Wednesday, 7 September 2005

HỒI KÝ 50 NĂM LINH MỤC - Kỳ 3

NIỀM VUI VĨ ĐẠI - Kỳ 3

HỒI KÝ 50 NĂM LINH MỤC

7. NGÀNH TRUYỀN THÔNG

Như đã nói, ngay từ lúc ở Đệ Tử cho đến nay, khi gần kề cái chết, tôi vẫn xác tín rằng các phương tiện truyền thông xã hội là lợi khí rất quan trọng, rất mạnh thế để loan báo Tin Mừng, để truyền bá những cái tốt, chống lại những cái xấu, nhất là trong thế giới ngày nay. Tôi đã được huấn luyện từ bé để biết thế nào là quảng bá Tin Mừng bằng hùng biện.

Cha Eugène Larouche đã có những sáng kiến độc đáo: trao trách nhiệm chỉ huy cho những chú bé ngay trong thời gian còn ở Đệ Tử, trao cho các chú lớn dọn bài giảng về Đức Mẹ trong tháng 5 vào giờ thiêng liêng buổi tối, tập nói trong các cuộc “Missionnette”. Lên đến Học Viện, các thầy thay phiên nhau nói lời thiêng liêng mỗi cuối giờ giải trí buổi tối và tập giảng trước Học Viện có giáo sư hùng biện chứng giám. Tôi nhớ có lần tôi “tập Giảng” như thế. Tôi rất ngạc nhiên, vì ngay sau khi tôi chấm dứt, đáng lẽ cha giáo chỉ một thầy phê bình, nhưng lúc này, chính ngài – cha Gérard Gagnon Nhân – đứng phắt dậy và nói: “Từ ngày tôi nhận dạy khoa hùng biện tại Học Viện cho đến nay thì đây là lần đầu tiên, tôi cảm thấy phấn khởi. Tôi nghĩ rằng không có gì phải phê bình trong bài giảng của thầy Do”. Tôi thì chỉ khoái vì không phải đứng trên bục để nghe mổ xẻ về mình chứ không nghĩ mình đã có khả năng thế nào để nhận được lời khen của giáo sư.

Tôi được các cha giáo thường chọn đóng vai lớn trong các bản tuồng tại Đệ Tử và trong Học Viện, và ngay cả khi đã là Linh Mục. Vai cuối cùng tôi đóng là Giu-se, trong Opera Joseph nhân dịp mừng kỷ niệm gì đó của Nhà Dòng. Như đã nói ở trên, tôi thường xung phong thực hiện các nội san của Đệ Tử, của Học Viện, và ngay khi được chỉ định về Sài - gòn, tôi đã viết rất nhiều cho tờ Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp của Tỉnh Dòng. Có những số toàn bài của tôi, kể cả bài Edito mang tên cha Giám Đốc. Tôi không hề có chức vụ và nhiệm vụ gì tại tòa báo, nhưng nhiều công việc sửa bài, xếp trang, chọn hình, chụp ảnh đều do tôi làm việc với Thư Ký Tòa Soạn, ông Hà Châu.

Tôi vẫn đuợc Bề Trên ghi vào danh sách Thừa Sai Đại Phúc và thường xuyên vắng nhà có khi cả mấy tháng trời. Cha Hồng Phúc chủ nhiệm Nguyệt San vẫn yêu cầu tôi viết bài cho đủ, lắm khi phải gửi bài về cho tòa soạn. Tôi rất thích viết báo, nhưng không được giao trách nhiệm, mặc dầu được anh em trong Dòng tỏ ý muốn tôi làm Giám Đốc... ( Xin lược bớt 2 đoạn )

Tiếp nối những trang “hồi ký” không mấy sáng sủa của “đường công danh” của tôi, tôi kể lại một kinh nghiệm khác liên hệ đến việc phụ trách ngành truyền thông Công Giáo Việt Nam.

Tình cờ gặp Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình tại một buổi tiếp tân, ngài tỏ vẻ vui gặp tôi và nói ngay: “Khi nào cha nhận chức vụ, cha đến gặp tôi nhé”. Tôi ngạc nhiên thưa: “Thưa Đức Tổng, con nhận nhiệm vụ gì thế ạ ?” Ngài cũng ngạc nhiên: “Thế cha Giám Tỉnh không nói gì với cha à ?” – Thưa Đức Tổng, con không được nghe nói gì. “Đức Tổng cho tôi biết đã có quyết định đặt tôi làm Giám Đốc Truyền Thông Xã Hội của Giáo Phận và đã có sự đồng ý của Nhà Dòng”. Tôi không có ơn gọi làm giám đốc cái gì cả. Về sau tôi được biết cha Bề Trên Tỉnh lúc ấy là cha FX. Trần Tử Nhãn đã từ chối lời yêu cầu của Giáo Phận, với lý do: cha Tự Do có việc phải làm tại Nhà Dòng.

Toàn là những chuyện khó hiểu đối với tôi, nhưng tôi không hề thấy buồn phiền. Ở đâu tôi cũng cố gắng chèo chống và tận tình.

Một câu chuyện khác. Một ngày kia, tôi được gọi ra nhà khách và giáp mặt với một gia đình mà tôi không hề quen biết. Họ khẳng đinh là muốn gặp cha Tự Do. Chỉ kịp ngồi, ông chủ gia đình nói với tôi: “Thưa cha, ngày nào cha đi Manila, xin cha cho con gái của con theo cha”. Tôi lại ngạc nhiên vô cùng trước tin sốt dẻo đó. “Tôi làm gì ở Manila mà ông bà lại nói thế ?” Họ cho rằng tôi muốn dấu sự thật. Họ bộc bạch cho tôi biết tin là tôi đã được chỉ định đi Manila để làm Giám Đốc Chương trình Việt ngữ đài “Chân Lý Á Châu”.

Một lần nữa, tôi lại không “leo lên” được ghế giám đốc và cũng không hề tìm hiểu nguyên do của nguồn tin mà người ngoài biết trước cả đương sự. Thật tình ra thì trong các liên hệ trong ngành truyền Thông, cách riêng qua UNDA, cha Desautels, Dòng Tên đã có lần đề nghị tôi làm Truyền Hình Đắc Lộ. Tôi có thắc mắc: “Con không phải là Dòng Tên làm sao làm Giám Đốc Truyền Hình Đắc Lộ !” Ngài chỉ cười, giơ hai tay lên: “Cha cũng lại nghĩ sai rằng Truyền Hình Đắc Lộ là của Dòng Tên ư ?” Chính ngài cũng có lần nói là tôi nên đi Manila lo chương trình Việt ngữ dài Veritas. Thật tình thì tôi lại không muốn đi, và chỉ nói: “Tại Việt Nam con nhiều việc phải làm lắm, và tốt hơn là con thực hiện chương trình ở Việt Nam rồi gửi sang Manila để phát”.

Tôi thường nghĩ và vui thích thấy mình “ngồi trong phòng kín và sau chiếc máy thu âm”, “có tiếng nhưng không có miếng” để Tin Mừng được “phóng đi trên các nóc nhà”. Tôi đã từng chọn “không có đệ tử, không có “con cái”, khách của tôi không nhiều, mặc dầu nhiều người biết đến tên tôi. Tôi thích làm một người “không có mặt mũi” đang khi các anh em khác được người ta chào đón thân tình.

Tôi không thích dạy Giáo Lý, lo Hôn Phối... do đó tình cảm giữa tôi và Giáo Dân thường không mấy đậm đà. Không mấy gia đình quen biết phải dạy con cái gọi tôi bằng “ông nội, ông ngoại”, không mấy khi bị kêu là “bố”. Nhưng tôi thấy thoải mái, khi bài viết được đăng trên các báo, khi chương trình phát thanh phát hình được thực hiện và được phát đi. Không cần “cái mặt mẹt” của tôi mà chỉ cần “tiếng kêu trong rừng” được vang dội khắp nơi. Và tôi luôn thích cái khẩu hiệu “Tin Mừng cho thế giới qua làn sóng điện”.

8. TRUNG TÂM ÂM THANH VÀ ÁNH SÁNG

Tôi lao đầu vào thực hiện Trung Tâm Âm Thanh Và Ánh Sáng, gọi tắt là ATAS mà các bạn Mỹ thích gọn ghẽ đặt tên là SLC ( Sound and Light Center ).

Đặt ở đâu cái Trung Tâm ATAS đó ? Là DCCT, tôi nghĩ rằng công việc này phài nằm trong sinh hoạt của Dòng Chúa Cứu Thế. Đó là điều dễ hiểu, là tất nhiên.

Tôi đã trình bày với các Bề Trên trong Dòng với đề nghị dùng một mảnh đất nhỏ tại khu vườn của nhà Kỳ Đồng, lúc ấy có một mảng nhỏ làm nghĩa địa và số còn lại là cây cối, lơ thơ vài bụi chuối. Tôi chỉ xin 120m2. Sau mấy buổi họp, có kẽ hở cho tôi biết: Hội Đồng Tỉnh không chấp nhận vì... , vì... Có một vị trong ban cố vấn phát biểu rằng: cha Tự Do không dễ nhận sự từ chối này đâu, vả lại những gì ngài trình bầy dựa trên văn kiện Tòa Thánh và Luật Dòng rất xác đáng, “khó mà ngăn cản”. Cuối cùng: Hội Đồng quyết định rằng: cha Tự Do đuợc phép thực hiện công việc “ngoài Nhà Dòng”, về Tu Sĩ ngài vẫn thuộc Tu Viện Kỳ Đồng, nhưng mọi công tác trực thuộc quyền và sự chỉ huy của Tòa Tổng Giám Mục. Có vị trong ban cố vấn khẳng định rằng: “Công việc quá lớn, khó mà thành công. Cứ để cho ông ấy làm, vì ngăn cản không được đâu. Thất bại ông ấy sẽ về Nhà Dòng thôi”.

Tôi không ý thức được những khó khăn mà các Bề Trên đã thấy đâu. Tìm đâu ra đất để xây dựng ? Tiền bạc ở đâu ra ?

Đúng lúc đó thì một tai nạn giao thông xẩy đến cho tôi. Trong cuộc hành trình đi Xuân Lộc trở về, giữa cơn mưa tầm tã, đường trơn trượt lại sử dụng một chiếc xe bánh mòn đến tận vải, tôi đã bị lật xe tại Hố Nai, chân trái bị kẹt vào thành xe. Khi người ta nâng chiếc xe lên và đưa tôi ra thì chân tôi bị thương, vỡ đầu gối.

Tôi bị bó bột từ cổ đến chân, chỉ để vài lỗ hở cho các nhu cầu tự nhiên. Nhà Dòng nói là có Nha Tuyên Úy Công Giáo lo cho tôi. Nha Tuyên Úy nói là có Nhà Dòng lo cho tôi. Thế là tôi phải về gia đình ông em Giu-se Nguyễn Tiến Hanh. Tôi được cha Bề Trên đến thăm, ngài hỏi: “Cha cần gì không ?” – “Cám ơn cha đã hỏi thăm, cần thì nhiều lắm !” Ngài cười rồi ra về.

Giám đốc nha Tuyên Úy Công Giáo đến thăm cũng chỉ một lần: “Làm việc lại được chưa để tiếp tục chiến dịch “Mỗi Quân Nhân Một Tân Ước”. Về sau, tôi được gặp mấy cha Tuyên Úy quân đội Hoa Kỳ. Các ngài cho biết: “Đã đến hỏi tại Nha tuyên Úy Công Giáo địa chỉ của cha, nhưng người ta đáp là không biết”. Lúc đó, Đại úy Nguyễn Tiến Hanh, em tôi đang giữ nhiệm vụ trưởng ban báo chí nha Tuyên Úy Công Giáo.

Khi đã có thể đi lại được, tôi có đến dự tĩnh tâm với các Tuyên Úy Hoa Kỳ và không quên tình cảm của nhiều vị lúc nào cũng tỏ ra quí mến và giúp đỡ tôi. Có cả vị tuyên úy Do Thái và Tin Lành. Bà ân nhân của tôi ở Canada Gauthier gửi cho tôi một số tiền 800 USD. Nói là để tôi chữa bệnh. Chưa bao giờ tôi có nhiều tiền như vậy. Đổi ra tiền Việt Nam khoảng 300.000đ. Tôi nghĩ ngay đến việc dùng số tiền đó để xây dựng Trung Tâm ATAS, tại miếng đất 400m2 mà em tôi đã mua được tại Tân Phú. Trung tâm được xây dựng giữa một vùng đồng ruộng, đường đất lầy lội, lúc nào cũng vang dội tiếng ễnh ương chão chuộc. Nơi này chỉ có vài căn nhà nhỏ và ao hồ, trại chăn nuôi heo.

Không có tiền nào khác để trao cho ông thầu Lê Tiến, nên công vịệc xây dựng thường bị khựng lại. Tôi chỉ hứa với ông là có tiền sẽ trả cho ông ngay. Qua nhiều trao đổi, ngôi nhà tôi nghĩ là rất đơn giản đã biến thành nhà xây một lầu, với phòng thâu thanh, phòng ờ, phòng khách và cả nơi cho gia đình em tôi là Nguyễn Tiến Hanh. Ông Lê Tiến nói “Cha ở một mình sao được. Lại bị thương gẫy chân nữa. Con giúp cha làm thêm chỗ cho gia đình em cha”. Kinh phí đã lên đến khoảng 4 triệu bạc. Tôi vẫn không đưa thêm cho nhà thầu một món nào khác. Nhiều lần công việc phải ngưng lại, với mấy tấm ván đóng vào các lối đi và cửa sổ.

Cuối cùng thì ngôi nhà cũng xong với món tiền sơ khởi là 300.000 đồng và lễ khánh thành được tổ chức ngày 2.12.1972, lễ Thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê. Lễ nghi làm phép nhà, phòng máy, phòng thâu thanh do chính Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình chủ sự, có sự tham dự của nhiều Linh Mục, Tu Sĩ và Giáo Dân. Ca đoàn Tinh Thần trình diễn Thánh Ca, khói mầu được phun trên sân thượng, máy quay phim của Đài Truyền hình Vĩệt Nam làm tăng thêm vẻ long trọng.

Hính ảnh chụp lễ khánh thành được rửa tại Trung tâm và chỉ khoảng nửa tiếng sau được trưng bày trong phòng triển lãm. Thời gian chỉ là lúc các quan khách cắt bánh và tiếp tân. Băng thu buổi lễ được phát lại cho mọi người nghe. Nhờ sự hợp tác rất nhiệt tình của những cộng tác viên: Nguyễn Tiến Hanh, Nguyễn Văn Hồng, Trần Xuân Tiến, Nguyễn Văn Xưởng, Lê Đức Nghiệp... và của nhiều bạn hữu, giới trẻ.

Trong ngày, các vị Giám Mục Lê Văn Ấn, Trần Thanh Khâm, và nhiều Linh Mục đến. Ban đại diện các Giáo Xứ cũng đến dự các sinh hoạt, chung vui trong ngày đáng nghi nhớ này. Có cha nói: “Mình làm Nhà Thờ mời mãi mới được một Giám Mục đến làm phép, còn ngôi nhà nhỏ này lại có đến ba Giám Mục...“

Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình đứng trước công việc được thực hiện đã không giữ nổi tình cảm khích lệ của ngài. Vì đây chỉ là một nỗ lực cá nhân, không mang tính “Địa Phận”, ngài nói sẵn lòng đến “để khích lệ cha”, nhưng sẽ không nói gì để... Tôi trình với ngài là sự chúc lành của ngài cho Trung Tâm là quý hóa lắm rồi. Đức Tồng Giám Mục không nói cũng được. Khi thấy tận mắt công việc được thực hiện, ngài nói ngay: “Tôi không ngờ cha làm lớn như thế này”. Và ngài đã nói một bài dài cả mười phút với niềm vui và khích lệ.

Sinh hoạt tại Trung Tâm ATAS sôi động hẳn lên với công việc ngày càng thêm nhiều, thêm bề bộn. Có những việc làm tại nhà, có những toán công tác lên đường đi về tấp nập, sáng rất sớm, và kéo dài tận khuya. Nhà bếp lúc nào cũng sáng đèn, ăn sáng, ăn trưa, ăn tối và cả ăn đêm... Hết nhân viên thường trực đến các ca sĩ, nhạc sĩ và không thiếu gì bạn hữu bốn phương về tham quan, nhờ thực hiện chương trình, mua băng nhạc, in ấn sách...

9. SINH HOẠT TẠI TRUNG TÂM ATAS

Các băng Thánh Ca được thực hiện với sự hợp tác của các nhạc sĩ: Linh Mục Kim Long, Viết Chung, Vũ Huyến... Nồng cốt thực hiện là ca đoàn Tinh Thần và nhóm Viết Chung, có sự hợp tác của các ca sĩ Sơn Ca, Họa Mi... , với những tay nhạc như Bảo Chấn, và nhạc sĩ Guitar Đại Hàn Kim O Yong với lối chơi độc đáo riêng biệt. Dĩ nhiên là có thù lao “hữu nghị”, nhờ sự tận tình giúp đỡ của nhạc sĩ Đặng Đức Hưng, giáo sư Clarinette tại Học Viện Aâm Nhạc. Tôi nhớ có mấy nhạc sĩ buổi đầu nhận thù lao nhưng về sau, có người xin tình nguyện giúp, trong số đó có người không Công Giáo. Họ phát biểu: “Tôi không ngờ nhạc Đạo hay như thế”.

Một trong những người hợp tác thường xuyên nhất của Trung Tâm ATAS trong chương trình phổ biến băng nhạc đạo là Linh Mục Kim Long mà nhiều người đã được nghe danh. Có những cuốn băng được ngài cố vấn thâu thanh. Có những ngày ngài ngồi suốt trong phòng máy để nghe lại những bài đã thu, chọn lựa những thực hiện đạt tiêu chuẩn nhất, đề nghị chuyên viên thu thanh cho mạnh nhẹ tùy theo tâm tình và dòng nhạc.

Các băng nhạc tiếp nối nhau được phát hành: Ave Maria, Hương Lạ, Thiếu Nhi, Giáng Sinh, Mùa Chay và Phục Sinh...

Một số sách được ấn hành, Trung Tâm cũng phát hành đặc san để gửi đến thân hữu. Trung Tâm có họa sĩ suốt cả ngày chỉ lo việc thực hiện các bìa sách, bìa băng. Họa sĩ lắm khi không vừa ý đã xé những gì anh đã lao tâm thực hiện trong nhiều ngày để vẽ lại, mặc dầu lắm khi băng đã thu xong mà bìa băng vẫn còn phải chờ đợi.

Trung Tâm có những chương trình phát thanh: “Thiếu Nhi Hồn Việt” qua đài Buôn Ma Thuột và chương trình phát ra Bắc qua đài Tự Do “Tôn Giáo và Đời Sống”. Chương trình này có sự hợp tác của các lãnh đạo tinh thần các tôn giáo, đặc biệt có Thượng Tọa Thích Trí Dũng. Chương trình được phát 2 lần trong tuần, hướng về Miền Bắc với tinh thần hòa hợp dân tộc và là tiếng nói của tình thương và lòng tin vào những giá trị thiêng liêng cao cả.

Với những chiếc máy thu tân tiến thời đó, hiệu UHER, phóng viên của chúng tôi đi tận các nơi có sự kiện đáng nghi nhớ, thu thanh lại và thực hiện những chương trình sống động. Suốt mấy năm thực hiện chương trình, tôi không nhận được âm vang gì từ miền Bắc. Điều đó dễ hiểu. Niềm an ủi đối với chúng tôi đến muộn khi sau 75, được gặp Đức Hồng Y Giu-se Trịnh Văn Căn và sau khi được giới thiệu về tôi, ngài cho tôi biết là thường nghe chương trình Tôn Giáo và Đời Sống: “Nhờ đó tôi đã được nghe tiếng nói của mẹ tôi”. Bà cố của Đức Hồng Y – lúc đó mới là Tổng Giám Mục – cùng với một số người trong gia đình sinh sống tại Giáo Xứ Phú Bình, Giáo Phận Sài-gòn.

Liên hệ đến việc này, có một kỷ niệm: Linh Mục Nguyễn Ngọc Lan lúc ấy không ngần ngại tỏ ra thái độ “chống Mỹ, chống chiến tranh...” Ông chỉ vào mặt tôi: “Từ khi biết anh hợp tác với Mỹ ở đài phát thanh Tự Do, tôi không thèm chơi với anh nữa”. Đối với Nguyễn Ngọc Lan, thì lúc ấy đài Tự Do vẫn là Tâm Lý Chiến, do Mỹ bảo trợ. Nhưng thời gian tôi hợp tác thì đài đã được trao cho Việt Nam sử dụng và tôi tự nguyện thực hiện chương trình “Tôn Giáo và Đời Sống” mà không lãnh thù lao của đài, chỉ mong có một nơi để hành động đúng theo tôn chỉ của Trung Tâm: “Tin Mừng cho thế giới qua làn sóng điện – The Good News to the World through air waves”.

Mỗi lần Trung Tâm có biến cố gì thì đài Truyền Hình Quốc Gia cũng cho quay phim với máy ORICON tối tân nhất thời đó. Một cơ quan của Mỹ cũng đến làm phóng sự về Trung Tâm.

Các công tác của Trung Tâm ATAS đang tiến hành tốt đẹp, nhờ sự nâng đỡ tinh thần và lời khích lệ của Đức Tổng Giám Mục, của các Bề Trên trong Dòng thời đó: cha Giám Tỉnh Henri Bạch Văn Lộc, cha phó Giu-se Trần Hữu Thanh.

Trong số ân nhân của Trung Tâm, phải kể cha Desautels, Dòng Tên, ngài đã từng đến Trung Tâm với những lời khen lao chân thành. Khi biết tôi làm công tác truyên thông, ngài đã đề nghị cho tôi đi “du học”. Sau một thời gian, ngài nói với tôi: “Chúng tôi không cho cha đi nữa”. Tôi chưa kịp hiểu và tỏ ra ngạc nhiên, không vui. Ngài phá ra tiếng cười và nói: “Tôi đổi ý, vì khi nhìn thấy những gì cha đang làm thì nhận xét cha không cần đi học, cha làm hơn những gì người ta dạy. Nhưng tôi dành một chỗ cho một người của cha. ”

Ngài muốn tôi đi một vòng “cho biết” những gì người ta làm ở các nơi. Tại Hội Đồng UNDA quốc tế tại Ái Nhĩ Lan, mặc dầu tôi không trình dự án nào, ngài cũng lên tiếng nói về công việc của tôi tại Việt Nam và theo ngài nói: để khích lệ nỗ lực của tôi, ngài đề nghị Hội Đồng cấp cho tôi một món quà 4.000 USD.

Tôi không bao giờ quên vị Linh Mục chuyên về ngành truyền thông phụ trách vùng Úc-Á của tổ chúc UNDA. Sau 75, như các người ngoại quốc, ngài phải rời Việt Nam và tôi biết ngài tiếp tục hoạt động trong ngành truyền thông quốc tế. Tiếc là tôi không còn được tiếp xúc và nhất là hợp tác với ngài trong công cuộc Tông Đồ Truyền Thông.

Một ân nhân khác phải nhắc tới là Linh Mục Raymond Jean de Jaegher, người sáng lập “Thái bình Dương Tự Do”, một người bạn của Việt Nam. Một tình cờ do Quan Phòng Thiên Chúa đã đưa tôi gặp ngài. Một ngày kia, tôi đến Tòa Tổng Giám Mục gặp Đức Cha Nguyễn Văn Bình về nhiều việc. Tôi đang đi lên cầu thang thì có một Linh Mục người nước ngoài đi xuống. Chúng tôi chào nhau. Ngài dừng lại và hỏi tôi là ai, làm gì, ở đâu... Tôi khai lý lịch và cho ngài biết tôi lo về phát thanh. Mặt ngài tươi lên: “Hay quá, tôi có thể biết thêm về công việc của cha. Cha có thể cho tôi một bữa hẹn... ”

Tôi đã đến gặp ngài, đón ngài đến tham dự một buổi tập dượt của ca đoàn Tinh Thần. Ngài quan sát phòng thu của tôi, hỏi han về công việc của tôi và cuối cùng ngài nói: “Il faut qu’on vous aide” ( “Phải giúp đỡ cha !” ). Từ đó ngài hướng dẫn tôi trong nhiều liên hệ với bạn hữu của ngài, trong đó có người phụ trách ROFA -Radio Of Free Asia, lúc ấy đang thời gian thành lập và bắt đầu hoạt động. Và từ đó, chúng tôi được nâng đỡ trong các dự án và hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt trong chương trình “Phát Thanh Giáo Dục Y Tế”, phối hợp việc khám bệnh phát thuốc miễn phí cho người nghèo tại các làng mạc xa xôi và đồng thời phóng thanh tại chỗ, phát bướm về vệ sinh sức khỏe.

Từng toán công tác gồm bác sĩ, y tá, cán bộ lên đường công tác mỗi ngày và nhất là vào Chúa Nhật. Chuyên viên phòng máy thực hiện các chương trình sẽ được phóng qua hệ thống loa tại các địa điểm hoạt động. Lắm lúc xe phóng thanh cũng di chuyển qua làng mạc để những người ở xa hay không đến được cũng phần nào biết được công việc. Các làng mạc, các xứ nghèo quanh Sài-gòn đã hẳn, nhiều nơi xa xôi tận Cần Đước, Cần Thơ, Bình Dương... cũng được viếng thăm. Các chùa chiền cũng không ngại đón chúng tôi, và Tòa Thánh Tây Ninh đã mời đoàn công tác đến ở tại đó để trong mấy ngày, khám bệnh phát thuốc cho đồng bào Cao Đài.

Thời gian ấy, an ninh lắm nơi có khó khăn, và có lần chính quyền địa phương đã huy động xe bọc thép hay tầu thuyền hộ tống đoàn vào các làng mạc xa xôi thiếu an ninh. Tôi nhớ ở một nơi kia vùng Long Hải, Bà Rịa, trong một lần tận trong rừng, có người anh em “Mặt Trận” đến và hỏi chúng tôi có săn sóc cho anh em không. Không khó lắm để những anh em “bên kia” nhận thấy công việc này không có giới hạn nào cả. Có lẽ do đó mà chúng tôi không bao giờ gặp những khó khăn gì.

Sau này khi vào tù “cải tạo”, cán bộ chấp pháp nói với tôi một cách chân thành: “Chúng tôi biết rõ các việc ông làm đều là những việc ích cho dân cả...” Rõ ràng Linh Mục không làm chính trị và nhất là không lợi dụng tôn giáo để làm chính trị, như tôi đã khẳng định.

Hạnh phúc của tôi và của các cộng tác viên, đa số tự nguyện và không nhận thù lao là đã đem đến niềm vui an ủi cho những người nghèo đau khổ, và tôi luôn cảm tạ Chúa đã dùng chúng tôi, đã cho chúng tôi những phương tiện để giúp đỡ người cùng khổ mà kinh nghiệm cho chúng tôi thấy là “luôn có ở giữa các con”, như Chúa Giê-su đã dặn bảo từ trước kia.

Trung Tâm ATAS còn có chương trình chiếu phim lưu động, theo lời mời hay cho phép của các Giáo Xứ, cộng đoàn. Hệ thống chiếu phim 16 ly, âm thanh, chuyên viên và cả ngươi thuyết minh đi đến địa điểm khi trời còn sáng, phóng thanh các chương trình gồm giảng thuyết, thánh nhạc, huy động cả làng, cả Giáo Xứ tham dự. Thường Linh Mục gặp gỡ bà con trong những câu chuyện thích hợp và khi đã chật sân, phim được chiếu lên với những lời thuyết minh giúp mọi người dễ dàng theo dõi câu chuyện.

Nhiều phim đạo được trình chiếu và ngưới ta không phải trả một món tiền nào, kể cả nước uống mà nhân viên của chúng tôi luôn đem theo để không làm phiền lụy đến ai. Trung Tâm đầu tư một món tiền lớn để mua những cuốn phim hay và xây dựng một “phim viện – Filmothèque” để cho các cha hay các tổ chức có thể mướn về chiếu với chi phí là 500 đồng thời đó cho một lần chiếu.

Đây lại là một kinh nghiệm không vui mấy cho chúng tôi. Có những vị “khả kính” giữ phim nhiều tháng dài. Sau nhiều lần được yêu cầu trả phim, các vị ấy cho người cầm phim “ném lại” cho chúng với lời nhắn cụt ngủn: “Xin cha thông cảm, vì trời mưa quá không chiếu được lần nào”. Nói gì đây !?! Phim đi cả mấy tháng mà không đem lại một đồng bạc nào ! Thế rồi có một ngày, một người ở vùng đó gặp chúng tôi. Ông vui vẻ nói: “Phim của cha được chiếu nhiều lần và ai cũng thích”.

Đối với chúng tôi thì việc kiểm chứng không khó. Chuyên viên của chúng tôi đã kiểm lại phim và đã mấy chục lần phải dán lại những khúc phim bị đứt. Tôi chỉ còn cách nhắc các cộng tác viên nhớ đến cái châm ngôn nằm lòng: “Truyền thông thì chỉ có ra chứ không có vào”. Chí hướng “Tông Đồ Truyền Thông” của chúng tôi có bị lợi dụng không ? Còn có “tí Chúa” như chúng tôi thường nói với nhau.

Trung Tâm được biết đến mỗi ngày một nhiều hơn, nhất là khi tờ Thông Tin của Địa Phận Sài-gòn, Huế đăng tin Đức Cha Nguyễn Văn Bình tỏ lòng ưu ái khi luôn cho đăng các bản báo cáo tôi gửi về cho Tòa Tổng Giám Mục mỗi tháng, và tuy ở nơi hẻo lánh, Trung Tâm vẫn luôn thường xuyên đón tiếp nhiều khách tham quan từ các Giáo Phận, và cả từ ngoại quốc. Cha Raymond Jean de Jaegher, cha Desautels, cha Duy Vy, cha Nguyễn Quang Tuyến, đại diện Đài Rofa... thưồng lui tới thăm viếng, khích lệ.

Vào thời buổi này, tôi nhận được đề nghị của Dòng Chúa Cứu Thế và của Tòa Tổng Giám Mục Sài - gòn. Cha Trần Hữu Thanh, lúc ấy làm phó Giám Tỉnh, nói với tôi: “Nếu Nhà Dòng yêu cầu cha đem Trung Tâm về Kỳ Đồng thì cha có bằng lòng không ?”. Tôi không chút ngập ngừng: “Con đồng ý ngay, nhưng chỉ xin Nhà Dòng cho con một căn phòng lớn làm phòng thu thanh. Máy móc con sẽ trang bị cho”. Tôi không biết đề nghị trên có phản ảnh ý muốn thật sự của các Bề Trên không, vì từ đó tôi không nghe nói lại gì.

Thế nhưng cha phó Giám Tỉnh Giu-se Trần Hữu Thanh lúc nào cũng nhiệt tình đối với mọi công việc tại Trung Tâm và thường đại diện Bề Trên Giám Tỉnh tham dự mọi nghi lễ quan trọng tại Trung Tâm như khi phát động chương trình “Phát Thanh Giáo Dục Y Tế” có sự chủ tọa của Bộ Trưởng Y Tế. Nhiều cha như cha Maurice Benoit, Denis Paquette, Đinh Ngọc Quế... cũng nhiều lần hiện diện với lời khích lệ.

Lm. NGUYỄN TỰ DO, DCCT ( còn tiếp nhiều kỳ )

No comments: