Tuesday, 26 January 2021

Suy niệm Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Thường Niên Năm B

 


Máccô 1: 21-28

Đức Giêsu và các môn đệ đi vào thành Caphácnaum. Ngay ngày sabát, Người vào hội đường giảng dạy.22 Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.

23 Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên24 rằng: "Ông Giêsu Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!"25 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: "Câm đi, hãy xuất khỏi người này!"26 Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta.27 Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: "Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh! "28 Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.

“Anh gục đầu lên trang sách ước,”

“Chờ nghe máu chuyển một dư thanh.”

(dẫn từthơ Đinh Hùng)

Sách ước năm xưa, anh gục đầu. Dư thanh máu chảy, chờ nghe mãi. Sách ước năm này, Thày định ước. Ghi vào trình thuật, rất sử xanh.

            Sử xanh, thánh nhân ghi là ghi lại Lời Chúa dạy có quyền uy toả sáng từ nơi Ngài. Lời Chúa dạy, là giáo huấn Ngài tích tụ không từ một trường lớp/sách vở nào, nhưng là bẩm sinh do tự Cha. Ngay từ đầu, giáo huấn của Đức Chúa do tự Cha là những điều mới mẻ khiến người nghe sửng sốt đến kinh ngạc. Và, người người xưa nay công nhận mình chưa từng nghe biết những điều như thế.

            Biết như thế, nhưng vẫn tự hỏi giáo huấn mọi người học được nơi Ngài gồm những gì? Đó có là những điều được thánh Máccô trình thuật lại trong Tin Mừng vào bốn thập niên sau ngày Chúa chết và sống lại chăng?

            Ngay từ đầu thế kỷ, điều Chúa huấn dạy được phổ biến rộng sâu qua hình thức truyền khẩu như chứng tích đáng tin cậy không thua gì lề luật viết thành văn. Và còn là, bằng chứng hiển nhiên, hiếm hoi và quí giá như tài liệu giáo dục do các bậc thày nhà Đạo chuyên huấn tập trí tuệ để giúp người nghe ghi tạc lời Ngài như án lệ mà các bậc thức giả trong Đạo từng chỉ dẫn, lẫn dắt dìu. Nên nhớ rằng, dân con thánh hội thời tiên khởi hầu hết đều là các vị chưa biết đọc cũng chẳng biết viết cho phải phép, nên truyền khẩu chính là hình thức chuyển tải phù hợp nhất với mọi người.

            Nhiều bằng chứng cho thấy, ngay đến thánh Phaolô cũng gửi đến dân con nhà Đạo hai bản văn quan trọng để giáo dục thành viên cộng đoàn Corinthô biết đường hồi hướng trở về qua phương thức học thuộc lòng những điều thánh nhân dỗ dạy. Đó là lúc thánh nhân sử dụng nhiều phạm trù truyền thống năng nổ như: cụm từ “truyền lại”và “lãnh nhận”, hệt như trong thư gửi giáo đoàn Corinthô, có nói: “Trước hết, tôi truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là:

 

“Đức Kitô đã chết vì lỗi tội của chúng ta, như lời Kinh Thánh viết, Ngài được mai táng và ngày thứ ba đã trỗi dậy và hiện ra với ông Kêpha, rồi với Nhóm Mười Hai như Sách Thánh từng ghi chép.” (1Cr 15: 3-5)     

Trong cùng chiều hướng như thế, khi thánh nhân trích dẫn lời Kinh Thánh đều vẫn nhấn mạnh: “Như Kinh Sách từng viết”. Cụ thể như, đoạn thánh nhân nói về “Tiệc Thánh Thể”, sau đây:

 

“Thật vậy, điều tôi lãnh nhận từ Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em, là: trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: "Anh em hãy cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thày, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thày vừa làm để tưởng nhớ đến Thày." Cũng thế, cuối bữa ăn, Ngài nâng chén nói: "Đây là chén Máu Thày, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thày vừa làm để nhớ đến Thày." (1Cr 11: 23-25)

            Hai đoạn trên, được coi như khẳng định căn bản của lòng tin và như chứng từ nền tảng cho mọi nghi thức phụng vụ. Đó là ký ức truyền khẩu về giáo huấn Chúa từng dạy. Thế nhưng, vấn đề là: giáo huấn Chúa dạy các thánh thuộc loại hình nào?

            Rõ ràng, phương thức Chúa dùng để giáo huấn dân con mọi người lại đã không đạt tầm hiểu biết của người nghe ở Caphanaum như thánh sử Máccô xác nhận:

 

“Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Ngài,

vì Ngài giảng dạy như Đấng có thẩm quyền,

chứ không như các kinh sư.” (Mc 1: 22).

 

Khi giảng dạy, Ngài không làm như mọi người là: trích dẫn lời của ai, về bất cứ việc gì. Ngài sử dụng chính Lời lẽ/ý tưởng của riêng Ngài. Đó là nguồn tư tưởng có một không hai, xuất tự nơi Ngài. Là, phương thức Ngài chuyển tải chính Con Người Ngài.

            Cụ thể hơn, khi thánh Máccô viết: “Ngài giảng dạy như Đấng có thẩm quyền” thánh nhân sử dụng cụm từ bên tiếng Hy Lạp “exousia” có nghĩa như một “trợ lực”, đồng thời lại hàm ngụ ý nghĩa “Từ khởi thuỷ…” như trong sách Khởi Nguyên vẫn thấy viết. Nơi giáo huấn của Ngài, điểm độc đáo ít thấy là cung cách truyền lực cho người nghe có khả năng thực thi điều mình nhận lãnh răn dạy. Giáo huấn Ngài dạy, không thể xếp hạng theo tiêu chuẩn nào hết. Cũng không có hình thức lẫn khuôn khổ nào giống như thế. Bởi, Ngài không giảng dạy bất cứ truyền thống nào vẫn có xưa nay. Ngài chỉ liên hệ đến người nghe, là con dân mọi thời tức chúng ta. Tất cả, vẫn chỉ là “lời dạy tiên khởi” trước sau không thấy ai từng làm thế. Cũng chẳng bắt chước từ mô hình nào hết. Tư tưởng Ngài đưa ra, vẫn là ý tưởng độc đáo không ai có.

            Trình thuật, nay thánh sử cho thấy chuyện xảy ra là ở Caphanaum. Caphanaum ư? Nói thế, có nghĩa rằng: phải chăng Đức Chúa và/hoặc thánh sử Máccô từng sống ở Caphanaum sao? Có thể lắm. Gần đây, nhiều nhà chú giải cho rằng thánh Matthêu, Máccô và chính Đức Giêsu có lúc cũng từng dừng lại ở Caphanaum. Caphanaum tức Kefer Nahum- là thôn làng mang tên ngôn sứ Nahum, có chừng không đầy 1500 người sống ở đó. Thánh Phêrô từng sống ở đó, và Đức Giêsu cũng thường lưu lại và có thể cũng có căn hộ ở tại đây. Chính vì thế, Ngài gọi đó là thôn xóm của Ngài. Chính thực ra, Ngài là Giêsu thành Caphanaum, cũng rất đúng.

            Nhiều chứng tích cho thấy: vào thế kỷ đầu đời, dân con Chúa sinh sống ở đó cũng rất lâu. Ngay nhà của thánh Phêrô có lẽ là nơi hội họp/gặp gỡ cũng rất thường của dân con đi Đạo vào đầu thế kỷ,chung quanh thập niên 60, thôi. Khai quật Qumran cũng phát hiện ra một vài bình vại tẩy uế có niên đại từ cuối thế kỷ thứ hai và đầu thế kỷ thứ ba. Và, cũng thấy có nền móng cơ ngơi xuất hiện ngay từ thế kỷ đầu. Và, có nhiều kỷ vật có đề tên “Phêrô” nữa.

Đọc Tin Mừng, người đọc sẽ ngạc nhiên không ít khi thấy 90% nội dung trình thuật thánh Máccô đều thấy có trong Tin Mừng Mátthêu. Nói đúng hơn, 50% nội dung Tin Mừng thánh Mátthêu đã ghi rõ từng lời được viết trong Tin Mừng thánh Máccô, là bản văn viết sớm nhất trong các Tin Mừng. Vậy, nếu thánh Mátthêu là người Do thái nói được tiếng Hy Lạp theo thổ âm Caphanaum, thì sao thánh nhân giữ được văn vẻ của thánh Máccô là nguồn gốc Tin Mừng? Phải chăng thánh Máccô nối kết nhiều với Caphanaum? Các nhà chú giải như F. Moloney công nhận rất có thể là như thế. Tác giả cho biết Caphanaum là chốn miền gần với Giêrusalem, theo nghĩa này.

“Người đến dùng bữa tại nhà ông…” (Mc 2: 15), tiếng Hy Lạp viết: “en to oikia autou”. Nhà đây là nào vậy? Nhà của Lêvi hay của Chúa? Điều này được thừa nhận không phải như lời kể mà như một khẳng định bảo rằng Đức Giêsu cũng có nơi ăn chốn ở tại thôn làng này. Các nhà chú giải lại bảo đó là nhà của Lêvi, nhưng xem ra các vị nói như thế là do ảnh hưởng từ Tin Mừng thánh Luca. Tuy nhiên, Lêvi để lại hết mọi thứ, trước khi lên đường theo chân Chúa! Theo ngôn từ ở Tin Mừng thánh Máccô, người đọc được khuyến khích để tin rằng Đức Giêsu đã lập buổi tiệc chào đón ngay tại nhà Ngài. Caphanaum chắc chắn là trung tâm mọi sinh hoạt mục vụ tại Galilê –căn cứ điạ mọi hoạt động mang tính mục vụ.

Thánh Mátthêu và thánh Luca lại vẫn nói: Chúa không có đến chốn miền nào để gối đầu. Có lẽ hai thánh sử khẳng định như thế là muốn nói đến giai đoạn cuối trong hành trình rao giảng của Chúa. Là thợ mộc ngành thủ công, có thể là Chúa có công việc đặt địa bàn cơ sở ở Caphanaum. Và, có lẽ cũng ở nơi đó, Ngài đã gặp đồ đệ Ngài.

Xem thế thì, khi mọi người đục một lỗ trên mái nhà để đưa người liệt xuống cho Chúa chữa, thử hỏi nhà ấy có phải là nhà của Chúa không? Khái niệm về Đức Giêsu như công nhân nghèo lang thang đây đó để giảng rao, có lẽ không đúng lắm. Đọc Tin Mừng về nơi ăn chốn ở của Đức Chúa, có lẽ cũng nên thận trọng đừng đem ý niệm sở hữu tài sản ra khỏi nhận thức về các gia đình đông con vẫn thấy có nơi các nền văn hoá Trung Đông, vào thời đó.

Nói cho cùng, có lẽ ít ra cũng nên nghĩ rằng: Chúa cũng có nơi chốn bình thường để Ngài lưu lại sau những ngày rong ruổi giảng rao. Và, nơi Ngài ở, chắc chắn được dân chúng biết rõ.

Nói cho cùng, thật cũng khó mà trở thành nhà giảng dạy độc đáo. Có quyền uy. Nhất thứ là khi đấng bậc chuyên giảng dạy lại cư ngụ gần gũi với người nghe. Bởi thế nên, trường hợp của Đấng Giảng Dạy như Đức Giêsu, đích thực là như thế. Rất đặc biệt. Độc đáo. Có một không hai.

Trong tâm tình cảm nghiệm như thế, có lẽ cũng nên về với thi ca mà ngâm nga những lời, rằng:

                        “Ngào ngạt hương tay một vĩ đàn,

                        Bàn tay hoa nở trắng không gian,

                        Bước chân Người tám thu hò hẹn,

                        Ôi đoá hồn say, phím ngọc lan.”

                        (Đinh Hùng– Đàn Thu Tay Ngọc)

 

Thi ca hay Tin Mừng, hẳn vẫn nói lên những tình tự vĩ đại của các đấng bậc có “bàn tay nở trắng không gian”. “bước chân người tám thu hò hẹn”, tức “những đoá hồn say phím ngọc lan”. Phím ngọc lan hay lan ngọc, vẫn là tình tự được giảng dạy xưa nay, rất mai ngày. Ở mọi nơi. Mọi thời. Mọi nơi chốn rất thiên thu. Nghìn trùng.

Lm Kevin O’Shea DCCT biên soạn –

Mai Tá lược dịch

 

Saturday, 23 January 2021

Suy niệm Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Thường Niên Năm B

 


Mc 1: 14-20
Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa.15 Người nói: "Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng."
16 Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-môn với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá.17 Người bảo họ: "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá."18 Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.
 
19 Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền.20 Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.
 
“Anh đã đón tình em bay phất phới,”
“Như hương trăng đằm thắm cõi không gian”
(dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)
 
“Đằm thắm cõi không gian”, đấy chốn miền có Chúa hiện diện. Có thánh Máccô bày tỏ tình Chúa đối với con người bằng trình thuật, rất hôm nay.
 
Trình thuật hôm nay, thánh Máccô tỏ bày bằng ngôn ngữ ngắn, gọn và chân tình theo lối đối thoại giữa người nói và người nghe, vẫn gần gũi. Bằng giọng văn đối đáp trực thọai, thánh sử tóm tắt sứ điệp Chúa nhắn nhủ mọi người chớ nên nghĩ về mình nữa, nhưng hãy đổi thay tầm nhìn sự sống của mình không mang tính kiêu sa/mầu mè, cũng chẳng nên khách sáo/đẩy đưa kiểu người đời, ở nhiều nơi.
 
Nhiều nơi như New York cách nay không lâu, truyền thông báo Đạo đã giới thiệu một thuật truyện mang tựa đề “Tiểu Thuyết Họa Đồ”, rất năng nổ. Phải nói, đây là bi hài kịch viết theo kiểu Tin Mừng thánh Máccô qua đó tác giả đính kèm dáng dấp của trào lưu khác thường thật hiện thực, khiến mọi người phải lưu tâm. Trong khi đó, Tin Mừng thánh Mác-cô, là áng văn lạ viết về đời hoạt động của Đức Chúa quyết chấp nhận mọi sự vào mình để Ngài lại đến với con người theo cung cách thực tế, rất giống thế.
 
Từ đầu, “Tiểu Thuyết Họa Đồ” trưng dẫn cho người đọc thấy tính chất rất mực của người bình thường, tức: những người luôn phải giáp mặt với thực tại, giống như ta sống đời thường nhật của con người gồm những tháng ngày đầy tranh đấu giữa sinh lực của sự sống chống lại mãnh lực của tà thần/sự dữ có những sầu buồn, ỉ ôi, với nỗi chết. Và, các nhà chú giải đã đánh giá cao cuốn này, coi đó như sách viết về Đạo, tuyệt diệu lại rất “Máccô”. 
 
Nhận định như thế, là bởi sách viết này tạo ra nhân vật chính giống hệt Đức Giêsu ở điểm: vai trò của nhân vật chính cũng dầm mình trong cõi chết, khi Ngài thuận để thánh Gioan Tiền Hô thanh tẩy Ngài, nơi giòng chảy xuyên suốt. Thêm vào đó, còn sự kiện khác nữa là Ngài đã đi vào chốn khô cằn, sỏi đá đầy chết chóc; để rồi sau 40 ngày trầm lặng trong thanh tịnh, Ngài đã ra khỏi chốn miền đầy chết chóc ấy hầu lướt vượt tà thần/sự dữ bằng một trỗi dậy hiền từ, đôn hậu.
 
“Tiểu Thuyết Họa Đồ”, lại đã diễn tả thực tế duy thực-tại khác khi tác giả tạo nhiều nhân vật giống người thường ở đời, giống như ta. Giống, nghĩa là: ai cũng phải giáp mặt/đối đầu thực tại ở đời thường. Vốn mang trong mình phản ứng cụ thể và thực tế như sách, tác giả sử dụng chủ từ “Chúng tôi” nhằm nói lên đặc trưng/đặc thù của mỗi người, và mọi người. Bằng vào cụm từ “Chúng tôi”, tác giả tạo nhấn mạnh tính “kết thân” giữa mọi nhân vật ở trong sách. Đặc biệt hơn, ngôn từ sử dụng còn mang tính lịch lãm/thanh tao giống lối viết của thánh Máccô ở trình thuật. Tóm lại, điểm tương đồng giữa hai sách lại như sau: 
 
“Khi ấy, một số người quây quần bên nhau qua tư thế nhìn xuống, miệng ngậm câm, tay cầm bút viết cẩn thận nhưng lại ghi sai tên tuổi của mỗi người; những người mà tác giả gọi là: kẻ nghèo hèn hoặc vô gia cư, cùng trạng huống. 
 
“Chúng tôi” để ý thấy có những người như thế, nhưng cứ bảo: điều đó chẳng dính dự đến “Chúng tôi”. Bởi, “Chúng tôi” chỉ biết đóng thuế, biết giữ gìn mồm miệng để không ai bị lôi vào vấn đề gì, và cũng sẽ chẳng sao. Là người da trắng, “Chúng tôi” không đặt nặng chuyện kỳ thị. Vốn vừa khỏe lại vừa trẻ, “Chúng tôi” thuộc giới thợ lại có thêm chút kiến thức, nên “Chúng tôi” vẫn luôn tin vào bản năng và phẩm chất của riêng mình. Từ bục cao, hễ nhìn thấy bắt gặp kẻ vô gia cư/nghèo hèn nào, “Chúng tôi” thấy mình được nhiều ơn phúc lạ, hơn người khác. Bởi thế nên, ơn lành thừa kế do Trên ban vẫn dành cho “Chúng tôi”, suốt cuộc đời. 
 
“Chúng tôi” chẳng hề bị người đời coi như kè nghèo hèn lang thang đây đó hoặc thuộc lớp người cùng khổ, cũng không bị ai mang thành kiến, nên “Chúng tôi” sống rất tin tưởng. Tin, bằng niềm tin vượt lên trên nhận thức rất quí giá nên nghĩ rằng: sở dĩ người nghèo hèn bị chèn ép, là bởi chẳng ai đoái hoài để họ có cơ hội vãn than thân phận bọt bèo của mình. Riêng “Chúng tôi” lại tin rằng mình luôn gắn bó với Chúa, nên nhờ đó được Ngài đỡ nâng. Bởi thế nên,”Chúng tôi” chẳng khi nào tự coi mình như đám “trâu chậm uống nước đục”, nhưng vẫn biết quì lạy tỏ bày lòng cảm kích biết ơn Ngài vì Ngài đã gửi đến với mình đường lối dẫn dắt hầu đem “Chúng tôi” đến với Nước Trời, ở trần thế.
 
Ở “Tiểu Thuyết (rất) Họa Đồ” cũng có nhân vật Gioan Tẩy Giả là nhân vật thủ đóng vai trò của đấng-chuyên-nhận-nước-dìm-người cũng từng đồng hành với “Chúng tôi”. Gioan Tiền Hô từng nói: “Chúng tôi” gồm toàn những người chuyên bịt mắt mình nên không nhìn ra những gì đang xảy đến. Và, “Chúng tôi” vốn là phạm nhân, nên phải tự tháo xích xiềng vây quấn thân mình. Thánh nhân đề nghị “Chúng tôi” hãy theo ông để ông chỉ dẫn con đường thoát khỏi ách nô lệ ràng buộc. 
 
“Chúng tôi” hỏi: phải chăng ông là đấng thánh chưa từng làm hại một ai hoặc từng có mục tiêu đem người vào chốn tối tăm, lầm đường; hoặc, là tay cách mạng lật đổ và trừ khử giới cầm quyền của “Chúng tôi”? Và chúng tôi tự hỏi: phải chăng ông cũng hãi sợ rằng chính mình rồi ra cũng bị cầm giữ? Ông trả lời: “Ông chẳng là gì cả ngoài kẻ đi bước trước hô to lên rằng: có Vị đến sau ông còn quý trọng hơn ông nhiều. Vài người trong số “Chúng tôi” cũng dấn bước đi theo nên được ông tẩy sạch mọi tì vết. 
 
“Chúng tôi” ăn vận áo sống sơ sài trên đó ghi đôi giòng chữ “Tôi từng có mặt ở giòng sông” nhưng lại cứ tự bịt mắt mình nên mãi mãi chẳng nhìn xa trông rộng được bao lăm. Chính Đức Giêsu cũng được thánh Gioan Tiền Hô thanh tẩy bằng giòng chảy ở nơi đó. Và khi bước khỏi giòng sông tẩy rửa, Ngài được Thần Khí Chúa hiện thân qua dạng chim câu hiền lành, đã ở lại cùng Ngài mãi mãi. Gia đình Ngài vốn ái ngại nhiều hậu quả, nên đã bỏ Ngài lại một mình không có Gioan Tiền Hô ở cùng. Nhưng bất cứ nơi nào Ngài đặt chân đến, Ngài đều đánh động lên chúng dân, và chữa lành cho họ.
 
Một số người “Chúng tôi” là những kẻ có tài kinh bang tổ chức đã nói với Ngài rằng “Chúng tôi” sẽ bỏ lại mọi thân chủ cùng cơ sở kinh doanh để cùng chúng tôi Ngài hoàn tất thứ gì Ngài muốn như: chữa lành người bệnh,cứu sống kẻ đói nghèo, và giải quyết mọi bất công hoặc thứ gì khác. Ngài có hỏi: “Còn cái chết thì sao?”. Và, bởi “Chúng tôi” không muốn chết nên đã bỏ Ngài lại rồi yêu cầu Ngài hãy bảo dân con đồ đệ đến gọi người của “Chúng tôi” mỗi khi Ngài cần gì. Ngài bèn nói: “Dân con của Ta ư? Ta chẳng có ai là con dân hết”.
 
Đặt chân đên vùng biển, Ngài gặp tay lái buôn sừng sỏ tên là Zeb, yêu cầu anh tìm cho Ngài một số người. Zeb hỏi: “Tìm được ai bây giờ? Bởi, mọi người ở đây đều chán ngán chuyện vớ vẩn họ cứ phải nghe dạy suốt ngày. Vì thế nên, họ đã ném đá vào đầu những người ấy”. Đức Giêsu bảo: “Họ sẽ bắt đầu làm việc ấy thôi”. Và, Zeb dẫn một số người đi theo anh đến gặp Ngài. 
 
Đức Giêsu hỏi tên tuổi những người ấy là gì? Anh nói: “Chúng tôi” có cả ngàn vạn tên và họ khác nhau: người anh hùng, kẻ đần độn, đây người nổi loạn, kia kẻ khùng điên… Nhưng, chúng tôi cũng có tên thật của mình. Nghe thế, Ngài liền nói: “Hãy theo Ta! Rồi các ngươi sẽ thấy”. 
 
Khi Gioan Tiền Hô bị hãm hại, Đức Giêsu bảo với dân con Ngài rằng:“ Hãy cởi bỏ lớp vải che bịt lòng cứng tin đi. Ngài còn nói: “Đừng sợ! Có thể, việc ấy làm các con đau khổ lúc đầu đến khi mắt các con quen dần với ánh sáng, rồi sẽ hết”. “Chúng tôi” bèn phản ứng thưa cùng Ngài: “Ông sẽ không được đón tiếp ở đây đâu. Ông hãy đi xa đi đừng để “Chúng tôi” nổi đóa nữa. “Chúng tôi” biết Ông là Ai và là Gì rồi.” Nghe đến đó, Ngài bèn tống ác thần/sự dữ ra khỏi chúng tôi. Và ác thần công nhận Ngài là Đấng Nhân Hiền Duy Nhất, Con của Chúa.
 
Một hôm, Ngài gặp nhạc mẫu ông Phêrô lên cơn sốt sắp về chốn miên trường đầy xa cách, Ngài bèn ra lệnh cho cơn nóng xuất khỏi con người bà; rồi ban cho bà sự sống và bảo: “Hãy chấm dứt, không ai được cách ly người bệnh khỏi nhóm mình”. Sau đó, Ngài thấy người bệnh phung cũng bị chia cách nên đã ôm hôn anh và đem anh về lại chốn an toàn như lúc trước. “Chúng tôi” nói: “Hôm nay Ngài đến đây, thật rất vui. Và, nay Ngài đến với mọi người, đã cứu vớt cả và thế gian mà chẳng cần đến lời cảm kích từ một ai”. 
 
Và, dân con đồ đệ kể cả Simôn Phêrô cùng bạn bè đã bắt đầu quảng bá tiếp cận Ngài. Đồ đệ tập họp đám nghèo hèn/tật bệnh thành từng nhóm và trao cho mỗi người số thứ tự rồi hô lớn: “Trỗi dậy đi, bà con! Đừng ngại nữa. Vì quyền năng chữa lành mọi sự nay hiện tỏ cách lạ thường. Tại đây. Ở thôn xóm nhỏ này! Hãy đứng lên hành động đừng chậm trễ! Hãy nhanh chóng hành động. Bởi, Ngài sẽ đi thôi”. 
 
Xem như thế, một Người Con đã đến với thế gian tự bao giờ. Trước Ngài không thấy ai như thế. Ngài là Con Người Mới rất đích thực. Và, mọi việc sẽ ra như thế.
 
Trong cảm kích đón nhận Ngài, cũng nên về với thi ca mà thưởng ngọan lời thơ nay vẫn hát: 
 
“Anh đã gặp hồn em đương chới với,
Bến Mê Hà trên giải nước mênh mang.
Anh đã đón tình em bay phất phới,
Như hương trăng đằm thắm cõi không gian”
(Hàn Mạc Tử - Sáng Láng)
 
Vâng. Mê Hà là đây, chốn mênh mang, hồn đã gặp. Gặp cả “Tiểu Thuyết Họa Đồ” vẫn đồ họa tình Ngài trải rộng mãi ở muôn nơi. Suốt mọi thời. 
 
Lm Kevin O’Shea DCCT biên soạn
Mai Tá lược dịch

Friday, 8 January 2021

Suy niệm Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Thường Niên Năm B 17/01/2021

 

“'Tuyết xuống phương nào, lạnh lắm không?”

“Mà đây lòng trắng một mùa đông.”

                                              (dẫn từ thơ Vũ Hoàng Chương).

Ga 1: 35-42           

Tuyết rơi, có rơi xuống mười phương hay tám hướng đi nữa, vẫn cứ lạnh. Tuyết vẫn lạnh, còn hơn cơn bão của “lòng trắng một mùa đông” khi hội lễ Chúa Giáng Hạ vừa mới dứt. Và nay, người người về lại với mùa thường niên để rồi sẽ bước vào mùa Chay tịnh, có trình thuật rất sưởi ấm.

Trình thuật, nay thánh sử ghi về sứ vụ công khai của Đức Giêsu luôn sưởi ấm con người bằng tình thương yêu cứu độ. Trình thuật, thánh sử viết ngay ban đầu về nhận định của thánh Gioan Tẩy giả khi thấy Đức Giêsu đi ngang: “Này là Chiên Thiên Chúa” (Ga 1: 36).  Qua nhận định này, thánh Gioan Tẩy Giả xác nhận vai trò của Chúa trong công trình cứu độ, do Cha gửi. Nhận định ấy, được diễn bày vào tuần tới, ở các bài Tin Mừng do thánh Mác-cô ghi. Thế nên, đây là dịp tốt để người người tìm hiểu ý-lực được thánh Máccô làm nền cho Tân Ước, để ta hiểu.

Với thánh Máccô, Tin Mừng là tin rất mừng gửi đến dân con Chúa sống ở Rôma, ít năm sau ngày Giêrusalem bị đập phá. Đó, là lúc dân Chúa bị thúc ép làm nô lệ đến cùng tột, để rồi cũng chết khổ nhục như Thầy mình. Đó, cũng là lúc dân-Chúa-chọn bị bách hại đủ điều dưới chế độ đầy bạo lực của đế quốc Rôma tàn ác. Nhưng, trình thuật thánh Mác-cô vẫn viết theo chiều hướng tư riêng, sâu sắc không bị ảnh hưởng của những hành xử từ người của đế quốc.

Thánh Mác-cô coi thế giới ta đang sống như một pháp trường đầy sức chiến đấu. Pháp trường này, có đủ sinh lực để chống lại mãnh lực của sự chết, hệt như bi kịch cuộc đời. Thế nên, ngay ở đầu sách Tin Mừng, thánh sử đã vẽ lên cảnh trí Chúa chìm ngập trong mãnh lực của sự chết, khi Ngài dầm mình nơi sông Gio-đăng để nhận thanh tẩy, từ Gioan Tẩy Giả. Và từ đó, Ngài nhận sức sống đầy Thần Khí khi rời sông nước. Thánh nhân lại viết thêm cảnh Chúa bước vào sa mạc, chốn miền của những khô cằn đầy chết chóc không một ai sống sót; nhưng Ngài tồn tại sau 40 ngày, bởi nơi Ngài tràn đầy sự sống. Và, sứ vụ của Ngài thắng vượt sức mạnh của cái chết tạo cho Ngài cũng như hết thảy chúng ta.

Thánh sử Mác-cô nhận xét thấy ngay trong mãnh lực của sự chết vẫn có kẻ “xuất quỷ nhập thần” vẫn kềm chế được. Chính vì thế, phần đầu Tin Mừng, thánh sử kể cho mọi người nghe truyện Chúa tống khứ đám quỷ sứ khỏi người bị ma nhập, nơi đền thờ. Rồi, Chúa lại chữa lành kẻ mắc bệnh phung cũng bị người đời coi như đã chết dần chết mòn. Sau đó, thánh nhân giải thích về sinh lực sự sống nơi Đức Chúa. Đó không là “mãnh lực của tà thần”, nhưng trái lại, chính Ngài đã tống xuất uy lực của sự chết bằng việc chứng tỏ Ngài mạnh hơn chúng. Ngài làm thế, qua việc chữa lành cho người bệnh, khỏi mãnh lực của tà thần mà họ từng bị uy hiếp. Ngài chữa lành bằng sờ chạm đầy xót thương.                           

Đức Giêsu chứng tỏ cho mọi người thấy tình thương yêu/đùm bọc tiếp cận được mọi người sẽ mạnh mẽ hơn mọi uy lực, dù là uy lực của sự sống hay nỗi chết. Đây, là điểm nhấn mà các Đức Giáo Hoàng từ Đức Phaolô VI đến các vị về sau, vẫn gọi sự kiện này là “văn hoá của thương yêu”. 

Kịp đến khi thánh Gioan Tẩy Giả bị vua quan giết chết, thánh Mác-cô lại kể cho người đọc Tin Mừng biết những ám muội do sức mạnh của tà thần/sự chết tập hợp và trực chỉ vào chính Chúa. Ngài thân hành đi Giêrusalem để giáp mặt với chúng. Giáp mặt không theo kiểu của giác đấu có người thắng, kẻ thua. Ở tình huống này, Ngài tuyên bố Ngài đến không phải để toàn thắng mọi chuyện nhưng là để “phục vụ”, tức cho đi trọn vẹn con người của Ngài như một bảo đảm cho tất cả những ai bị sức mạnh của tà thần sự chết ám hại.

Ngài đã cho đi chính mình Ngài, cho mọi người, không để sử dụng theo cung cách khuynh loát, thống trị mà như món quà dịu hiền để giải thoát con người khỏi mọi loại hình quyền lực. Cách duy nhất giúp Ngài thực hiện điều ấy là bằng cách tự thăng hoá tình thương yêu đối với những người bị hãm hại. Bằng vào con đường sống đem đến cho Ngài vì mục đích cao cả ấy. Thánh Máccô cho thấy Đức Giêsu luôn chọn lập trường chống lại quyền hành và ưu đãi để có thể làm được thế. Thánh sử còn cho biết: ngay đến môn đồ Ngài cũng hiểu sai hoặc không nhìn thấy mục tiêu Ngài đi tới.

Thánh Máccô nhìn về Hội thánh như thánh hội hành xử khác với đồ đệ của Chúa. Nhưng, ngay sau khi Chúa sống lại, Hội thánh biết dấn bước theo bước đường Ngài đi ngõ hầu làm sống lên sức sống đã được Thần Khí Chúa hỗ trợ bằng mọi ân lộc của ngày lễ Ngũ Tuần.

Với thánh Mác-cô, điểm đặc trưng nơi Đức Giêsu là tính nhân hiền, hiện thực. Đức Giêsu ở Tin Mừng thánh Mác-cô là Đấng sống trong cảnh dậy sóng, rất phong ba. Ngài không như người Galilê nhàn nhã, với tướng tá một lãnh tụ. Ngài chẳng có nét vẻ anh hùng La Mã, Hy Lạp hay Do thái. Ngài chỉ trải rộng cho người sống chung quanh sự kinh ngạc, hoảng hốt đến độ khao khát sự cao cả. Với họ, lời Ngài rất phức tạp, khó hiểu. Toàn ý tưởng làm đồ đệ rối trí. Ai thích chuyện nổ dòn hoặc nệ cổ đều không ưa kiểu Ngài giảng dạy. Họ chỉ muốn Ngài toàn thắng quan chức đô hộ, lộng hành bằng tính quả cảm dám ăn dám nói trước mãnh lực của sự dữ. Ngài là Đấng duy thực cao cả chưa từng thấy. Dám trực diện sự chết. Cung cách của Ngài hiền từ, êm dịu hơn mọi người. Nơi Ngài, mọi người thấy phát tiết sự hiền dịu trỗi dậy từ sự chết.

Với Tin Mừng thánh Mác-cô, người đọc không thấy nói việc Chúa sinh ra. Nhưng, tác giả đi thẳng vào việc gặp gỡ Đức Kitô trưởng thành dính dự vào những vấn đề của đời Ngài. Ngài giữ kín lý lịch. Ngài chẳng muốn làm phép lạ để tỏ ra là mình cao cả. Nhưng Ngài liều lĩnh đưa mạng sống mình ra để giải thoát sự sống rất hiền dịu là Nước Trời, cho mọi người. Dù có bị hành hình đến nỗi chết, Ngài vẫn hiên ngang tiến tới. Ngài không có uy lực trên mọi người, nhưng lại có “quyền lực” trên mọi sức mạnh phi nhân bản chỉ muốn kềm chế con người.

Sống như thế, Đức Giêsu chừng như thách thức các nhóm người Do thái đã vững chãi vào thời Ngài. Họ đáp trả bằng việc ly cách Ngài khỏi dân và cuối cùng bằng cái chết rất khổ nhục. Tin Mừng của thánh Máccô viết về Chúa là viết về thân phận của Đức Giêsu đặt trong tay của những con người không niềm tin.

Cuối cùng, Ngài chết trong bóng tối. Và lúc ấy, không có dấu hiệu của sự trỗi dậy và các phụ nữ đành bỏ về trong lặng thinh. Nhưng, Đấng Dịu Hiền đã trổi dậy, về với Galilê để tiếp tục làm sạch nhân trần khỏi uy lực bạo tàn của sự chết. Với thánh Máccô, sống lại không phải là kết hậu cho truyện kể rất sầu buồn. Đó là khởi đầu của truyện kể mới. Một hiện hữu mới đem đến với Chúa, với đồ đệ và với người đọc Tin Mừng, thánh nhân viết. Vào cuối trang Tin Mừng, thánh Máccô nói các phụ nữ bỏ chạy vì hãi sợ. Cứ từ từ xem sao. Vâng. Có thể là, thánh Máccô trả lời: sao quý vị lại cứ nghĩ là chính tôi phải viết những đoạn kế tiếp? Chính quý vị mới là người lãnh trách nhiệm tiếp tục viết Tin Mừng.

Nơi thánh Máccô, quả có sự hiện thực khá bất thường. Bất thường là thánh nhân đề nghị chúng ta chỉ lĩnh hội khá nhiều thực tế, rất như thế. Thánh Mác-cô trình và thuật cho ta thấy Đức Giêsu có thể đảm nhận trọng trách ấy. Đồng thời, nơi thánh Mác-cô lại có sự hiền dịu rất bất thường. Trong khi đa số con dân Chúa chỉ có rất ít sự hiền dịu ấy. Phần đông chúng ta đều nhìn thấy được sự hiền dịu ở nơi nào sự hiện thực đang nhạt phai.Thánh Mác-cô còn cho thấy nơi Đức Giêsu, sự hiền dịu đã lên đến cực điểm ngay giữa hiện thực. Đó là nghịch thường của Tin Mừng do thánh nhân viết. Chính đó vừa là sự chết và sống lại hiện hữu cùng một lượt.

Phụng vụ năm nay còn trưng dẫn nhiều chương đoạn của Tin Mừng thánh Máccô viết. Và, người đọc cũng còn học được nhiều điều về cuộc sống. Về, sự sống có nỗi chết . Về sự sống ngay chính giữa nỗi chết. Có người quan niệm: Mùa Chay năm nay sẽ bắt đầu hơi sớm. Nhưng nếu đọc kỹ Tin Mừng thánh Máccô viết, ta sẽ còn thấy rõ, theo chừng mực nào đó, mùa chay tịnh đã bắt đầu từ lâu rồi. Bắt đầu từ cuộc sống mới chớm, ở nơi ta.

Trong tâm tình nhận ra mùa chay trong đời người, cũng nên ngâm lên lời thơ trên để vui sống: 

 

                                     “Tương tư nổi đuốc thâu canh đợi

              Thoảng gió ..trà mi động mấy bông..”

  (Vũ Hoàng Chương – Đời Vắng Em Rồi Say Với Ai?)

 

Có nổi đuốc thâu canh đợi mấy đi nữa, cũng chẳng thấy rõ Mùa Chay đời người đã có đó nơi con người. Bởi, sự sống của mỗi người đều đính kèm mãnh lực của sự chết, rất dễ biết. Biết rõ khi nhận thức được sự hiền dịu của Đức Chúa, nơi hiện thực ở đời người. 

Lm Kevin O'Shea DCCT biên soạn

Mai Tá lược dịch