BELLEVILLE, ILL — Đức
Hồng Y Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun – Giám mục Đại Diện Tông Tòa Pakse và
Giám Quản Tông Tòa Viêng Chăn, Lào, như bị bất chợt trở thành Hồng Y kể từ tuyên
bố “đầy bất ngờ” của ĐTC Phanxicô bổ nhiệm vị Giám mục Lào này trở thành tân
Hồng Y vào hôm 21 tháng 5 vừa qua.
Tham gia cử hành Thánh lễ tạ ơn
về 17 vị tử đạo của Lào vào ngày 16/6 và 17/6 vừa qua tại Vương Cung Thánh
Đường Đức Bà Tuyết tại Belleville, Illinois, là sự kiện chính thức cuối cùng
trong danh nghĩa Giám mục của Đức Cha Ling. 17 vị tử đạo, “Linh mục Giuse Thao
Tiên và 16 bạn tử đạo”, đã được tuyên phong Chân Phước vào ngày 11 tháng 12 năm
2016 tại Nhà thờ Thánh Tâm ở Viêng Chăn, thủ đô của Lào.
Có khoảng 45.000 tín hữu Công
giáo tại Lào, chiếm dưới 1% của dân số khoảng 7 triệu người. Các nhà truyền
giáo nước ngoài đã bị trục xuất và các tín hữu Công giáo bị bách hại sau khi
cộng sản Pathet Lào lên nắm quyền tại nước này vào năm 1975. Các linh mục và tu
sĩ bị tống giam hoặc đưa đi các trại cải tạo.
Ngày nay, Lào đã mở cửa ra với
thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, bất kể những cuộc cải cách kinh tế, đất nước
hiện vẫn còn nghèo nàn và phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài. Chính phủ cũng đã
thực hiện việc kiểm soát chặt chẽ đối với các phương tiện thông tin đại chúng.
Vị Tân Hồng Y đã có vài điểm dừng
chân tại Hoa Kỳ trước khi bay tới Rome để tham dự cơ mật viện vào ngày 28 tháng
6 sắp tới. Ngài dự kiến sẽ tới Pháp, trước khi trở về Lào vào tháng 7.
Thực sự phải mất vài ngày để có
thể bắt đầu hiểu được hoàn toàn thông tin từ Rome về điều này [trở thành Hồng
Y], Đức Cha Ling cho biết. Ngoài tiếng Kmhmu, Đức Cha Ling – một người thuộc
dân tộc Kmhmu, cũng có thể nói tiếng Lào, tiếng Pháp và tiếng Anh. Cuộc phỏng
vấn này đã được thực hiện tại Lào bao gồm những tin tức bất ngờ, phản ứng đầu
tiên của Ngài về lý do tại sao ĐTC Phanxicô đã chọn Ngài, mối quan hệ giữa Giáo
hội và chính phủ, và các vị tử đạo của Lào. Nó đã được chỉnh sửa vì độ dài và
tính rõ ràng của cuộc phỏng vấn.
NCR: Thưa
Đức Hồng Y Ling, Ngài đã nghe biết về thông tin mình được bổ nhiệm Hồng Y khi
nào?
ĐHY Ling: Tôi thực sự không có ý
kiến gì về việc này. Đột nhiên, tôi nhận được một cú điện thoại từ một cựu sinh
viên. Cậu ta nói chúc mừng tôi vì đã được bầu chọn làm Hồng Y. Tôi bảo anh học
trò này đừng trêu chọc người thầy cao niên của mình. Điều đó chẳng đúng đắn
chút nào. Tôi không tin người học trò này vào thời điểm đó, đó là sau bữa tối
hôm Chúa Nhật 21 tháng 5 vừa qua. Tôi đã có mặt tại Pakse vào thời điểm đó.
Sau đó, tôi lại tiếp tục nhận
được một cú điện thoại khác từ một nữ tu, nữ tu này cũng đã gửi lời chúc mừng
việc tôi được bổ nhiệm Hồng Y.
Tôi mới nói, “Sơ đùa tôi
à?”.
“Thưa không”, vị nữ tu trả lời.
Sau đó tôi mới hỏi những người
khác được bổ nhiệm là ai. Vị nữ tu này cho biết có tất cả năm người và tôi là
người thứ tư. Tôi mới bắt đầu tin tưởng một chút.
Các cuộc gọi điện thoại đã không
hề dừng lại trong vòng hai hoặc ba ngày. Các Email bắt đầu đổ về hộp thư của
tôi. Sau đó, tôi mới kiểm tra trên internet để xem đó có thực sự là tôi và đích
danh tôi hay không. Có lẽ họ có thể đã hiểu lầm đó là tên tôi. Như quý vị biết,
họ của tôi, Mangkanekhoum [MANG-KHA-NE-KHUN], rất khó phát âm.
Một ngày sau đó, Sứ Thần Tòa
Thánh [Đức Tổng Giám Mục Paul Tschang In-Nam, phái viên Tòa Thánh tại Lào] và
viên chức của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin cũng đã gọi điện chúc mừng tôi.
Với các cuộc điện thoại của họ, tôi bắt đầu cảm thấy đôi chút tích cực về tin
này. Sau đó, tôi đến Viêng Chăn có công việc. Đức Cha Banchong [Tito Banchong
Thopanhong, Giám Quản Tông Tòa Luang Prabang] và tôi phải xin thị thực.
Cho đến lúc đó, tất cả mọi người,
bao gồm một số giáo dân đến từ Thái Lan, các nhà truyền giáo và các nữ tu người
Ý, đã muốn gặp gỡ tôi tại Viêng Chăn. Mọi người hiện đều biết về việc tôi đã
được bổ nhiệm Hồng Y. Quý vị có thể làm gì khi tin tức này đã trở nên công
khai? Tôi đoán rằng tôi không thể từ chối việc bổ nhiệm này.
Phản ứng
của Đức Cha là gì? Ngài đã cảm thấy thế nào?
Như tôi đã nói ở trên, tôi cảm
thấy đó không phải là sự thật, vì tôi không nghĩ nó nghiêm trọng. Tôi nghĩ họ
chỉ đang trêu chọc tôi. Tôi cũng chẳng sợ gì. Tôi thực sự chẳng cảm thấy bất cứ
điều gì cả, bởi vì tôi không nghĩ rằng đó là sự thật. Tôi nghĩ với việc được bổ
nhiệm như vậy, một số quan chức có thể đã gọi cho tôi trước tiên.
Khi tôi đến Bangkok để ăn tối
cùng với hai Hồng Y của Bangkok [Nguyên Hồng Y TGM Michai Kitbunchu và Đức Hồng
Y TGM đương nhiệm Kriengsak Kovithavanij], họ đã nói với tôi về cùng một kinh
nghiệm, rằng khi Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm một ai đó – Ngài trước hết chỉ chọn họ
và sau đó mới chính thức công bố. Đó là quyết định riêng của chính Đức Giáo
Hoàng. Sau khi nghe “các vị Hồng Y đàn anh”, tôi đã cảm thấy bình an.
Đó là một khoảng thời gian hết
sức bận rộn với những người đến từ Canada, Pháp và khắp nơi qua các cuộc điện
thoại và email, bày tỏ những lời chúc tốt đẹp nhất của họ đối với tôi. Phải mất
vài tuần để trả lời tất cả những email đó. Đổi lại, tôi mời gọi mọi người hãy
cầu nguyện cho tôi.
Ngài nghĩ
tại sao ĐTC Phanxicô lại bổ nhiệm Ngài làm Hồng Y?
Khi chúng tôi thực hiện chuyến
viếng thăm ‘ad limina’ vào ngày 26 tháng Giêng vừa qua, chẳng ai có thể nghĩ về
điều này. Tuy nhiên, trong chuyến viếng thăm này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã
nhắn nhủ với chúng tôi rằng sức mạnh của Giáo hội nằm ở các Giáo hội địa
phương, đặc biệt là những Giáo hội nhỏ bé, những Giáo hội yếu ớt và những Giáo
hội bị bách hại. Đây chính là cột trụ của Giáo hội hoàn vũ. Tôi hơi bối rối một
chút.
Ngày hôm sau, chúng tôi cử hành
Thánh Lễ cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô, và một lần nữa Ngài nhắc lại cùng một
chủ đề trong bài giảng của mình. Điều này đã khiến tôi không khỏi ngạc nhiên.
Tôi đã đi đến kết luận từ điều mà ĐTC Phanxicô đã nhấn mạnh rằng sức mạnh của
Giáo hội xuất phát từ sự nhẫn nại, kiên trì và sẵn sàng đón nhận thực tại của
đức tin. Chính điều này đã khiến tôi nghĩ rằng sự nghèo đói, đau khổ và việc bị
bách hại chính là ba cột giúp củng cố Giáo hội.
Vì vậy,
Đức Cha nghĩ rằng đó chính là lý do mà ĐTC Phanxicô đã chọn Ngài từ một Giáo
hội nghèo đói, đau khổ và bị bách hại này?
Vâng, đó cũng chính là
những nhận xét của Ngài.
Chính phủ
đã phản ứng thế nào với việc Ngài được bổ nhiệm Hồng Y?
Vào thời điểm này, không có bất
kì phản ứng nào từ phía chính phủ. Vẫn chưa có bất kì tuyên bố
chính thức và trực tiếp nào về vấn đề này được đưa ra. Tôi không biết
chính phủ có hiểu được tầm quan trọng của Hồng Y, ý nghĩa của tước vị này
đối với họ, và trách nhiệm của Hồng Y trong Giáo hội…
Tuy nhiên, có một yêu cầu cho một
cuộc hẹn. Có những người Công Giáo nắm giữ các chức vụ cao hơn trong chính phủ.
Họ đã gửi cho tôi một lời mời để nói chuyện với họ… Tôi sẽ rất
vui để chấp nhận lời mời. Tôi muốn tìm ra những phương thế để
hợp tác và có những mối quan hệ tốt đẹp hơn với chính phủ.
Sau khi
chủ nghĩa cộng sản tiếp quản đất nước vào năm 1975,
Đức Cha Banchong đã bị giam giữ hoặc “bị cải tạo” trong hơn chín
năm. Vậy Ngài bị giam giữ nhiêu năm và phản ứng
của Ngài như thế nào?
Tôi đã bị
giam giữ trong vòng ba năm. Việc bắt giữ và cuối
cùng là việc giam cầm ngay từ đầu đã khiến tôi sợ hãi. Tôi
tự nghĩ, tại sao họ lại bắt giữ tôi? Sau đó, họ đã nói với
tôi về lý do của việc tôi bị giam giữ. “Vì ông rao giảng về Đức
Giêsu Kitô”.
Tôi đã chấp nhận lý do này, vì nó
chính là một sự thật. Họ đã đúng, tôi đã “rao giảng” về Chúa Giêsu. Đó là một
cáo buộc chính xác.
Mối quan
hệ giữa Giáo hội và Chính phủ hiện nay thế nào? Việc chăm sóc mục vụ cho các
giáo dân khó khăn đến mức nào? Làm thế nào để có thể rao giảng Tin Mừng? Có
những hạn chế nào đối với các hoạt động của Giáo hội?
Ở cấp trung ương và cấp bộ, không
có vấn đề gì. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở các chính quyền khu vực và thành phố. Cũng
giống như vậy trong cả nước, bởi vì các mối quan hệ làm việc giữa các chính
quyền trung ương và địa phương không được vận hành một cách trơn tru…
[Liên quan đến công tác mục vụ
đối với việc rao giảng Tin Mừng và chăm sóc mục vụ], Vâng, họ đã ngăn cấm việc
giảng dạy về Chúa Giêsu. Có những quy định nghiêm cấm việc truyền bá giáo huấn
của Chúa Giêsu.
Nhưng trên thực tế, đôi khi những
quy định này đã không được thực hiện. Nó phụ thuộc vào từng khu vực. Ở một số
vùng, không có vấn đề gì đối với việc thực hiện công việc rao giảng Tin Mừng
của các giáo lý viên cũng như việc chăm sóc mục vụ. Ở một khu vực khác, điều
này có thể gặp một số khó khăn. Ở một số khu vực khác, điều đó hoàn toàn có thể
gặp nguy hiểm.
Về cơ bản, mỗi khu vực hoặc thành
phố thực hiện những quy định về tự do tôn giáo một cách khác nhau. Các linh mục
có thể đi đây đó để dâng Thánh lễ. Tại bất kỳ ngôi làng nào đã tồn tại một giáo
xứ hoặc một ngôi nhà thờ nào, thì điều này chẳng có vấn đề gì.
Tuy nhiên, sẽ là vấn
đề nếu như quý vị đang xây dựng một ngôi thánh
đường mới, bởi vì đó là một điều gì đó hoàn toàn mới. Nhưng vấn đề
như vậy có thể được thương thảo với các quan chức chính quyền địa phương. Chúng
ta cần thiết lập mối quan hệ với họ và đàm phán với họ. Điều này có thể dễ dàng
ở một nơi nào đó, nhưng có thể sẽ không dễ dàng ở một nơi nào khác. Điều quan
trọng nhất hiện nay, khi chúng ta muốn xây dựng một tổ chức mới, chúng ta phải
biết ngôn ngữ và hệ thống. Chúng ta phải đàm phán với các quan chức chính quyền
địa phương và khiến cho điều này được trở nên được chấp thuận bởi cả hai bên.
Ngài hiện
diện tại Hoa Kỳ nhân dịp tạ ơn 17 vị tử đạo. Làm thế nào mà Chính phủ Pathet
Lào lại cho phép việc cử hành tạ ơn khi các vị tử đạobị giết hạidưới tay cộng
sản? Họ không cảm thấy bị xúc phạm chăng?
Chúng tôi không chú trọng đến sự
thực là những vị tử đạo của chúng tôi đã bị giết hại bởi tay cộng sản. Trên
thực tế, không phải tất cả những vị tử đạo này đều bị giết hại bởi những người
cộng sản. Còn có nhiều lý do khác.
Trong bất kỳ trường hợp nào,
chúng tôi cũng yêu cầu chính phủ Lào cho phép chúng tôi có một buổi lễ phong
Chân Phước ở đất nước của chúng tôi. Họ đã cho phép chúng tôi đánh dấu sự kiện
này. Việc chấp thuận này có ý nghĩa gì? Điều đó có nghĩa là ít nhất chính phủ
cũng nhận thấy rằng chúng ta cần xây dựng nền tảng cơ bản cho mối quan hệ giữa
Giáo hội và chính phủ.
Đó là lý do tại sao chúng tôi
không sử dụng thuật ngữ ‘tử đạo’. Chúng tôi sử dụng một thuật ngữ tốt hơn và
chính xác hơn để miêu tả những anh hùng tử đạo này. Chúng tôi gọi họ là “tổ tiên
của đức tin”. Thật vậy, đây là thuật ngữ thích hợp nhất. Nếu chúng tôi không có
tổ tiên của đức tin, thì không có các anh hùng tử đạo. Mọi người đều có thể
chấp nhận thuật ngữ này…
Tôi tin rằng không chỉ chính phủ
mà mọi người đều chấp nhận điều này một cách bình thường – một dịp lễ kỷ niệm
tri ân đối với tổ tiên của chúng ta trong đức tin. Đây chính là luận lý của
chúng tôi, được chính phủ chấp nhận. Chúng tôi chẳng việc gì phải phản đối
chính phủ.
Khi Ngài
tham gia trong tư cách thành viên của Hồng Y Đoàn, theo một cách nào đó, đất
nước Lào hiện nay đã được nhiều người biết đến. Vậy Đức Cha muốn thấy điều gì
nơi sự phát triển liên quan đến mối quan hệ giữa Giáo hội và chính phủ tại Lào?
Đất nước chúng tôi hiện đang trên
đà phát triển. Đất nước chúng tôi đã mở cửa rộng rãi. Quả thật, đôi khi chính
phủ sẽ đưa ra các luật lệ và các mệnh lệnh có phạm vi hẹp. Tuy nhiên, có thể
nói rằng nó linh hoạt.
Hãy nhìn vào mối quan hệ ngoại
giao giữa Tòa thánh và các nước Đông Nam Á. Myanmar hiện đã có quan hệ ngoại giao
với Toà Thánh, như là kết quả của cuộc gặp gỡ của bà Aung San Suu Kyi với ĐTC
Phanxicô gần đây. Việt Nam, đã thiết lập quan hệ với Toà Thánh, đang trong quá
trình để có được một Sứ Thần Tòa Thánh tại Hà Nội. Thái Lan và Campuchia cũng
đã có mối quan hệ ngoại giao. Chỉ có Lào là không có quan hệ ngoại giao với Tòa
Thánh. Cần phải đặt một dấu chấm hỏi về mối quan hệ này và tôi đã đang nỗ lực
làm việc về vấn đề này…
Chúng ta có thể làm thay đổi cách
nghĩ của chính phủ, rằng chúng ta không phải là kẻ thù của nhau. Chúng ta là
bằng hữu. Chúng ta cần xây dựng mối quan hệ hữu nghị. Nếu cả hai bên cùng hợp
tác, chúng ta dự kiến sẽ có một mối quan hệ tốt đẹp hơn phía trước.
Trong một
quốc gia có 45.131 người Công giáo trong tổng số 6.4 triệu người, với 20 linh
mục đang phục vụ, 98 tu sĩ nam nữ trong tổng số tất cả 218 Giáo xứ – có những
nỗ lực nào để làm việc với các ưu tiên mục vụ không? Còn công việc của các giáo
lý viên thì sao?
Sự hợp tác quan trọng là ở
Thakhek, vì đó là nơi chúng tôi có một chủng viện lớn. Chúng tôi đang giúp đỡ
lẫn nhau để xây dựng chủng viện này. Ban đầu, nó đã không phát triển một cách
có hiệu quả. Chương trình giảng dạy và các khóa học không được tổ chức tốt vì
các giáo sư chủng viện không thể dành toàn bộ thời gian của họ cho chương trình
đào tạo của chúng tôi. Các giáo sư người Thái Lan không phải có sự cam kết với
chúng tôi. Họ được yêu cầu dạy 7 ngày trong tuần, nhưng họ chỉ dạy ba ngày một
tuần. Sau đó chúng tôi quyết định sử dụng các nhân viên của Dòng Truyền giáo Mẹ
Vô Nhiễm và Hội Thừa Sai Paris. Họ dạy tiếng Lào. Chúng tôi có khoảng 15 chủng
sinh trong năm nay.
Về các giáo lý viên, tôi đã luôn
luôn dành hết tâm trí với họ. Tôi là giám đốc của
một trường đào tạo giáo lý
viên trước khi tôi bị giam giữ. Sau khi tôi được trả tự do, tôi tiếp tục công
việc tại Paksan và sau đó tại Pakse khi tôi được bổ nhiệm làm Đại diện Tông Tòa
ở đó.
Mặc dù hiện nay tôi không trực
tiếp điều hành chương trình nhưng tôi vẫn hướng tới họ. Tôi chưa bao giờ từ bỏ
sứ vụ này. Hiện tại, với tư cách là Giám Quản Tông Tòa Viêng Chăn, có nhiều
giáo lý viên giảng dạy ở đó, cả những người đã lớn tuổi lẫn thanh thiếu niên.
Chúng tôi hiện không còn một trường học để đào tạo nữa vì rất khó để có được
một chương trình đào tạo với giám đốc điều hành cũng như việc thành lập. Chúng
tôi đã triển khai một hệ thống mới với hàng loạt các khóa học. Chúng tôi đã mời
họ đến giảng dạy trong mỗi khóa học, và điều này giúp chúng tôi dễ dàng hơn về
mặt tài chính.
Người
Công giáo chiếm một phần nhỏ trong tổng dân số. Đa số người dân là Phật tử. Các
Giám mục châu Á đã từng thiết lập cuộc đối thoại liên tôn như là một trong
những ưu tiên của họ. Vậy Đức Cha có thể cho biết về tình hình liên tôn trong
Giáo phận của Đức Cha không?
Không có vấn đề gì với mối quan
hệ với các anh chị em Phật tử. Nhưng giữa các tín hữu Công giáo và các Kitô hữu
khác, có thể có một số vấn đề. Mỗi người trong chúng ta đều có một cách rao
giảng Tin Mừng khác nhau. Các anh em Kitô hữu của chúng ta có thể có một chương
trình loan báo Tin Mừng được phát triển và có thể gặt hái được rất
nhiều thành quả. Nhưng trái lại, chương trình của chúng ta thì hết sức đơn
giản và không mấy sôi nổi.
Vấn đề nằm giữa sự hiểu biết về
truyền thống và văn hoá. Chẳng hạn như, chúng ta hãy nghĩ về lễ hội baci [buộc
cổ tay và cùng cầu nguyện với ai đó] là một sự kiện truyền thống của các tín
hữu tụ tập để cầu nguyện cho một cá nhân nào đó vào những dịp khác nhau. Các
nhóm Kitô hữu khác có thể xem một buổi lễ như vậy như là việc tuân giữ thuyết
duy linh. Vâng, mỗi người có một cách nghĩ khác nhau về vấn đề này, vì vậy một
cuộc đối thoại chỉ là không giải quyết được bất cứ điều gì.
Minh Tuệ (theo NCR)