gì không, có xin gì không ... Chúng thấy tôi đã ba ngày không ăn, không nói ... chúng phải nhờ nhà Châu làm cơm tôi ăn, chúng báo về Huyện đoàn, về Tỉnh đoàn. Ngày 14/4/1956, Đội Chương đến mỉa mai, riếc bách tôi một buổi sáng, hắn xưng mày tao ! Tuy đói nhọc, nhưng tâm trí tỉnh táo, muốn dậy hắn một bài học, và để giáo dân bạo lên; tôi đã nhờ hắn chuyển thư tôi khiếu với Huyện đội CCRĐ ... Không thấy cấp trên trả lời, lại làm ngơ hắn thế này ... tôi liền mắng lại, bảo nó là “bọn hống hách quan liêu, gian ác”. Hắn liền hô quân trói tôi vào cột nhà Châu. Nhưng hắn và một số đội đứng ngoài sân thấy tôi nói, dùng chính sách “Dân chủ” mà mỉa lại chúng. Chúng rút, tôi liền cởi trói ra !
Chiều hôm ấy, 14/4/1956, Tỉnh đoàn ủy CCRĐ (ở Kim Sơn) gửi 1 giấy “mời Linh mục Thiều, đến trụ sở Tỉnh đoàn đặt ở nhà Phủ Chiểu, phố Phú Vinh để xét về việc Linh mục chống phá Cải cách ruộng đất !”. Anh đội lạ mặt, đưa giấy mời, tôi đọc xong, tôi trao trả ngay, bảo anh ta : “Vào nhà xứ Yên Thổ mà mời Linh mục Thiều; đây tôi chỉ là, theo như đội CCRĐ quy định và đối xử mấy hôm nay, tôi đây chỉ là “Tên Thiều bị giam giữ” !!!
Chúng loay hoay, cả ngày 15/4/1956 hết anh nọ tới anh kia đến dụ dỗ ngon ngọt ... “Tỉnh đã mời, cụ nên xuống ... trình bày sự việc”. Chiều đó, tôi quyết định đi, nhưng mai là chủ nhật rồi ... Tôi nghĩ thương giáo dân tốt lành ngày mai sẽ mất chủ nhật ... Nhưng lại nghĩ : Giáo gian (zz) chúng sẽ tiêu diệt mình chẳng trước thì sau, rồi đây sẽ mất lễ còn nhiều ...
Tôi nhận giấy, bỏ túi xong, tuyên bố : “Giấy mời Linh mục, thì tôi phải về xứ lấy áo chức Linh mục đã, và khi tôi đi, không được áp dẫn chi hết ! Hễ không đúng vậy, tôi không đi”. Bấy giờ, đội ông Du trưởng xóm có ý kiến : “Vâng, Cha làm sao thì làm, miễn là Cha xuống Đoàn ủy” !
Người tuy mệt, trời đã 4,5, giờ chiều, tôi lững thững rông bộ (vì đi xe đạp sợ chóng mặt, ngã chăng) con đường độ 12 km ..., tới Phát Diệm quãng 9,10 giờ đêm, đèn điện phố còn sáng. Đội CCRĐ Yên Phong Yên Thổ cho hai tên du kích theo sau tôi xa xa (độ 50 mét), không có súng ống gì ... Gần Phát Diệm, hai tên ấy đi vượt đi báo ... tìm địa điểm. Họ đón đưa tôi vào điếm Phú Vinh, họ đã đổi là Trụ sở Công đoàn Kim Sơn. Giường chiếu hẳn hoi, tôi đem theo màn cá nhân, mắc lên nằm ngủ ... Không ai canh gác gì cả, 5 gian nhà lạnh lẽo. Trước giờ chuông báo lễ, tôi dậy, nhận định tình hình, rón rén mở cửa ra đi Nhà Chung, màn và ba lô để lại trụ sở đó !
Ba giờ sáng 16/4/1956 tôi vào Cha già Kim ! Người còm xõm ! Giật mình ! hỏi han qua loa ... Có giấy đi không ? Xuống làm gì ? Đội CC đang nằm ở phòng Thày Cai tính sao ? Có phải báo không ?... Tôi xin xưng tội xong, xin người để tôi làm lễ 4 giờ đỡ cho người, (từ ngày Cha Hậu bị bắt, Chủ nhật lễ trọng, sáng nào người cũng phải làm hai lễ) Đội có hỏi, Cha già cứ bảo : “Người có giấy Tỉnh đoàn Ủy mời”. Lễ xong, có người Nhà Chung mời tôi vào gặp đội CCRĐ trong đó, tôi bảo : “Tôi ra Tỉnh đoàn, có việc gì, đội ra đó sẽ gặp”. Trở về Trụ sở độ 5 giờ 30 mà họ còn ngủ yên, Trụ sở Công đoàn, nơi tôi ngủ cũng im ắng và y nguyên ... Tôi tháo màn ... đọc kinh ... chờ đợi gặp Tỉnh đoàn.
Một mình một mâm cơm ngồi giữa đỉnh điếm Phú Vinh (Trụ sở Công đoàn), cơm bưng ở nhà Đội Ảnh hoặc cố Ký Tường ra cho tôi ! Quãng 9 giờ, 1 nhân viên đeo phù hiệu đến lễ phép chào và mời sang nhà tầng hai Phủ Chiểu !
Ông Đoàn ủy, lon sao có vẻ đại úy, và ông Bổng, Trưởng ty CA bước vào, tôi đứng lên chào tử tế. Đoàn ủy có vẻ ra oai, nghiêm nghị chỉ một ngón tay, bảo tôi ngồi ghế đấy ! Tôi đã xác định thái độ và ... dè giữ ... nhè miếng phen này ! Ông Bổng có vẻ dịu dàng hỏi tôi xuống bao giờ, đi thế nào, ngủ được không ? Mệt lắm không ? Tôi lễ độ đáp vắn gọn và đủ ... Xem ra họ không biết gì về việc tôi làm lễ sáng nay cả !!! Đang có vẻ hoà khí, thì Đoàn ủy phát biểu ! Ông không nói tên gì, chỉ xưng “Tôi đây Tỉnh đoàn CCRĐ, lãnh đạo toàn Tỉnh, đến đây, anh phải có lễ phép ! Cho nói mới được nói ... Hỏi gì, phải trả lời hẳn hoi đầy đủ ... Không được phép khinh thường đội CCRĐ như ở Yên Thổ... Tại sao 5 xã 7 xứ tìm anh, hỏi anh ... mấy ngày anh không thèm đáp ! Cho phép anh nói đi !”
Tự ái bốc lên ... tôi nghĩ : tù đã quen, phen này có tù nữa cũng đành, xả thân một món tất cả ... Trưởng ty CA sao nhã thế, mà đội CCRĐ tác oai tác quái thế này ...! Tỉnh đoàn nói một hồi tới 15-20 phút, sau khi cho phép tôi nói, tôi vẫn cúi mặt suy nghĩ ... Tỉnh đoàn quát thượng : “Anh có nói không ! Đến đây anh không thi gan được nữa !” Lần thứ hai, lần thứ ba, tôi đáp :” Tôi còn suy nghĩ đã”.
Ông Bổng bước ra, rồi lại bước vào. Tỉnh đoàn thì ngồi hoằm hoằm, mặt đỏ gay ... ! Đập bàn nói : “Cho phép anh nói, không nói thì có kỷ luật !”. Máu tôi cũng bốc lên mặt, nhưng tôi cố nén tự ái, nói một cách bình tĩnh : “Tôi thấy Tỉnh đoàn chấp đơn khiếu nại, tìm tôi là Linh mục, tôi rất phấn khởi ... tôi mong được đến cao cấp này để trình bày đầy đủ; Tôi tưởng rằng sẽ gặp ở cấp tỉnh một tác phong dân chủ, đạo đức Cách mạng, chứ nếu cũng như địa phương mà tác phong quan liêu hống hách, thì tôi sẽ không ý kiến gì, tuỳ Tỉnh đoàn xét định!”.
Ông Tỉnh đoàn đứng lên, vừa ra vừa nói : “à, anh còn ngoan cố, rồi sẽ biết !”. Còn ông Bổng ở lại ! Nhã nhặn, xưng ông, xưng tôi ôn tồn, không có vẻ quân sự như Tỉnh đoàn ủy ! Một đấm, một bóp. đó là thủ đoạn tôi đã thừa hiểu ...
Ông Bổng nói đại ý : “Trước mặt Đoàn ủy mà ông còn thái độ chống bướng ! Giục ông 5 lần ông không nói, để ông đoàn ủy phải đập bàn phát cáu ... Tại sao 5 xã 7 xứ hỏi ông, ông không thèm nói nửa lời ! Ông không nói thì ai giải quyết được ?? Tôi đáp tình hình đại ý :
1. Mấy năm mất tự do, cũng ít thấy cán bộ hống hách khinh miệt tôi đến như Đội CCRĐ.
2. Tôi tạm hiểu Chính sách Chế độ Dân chủ Cộng hoà, tôi đã xem các huấn lệnh Hồ Chủ Tịch dạy cán bộ lễ độ, khiêm tốn với dân ... Mời tôi là Linh mục mà đối xử như một tên tù thì tôi không muốn nói !
3. Cũng vậy, giáo dân xưa nay lương thiện, ngay lành, lễ phép ... mà kỳ này, đội CCRĐ bồi dưỡng, dạy giáo dân tôi gian dối, ăn nói láo lếu, khác nào mục đồng trẻ trâu ... như vậy tôi nói làm gì !
Ông Bổng thuyết một hồi, ông đọc cả kinh cáo mình mấy câu Latinh “Mea culpa ... mea culpa !”. Ông nêu : “Chuyên chính vô sản” để lay tôi ... Trưa về cơm, nghỉ ở Trụ sở Công đoàn, hẹn hai giờ chiều lại sang đây ! Chiều, y hẹn, cũng chỉ có mình ông Bổng ... Ông thuyết lại các tội theo Pháp làm Bảo an, làm bí thư Đức Cha Lê Hữu Từ, được đặc phái ra vùng tự do để phá kháng chiến, để phổ biến Thư Chung Đức Khâm sứ Dooley ..., 3 năm cải tạo tưởng là về sẽ tiến bộ ... Như cụ Kỷ, cụ Vịnh thì sướng biết bao, chả ai nói động v.v... Nay chính sách CCRĐ đã được đi đại hội Nam Định, lẽ ra về phải đứng về phía nông dân ... ông lại đứng phía địa chủ v.v... Ngồi chán, ông lại bách bộ, thuyết cho tôi suốt buổi chiều ... Quãng 5 giờ, ông Bổng chỉ hỏi chốt : “Lần này ông có trả lời cho bà con giáo dân không ? Cho về, ông có chấp hành chính sách không ?”.
Tôi đáp đại ý : “Chính sách Chính phủ hợp tình hợp lý, tôi biết đến đâu, triệt để chấp hành đến đấy ... Còn việc trả lời giáo dân, thì cũng tuỳ ở cách nói năng của đội CCRĐ địa phương và của đại hội 1 số ấy !”
Sau đó, ông Bổng dẫn tôi ra phố, sang nhà ông Thông (xưa buôn gai, nay đi Nam) là Đồn CA Kim Sơn, ông bảo ông Tuyến đồn trưởng : “Tôi gửi ông Thiều ít lâu” ... Thế là họ cho tôi vào một buồng ở khu nhà kho của ông Thông xưa, buồng 2 gian, kín đáo, chắc chắn, buồng để của nhà giầu có khác. Buồng có cửa sổ, cửa ra vào, nhưng không trông ra phố được, ra hè qua một sân nhỏ, thì bên kia là nhà bếp và nhà cơm của các công an. Ở đồn CA, tôi nhận được hai CA bỏ đạo : 1) Quỳnh, quê Yên Vân; 2) Hiến, phố Quy Hậu, đã đi tu, học Trường thử Phúc Nhạc. Anh này ngồi bàn giấy CA, tối đến lên lớp thuyết trình và đọc báo cho các nhân viên nghe.
Giam lỏng đấy, nhưng CA bao vây kỹ, không hề thấy một ai quen, rặt là CA và một mụ già làm bếp, ngày ngày hai bữa bưng cơm cho tôi, ăn y như các nhân viên CA. Sáng nào cũng định vượt đi làm lễ mà không lọt, hơi động cửa ... đi giải ... là có CA hỏi, dẫn... Sáng chủ nhật, tôi định ra chỗ bàn giấy đồn CA quay ra mặt phố, hễ thấy giáo dân đi lễ là chạy ra ... đấu tranh đi làm lễ ... Nhưng chúng cự tuyệt, không cho tôi ra chỗ bàn giấy, chỉ luẩn quẩn ở khu nhà bếp nhà kho Thông gai.
Đã hơn 1 tuần ở đồn CA ... Một tối nọ, Quỳnh, CA viên (bỏ đạo) dẫn tôi sang làng Lưu Phương. Đưa vào nhà Bà Bính (có đạo), nhà lụp sụp, tối quá ... Bà xuống bếp rọi đèn lên ... xin nhận cho trọ. Công an Quỳnh và Đội CC Lưu Phương vừa ra đến sân (có lẽ chưa ra khỏi nhà bà), bà soi mặt tôi, kêu giật : “Lạy Chúa, ô Cha Thiều !”. Rồi bà đon đả thay chiếu, giường, lấy chiếu hoa giải, bỏ màn hẳn hoi ... độ 5 phút sau, bấy giờ độ 10 giờ đêm, hai tên bồng súng đến gọi tôi, dẫn tôi ra sau vườn bà, đi tắt mấy vườn, và bờ ruộng ... dẫn lên giong nhà Chánh Kỷ, bên trên nhà Dòng Thánh giá độ 200-300 mét. Đưa vào nhà chánh Kỷ thật, nhà này đã chia cho mụ Ngữ (lương) nông hội; Ba gian nhà xây, nhà trên lịch sự, không có giường, chỉ còn bộ trường kỷ và một bàn, còn mẹ con mụ và đội CCRĐ ở khu nhà dưới. Tôi kê hai trường kỷ giập lại, trùm màn cá nhân lên, chui vào ngủ, màn xuống sát mặt ... lắm muỗi lắm ! Hai du kích nằm ngay ở hè ... ngáy khò, mặc cho muỗi thịt . Tình hình ở đây, tôi xem có thể thoát dễ như chơi ... tôi chỉ tiếc Thánh lễ ... chứ chẳng muốn về xứ Yên Thổ nữa ... Ở đâu, miễn là có Thánh Thể ... Ngày ngày sáng chiều trông thấy gác chuông nhà thờ lớn ... thấy người đi lại xóm làng ... Ngày đầu, tôi chưa bố trí đi trốn, nhưng 4, 5 ngày sau, tôi làm quen với du kích, tối đến nói truyện vui cho chúng yên trí ... Thế là cứ 3 giờ sáng, tôi lẻn đi Phát Diệm làm Lễ ở bàn thờ kẽm nhà mặc áo ! Duy có 1 cố Tảo coi nhà mặc áo là biết thôi ! Chuông lễ (4 giờ) thì tôi đã trở lại nơi giam. Quân gác còn ngủ thít, có lần tôi đánh thức chúng, báo cáo đi tiểu ... có lần cứ bước qua chúng, chui vào màn nằm im ...!
Quốc tế lao động 1/5/1956
Đầu tháng Đức mẹ, làm lễ ra về đến cổng đá, gặp ông Gia (sãi) ra đánh chuông ... Ông đã biết tôi từ năm tôi làm Tuyên uý Phát Diệm; ông hỏi ngay : “Cha đi đâu sớm thế, họ giam Cha ở Lưu Phương cơ mà ?”. Tôi đang cầm trí cám ơn, sao mà thật thà quá đáp ngay : “Đi làm Lễ về đây". Nói xong, mới biết là “mất cảnh giác”, nhỡ ra ông ta về báo với đội CCRĐ thì nguy ! Có lẽ lộ mất rồi... Ngày hôm ấy, tôi suy tính kế hoạch mới : Định từ mai không dám sang Nhà Thờ Lớn nữa. Nhưng làm lễ ! Mất lễ! Tiếc quá !... Vậy thì, tôi tính, mai vào Dòng Thánh Giá, gần hơn ... Trong 1 đất xã Lưu Phương thôi ! Nhưng nghe tin ở trong Nhà Dòng có “đội cái” nằm đó ! Mà các Bà Dòng, gan dạ đàn bà, vừa nhẹ, vừa rát ... không chắc có xuôi được không ?
Đổi kế hoạch : Hay là về Yên Thổ, xa một tí nhưng là trụ sở của mình, nếu về Bình hải Quảng Phúc thì gần, nhưng chưa quen địa hình địa vật, vả lại bộ đồ lễ đưa đi tù về thì để ở Yên Thổ, nên đeo đi gọn và nhẹ thôi !
Sáng 1/5/1956, Nguyễn Thế Vịnh đi xe ô tô Tỉnh về làm lễ Ông Thánh Giuse thợ ở Yên Thổ; Đội CCRĐ và cán bộ vào xứ ... chén. Chiều đó cụ đi Phát Diệm.
Suy đi tính lại cả ngày ... Chiều 1/5/1956, chuông Nhà Thờ Lớn inh ỏi boong boong ... Rước Hoa ? Thì ra họ tổ chức mít tinh ở cuối Phương Đình ... Họ cấm rước hoa (ngày quốc tế lao động) từ đây, lấy lẽ phải đi mít tinh. Nguyễn Thế Vịnh và Nguyễn Tất Tiên, hai Linh mục cán bộ nói phóng thanh tại cuộc mít tinh, tôi nghe nhận rõ tiếng ! Được rồi, có lẽ xuôi : là tối nay chúng đi mít tinh về khuya, mệt ... Đêm nay 21/3 âm, giăng mọc nửa đêm ... về Yên Thổ từ tối, nửa đên giăng mọc lại lộn lại đây ... Màn bỏ xuống, áo quần để lù lù trong mán, nguỵ trang như người nằm để tối nay du kích đến thì cũng đoán là mình nằm ngủ! Quãng 20 giờ, đeo ba lô vải rỗng không, về Yên Thổ lấy đồ lễ. Dọc đường không gặp một ai, dài 12 cây số ... Mãi gần đất thánh Yên Thổ, mờ mờ bóng một nam một nữ du kích đang mải đú với nhau, tôi cất tiếng đĩnh đạc : “Các đồng chí canh gác tuần phòng cẩn thận nhé !”. Có lẽ hai đứa ấy chột dạ chi đó, chúng không dám hỏi lại, vội vàng đi xuống, còn tôi bước rảo đi lên, vào nhà xứ ! Lấy đủ đồ lễ xong ! Giả như tôi ở lại đấy cũng chẳng sao ... nhưng quần áo còn để ở Lưu Phương, chẳng thiết gì Yên Thổ nữa mà cũng chẳng phải là có ý trốn thoát khỏi nơi giam ! Đêm thanh vắng, tiếng hội họp ở đình Yên Thổ (Nhà trường ở trước nhà xứ) vọng vào nhà xứ nghe rõ tiếng từng người ... không thấy chúng nói gì về tôi cả. Tôi 1 lèo ra đi, giăng nửa đêm đã mọc. Xuống tới Quảng Từ, cách Yên Thổ độ 5 cây số, chẳng may một tên đội ra hồi nhà gần đường cái đi tiểu ... hắn liền hỏi : “Ai ?” – “Tôi” – “Đi đâu ?”. Tôi vừa bước rảo vừa nói : “Công tác cần”. Qua ngã tư được độ 50 bước, hắn chạy đuổi theo ! Giữ tôi lại ... đưa vào nhà chỗ ngã tư Quảng Từ khám xét ... hỏi, trong mình còn giấy của Tỉnh đoàn mời ... Nó đang đọc, tôi giật lại xé nát. Chúng lập biên bản, trói giải xuống Bình hải, cách đấy độ 3 cây số, nơi có bàn giấy của đội CCRĐ toàn Xã và là nơi có máy điện thoại (giây nói) về Tỉnh đoàn, Huyện đoàn !Từ 2 giờ ngày 2/5/1956 tới 4 giờ, chuông điện gọi mãi mà Tỉnh đoàn không trả lời ... Sau cùng Tỉnh đáp : “Bắt ở đâu, đưa về đấy !”. Hai du kích uể oải dẫn tôi lộn lại Quảng Từ ... cởi trói, ngủ. Độ 7 giờ, đội CCRĐ xã này (Yên Nhân) tử tế mời tôi đi Lưu Phương. Một mình lững thững đeo ba lô đồ lễ. Tối qua đi không đem nón ... may mà mặc hai áo cánh, cởi một cái đội che nắng ... về tới Lưu Phương đã 10 giờ ... Quần áo và màn, chúng đã gấp, gói, giao cho mụ Ngữ ... mụ thấy tôi trở lại, mụ vội đưa trả. Kiểm lại, thì chỉ mất hai dây dù làm rút quần ! Cơm trưa và tắm giặt xong, 1 anh đội CC trạc độ 20 tuổi tìm tôi, quát mắng, tác oai ... Tôi chẳng thèm nói nửa lời ... Hắn đe tù ...
Thế là có đủ đồ lễ, dùng ơn rộng Toà Thánh làm ngay tại nhà giam ! Ba gian nhà suốt ngày không một ai lai vãng, tôi tha hồ xử dụng, bách bộ, kinh hạt, lễ lạy, tĩnh tâm ... Chuẩn bị một bài (như ông Bổng đã dặn) để đáp lại cho Đại hội mai ngày !!! Làm được ba lễ ở nhà Chánh Kỷ, thì chiều 4/5/56, một tên đội ở Yên Thổ xuống, 1 anh đội Lưu Phương dẫn đến nơi tôi, ra bộ giao tôi : “Theo lịnh Tỉnh, mày phải về địa phương”.
Dẫn về nhà mụ Bình (lương). Ngày 5/5/1956, đem ra đấu suốt ngày ... đến đêm khuya, chúng nài, chúng nói tức, chúng truyền, chúng cho phép, chúng mong tôi nói ! Sau cùng, 1 đội có vẻ cấp trên, bảo tôi phải giữ lời hứa với Tỉnh đoàn ủy, ông Bổng ! Trên bàn Chủ tịch đoàn : Con Bình Quảng Phúc; Châu, Du Yên Thổ và 4 anh đội CC và 1 cô đội CC ! Tôi đặt điều kiện, có giữ đúng thì mới nói ! Chúng mừng quá ! Chúng đồng thanh công nhận. Tôi yêu cầu 1 điều là : “Phải im lặng cho đến khi tôi nói hết, ai nói gì mới được nói !” – “Đồng ý !”. Tiếng vang inh cả xóm làng, chúng thưa “đồng ý” to ghê !
Tôi rút trong túi ra một tờ giấy lớn, nhìn chung quanh ... Tên đội Chương, tên Gắng, Cân và vô số cán bộ lảng vảng chung quanh Đại hội. Nghe tin tôi sắp nói, cả những người không đến Đại hội cũng xô đến nghe; Sân nhà ông Luận (giáo) chật ních. Có 1 tên nào ở ngoài nói chõ vào : “cho phép nó nói !”. Tôi gấp giấy lại, định không nói. Chủ tịch đoàn ra lệnh cho mọi người im lặng cho tôi nói. Tôi đe : “hễ còn có tiếng phá ngang, nói láo, tôi sẽ không nói !” – “Đồng ý”.
Tôi đọc một bài đã viết ở Lưu Phương như sau : “ Một số người đã đến đây, xưng là đại biểu cho 5 xã, 7 xứ, nhưng thực chất là chẳng thay mặt được cho ai. Đại này chỉ là đại to, to tiếng. Từ đầu, tức 9/4/1956, tôi không chấp, tôi không nói, chỉ thương con cái dại dột ! “Con dại cái mang”. Nhưng hôm nay, hội nghị bắt ép tôi, và nài tôi mãi, thì phải ở lặng cho tới khi tôi nói xong. Vậy :
1. Để giữ thanh danh cho Đạo Công giáo, vì người Công giáo chân chính thì phải thật thà, không gian dối.
2. Để các người có mặt đây, phải nhận tất cả trách nhiệm về các lời mình nói, hoàn toàn chịu trách nhiệm ở đời này và đời sau, vì đã nói trong lúc đủ trí và tỉnh táo, và đã học hành suy xét kỹ càng các lời mình tố cáo ...
3. Để bõ công học tập, tổn phí tài lực, của cải, thời giờ, bận tâm bấy lâu vì tôi, tôi đề nghị quý Toà cầm cân công lý, chiểu theo Pháp luật Nhà Nước, căn cứ vào các cáo trạng “thực tế và qủa tang” (Tôi không dùng “cụ thể” vì cụ thể có hai loại : cụ thể ngay và cụ thể gian) mà quý Toà xét xử thế nào tuỳ nghi. Nay tôi đáp từng vấn đề mà Hội nghị đã nêu lên từ đầu, tức là từ 9/4/1956.
I. Tô Tức Xứ Yên Thổ này : Tài sản xứ Yên Thổ, theo Pháp lý thì Ban Chấp Hành (gồm ông Khuyến, Cống, đã bị giam, ở đây hiện còn ông Thợi, ông Hoàn) đã ký nhận với Cha già Nghiễm từ đầu năm 1955; Cuối năm 1955 tôi mới về Yên Thổ. Về thực hành, Ban Chấp hành gồm 4 ông đó đã trực tiếp và độc quyền quản lý xử dụng tài sản đó như : chi dụng, thu tô, đóng thuế, thoái tô cho nông dân từ thùng lúa đầu hết ! Từ khi tôi về Yên Thổ (Tháng 11/1955) tôi không quản lý, cũng không hưởng dụng một chút gì về tài sản xứ Yên Thổ.
Sở dĩ tôi đóng trụ sở ở Yên Thổ vì đây là trung độ cho các xứ Hoàng Mai, Thiện Dưỡng và Bình Sơn, Quảng Phúc, Bình Hải (bài sai của Cha Tổng quản Liêm 4/11/55). Việc thoái tô xứ Yên Thổ tôi đã đôn đốc BCH và giúp đỡ tận tình : nhiệm vụ tôi chỉ có thế !
II. Chống bướng với cán bộ ! Chửi đội Chương, đội CCRĐ. Thưa : Bụt ngồi trên Toà, gà nào mổ mắt ! Có nhiều việc của một số cán bộ lãnh đạo không đúng chính sách, tác phong quân phiệt, quan liêu mệnh lệnh, kiêu căng ! Nhất là đội Chương chửi mắng tôi rất nhiều lần, giam giữ tôi ba bốn ngày; Tôi báo cáo lên Ban Chỉ Huy Đoàn CCRĐ thì y trầm báo cáo đó đi. Sáng 14/4/1956, chính y đã nói với tôi : “Báo cáo của mày láo, tao không gửi đấy !” ... Luôn luôn y nói : “mày... tao...nó ... thằng...” với tôi. Dù 3 năm trước đây, tôi ở nhà tù, các cán bộ và Cảnh vệ cũng không có thái độ và lời nói như vậy. Vì thế, sáng 14/4/56, sau sáu ngày bị giam và suy nghĩ, tôi rất căm tên Chương. Văn phạm Việt Nam, quen dùng mày tao trong ba trường hợp :
1/ Bạn bè rất xuề xoà.
2/ Phường vô lại đểu cáng.
3/ Kẻ thù với nhau.
Vậy ở đây, nếu không phải là hai nố trên -tất thế- thì chỉ còn trường hợp thứ ba. Đã là kẻ thù, là đối phương thì khẩu chiến xem ai phải, ai trái. Nếu lấy thịt đè người, thì người yếu phải tự vệ. Cuộc cãi lý đó, tên Chương đuối lý, càng tỏ ra hung hãn, bẽ mặt quá, hắn hô quân trói tôi. Trói vô nguyên tắc, thì tôi cởi ra ngay; Đến sau y lại hô quân cùng y trói ghì tôi vào cột nhà ông Châu Trưởng xóm! Trói người như vậy, có đúng Pháp luật của Chính Phủ Nước Việt Nam DCCH không ?
III – Còn các điều mà Hội nghị gọi là tội lỗi của tôi, thì tôi cần phân biệt mà đáp :
A- Tội lỗi luật đạo và B- Những điều phạm pháp. Vậy :
A- Tội lỗi luật đạo : Ai cũng công nhận rẵng : “Ở Toà án nhân dân đặc biệt này thì Hội nghị này không phải là Toà án phần đạo, cũng không phải là Toà giải tội. Ở đây không xét xử một Linh mục, một giáo dân ! Ở đây chỉ tố cáo một công dân. Chính sách Chính phủ Nước VNDCCH không can thiệp vào nội bộ của các Tôn giáo (SL 234). Dù vậy, tôi cũng cần trình bầy để mọi người biết tôi có những tội như lời tố cáo hay không ?
1. Nếu tôi không cảnh giác với ba thù là thế gian, ma quỷ, xác thịt;
2. Nếu tôi không cậy vào ơn thiêng giúp đỡ, trái lại, dám tự kiêu tự phụ, dám cậy vào sức yếu đuối của con người tôi;
3. Nếu tôi sống theo nguyên tắc sai lầm này, là “dùng hết mọi phương thế để đạt mục đích”, và nếu tôi đặt hạnh phúc vào những cái vật chất ở đời tạm này;
4. Nhất là nếu tôi không tin nhận có linh hồn bất tử, sinh ký tử quy, chết rồi sẽ có thưởng phạt công minh vô cùng, và
5. Nếu tôi không tin nhận có Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, thông biết mọi sự; thì :
Chẳng những tôi có thể phạm từng ấy tội, mà còn có thể phạm nhiều hơn, ghê gớm hơn nữa.
B- Phạm Pháp Luật Chính phủ : Về điều này, tôi phân biệt hai giai đoạn :
1. Những việc phạm pháp trước ngày 21/7/1954 (ngày ký Hiệp định Genève). Tôi chắc rằng Chính phủ Nước VNDCCH và nhân dân miền Bắc ta thi hành nghiêm chỉnh toàn bộ Hiệp nghị Genève. Có như thế thì mới chỉ trích và tố cáo Chính quyền miền Nam vi phạm Hiệp nghị ấy được, nhất là điều 14c “báo thù người cộng tác với đối phương”.
2. Những việc phạm pháp sau Hiệp nghị Genève : “Theo lời tố cáo của một số người xưng mình là đại biểu Công giáo của 5 xã 7 xứ thì lời nói đó có thay mặt được cho ai ? Chưa chắc chồng có nói thay được ý kiến của vợ ở nhà, cha mẹ có nói thay được ý con cái ở nhà ! Anh chị có nói thay ý của các em ở nhà không ?”. Dù sao, tôi cũng công nhận là một số người Công giáo đã tố cáo, họ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về lời họ đã nói . Tôi đã trình bày đủ. Xin Quý Toà xét !
Tôi đọc xong, chúng không biết nói gì, chắc là vì chưa kịp hội ý ... 1 tên đội tuyên bố : “Thôi, để bà con về nghỉ, đêm đã khuya”. Còn tôi, chúng dẫn về nhà mụ Bình (lương). Tôi vẫn làm lễ tại đó. Hai ba hôm sau, cũng không hỏi han gì ... Chúng bàn chiến lược gì đây ...? Mãi chiều 9/5/1956, chúng chuyển tôi sang nhà Huỳnh (lương), rồi tối đó, chúng họp nguyên có giáo dân xóm Yên Thổ ở sân Bà Hán (Túc) gọi là “Hội nghị nhân dân Yên Thổ”. Trên bàn Chủ tịch chỉ có Du Trưởng xóm và ông Thợi già. Mọi người đều ngồi ở sân đất, chúng bắt tôi cũng ngồi xuống sân đất. Du Trưởng xóm cố sức làm oai, đứng nói : “Chính quyền và đội CCRĐ giao tên Thiều cho giáo dân và Ban Chấp hành xứ Yên Thổ, bắt tên Thiều về, mai làm lễ cho giáo dân”.
Tôi đối ngay : “Chính quyền trả tự do cho công dân này, thì đề nghị cấp giấy phóng thích, hoặc giấy giới thiệu. Còn việc lễ bái là việc nội bộ tôn giáo, chúng tôi sẽ quyết định”.
Một tên đội đứng ngoài lên tiếng : “Đấy, nó nói như vậy, bà con giáo dân ta nghĩ sao ? Cứ bắt cổ nó về làm lễ !”.
Tôi đáp : “Đảng và Chính phủ tôn trọng tín ngưỡng, sao lại có những lời khinh thị phỉ báng thô lỗ : tên nọ, thằng kia, nó ... làm lễ bái được ư ?? Tự do tín ngưỡng thế nào ? Bắt nó, bắt tên ấy làm lễ, bắt phải làm ... thì tự do chỗ nào ? Chúng câm, rút sạch, giải tán tất. Để tôi ngồi trọi 1 mình với Thợi già, và vài anh du kích lảng vảng. Ông Thợi năn nỉ : “Xin cha về nhà xứ nghỉ, mai lễ Lên Trời !”.
Tôi vừa nói vừa mắng : “Các ông già mà dại, họ khinh việc đạo ... họ giao tên tù cho các ông đem về nhà xứ giam ! Đây chỉ là hình thức chuyển nơi giam, và thay người canh coi ! Các ông giỏi thì dẫn tên tù này về nhà xứ mà giam mà gác !” Ông Thợi đi gặp chúng 1 hồi, lại trở lại nói : “Chúng con mời Cha về xứ, chúng con xin chịu trách nhiệm”. – “Được, canh coi tên này không dễ đâu ! Vậy thì đi !”. Tôi và ông Thợi với 2,3 người nữa về nhà xứ. Tôi không về buồng quen ở, tôi không ở nhà cao (hai tầng), mà bắt mở phòng dưới (buồng Cha Chi xưa) ... Đối phó sao ? Mai, lễ Lên trời 10/5/1956 sẽ tính thế nào ? Ban Chấp Hành và một số giáo dân sợ hãi và dại thế này, Chính quyền cán bộ và đội thì xử thế kia, đánh trống bỏ lửng, lại khinh mạn, đểu cáng ... không cho tôi đi các xứ khác, mà nhốt ở Yên Thổ ... thì tôi định phải đấu tranh tiếp tục ... 1 thái độ như các ĐGH trước Hiệp ước Latran không ra Đền thờ Thánh Phêrô, thì nay tôi cũng sẽ coi phòng này là nhà giam, sẽ làm lễ ở đây, theo hoàn cảnh mất tự do, như Sắc Toà Thánh 18/5 và 29/7/1953 Audiantia 20/1/49 Pie XII.
Chúng đã vận động giáo dân dọn nhà thờ như các đại lễ. Sáng sớm, ông Thể coi nhà thờ lĩnh ý tôi ... tôi bảo cứ đánh chuông trống ... nhưng kê sẵn cho tôi 1 bàn thờ ở hè nhà phòng này (nhà dưới, không động đến nhà cao). Đêm ấy, tôi đã viết bản phỏng vấn giáo dân, sao ba bản (1 giữ lại, 1 gửi UBHC Tỉnh, 1 BCH giữ)
Giáo dân đến rất đông, không thấy tôi ra nhà thờ ... tôi bảo BCH cho họ vào nhà xứ ... Họ tưởng là vào rước tôi chăng ? 1 số phân vân sợ sệt không vào, vì thấy cán bộ và đội CCRĐ tập trung chung quanh nhà xứ đông lắm. Chưa ai hiểu ra sao ... Tôi vẫn chưa mặc áo chùng thâm ... Bàn thờ thì kê sẵn ở hè ! BCH và mọi người (đã vào chật xứ) mời tôi ra làm lễ ! Tôi đứng ra đáp rất lớn : “Được, tôi sẽ ra làm lễ, nhưng trước khi làm lễ, tôi muốn hỏi lại giáo dân mấy điểm : Ba bản viết để phỏng vấn, còn để trống câu thưa ... Bút sẵn trong tay, hỏi đến đâu, tôi ghi ngay câu thưa vào ba bản :
Hỏi 1: Toàn thể giáo dân có muốn tôi làm lễ tại nhà thờ xứ này không ? Đáp : muốn .
Hỏi 2: Trong vòng một tháng nay, toàn thể giáo xứ này có muốn đuổi tôi khỏi xứ và muốn chính quyền giam giữ tôi không ? Đáp : Không.
Hỏi 3: Trong mấy cuộc Hội nghị xưng danh Công giáo vạch mặt tên Thiều này, giáo dân xứ Yên Thổ có cử người đi thay cho mình không ? Đáp : Không.
Hỏi 4: Từ ngày tôi về giáo xứ này, tôi có mắc nợ tiền của gì với giáo dân xứ này không ? Đáp : Không.
Hỏi 5: Tôi đã làm khổ ai điều gì chưa ? Đáp : Chưa.
“Tôi ghi đúng ba bản, sẽ gửi UBHC Tỉnh một bản, giao BCH 1 bản. Vì chưa được chút tự do, vì chưa được đi nhà thờ các xứ, nên nhà thờ Yên Thổ tôi cũng coi như nhà thờ các xứ vậy, tôi chưa ra được. Tôi làm lễ ở nơi giam tôi này, ai muốn dự, ở lại mà dự !”.
Bấy giờ tôi mới mặc áo chùng thâm và chuẩn bị làm lễ ngay ở hè, bóng cây đào dưới vườn sát hè, rì rào trước ánh bình minh; được dự lễ như các cây ở núi Calve!
Ngày 12/5/1956, tôi viết một thư trạm gửi UBHC Tỉnh, báo cáo tỉ mỉ việc đấu tôi, bắt giam tôi, nhất là cách ăn nói hống hách láo hỗn của mấy cán bộ và đội Chương, gửi kèm một bản phỏng vấn giáo dân ... đề nghị Tỉnh giải quyết, hiện còn tịch thu của tôi một sổ tay và một viên thuốc ghẻ chì !! Ngày 20/5/1956 lại viết cũng một nội dung gửi UBHC Tỉnh...
Đối với các xứ Bình Sơn, Yên Thổ, Quảng Phúc, Bình Hải, (Hoàng Mai, Thiện Dưỡng thuộc quyền cụ Vịnh rồi) thì ngày 13/5/1956 tôi gửi 1 thư, viết : Gửi BCH các Xứ Bình Sơn, Yên Thổ, Quảng Phúc, Bình Hải, ngày 9/4 và 5/5/1956 Đại biểu các quý xứ đã hội lại quyết nghị đuổi tôi, không cho bén mảng tời nhà thờ các xứ. Tôi sẽ đệ trình việc đó với Bề trên Địa phận, đồng thời tôi xin từ chức phụ trách các xứ (theo Giáo luật số 183,184, 2148 và 2149). Việc bổ nhiệm các chức trong đạo là quyền Giáo Hội (Giáo luật số 152). Các xứ muốn có Linh mục coi sóc thì hãy làm giấy đề nghị với Bề trên Địa phận là Cha Phaolô Dương Đức Liêm, hiện ở Phúc Nhạc, kẻo để các xứ trống vắng Chúa Chiên mà thiệt hại về đàng thiêng liêng. Việc này, BCH và Đại biểu dự 2 cuộc Hội nghị đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, nhất là dịp các Đại Lễ sắp tới : Hiện Xuống, Ba Ngôi, Mình Thánh, Trái Tim v.v...
Chào thân ái. Linh mục Thiều.
Ngày 15/5/1956 nhờ một liên lạc bí mật xuống Cha già Tổng quản Paul Liêm, với một thư đại ý :
1. Kể sơ lược việc tố khổ, đấu bát 1 tháng qua.
2. Nói lập trường của tôi là dựa vào Thực tại và Pháp lý do bài sai Cha nguyên Tổng Quản Luca 1/1/55 thì không dính líu gì vào tài sản các xứ.
3. Báo cáo việc bị giam ở Xóm, ở Tỉnh.
4. Sao lục 1 bản đọc đêm 5/5/56 ở Hội nghị, sao lục thư UBHC Tỉnh 12/5/1956, thư gủi các xứ 13/5/1956 và bản phỏng vấn.
5. Hỏi ý người về việc phạt vạ (theo Giáo luật) những kẻ đã tố cáo, vu vạ Giáo sĩ ở Toà đời ...
6. Báo cáo việc làm lễ nơi giam, hình thức đấu tranh tiêu cực như Rôma ... để đòi tự do đi xứ..
Thư này tới Cha Tổng quản, thì có Cha Trình, Xích Thổ mới được tha về đang ở đấy. Cha Tổng quản cho người đọc và phải tán thành ! Cha Tổng quản khuyên tôi tạm nhận các xứ ấy rồi người còn xếp sau, Lễ Trái Tim sẽ dâng các xứ như đã quen! Thư người tới tôi là cuối tháng Đức Mẹ, gặp Lễ Mình Thánh 31/5, hôm ấy, tôi bắt đầu ra làm lễ nhà thờ và đội CCRĐ báo : sẽ cấp giấy đi lễ các xứ ! Hôm ấy, tôi công bố vạ theo Giáo luật ... và có một số giáo dân Yên Thổ vào nhà mặc áo xin giải vạ.
Trong dịp ấy, 21/5/1956, tôi gửi ông Trần Văn Lộc Chủ tịch UBHC Khu 3 một thư, tố cáo các sai lệch của cán bộ địa phương, báo cáo việc đối xử của Đội CCRĐ với tôi, hiện còn giữ các đồ tịch thu trong người tôi ... Thắc mắc việc giam Linh mục ở nhà xứ. Yêu cầu giải quyết và cho đi lại phục vụ đúng Nghị Định và Thông Tư Bộ Nội vụ, Bộ Công an ...
Đầu tháng 6/56 mỗi xã lại cắt đôi, Yên Phong chia thêm Yên Phú; Yên Nhân chia thêm Yên Từ. Từ 2/6/56 Đội viết giấy cho phép đi Quảng Phúc và Bình Hải, chiều chủ nhật phải có mặt ở Yên Thổ ... Giấy phép viết chữ xấu và không sạch quê, ví dụ “ninh mục”. Ký giấy là Trưởng xóm Du, chẳng có triện chi hết ... giả muốn mạo giấy cũng rất dễ, nhờ một em bé viết có lẽ còn đẹp hơn!
Chủ nhật ngày 3 và 10 đều thế, ngày 11/6 tôi viết thư khiếu với UBHC Xã Yên Phú (Yên Thổ từ nay thuộc về xã mới này; Quảng Phúc xã Yên Phong, Bình Hải xã Yên Nhân, Nộn Khê xã Yên Từ). Tôi yêu cầu cấp giấy theo đúng Nghị định Bộ CA và Thông tư Bộ Nội vụ, và nhắc lại khoản 14c của Hiệp nghị Genève.
Sau đó, ngày 16/6/65 liên tiếp 5 giấy mời tôi ra xóm thảo luận. Hai giấy mời trước tôi đáp bằng thư, còn ba giấy sau “mời khẩn” tôi trả lại và đáp miệng như trước. Đáp giấy mời thứ 1 :
Kính gửi Chính quyền Xã, nếu tìm tôi đi phục vụ giáo dân, thì tôi đi ngay bất kỳ lúc nào. Nếu có Mệnh Lệnh Sự Vụ của Tư Pháp tới bắt tôi, lập biên bản, tôi cũng sẵn sàng. Gần đây, Đội CCRĐ thay mặt Đảng và Chính phủ tuyên bố nhiều lần về tôi, với tôi, rằng : “Mày là thằng phản động ...!” và đã lãnh đạo một số giáo dân làm sỉ nhục tôi, vạch mặt “thằng phản động ...”. Vì vậy, tôi sẵn sàng để Toá án đem xét xử như một tên Phản động”. Tôi đã công nhận rằng : “Tôi phản lại những kẻ đã làm sai chính sách Chính phủ, nhất là những kẻ phản luật Đạo Chúa và Giáo luật chúng tôi.
Nhưng nếu tìm tôi, hoặc mời tôi, theo lối Hành chính, thì tôi xin kiếu, vì :
1. Chính quyền Tỉnh, 14/4/1956 mời tôi tử tế, cũng như 9/4/1956 Chính quyền Xóm Yên Thổ vào tìm tôi, rồi đánh lừa, giam giữ tôi trước sau hơn 1 tháng, hiện nay còn giao tôi cho BCH xứ Yên Thổ giữ tôi, để tôi ... và giáo dân thiệt hại.
2. Về phương diện tôi là Linh mục, là Cha xứ ... nếu giáo dân có điều gì, việc gì, thì tới tôi, hoặc là BCH tới thay ... Chính phủ không can thiệp vào nội bộ tôn giáo (SL 234). Đã có Giáo Hội dạy bảo xây dựng cho Linh mục, và Linh mục tự tu kiểm điểm thường nhật. Giáo Hội theo Dân chủ, nhưng không Dân chủ quá trớn, quá tay.
3. Về phương diện tôi là công dân : Các việc từ đây về trước, Đảng và Chính phủ đã đem ra vạch mặt, và tôi đã trình bày đầy đủ bằng giấy tờ. Còn từ ngày Chính quyền và Đội CCRĐ giao tôi cho BCH xứ này, nếu tôi làm gì, đã có ...BCH.
Vì thế, bằng hình thức hành chính nào ... tôi không đi vì vô mục đích, vô công hiệu, mất thời giờ, hại sức khỏe cho nhiều người và cho tôi ... Kính báo : Linh mục Thiều.
Đáp giấy mời thứ hai :
Đại ý xưa kia tôi nhiệt tâm giữ đúng giấy báo giấy mời ... nhưng gần đây ... giam giữ, đánh lừa ... Tôi mời Đội và Chính quyền vào nơi đang giữ tôi, BCH cũng hiệp thỉnh ...
Tiếp ba giấy mời nữa, tôi trả lại, đáp miệng : “Kiếu ... mời vào”.
Quãng 11 giờ, một xe com-măng-ca đẹp chạy vào xóm, và 1 giấy UBHC Huyện, xưng mình đại diện Tỉnh ... mời tôi ra giải quyết. Giấy viết tháu, không rõ tên ai, lại không có triện, nên tôi kiếu bằng thư :
Kính thưa Chính Quyền. Hiện tôi đang bị giam giữ ở nhà xứ này. Theo các đơn tôi đệ lên UB Tỉnh, nay được UB Tỉnh chiếu cố, tôi rất phấn khởi. Nhưng việc làm mất danh dự của tôi công khai và rộng rãi, đó là việc Chính quyền và Đội CCRĐ làm ít lâu nay, mà bây giờ gặp một mình tôi để giải quyết, tôi xin UB xét cho thế nào ! Nếu bắt tôi theo Tư Pháp thì tôi xin sẵn sàng. Còn tìm mời tôi đi thảo luận thì tôi không thể đi được, và lời nói thì dễ bị xuyên tạc bẻ bát. Tôi đã trình bày đầy đủ. Nếu UB Tỉnh chiếu cố, thì yêu cầu có giấy tờ làm bằng chứng. Tìm gặp tôi khi tôi không chuẩn bị, rồi giam giữ tôi ... Chờ được vạ thì má đã xưng ! Tôi là một công dân bị giao cho BCH xứ Yên Thổ, thì cứ BCH mà thảo luận. Tôi mời UB vào nhà xứ này !
Nay phúc đáp , 16/6/1956. Linh mục Thiều.
Được thư này, sau đó độ 1 giờ, quãng trưa là ô tô rút khỏi xóm. Và hôm sau, 17/6/1956, Công văn số 35/GM/UB Ông Phép, Chủ Tịch Huyện ký.
Tôi đáp : Kính gửi UBHC Huyện Yên Mô.
Tôi được giấy mời của UB, tôi rất ngạc nhiên, vì từ đầu năm 1956 đã bãi bỏ cấp Huyện. Tôi vui mừng vì nay lại có cấp Huyện. Tôi xin dâng lời chào mừng các Vị trong UB Huyện, và xin phúc đáp Công văn 35/GM/UB.
Thưa UB, ngày 9/6/1956 Chính quyền địa phương tìm tôi rồi giam giữ. Ngày 14/6/1956 UBHC Tỉnh mời tôi đi thảo luận, không nói rõ vấn đề gì, không nói thời hạn, rồi cũng giam giữ tôi.
Đêm 9/6/56, Đảng và Chính phủ hội dân xóm Yên Thổ lại, gọi tôi tới, bắt tôi ngồi xuống sân và tuyên bố trước nhân dân Yên Thổ : “Chính quyền giao tên Thiều cho BCH xứ Yên Thổ, bắt nó về làm lễ !”. Từ đó, tôi đã đệ đơn báo cáo Tỉnh, Khu, mà chưa thấy trả lời, cứ giam lỏng tôi ở nhà xứ. Đại diện của Đảng và Chính phủ luôn luôn vạch mặt và gọi tôi là : “thằng phản động ... tên phạm pháp ..!” nên tôi chỉ chờ Mệnh Lệnh Sự Vụ đưa tôi ra Toà án để xét xử. Nếu UB có việc gì, xin cho tôi rõ, để tôi trả lời bằng giấy tờ. Nếu có việc gì liên can đến xứ Yên Thổ, thì xin UB cứ BCH xứ đó, tôi chỉ phụ trách về giáo lý cho giáo dân ba bốn xứ. Tôi không dính líu gì về tài sản các xứ.
Vì thế, tôi đề nghị UB thể tất cho ! Tôi bảo BCH xứ này mời UB tới nhà xứ !
Kính cáo, 17/6/1956. Linh mục Thiều.
Ngày hôm sau, Đội CCRĐ hai lần mời, 8 giờ một giấy, 9 giờ lại một giấy. Tôi đều gửi thư kiếu, lý do như trên, và không ký là Linh mục như thư gửi UBHC Huyện, Tỉnh. Đồng thời tôi gửi một giấy chính thức cho BCH xứ Yên Thổ, bảo họ mời UBHC và Đội vào nhà xứ, không e phạm tín ngưỡng, vì Đội vẫn vào xứ này, Đội ăn ngủ ở Nhà Chung ...
Biết là không lay chuyển núi này ... từ đó nới dần, người ra vào thăm hỏi tôi dễ dàng. Các Cha về họp tại Phát Diệm về việc mở Trường Tiểu Chủng viện, và để xoa dịu các Cha, tôi không được mời, nhưng có tin tức đích xác. Dịp ấy, Cha Minh ngã què đang lúc tan họp ! Cha Tổng quản báo cho biết ngày 29/6/1956 sẽ làm lễ khai trường. Tôi gửi Muộn, Xuyến, Túc, Hỉ ... nhưng không đủ tiêu chuẩn, cho về ...! Cho tới tháng 11/56, tôi lại được bài sai phụ trách thêm hai xứ Bình Hoà và Yên Liêu nữa. Cách một tuần, hai xứ đó được một lễ chiều chủ nhật.
Ngày 28/6/1956, tôi xuống Yên Liêu để làm lễ Quan Thày ... Tối đó, Đội CCRĐ vào hạch hỏi giấy tờ, bắt phải về ngay Yên Thổ ... nhưng giáo dân đã có giấy mời tôi, đã báo cáo UBHC xã, nên tôi cứ ngủ lại, và để giáo dân căm hờn với những kẻ đó, 4 giờ sáng 29/6/56 tôi đạp xe một mạch xuống Nhà Tràng Thượng Kiệm ... dự lễ Khai Tràng Tiểu Chủng Viện !!! Cha Thanh, Cha Huyên và Cha Giám đốc Trinh nói cho tôi rõ : “Các Cha định mời tôi, nhưng Ban Tổ chức Tỉnh và Huyện Kim Sơn không tán thành !”. 6 giờ tôi làm lễ tại Nhà Nguyện, giáo dân bỡ ngỡ, tưởng là tôi không tới được ... Vì biết mình không vào diện được mời, nên tôi không ra mắt công khai, làm lễ xong, xuống phòng bố già Trúc (1950 cai kho Tôn Đạo) nghỉ ngơi chơi bời, ôn lại chuyện cũ ở Tôn Đạo với nhau.
Hôm ấy, Ban Tổ chức làm một đài long trọng ở chân tượng Đức Chúa Giêsu Kitô Vua, giữa đường và giữa sân trường Thượng Kiệm. Cha già Liêm hát lễ Di-sub (Vịnh, Huyên giúp). Ban Ca vịnh xứ Phát Diệm hát lễ, lễ lộ thiên, cán bộ rất đông, truyện trò lấc láo ... Mời tất các Cha, nhưng về dự ít thôi, vì hiện còn bị giam 6 Cha (Đức, Luật, Giám, Tường, Vọng, Hậu). Các Cha già Hoà, Dụng, Khuyến, Nghiễm, không về. Ở Trung Ương thì có Dương Bạch Mai, cán bộ Mặt Trận. UBHC Tỉnh thì có 3,4 cán bộ, nhưng tôi biết có ông Hướng, Phó Chủ tịch thôi, còn cán bộ Huyện rất đông ...
Lễ xong, độ 10 giờ, họp mít tinh ngay ở chỗ làm lễ ! Cán bộ Dương Bạch Mai nói 1 bài dài về chính sách Tự do Tín ngưỡng của Đảng và Chính phủ ... Cha già Học, 100 tuổi mà khoẻ lạ, phát biểu 1 bài và 1 câu đối tặng “Chủng viện Liên Khu 3” !! Lúc Lễ, tôi không dự, nhưng lúc mít tinh, tôi ngồi lẫn với BCH các xứ ... để ghi chép !
Dù không tán thành, nhưng trưa ấy Giám đốc Trinh cũng mời tôi dự tiệc. Tiệc dọn nhà Hội chung xưa, chứ không ở nhà cơm, vì nhà cơm để các chú và cha mẹ các chú ! Không rõ tình ý thế nào, lúc dự tiệc, ông Phó Chủ tịch Tỉnh Hướng, niềm nở đến bắt tay tôi : “Cụ Thiều cũng xuống được ! Tưởng cụ không xuống”, rồi ông ngồi ăn cơm sát tôi. Cơm xong, ông lại mời tôi lên nhà tầng, chính phòng Đức Cha Chi và Cha giáo Tâm xưa, chỉ có ông và tôi ngồi truyện tới 2 tiếng đồng hồ ... đàm lại các truyện cải cách và chính sách sửa sai mai ngày ...
Chiều muộn, tôi xuống phòng Cha Giám đốc từ biệt. Tôi còn nhớ Cha Trinh gặp tôi lúc ấy khách đã về hết, ngài nói : “Họ chẳng tốt với mình đâu ! Họ lợi dụng mình, mình lợi dụng họ ! Con đã viết giấy mời Cha, nhưng họ không gửi ! Cha xuống hôm nay, họ khó chịu lắm đấy !!”.
Chiều thứ bảy đầu tháng 8/1956 lễ viếng ông Thánh Phanxicô, tôi đang giải tội thì người nhà xứ mời về có khách, ông Đại đội CCRĐ tới chờ Cha đã lâu ! Tôi về tiếp ông, lúc ấy đã nhá nhem. Ông tới, có tính cách từ giã, lên đường ... Ông xoa xuê truyện cũ, và nói : “Địa phương muốn có thành tích, nhiều khi cũng không làm đúng. Nhưng Đảng và Chính phủ thấy có sai thì sẽ sửa ...”
Chính sách sửa sai được phổ biến ! Dân chúng nhiều người phấn khởi, có xu hướng báo thù ... Tôi đi lại rất dễ dàng, chẳng có giấy gì, đi khắp Tỉnh cũng chẳng một ai hỏi ! Chả bù cho những tháng 1 – 7/1956 dù có giấy mà vẫn bị hạch hoẹ. Đi làm phúc Yên Bài, Yên Liêu, kèn trống rước ngang với rước Đức Cha kinh lượt ! Giáo dân xứ Ngải (Cha Luật còn tù) xuống Yên Thổ lễ lậy, hôn phối ... trọ lại dễ dàng, và một hôm Ngải có kẻ liệt, có giấy UBHC Xã trên ấy giới thiệu xuống mời tôi, tôi lên ngay. Nhà xứ bị đổ, nhà thờ không còn, tôi trọ ở nhà BCH và làm lễ ở nhà ông bà Quản Tụng, giáo dân dự lễ chật sân ...!
Để giáo dân nào đã trót dại kỳ cải cách được đỡ bẽ, và để các xứ Bình Hải, Quảng Phú, Yên Thổ biết tự hối, kể từ tháng 8/1956 tôi báo cáo với Huyện Yên Mô và đệ trình Cha Giám Quản : Tôi nhận trụ sở là “Họ Nộn Khê”, vừa trung độ cho các xứ, vừa bớt việc (ít giáo dân) dễ đối xử, lại là nơi trung kiên nhất, không một ai đấu các Cha, nhất thứ là quê Á Thánh Thanh ... Thực ra cũng chẳng ở đó được lâu. Tuần cấm phòng tháng 11/1956 đã phải chuẩn bị về văn phòng Toà Giám Mục. Dịp ở Nuốn đã đóng cho Nhà Thờ ít ghế ... đã mua nhà định làm nhà phòng, nhưng lại đình, ở tạm nhà mặc áo.
Thượng tuần tháng 8/56 báo Nhân Dân đăng Nghị Định Chính phủ lệnh cho các cấp phải giúp giáo dân tổ chức lễ Đức Mẹ Lên Trời (!), tôi viết thư mời UB và Mặt Trận Huyện Yên Mô đến lễ ... Nhưng đều kiếu ! Giấy mời số 12 ngày 6/8/1956). Nhờ dịp ấy, tôi đi làm phúc một lượt hết mọi họ để làm sổ nhân danh, để củng cố đức tin. Chí Bình, Phương Nại ở nghĩa địa chưa có Thánh Giá, thì tổ chức dựng Thánh Giá xi măng ! Nhà Thờ Hà Thanh ải nát, tổ chức xây nhỏ lại cho chắc chắn và khánh thành vào Lễ Lá 1957 rất đặc biệt, Cha Cúc có tới dự.
Cha già liêm viết thư nhờ tôi về Yên Vân làm thay lễ Mình Thánh, vì Cha Đức bị bắt đã lâu ... Yên Vân yêu cầu tôi về lễ các linh hồn, nhưng vì đã trót xếp chương trình các xứ. Tôi sang hát lễ các đấng các bậc tại Yên vân. Tối trước, Chính quyền và Đội Sửa Sai vào nhà xứ gặp tôi tử tế. Yên Vân định trị mấy anh Ca vịnh (Vinh) đã đấu Cha Đức ... nhưng tôi đã dập tắt và giảng một bài “tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, làm ơn cho kẻ làm ác cho ta”. Họ muốn tôi ở lại vài hôm, nhưng tôi phải về tổ chức rước Cha Kim, Phó Tổng quản về làm phép thêm sức. Nhà Chầu Yên Vân chỉ còn 1 bình không, và 1 chén có Hostia ướt, mốc ... Sau tôi hỏi dò la thì quãng tháng 4 hoặc tháng 5 có một lần Cha Vịnh về làm lễ và thấy người bảo lấy 1 chén thủy tinh quen uống rượu (nước) đưa cho người !
Năm 1963 tháng 3, tôi lên Ty CA, qua xứ Hoàng Mai (thuộc quyền cụ Vịnh), có bà cố Vũ mù loà xin chịu lễ ...Tôi mở Nhà Chầu thì Hostia đã mốc xanh ! Và một lần sau 1964 Lễ Phục Sinh, tôi vào qua viếng Nhà Thờ đó, trên đường đi Viện KSND Tỉnh, tôi thấy cây nến Trụ rất trắng ... ngờ là cụ Vịnh mua ở ngoại quốc, đến gần xem thì là ... nõn cây chuối, còn 5 hạt hương là ... 5 qủa ghém héo !!!
Từ lâu, các xứ chưa có đấng nào về làm phép Thêm Sức; Ngày 5/11/1956, Cha già Kim, Phó Tổng quản về làm phép Thêm Sức cho các xứ tôi coi sóc, gọi là liên xứ Phúc-Bình-Yên : Bình Sơn, Yên Thổ, Yên Liêu, Bình Hoà, Bình Hải và Quảng Phúc. Đặt trụ sở đón rước ở Quảng Phúc. Các xứ phấn khởi, dọn đèn bóng trúc đoạn từ đò Đức Hậu, hội kèn đổng Yên Thổ, Yên Bài, Quảng Phúc đều về rước ... Lễ phép xong, BCH các xứ tổ chức liên hoan (mổ lợn) mừng tạ Cha già Kim, ăn ngay ở hè Nhà Thờ Quảng Phúc.
Tháng 1/1957, Chầu lượt xứ Bình Sơn rất long trọng, các xứ Hoàng Mai Thiện Dưỡng đều xuống dự ... và kèn tây Hải Nạp, giáo dân xứ Quảng Nạp, Yên Thổ tới ... không còn chỗ đứng. Và là lần chầu lượt cuối cùng. Mấy năm sau tôi không thể về đó được !
Một yên ủi lớn cho các Cha Địa phận là cuối tháng 11/1956, các Cha được khỏi tù cả, và tất cả (trừ Cha Hậu trẻ) đều về cấm phòng tại Phát Diệm. Từ 1954 đến nay mất cấm phòng chung. Quam bonum et quam jucumdeum ! Đẹp thay và vui thay ! Dịp đó, phân công lại cho các Cha : Định Cha nào cứ ở lại chỗ cũ ... Nhưng Yên vân xử quá tệ với Cha già Đức, nên người không thể về nhận xứ đó ... đành để Cha Tường (bỏ Uy Đức) về Yên Vân. Cha Đức về Văn Hải-Hoá Lộc (Thay Cha Thanh đã về dạy Chủng viện), hai xứ này vắng thiếu mấy tháng rồi. Các Cha đặt tôi phụ trách Văn phòng Toà Giám mục; cử Cha Tạo, Cha Thanh đi Hà Nội mừng Quan thày Đức Khâm Sứ và lễ cưới bạc người vào 20/12/1956.
Trong tuần Cấm Phòng, chúng tôi vui mừng được gặp Cha Dụ, Lạng Sơn, quê Phát Diệm, mấy năm sau người được sắc làm Giám Mục, nhưng cho tới nay (1972) vẫn chưa thụ phong được. Mãi tới năm 1974, quân Tàu kéo sang Việt Nam, Cha Dụ sơ tán về Bắc Ninh, Đức Cha Tụng tấn phong lủi cho Đức Cha dụ !
Trong dịp Cha Tổng quản Liêm đi chữa răng, người đã tới hầu Đức Khâm sứ Dooley và đã bàn tới việc đặt Giám quản Địa phận để rồi làm Giám mục chính thức ...
Đầu năm 1957 Cha Phaolô Bùi Chu Tạo được sắc làm Giám quản (Administrator aportelicus)... Thì ra Cha Tổng quản đã giới thiệu, và Hà Nội đã biết Cha tạo trong dịp lễ Thánh Gioan, Quan thày Đức Khâm sứ ... Theo đức vâng lời, người đã ghé vai nhận Thánh giá, và người dạy tôi bố trí xin thông hành đi Hà Nội với người, trước khi về nhận Địa Phận. Người xin thông hành được, còn tôi phải xin ở Yên Mô, họ chỉ khất quanh, ẩy quanh ... thành ra người đi Hà Nội cấm phòng 1 tuần trước lễ St. Paul 57. Và ngày 25/1/1957, người về nhận Địa Phận.
Từ ngày có Giám quản, công tác chính của tôi là ở Toà Giám mục, chỉ lên qua Yên Mô làm lễ các ngày chủ nhật lễ trọng. Việc kẻ liệt, tôi đã nhờ Cha già Nghiễm và Cha Tường, khi cần kíp ...
Trước ngày Đức Cha về nhận Địa phận, Cha Bích đã về góp ý kiến cho Cha già Liêm, Cha già Kim ... và người ở lại tới 27/1/1957 mới về Dòng Chúa Cứu Thế. Phát Diệm cử ông Chánh Trương Đàm và Thơ Hảo (thơ Hảo do chính quyền giới thiệu) ra tận Hà Nội rước Đức Giám quản. Chúng tôi nhớ ơn Hà Nội : đã cho mượn một Gíp đưa Đức Giám quản về thẳng Phát Diệm (đi qua Thị xã Ninh Bình, không vào qua đâu) ... Vì gặp mưa, và chính quyền xem ra không hưởng ứng lắm, nên cuộc Đức Giám quản về nhận Địa phận, chúng tôi vận động và tổ chức không có gì là long trọng ! Các Cha và giáo dân (ít thôi) sau khi người vào viếng Chúa, ra Phương đình dâng tặng hoa, và Cha già Kim nói mấy câu chào chúc. Hà Nội có cử cụ Sang về 1 trật ! Các xứ không dám về mừng rỡ gì. các Cha lẻ tẻ về chào mừng Đức Cha!
Về nhận Địa phận được độ 1 tuần, Đức Cha báo tin UBHC Tỉnh ngày lên chào UB. Đức Cha cùng tôi đi ô tô hàng (Tài Hạp lương) lên ... Cụ Vịnh xứ Ninh Bình đón, và dẫn Đức Cha vào Tỉnh. Chánh Phó Chủ tịch không ra mặt, cho ông Tính, UB viên thường trực tiếp sơ sài, có giọng như trách Đức Cha hôm ở Hà Nội về mà không vào UB, hôm đó, UB đã chuẩn bị đón !! Cụ Vịnh mời về xứ Ninh Bình ăn cơm, và chiều đó, UBHC cử ông Triệu, cán bộ giáo vận, quê Yên Vân, đưa 1 xe Gíp, tiễn Đức Cha và tôi về Nhà Chung.
Việc chú ý đầu tiên của Đức Cha là đi thăm hết các xứ một lượt ! Làm giấy báo cáo UBHC Tỉnh ... rồi lại phải xin phép ... Đức Cha cùng tôi đi chầu lượt Yên Vân, và bắt đầu đi các xứ Hào Phú, Ninh Bình, La vân, Uy Tế, Xích Thổ, Khoan Dụ ...
Lễ Gio 1957 ở Khoan Dụ, trời mưa nhớp, ăn ngủ ở dưới thuyền, ban ngày lễ lạy, Thêm Sức, trong khu Nhà Xứ, mượn cái nhà gianh lụp xụp của Uỷ Ban... Nhà Thờ nhà xứ bị bom cháy và bị phá điêu tàn ... Đi các xứ miền Nho Quan, Gia Viễn gần xong, thì chúng tôi phải về nhà để chuẩn bị Tuần Thánh. vòng đi thăm thứ nhất xuôi xắn, kết quả ... chính vì thế mà vòng thứ hai, bắt đầu bị rung ... Đó là thăm Áng Sơn xong, Ty Công an tìm tôi ... Đêm đó có lẽ Đức Cha mất ngủ ... Có lẽ tôi không được đi nữa chăng ...? Đức Cha đi Chàng, thì tôi phải về Ty 1 ngày. Ông Thưởng, Phó Trưởng ty gặp 1 buổi sáng (ông Bổng ký giấy mời, nhưng ông Bổng không ra mặt) chỉ bắt tôi báo cáo việc làm của Đức Cha và của tôi trong khi đi các xứ ... Đi tới xứ nào, tôi quen gặp BCH trước, bảo họ hạ cờ Tổ Quốc, vì không đúng sắc lệnh quy định kéo có 5 ngày ... Còn các cuộc lễ tôn giáo, không nói, không bắt kéo cờ Tổ Quốc. Ty có hỏi qua loa, tôi đưa sắc lệnh ra, rồi thôi ... và hôm sau, tôi lại tiếp tục theo Đức Cha. Tại xứ Võ Hốt, thuộc Cha Tự, và ở xứ Đồng Chưa, thuộc Cha Hoà ... họ đã cho thanh niên nêu thắc mắc để giăng bẫy. Ở Sào Lâm, cũng có tổ chức ngấm ngầm thắc mắc về Cha Luật chính xứ ... Đức Cha và tôi chỉ trả lời 1 cách lẩn tránh, đưa sang việc đạo. Nhưng ở Tứ Mỹ (Cha Tự) Đức Cha nhọc, mà Cha Tự (cha xứ) ở trong LLCG, giáo dân thì hoang mang sợ sệt, Đức Cha dạy tôi phải nói rõ : “Có nên vào LLCG không ?”. Cha Tự không nói gì, nhưng một số cán bộ giáo vận vào chất vấn Đức Cha : “Sao Đức Cha không giảng, không nói, lại để Cha Thiều ?”. Đức Cha đáp : “Tôi mệt, người nói thay tôi.”. Chính vì thế, mà tới vòng ba, đi các xứ Yên Mô và Kim Sơn, là tôi không được đi với Đức Cha nữa. Huyện Kim Sơn, Huyện Yên Mô tìm tôi và nói rõ : “Chủ trương của Tỉnh là thế !!”. Vừa phần yếu mệt, vừa phần khó tìm Cha nào đi cùng, nên Đức Cha còn bỏ giở chương trình đi thăm các xứ (2/3 xứ Kim Sơn và Yên Khánh thì còn Gia Lạc, Nam Biên, Hiếu Thuận, Phúc Hải là những xứ Đức Cha đã coi sóc, người định đi thăm sau cùng !)
Thường trú : Nhà Chung Phát Diệm
Không đi theo Đức Cha, tôi tiếp tục giúp Cha già Kim (y như Cha phó xứ) và lo việc bàn giấy của Toà Giám mục. Hằng tuần tôi ở Nhà Chung từ thứ hai đến chiều thứ sáu hoặc sáng thưa bảy. Sớm muộn thì thứ bảy đã về chầu ở Yên Thổ (20 giờ) và sáng chủ nhật lễ sớm ở Yên Thổ, xuống Quảng Phúc lễ 7,8 giờ, chiều 4 giờ. 5 giờ lễ Bình Hải, và sáng thứ hai về kịp rửa tội 8 giờ ở Nhà Thờ Lớn. Mỗi tuần dành mấy giờ giải tội nhà Dòng, dạy Kinh Thánh, Sử Giáo Hội và âm nhạc cho nhà Dòng.
Đợt ấy, Cha già Kim tổ chức Trường Giáo lý rất sầm uất, chiều chiều, các em từ 6 đến 15,16 tuổi học chật các nhà Trường Trần Lục. Các ông bà Quản giáo được tổ chức và huấn luyện tương đối khả quan. Thày Thư (tu xuất) giám thị rất nhiệt tình, giỏi. Tôi thường đến thăm và giúp các lớp giáo lý. Năm 1959, Trường Giáo lý bị cấm đoán, Thày Giám thị và một số Quản giáo bị bắt ...!
Tháng 3-4/1959, Đức Cha Giám quản ốm nặng, vận động mãi mới được đi Hà Nội điều trị ... và may mắn, người đã thụ phong Giám mục tại đó. 26/4/1959, ngày tấn phong, Cha già cố Liêm không đi dự được; may dịp ấy, các Cha đang họp ở Ninh Bình, chúng tôi đã bố trí được Cha Kim và Cha Trình, mượn cớ đi thăm Đức Cha ... mà ra dự lễ Tấn phong đại diện cho Địa phận. Chiều đó, chính giờ lễ Tấn phong ở Hà Nội, thì ở Phát Diệm (tôi không đi họp, ở nhà coi nhà), chúng tôi tổ chức đột ngột 1 giờ thánh và công bố tin vui mừng đó, Chầu Tạ ơn Te Deum. Việc Tấn phong này, kể là bí mật, đột ngột ... vì thế sau đây sẽ bị báo thù xử lý ...!
Tháng 8/1959, Cha thơ ký Toà Khâm sứ bị trục xuất, rồi Đức Cha Khâm sứ Dooley cũng được giấy đi ngoại quốc chữa bệnh (!), thì ở Phát Diệm cũng có kế hoạch cô lập Đức Cha ... Lễ Đức Mẹ lên Trời, Đức Cha hát lễ mở tay Giám mục 10 giờ ... giúp lễ người xong, tôi về Nộn Khê hát lễ chiều cho các xứ miền Yên Mô ... thì có giấy Công an Huyện báo lên Huyện nghe lệnh UBHC và Ty CA !
Lệnh gì ? Chỉ được đi làm lễ ở ba xứ Yên Thổ, Quảng Phúc, Bình Hải, cấm về Nhà Chung Phát Diệm ! (Công văn Ty CANB số 158). Đọc lệnh xong, tôi chỉ đáp : “Không biết có thi hành được không” và tôi không ký biên bản ... Chủ tâm tôi là kháng khiếu việc này, và cứ đi về Nhà Chung để xem họ đối phó ra sao.
Ngày 21/8/1959 tôi về Nhà Chung. Sáng 28/8 Lễ Trái Tim Đức Mẹ, tôi hát lễ và giảng ở Nhà Thờ Lớn như trước. Lễ xong, vừa ra khỏi nhà mặc áo, thì Công an cho tên Nhẫn (CA mật ở Bờ hồ PD) đón đàng không cho tôi về Nhà Chung, bảo tôi phải ra ngay đồn Công an PD. Tôi hỏi giấy báo đâu ? Hắn liền cầm tay tôi lôi đi ... Các bà Phát Diệm thấy vậy, đều phản đối ngay (vì các bà cũng đang có ý vào tạ lễ). Tôi giật tay lại, Nhẫn biết không làm gì nổi ... rút về. Ngày hôm ấy cũng không thấy CA vào tìm nữa. Biết là họ không cho tôi ở Phát Diệm nữa, nên hôm ấy bàn giao, và lấy 1 ít đồ cần dùng ... Cơm trưa xong, mặc dù trời sắp mưa, nhờ bà Quản Vân đội các cái đi lên Bình Hải ... dọc đàng bị mưa ướt hết !
Vì đã dụng tâm buộc tội và làm khó dễ, nên từ đây, hễ tôi tới xứ nào, họ đạo nào, là UBHC Xã sở tại báo tin khẩn cấp, có khi tìm vào những giờ quen làm lễ, hoặc tìm cả ban tối. Biết ý họ, nên tôi kiếu luôn ... vì có đến, cũng chẳng giải quyết được gì, đàng khác, cán bộ lại tác oai hống hách, thì thêm mâu thuẫn nếu tôi đưa chính sách ra mà vạch tội họ !! Tháng 9/1959, tôi gửi điện, gửi thư Ty CA xin về Nhà Chung 5 hôm để bàn giao các việc, kẻo 16/8/1959 bị giữ đột ngột ... Ty không trả lời. Khách Phát Diệm lên Quảng Phúc thăm tôi, đều bị bắt, có người giam giữ hai hôm (bà Vân, cô Gương), tôi gửi đôi giầy về Nhà Chung cũng bị Xã Yên Phong giữ. Tôi xin về nhà quê thăm ông bác (ông Trữ) ốm nặng ... đều không cho đi !
Chính quyền xã Yên Phú lại vận động giáo gian ở Yên Thổ làm đơn đệ trình Đức Cha giáo dục cho tôi, vì tôi phản tuyên truyền, chống chính quyền ... Họ mạo chữ ký hầu hết. Hôm 20/9/1959, tôi đưa đơn ấy về Yên Thổ điều tra chữ viết và chữ ký, để biết sự thật, thì họ đem ra học tập ở Yên Thổ là tôi : “làm mất trị an, mất đoàn kết”. Tháng 11/1959 cấm phòng các Cha, tôi xin Ty, xin Huyện Yên Mô 5,7 đơn đều không giải quyết cho đi ! Và ngày 10/11/1959, Huyện Yên Mô tìm và truyền đạt lệnh Ty CA : “Không chấp ba đơn xin đi cấm phòng, vì còn nhiều khuyết điểm như : 1/ Khinh Chính quyền; 2/ Cấm giáo dân làm nghĩa vụ yêu nước; 3/ Làm mất trị an ở Yên Thổ.
Tuần cấm phòng 11-20/11/1959
Các Cha đã về cấm phòng đầy đủ ngày 11/11. Tôi thấy Ty CA không cho đi và lấy lý do “tôi còn nhiều khuyết điểm”, thì ngày 11/11, một mặt tôi chuẩn bị vào phòng, tối ấy tôi cũng chầu khai mạc tại Quảng Phúc, ai cũng tưởng là tôi không đi Phát Diệm được nữa; mặt khác, sáng 11/11 tôi gửi qua UBHC Huyện Yên Mô một thư báo với Ty CA ... “Tôi càng lắm khuyết điểm thì càng cần đi cấm phòng là tuần tự tu kiểm thảo, là tuần được Bề trên và các đồng nghiệp giúp đỡ ... Vì thế, tôi báo cáo cùng Ty, tôi đi cấm phòng cho tới 21/11/1959.
Thế rồi 2 giờ ngày 12/11/1959 tôi đi về Nhà Chung. Đường mới mưa, lại lắm lỗ vỡ ... lọp chọp lội về đến Phát Diệm thì 4 giờ, lấm láp ma lem ! Các Cha đều bỡ ngỡ thấy tôi ra làm lễ ! Duy có Đức Cha đã rõ công việc. Cơm sáng xong, tôi viết thư báo UBHC và đồng CA Huyện Kim Sơn : “Tôi tới đây cấm phòng, nếu là việc phạm pháp thì tôi sẵn sàng chịu pháp luật xử lý”.
9 giờ sáng, đồn CA (Quỳnh, Kham) vào đòi tôi phải ra đồn ngay. Tôi xin khất ! Họ biết là không xoay được tôi, thì họ khủng bố Cha già Kim hộ chủ, bắt Cha Kim phải đuổi tôi đi. Rồi họ đe Đức Cha và các Cha : “Nếu không đuổi ông Thiều khỏi Nhà Chung, thì phải giải tán tất cả các Linh mục, không cho ở lại cấm phòng nữa !”.
Đức Cha và Cha già Liêm thì không núng trước lời đe ..., song đa số các Cha, nhất là Cha Huyên, Trinh, Trình, Quế, Cúc ... bàn với Cha Kim nói với tôi về Yên Mô cho yên chuyện.
Tôi thấy tình hình bất lợi cho việc chung, nếu ở lại thì cũng chẳng sao, nhưng có thể họ làm khó dễ cho Cha già Kim hộ chủ và gây căm thù với một số Cha ... nên tôi đành gặp riêng Cha Trụ ... Đức Cha, rồi từ giã. Đức Cha an ủi : “Về nhà cấm phòng cũng được !”. Dịp ấy, tôi mới ốm dậy, sáng lại đi sớm và lội nhọc ... tôi phải nhờ hai người cáng về Nôn Khê (Ông Quản Chấn và anh Trúc. Về sau, ông quản này bị tù và anh Trúc bị đuổi, không cho giúp Nhà Chung nữa).
Ngày 12/10/1959 tôi gửi một thư rất dài cho Ty CA, phi bác các lý do Ty viện ra để cấm đi cấm phòng :
Về điểm khinh chính quyền : tôi phi bác, có đoạn “... Tôi không đến (UBHC Xã) thì tôi còn kính. nhưng nhiều lần tôi gặp cán bộ phát ngôn hoặc tác phong phi chính sách, phản dân chủ, thì càng làm cho tôi mất kính. Rồi đến sau, tôi có kể lại với cấp trên, thì cấp trên lại bảo : “cấp dưới làm sai, anh em ... chưa nắm vững ...”. Cái nạn “Chờ vạ má sưng” tôi đã nếm nhiều rồi; Tôi vẫn nhớ lời Hồ Chủ Tịch : “Không sợ địch, chỉ sợ các đồng chí cán bộ chúng ta làm bậy (Sách Cách mạng tháng 8, xuất bản Sự Thật 1955 trang 65).
Về điểm cấm vào Liên Lạc Công Giáo; tôi phân phô có đoạn : “Không khi nào cấm giáo dân làm nghĩa vụ yêu Nước. Nhưng tôi có nhiệm vụ dạy bảo giáo dân cảnh giác, đừng để ai lợi dụng lòng yêu nước chân chính của người Công giáo mà làm việc phản Giáo hội, phản Đạo Chúa. Cái UBLLCG nguy hại cho khối đoàn kết thống nhất của Đạo Công giáo, Toà Thánh đã xác nhận và cấm, tôi chỉ truyền đạt ý kiến của Toà Thánh thôi ... !”. (Tại nhà hát Kim Mâu, cụ Vịnh tổ chức họp “Đại hội những người Công giáo vì Hoà Bình Thống nhất, vì Chủ Nghĩa Xã Hội”, họp từ 22-24/9/1959).
Sau đó, Xã Yên Phong, Yên Phú, Yên Nhân ... tìm tôi nhiều lần, tôi vẫn kiếu. Phục vụ giáo dân cũng được rồi, nhưng việc xưng tội, ít là ba tháng một lần, tôi nhất định xin bằng được. Nếu không cho phép, thì tôi vẫn đi. Đã có lần tôi xuống Phương Thượng gặp Cha Sỹ, đi về an toàn, chính quyền chẳng biết. Ngày 14/1/1960, Cha già lại qua đời, 1 dịp tốt để đi Phát Diệm.
Tôi viết thư xin phép Ty CA, gửi qua CA Huyện Yên Mô. 14 giờ ngày 14/1/1960 tôi nhờ anh Kỳ (phụ trách Nhà Thờ Quảng Phúc) cầm thư tôi sang CA Huyện báo cáo việc tôi đi lễ an táng Cha Lại. Họ khủng bố anh Kỳ : “tay sai”, cấm anh từ nay để mặc tôi cầm thư đến ... Anh về Nhà xứ, thì tôi đã đi Phát Diệm rồi ! Sáng 15/1/60 sắp tới giờ an táng, đồn CA lệnh cho Cha Kim dẫn tôi ra đồn ... tôi viết thư khất đến lúc an táng xong. Nhưng sau an táng, cơm nước xong, tôi lên Yên Mô ngay, chẳng thấy đồn CA Kim Sơn đòi nữa.
Tết 1960 tôi viết thư mừng tuổi Ty CA , UBHC Tỉnh và UBHC hai Huyện Kim Sơn, Yên Mô. Trong thư viết gửi hai Huyện, có 1 đoạn chúc họ làm đúng chính sách ... thì họ đem ra học tập ở 1 số xóm : “Nói láo chính quyền, coi khinh chính quyền”. Đoạn thư đó rằng “... Chúc Cơ quan đoàn thể trong Huyện được tiến bộ trong sự thật thà ... chấp hành đúng chính sách luôn, không còn tình trạng tịch thu vô nguyên tắc ... đừng trộ nạt dân, đừng bắt dân nói gian, vu khống, kẻo bôi nhọ chế độ miền Bắc ...!”.
Điều tra dân số (tháng 3/1960)
Giữ tôi ở Quảng Phúc, khoanh vùng hoạt động cho tôi trong ba xứ Yên Thổ, Quảng Phúc, Bình Hải, tính từ tháng 8/1959 đến nay là trên 6 tháng. Đến khi chủ trương điều tra dân số, thì cán bộ chỉ phổ biến rằng : “Ai ở đâu 6 tháng trở lên, thì phải đăng ký hộ khẩu ở đấy ! Phải đăng ký ở nơi Thường trú !”. Đơn thuần có vậy !
Xem ra chính quyền Huyện Yên Mô chú trọng tới cá nhân tôi đầu hết ... Xã Yên Phong trực tiếp vào nhà xứ Quảng Phúc đăng ký tôi đầu hết (Mấn, Hùng, Lương, Chức, Thử). Tôi hỏi qua họ về luật lệ điều tra ... yêu cầu họ cho xem chỉ thị về vấn đề này. Họ phổ biến đơn sơ : “Linh mục ở đây, chúng tôi vào để đăng ký Linh mục ... Lịnh đăng ký nơi thường trú, tức là ở đâu từ 6 tháng trở lên !” À, họ bịp mình, họ không dám cho đọc Chỉ Thị Trung Ương ... Tôi thấy thế, tôi ... khất. Đề nghị đăng ký các người khác xong, còn tôi là nố bất thường, ... vì danh từ thường trú, tôi nghe rất hay, rất đúng. Vậy thế nào là thường ? còn nố tôi đây đúng là ... bất thường !
Hoãn binh chi kế, tôi khất sau chủ nhật, tôi đi làm lễ Yên Thổ, Bình Hải về, sẽ có ý kiến với Uỷ ban Qúy Xã. Hoãn binh chi kế ! Tôi đi các xứ ... nhưng lưu ý mượn sao cho được Sắc lệnh hoặc Chỉ thị để nghiên cứu ! Thì may quá, có một cán bộ lòng ngay cho tôi mượn một đêm. Tôi sao lục được một số điểm quan trọng. Trong chỉ thị của Ban Chỉ Đạo Trung Ương số 28/VP/DS đề ngày 15/1/1960, do Ông Nguyễn Khang, Bộ trưởng Phủ Thủ Tướng làm Trưởng ban, về mục đăng ký người mất tự do, bị tạm giam, tạm giữ : “ ... nếu chưa có lệnh bắt giam, của các cơ quan CA Tư Pháp, thì đăng ký tại nơi nhân khẩu cư trú trước khi bị tạm giữ ...”.
Nắm được thế rồi, tôi cứ một mực xin về Nhà Chung đăng ký, vì đấy mới là nơi thường trú của tôi; còn ở Xã Yên Phong (Xứ Quảng Phúc) chỉ là nơi trú bất thường, do Ty CA, lệnh 158 giữ tôi lại đây ! Tôi cứ một mực khiếu nại và yêu cầu như vậy với Huyện, Tỉnh và Trung Ương nữa.
Chủ nhật 2/3/1960 tôi tới Yên Thổ thì Xã Yên Phú giấy báo tôi, tôi tới Bình Hải thì Xã Yên Nhân cũng giấy báo tôi về ngay Xã Yên Phong để đăng ký. Huyện Xã quan tâm như vậy thì sót sao được ?
Ngày 28/2/1960 tôi gửi thư UBHC Tỉnh, thì 3/3/1960 Huyện Yên Mô truyền đạt công văn số 61/ĐTDS nói là của Tỉnh quyết định Xã Yên Phong phải đăng ký tôi ở xứ Quảng Phúc.
Suốt buổi sáng 4/3/1960, UBHC Xã và Ban ĐTDS Xã Yên Phong, vào nhà xứ Quảng Phúc tới 10 cán bộ, lảng vảng ở ngoài cổng xứ thì có 2,3 cán bộ lạ mặt (có lẽ Huyện, Tỉnh). Chủ tịch Mấn nhường quyền cho Phó Chủ tịch Hùng ... Lúc dụ, lúc đe, lúc khủng bố ... tôi cứ một mực : “Tôi tuân giữ Luật Đăng ký, nhưng đăng ký nơi thường trú là Nhà Chung Phát Diệm”. Mỗi lúc gay go, thì Công an Xã Lương và Chủ tịch Mấn lại ra ngoài một lúc ... (có lẽ ra nhận chỉ thị của cán bộ ngoài cổng). Tôi phát biểu : “Quảng Phúc chỉ là nơi trú bất thường, tôi không xin về đây. Tôi không sinh ở đây, nội bộ Công giáo không quy định tôi ở đây, đây chỉ là nơi tôi bị tạm giữ !”. Lương Công an Xã nói gắt : “Ai giữ ông, ai bắt ông ở đây ?”, tôi liền yêu cầu UBHC lập biên bản ghi ngay ý kiến đó, tôi định rằng : Hễ họ ghi thế, là tôi đứng ra đi về Phát Diệm ngay ! Họ biết họ hớ, Cảnh Công an Xóm vào gọi Lương ra ngoài có việc cần đi công tác ... để Hùng Phó Chủ tịch kiên gan ngon ngọt, đe dọa, xem có được việc không. Gần trưa, UBHC đành làm biên bản (hai bản) gửi Tỉnh một bản, ghi lại ý kiến tôi.
Ngày 5/3/1960 Công tố Huyện Yên Mô báo tôi sang khẩn. Lê Khả Tịch, Công tố, chỉ lấy cung, xong, tôi đi Yên Thổ lễ thứ sáu đầu tháng.
Ngày 7/3/1960, từ sáng đến 15 giờ, Huyện Yên Mô báo tôi 7 lá giấy, tôi đều kiếu, lấy lẽ :
1. Việc ĐKHK đã đưa sang Tư Pháp, thì Hành chính miễn xét nữa.
2. Hành chính mời, báo ... nhỡ ra lại giam giữ tôi như 1952, 1956 thì tôi phải rách rưới thiếu thốn, giáo dân sợ liên quan, quê quán thì xa ... không ai tiếp tế cho !
Ngày 8/3/1960, tôi lại viết một thơ lên Ban Chỉ Đạo Trung Ương và Bộ Công An ... khiếu nại, và đề nghị về đăng ký nơi Thường trú, kịp trong thời hạn bổ xung.
Ngày 11/3/1960, Công tố Lê Khả Tịch, Chánh án Huyện; Đỗ Xuân Dương, Thẩm phán, khủng bố, đe bỏ tù, nếu không ký giấy đăng ký tại Yên Phong !
Ngày 13/3/1960, Tôi viết thư báo cáo Ty CA là từ hôm nay, tôi về Nhà Chung đăng ký kịp hạn bổ xung là 15/3/1960. Sao lục thơ này báo đến Đồn Công an Kim Sơn. Chiều đó, tôi về Nhà Chung, Cha già Kim yêu cầu đăng ký cho tôi, không được. CA Kham vào đuổi tôi về Yên Mô. Tôi lảng tránh, không đi đâu cả, thì quãng 23 giờ ngày 13/3/1960, Nhà Chung đã ngủ yên, Quỳnh đưa lệnh của Đồn CA với 6 CA súng ống vào đánh thức Cha già Kim, báo lệnh bắt. Cha Kim gọi ông cố Cha Hậu dẫn họ lên gác, tới gõ phòng tôi. Tôi khóa trái cửa, đứng trong nhà. Các CA đứng ở hè. Tôi đòi : muốn bắt tôi thì phải có mệnh lệnh sự vụ Ty CA, và bắt ban ngày 6 giờ sáng. Không loè nổi, họ rút. Sáng 14/3/1960, tôi vẫn ra Nhà Thờ Lớn đường hoàng ... Cả ngày chỉ chờ CA vào !! Nhưng sang 15/3/1960, một CA đưa công văn hỏa tốc Huyện Yên Mô mời (tử tế) về ngay trụ sở Huyện để nghe lệnh của Trung Ương trả lời thư tôi. Dù thừa biết thủ đoạn gian dối, tôi cũng ra đi Yên Mô kẻo thêm lắm chuyện. 14 giờ, tôi tới Huyện, thì Chủ tịch và Đài văn phòng rở sổ tay ra đọc : Công văn 8/3/1960 Ban ĐTDS Trung Ương không chấp nhận đơn của ông, quyết định ông phải đăng ký ở Xã Yên Phong Huyện Yên Mô. Tôi hỏi lại : Công văn số mấy ? Chủ Tịch lúng túng, thì Đài (văn phòng) đáp : “Đây là điện báo, không đề số”. Điện báo càng phải có số ! Tôi đáp. Họ dối đã rõ, nên họ đứng vội, tuyên bố : “Chúng tôi không muốn mất nhiều thời giờ về việc ông. Ông về đăng ký ngay kẻo hết hạn !
Tôi về, viết thư khiếu ngay một lần nữa với Ban Chỉ Đạo Trung Ưong ĐTDS và gửi Thủ Tướng Phạm Văn Đồng một thư (số 31a+33/QT).
Sáng 17/3/1960, Phạm Văn Chỉ, CA Huyện Yên Mô cầm Mệnh lệnh Ty CA số 641/MLV do Phó Trưởng Ty Thưởng ký lệnh, đưa quân vào dẫn giải tôi lên Xã Yên Phong (Không trói). Tôi ký lệnh, lấy ba lô quần áo, chăn màn, sẵn sàng ra đi, không mặc thâm chùng. Trụ sở UBHC Xã tại Chùa Cống, đã tề tựu rất đông. Mẫn, Hùng, Quảng ngồi chủ tọa, đọc án quản chế số 588 ngày 12/3/1960 do UBHC Tỉnh Ninh Bình ra án ba năm quản chế tại Nhà Thờ Vân Mộng. Tiếp đó, cán bộ Quảng lảy mấy câu trong Nghị Định 298 và Sắc lệnh 175 về án quản chế cho tôi nghe.
Lập biên bản. Tôi không ký, và tôi tuyên bố : “Tôi kháng khiếu ! Không thi hành !”. UBHC Xã không biết làm sao, tuyên bố : “Cho ông về xứ Quảng Phúc”, rồi họ rút sạch, Công an du kích đuổi hết mọi người về ... còn mình tôi ngồi lại đấy. Độ nửa giờ sau, thì có 4 giáo viên Trường cấp 2 Yên Mô (gần Chùa Cống : Thày Cảnh, Điều, Mật, Hiền và hai cô giáo Diên và Lan) tới nói truyện với tôi. Các Thày các Cô nhắc : lúc nãy, khi công bố lệnh UBHC Tỉnh, chúng tôi đứng dự, thấy “Cha” có một thái độ khác thường, chúng tôi muốn biết tại sao “Cha” lại không ký ? Tôi yêu cầu đừng xưng hô với tôi là “Cha”, vì tôi là “Cha thiêng liêng” của giáo dân thôi ! Họ nói : “Chúng tôi rất mến phục Cha, Cha gọi chúng tôi là Thày giáo thì chúng tôi vẫn gọi Cha là Cha”.
Tôi không muốn nói với các Thày Cô về chính trị, nên tôi lái sang học vấn ... Tôi đoán năng khiếu và môn chuyên môn của từng Thày Cô ... Các Thày đang ra sức xin nài tôi “Tại sao mà biết đúng thế ?” ... thì CA đến mời các Thày Cô về cơm trưa ! Còn mời Ông Thiều về ... Nhà xứ Quảng Phúc !
Tôi về viết thư số 34/QT khiếu nại Bộ Nội Vụ (vì là việc UBHC ra án) phi bác ba lý do mà UBHC Tỉnh viện lấy mà kết án quản chế :
1. Tuyên truyền hoang mang chính sách Chính phủ.
2. Khinh mạn Chính quyền.
3. Chống chủ trương Điều Tra Dân Số.
Không thấy Bộ Nội Vụ trả lời, tôi khiếu lên Bộ Tư Pháp (thư số 35/QT). Thì ngày 9/5/1960 Bộ trả lời : “Giao sang Viện Công Tố Trung Ương xét”.
Theo như án quản chế, thì mỗi nửa tháng phải lên UB Xã báo cáo sự tiến bộ, lỗi lầm, và báo cáo lịch đi làm lễ những đâu, ngày giờ đi về rõ rệt.
Tôi không ký án, nên không thi hành ... Vì thế, các chủ nhật đi làm lễ xứ Yên Thổ, Bình Hải không thể đi được ... bị canh gác, buộc tôi phải lên xã xin giấy phép ! Mấy tuần tôi không đi ... Phát động giáo dân đòi hỏi cho tôi đi làm lễ dễ dàng thì tôi mới đi ... Thứ bảy Tuần Thánh năm ấy, lễ đêm Dọn sống lại ở Quảng Phúc xong vào lúc nửa đêm ! Tôi liền nhập bọn với giáo dân xứ Yên Thổ, tôi về Yên Thổ, sáng lễ Phục Sinh đường hoàng tại Yên Thổ hồi 5 giờ. Lễ xong, tôi về ngay Quảng Phúc hát lễ 9 giờ. Về tới xóm Quảng Phúc, thì anh Biểu, Thông tin Xã vác loa chõ vào khu nhà xứ phát thanh : “Ông Thiều đã trốn đi Yên Thổ, UBHC Xã cảnh cáo ông !”. Lễ chiều tại xứ Bình Hải, chịu, không đi được.
Ngày 2/7/1960, tôi lại thử đi lên Yên Thổ lần nữa xem sao. Quãng 14 giờ tôi sắp tới nhà xứ Yên Thổ (còn cách độ 100 mét), thì ông Kìn và Chủ tịch xã Yên Phú (Khoá, sứt môi) đón hỏi giấy, giằng kéo không cho tôi tiến ... May gặp một toán giáo dân Yên Thổ đi làm, khớp đấy, chúng sợ giáo dân đấu tranh, đành để tôi đi vào nhà xứ. Tối ấy, cán bộ Huyện (Chước, Kìn) và cán bộ Xã (Khoá, Lạng) về họp tại nhà ông Bảng, Trưởng xóm Yên Thổ ...
Ngày chủ nhật 3/7/1960, quãng 13 giờ, tôi bỏ Yên Thổ, xuống Quảng Phúc kịp lễ chiều (thường lệ 16 giờ). Tới quãng đường vắng hơn cả, xóm Cổ Đà, tôi đã thấy nhấp nhô người chạy ở đầu xóm, trong các bờ tre ... một dân quân chạy vội ra đường cái 59 ... Đặc biệt hôm nay lại xuất hiện 1 bảng lá cót dựng ở chân cột giây thép, bảng đề : “Trạm kiểm soát Xã Yên Phú”.
Tôi đi tới, anh gác hỏi giấy ! Lúc ấy, cũng có mấy người đi đàng, và mấy em chăn trâu ... họ chỉ hỏi giấy mình tôi thôi, các người đi đường cứ đi bình tĩnh. Tôi đáp : “Không có giấy gì cả”. Rồi tôi cứ bước ... Trong xóm chạy ra hò trói giữ ... Tôi đứng lại cho chúng trói, giải vào xóm Cổ Đà, tay tôi vẫn chống chiếc gậy song. Vào đấy, chúng lập biên bản, vu khống : tôi “đánh cán bộ” ! Tôi không ký biên bản. Cán bộ thay nhau đến xỉ nhục tôi. Quãng 15 giờ, chúng giải tôi đi đường bờ ruộng. Đang khi ấy, nhìn phía đường cái, tôi nhận thấy Cảnh CA xóm Quảng Phúc chạy tất tưởi về Xã Yên Phong.
Đến Chợ Lồng, tôi đã thấy đủ mặt cán bộ Xã Yên Phong, Châm chi uỷ, Lương công an, và một số cán bộ Huyện nữa. Xã Yên Phú giao tôi cho Xã Yên Phong (tại nhà Thắng Lợi, cắt tóc,ở phố Lồng). Rồi Lương CA Xã lệnh giải tôi lên bàn giấy CA Xã ... mà không đưa lên trụ sở. Chúng đưa tôi vào một nhà ở sau Chùa Cống độ 200 mét; vẫn trói giặt hai tay; chúng bỏ mặc tôi, rồi đi hội ý đâu sạch ... Đang khi ấy, giáo dân đã gần giờ lễ, kéo nhau lên trụ sở Xã ... Tôi thấy từ xa giáo dân đang kéo lên ... tôi liền chống gậy song đi ra đón. Chúng hô quân càn tôi lại. Tôi chỉ một mực : “Xin đi về Huyện ! Trói người thì phải giải cấp trên “.
Giáo dân thấy tôi bị trói, họ la, khóc. Tôi bảo : “Im, chúng ta đi về Huyện !”. Lúc ấy, cán bộ Châm chi uỷ, Lương CA Xã lệnh cho dân quân du kích càn tôi và giáo dân không cho đi về Huyện. Chúng hô đánh ! Sẵn hai tổ gánh phân đang đi đây, chúng lấy đòn gánh cản lại, đứa thì vụt đánh kéo xé giáo dân ... vùi giập ... nát một đám ruộng mạ ! Thấy chúng hành hung, ác ôn, tôi đành đứng lại, không tiến về Huyện nữa ... lộn lại trụ sở Xã (là Chùa Cống). Thừng trói hai tay, chúng đã giật đứt lúc nào không rõ ! UBHC Xã (Phó Chủ tịch Hùng) ra mặt giải quyết cho tôi về nhà xứ làm lễ ... nhưng họ vẫn sợ tôi kéo về trụ sở Huyện, nên dân quân đón bắt chúng tôi phải về xứ theo lối thẳng Chợ Lồng, không được đi về lối tắt, gần lối vào trụ sở Huyện !
Trong số giáo dân bị đòn đau hôm ấy, có mấy anh thanh niên, chúng tưởng là người Phát Diệm nên bị chúng đánh vùi đau hơn cả : như anh Nghinh, Liên họ Nộn Khê; Cô Lộc, bà Bồng người Hà Thanh bị thương ở tay; Chị Dị có mang bị thương ở cằm. Chúng xé áo chùng đi lễ của anh Liên, chị Nguyện (Chí Bình) và vùi lấm áo chùng cô Lộc ...
Chính lúc xẩy ra cuộc đàn áp giáo dân, thì đã có giáo dân cấp tốc vào báo Huyện Yên Mô ... Cán bộ trong Huyện và cả y sĩ Thông khi ấy cũng đều vu rằng : “Ông ta (tôi) đánh cán bộ ở Cổ Đà ... y sĩ đi băng bó vừa về ...”. Khi y sĩ Thông ra phố Lồng nói vu như thế, thì Bà Hanh, (Trùm phó Quảng Phúc) đã chỉ vào y sĩ : “Y sĩ mà cũng ăn không nói có!”.
Giáo dân cùng tôi về đến nhà thờ đã 17 giờ (muộn hơn giờ lễ thường lệ một giờ). Tôi dặn giáo dân : “Yêu kẻ rể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu khẩn cho kẻ đàn áp ta. Xin Chúa tha cho chúng vì chúng lầm chẳng biết !”, đoạn làm lễ.
Hôm sau tôi viết một thư lên Quốc Hội khoá hai đang họp tại Hà Nội, mượn người đề phong bì, với khẩu hiệu : “Thành tích chào mừng Quốc Hội khoá hai”; Đến sau có một vị Quốc Hội kể lại là ông Trường Chinh Chủ tịch Quốc Hội có nhận được, và đã hỏi dò Cha Vịnh về tôi ...! Thư ấy (mất bản lưu rồi) tả lại khách quan sự việc ngày 3/7/1960; nhận định đó là việc bắt cóc Linh mục và Chính quyền đàn áp giáo dân. Tôi phản đối việc đó và tố cáo cùng Quốc Hội ... yêu cầu có biện pháp thích đáng !
Không trả lời, nhưng xem ra có kiểm thảo phê phán (nạo) cán bộ một mẻ ... ! Khoá họp Quốc Hội và hiến Pháp sửa đổi. Đợt này tháng 7/1960 bầu đặt thêm Viện Kiểm Sát Nhân Dân ... Sau khi nghiên cứu Sắc Lệnh và Nghị định nói về Viện này, tôi đã viết khiếu nại ngay với Viện KSND Tối cao (Thư gửi ông Hoàng Quốc Việt). Thư bảo đảm số 36 ngày 1/8/1960, thấy im lặng, thì ngày 3/10/1960 tôi gửi tiếp một thư nữa số 42/QT. Thì ngày 6/10/1960, UBHC Xã Yên Phong báo tôi lên để nghe “Tin báo của Viện KSND Tối cao”. Tôi kiếu tới Xã, yêu cầu gởi công văn của Viện trực tiếp cho tôi, như vậy mới đúng sắc luật 20/LCT (Thư 43/QT).
Khi ấy, cuộc vận động vào Hợp tác xã Nông nghiệp rất sôi nổi, giáo dân cũng có một số tích cực làm đơn xin nhập, cũng còn một số lưỡng lự, lừng khừng. Ở những xứ như Bình Hải, Yên Thổ, được cán bộ tuyên truyền là “Hễ vào HTX thì sẽ cho Linh mục đi về làm lễ, lợi cho sản xuất, khỏi vất vả đi xa”. Ở Quảng Phúc là nơi tôi ở thì có luận điệu trấn áp phủ đầu : “Ai không vào là do âm mưu của Linh mục Thiều”. Thế là giáo dân xin vào tăm tắp. Đang lúc ấy, để giáo dân tích cực đấu tranh hơn nữa thì báo Nhân Dân số 2383, ra ngày thứ ba, 27/9/1960, trang 4, nêu rõ tên Cha Hậu xứ Tam Châu, và Linh Mục Thiều ở xứ Vân Mộng : “... vào từng nhà vận động đừng vào HTX ...”, trong đó, kể thêm truyện giáo dân vào tôi đấu tranh hạch tội v.v... Hai câu truyện hoàn toàn bịa đặt và vu khống, nên ngày 6/10/1960 tôi đã viết cho Toà soạn báo Nhân Dân một bài phản đối và yêu cầu cải chính ... để giữ uy tín cho “Báo Đảng”.
Thế là giáo dân không còn dám đòi hỏi để chính quyền giải quyết cho tôi đi làm lễ một cách dễ dãi nữa ... Chẳng những thế, sau khi củng cố HTX thì ra mặt khủng bố, đe dọa những ai “ còn đi lễ tôi làm, còn đi lại thăm hỏi tôi”.
Tháng 11/1960 triệu tập các Cha về cấm phòng, UBHC Tỉnh không cho phép. Như vậy là từ năm 1960 mà đi (hết đời Cha già Liêm), các Cha không được về cấm phòng lần nào nữa. Mấy năm sau, Toà Giám Mục xin phép mấy, chính quyền đều không cho. Và cũng từ đó, chính quyền mở quyền cho cụ Vịnh, Trinh hoạt động, hội họp các Cha tự do !
Cuối năm 1960, khai mạc Công đồng Chung Vatican II. Khắp thế giới đọc một kinh do chính Đức Giáo Hoàng đặt để cầu cho Công đồng. Bản dịch tiếng Việt về tới Yên Mô là đầu năm 1961. Tôi giảng về sự kiện vĩ đại đó, và phổ biến đọc kinh mới “Cầu cho Công đồng”, thì 20/1/1961, Xã Yên Phong báo tôi lên xã để xét hỏi việc tự tuyên truyền tài liệu trước giáo dân chưa được Uỷ ban duyệt ...”. Tôi kiếu (Thư số 44/QT ngày 21/1/1960). Mấy tối liền, cán bộ Huyện (Châm, Chước) và UB Xã (Hùng, Lương) họp giáo dân, cấm đọc kinh đó, đe : “Ai cất lên là bắt ngay !”, xui BCH vào lấy bản kinh nộp cho chính quyền (Bản viết to, treo hai cột nhà thờ). Giáo dân yêu cầu UB vào mà lấy. Kinh thì vẫn tiếp tục đọc, xướng đều tất cả (vì đã đọc quen khá).
Làm sao để được đi xưng tội và đi các xứ bây giờ ? Một mặt tôi vẫn kháng khiếu, coi như không thuộc về Xã Yên Phong này cách nào; một mặt muốn tỏ cho cấp trên biết : “Tôi vẫn tin tưởng vào Chính sách và Pháp luật, tôi chỉ phản đối những việc phi Chính sách ...”. Tôi lại xin đi lại tự do, xin với UBHC và Ty CA Ninh Bình. Thỉnh thoảng, độ một tháng lại đi (đêm) xuống Phát Diệm xưng tội ... có lần trở lại Quảng Phúc, thì bị cán bộ các Xã Yên Nhân, Yên Từ (dọc đàng) bắt được ... sớm muộn hôm ấy cũng đưa về xứ Quảng Phúc thôi, sau mấy giờ bị Xã Yên Phong (Hùng, Lương) quát tháo, chộ nạt, nhưng cũng nhiều lần đi về lọt im. Một hôm tôi đi Phát Diệm, lúc trở lên Quảng Phúc, có ý đi lối nhà thờ Phương Nại để xem tu sửa thế nào ... bị UBHC Xã Yên Từ bắt, trưa đó cho một du kích dẫn tôi lên Huyện Yên Mô ... Cán bộ Xã Yên Phong hôm ấy tập trung ở xóm Quảng Phúc rất đông ... thấy có du kích đi theo tôi, đi vào xóm Quảng Phúc, để đi tắt sang Huyện, nhưng đi qua gần lối rẽ vào nhà xứ, anh du kích tưởng là tôi đi giải ... tôi rảo bước cho khuất mắt bọn cán bộ Yên Phong, bảo anh du kích đứng đấy một tí, thế là tôi vào thẳng nhà xứ. Anh kia ngớ ngác (Lối xóm hẹp, lạ lẫm) gọi cán bộ Xã Yên Phong báo cáo ... Họ bắt anh ta phải vào nhà xứ, nói rất ngọt nhạt, van lơn để tôi sang Huyện. Tôi bảo anh : “Anh đọc biên bản Xã anh bắt tôi, giải tôi ... tôi có ký đâu ! Đó chỉ là bản báo cáo của Xã Yên Từ báo cáo lên Huyện. Anh cầm báo cáo sang Huyện và đưa tin là tôi đã về nhà thờ Quảng Phúc rồi”.
Rút kinh nghiệm, mấy lần sau, tôi ở Phát Diệm về Quảng phúc, họ không để tôi đi lối tắt qua xóm nữa, mà họ dẫn tôi đi thẳng đường cái 59 !
Việc đi làm lễ thì không sao đi được : Phần thì BCH các xứ bị đe dọa, khống chế; hễ tôi về xứ là các ông ấy phải đi báo ngay và phải chịu tội ... phần thì giáo dân vào HTX yên rồi, không còn tinh thần mộ mến lễ lậy nữa, phần thì cán bộ địa phương không để tôi ở lâu trong xứ, nếu tôi có về lọt ...
Thấy Tỉnh và Trung Ương không giải quyết, tôi viết thẳng (bỏ trạm Hà Nội) cho Uỷ Ban Thường vụ Quốc Hội (Chủ Tịch Trường Chinh) ngày 19/5/1961; cho Thủ Tướng Phạm Văn Đồng và Hội Đồng Chính Phủ (Số 45 a-b). Trong đó, khiếu nại việc riêng, và cả việc bắt Cha Ven và kết án Thày Khoan.
Ngày 18/8/1961, Viện KSND Tối cao gửi tôi một báo cáo CV1012 : “...đã được đơn ông yêu cầu cho ở lại Phát Diệm. Viện còn xét, sẽ báo kết quả sau ! (Phó văn phòng ký, không rõ tên gì).
Tháng 6 dịp lễ Trái Tim; dâng các xứ, và tháng 10/1961 dịp chầu lượt Yên Thổ, tôi xin phép Ty CA, gửi qua Huyện Yên Mô thay vì báo cáo, vì có ý tỏ ra : không thuộc