Thursday, 29 April 2021

Suy niệm Chúa Nhật Thứ Năm Phục Sinh Năm B 02/5/21

 

Suy niệm Chúa Nhật Thứ Năm Phục Sinh Năm B 

 

Cái mầu nhiệm vô biên,

“Qua bàn tay em mỗi ngày hiển hiện.”

(dẫn từ thơ Lưu Trọng Lư)

 

Ga 15: 1-8

Với nhà thơ ngoài Đạo, màu nhiệm vô biên là như thế. Rất giống thế. Với con dân Đạo Chúa, màu nhiệm ấy nay đà thấy nơi Đức Kitô, như trình thuật thánh Gioan rày diễn tả.

Trình thuật thánh Gioan, nay diễn tả là diễn và tả về Đấng tràn đầy Thần Khí, tức Đức Giêsu Kitô. Ngài là Chúa, rất thật như lịch sử cho thấy, mà không cần chứng minh. Tuy nhiên thời tiên khởi, nhiều người lại coi đây như danh xưng lờ mờ, chưa chứng tỏ. Có lẽ vì thế, cũng nên suy về thiên tính của Ngài để khám phá thêm về Đức Chúa.

Thời xa xưa, khi nói Thiên Chúa là nói đến Giavê. Nếu có ai hỏi về những người sống cùng thời với Đức Giêsu xem Ngài có là Giavê Thiên Chúa không, thì câu trả lời khi ấy sẽ rất nhanh là tiếng “không”. Và, nếu có hỏi chính Đức Giêsu cũng bấy nhiêu từ, thì chắc hẳn Ngài cũng nói tiếng “không” hệt như thế. Bởi, người sống gần gũi Đức Giêsu lúc ấy, vẫn không nghĩ Ngài là Giavê Thiên Chúa, hoặc Đức Chúa của ai, mà Ngài chỉ là ngôn sứ do Giavê gửi đến, thôi. Thế nên, người sống ở thời của Chúa ít khi thắc mắc về “thiên tính” của Đức Giêsu, cũng dễ hiểu.

Ngay thánh Phaolô cũng ít khi tự vấn mình bằng câu hỏi Đức Giêsu có là Thiên Chúa không? Tất cả các thánh thuộc Giáo hội thời ban đầu đều có ý nghĩ: Đức Giêsu có tràn đầy thiên tính nên Ngài mới kết hợp mật thiết với Thiên Chúa đến độ ngoài Ngài ra, không ai có được cảm nghiệm nào như thế. Kết cục là, Thiên Chúa vẫn hiện hữu và nổi lên cách đương nhiên ở bên trong và chung quanh Đức Giêsu, vì con người. Đức Giêsu sẻ san mọi điều Thiên Chúa đã và đang làm với Chúa và trong Chúa. Và, Thiên Chúa cũng thực hiện công trình của Ngài với Đức Giêsu và trong Đức Giêsu. Thiên Chúa và Đức Giêsu ở gần nhau đến độ không ngôn ngữ nào nói lên được sự gần gũi ấy.

Tín hữu thời giáo hội tiên khởi phải mất một thời gian dài mới tìm ra ngôn ngữ chính xác để nói lên tương quan giữa Đức Giêsu và Thiên Chúa cũng như giữa Thiên Chúa và Ngài. Tương quan ấy, dựa trên niềm tin rất chính xác rất mới về tính “có một không hai” của Đức Giêsu. Tín điều này, nảy sinh và lớn mạnh cũng chậm, nhất là với thế giới Hy Lạp. Ngay Tin Mừng của các thánh cũng viết theo văn phong cốt cách nhằm lôi cuốn sự chú ý phấn khởi của mọi người để biết rõ Đức Giêsu là Đấng nào. Tin Mừng các thánh viết ra không là văn bản lịch sử và cũng không là định nghĩa chính thức về Ngài. Tân Ước chỉ để ra đôi đoạn rời rạc về chuyện này và xem ra cũng không mang tính nhất quán. Có Tin Mừng nói rất rõ về thiên tính của Chúa, trong khi đó, có bản lại nói ngược hẳn.       

Chừng như nhận thức công khai và rộng rãi về thiên tính của Đức Giêsu chỉ có được vào những năm cuối thế kỷ đầu, thôi. Nhiều người lại cứ nghĩ: mặc khải về thiên tính của Đức Giêsu, là điều cốt yếu của niềm tin, và được củng cố theo khuôn thước của Công đồng Hy Lạp bằng cung cách dễ tiếp cận. Sự thật tuy còn đó, nhưng ngôn ngữ con người vẫn luôn nghi ngờ hết mọi sự. Thật ra, người thời ấy vẫn thấy khó mà nắm được ý nghĩa ngôn ngữ mà họ sử dụng hằng ngày. Giống như tiếng Hy Lạp vẫn là thứ ngôn ngữ rất lạ, đối với người thường. Lạ đến độ, có người vẫn tự hỏi lòng mình xem có cách nào khác để khám phá ra thiên tính đích thực của Chúa không? Cung cách mới chứ không phải ngôn ngữ cổ của thời xưa.

Có lẽ một trong các phương cách chính yếu để khám phá ra Thiên tính đích thực của Đức Giêsu là bằng vào kinh nghiệm nghèo. Vốn mang tính “người” như mọi người, Đức Giêsu đã khám phá ra người nghèo; đồng thời Ngài khám phá ra điều gì đó cũng rất cao siêu nơi người nghèo, chứ không chỉ mỗi sự đói nghèo hoặc túng thiếu. Cái “có thêm” vào sự nghèo đói, mới là trọng tâm đích thực của thiên tính. Là, sự thể rất thực về tính “Thiên Chúa”. Là chân trời. Là, bầu khí và chính Chúa. Nơi đó, người nghèo được tuyệt đối thương yêu theo cách nào đó, chứ không theo ngôn từ của thế gian như mọi người vẫn biết; hoặc, theo cung cách của Thiên Chúa như ta vẫn nhận thức. Và, bầu khí ấy không có ranh giới. Đó mới là điều ta cần suy nghĩ cho đúng đắn.

Kinh nghiệm, không chỉ khả thi đích thực thôi, nhưng còn là sự thể chính đáng đối với Đức Giêsu. Và, cũng là chuyện chủ yếu cho bất kỳ một ai và tất cả những ai có kinh nghiệm về Thiên tính của Đức Giêsu và về chính Ngài. Và như thế, kinh nghiệm Ngài có về người nghèo không phát sinh từ sự gần gũi Thiên Chúa. Và, cũng không là lập luận có từ ngôn từ và định nghĩa về Thiên Chúa theo cách nào đó. Trái lại, đó là văn mạch duy nhất trong đó, ngay từ đầu, đã là sự gặp gỡ một Thiên Chúa khác, Đức Giêsu khác.

Đức Giêsu tự đồng hoá Ngài với người bé nhỏ, và trong tương quan giữa Ngài và người nghèo, không có sự cách biệt hoặc rào cản nào hết. Đó là tương quan toàn diện và gói gọn trong họ, không kỳ thị. Cũng chẳng phân cách. Ngài cũng đã khám phá ra Thiên Chúa. Chí ít, là khi mọi người quyết sống như đã thể hiện ở Nước Trời. Và thiên tính của Chúa còn rõ ràng hơn, phản ánh qua chữa lành và cấp phát lương thực như được kể ở truyện dụ ngôn, cho dễ hiểu.

Tất cả các điều này, được thể hiện một cách sống động qua cung cách sẻ san của ăn/thức uống nơi thôn làng ở Biển Hồ Tibêriát, để rồi kết cục bằng giao ước sống động đã thành hiện thực. Đó là thị kiến vĩ đại về hệ thống phân phối đồng đều cho mọi người. Hệ thống, có sự đồng tâm cổ võ của những người cùng về với tương lai rất sáng sủa. Bằng vào văn mạch ấy, Đức Giêsu đã có kinh nghiệm hiểu biết rất mới về Thiên Chúa; về giao ước và Nước Trời. Và ý tưởng cổ xưa về Thiên Chúa, đã trở nên trống vắng, nay lại có ý tưởng mới về hiến trọn thân mình theo cách khác, từ một Đức Chúa rất khác.

Thiên Chúa đây vẫn đang sinh hoạt rất năng động. Ngài sinh hoạt qua Đức Giêsu. Và, Đức Giêsu biết Ngài qua kinh nghiệm bản thân rất như thế. Vốn tự biến thành Hữu thể trống trải và chất vào người của Ngài sự viên mãn của Thiên Chúa, đó là hai mặt của một thực tại. Sự trống trải nay ngập tràn, đã trở nên dễ chịu nhờ có sự dễ chịu là chính Thiên Chúa. Thiên Chúa như thẩm thấu và thấm nhập nơi Đức Giêsu cách trọn vẹn đến độ Ngài hiện hữu và không làm gì khác ngoài việc nảy sinh từ sự hiện hữu trọn vẹn này.

Đó là trọng tâm hiện hữu của Ngài. Vốn là người, Ngài không tách rời một ai, như vẫn hoà mình trọn vẹn với Đấng khác, để từ đó ta dám nói: Đức Giêsu “hiện hữu” cách hài hoà với Thiên Chúa. Ngài là Thiên Chúa rất Chí Thánh. Cũng vậy, vốn là Thiên Chúa, Ngài siêu việt và tự tràn đầy đến độ kết hiệp hài hoà trọn vẹn với các Đấng khác, nên Đức Giêsu và Thiên Chúa là Đấng Chí Thánh rất Thiên Chúa.

Có thể là, ảnh hình về Đức Giêsu trổi vượt lên hôm nay, không còn thích nghi với truyền thống niềm tin rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa, nhưng được mọi người thời nay yêu cầu ta tin như niềm tin vẫn có thời cổ xưa. Và nhiều người đều đã có kinh nghiệm như thế.

Vậy, Đức Giêsu là Thiên Chúa đích thực? Vâng, đúng là như thế, nếu ta thực sự muốn nói về Thiên Chúa (viết hoa). Và, Đức Giêsu, Con Thiên Chúa hằng sống, cũng sẽ dạy ta về Thiên tính của Ngài là như thế, rất Thiên Chúa.

Trong tâm tình ấy, tưởng cũng nên trở về với thi ca ở ngoài đời, để rồi sẽ lại ngâm nga mà rằng:

            “Cái màu nhiệm vô biên,

            Qua bàn tay em mỗi ngày hiển hiện.

            Đàn đã qua bao cung gió chuyển,

            Còn vọng vang tiếng nhấn tơ đầu.”

            (Lưu Trọng Lư – Chải Lại Đời Anh)

 

Màu nhiệm vô biên, là Thiên Chúa vô biên vô cùng, rất Giêsu. Giêsu Thiên Chúa là Đấng vô biên vô cùng, cũng rất Chúa. Đấng “Có” từ đầu cho đến cuối hết, vẫn vô biên vô cùng, muôn kiếp. Rất Thiên Chúa. Của tôi. Của chúng ta.

    

 

 

Lm Kevin O’Shea DCCT biên soạn,

Mai Tá lược dịch

 

Friday, 23 April 2021

Suy niệm Chúa Nhật Thứ Tư Phục Sinh Năm B

 

Suy niệm Chúa Nhật Thứ Tư Phục Sinh Năm B 

 

Vọng thanh nghe rợn, hồn cô tịch

“tôi hiểu, lòng anh chửa toại nguyền.”

(dẫn từ thơ Đinh Hùng)

 

Ga 10: 11-18

“Chửa toại nguyền”, là bởi hồn anh còn cô tịch. “Thanh nghe rợn, là vì tâm trạng nhiều người ở thánh Hội thời tiên khởi vẫn muốn Chúa Chiên tập hợp toàn thể chiên con về chung ràn, như thánh Gioan diễn tả ở trình thuật.

Trình thuật nay thánh sử ghi, là ghi về Chúa Chiên Hiền từng khẳng định: “Người chăn chiên tốt, chính là Ta! Người chăn chiên tốt thí mạng sống mình vì chiên.” (Ga 10: 11) Nói xong, Ngài lại tiếp:“Ta còn những chiên khác không thuộc ràn này; các chiên ấy, Ta cũng phải chăn dắt.” (Ga 10: 16) Nói lên điều này, Chúa muốn nói đến các giáo hội cùng tin một Chúa vẫn ưu tư chuyện đại kết, rất hài hoà. Suy về điều ấy, tưởng cũng nên biết thêm một chút lịch sử về nguồn gốc các chiên ràn, khác chánh kiến.

Thật ra, thì sự khác biệt giữa các chiên ràn thời tiên khởi do có ly tâm phân rẽ bên trong giáo hội cũng đáng buồn. Đó, là thời mà nhiều nhóm hội/đoàn thể tuy cùng tin một Chúa, nhưng lại chủ trương phụng vụ và luật lệ theo cách khác. Các ngài đã ứng đáp với tình hình Hội thánh lúc ban đầu theo cung cách rẽ chia/phân lìa mãi hôm nay. Lịch sử Đạo còn cho thấy: Hội thánh đã có những đoạn đường lịch sử có chứng tích rất đa dạng. Thế nên, cho đến hôm nay, đạo hữu theo chân Chúa vẫn ấp ủ đường hướng giáo dục vẫn qui về “hội thánh duy nhất, thánh thiện” chỉ mỗi Công giáo mình để rồi lại sẽ bảo rằng ngay từ đầu, Hội thánh không đấu tranh giành phần cho phe nhóm nào hết. Nhưng, sự thật không phải thế. Từ ban đầu, Hội thánh mang nhiều dạng thức rất khác biệt. Và, đó chính là lý do khiến thánh Hội của ta cứ mãi đề cập đến chuyện tập họp chiên ràn làm một để Chúa ấp ủ, suốt mai ngày.

Ở thời rất sớm, kiều dân Do thái đã phải nổi lên chống báng ngoại bang để rồi kết thúc bằng một trận chiến kéo dài từ năm 66 đến 70. Lúc ấy, là thời kỳ thành thánh Giêrusalem bị ngoại xâm phá huỷ đến tan tành. Mọi Kitô hữu, đều tản mác đi khắp chốn. Và, dấu vết các ngài để lại, đã được tìm thấy ở Galilê và Syria, cũng rất nhiều. Duy, mỗi cộng đoàn thánh Phaolô gồm kiều bào Do thái là rớt lại đến ngày nay. Và, có thể nói mà không sợ quá lời rằng: tín hữu con dân Chúa sống còn đến hôm nay là cánh tay nối dài của cộng đoàn thánh Phaolô nói đến vào thời này.

Từ ban đầu, kiều dân Do thái đã phải giáp mặt với nhiều khó khăn mới, một trong số đó là ngóng đợi ngày Chúa quang lâm vẫn muốn Ngài lại đến với họ một lần nữa mới toại nguyện. Nhưng, chuyện này xem ra không xảy đến. Phải chăng đó là niềm hy vọng viển vông, không thật? Hoặc, tín hữu dân con Chúa vẫn phải sống chuỗi ngày dài không thấy Chúa trở về lại với mình như lịch sử chứng minh, phải chăng đó là sự thật rất khách quan? Và, con dân Đạo Chúa ra như đã và đang lao mình vào với nền văn hoá của ngoại bang, vốn là chuyện rõ như ban ngày. Kết cuộc là, các thánh đã đánh mất đi căn tính tư riêng của mình, cũng là điều dễ hiểu.

Kịp đến thế kỷ thứ hai, dân con/tôi tớ Chúa không còn sốt sắng sống đời thực tế mãi cho đến đầu thế kỷ thứ 3 các ngài mới bắt đầu sở hữu đất đai, sinh hoạt trong các hang toại đạo, nơi phụng thờ và ở đền thánh; để rồi, biến các nơi ấy thành chốn thánh thiêng đặc biệt dành cho Chúa. Cũng mãi về sau, các thánh mới triển khai tín lý của Giáo hội mình gồm một số tín điều rất mới, như: Đức Mẹ Đồng Trinh sạch sẽ, hoặc lời khuyên bảo hãy chết đi cho tội lỗi, để rồi tất cả sẽ trỗi dậy mà đạt chốn hạnh phúc rất miên trường. Mãi về sau, ý niệm về một Hội thánh duy nhất, thánh thiện và chính thống đã từ từ hội nhập vào lòng tin qua giải thích khác biệt.

Từ buổi đầu cho đến giữa thế kỷ thứ tư, đã thấy sự xuất hiện một đế chế gọi là triều đại Constantine, vị hoàng đế khá nổi danh với lời tuyên bố sẽ châm chước cho các Kitô-hữu sống trong đế quốc của ông cả ở trời Đông lẫn phương Tây. Và, ông cho phép mọi người được tự do chọn lựa niềm tin theo ý mình. Kể từ đó, Đạo Chúa trở thành thực thể xã hội sống động. Nhưng, đó chỉ là “văn bản” niềm tin vào Chúa được Constantine chuẩn thuận, mà thôi. Trong khi đó, hầu hết mọi tôn giáo khác, dù cùng tin một Đức Kitô, đều đã phải đi vào chốn âm thầm lặng lẽ, hoặc biến dạng.

Từ quá trình nền tảng được coi như địa bàn soi dọi lối sống đạo và hành xử theo cung cách đạo hạnh, lại thấy xuất hiện một giáo phái mang nhãn hiệu “chính thống”, rất công khai. Trước đó không lâu, một số vị đã tỏ ra không ít thì nhiều đã mang tính tích cực hơn về các chủ đề có liên quan đến người Do thái. Những người khác, không nhiều thì ít, cũng chứng tỏ rằng mình thuộc cộng đoàn thánh Phaolô, nên đã ít nhiều gắn bó với thể chế có kinh nghiệm đạo hạnh khác nhau. Có nhiều bạn đạo, lại đã tham gia dấn bước nhiều hơn vào với tín điều và công thức niềm tin tư riêng. Cuối cùng thì, với triều đại Constantine, một điều khiến Đạo Chúa nối kết hài hoà với nhau, là lập trường khá chính thuần. Duy, chỉ mỗi giáo phái tự cho mình là chính thống ngay từ đầu, mới có cơ phát triển/phổ biến giáo huấn chủ trương rằng Đức Kitô vừa mang Thiên tính, vừa có tính “người” hơn ai hết. Chính Chúa là Đấng duy chỉ một, nhưng Ngài lại gồm những Ba Ngôi. Kịp đến cuối thế kỷ thứ 2, là thời mà nhóm chính thống tiên khởi tồn tại, lại thấy có nhóm khác đi vào giòng “lịch sử âm thâm/trầm lặng” đến độ không ai còn nhớ đến.   

Đôi lúc, nhiều người nhận thấy phần đông các tín hữu Công giáo hiểu rất ít hoặc chẳng sở đắc kiến thức nào về lý lịch Đạo mình. Thậm chí có vị chỉ có trong đầu vài ba ý tưởng lờ mờ về nhóm Cải Cách tách biệt khỏi Hội thánh Công giáo, thôi. Và họ coi như “chỉ mình họ” là nhóm/hội thừa hưởng tính chính thuần sau nhiều luận tranh, giành quyền rất kéo dài, và phía còn lại ở đầu bên kia Đạo Chúa, toàn những sai sót hết. Và người nhà Đạo của ta, cứ thế cho rằng Chúa Chiên HIền Lành là đặc sản/đặc trưng của nhóm Đạo mình thôi. Kỳ thực, mọi chuyện đều không phải thế.

Quả là thời đó, trong số các đạo hữu dấn bước theo chân Đức Kitô, có nhiều điều rất khác biệt. Và, có một số điều ta không tài nào hoá giải được. Thế nên, có lẽ vì vậy mà ta vẫn ước ao làm sao có được tình đại kết, gắn bó. Vẫn nguyện cầu cho đại kết thành hiện thực. Và nhất là, cố chờ cho sự thể này được xảy đến cũng rất chóng. Chừng như mọi người chỉ biết mỗi điều, là: ta vẫn chưa biết cách làm thế nào để tất cả kitô-hữu, tức các kẻ tin vào Chúa, có thể đến với nhau làm “một” mà không cần tranh giành, biện giải. Đến với nhau, để thấy rằng: thời buổi qua, các đấng bậc ở trên cao cũng rối bời đầy tranh chấp về hầu hết các vấn đề thuộc mọi khía cạnh.

Chuyện như thế, lại đã ảnh hưởng lên tâm tưởng ta vẫn có về Đức Chúa. Trên thực tế, điều đó còn ảnh hưởng lên ý tưởng mà mọi người vẫn có về Chúa. Và, phần lớn các tranh luận của cộng đoàn thánh hội thời tiên khởi, thường là: hãy nên coi lại ảnh hình ta có về Đức Chúa (hoặc Đức Giêsu) là Chúa Chiên Hiền Từ, với mọi người. Tất cả, đều có khó khăn với loại ảnh hình khá “nặng nề” về Chúa. Bởi, họ đều muốn một loại ảnh hình về Đức Chúa thôi, nhưng lại không biết rằng: định nghĩa nào dù rõ nét về ảnh hình Thiên Chúa đều phải “dễ thưong” và “cởi mở” hơn mọi thứ. Đa phần thì, điểm “khác biệt“ giữa các giáo hội là đến từ các cuộc tranh luận về chân dung Chúa, ngay từ buổi đầu của Hội thánh.

Vấn đề, nay nên hiểu là: Đức Giêsu, Chúa Chiên Hiền Lành là của tất cả mọi chiên ràn, thuộc mọi hệ cấp giáo hội. Tất cả các chiên con đều tin vào Ngài. Và, Ngài cũng tin tưởng mọi chiên con đến với Ngài. Chúng ta đây, vẫn yêu thương/tự hào về truyền thống rất thánh của Công giáo mình, nhưng cũng nên biết là: ta vẫn hằn in lý lịch thuộc truyền thống khác nhau. Có thế, ta mới có thể hiểu, chia sẻ và cảm thông với sự việc đang xảy đến với Giáo hội là quyết thay đổi lập trường về “đại kết”.

Thay đổi đây, không theo nghĩa cho rằng: giáo hội bạn xưa nay có sai sót, sẽ phải về lại với ta, là “văn bản” chính thống rất mực, bởi ta mới là thành phần đích thực có đạo đức/chức năng rất đúng, mà thôi. Nay, một khi biết rằng mình không như thế, để rồi ta lại sẽ học hỏi để sống khiêm nhu, tự hạ coi mình chỉ nhỏ bé trước mọi người. Thật ra, ta vẫn chung một khuôn thước giống như cũ, vẫn ở mức độ quan trọng như bao giờ. Nhưng, cũng đừng nên cho mình quan trọng hơn như phần đông các nhóm hội đối tác. Thành thử ra, ta sẽ biết được chính mình không chỉ nhờ vào quá khứ, nhưng bằng cả cuộc sống hiện tại, để nhận chân ra sự thật rằng: tất cả chúng ta là “một”, trong muôn người.

Thay đổi được như thế, ta ắt biết lý lẽ của ưu tiên hàng đầu trong hội thánh không do sự thể là ta có thuộc nhóm “chính thuần” hay không, mà là: ta chỉ có duy nhất Một Chúa Chiên Hiền, thôi. Từ đó, toàn thể dân con Chúa sẽ tái xác định ơn gọi làm con Chúa, kể từ lúc này, hoặc khi ấy. Và, ta sẽ thấy mình là nhóm/hội bé nhỏ có đời sống nội tâm đáng quý; và, có ảnh hưởng lớn trên thế giới của đạo giáo khác cũng như của trần thế, quanh ta. Ta không là lời đáp trả cho yêu cầu mọi người đặt, nhưng sẽ luôn nguyện cầu cho mọi người tìm ra câu giải đáp cho lời cầu đích thực, đối với họ.

Thành thử, có thể tương lai sẽ không ra như ta ao ước. Cũng có thể, là ta sẽ không có thêm thời vàng son nào khác trong đó Công giáo mình sẽ lại chế ngự mọi cung cách giải quyết hết mọi việc. Có thể, ta sẽ lại học được nhiều cung cách trở thành chiên con hiền lành, dù không thuộc một ràn như trước đó. Tin Vui mau đến với ta, là: Chúa Chiên Hiền rày sẽ không khác trước, nhưng vẫn như thế mãi.

  Nếu để chiên con đứng trụ trên chân của chúng, rồi tìm cách sống riêng tư/biệt lập, e rằng sẽ khó mà trông coi chăn dắt được chúng. Hãy nâng chúng lên mà quàng cổ, rồi thì chúng cũng ổn định thôi. Rồi thì, người người sẽ có lông chiên mịn màng, dư dả để giải quyết. Và, Chúa Chiên Hiền sẽ biết cách xử sự với chiên con chỉ thích tách lìa, tự cho mình chính thống, độc lập vì chúng sẽ trở về chốn cũ, những cãi tranh, giành quyền rồi rã đám.

Trong tinh thần phấn đấu cho tình đại kết, cũng nên ngâm nga lời thơ đầy ý nhị, rằng:

“Tôi lạc hồn Xuân giữa Cố Đô,

Hỏi giăng, giăng mọc nước Tây Hồ.

Hỏi hoa, hoa vẫn thôn đào liễu,

Lòng hỏi riêng lòng: Đâu bạn xưa?”

(Thơ Đinh Hùng – Cặp Mắt Ngày Xưa)      

Có hỏi hoa và giăng, cũng đâu ngờ rằng hoa-giăng giờ đây đã xum vầy, để mọi người tìm gặp “Cặp Mắt Ngày Xưa” yêu thương mềm mại, tình đại kết. Rất nên duyên.

Lm Kevin O’Shea DCCT biên soạn – Mai Tá lược dịch

Suy niệm Chúa Nhật Thứ Ba Phục Sinh Năm B 18/04/21

 


Ta ước ao đầu đội mũ triều thiên

“Và tắm gội ở trong nguồn ánh sáng.”

(dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử

Lc 24: 35-48

Ao ước ấy, nhà thơ nay không chỉ muốn đội mũ triều thiên thôi, mà còn tắm gội trong nguồn sáng  Phục Sinh quang vinh như người nhà Đạo ở khắp chốn, vẫn rất tin.

Trình thuật thánh Luca, nay nói về nguồn sáng Phục Sinh rất đặc trưng khiến đồ đệ tin Chúa đã đích thực trỗi dậy từ cõi chết. Cụm từ “đích thực” đây hàm ngụ một thắc mắc hỏi rằng: sao con người đã chết rồi lại có thể trỗi dậy từ cõi hết được như thế? Trỗi dậy, là ngôn ngữ ít thấy có và cũng ít được sử dụng trong ngôn ngữ đời thường. Trỗi dậy, là sự kiện rất hiện thực xưa nay từng xảy đến với nhà Đạo. Sự kiện ấy, không đơn thuần là cảm nghiệm hoặc xác tín đính kèm món quà niềm tin gửi đến với đồ đệ, ngõ hầu các ngài có thể tư duy về Chúa Phục Sinh vốn trở thành sự thật từng xảy đến với Ngài.

Nhìn mặt ngoài, chừng như người đọc lại cứ nghĩ: trình thuật thánh Luca xem ra có phần mâu thuẫn rất khó tin. Khó tin, là bởi không tác giả Tin Mừng nào lại nghĩ rằng Chúa đã Phục Sinh rồi Ngài lại phải đi vào cõi chết thêm lần nữa, để người người còn tin thêm cho chắc. Bởi lẽ, Chúa chết rồi, Ngài đâu cần chết thêm lần nào nữa, mà làm gì? Do đó, trình thuật thánh Luca ghi, là chỉ muốn diễn tả thân xác đã trỗi dậy của Chúa như vật thể ta đang nhìn và đã thấy, thậm chí còn có thể sờ chạm như xác phàm có da có thịt, có đủ mọi giác quan hiểu theo nghĩa phàm trần như ăn được, uống được.

Thật ra, thánh Luca coi thân xác Chúa trỗi dậy là xác phàm có khả năng chết đi và sẽ chết như người thường, ở đời. Giống như mọi người, thánh nhân không nghĩ Thiên Chúa sẽ can thiệp vào bất cứ lúc nào để sự kiện Đức Giêsu trỗi dậy từ cõi chết lại diễn ra thêm một lần nữa. Với các thánh, xác phàm loài người và của Chúa sẽ không thể chết thêm lần nào nữa. Nhưng ở đây, sự việc “trỗi dậy” mang ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn. Vậy thì, ý nghĩa khác là khác đến độ nào? Có thực không?

Về thể lý, xác phàm tạo vật ở vũ trụ đều rữa nát và biến mất. Không ai có thể sống bằng xác phàm dù đã trỗi dậy để rồi mãi mãi đi vào chốn vĩnh hằng, sống cách khác. Con người không thể ép buộc Thiên Chúa đi vào hệ thống đầy những tắc nghẽn, hầu ngăn chặn thiên nhiên vạn vật sống đúng chức năng của mình. Giả như sau khi chết, con người lại mặc lấy cho mình cùng một thân xác như khi sống, thì đó cũng chỉ là kiếp đoạn trường của cuộc sống na ná giống như thế, chứ tuyệt nhiên không là trỗi dậy đích thực được.

Trình thuật hôm nay, thánh Luca dàn dựng một số câu truyện về “nhận thức” cốt nhấn mạnh điều này: Đức Giêsu được công nhận là người thực chứ không phải hồn ma. Và, Ngài vẫn sống năng động theo thể thức nào đó, rất khác biệt. Như thánh Máccô từng viết trước đó, thánh Luca muốn nói rõ thêm rằng các tông đồ nhận ra Thày mình đã chết nay lại hiện hình như thế, nên rất sợ. Điều, mà các thánh sợ nhất là không còn đủ thông minh sáng suốt để nhận ra được những điều đúng đắn nữa. Thế nên, câu nói đầu tiên khi các ngài nhận ra được Thày, chỉ là câu nói bâng quơ, mơ hồ, chẳng có nghĩa. Và, càng nói các ngài càng để lộ chân tướng rằng: lâu nay mình cũng chẳng hiểu gì về Thày hết. Có hiểu chăng, cũng chỉ bắt đầu từ lúc ấy trở về sau thôi.

Nói cho cùng, Đức Chúa Phục sinh không là điều mà con người có thể hiểu bằng cảm tính hoặc kinh nghiệm xác phàm. Không vật thể nào trên đời lại cùng ở vào 5 trạng thái có tầm mức tư duy khác biệt được. Thêm vào đó, đây là sự thể đích thực xảy đến với những ai từng trỗi dậy cách thực thụ, chứ không là cảm nghiệm chủ quan riêng tư nằm sẵn trong con người từng tin vào chuyện mang tính xúc cảm hệt như thế. Thành thử, vấn đề ở đây là: sự thể xảy đến theo cung cách như thế mang tính đích thực đến độ nào?

Trả lời vấn nạn này, có lẽ cũng nên tìm về với lập trường của các thánh Tổ phụ ở trời Đông thời Giáo hội tiên khởi, trong đó có thể kể đến các đấng bậc như Origen, thánh Grêgôriô thành Nyssa… Các thánh nói nhiều về “tính linh thiêng”, nhưng không bao hàm cảm giác sốt sắng/đạo hạnh, mà chỉ nói lên nhận thức yêu thương về các sự thể mà não bộ thần kinh phía trái không biết gì về chuyện ấy. Nhận thức yêu thương này, ta “hình dung” ra được sự vật tuyệt đối không là chủ đề của loại hình xuất hiện như thế. Và, sở dĩ ta có làm thế, là để biến nó thành hiện thực như ta vẫn từng làm cho chính mình, mà tự thâm sâu, ta biết rõ sự thực theo cách vượt quá ảnh hình thể hiện ở nơi đó. Thế nên, có thể nói đó là sự siêu thăng. Là, giòng chảy của sự sống rất kinh ngạc. Là, sờ chạm được thế giới hiện nguyên hình từ đầu mà thông thường ta vẫn không muốn ở trong đó.

Để minh hoạ điều này, cũng nên về với lời thơ của thi hào John F. Dean người Ái Nhĩ Lan, sau đây:

Ngài làm ta kinh ngạc, hỡi Giêsu của mọi thời,

khi  Ngài lướt trên nước, vẫn lướt nhanh trên đó, chẳng nao núng;

Hãy nghĩ về sản sinh! Nơi tăm tối, từ đó ta bất chợt nhận ra

Ngài đang bước đi trên đất miền Palestin vừa hâm nóng, nhưng không giống

Bạn và tôi ta cũng cứ đi, bởi đằng sau Ngài mọi hoa màu đều nở rộ.

Và, thảm cỏ đầy hoa, nay thành hiện thực từ thảm cỏ đấng thánh hiền tên Gioan;

Cả ta nữa, cũng nhận ra Ngài đi xuyên suốt qua tường rào đầy ngăn cách

Từng xuất hiện với đồ đệ và đồng bào Ngài, cũng bất chợt.

Ngài ngồi đó, đợi chờ ta nhận ra Ngài.

Ôi kìa, Ngài lại đã đi vào không gian vũ trụ một lần nữa,                       

Bỏ lại đằng sau, đoàn ngũ môn đệ cứ dương cao nhìn Ngài thăng tiến

Lên cao lên cao mãi, tựa hồ thiên thể đang tiến vào

Cõi mông lung không hề thấy. Mãi sau này. Nhưng là người 

Ta không còn bị con mồi lừa dối nữa, bởi họ dám đứng lên đòi sinh mạng Ngài,

Rồi đóng đinh vào cây gỗ, khiến Ngài không còn lướt đi được nữa

Trên nước, dưới đất liền hoặc cả ở bầu khí quyển đã chôn vùi Ngài trong đất.

Rồi từ đó, mọi người nay sẽ bảo: Ngài lại lướt thắng thêm lần nữa,

Và hát lên bài ca chiến thắng cả sự chết, rất kinh ngạc.”

 

Nhận thức trên, rất gần với ý niệm “lửa ngọn” bừng bừng hâm nóng đời ta sống. Cuộc đời vẫn tiến bước về phía trước, để ta có được lửa ngọn dâng cao đến tầm mức rất mới mẻ. Và, khi có kinh nghiệm về tầm dâng cao mới mẻ của người vừa trỗi dậy, nhận thức này càng dấy lên lửa ngọn bừng bừng cháy ở trong ta. Và “nhận thức” là như thế. Thành thử, vấn nạn không còn là: phục sinh trỗi dậy diễn ra theo tầm mức đích thực chừng nào, mà là: làm sao để ta nhận ra được phục sinh/trỗi dậy của ai đó có là chuyện thực ở muôn nơi? Đây mới là lời đáp trả cho phần nào câu hỏi đặt ra như thế.

Đó mới là lý do  -để ta đáp ứng với Phục Sinh quang vinh của Chúa- mà các thánh tông đồ thời tiên khởi đã phải sử dụng đến thi ca là thứ văn phong mà các ngài chưa bao giờ sử dụng ngõ hầu sờ chạm và tiếp cận Đức Chúa. Chính nhờ đó, các thánh mới nhận ra được nhịp đập cùng đường gân/thớ thịt của Ngài, còn thương tích. Các thánh đích thực thấy Thày mình bẻ bánh và đã ăn. Các ngài chẳng bao giờ quên được vị ngọt của tấm bánh. Từ phần thâm sâu, các ngài nhận ra Thày mình cùng bẻ bánh và cùng ăn uống với người nghèo ở Galilê. Cả khi Ngài vẫn làm thế mãi về sau. Chính đó là lúc các ngài viết lên bài thơ rất mới để kể cho mọi người biết rằng Ngài có mặt ở đó với các thánh và cũng làm cử chỉ tương tự.

Chính đó là sự thể đích thực. Tuy nhiên, thật đáng buồn khi ta thấy phần đông tín hữu Đạo Chúa vẫn cứ hiểu nghĩa đen về sự thể thân xác Chúa trỗi dậy rất Phục Sinh. Làm như thể, sự việc chỉ xảy ra một lần rồi thôi. Thật cũng buồn, khi dân con Đạo Chúa không biết là Phục Sinh còn hơn thế nữa. Bởi thế nên, người người đã để luột mất đi điểm chính yếu đích thực của nhiệm tích này. Buồn hơn cả, là nhiều vị lại cứ lên án những ai sử dụng thi ca để diễn tả câu truyện dụ ngôn hoặc thể loại tương tự. Buồn hơn nữa, khi nhiều vị không cảm nghiệm được giòng nhạc đích thực ở nơi đó. Hoặc, chẳng thưởng thức được nhiệm tích đích thực là sự thực rất đích xác vẫn thực sự sống động cách minh nhiên.

Quả thực, Thày Chí Thánh đã đích thực trỗi dậy để ta thực sự trở nên dân con của Ngài hơn bao giờ hết. Chính đó là sự thật rất đích thực kéo dài cả ngàn kiếp mãi về sau.

Trong chiều hướng nhận ra tính đích thực của một trỗi dậy, cũng nên ngâm tiếp lời thơ đã trích dẫn:

 

“Ca những điệu ngọc vàng cao sang sảng,

Lời văng xa truyền nhiễm đến vô song.

Bầu hạo nhiên lồng lộng một màu trong,

Không rung động bởi tơ huyền náo nức.”

(Hàn Mặc Tử - Ngoài Vũ Trụ)

 

Thi ca tuy “Ngoài Vũ Trụ”, vẫn là thi và ca để ta nhận ra Chúa Phục Sinh cách đích thực, như các thánh sử từng khẳng định qua Kinh thánh. Và, Chúa Phục Sinh nay vẫn là thi ca nhiệm mầu đầy hứng khởi để mọi người nhờ đó sẽ còn tin. Tin và yêu, như Chúa dạy vào mọi ngày. Mọi nơi. Trong đời.    

                       

 Lm Kevin O’Shea DCCT, biên soạn – Mai Tá lược dịch

Suy niệm Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh Năm B 11/4/21

 

Suy niệm Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh Năm B 

 

Mà mãi đêm nay mới nhớ ra

“Đời mình chẳng khác chuyến tàu qua.”

(dẫn từ thơ Nguyễn Bính)

 

Ga 20: 19-31

Nhà thơ tuy rất giỏi, vẫn thấy đời mình “chẳng khác chuyến tàu qua”. Nhà Đạo nay cũng khác, nhưng tất cả đã nhớ chăng điều Chúa nhắn nhủ hôm lễ Vượt Qua? Lễ Vuợt Qua, không là nỗi thống khổ Chúa gánh chịu. Nhưng “vượt và qua”, là để Ngài về với Cha, bằng sự kiện Phục Sinh quang vinh.

Về Phục Sinh, Tin Mừng Nhất Lãm bao giờ cũng kể lại truyện thánh Tôma hơi “cứng lòng” khi thấy Chúa không hiện ra với mình, ngày Ngài sống lại. Kịp khi Ngài hiện đến với tông đồ, Chúa khuyên thánh nhân đừng cứng lòng, nhưng hãy tin. Và, thánh nhân đã tin. Sở dĩ thánh nhân tin, là vì có kinh nghiệm sống với Thày nay nhất quyết: “Lạy Chúa tôi! Lạy Thiên Chúa của tôi!” (Ga 20: 28)

Trình thuật nay kể, là kể truyện như thế. Nhưng, với tác giả Tin Mừng theo thánh Gioan, thánh Tôma đại diện cho nhóm đạo xưa nay sống mật thiết với Chúa, nên vẫn tin rằng Thày đang cận kề “nhóm đạo” mình cách đặc biệt. Bằng vào kinh nghiệm Thày hiện diện ở đời mình, các vị trên hiểu là “nhóm đạo” họ có tâm tư mật thiết với Chúa hơn nhiều người khác. Thường thì, các vị này chẳng kể lại cho ai biết điều này. Bởi có kể, cũng sẽ bị hiểu lầm, phản bác hoặc bị người không kinh nghiệm sẽ chê bai, hạch sách. Thế nên, “nhóm bạn đạo của thánh Tôma” càng sống mật thiết với Chúa theo cung cách thánh thiêng, chứ không chỉ nói về Ngài thôi.

“Nhóm đạo” của thánh Tôma đặt ưu tiên rất thực dụng hầu hướng dẫn đời mình. Các vị coi đó như “bí mật niềm tin” nên vẫn mong rằng chuyện đó được đưa vào với thánh truyền hầu chào đón những người khác chính kiến/lập trường về Đức Chúa Phục Sinh. Hội thánh tiên khởi, gồm nhiều tín hữu Đạo Chúa cũng tin vào Chúa theo cung cách như thế. Và thánh Tôma được coi như ‘bổn mạng’ của nhóm này. “Nhóm đạo” này vẫn mong sao được chấp nhận đưa vào nguồn mạch chính của thánh Hội ngay từ đầu. Nhưng, chuyện này thật ra cũng không dễ.

Thái độ thường thấy nơi tín hữu Hội thánh -nhất là các đấng bậc chỉ đặt nặng vào Tin Mừng Nhất Lãm thôi- vẫn là chuyện xảy ra trên thực tế xưa kia và cả đến hôm nay. Nó ăn sâu vào lịch sử đích thực về chuyện người thường ở Hội thánh đáp ứng ra sao với cuộc đời giảng rao của Chúa và chuyện Chúa tranh đấu cho người nghèo đích thực đã bị giới cầm quyền chống báng rất mực cũng không tài nào đánh bại được Ngài. Bởi thế nên, họ mới đem Ngài đến chỗ chết. Ngài chết, là để thay cho mọi người. Và, là cái chết trên thập giá.

Truyện kể về Chúa Sống lại, ra như là Ngài vẫn còn sống và vẫn tiếp tục hoạt động trong lịch sử rất năng động. Nói cách khác, đó là lối sống do Cha thiết lập lại vẫn tạo ảnh hưởng lên người có nhu cầu. Sự sống lại, dường như là vẫn xảy đến thời tương lai nào khác cho con người. Truyền thống Tin Mừng Nhất Lãm (tức: Tin Mừng Máccô, Mátthêu và Luca) dường như không thiết tha và cũng không muốn đưa vào Phúc âm chính của Hội thánh “truyền thống thánh Tôma” vốn dĩ chỉ nói về nội tâm riêng tư ‘thầm kín’ của Đức Giêsu, chứ không có truyện kể.

Về truyền thống thánh Tôma, Phúc Âm thánh Gioan phải “đi giây” giữa “Bè lạc đạo” và điều mà mọi người vẫn gọi là đặc trưng chính thống của Đạo Chúa. Thật ra, không thể có cái-gọi-là “bè lạc đạo” tách rời khỏi Do-thái-giáo và/hoặc Kitô-giáo. Bởi, chủ trương ban đầu của nhóm/bè này đã nằm ngay trong Do-thái-giáo. Có thể nói, đây là lối đọc Kinh thánh một chiều. Là, đọc theo kiểu triết học Hy lạp (chí ít là khoa vũ-trụ-học kiểu Plato rất chung chung và rất cổ-sinh-vật-học). Ngôn ngữ Hy Lạp gọi “bè lạc đạo” là “kiến thức”. Suy tư kiểu đó, hẳn ta cũng sẽ bị mọi người cho mình thuộc nhóm “đạo rối”, dù theo đúng Do-thái-giáo. Đây là học thuyết song hành về Đạo có từ thời tiên khởi. Tức, những người như thế đã đóng khung chính bản thân họ vào cảm nghiệm tư riêng của họ.

Với họ, “đạo rối” -hiểu theo nghĩa “kiến thức” tiếng Hy Lạp- tức: bắt đầu mang ý nghĩa “tự biết mình”. Họ vẫn nghĩ, hồn người vốn có gốc nguồn khởi từ trời, nhưng nay ra thế là do uy lực thánh thiêng bị vấp váp nên mới lệch lạc, khập khiễng. Cũng theo quan niệm của nhóm này, con người là hồn linh thánh thiêng nay bị chôn chặt trong khuôn khổ xác thể. Thế nên, con người không thể biết những gì đang hiện đến với chính mình. Và Đấng Cứu Độ (dù ta có định nghĩa là đấng nào thì cũng thế) đã đến để kêu gọi ta hãy tỉnh thức khỏi giấc ngủ mơ nào đó. Ngài làm thế, ngang qua các câu hỏi như: trước đây ta là ai? Ta bị đẩy vào chốn nào? Ta đi đâu? Ta được cứu vớt khỏi những gì? Tái sinh, có nghĩa là gì?

Và, “nhóm đạo” này lâu nay triển khai lịch sử loài người, như ánh dương lâu nay bị vùi chôn trong tăm tối của bè rối. Nói chung, “nhóm-đạo-bị-gọi-là-rối” đã rời khỏi Đấng Tạo Thành Trời Đất, ra khỏi Sách Thánh Do thái, hiểu theo nghĩa riêng mà họ vẫn có từ truyện Chúa nhập vào Đức Giêsu ngõ hầu giúp đỡ các người con bé nhỏ ở thế trần được cứu vớt. Các vị trong nhóm bị-gọi-là-rối này không hài lòng truyện kể sơ sài về Đức Giêsu thời Ngài hoạt động, chết đi rồi sống lại. “Nhóm Đạo” của các vị này không tin việc nói về Chúa mà lại kể những truyện như thế, nhưng các vị chỉ muốn Chúa dẫn dắt con người vào việc tự nhận-thức chính mình theo cách thiêng liêng. Và các vị cũng đề nghị làm sao để ta xa rời thế gian càng xa bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.

Đạo Chúa ở thời đầu, cũng bao gồm nhiều nhóm/hội từng cảm nghiệm một cách nội tâm/linh thiêng về Đức Chúa Phục sinh, nên mới bị tín hữu khác chính kiến coi mình là nhóm “đạo rối”. Đàng khác, thánh “Tôma” là đấng thánh đã nắm được sự thực rất thật nên ngài mới đến với “nhóm” này. Tin Mừng thánh Gioan kể truyện thánh Tôma (thuộc nhóm Mười Hai) đặt ở vị trí đặc biệt của niềm tin qua kinh nghiệm nội tâm, tuy bề ngoài các ngài xem ra hơi giống nhóm/bè “đạo rối” nhưng sự thực không phải thế. Thánh nhân cũng là tín hữu hiền lành như các đấng bậc nào khác đến với Chúa theo kiểu phàm trần. Có khi thánh Tôma lại đã sống tốt lành hơn nhiều tín hữu thông thường khác nữa, cũng không chừng.

Ngày nay, ta có khuynh hướng cho rằng cách sống ‘công khai trần tục’ là đường lối đúng đắn. Vì thế nên, có lúc ta cũng châm chước bỏ qua cho một số “sự thể về đạo” nếu thấy vui. Lịch sử đã chứng minh rằng sự thể không phải như thế. Thời tiên khởi, có rất nhiều nhóm tín hữu cũng tin vào Đức Giêsu, nhưng theo cung cách khác biệt. Phải chờ đến thế kỷ thứ II và III, trước khi ảnh hưởng của Alexandria, Antiôkia và Rôma tạo áp lực lên Đạo Chúa, lúc ấy Hội thánh mới thu về một mối. Và Giáo hội cũng phải trải dài nhiều thế kỷ mới tới được bến bờ như bây giờ. Thế nên, mỗi khi về với lịch sử, ta có thói quen gọi các “nhóm đạo” này là bè/nhóm rất “đạo rối”. Gọi thế, không hay cho lắm khi đề cập đến nhóm chính-thống đối chọi với nhóm khác mình, ở thời đầu; hoặc về “nhóm đạo” gọi là chính-mạch đối chọi với nhóm thời sau thay thế.

Với Tin Mừng theo thánh Gioan, thì nhóm “đặc trưng” lúc ấy chưa xuất hiện. Và, thánh Gioan xem ra cũng đến từ “nhóm đạo” tin vào kinh nghiệm thiêng liêng/nội tại hơn các nhóm khác. Và, nhóm của thánh Gioan đã công nhận và bao gồm các kẻ tin giống như mình. Và tác giả thánh coi đó như niềm tin xuyên suốt, rất rộng lớn. Thánh Gioan chống lại lối suy tư của nhóm “đạo rối” vì họ cho rằng Kinh thánh của người Do thái có sai sót. Và, thánh Gioan mở rộng cho những ai có kinh nghiệm về niềm tin vốn không là “đạo rối”. Và đó không là truyền thống “đích thực ở ngoài” như truyền thống chính thức của Tin Mừng Nhất Lãm.             

Và, thánh Gioan dùng truyện kể về Tôma thánh nhân là vị thánh có kinh-nghiệm thiêng-liêng rất cá biệt hầu đề cao giá trị của “nhóm đạo” có thánh Tôma làm đại diện. Thật sự, thì bên ngoài Hội thánh, hiện có tài liệu gọi là “Tin Mừng theo thánh Tôma”. Tin Mừng này, viết từ giữa thế kỷ đầu hoặc trễ hơn, tức: cùng thời với thánh Gioan. Tin Mừng theo thánh Tôma, đến từ miền Đông nước Syria nhưng tuyệt nhiên không mang tính “đạo rối” hoặc lạc thuyết, cũng chẳng có gì là sai lầm, nhưng không là văn bản chính mạch/đặc trưng theo nghĩa Tin Mừng Nhất Lãm hoặc Phúc Âm truyên thống xuất hiện thời về sau.

Tin Mừng theo thánh Tôma, không được Hội thánh công nhận. Nhưng Tin Mừng thứ tư của thánh Gioan lâu nay là đối tác đắc lực về Lời Chúa! Tin Mừng theo thánh Tôma, có 114 lời phán của Đức Giêsu Phục sinh, nhưng không có truyện kể về Chúa vào thời Ngài sống ở thế trần!

Ngày nay, người trong Đạo có nhiều cách khác nhau để đến với niềm tin. Tin vào Đức Giêsu Phục Sinh, theo cung cách khác biệt. Một số rất tiến bộ. Một số khác đi vào “nội tâm” hơn. Nhưng, điều hay nhất có lẽ nên làm là đọc lại Tin Mừng thánh Gioan kể về cung cách thánh Tôma đến với niềm tin, ngõ hầu thấy rằng: sống lại, vẫn có chỗ cho mọi người để ta suy tư, xem xét và tin tưởng trong yêu thương.

Trong tinh thần đó, cũng nên ngâm thêm lời thơ vừa trích dẫn, rằng:

 

“Mà mãi đêm nay mới nhớ ra,

đời mình chẳng khác chuyến tàu qua.

Nhưng từ ga lớn, từ ga nhỏ,

Đời chẳng làm cho lấy một ga.”

(Nguyễn Bính – Chuyến Tầu Đêm)

 

Tầu niềm tin, có từ ga lớn/nhỏ, cũng là tầu. Cũng đừng nên có lập trường như nhà thơ nay cứ tiếp:

            “Bỏ đây một chiếc tầu kiêng đổ,

            Chở một toa tim nặng oán sầu.”

(Nguyễn Bính – bđd)

 

Và “toa tim” hôm nay không còn “nặng oán sầu”, tranh cãi nữa, nhưng sẽ chuyên chở mọi người đến với Đức Chúa của niềm tin nay sống lại với mọi người, tận thâm tâm.