Thursday, 18 June 2020

Suy Tư Tin Mừng tuần thứ 12 thường niên năm A 210620



           Hôm ấy,  Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: 
"Anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng.

"Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục. Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.

"Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời." (Mt 10: 26-33)

“Nhưng Chúa hiểu tại sao con yêu người lắm”
“Con nguyện cầu tình con luôn đằm thắm
Chia nụ cười , an ủi lúc khổ đau
Giúp chúng con luôn nâng đỡ lẫn nhau
Và xin Cháu bảo tồn tình con nhé.” (dẫn từ thơ SC)

Trong nguyện cầu, nhà thơ mong tình yêu luôn đằm thắm. Thắm tình người, thắm cả vào lúc khổ đau. Tình người hôm nay, Chúa có nói: “đừng sợ! Chớ lo! Kẻo mất tình thân thương, cộng đoàn. Không sợ và chẳng lo nhưng vẫn giữ tình dân con, là tâm tình Chúa nhắn nhủ, ở Phúc âm.

Phúc âm hôm nay, ghi rõ lời Ngài: “ Anh em đừng sợ!” Sợ ở đây, là: sợ cho sự an toàn của cải. Sợ, cả khi mọi chuyện đang yên ổn. Với cộng đoàn tình thương, an toàn của cải không là vấn đề chính, để ta lo. Mà, chỉ nên lo lắng cho nhau; san sẻ những gì mình có, chuyển cho người thiếu thốn, đang cần. 

Bài đọc hôm nay, đặt trọng tâm vào việc thiết yếu: những chuyện có thể xảy đến với ta trong khi ta sống và thực hiện Lời Chúa, một  cách nghiêm chỉnh.  Như đã biết, bước theo chân Chúa nên hiểu cho đúng, (chứ không chỉ là chuyện lo đi nhà thờ/đọc kinh), mà là gieo rắc và truyền giao thông điệp thương yêu, công bình và an lạc bằng lời nói và hành động. Thông điệp này, đã và đang bị nhiều người coi như một mối đe doạ, cần phản bác. 

Điều ảo tưởng lâu nay ta vẫn có, là: người theo Chúa cách trọn vẹn, chắc chắn là những người luôn được mọi kẻ yêu thương – thán phục. Nhưng, không phải thế. Người theo Chúa, thường hay bị ghen ghét, vì Danh Ngài. Thật ra, là Kitô hữu đích thực, không hẳn là kẻ được mọi người yêu thương tìm đến, thán phục. Nhưng, chính là người, bằng vào lời nói và gương sáng, biết rao truyền thị kiến sống trọn vẹn, điều Chúa khuyên. 

Dù luôn được Chúa nhủ khuyên, nhưng Kitô hữu chúng ta lại hay mâu thuẫn khi so sánh cuộc đời mình với cuộc sống nhởn nhơ ngoài đời. Sống điều Chúa khuyên, dù rằng hiền lành, tử tế, yên hàn,bất bạo động, chẳng đụng chạm đến ai. Thế mà, vẫn bị người đời coi khinh, ghét bỏ,  thậm chí, có vị còn bị đe doạ/ trù dập nguy đến tính mạng, nữa. Trường hợp điển hình như thế, vẫn dẫy đầy nơi lịch sử nhà Đạo.

Dễ thấy nhất, là trường hợp Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero bị giết đang khi dâng lễ, ở El Salvador. Sau cái chết của ngài, sáu linh mục đồng hành cũng bị vạ lây và bị giết, lúc nửa đêm. Công việc các ngài làm, chỉ là kêu gọi phải công bình trong đối xử với giới nghèo hèn/bất lực trong xã hội. Điều tệ hại, là: sự dữ cứ xảy ra không chỉ tai Nam Mỹ, mà còn ở nơi khác nữa. Ở nhiều nơi, dân con Đạo Chúa chỉ muốn sống đời Phúc Âm thôi, cũng bị bách hại.

Phúc Âm hôm nay, gợi nhớ Lời Ngài dạy: 

Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ,
thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy,
Đấng ngự trên trời.”   
(Mt 10:32)

Sống Lời Chúa, ta sẽ được Ngài bảo vệ và giúp đỡ. Được Chúa giúp, ta không còn nguy cơ để luột mất sự sống của chính mình. Bởi, trên thực tế, nhiều người vẫn cứ nhượng bộ chấp nhận sự xấu để được sống thoải mái dễ chịu. Chính vì thế, Ngài đã bảo:

Anh em đừng sợ những kẻ giết được xác,
nhưng không giết được hồn;
hãy sợ Đấng có thể diệt cả hồn lẫn xác,
trong hoả ngục”. 
(Mt 10:28).

Quả thật, lo sợ lớn đối với mọi người không là sự chết, nhưng sợ bị lôi cuốn mà phản lại các đặc trưng lâu nay ta vẫn có, trong cộng đoàn. Sống có đặc trưng/đặc điểm nơi cộng đoàn, là sống biết truyền rao thông điệp của Chúa. Đó là cuộc sống của tiên tri/ngôn sứ. Sống tiên tri, không có nghĩa sống theo kiểu cách của nhà phù thuỷ, biết trước sự việc xảy đến. Sống tiên tri, là đọc được “dấu chỉ thời đại”. Là, biết hướng đi xấu của xã hội đang trên đà đi xuống. Sống tiên tri, là như Winston Churchill thập niên ‘30’, đã dám tự mình chống lại chính sách nhượng bộ, muốn quay sang với Hitler

Sống tiên tri, là sống vai trò đã diễn tả ở bài đọc một, trong đó ông Giêrêmia lúc ban đầu chẳng muốn làm ngôn sứ. Ông nghĩ, mình không đủ tài năng và tư cách làm theo lời Chúa, cho đến khi Chúa quyết định chọn ông. Và khi ấy, ông chợt nhận ra: vai trò truyền rao thông điệp của Chúa, đã làm, đã làm mất đi nhiều bè bạn, nên ông nói:

“Hãy tố cáo, hãy tố cáo nó đi!
Tất cả bạn bè thân thích đều rình xem con vấp ngã.” ( Ge 20:10).
           
“Tố cáo và rình xem con vấp ngã”, là cách thức con người ngày nay đã đối xử với Gandhi, Martin Luther King, và nhiều ngôn sứ khác. Tố cáo và rình rập, vẫn dễ làm hơn là chịu nghe theo lời khuyên. Và ngôn sứ đã đã chịu nghe vì biết có Thiên Chúa, có Đấng –Là- Sự- Thật luôn chống đỡ:

“Nhưng Đức Chúa hằng ở bên con,
như dũng tướng vạn năng;
bởi thế, những kẻ bách hại con
trượt nhào không sao thắng nổi.” (Ge 20:11)

Hội thánh hôm nay, cũng có hai nhóm ngôn sứ. Nhóm đầu, coi như theo đúng ’hiến  pháp’ gồm giám mục, linh mục, các nhà thần học và thủ lĩnh tôn giáo, nam lẫn nữ. Vai trò của các vị này là giúp ta sống niềm tin theo đúng tinh thần Phúc Âm, ở đời thuờng. Nhóm thứ hai, là các tiên tri có “đặc sủng “ theo đúng nghĩa của thế giới gian trần. Là những Martin Luther King,những Giám mục Romero thời đại, ta vẫn thấy. Nói chung, ngôn sứ là những vị biết trao tặng đời mình cho những gì mình tin tưởng. 

Cùng một chiều hướng, có thể nói không sai rằng: Mẹ Têresa Calcutta đã là ngôn sứ. Mẹ là ngôn sứ không theo nghĩa những gì mẹ nói. Nhưng là theo những gì mẹ làm. Nhất thứ, điều mẹ làm đã nhắc ta nhớ đến kẻ nghèo nhất trong số người nghèo hèn. Và, nhận ra diện mạo Đức Chúa nơi người hèn yếu. Cũng nên biết rằng, tên và tuổi chúng ta đã và đang được sắp vào danh sách các ngôn sứ Đạo Chúa ngay ngày hôm nay. Trong cộng đoàn thân thương của chính mình.

Với Tân Ước, ngôn sứ là quà tặng của Chúa Thánh Linh. Và theo ý nghĩa đích thực của danh xưng, đây chính là “ ơn gọi” rất đặc thù. Tuy nhiên, một số loại hình của vai trò ngôn sứ đã có sẵn nơi mỗi một người chúng ta. Bởi, khi thanh tẩy, ta đã đã được  mời gọi làm nhân chứng cho giá trị của Lời Chúa. Nhân chứng, bằng lời nói và bằng gương sáng trước các nghịch cảnh xảy ra ở gia đình, nơi sở làm, ngoài phố chợ và đường đời. 

Giả như, ta thấy sống đời con Chúa không khác gì như đời sống của người dưng ở đời thường. Hoặc giả như cộng đoàn ta sinh hoạt chẳng để lại dấu ấn nào với xã hội quanh ta thì lúc ấy ta cũng nên tự kiểm, coi xem lối sống của ta có phản ánh điều Phúc Âm vẫn đòi hỏi không. Bởi, chúng ta tề tựu quanh nhau mỗi tuần để dâng tiến nguyện cầu thôi, chưa đủ. Cuộc sống của ta phải làm chứng cho sự công bình, phẩm cách, chính trực, tinh thần phục vụ, san sẻ nguồn lợi tức, bảo vệ kẻ hèn yếu, bị bỏ rơi, mới đúng nghĩa. 

Sống làm chứng, có thể gây nhiều phản đối/chống trả từ phía bạn bè/người quen. Sống, với chủ trương ‘lương thiện’ hơn bon chen, ‘phục vụ’ hơn thao túng, ‘công minh’ hơn ngạo mạn. ‘Bảo bọc, giùm giúp’ khách lạ người dưng hơn cứng ngắc với luật lệ, vẫn là, những việc khó làm trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, sống chính trực với Đức Kitô, vẫn hơn là o bế mị dân để lôi kéo kẻ yếu về phe ta. Và, trong mọi trường hợp, vẫn cần tin tưởng nơi Chúa và nơi chính mình. Và trên hết, cần thâm tín rằng: phương cách duy nhất làm lợi cho mọi người là Đường Chúa dẫn đi. 

Trong tin tưởng vào Đường Chúa dẫn đi, ta chung vui góp giọng cùng lời ca hôm trước:

            “ Cho tôi được một lần
            Nhìn quê hương đợi sáng
            Một lần nhân nghĩa sống lên ngôi
            Người người cùng chung vui một lối
            Đời thôi không lừa dối
            Vì đã yêu thương rồi”
(Bảo Thu- Cho Tôi Được Một Lần)

Đúng thế. Khi, người người cùng chung một lối- lối sống, lối nhìn sự việc – thì đời người sẽ “thôi không lừa dối”, mà là yêu thương. Yêu, như Chúa vẫn dạy. Yêu, khi “chia nhau nụ cười”, và “ an ủi lúc khổ đau”. Yêu, bằng tình đằm thắm. Rất thân thương. 

Lm Kevin O’Shea CSsR biên-soạn – Mai Tá lược dịch.

No comments: